Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Mổ lấy thai (sinh mổ, mổ bắt con, mổ Cesar) là một phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau thai, màng ối bằng một vết mổ qua thành bụng và thành tử cung còn nguyên vẹn.
Định nghĩa này không bao gồm việc mổ bụng lấy một thai ngoài tử cung, nằm trong ổ bụng, hay lấy một thai đã rơi một phần hay toàn bộ vào trong ổ bụng do vỡ tử cung.
Năm 1581, Francois Rousset có đề cập đến mổ lấy thai, nhưng bản thân ông chưa bao giờ làm cũng như chứng kiến một cuộc phẫu thuật như thế này.
Mổ lấy thai thực hiện trên người sống lần đầu tiên vào khoảng đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong do mổ lấy thai vào thời gian này còn rất cao do hạn chế về gây mê và nguy cơ nhiễm trùng cao.
1882, Sanger đưa ra một phương pháp mổ lấy thai theo đường mổ dọc thân tử cung – mà ngày nay được gọi là phương pháp cổ điển.
1912, Kronig đề nghị một phương pháp mổ lấy thai bằng đường mổ đứng dọc đoạn dưới tử cung. Phương pháp này sau đó được Beck (1919) và De Lee (1922) cải tiến và áp dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ.
Cuối cùng, vào năm 1926, Kerr miêu tả một đường mổ lấy thai ngang đoạn dưới tử cung, và đây là đường mổ được áp dụng phổ biến nhất cho đến tận ngày nay.
Đầu thế kỷ 20, tỷ lệ mổ lấy thai còn rất thấp, khoảng 0,6–5%. Nhưng ngày nay, nhờ sự phát triển của gây mê hồi sức, của phương tiện vô khuẩn mà chỉ định của mổ lấy thai ngày càng cao.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở Mỹ là khoảng 21.2% (1998).
Sự gia tăng đó là do (1) mổ lấy thai thay cho các thủ thuật lấy thai bằng forceps cao và trung bình (2) mổ lấy thai dự phòng trong ngôi mông (1990, 83% trường hợp ngôi mông được mổ lấy thai (theo Notzon và cs)) (3) phát hiện sớm và đánh giá đúng mức suy thai nhờ máy monitoring sản khoa (4) mổ lấy thai ở những bệnh nhân có vết mổ lấy thai cũ.
Với chỉ định mổ lấy thai trong những trường hợp này sẽ có lợi cho cả hai mẹ con. Đó là:
Có thể tóm tắt lại các chỉ định của mổ lấy thai trong 4 chỉ định sau, đó 4 chỉ định thường gặp nhất của mổ lấy thai là: Mẹ có vết mổ cũ trên thân tử cung, ngôi mông, thai suy và sanh khó - chiếm 85% tổng số các trường hợp sanh mổ.
Lưu ý: tuyệt đối không có chỉ định mổ lấy thai theo yêu cầu của bệnh nhân.
Thực ra không có chống chỉ định của mổ lấy thai nếu như đã có chỉ định. Nhưng trong một số trường hợp phải cân nhắc. Ví dụ: cuộc mổ có nguy cơ đe doạ tính mạng bà mẹ (như bà mẹ có bệnh phổi nặng), cũng không nên mổ lấy thai ở những thai có bất thường nhiễm sắc thể (trisomie 13 hay 18) hoặc thai có di tật bẩm sinh không thể sống được nếu được mổ lấy ra.
Những điều sau cần chuẩn bị cho bệnh nhân
Thích hợp nhất là khi đã vào chuyển dạ, lúc này đoạn dưới tử cung đã được thành lập.
Đối với mổ lấy thai vì vết mổ cũ, các bác sĩ thường mổ ngay lúc bắt đầu chuyển dạ, thai nhi đã trưởng thành, và cổ tử cung đã mở tránh nguy cơ bế sản dịch.
Đối với vết mổ cũ dọc thân tử cung, thì các bác sĩ lại chủ động mổ sớm vì nguy cơ nứt vết mổ cũ, vỡ tử cung ngay cả khi chưa có chuyển dạ.
Các phương pháp vô cảm thường dùng là mê nội khí quản, tê ngoài màng cứng và tê tuỷ sống.
Có hai phương pháp rạch tử cung để vào buồng tử cung lấy thai.
Tuy nhiên trong những trường hợp trên vẫn có thể dùng đường mổ ngang đoạn dưới tử cung. Tuy nhiên có một chỉ định tuyệt đối của mổ đường dọc thân tử cung đó là mẹ có ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Lóc nhau bằng tay nếu chảy máu nhiều, còn nếu ít chảy máu thì có thể chờ tử cung co hồi và nhau tự bong.
Sau đó bệnh nhân sẽ được truyền Oxytocin giúp tử cung co hồi tốt.
Có thể khâu một hoặc hai lớp. Riêng đường mổ dọc thân cần phải khâu nhiều lớp.
Khi khâu phải lấy toàn bộ lớp cơ, phẫu thuật viên sẽ không lấy cả lớp niêm mạc tử cung vì nếu để niêm mạc lọt vào giữa vết mổ bệnh nhân có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung sau này.
Ngày nay tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng nhiều. Nhưng mổ lấy thai không phải là một phương pháp an toàn, mà cũng có nguy hiểm và ảnh hưởng đến tương lai sản khoa của bà mẹ.
Một sản phụ có một vết mổ cũ trên tử cung luôn được coi là một sản phụ nguy cơ cao:
Vì vậy cần cân nhắc khi mổ lấy thai. Và trong thời kỳ hậu phẫu thì cần nhớ rằng bệnh nhân luôn có 2 vấn đề: vấn đề hậu phẫu và vấn đề hậu sản.