Kasha (tiếng Nhật: 火車, âm Hán Việt là "hỏa xa", một cách viết khác nữa là 化車, âm Hán Việt là "hóa xa") là một loại yêu quái trong quan niệm dân gian Nhật Bản, chúng được cho là cướp thi hài của những người tạo ác nghiệp khi còn sống.
Kasha được cho là loài yêu quái cướp xác chết tại nghĩa địa hay các đám ma và những câu chuyện liên quan đến nó có mặt khắp nơi trên nước Nhật. Người ta cho rằng bản thể của Kasha chính là Nekomata, con mèo sống lâu thành tinh biến hóa nên.[1] Trong truyện cổ "Neko danka" (thí chủ mèo) và truyện "Kasha baba" (lão bà Kasha) ở thành phố Yamasaki, xứ Harima (nay là tỉnh Hyōgo) cũng xuất hiện Kasha với những điểm tương đồng.[2]
Tại làng Kamikuishiki, tỉnh Yamanashi, người ta cử hành tang lễ hai lần để phòng ngừa bị Kasha sống trong ngôi chùa gần đó đến cướp xác. Lần đầu người ta nhét đầy đá vào quan tài để phòng ngừa Kasha cướp xác người chết. Tại thành phố Yawatahama, tỉnh Ehime, người ta còn tin rằng nếu để một con dao cạo đầu lên trên quan tài thì sẽ không bị Kasha đến bắt xác. Tại làng Saigō, tỉnh Miyazaki thì trước khi mang quan tài ra khỏi nhà, người ta đọc hai lần câu "Baku niha kuwasen" (không để cho con Baku ăn xác. Baku là con thú huyền thoại ăn giấc mơ) hoặc câu "Kasha niha kuwasen" (không để Kasha ăn xác). Còn tại làng Kumagai, tỉnh Okayama thì người ta thổi một loại nhạc khí cổ truyền gọi là Myōhachi để tránh Kasha trong đám tang.
Tại thành phố Tōno, tỉnh Iwate có yêu quái mang hình dáng của người đàn bà, sống ở dãy núi bên ngọn đèo kéo dài từ làng Ayaori cho đến làng Miyamori. Người đàn bà này được gọi là Kyasha, chuyên cướp xác chết trong quan tài, đào bới nghĩa địa để ăn thịt xác chết. Tại tỉnh Nagano cũng có yêu quái tên là Kyasha, chuyên cướp xác chết trong đám tang. Còn tại tỉnh Yamagata, ngày xưa có một người đàn ông giàu có, khi chết bị con mèo Kasha đến cướp xác nhưng nhờ có Hòa thượng ở chùa Thanh Nguyên (Seigenji) mà thi hài được bảo vệ. Cái đuôi mèo còn sót lại được xem là bùa trừ ma và được thờ cúng ở Quan Âm đường, đến dịp Tết hàng năm thì được công khai để quần chúng chiêm bái.[3] Tại làng Akihata ở tỉnh Gumma có loài yêu quái ăn thịt người chết được gọi là Temmaru. Người ta đặt một chiếc giỏ tre lên trên ngôi mộ để ngăn không cho nó đến cướp xác.[4] Còn tại đảo Himaka, tỉnh Aichi thì người ta gọi Kasha bằng cái tên "Madōkusha" và tin rằng đó là do con mèo già trăm tuổi thành tinh biến hóa thành.[5] Tại thành phố Imizu, tỉnh Kagoshima thì người ta cho rằng có loài yêu quái tên gọi Kimotori (nghĩa là "lấy gan") thường xuất hiện bên mồ mả người chết sau đám tang.
Xưa nay người Nhật vẫn tin rằng mèo là con vật nhiều ma tính, người ta quan niệm rằng "không được để mèo lại gần người chết", "nếu con mèo nhảy qua quan tài thì xác chết bên trong sẽ bật dậy". Ngoài ra, trong tập sách "Uji Shūi Monogatari" vào đầu thế kỷ 13 có chép rằng bọn ngục tốt (ác quỷ tra tấn người chết ở địa ngục) kéo cỗ xe lửa cháy rực đi bắt thi hài của tội nhân sau khi chết hoặc bắt tội nhân khi vẫn còn sống. Vì vậy có thuyết cho rằng quan niệm về Kasha là sự pha trộn giữa quan niệm về ma tính của loài mèo và chuyện cỗ xe lửa cướp xác tử tù. Ngoài ra cũng có thuyết cho rằng quan niệm yêu quái Kappa dìm người ta chết đuối rồi ăn nội tạng từ đường hậu môn cũng được sinh ra từ ảnh hưởng của Kasha.[6] Người Trung Quốc cho rằng có loài yêu quái thích ăn gan của xác chết, tên của nó được viết là 魍魎 (đọc âm Nhật là "Mōryō") nhưng khi đến Nhật thì nó bị nhầm lẫn với Kasha. Và như đã thuật bên trên, y sĩ Chihara Kyosai gọi tên con thú này trong "Bōsō Manroku" là "Kasha" dù vẫn viết là 魍魎. Còn trong tập tùy bút Mimi Bukuro" của Negishi Shizumori vào giữa thời Edo thì tên của yêu quái cướp xác chết là "Mōryō".[7]
Trong tiếng Nhật hiện đại có nhiều thành ngữ phái sinh từ quan niệm về Kasha. Thành ngữ "Hi no kuruma" (cỗ xe lửa) được dùng để chỉ trạng thái túng quẫn về mặt kinh tế. Thành ngữ này bắt nguồn từ chuyện cỗ xe lửa do âm binh kéo đi hành hạ người chết. Còn tại xứ Harima và các vùng phụ cận, người ta dùng thành ngữ "Kasha Baba" (lão bà Kasha) để rủa bà già độc ác, cú bẩn như loài mèo ma. Ngoài ra trong làng chơi, từ Kasha (hoa xa) được dùng để chỉ mụ tú bà quản lý các du nữ.