Pháp Luân Công

Pháp Luân Công
Biểu tượng Pháp Luân Đại Pháp
Phồn thể法輪功
Giản thể法轮功
Pháp Luân Đại Pháp
Phồn thể法輪大法
Giản thể法轮大法

Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp là một phong trào tôn giáo mới.[1][2] Pháp Luân Công được Lý Hồng Chí sáng lập ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Pháp Luân Công có trụ sở toàn cầu tại Dragon Springs, một khu đất rộng 400 mẫu Anh (160 ha) xung quanh CuddebackvilleDeerpark, New York, nằm gần nơi ở hiện tại của Lý Hồng Chí. Phần mở rộng nghệ thuật biểu diễn của Pháp Luân Công, Thần Vận và hai trường đào tạo liên kết chặt chẽ, Trường Cao đẳng Fei Tian và Học viện Nghệ thuật Fei Tian, hoạt động trong và xung quanh Dragon Springs.[3][4]

Pháp Luân Công ra đời trong giai đoạn cuối của thời kỳ "bùng nổ khí công" ở Trung Quốc, với ​​sự xuất hiện hàng loạt những môn phái tu tập tương tự nhau với các đặc điểm là thiền định, các bài tập cử động chậm rãi và điều hòa hơi thở. Pháp Luân Công kết hợp thiền định và các bài tập khí công với một triết lý đạo đức. Thực hành của Pháp Luân Công nhấn mạnh vào tâm tính, và tự nhận là một trường phái của Phật giáo, tuy vậy có kết hợp các yếu tố của Đạo giáo. Những người tập luyện Pháp Luân Công mong muốn loại bỏ các cố chấp của tâm trí thông qua cách hành xử đạo đức và thiền định, và cuối cùng đạt đến sự giác ngộ tâm linh.

Mặc dù Pháp Luân Công ban đầu nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các giới chức Trung Quốc, nhưng từ giữa đến cuối thập niên 1990, nhà nước Trung Quốc ngày càng xem Pháp Luân Công như một mối đe dọa tiềm tàng bởi số lượng người tham gia, sự độc lập đối với nhà nước, và nội dung những bài giảng trong kinh của môn khí công này. Các nguồn tin khác nhau ước tính số người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc khi đạt đỉnh điểm là từ 3 đến 20 triệu người[5] Chính phủ Trung Quốc cho rằng một số học viên Pháp luân công đã tham gia vào các hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan, chống chính phủ và cả việc ủng hộ cho những phần tử ly khai Tây Tạng[6]

Trong thời gian đó, các thông tin truyền thông mang tính tiêu cực về Pháp Luân Công bắt đầu xuất hiện, và các học viên thường phản ứng bằng cách biểu tình và bao vây các cơ quan báo chí liên quan. Hầu hết trong các lần biểu tình, các học viên đã thành công trong việc buộc tờ báo gỡ bài, nhưng tranh cãi và căng thẳng tiếp tục leo thang. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 năm 1999, khi hơn 10.000 người tập luyện Pháp Luân Công đã biểu tình gần khu nhà trung ương chính phủ ở Bắc Kinh để yêu cầu công nhận tính hợp pháp và không bị nhà nước can thiệp. Cuộc biểu tình này được nhiều người xem là chất xúc tác góp phần tạo ra cuộc trấn áp sau này.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, giới lãnh đạo Trung Quốc khởi xướng một chiến dịch trấn áp trên toàn quốc và tuyên truyền trên nhiều mặt với mục đích loại bỏ Pháp Luân Công. Việc truy cập Internet vào các trang web có đề cập đến Pháp Luân Công bị ngăn chặn, và vào tháng 10 năm 1999 Pháp Luân Công bị Chính phủ Trung Quốc tuyên bố là một "tổ chức tà giáo" đe dọa sự ổn định xã hội. Tổ chức Freedom House (Hoa Kỳ) cáo buộc những người tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc "là đối tượng của hàng loạt hoạt động ngược đãi nhân quyền", ước tính đã có hàng trăm ngàn người bị bỏ tù mà không qua xét xử[7] và nhiều người tập Pháp Luân Công bị giam giữ đã phải lao động cưỡng bức, hành hạ tâm thần, tra tấn, và nhiều phương pháp cưỡng chế khác nhằm chuyển hóa tư tưởng, dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc.[8] Tính đến năm 2009, các tổ chức nhân quyền phương Tây tuyên bố đã có ít nhất 2.000 người tập Pháp Luân Công đã chết do bị hành hạ khi bị giam giữ.[9] Một số nhà quan sát phương Tây còn cho rằng hàng chục ngàn người có thể đã bị giết hại để cung ứng nội tạng cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc.[10][11] Trong nhiều năm kể từ khi bị trấn áp, các tổ chức Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã thực hiện những hoạt động mà họ tuyên bố là để "vận động cho nhân quyền ở Trung Quốc".

Người sáng lập Pháp Luân Công Lý Hồng Chí đã di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1996, và số lượng người tập Pháp Luân Công trên toàn cầu là khá lớn. Tại Trung Quốc đại lục năm 2009, tổ chức Freedom House (Hoa Kỳ) ước tính có hàng chục triệu người vẫn đang tiếp tục tập luyện Pháp Luân Công bất chấp việc bị chính phủ ngăn cấm.[12][13][14] Ước tính có hàng trăm ngàn người đang tập luyện Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới.[15][16]

Pháp Luân Công quản lý nhiều tổ chức mở rộng ở Hoa Kỳ và nước ngoài, họ đã nhận được sự chú ý đáng kể của giới truyền thông phương Tây vì sự can dự vào chính trị Hoa Kỳ và thông điệp ý thức hệ, đặc biệt kể từ khi các tổ chức mở rộng này tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Các tổ chức mở rộng của Pháp Luân Công bao gồm Đại Kỷ Nguyên, một tổ chức truyền thông đã nhận được sự chú ý đáng kể của giới truyền thông vì chuyên quảng bá các thuyết âm mưuchính trị cánh hữu, tuyên truyền chống tiêm chủng[17], tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản[18], ủng hộ phong trào ly khai Tây Tạng và tập trung quảng bá cho tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.[3][19][20] Đoàn ca múa nhạc Thần Vận cũng đã nhận được sự đưa tin đáng kể của giới truyền thông vì mục đích tuyên truyền của nó, chẳng hạn như các tuyên bố chống thuyết tiến hóa và quảng bá học thuyết Pháp Luân Công, đồng thời tự cho mình là được thành lập dựa trên truyền thống cổ xưa.[21][22][23]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Tập tin:Li Hongzhi 1.jpg
Người sáng lập và lãnh đạo Pháp Luân Công Lý Hồng Chí

Pháp Luân Công thường được biết đến nhiều nhất qua phong trào khí công ở Trung Quốc. Khí công là một thuật ngữ hiện đại đề cập đến một loạt các phương pháp liên quan đến vận động chậm, thiền, và thở có kiểm soát. Các bài tập theo kiểu khí công trong lịch sử đã được các nhà sư Phật giáo, các võ sĩ Đạo giáo, và các học giả Nho giáo tập luyện từ xa xưa như là một phương thức cải biến tinh thần, đạo đức, và thể chất.[24]

Phong trào khí công hiện đại xuất hiện vào đầu những năm 1950, khi các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc coi các kỹ thuật này là một cách để cải thiện sức khỏe. Thuật ngữ mới này được dựng lên để tránh liên đới với các môn tu luyện tôn giáo, vốn dễ bị gắn nhãn là "mê tín dị đoan" và bị đàn áp trong thời kỳ chủ nghĩa Mao [24][25]. Những người sớm chấp nhận khí công đều tránh các ngụ ý về tôn giáo của nó và xem khí công chủ yếu như là một nhánh của y học Trung Quốc. Vào cuối những năm 1970, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã phát hiện ra sự tồn tại vật chất của năng lượng khí mà khí công tìm cách khai thác.[26] Trong giai đoạn thời kỳ hậu Mao-ít thiếu thốn tâm linh, hàng chục triệu người dân thành thị và người cao tuổi Trung Quốc đã tham gia luyện tập khí công,[27][28][29] và hàng loạt các thầy khí công có uy tín đã mở văn phòng hành nghề. Từng có thời điểm, hơn 2.000 môn khí công đã được giảng dạy.[30] Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công (CQRS), một cơ quan được quản lý bởi nhà nước Trung Quốc, đã được thành lập vào năm 1985 để giám sát và quản lý phong trào này.[31].

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, Lý Hồng Chí đã tổ chức buổi hội thảo đầu tiên giới thiệu trước công chúng về Pháp Luân Công tại thành phố Trường Xuân ở vùng đông bắc của Trung Quốc. Theo tiểu sử về hành trình chứng ngộ tâm linh của ông, Lý Hồng Chí nói rằng ông đã được "một số thiền sư theo các trường phái Phật giáo và Đạo giáo" dạy cho ông cách thức "tu luyện". Những người thầy này bao gồm đại sư Toàn Giác (Quan Jue), truyền nhân đời thứ 10 của một môn Đại Pháp của Phật Gia, và một vị sư phụ trong môn Đại Đạo với Đạo danh là Chân Đạo từ dãy núi Trường Bạch. Pháp Luân Công được cho là kết quả qua sự sắp xếp và ghi chép lại những bài học mà ông đã được truyền thụ.[32]

Lý Hồng Chí giới thiệu Pháp Luân Công thuộc về "truyền thống tu luyện đã tồn tại từ hàng trăm năm nay",[33] và qua đó ông muốn khôi phục lại các yếu tố tôn giáo và tâm linh trong sự tập luyện khí công vốn bị loại bỏ trong thời kỳ Cộng sản trước đó. David Palmer viết rằng Lý đã "định nghĩa lại phương pháp của ông có mục đích hoàn toàn khác với khí công: mục đích tập luyện không phải để đạt được sức khỏe thể chất hay phát triển công năng, mà là để thanh tẩy tâm của con người và đạt đến sự giải thoát/cứu độ".[24]

Pháp Luân Công khác biệt với các trường phái khí công khác ở chỗ các bài giảng của môn tu luyện này bao gồm một loạt các chủ đề tâm linh và siêu hình, nhấn mạnh về các giá trị đạo đức và đức hạnh và trình bày chi tiết về một vũ trụ luận hoàn chỉnh.[34] Môn tu luyện này là thuộc về Phật gia (Fojia) nhưng cũng có sử dụng các khái niệm và ngôn ngữ có trong Đạo giáo và Khổng giáo[31]. Điều này đã khiến một số học giả coi Pháp Luân Công như là một loại đức tin kết hợp giữa các trường phái.[35]

Niềm tin và thực hành

[sửa | sửa mã nguồn]

Các giáo huấn trọng tâm

[sửa | sửa mã nguồn]

Pháp Luân Công mong muốn các học viên có thể đề cao về mặt tinh thần thông qua sự giữ gìn đạo đức ngay chính và tập luyện hệ thống các bài tập và thiền định. Ba nguyên lý trọng tâm của đức tin này là Chân (真, Zhēn), Thiện (善, Shàn), Nhẫn (忍, Rěn).[36][37] Những nguyên lý này được xem là bản chất cơ bản của vũ trụ, tiêu chí để phân biệt đúng sai, và được cho là biểu hiện cao nhất của Đạo, hoặc Phật Pháp.[38][39][40] Tuân thủ và tu luyện những đức tính này được xem là nền tảng trong sự tu tập Pháp Luân Công.[41] Trong Chuyển Pháp Luân (转法轮), quyển sách căn bản được xuất bản năm 1995, Lý Hồng Chí viết: "Bất kể tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại thay đổi như thế nào... Bản chất của vũ trụ không thay đổi, và nó là tiêu chuẩn duy nhất để quyết định người tốt và người xấu. Vậy nên là một người tu luyện chư vị phải lấy bản chất của vũ trụ làm chỉ đạo để cải thiện bản thân mình".[38][42]

Tu luyện Pháp Luân Công có hai đặc điểm: tập luyện các bài tập, và sự cải biến tâm tính (xinxing - bẩm tính, tính khí) của một người. Trong quyển sách chính của Pháp Luân Công, Lý nói rằng tâm tính "bao gồm đức (là một loại vật chất), nó bao gồm Nhẫn, nó bao gồm Ngộ, bao gồm xả - xả bỏ tất cả các ham muốn và chấp trước của người thường - và chư vị cũng phải chịu đựng cực khổ, và còn nhiều thứ khác nữa".[43] Một người có thể đề cao phẩm chất đạo đức một mặt bằng cách sống chiểu theo chân, thiện, nhẫn; và mặt khác, bằng cách xả bỏ những dục vọng và "những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, chẳng hạn như tham lam, tư lợi, sắc, dục, sát sinh, tranh đấu, trộm cắp, cướp giật, lừa dối, ghen tuông, v.v.".[17]

Trong các khái niệm trọng tâm ở các bài giảng của Pháp Luân Công là sự tồn tại của 'Đức' ('德, Dé) và ‘Nghiệp’ (' 業, Ye).[44][45] Đức được tạo ra thông qua làm việc tốt và chịu đau khổ, trong khi nghiệp được tích lũy do những việc làm sai trái. Tỷ lệ nghiệp và đức của một người được cho là sẽ quyết định vận mệnh của họ trong cuộc đời này hoặc kiếp sau. Trong khi đức đem lại may mắn và đưa đến sự ngộ đạo, tích tụ nghiệp sẽ mang đến đau khổ, bệnh tật, và sự xa rời bản chất của vũ trụ.[31][45][46] Sự đề cao tâm tính đạt được thông qua việc tiêu nghiệp và tích đức.[47]

Các bài giảng của Pháp Luân Công cho rằng con người thuở ban đầu và bẩm sinh là tốt, thậm chí là sinh mệnh cao tầng, nhưng họ đã rơi vào cõi mê và chịu đau khổ sau khi phát triển tư tâm và tích nghiệp.[38][48][49] Để đề cao lên lại và quay trở về với "bản chất thật" của mình, các học viên Pháp Luân Công phải đồng hóa mình với các đặc tính chân, thiện, nhẫn, buông bỏ "các cố chấp của tâm trí và dục vọng" và phải chịu khổ để hoàn trả nghiệp.[31][38][50] Mục tiêu cuối cùng của sự tu luyện là sự giác ngộ hay viên mãn (yuanman), và thoát khỏi vòng luân hồi mà trong truyền thống Phật giáo gọi là ‘’samsara’’.[38][51]

Tư tưởng văn hóa Trung Quốc truyền thống và sự hiện đại là hai trọng tâm trong các bài giảng của Lý Hồng Chí. Pháp Luân Công nhắc lại niềm tin truyền thống của người Trung Quốc rằng con người được kết nối với vũ trụ qua tâm trí và cơ thể, và Lý tìm cách thách thức "các tâm lý thông thường", liên quan đến bản chất và nguồn gốc của vũ trụ, thời-không, và cơ thể con người.[52][53] Môn tu luyện này vận dụng sự huyền bí Á Đông và y học cổ truyền Trung Quốc, chỉ trích các giới hạn được cho là do khoa học hiện đại tự mình đặt ra, đặc biệt là thuyết tiến hóa, và coi khoa học truyền thống Trung Quốc là một hệ thống hoàn toàn khác, nhưng trên phương diện bản thể luận là có giá trị ngang nhau.[54]

Bộ bài tập

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm bài tập của Pháp Luân Công

Ngoài triết lý đạo đức, Pháp Luân Công bao gồm bốn bài tập đứng và một bài ngồi thiền. Các bài tập được coi là yếu tố thứ yếu so với việc đề cao chuẩn mực đạo đức, dù vẫn là một phần thiết yếu của sự tu luyện Pháp Luân Công.[31][55]

Bài tập đầu tiên, được gọi là "Phật Triển Thiên Thủ pháp", nhằm điều động năng lượng tự do di chuyển khắp cơ thể và khai mở các kinh mạch. Bài tập thứ hai, "Pháp Luân Trang pháp", gồm việc giữ bốn tư thế tĩnh - mỗi tư thế đó giống như đang ôm một bánh xe - trong thời gian dài. Mục đích của bài tập này là để "sinh trí tuệ, làm tăng sức mạnh, đề cao tầng, và gia trì thần thông". Bài tập thứ ba, "Quán Thông Lưỡng Cực pháp", bao gồm ba động tác chuyển động nhằm mục đích để có thể trục xuất năng lượng xấu (ví dụ khí bệnh hoặc khí đen) và hấp thụ năng lượng tốt vào cơ thể. Thông qua thực hành bài tập này, các học viên mong muốn làm sạch và tịnh hóa thân thể. Bài tập thứ tư, "Pháp Luân Chu Thiên pháp", tìm cách để năng lượng lưu thông tự do trong cơ thể. Không giống bốn bài tập đầu tiên, bài tập thứ năm được thực hiện trong tư thế kiết già. Được gọi là "Thần Thông Gia Trì pháp", tư thế thiền định này được duy trì càng lâu thì càng tốt.[56][57]

Người tập có thể tập các bài tập Pháp Luân Công một mình hay tập theo nhóm, và thời gian tập tùy vào nhu cầu và khả năng của từng cá nhân người tập.[38][58] Porter viết rằng các học viên Pháp Luân Công được khuyến khích đọc các kinh sách Pháp Luân Công và tập luyện các bài tập đều đặn, tốt nhất là tập hàng ngày.[59] Các bài tập Pháp Luân Công được tập luyện theo hình thức nhóm trong công viên, khuôn viên các trường đại học, và những nơi sinh hoạt công cộng khác tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, và được hướng dẫn miễn phí bởi các tình nguyện viên.[59][60] Ngoài năm bài tập, vào năm 2001 một hoạt động thiền định đã được đưa vào gọi là "phát chính niệm", nhằm mục đích giảm bớt sự bức hại trên bình diện tinh thần.[59]

Một nghiên cứu thí nghiệm liên quan đến hồ sơ di truyền của sáu học viên Pháp Luân Công tuyên bố rằng "thay đổi trong biểu hiện gen của các học viên [Pháp Luân Công] trái ngược với những người khỏe mạnh bình thường được đối chiếu trong thí nghiệm, đặc trưng bởi sự tăng cường khả năng miễn dịch, ức chế/giảm sự trao đổi chất của tế bào, và thay đổi các gen liên quan đến quá trình apoptosis giúp tiêu viêm nhanh".[61]

Với việc áp dụng nhiều hệ thống thiền định Phật giáo và Đạo giáo, ngoài lợi ích về sức khỏe, Pháp Luân công tuyên bố rằng học viên có thể chuyển hóa cơ thể vật chất và tu luyện ra nhiều thần thông (shentong), chẳng hạn như tha tâm thông (đọc ý nghĩ) và thiên nhãn thông.[62] Những cuộc thảo luận về các công năng cũng là đặc điểm nổi bật trong phong trào khí công, và sự tồn tại của những công năng này cũng nhận được những ý kiến đồng thuận trong cộng đồng khoa học Trung Quốc vào những năm 1980.[26] Các bài giảng của Pháp Luân Công cho rằng các học viên có thể có được những công năng thông qua sự kết hợp giữa tu luyện tâm tính, thiền định và các bài tập. Những công năng này bao gồm – (nhưng không chỉ giới hạn trong) - tiên tri, thấu thính, tha tâm thông, và thiên mục (thông qua việc mở con mắt thứ ba hoặc thiên nhãn). Tuy nhiên, Pháp Luân Công nhấn mạnh rằng các quyền năng này chỉ có thể được phát triển nhờ vào sự tu luyện tâm tính, và không nên truy cầu hoặc hiển thị tùy tiện.[63] Theo David Ownby, Pháp Luân Công dạy rằng "Tự phụ về khả năng, hoặc mong muốn thể hiện là biểu hiện của những chấp trước nguy hiểm", và Lý cảnh báo các đệ tử không nên bị phân tâm bởi sự theo đuổi các "thần thông" như vậy.[26]

Theo tờ Washington Post (Hoa Kỳ), nhiều học viên Pháp Luân công tin rằng việc thực hiện các bài tập này có thể "nuôi dưỡng năng lượng vũ trụ", giúp họ chữa khỏi rất nhiều bệnh nan y hoặc mãn tính, từ ung thư cho đến đến chứng dị ứng. Các niềm tin kiểu này được Pháp luân công truyền bá khắp nơi. Một công chức nghỉ hưu ở Bắc Kinh nói rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi bệnh dị ứng da và tiêu chảy mãn tính của ông. Một phụ nữ Trung Quốc ở độ tuổi 50 cho rằng Pháp Luân Công giúp cô tái tạo một đoạn xương đã bị cắt bỏ trong cuộc phẫu thuật, một Cơ đốc nhân thì tự mô tả Pháp Luân Công đã giúp kiểm soát bệnh tiểu đường của ông ấy. Stephen Barrett, giáo sư khoa tâm thần, đồng sáng lập Hội đồng quốc gia chống gian lận sức khỏe (Hoa Kỳ) cho rằng tập Pháp Luân Công không có gì sai khi sử dụng chúng như bài tập thể dục nhẹ nhàng và một kỹ thuật thư giãn tâm lý. Tuy nhiên, những bài tập này có thể gây nguy hiểm khi chúng tạo ra niềm tin sai lầm. Pháp Luân Công liên tục đưa ra những tuyên bố về sức khỏe mà không thể xác minh một cách khoa học, bao gồm chữa bệnh bằng cách tiếp xúc, chữa khỏi người bị liệt, chữa bệnh ung thư với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với các loại thuốc thông thường, gửi xung động để chữa bệnh ở khoảng cách xa hoặc sống thọ tới mấy trăm năm. Stephen Barrett lo ngại rằng niềm tin mù quáng vào "sức mạnh chữa bệnh tuyệt đối" khi tập Pháp Luân Công có thể khiến những người bệnh từ chối các phương pháp điều trị y tế khoa học.[64]

Các hoạt động xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Học viên Pháp Luân Công tập bài tập số 3 tại Toronto.

Pháp Luân Công khác biệt với các phương pháp tu Phật truyền thống là đề cao việc tham dự vào thế giới trần tục. Các học viên Pháp Luân Công được yêu cầu duy trì việc làm và cuộc sống gia đình thường nhật, tuân thủ luật pháp của chính phủ sở tại, và không tách mình ra khỏi xã hội. Có một ngoại lệ dành cho các tăng ni, họ được phép tiếp tục lối sống trong chùa chiền trong khi tập luyện Pháp Luân Công.[38][65]

Góp phần vào sự chú trọng về cách hành xử đúng mực, các bài giảng của Pháp Luân Công quy định một tiêu chuẩn đạo đức cá nhân nghiêm ngặt đối với các học viên. Họ phải hành động trung thực, làm việc tốt, và hành xử với sự kiên nhẫn và nhẫn nại khi gặp phải khó khăn. Ví dụ, Lý quy định rằng một học viên Pháp Luân Công phải "không đánh lại khi bị đánh, không nói lại khi bị công kích".[66] Ngoài ra, họ phải "loại bỏ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực", chẳng hạn như tham lam, lừa dối, ghen tuông, v.v.[38][66] Các bài giảng còn cấm hút thuốc và uống rượu, bởi chúng được xem như những thứ kích thích có hại cho sức khỏe và sự tỉnh táo.[38][67][68] Các học viên Pháp Luân Công bị cấm không được giết hại các sinh vật, bao gồm cả động vật với mục đích để lấy thực phẩm, mặc dù họ không bị bắt buộc phải ăn chay.[66]

Ngoài những điều này, người tập Pháp Luân Công phải từ bỏ các chấp trước và các ham muốn ở thế gian.[17] Trong quá trình tu luyện, học viên Pháp Luân Công nhắm vào việc buông bỏ sự theo đuổi danh vọng, truy cầu tiền bạc, tình cảm, và các vướng mắc khác. Những bài giảng của Lý Hồng Chí nhiều lần nhấn mạnh đến sự trống rỗng khi truy cầu vật chất; mặc dù các học viên Pháp Luân Công không được khuyến khích nghỉ việc hoặc né tránh tiền bạc, nhưng họ ​​phải dần buông bỏ các chấp trước trên phương diện tâm lý đối với những điều này.[67] Tương tự như vậy, ham muốn tình dục và dục vọng là những chấp trước cần phải loại bỏ, nhưng các học viên Pháp Luân Công thường vẫn ​​sẽ kết hôn và lập gia đình.[67] Tất cả các quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, hôn nhân đồng tính được xem là trái luân lý.[69] Mặc dù người đồng tính nam và đồng tính nữ có thể tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cư xử đồng tính bị cho là sẽ tạo nghiệp, và do đó bị xem là không phù hợp với các mục tiêu của việc tu luyện.[70]

Vũ trụ luận của Pháp Luân Công bao gồm niềm tin rằng các dân tộc khác nhau đều có thiên đàng riêng tương ứng, và những cá nhân mang hai dòng máu sẽ mất đi một số khía cạnh của kết nối này.[31] Tuy nhiên, Lý Hồng Chí cho rằng việc lai giữa hai chủng tộc không ảnh hưởng đến linh hồn của một người, cũng không cản trở khả năng tu luyện của họ.[31] Môn tu luyện này không có bất cứ lập trường chính thức nào chống lại việc kết hôn giữa các chủng tộc, và nhiều học viên Pháp Luân Công có con lai.[71]

Pháp Luân Công chỉ bảo người tập không tham gia vào các vấn đề chính trị hay xã hội.[72] Sự quan tâm quá mức vào chính trị được xem như là một chấp trước vào quyền lực và sức ảnh hưởng ở thế gian, và Pháp Luân Công hướng đến việc vượt qua những sự truy cầu như vậy. Theo ông Hồ Bình, "Pháp Luân Công chỉ tịnh hóa cho một cá nhân thông qua các bài công pháp, và không dính mắc gì đến các vấn đề xã hội, quốc gia. Nó không đề xuất hoặc thậm chí là gợi ý về một mô hình nào cho sự thay đổi xã hội. Nhiều tôn giáo... theo đuổi cải cách xã hội ở một mức nào đó... nhưng không thấy có chiều hướng như vậy trong Pháp Luân Công".[73]

Kinh sách

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuốn sách đầu tiên về các bài giảng của Pháp Luân Công được xuất bản vào tháng 4 năm 1993. Được gọi là Pháp Luân Công Trung Quốc, hay đơn giản là Pháp Luân Công, là một quyển sách giới thiệu về ‘’khí công’’, mối quan hệ của Pháp Luân Công với Phật giáo, các nguyên lý tu luyện và sự cải biến tâm tính (xinxing). Cuốn sách cũng chứa các hình vẽ minh hoạ và lời giải thích các bài tập và bài tập thiền.[55][74]

Nội dung chính của các bài giảng được trình bày trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân được xuất bản bằng tiếng Trung vào tháng 1 năm 1995. Cuốn sách được chia thành chín "bài giảng" và được chỉnh lý lại dựa trên cấu trúc các bài nói mà Lý đã đi thuyết giảng khắp Trung Quốc trong ba năm truyền công trước đó.[75] Các kinh sách của Pháp Luân Công đã được dịch sang 40 ngôn ngữ.[76] Ngoài các quyển kinh sách trọng tâm này, Lý còn xuất bản thêm nhiều sách, bài giảng, bài báo, thơ, đều sẵn có trên các trang web của Pháp Luân Công.[77][78]

Các bài giảng Pháp Luân Công sử dụng rất nhiều thuật ngữ tôn giáo Trung Quốc và triết học chưa được dịch nghĩa, và thường ám chỉ đến các nhân vật và các điển cố trong văn học dân gian Trung Quốc cùng các khái niệm được rút ra từ tôn giáo phổ biến ở Trung Quốc. Điều này, cùng với phong cách hành văn theo nghĩa đen trong các quyển sách, vốn bắt chước theo phong cách diễn ngôn trong các bài thuyết giảng của Lý, có thể làm cho các kinh sách Pháp Luân Công khó tiếp cận với người phương Tây.[79]

Biểu tượng

[sửa | sửa mã nguồn]

Biểu tượng chính của pháp môn tu luyện này là Pháp Luân (bánh xe Pháp, hay Dharmacakra theo tiếng Phạn). Trong Phật giáo, Bánh xe Pháp đại diện cho tính toàn vẹn của pháp lý. Để "quay bánh xe Pháp" (Chuyển Pháp Luân) có nghĩa là thuyết pháp giảng đạo, và đây cũng là tiêu đề của quyển kinh sách chính của Pháp Luân Công.[80] Mặc dù đã viện dẫn ngôn ngữ và biểu tượng Phật giáo, bánh xe Pháp được hiểu trong Pháp Luân Công mang nhiều hàm nghĩa khác biệt và được xem là hình ảnh đại diện cho vũ trụ.[81] Nó được khái niệm hóa bởi một biểu tượng bao gồm một chữ Vạn lớn và bốn chữ vạn nhỏ, đại diện cho Đức Phật, và bốn Thái Cực (âm - dương) nhỏ, biểu tượng truyền thống của Đạo giáo.[38][81]

Thời kỳ Mạt pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Hồng Chí tuyên bố Pháp Luân Công xuất hiện ở vào giữa "thời kỳ Mạt Pháp" (Mo Fa, 末法), được mô tả trong kinh điển Phật giáo là thời kỳ suy đồi đạo đức, khi đó những lời dạy của Phật giáo sẽ cần phải được cải chính.[26][31] Thời đại ngày nay được mô tả trong bài giảng của Pháp Luân Công là thời kỳ "Chính Pháp" (zhengfa, cũng có thể được dịch là "để sửa chữa pháp"), là thời gian để vũ trụ chuyển tiếp và đổi mới.[31] Quá trình Chính Pháp là cần thiết do sự suy đồi đạo đức và sự thoái hóa của các sinh mệnh trong vũ trụ, và trong bối cảnh sau năm 1999, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc được xem như một bằng chứng hữu hình của sự suy đồi/thối nát về đạo đức này.[82] Thông qua quá trình của Chính Pháp, các sinh mệnh sẽ được sắp xếp lại theo phẩm chất đạo đức và trí huệ của mỗi người, những người tốt được lưu lại và đến các tầng thứ cao hơn, trong khi những người xấu bị loại bỏ hoặc rơi xuống.[82] Trong mô hình này, Lý thừa nhận vai trò chỉnh lại Pháp thông qua cách phổ biến thông những bài giảng về đạo đức của ông.[24][31]

Một số học giả như Maria Hsia Chang và Susan Palmer, đã mô tả bài hùng biện của Lý về "Chính Pháp" và sự cứu rỗi "trong giai đoạn cuối cùng này", giống như một cuốn sách khải huyền trong Thiên Chúa giáo.[83][84] Tuy nhiên, Benjamin Penny lập luận rằng các bài giảng của Lý được hiểu rõ hơn khi đặt trong bối cảnh "quan điểm của Phật giáo trong chu kỳ của Pháp hay quy luật Phật giáo".[85] Richard Gunde lưu ý rằng không giống như các nhóm khải huyền ở phương Tây, Pháp Luân Công không ám chỉ đến cái chết hay sự kết thúc của thế giới, thay vì "một thông điệp đạo đức đơn giản, vô thưởng vô phạt".[28] Lý Hồng Chí không thảo luận về một "cuộc đại phán xét",[85] và từ chối đưa ra những dự đoán về ngày tận thế sắp xảy ra trong những bài giảng của mình.[86]

Tính chất tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Pháp Luân Công là một môn tu tập đa diện, có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau, có người coi đó là một bộ bài tập thể dục giúp đạt được sức khoẻ tốt hơn và biến niềm tin thành hành động tự chuyển biến, cũng có người coi là một triết lý đạo đức và một hệ thống kiến thức mới.[87] Các học giả và các nhà báo đã thông qua nhiều thuật ngữ và phân loại khác nhau để miêu tả Pháp Luân Công, một số trong đó chính xác hơn một số khác.

Trong bối cảnh văn hoá Trung Quốc, Pháp Luân Công thường được mô tả như là một hệ thống khí công, hoặc là một loại "tu luyện" (xiulian). Tu luyện là một thuật ngữ của Trung Quốc dùng để mô tả quá trình một cá nhân tìm kiếm sự viên mãn, thường là thông qua sự rèn luyện cả về thể chất và tinh thần. Có nhiều môn tu luyện trong lịch sử Trung Quốc, bao gồm các truyền thống Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo truyền thống.[31] Ông Benjamin Penny, giáo sư về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, viết rằng "cách mô tả Pháp Luân Công đúng nhất là một hệ thống tu luyện. Các hệ thống tu luyện là một đặc điểm trong đời sống Trung Hoa cách đây ít nhất từ 2.500 năm trước".[88] Các môn khí công cũng có thể được hiểu là một phần trong truyền thống về "tu luyện" rộng lớn hơn.[31]

Ở phương Tây, Pháp Luân Công thường được xếp loại như một tôn giáo bởi vì nó có các bài giảng về thần học và luân lý,[89] quan tâm đến sự tu luyện và biến đổi tinh thần, và có số lượng lớn các kinh sách.[31] Các nhóm nhân quyền báo cáo về cuộc bức hại Pháp Luân Công là hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, và vào năm 2001, Pháp Luân Công đã được trao Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Freedom House.[31] Tuy nhiên, những người tập Pháp Luân Công đôi khi cũng không chấp nhận sự phân loại này. Sự phản đối này phản ánh một định nghĩa tương đối hẹp về "tôn giáo" (zongjiao) ở Trung Quốc đương đại. Theo ông David Ownby, ở Trung Quốc thì tôn giáo mới được định nghĩa kể từ năm 1912 để chỉ "các đức tin có truyền thống lịch sử trên thế giới" có "các tổ chức, giáo sĩ, và kinh sách truyền thống đã được phát triển đầy đủ " – đó là Phật giáo, Đạo giáo, đạo Hồi, đạo Tin Lành và Công giáo.[90] Pháp Luân Công thiếu những đặc điểm này, không có đền thờ, các nghi thức thờ cúng, tăng lữ hay hệ thống cấp bậc chính thức. Hơn nữa, nếu Pháp Luân Công tự xưng là một tôn giáo ở Trung Quốc, có lẽ nó đã thu hút sự trấn áp ngay lập tức.[31] Tuy có những hoàn cảnh lịch sử và văn hoá như vậy, nhưng môn tu luyện này thường được mô tả như một hình thức tôn giáo của Trung Quốc.[91]

Pháp Luân Công không đáp ứng được định nghĩa của một "giáo phái",[92] mặc dù thường được gọi là như vậy trong các tài liệu báo chí. Một giáo phái thường được định nghĩa là một nhánh hoặc một môn phái của một hệ thống tín ngưỡng đã có uy tín hoặc một giáo hội chính thống. Mặc dù Pháp Luân Công gợi đến các tư tưởng và thuật ngữ của Phật giáo và Đạo Giáo, nhưng nó xác nhận không có mối liên hệ trực tiếp hay quan hệ dòng dõi với các tôn giáo này.[33][93] Các nhà xã hội học coi các giáo phái là các nhóm riêng biệt tồn tại bên trong các ranh giới được xác định rõ ràng, với các tiêu chuẩn khắt khe trong việc thu nạp và lòng trung thành.[94] Tuy nhiên, như ông Noah Porter đã ghi nhận, Pháp Luân Công không có những đặc tính này: nó không có ranh giới rõ ràng, và bất cứ ai cũng có thể thực hành nó.[95] Bà Cheris Shun-ching Chan cũng viết rằng Pháp Luân Công "dứt khoát không phải là một giáo phái": các học viên không cắt đứt mối quan hệ với xã hội thế tục, nó được "cấu trúc lỏng lẻo với số thành viên luôn dao động và tôn trọng quan điểm của các tổ chức và tín ngưỡng khác" và coi trọng việc thành kính xuất phát từ cá nhân nhiều hơn, chứ không phải theo tập thể.[94]

Theo nghiên cứu của Rick Ross trình bày tại Diễn đàn Quốc tế về Nghiên cứu Tôn giáo tháng 1 năm 2009, những tuyên bố của giáo chủ Lý Hồng Chí, được các học viên Pháp Luân công mặc nhiên chấp nhận mà không có nghi ngờ, là nguyên tắc xác định đây thực sự là một cuồng giáo. Ông Lý tuyên bố mình nắm rõ "bí mật tối thượng của vũ trụ" và nói "không có tôn giáo nào có thể cứu con người ngoài Đại Pháp (tức Pháp luân công)", mà ông là giáo chủ duy nhất. Do đó, về cơ bản, ông tự tuyên bố mình là vị cứu tinh của con người. Tiểu sử trong cuốn sách "Chuyển Pháp Luân" của ông kể rằng ông lần đầu nhận ra "năng lực đặc biệt" của mình vào năm 8 tuổi. Những người theo Pháp Luân công tin rằng Lý Hồng Chí là bậc thánh nhân "không thể sai lầm" và họ không được phép nghi vấn về những tuyên bố liên quan đến sức mạnh siêu nhiên, và giáo lý ​​của ông ta, bao gồm cả những nội dung phân biệt chủng tộc và chống lại ngành y khoa. Lòng sùng mộ mãnh liệt với Lý Hồng Chí đã tạo ra một mạng lưới truyền hình và một tờ báo có tên "Đại Kỷ Nguyên" đều do các học viên Pháp Luân Công điều hành. Các cuộc biểu tình và sự kiện công khai thường xuyên được Pháp Luân công tổ chức trên khắp thế giới cũng phản ánh sự tôn sùng mãnh liệt của những người đi theo tôn giáo của ông ta. Trong khi Lý Hồng Chí luôn nói về "Chân-Thiện-Nhẫn", cả ông và những tín đồ của ông đều không thực sự thể hiện bất kỳ sự khoan dung nào đối với những người đi ngược giáo lý của họ. Trong nội bộ Pháp Luân Công, các tín đồ không được phép đặt câu hỏi về các giáo lý cơ bản, và những lời chỉ trích từ người ngoài thường được coi là "sự bức hại". Chuyên gia nghiên cứu sự sùng bái và nhà tâm lý học lâm sàng Margaret Singer ghi nhận rằng khi gặp một câu hỏi khó về giáo lý, một học viên Pháp Luân công sùng đạo luôn nói "Đừng suy nghĩ. Chỉ cần đọc lại lời dạy của Sư phụ." Margaret Singer đã tóm tắt ngắn gọn: "Nếu bạn muốn tìm sự mô tả tốt về một cuồng giáo, tất cả những gì bạn phải làm là đọc những gì [mà những người theo Pháp Luân Công] nói về họ."[96]

Tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Xét về ý nghĩa học thuyết, Pháp Luân Công hướng tới sự "không có hình thức", rất ít hoặc không có tổ chức hữu hình hay chính quy. Các học viên Pháp Luân Công không được thu tiền hoặc tính phí, chữa bệnh, hoặc giảng dạy hoặc diễn dịch các lời giáo huấn cho người khác.[97] Không có người quản lý hay nhân viên, không có hệ thống hội viên, và không có nhà thờ hoặc nơi thờ tự.[26][83][98][99] Vì không có các nghi lễ kết nạp thành viên hay nhập môn, những người tập Pháp Luân Công có thể là bất kỳ ai tự nhận định mình như vậy.[100] Các học viên tự do tham gia tập luyện và tuân thủ theo các bài giảng nhiều hay ít tùy thuộc vào bản thân họ, và những người tập cũng không chỉ dẫn người khác tin vào điều gì hay cư xử như thế nào.[73][95][101]

Quyền năng chỉ được trao duy nhất trong các bài giảng của người sáng lập Lý Hồng Chí.[97] Nhưng về mặt tổ chức, Pháp Luân Công là phân tán quyền lực, và các chi nhánh và phụ đạo viên địa phương không được hưởng các đặc quyền, có thẩm quyền hoặc chức vụ đặc biệt nào. Những "phụ đạo viên" hay những "liên lạc viên" tình nguyện không có quyền hành đối với những người tập khác, bất kể họ đã tập Pháp Luân Công trong bao lâu.[82][102] Quyền năng của Lý Hồng Chí trong giáo phái này là tuyệt đối, nhưng cách tổ chức của Pháp Luân Công đi ngược lại sự kiểm soát toàn diện, và Lý không can thiệp vào cuộc sống cá nhân của các học viên. Những người thực hành Pháp Luân Công có rất ít hoặc không có liên hệ gì với Lý, ngoại trừ việc học tập các bài giảng của ông.[82][95] Pháp Luân Công không tồn tại hệ thống phân cấp để bắt tuân theo một tư tưởng chính thống, và rất ít hay không nhấn mạnh về kỷ luật giáo điều; điều duy nhất được nhấn mạnh là cần phải hành xử theo tiêu chuẩn đạo đức nghiêm khắc, theo Craig Burgdoff, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo.[82]

Về phạm vi tổ chức đã đạt được trong Pháp Luân Công, điều đó đã được thực hiện thông qua một cộng đồng kết nối toàn cầu chủ yếu là trực tuyến. Cụ thể, truyền thông điện tử, danh sách email và nhiều trang web là phương tiện chủ yếu để điều phối các hoạt động và phổ biến các bài giảng của Lý Hồng Chí.[103]

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, một mạng lưới các "người liên hệ" tình nguyện, các Hiệp hội Pháp Luân Công khu vực và các câu lạc bộ trường đại học tồn tại trên khoảng 80 quốc gia.[104] Các bài giảng của Lý Hồng Chí chủ yếu được lan tỏa qua Internet.[83][105] Ở hầu hết các thành phố từ trung bình đến lớn, các học viên Pháp Luân Công tổ chức các buổi thiền định hoặc các buổi học tập định kỳ, trong đó họ sẽ tập luyện Pháp Luân Công hay đọc các bài viết của Lý Hồng Chí. Các buổi tập và thiền định được mô tả là khi các nhóm học viên tụ họp tại các công viên công cộng không theo nghi thức nào-thường là buổi sáng- tập luyện trong một đến hai giờ.[83][95][106] Các buổi học nhóm thường diễn ra vào buổi tối tại nhà riêng hoặc ở trường đại học hoặc các lớp học trung học, và được David Ownby mô tả là ‘điều gần giống nhất với "hoạt động giáo phái"’ thông thường của Pháp Luân Công.[107] Các cá nhân nào quá bận rộn, xa cách, hoặc những người chỉ đơn giản là thích sự tĩnh mịch có thể quyết định tập luyện riêng lẻ.[107] Khi có các chi phí (chẳng hạn như phí thuê cơ sở vật chất cho các hội nghị quy mô lớn), thì chi phí đó được thanh toán bởi những cá nhân tự nhận lãnh và tương đối giàu có trong cộng đồng.[58][108]

Các tổ chức tại Trung Quốc đại lục

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1993, Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công ở Bắc Kinh được chấp nhận là chi nhánh của Hiệp hội Nghiên cứu khí công Trung Quốc (HHNCKC), là một cơ quan nhà nước, giám sát việc quản lý các môn phái khí công khác nhau trên cả nước, và tài trợ các hoạt động và hội thảo. Theo các yêu cầu của HHNCKC, Pháp Luân Công được tổ chức thành một mạng lưới các trung tâm hỗ trợ trên toàn quốc, "các trạm chính", "các chi nhánh", "các trạm hướng dẫn" và các địa điểm tập luyện tại địa phương, phản ánh cấu trúc của cộng đồng khí công hoặc thậm chí là cấu trúc của chính Đảng Cộng sản.[99][109] Các phụ đạo viên Pháp Luân Công là những tình nguyện viên tự nguyện dạy các bài tập, tổ chức các sự kiện, và phổ biến những bài viết mới của Lý Hồng Chí. Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công đã đưa lời khuyên cho học viên về các kỹ thuật thiền định, các dịch vụ dịch thuật và điều phối cho việc tập luyện trên toàn quốc.[99]

Sau khi rời khỏi HHNCKC vào năm 1996, Pháp Luân Công bị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn và đã đáp lại bằng cách áp dụng cơ cấu tổ chức phân cấp và lỏng lẻo hơn.[95] Vào năm 1997, Hội nghiên cứu Pháp Luân Công chính thức bị giải thể, cùng với các "trạm phụ đạo chính" ở các khu vực.[110] Tuy nhiên, các học viên vẫn tiếp tục tự tổ chức ở các cấp địa phương, kết nối với nhau thông qua các phương tiện giao tiếp điện tử, các mạng lưới giữa các cá nhân và các điểm luyện công tập thể.[95][111] Cả các nguồn tin từ Pháp Luân Công và các nguồn tin của chính phủ Trung Quốc đều tuyên bố rằng có khoảng 1.900 "trạm hướng dẫn" và 28.263 điểm tập luyện Pháp Luân Công tại địa phương trên cả nước vào năm 1999, mặc dù họ không đồng ý về mức độ điều phối theo chiều dọc/từ trên xuống giữa các đơn vị tổ chức này.[112] Để đối phó với cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, Pháp Luân Công đã chuyển sang hoạt động bí mật, cấu trúc tổ chức phát triển theo hướng ngày càng phi hình thức ở Trung Quốc, và internet trở thành phương tiện ưu tiên dùng để kết nối các học viên.[113]

Sau năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng miêu tả Pháp Luân Công như một tổ chức có thứ bậc và có gây quỹ. James Tong viết rằng chính phủ miêu tả Pháp Luân Công như một tổ chức có kết cấu chặt chẽ nhằm biện minh cho hành động tiêu diệt Pháp luân công của mình: "Càng chứng minh được Pháp Luân Công là một tổ chức nhiều chừng nào thì càng chứng tỏ tính đúng đắn của cuộc đàn áp của chế độ dưới danh nghĩa là duy trì trật tự xã hội nhiều chừng nấy".[114] Ông kết luận rằng những lời tuyên bố của Đảng thiếu "cả bằng chứng bên trong và bên ngoài để chứng minh", và mặc dù tiến hành bắt giữ và thẩm vấn, các nhà cầm quyền không bao giờ "phản bác các cáo buộc/Pháp Luân Công một cách đáng tin cậy".[115]

Các tổ chức tại Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Mỹ, Pháp Luân Công sở hữu khu nhà Dragon Springs, một khu đất rộng 400 mẫu Anh nằm ở Deerpark, New York. Người sáng lập và lãnh đạo Pháp Luân Công, Lý Hồng Chí, cũng sống ở gần khu nhà, cùng với hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Các thành viên của đoàn ca nhạc Pháp Luân Công là Thần Vận cũng sống và tập luyện trong khu nhà, nơi cũng có trường học và đền thờ.[116] Khu Dragon Springs được đăng ký là một khu chùa Phật giáo, nên được miễn thuế và có sự riêng tư cao hơn. Học giả Andew Junker lưu ý rằng vào năm 2019, thành phố Middletown gần Dragon Springs chính là nơi đặt văn phòng của Tập đoàn truyền thông Pháp Luân Công The Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên), được đăng ký xuất bản như một ấn bản địa phương đặc biệt.[117]

Khu nhà từng là một điểm gây tranh cãi giữa các cư dân gốc và các học viên Pháp luân công. Theo NBC News:

Các cư dân gốc của chúng tôi và các học viên Pháp Luân Công đã nói chuyện với NBC News… họ nói rằng cuộc sống ở Dragon Springs bị Lý Hồng Chí kiểm soát chặt chẽ, truy cập internet bị hạn chế, nơi đó không khuyến khích sử dụng thuốc chữa bệnh và các mối quan hệ được sắp xếp chung. Hai cư dân trong khu có thị thực cho biết họ được đề nghị chỉ giao tiếp với cư dân Hoa Kỳ tại khu phức hợp.[116]

Được Pháp Luân Công mua lại vào năm 2000, địa điểm này đóng cửa với du khách và có cổng bảo vệ, đã là một điểm gây tranh cãi đối với một số cư dân ở Deer Park. Vào năm 2019, Pháp Luân Công đã yêu cầu mở rộng địa điểm, mong muốn xây thêm một phòng hòa nhạc 920 chỗ ngồi, một nhà để xe mới, một nhà máy xử lý nước thải và chuyển đổi không gian thiền thành không gian ở đủ lớn để nâng tổng sức chứa dân cư lên 500 người. Các kế hoạch này vấp phải sự phản đối của "Mạng lưới người gác sông Delaware" liên quan đến cơ sở xử lý nước thải vì nó đe dọa loại bỏ các vùng đất ngập nước địa phương, ảnh hưởng đến các tuyến đường thủy địa phương như Basher KillSông Neversink. Cư dân địa phương phản đối việc mở rộng vì nó sẽ làm tăng giao thông và giảm tính chất nông thôn của khu vực. Các học viên Pháp Luân Công sống trong khu vực này đã tuyên bố rằng họ đã bị cư dân địa phương phân biệt đối xử.[118]

Sau khi đến thăm vào năm 2019, Junker lưu ý rằng "sự bí ẩn của Dragon Springs là rõ ràng, và là một nguồn gây căng thẳng cho thị trấn." Junker cho biết thêm, trang web của Dragon Springs tuyên bố quyền thăm viếng bị hạn chế là để bảo mật và khu phức hợp này đang chứa nhiều trẻ mồ côi và người tị nạn.[119]

Hoạt động truyền thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Đại Kỷ Nguyên (giản thể: 大纪元, phồn thể: 大紀元, tên tiếng Anh: The Epoch Times), là một tờ báo đa ngôn ngữ và là tổ chức truyền thông quốc tế được John Tang và một nhóm các học viên Pháp Luân Công tại Mỹ thành lập vào tháng 5 năm 2000. Nó có trụ sở chính tại Thành phố New York và các tờ báo địa phương có những văn phòng tin tức và một mạng lưới các phóng viên địa phương.

Tờ báo này đã được một số học giả mô tả như là một cơ quan ngôn luận cho Pháp Luân Công,[120][121][122][123][124] kết nối và bày tỏ sự thông cảm đối với môn khí công này. Tuy vậy một phát ngôn viên của tờ báo nói rằng nó không phải là cơ quan ngôn luận của Pháp Luân Công.[125] Tờ báo duy trì lập trường biên tập chống chủ nghĩa cộng sản, bao gồm cả sự phản đối rõ ràng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.[18][120][126][127]

Đại Kỷ Nguyên được xác định là đã phát tán nhiều thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch COVID-19 trên báo in và qua các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm FacebookYouTube.[128][129] Nó đã thúc đẩy các luận điệu chống chính phủ Trung Quốc và các thuyết âm mưu vô căn cứ xung quanh sự bùng phát của virus COVID-19. Người theo dõi thông tin sai lệch NewsGuard gọi trang Đại Kỷ Nguyên là một trong những nguồn "siêu phát tán" thông tin sai lệch về COVID-19 trên Facebook, ông trích dẫn một bài báo vô căn cứ của Đại Kỷ Nguyên cho rằng virus này được tạo ra một cách nhân tạo.[130][131] Đại Kỷ Nguyên còn phát tán một ấn bản đặc biệt dài 8 trang có tên "Đảng Cộng sản Trung Quốc nguy hiểm cho thế giới như thế nào", được phát hành bất hợp pháp vào tháng 4 năm 2020 cho khách hàng ở các khu vực của Hoa Kỳ, Canada và Úc, trong đó vu cáo chính phủ Trung Quốc đã cố ý tạo ra virus và phát tán nó.[132][133] Một bài báo trên tờ Đại Kỷ Nguyên vào ngày 17/2/2020, đã đăng tải một bản đồ sai sự thật về lượng khí sulfur dioxide thải ra từ các lò thiêu trong Đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhằm tuyên truyền rằng "14.000 người Trung Quốc đã chết vì dịch bệnh và lén lút bị hỏa thiêu".[134] Một kiểm tra thực tế của AFP đã khám phá ra rằng: bản đồ thực ra là một dự báo thời tiết của NASA đã bị Đại Kỷ Nguyên cắt dán khỏi ngữ cảnh ban đầu.[134]

Tờ báo có các chủ đề tập trung vào tin tức về Trung Quốc và các vấn đề có liên quan, nó cũng được biết đến vì những bài viết ủng hộ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số chính trị gia cực hữu ở châu Âu; một báo cáo năm 2019 cho thấy nó là nhà tài trợ lớn thứ hai cho các quảng cáo ủng hộ Trump trên Facebook trong chiến dịch tranh cử.[17][135][136][137][138][139] Tờ báo này là một phần của Tập đoàn Truyền thông Epoch, cũng điều hành kênh Truyền hình Tân Đường nhân (NTD).[17] Các trang web tin tức mới và các kênh YouTube của nhóm cũng truyền bá các thuyết âm mưu như QAnontuyên truyền chống tiêm chủng.[17][66][140]

Vào ngày 20 tháng 12 năm 2019, The New York Times đưa tin rằng Facebook đã xóa "hàng trăm tài khoản có quan hệ với Tập đoàn truyền thông Đại Kỷ Nguyên (Epoch Media Group), công ty mẹ của ấn phẩm liên quan đến Pháp Luân Công". Theo đó, The Epoch Times bị phát hiện đã "sử dụng ảnh hồ sơ giả được tạo bằng trí tuệ nhân tạo" nhằm tạo ra hàng loạt tài khoản Facebook giả mạo để tuyên truyền chính trị. Giám đốc Phòng nghiên cứu pháp y kỹ thuật số Hội đồng Đại Tây Dương (DFRLab), Graham Brookie, tuyên bố rằng mạng lưới tài khoản giả mạo này cho thấy "một tương lai kỳ lạ của thông tin sai lệch, được kích hoạt bởi công nghệ". Người đứng đầu bộ phận chính sách bảo mật của Facebook, Nathaniel Gleicher, cho biết, "Điểm mới ở đây là một công ty truyền thông có trụ sở tại Hoa Kỳ đã lợi dụng các diễn viên nước ngoài đóng giả người Mỹ để thúc đẩy nội dung chính trị. Chúng tôi đã từng thấy điều này rất nhiều với các tổ chức nhà nước trước đây"[141][142]

Vào tháng 12 năm 2019, Wikipedia tiếng Anh đã xếp Đại Kỷ Nguyên vào danh mục "nguồn không đáng tin cậy" để sử dụng làm tài liệu tham khảo trong Wikipedia, và mô tả mô tả nó là "một nhóm vận động cho Pháp Luân Công, một nguồn nhiều thành kiến hoặc thường xuyên xuất bản các thuyết âm mưu"[143]

Nhân khẩu học

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thời điểm vụ trấn áp Pháp Luân công diễn ra vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, hầu hết các số liệu của chính phủ Trung Quốc cho biết số người tập Pháp Luân Công là từ 2 đến 3 triệu người,[111][144] mặc dù một số ấn phẩm vẫn duy trì con số ước tính là 40 triệu người.[99][145] Hầu hết các học viên Pháp Luân Công ước tính trong thời kỳ này tổng số học viên ở Trung Quốc là từ 70 đến 80 triệu.[34][99][146] Các nguồn tin khác đã ước tính số người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đạt đỉnh điểm từ 10 đến 70 triệu người.[5][147] Các thành viên Pháp Luân công thì tuyên bố có 70 triệu người tập Pháp Luân Công trước khi xảy ra việc trấn áp[148][149][150][151][152]

Rất khó để xác định chính xác số người tập Pháp Luân Công vẫn đang tập luyện tại Trung Quốc ngày nay, mặc dù một số nguồn tin ước tính rằng hàng chục triệu người vẫn tiếp tục tập luyện bí mật.[12][153]

Các cuộc khảo sát nhân khẩu học được thực hiện ở Trung Quốc vào năm 1998 đã phát hiện ra một quần thể người tập chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi. Trong số 34.351 người thực hành Pháp Luân Công được khảo sát, 27% là nam giới và 73% là nữ giới. Chỉ có 38% dưới 50 tuổi.[154] Pháp Luân Công đã thu hút được một loạt các cá nhân khác, từ sinh viên trẻ đến các viên chức, trí thức và các quan chức Đảng.[155][156] Các cuộc khảo sát ở Trung Quốc từ những năm 1990 cho thấy có khoảng từ 23% - 40% số người thực hành có trình độ đại học có bằng cấp cao đẳng hoặc đại học - cao gấp nhiều lần so với dân số nói chung.[95]

Có hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tập luyện Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc,[16] với các cộng đồng lớn nhất là ở các thành phố tại Đài Loan và Bắc Mỹ, nơi có quần thể người Hoa lớn, như thành phố New York và Toronto. Các cuộc nghiên cứu nhân khẩu học của Palmer và Ownby tại các cộng đồng này cho thấy 90% người thực hành là người Hoa. Tuổi trung bình là khoảng 40.[157] Trong số những người tham gia khảo sát, 56% là nữ và 44% nam; 80% đã lập gia đình. Các cuộc khảo sát cho thấy những người được hỏi có trình độ học vấn cao: 9% là tiến sĩ, 34% có bằng thạc sĩ, và 24% có bằng cử nhân.[157]

Những lý do phổ biến nhất cho việc bị thu hút bởi Pháp Luân Công được ghi nhận là nội hàm cao thâm, bộ bài tập tu luyện và các lợi ích sức khoẻ.[158] Các học viên Pháp Luân Công không phải người Hoa có xu hướng là những người "tìm kiếm giá trị tinh thần" - những người đã từng thử nhiều môn khí công, yoga, hoặc tu tập trước khi tìm đến Pháp Luân Công. Theo ông Richard Madsen, các nhà khoa học Trung Quốc có bằng tiến sĩ từ các trường đại học uy tín của Mỹ đang tập luyện Pháp Luân Công cho rằng vật lý học hiện đại (ví dụ lý thuyết siêu dây) và sinh học hiện đại (cụ thể là chức năng của tuyến tùng) cung cấp cơ sở khoa học cho niềm tin của họ. Theo quan điểm của họ, "Pháp Luân Công là tri thức chứ không phải là tôn giáo, một dạng khoa học mới chứ không phải là đức tin".[89]

Lịch sử tại Trung Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

1992–1996

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Hồng Chí giới thiệu Pháp Luân Công cho công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.[26] Vài tháng sau, vào tháng 9 năm 1992, Pháp Luân Công đã được thừa nhận là một môn phái khí công dưới sự quản lý của Hội nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc của nhà nước (HNKKT). Lý đã được công nhận là một bậc thầy khí công, và được phép dạy thực hành khí công của mình trên toàn quốc.[159] Giống như nhiều thầy khí công vào thời điểm đó, Lý đi du lịch vòng quanh các thành phố lớn ở Trung Quốc 1992-1994 để dạy thực hành Pháp Luân Công. Ông đã được trao tặng một số giải thưởng của các tổ chức chính phủ Trung Quốc.[26][88][160][161]

Theo David Ownby, Giáo sư Lịch sử và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Montréal, Lý Hồng Chí đã trở thành một "ngôi sao vụt sáng của phong trào khí công",[159] và Pháp Luân Công đã được chính phủ chấp nhận như là một phương tiện hiệu quả của việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy văn hóa Trung Quốc, và nâng cao đạo đức cộng đồng. Trong tháng 12 năm 1992, Lý và một số học viên Pháp Luân Công tham gia Hội chợ triển lãm y tế châu Á tại Bắc Kinh, nơi ông được báo cáo "đã nhận được khen ngợi nhiều nhất [so với các trường phái khí công khác] tại hội chợ, và đạt được kết quả điều trị rất tốt," theo Ban tổ chức của hội chợ[26] Sự kiện này đã khẳng định danh tiếng của Lý, và các báo cáo về công năng chữa bệnh của Pháp Luân Công trên báo chí bắt đầu lan rộng.[26][31] Năm 1993, một ấn phẩm của Bộ Công an Trung Quốc khen ngợi Lý Hồng Chí đã "phát huy đức tính chống tội phạm truyền thống của người Trung Quốc trong việc bảo vệ trật tự an ninh xã hội, và trong việc thúc đẩy sự ngay thẳng trong xã hội."[162]

Pháp Luân Công khác biệt so với các trường phái khí công khác ở chỗ nhấn mạnh vào đạo đức, chi phí thấp, và lợi ích cho sức khỏe. Nó nhanh chóng phát triển qua việc truyền miệng, thu hút một loạt các học viên đến từ tất cả các tầng lớp xã hội, bao gồm cả một số thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[34]

Từ năm 1992 đến năm 1994, Lý có thu phí cho các cuộc hội thảo và bài giảng của ông trên khắp Trung Quốc, mặc dù chi phí ông lấy thấp hơn đáng kể so với các môn khí công cạnh tranh khác, và các Hiệp hội khí công địa phương nhận được một phần tiền đáng kể trích ra từ khoản thu này.[92] Lý giải thích lệ phí này như là cần thiết để trang trải chi phí đi lại và các chi phí khác, và trong một số trường hợp, ông đã tặng toàn bộ số tiền thu được cho từ thiện. Năm 1994, Lý ngừng thu phí hoàn toàn, sau đó quy định rằng Pháp Luân Công luôn luôn phải được dạy miễn phí, và sách vở giáo lý của Pháp Luân Công phải có sẵn miễn phí (bao gồm cả trực tuyến).[163] Mặc dù một số nhà quan sát tin rằng Lý tiếp tục có được thu nhập đáng kể thông qua việc bán sách Pháp Luân Công,[164] những người khác phản đối việc này, và chỉ ra rằng hầu hết các sách Pháp Luân Công đều là các bản sao lậu.[69]

Với việc xuất bản các sách Pháp Luân Công và Chuyển Pháp Luân, Lý đã khiến những bài giảng của mình trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều. Sách Chuyển Pháp Luân, được công bố vào tháng 1 năm 1995 tại một buổi lễ được tổ chức tại hội trường của Bộ Công an, đã trở thành một trong các cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc khi đó[165][166]

Năm 1995, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiếp cận Pháp Luân Công để củng cố cơ cấu tổ chức của nó và ràng buộc quan hệ của nó với các tổ chức Đảng và nhà nước.[95] Ủy ban quốc gia Thể thao Trung Quốc, Bộ Y tế Cộng đồng, và Hội nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc (HNKKT) đã tìm gặp Lý để cùng nhau thành lập một hiệp hội Pháp Luân Công. Lý đã từ chối. Cùng năm đó, HNKKT ban hành một quy định mới buộc các tất cả các giáo phái khí công phải thành lập một chi nhánh Đảng bộ Đảng Cộng sản. Lý một lần nữa từ chối.[24]

Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Lý và HNKKT vào năm 1996. Trong khi đối mặt với sự phổ biến ngày càng tăng của Pháp Luân Công - phần lớn là do học phí thấp của nó - các giảng sư khí công khác cạnh tranh với Lý cáo buộc ông ta đã phá giá bài giảng. Theo Schechter, Hiệp hội khí công đã yêu cầu Lý tăng học phí, nhưng Lý đã nhấn mạnh nhu cầu các bài giảng của mình phải được cung cấp miễn phí.[92]

Trong tháng 3 năm 1996, do bất đồng gia tăng, Pháp Luân Công đã rút khỏi HNKKT, sau đó nó đã hoạt động không phụ thuộc vào một hiệp hội chính thức nào của nhà nước Trung Quốc. Đại diện của Pháp Luân Công đã cố gắng để đăng ký Pháp Luân Công với các cơ quan khác của chính phủ, nhưng đã bị từ chối.[167] Lý Hồng Chí và Pháp Luân Công kể từ đó đã đứng ngoài các mối quan hệ cá nhân và giao dịch tài chính với nhà nước, vốn là tiêu chí đảm bảo cho các thầy dạy khí công và các tổ chức khí công của họ có thể tìm được một chỗ đứng trong hệ thống nhà nước Trung Quốc, và được pháp luật nhà nước này bảo vệ.[168]

1996–1999

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc Pháp Luân Công rút lui khỏi tổ chức HNKKT của nhà nước xảy ra đồng thời với một sự thay đổi lớn hơn trong thái độ của chính phủ đối với môn khí công. Khi những người chỉ trích khí công trong chính phủ ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn, chính quyền bắt đầu cố gắng kiềm chế sự phát triển và ảnh hưởng của các môn phái khí công, trong đó có một số môn phái đã có hàng chục triệu học viên.[26] Vào giữa những năm 1990, truyền thông nhà nước bắt đầu xuất bản các bài báo chỉ trích khí công.[24][26]

Ban đầu Pháp Luân Công được nhà nước bảo vệ không bị làn sóng chỉ trích tấn công, nhưng sau khi rút khỏi HNKKT vào tháng 3 năm 1996, Pháp Luân Công đã không được bảo vệ nữa. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1996, Quang Minh nhật báo, một tờ báo nhà nước có ảnh hưởng lớn đã xuất bản một bài bút chiến chống lại Pháp Luân Công, trong đó Chuyển Pháp Luân, tác phẩm trung tâm của môn phái này, được mô tả như một ví dụ của sự "mê tín thời phong kiến"[26][169] Tác giả viết rằng lịch sử của nhân loại là một "cuộc đấu tranh giữa khoa học và mê tín dị đoan", và kêu gọi các nhà xuất bản Trung Quốc không in "sách giả khoa học của kẻ lừa đảo". Bài báo này đã được ít nhất hơn hai mươi tờ báo khác trên toàn Trung Quốc cùng hưởng ứng. Ngay sau đó, vào ngày 24 tháng 7, Ban Tuyên giáo Trung ương cấm tất cả các ấn phẩm sách của Pháp Luân Công (mặc dù lệnh cấm đã không được thực thi một cách nhất quán).[169] Hiệp hội Phật giáo do Nhà nước Trung Quốc quản lý cũng bắt đầu đưa ra những lời chỉ trích Pháp Luân Công, kêu gọi Phật tử không tham gia tập luyện nó.[170]

Các sự kiện xảy ra này là một thách thức quan trọng đối với học viên Pháp Luân Công, và các học viên của tổ chức này đã không hề xem nhẹ.[171] Hàng ngàn người theo Pháp Luân Công đã viết thư cho Quang Minh nhật báo và HNKKT, khiếu nại chống lại các biện pháp trừng phạt, tuyên bố rằng họ đã vi phạm chỉ thị "Ba không" của Hồ Diệu Bang về việc cấm các phương tiện truyền thông khuyến khích hoặc chỉ trích khí công.[169][172] Trong một động thái phản đối khác, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình bên ngoài trụ sở cơ quan truyền thông địa phương hoặc cơ quan chính phủ để yêu cầu rút lại những bài báo đã viết về Pháp Luân Công mà họ coi là không công bằng. Lý Hồng Chí tuyên bố rằng phản ứng của các học viên đối với chỉ trích đã cho thấy cái tâm của họ và "sẽ loại bỏ các đệ tử giả mạo để giữ lại những đệ tử thật sự". Ông cũng nói rõ rằng việc công khai bảo vệ Pháp Luân Công là một hành động công chính và là một khía cạnh quan trọng của việc tu luyện Pháp Luân Công.[31]

Các cuộc bút chiến chống lại Pháp Luân Công là một phần của một phong trào lớn chống lại các tổ chức khí công bằng phương tiện truyền thông của nhà nước.[173] Mặc dù Pháp Luân Công không phải là mục tiêu duy nhất của những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, cũng không phải là môn phái khí công duy nhất phản đối nhà nước, phản ứng của Pháp Luân Công là phản ứng có đông người tham gia nhất và kiên trì nhất.[87] Nhiều cuộc biểu tình của Pháp Luân Công chống lại việc mô tả tiêu cực về Pháp Luân Công trên các phương tiện thông tin đã thành công, kết quả là một số tờ báo đã rút lại một số bài báo chỉ trích môn phái này. Điều này góp phần củng cố niềm tin của các học viên rằng những chỉ trích truyền thông đối với Pháp Luân Công là sai hoặc phóng đại, và lập trường của họ là đúng đắn.[174]

Tháng 6 năm 1998, Hà Tộ Hưu, một nhà phê bình thẳng thắn môn khí công và một người bảo vệ chủ nghĩa Mác quyết liệt, xuất hiện trên một chương trình truyền hình ở Bắc Kinh công khai chỉ trích sự phi khoa học của khí công, và đề cập cụ thể đến Pháp Luân Công.[175] Các học viên Pháp Luân Công đã đáp trả bằng các cuộc biểu tình hòa bình và yêu cầu đài truyền hình xin lỗi. Các phóng viên chịu trách nhiệm về chương trình trên đã bị sa thải, và một chương trình truyền hình khen ngợi Pháp Luân Công đã được phát sóng vài ngày sau đó.[176][177] Các học viên Pháp Luân Công cũng tham gia biểu tình tại 14 cơ quan truyền thông khác.[176]

Trong năm 1997, Bộ Công an đã phát động một cuộc điều tra xem liệu Pháp Luân Công có nên được coi là tà giáo (邪教, xiejiao). Báo cáo đã kết luận rằng "không có bằng chứng nào cho đến thời điểm hiện tại".[178] Tuy nhiên, một năm sau đó, vào ngày 21 tháng 7 năm 1998, Bộ Công an đã ban hành văn bản số 555, "Thông báo về cuộc điều tra Pháp Luân Công". Tài liệu này khẳng định rằng Pháp Luân Công là một "tà giáo", và lệnh cho các cuộc điều tra khác cần được tiến hành để tìm kiếm bằng chứng hỗ trợ cho kết luận trên.[179] Các học viên Pháp Luân Công cho biết các đường dây điện thoại của họ bị ghi âm, nhà của họ bị lục soát và đột kích, và nơi tập luyện Pháp Luân Công bị nhân viên an ninh công cộng đến phá rối.[31]

Trong khoảng thời gian này, ngay cả khi những lời chỉ trích khí công và Pháp Luân Công tăng cao trong một số giới chức, Pháp Luân Công vẫn duy trì được sự ủng hộ của một số quan chức cao cấp trong chính phủ. Năm 1998, Kiều Thạch, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc mới về hưu khởi xướng cuộc điều tra riêng của cá nhân ông đối với Pháp Luân Công. Sau nhiều tháng điều tra, nhóm của ông đã kết luận rằng "Pháp Luân Công có hàng trăm lợi ích cho người dân Trung Quốc và nước Trung Quốc, và không có một tác động xấu nào."[180] Vào tháng 5 cùng năm, Ủy ban Thể thao quốc gia Trung Quốc đã phát động cuộc điều tra riêng của mình về Pháp Luân Công. Dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 12.000 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Đông,[24] Ủy ban nói rằng họ "khẳng định các bài tập và hiệu quả của Pháp Luân Công là tuyệt vời. Nó đã làm được rất nhiều việc nhằm cải thiện sự ổn định và đạo đức của xã hội."

Người sáng lập môn phái, Lý Hồng Chí, không có mặt tại Trung Quốc trong phần lớn giai đoạn gia tăng căng thẳng với chính phủ. Vào tháng 3 năm 1995, Lý đã rời Trung Quốc để đi dạy Pháp Luân Công ở Pháp và sau đó là các nước khác. Vào năm 1998, ông đã có được quyền thường trú tại Hoa Kỳ và không trở về Trung Quốc nữa.[24][31][181]

Đến năm 1999, Ủy ban Thể thao Nhà nước đã ước tính có khoảng 70 triệu người đã hoặc đang tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.[148][182] Một nhân viên giấu tên của Ủy ban Thể thao quốc gia của Trung Quốc, được trích dẫn trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí U.S. News & World Report lúc đó đã suy đoán rằng nếu 100 triệu người đã tập luyện Pháp Luân Công và các hình thức khí công khác thì chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ giảm đáng kể và "Thủ tướng Chu Dung Cơ rất hạnh phúc về điều này."[149]

Biểu tình tại Thiên Tân và Trung Nam Hải

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào cuối những năm 1990, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản đối với phong trào Pháp Luân Công phát triển ngày càng trở nên căng thẳng. Các báo cáo về phân biệt đối xử và giám sát của Cục Công an với các học viên đã gia tăng chóng mặt, và các học viên Pháp Luân Công cũng thường xuyên tổ chức các cuộc "biểu tình ngồi" để phản ứng lại các bài báo trên các phương tiện truyền thông mà họ coi là chống Pháp Luân Công. Các báo cáo điều tra mâu thuẫn nhau, được một bên là Bộ Công an và một bên là Ủy ban Thể thao Nhà nước do Kiều Thạch đưa ra, đã làm những bất đồng giữa giới lãnh đạo Trung Quốc về cách đối xử với Pháp Luân Công ngày càng tăng.

Vào tháng 4 năm 1999, một bài báo chỉ trích Pháp Luân Công đã được công bố trên tạp chí Độc giả Thanh niên của Đại học Sư phạm Thiên Tân. Bài báo này được nhà vật lý Hà Tộ Hưu viết ra. Như Porter và Gutmann đã chỉ ra, Hà Tộ Hưu là người thân của thành viên Bộ Chính trị, Bí thư Bộ Công an La Cán.[95][183] Bài viết này coi khí công nói chung và Pháp Luân Công nói riêng là mê tín dị đoan và có hại cho thanh thiếu niên.[184] Các học viên Pháp Luân Công phản ứng bằng cách bao vây văn phòng của tờ báo và yêu cầu rút lại bài báo.[179] Không giống như các trường hợp trước đây với việc phản đối thành công của học viên Pháp Luân Công, vào ngày 22 tháng 4, cuộc biểu tình tại Thiên Tân đã bị phá vỡ với sự xuất hiện của 300 cảnh sát chống bạo động. Một số học viên đã bị đánh đập, và 45 người đã bị bắt.[92][179][185] Các học viên Pháp Luân Công khác được cho biết rằng, nếu họ muốn phản đối nữa, họ cần phải đưa vấn đề này lên với Bộ Công an và đến Bắc Kinh để kháng cáo.[183][185][186]

Cộng đồng Pháp Luân Công đã phản ứng bằng cách huy động hội viên một cách nhanh chóng. Vào sáng ngày 25 tháng 4, 10.000 học viên đã tụ tập gần trung tâm văn phòng khiếu nại để yêu cầu chấm dứt việc truyền thông leo thang chống lại Pháp Luân Công, và yêu cầu thả các học viên ở Thiên Tân. Theo Benjamin Penny, các học viên đã tìm cách yêu cầu ban lãnh đạo Trung Quốc bằng cách tiếp cận họ và, "mặc dù rất nhẹ nhàng và lịch sự, thể hiện rõ ràng rằng họ sẽ không chấp nhận bị đối xử tồi tệ như vậy nữa."[88] Nhà báo Ethan Gutmann đã viết rằng nhân viên an ninh đã chờ sẵn, và dồn các học viên vào phố Fuyou ở mặt trước của văn phòng chính phủ tại Trung Nam Hải.[183] Họ ngồi lặng lẽ trên vỉa hè xung quanh Trung Nam Hải.[187]

Năm đại diện của Pháp Luân Công có cuộc gặp với Thủ tướng Chu Dung Cơ và các quan chức cấp cao khác để thương lượng một giải pháp. Các đại diện của Pháp Luân Công đã được đảm bảo rằng chế độ luôn hỗ trợ các bài tập vật lý để cải thiện sức khỏe và không coi các học viên Pháp Luân Công là những người chống chính phủ.[187] Đạt được thỏa thuận này, đám đông học viên Pháp Luân Công biểu tình đã giải tán.[183]

Tổng Bí thư Đảng Giang Trạch Dân được thông báo từ Ủy viên Bộ Chính trị La Cán,[144] và được báo cáo ông đã tức giận vì sự táo bạo của cuộc biểu tình, đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc biểu tình Thiên An Môn mười năm trước đó. Giang kêu gọi phải hành động kiên quyết để ngăn chặn Pháp Luân Công,[111] và đã chỉ trích Thủ tướng Chu vì "quá mềm yếu" trong việc xử lý tình hình.[92] Buổi tối hôm đó, Giang viết một bức thư nêu rõ ý muốn của mình là muốn Pháp Luân Công bị tiêu diệt. Trong thư, Giang bày tỏ sự lo ngại về quy mô và mức độ phổ biến của Pháp Luân Công, và đặc biệt là về số lượng lớn các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản cũng đồng thời là các học viên Pháp Luân Công. Ông cũng gợi ý rằng những triết lý thần học của Pháp Luân Công là đi ngược lại với các giá trị vô thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, và do đó tạo thành một hình thức cạnh tranh về ý thức hệ.[188]

Pháp Luân Công cho rằng Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đàn áp Pháp Luân Công này.[189][190] Peerman trích dẫn các lý do như sự ghen tỵ cá nhân đối với Lý Hồng Chí (còn đang nghi ngờ); Saich chỉ ra sự giận dữ của Giang là do sự phát triển trên quy mô rộng rãi của Pháp Luân Công, và cuộc đấu tranh tư tưởng là nguyên nhân cho sự đàn áp sau đó. Willy Wo-Lap Lam cho thấy quyết định của Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công đã liên quan đến một mong muốn củng cố quyền lực của Giang trong Bộ Chính trị.[191] Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và tầng lớp cầm quyền đã tỏ ra không hề thống nhất ý kiến về việc có nên đàn áp Pháp Luân Công hay không.[177]

Cuộc trấn áp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, lực lượng an ninh bắt giam hàng ngàn học viên Pháp Luân Công mà họ xác định là các lãnh đạo.[111] Hai ngày sau, vào ngày 22 tháng 7, Bộ Nội vụ Trung Quốc đặt Pháp Luân Công ra ngoài vòng pháp luật, coi nó là một tổ chức bất hợp pháp "tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp, ủng hộ sự mê tín và truyền bá những điều nguỵ biện, lừa gạt người khác, kích động, tạo ra rối loạn và gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội".[192][193] Cùng ngày, Bộ Công an đã ban hành một thông tư cấm công dân tập Pháp Luân Công theo nhóm, cấm sở hữu bài giảng của Pháp Luân Công, cấm hiển thị biểu ngữ hay biểu tượng của Pháp Luân Công, và cấm phản đối lệnh cấm này.[177]

Các chiến dịch tiếp theo nhằm "nhổ tận gốc" Pháp Luân Công thông qua việc kết hợp các công tác tuyên truyền, bắt giữ, và cải cách tư tưởng cưỡng chế đối với các học viên, đôi khi dẫn đến tử vong. Trong tháng 10 năm 1999, bốn tháng sau khi lệnh cấm được ban hành, các nghị định đã được ban hành để đặt "các tôn giáo không chính thống" ra ngoài vòng pháp luật và phạt tù các học viên Pháp Luân Công.[194][195]

Phương Tây ước tính hàng trăm ngàn người đã bị giam giữ không qua xét xử, và tuyên bố rằng các học viên đã phải lao động cưỡng bức, bị lạm dụng tâm thần, bị tra tấn, và phải chịu các phương pháp tẩy não cưỡng chế của chính quyền Trung Quốc.[8][196][197] Năm 2008, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và "Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc" trích dẫn các ước tính rằng có tới một nửa số người trong các trại cải tạo lao động của Trung Quốc là các học viên Pháp Luân Công.[198][199] Nhà nghiên cứu Ethan Gutmann ước tính rằng Pháp Luân Công chiếm trung bình từ 15 đến 20 phần trăm của tổng số người "lao cải" trong thời kỳ đó, trong đó bao gồm việc cải tạo thông qua các trại lao động cũng như các nhà tù và các hình thức giam giữ hành chính.[200] Các cựu tù nhân trong hệ thống trại cải tạo lao động đã báo cáo rằng các học viên Pháp Luân Công là một trong những nhóm tù nhân lớn nhất; ở một số cơ sở trại lao động và nhà tù, họ chiếm đa số các tù nhân, và thường được biết đến là các tù nhân chịu án dài nhất và bị đối xử tồi tệ nhất.[201][202] Một báo cáo năm 2013 của Tổ chức Ân xá Quốc tế về các trại cải tạo lao động cho thấy rằng, các học viên Pháp Luân Công "chiếm trung bình từ một phần ba, và trong một số trường hợp, chiếm đến 100% tổng số tù nhân" của một số trại cải tạo.[203]

Theo Johnson, chiến dịch chống Pháp Luân Công mở rộng ra nhiều khía cạnh của xã hội, bao gồm cả bộ máy truyền thông, lực lượng cảnh sát, quân sự, hệ thống giáo dục, và nơi làm việc.[69] Một cơ quan ngoài hiến pháp, "Phòng 610" được tạo ra để "giám sát" các nỗ lực này.[8][194][204] Báo Human Rights Watch (2002) ghi nhận rằng các gia đình và nơi làm việc đã được kêu gọi để hợp tác với chính phủ.[177]

Các nhà quan sát nước ngoài đã cố gắng để giải thích lý do của Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm Pháp Luân Công là bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Các lý do này bao gồm sự phổ biến của Pháp Luân Công, lịch sử của các phong trào "nửa tôn giáo" tại Trung Quốc mà sau đó đã biến thành các cuộc nổi dậy mang tính bạo lực nhằm lật đổ triều đại (ví dụ như loạn Hoàng Cân, loạn Bạch Liên giáo), sự độc lập không phụ thuộc vào nhà nước của Pháp Luân công, việc từ chối đi theo đường lối của Đảng Cộng sản, việc đấu tranh chính trị và đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản, và nội dung thần học của Pháp Luân Công - vốn mâu thuẫn với các khía cạnh của hệ tư tưởng Mác-xít chính thức.

Tổ chức văn phòng 610 tại Trung Quốc.

Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản, đã tuyên bố rằng Pháp Luân Công là "đi ngược lại với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền trung ương, giảng dạy lý thuyết hoang tưởng, chủ thuyết hữu thần và mê tín phong kiến."[205] Tân Hoa Xã cũng khẳng định rằng "Cái gọi là nguyên lý 'Chân, Thiện, Nhẫn' được [Pháp Luân Công] thuyết giảng không có điểm nào chung với sự tiến bộ đạo đức và văn hóa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu để đạt tới", và cho rằng việc tiêu diệt Pháp Luân Công là cần thiết để giữ gìn "vai trò tiên phong và sự trong sạch" của Đảng Cộng sản.[206] Các bài báo khác xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của nhà nước trong những ngày và tuần đầu tiên của lệnh cấm khẳng định rằng Pháp Luân Công phải bị tiêu diệt bởi vì triết lý "hữu thần" của nó đã mâu thuẫn với tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lêninchủ nghĩa duy vật.

Willy Wo-Lap Lam viết rằng chiến dịch trấn áp đối với Pháp Luân Công có thể đã được sử dụng để thúc đẩy lòng trung thành với chính ông ta; Lam trích dẫn một cựu đảng viên nói rằng "bằng cách gây ra một phong trào theo kiểu Mao [chống lại Pháp Luân Công], Giang đã buộc các cán bộ cao cấp cam kết trung thành với phe cánh của ông ta."[207] The Washington Post báo cáo rằng các nguồn thông tin chỉ ra không phải tất cả các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều đồng ý với Giang rằng Pháp Luân Công cần phải bị tiêu diệt,[208] nhưng James Tong cho thấy là không có phản đối mạnh mẽ từ Bộ Chính trị đối với quyết định của Giang.

Human Rights Watch nhấn mạnh rằng việc trấn áp Pháp Luân Công phản ánh nỗ lực lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tiêu diệt các phong trào tôn giáo, mà chính phủ tin rằng bản chất của các phong trào này đều mang tính lật đổ.[177] Chính phủ Trung Quốc chỉ bảo vệ các nhóm tôn giáo được xem là yêu nước, chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Các tôn giáo không đăng ký nằm ngoài các tổ chức được nhà nước vì vậy dễ bị trấn áp.[209] The Globe and Mail viết: "... bất cứ hội nhóm nào không chịu sự kiểm soát của Đảng là một mối đe dọa".[210] Craig S. Smith của The Wall Street Journal viết rằng Đảng cảm thấy ngày càng bị đe dọa bởi bất kỳ hệ thống niềm tin nào dám thách thức tư tưởng của mình và có khả năng tự tổ chức.[211] Và Pháp Luân Công, với hệ thống niềm tin đại diện cho một sự hồi sinh của tôn giáo truyền thống Trung Quốc, đã được một số lượng lớn các đảng viên Cộng sản và các sĩ quan quân đội thực hành. Điều này được Giang Trạch Dân coi là đặc biệt đáng lo ngại; theo Julia Ching, "Giang chấp nhận sự đe dọa của Pháp Luân Công với tư cách là một hệ thống tư tưởng mới: tín ngưỡng hữu thần chống lại chủ nghĩa vô thần chuyên chính và duy vật lịch sử. Giang [muốn] thanh tẩy chính phủ và quân đội khỏi các niềm tin như thế."[212]

Yuezhi Zhao chỉ ra một vài yếu tố khác có thể dẫn đến một sự suy giảm của mối quan hệ giữa Pháp Luân Công và các phương tiện truyền thông và nhà nước Trung Quốc.[87] Các yếu tố này bao gồm việc đấu đá nội bộ giữa các môn phái khí công của Trung Quốc, ảnh hưởng của các môn phái khí công đối địch đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, và các cuộc đấu tranh từ giữa năm 1996 đến giữa năm 1999 giữa Pháp Luân Công và các tầng lớp quyền lực của Trung Quốc về pháp nhân và sự đối xử của nhà nước đối với phong trào này.[87] Theo Zhao, các học viên Pháp Luân Công đã thành lập ra một "thương hiệu đối kháng" - một bản lĩnh dám chống lại sự theo đuổi giàu sang, quyền lực, tính hợp lý của khoa học hiện hành, và "toàn bộ hệ thống giá trị liên quan đến dự án hiện đại hóa của Trung Quốc."[87] Ở Trung Quốc phong trào này đã đại diện cho một truyền thống tâm linh và đạo đức bản địa Trung Quốc, một phong trào phục hồi văn hóa, và tạo ra sự tương phản rõ rệt với "chủ nghĩa Mác mang màu sắc Trung Quốc".[213]

Tương tự, Vivienne Shue viết rằng Pháp Luân Công là một thách thức toàn diện cho tính chính danh của Đảng Cộng sản. Shue lập luận rằng trong lịch sử các hoàng đế Trung Quốc đã khẳng định tính chính danh của họ bằng một khẳng định muốn đạt đến chân thiện mỹ thì phải thông qua họ. Trong triều đình Trung Quốc, cái gọi là chân thiện mỹ được dựa trên một nhân sinh quan Nho giáo và Đạo giáo. Còn trong trường hợp của Đảng Cộng sản, sự thật được đại diện bằng chủ nghĩa Mác-Lêninchủ nghĩa duy vật lịch sử. Pháp Luân Công đã thách thức mô hình chủ nghĩa Mác-Lênin, làm sống lại một sự hiểu biết dựa trên những quan niệm Phật giáo hay Đạo giáo mang tính truyền thống hơn.[214] David Ownby cho rằng Pháp Luân Công cũng thách thức bá quyền của Đảng Cộng sản khi giải nghĩa dân tộc Trung Quốc: "[Pháp Luân Công] làm sống lại một tầm nhìn khác của truyền thống Trung Quốc và giá trị hiện đại của nó bây giờ. Điều này đe dọa đến nhà nước và Đảng vì nó phủ nhận rằng Đảng cộng sản là tổ chức có quyền duy nhất xác định ý nghĩa của dân tộc Trung Quốc, và có lẽ cả khái niệm thuộc tính Trung Quốc."[215]

Maria Chang lưu ý rằng kể từ khi triều đại nhà Tần bị lật đổ, "các phong trào tạo thay đổi lớn đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử của Trung Quốc", thể hiện rõ nhất trong cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1949 đã đưa những người Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền.[84] Patsy Rahn (2002) mô tả mô hình các cuộc xung đột giữa các nhóm tôn giáo Trung Quốc và những người cai trị họ. Theo Rahn, lịch sử của mô hình này bắt nguồn từ sự sụp đổ của triều đại nhà Hán bởi loạn Hoàng Cân, một cuộc nổi loạn có vỏ bọc ban đầu là tổ chức tôn giáo: "Mô hình là nhà cầm quyền luôn chăm chú theo dõi đối với các nhóm tôn giáo, vào những thời điểm nhất định thì bị các nhóm này đe dọa, vào những thời điểm khác thì lại mở chiến dịch chống lại các nhóm tôn giáo này. Nó bắt đầu vào đầu thế kỷ thứ hai và tiếp tục trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến, qua thời kỳ Mao và duy trì cho đến ngày nay."[216]

Chương trình chuyển hóa

[sửa | sửa mã nguồn]
Pháp Luân Công tuyên bố học viên Tang Yongjie đã bị các quản giáo tra tấn bằng việc áp sắt nóng vào chân nhằm buộc anh phải từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công

Theo James Tong, chính quyền áp dụng cả những giải pháp cưỡng chế Pháp Luân Công và việc "chuyển hóa" của các học viên.[217] Đến năm 2000, Đảng Cộng sản nâng cấp chiến dịch của mình bằng cách tuyên án các học viên "tái phạm" buộc phải "học tập cải tạo thông qua lao động", với nỗ lực để họ từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công và "chuyển biến" những suy nghĩ của họ.[177] Điều khoản này cũng được cảnh sát sử dụng khá tùy tiện, trong khi một số học viên đã bị kết án với các tội danh mơ hồ, chẳng hạn như "gây rối trật tự xã hội", "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia", hoặc "lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa".[218] Theo Bejesky, đa số học viên Pháp Luân Công bị tù dài hạn được xử lý hành chính thông qua hệ thống này thay cho hệ thống tư pháp hình sự. Sau khi hoàn thành thời gian học tập cải tạo, những học viên vẫn giữ niềm tin Pháp Luân Công sau đó sẽ bị giam giữ trong các "trung tâm giáo dục pháp luật" được thành lập bởi chính quyền cấp tỉnh để "chuyển hóa tâm trí".[218][219]

Phần lớn các chương trình chuyển đổi này dựa trên các kỹ thuật nhồi sọ theo kiểu Mao và chuyển hóa tâm trí. Tại trại cải tạo các học viên Pháp Luân Công được tập trung để xem các chương trình truyền hình chống Pháp Luân Công và ghi danh vào các lớp học chủ nghĩa Mácchủ nghĩa duy vật.[220] Chủ nghĩa Mác truyền thống và chủ nghĩa duy vật là những nội dung cốt lõi của các buổi học này.[221]

Cao Dung Dung, một học viên Pháp Luân Công từ tỉnh Liêu Ninh. Tổ chức Nhân quyền Hoa Kỳ cáo buộc cô đã bị tra tấn đến chết trong tù vào năm 2005.[222]

Những hình ảnh do chính phủ tài trợ về quá trình chuyển đổi nhấn mạnh việc thuyết phục dùng tâm lý và một loạt các kỹ thuật "bán hàng mềm mỏng"; đây là "chuẩn mực lý tưởng" trong các báo cáo của chế độ, theo Tong. Mặt khác, trong các báo cáo của Pháp Luân Công, miêu tả các hình thức ép buộc "kinh dị và nham hiểm" đối với các học viên không chịu từ bỏ niềm tin của họ.[223] Có 14.474 người đã bị áp dụng các phương pháp tra tấn khác nhau, theo Tong (các đại diện Pháp Luân Công liệt kê hơn 63.000 trường hợp tra tấn).[224] Trong số đó có trường hợp đánh đập nghiêm trọng; đau khổ tâm lý, nhục hình và lao động nặng nề, bắt ngồi hoặc nằm trong các tư thế gây stress; biệt giam trong điều kiện bẩn thỉu;[223] "Xử lý nhiệt" bao gồm hun nóng hoặc lạnh; những cú sốc điện vào các bộ phận nhạy cảm của cơ thể mà có thể dẫn đến buồn nôn, co giật, và ngất xỉu;[223] "Tàn phá" bao gồm việc ép ăn; cắm tre vào móng tay; rút bớt thức ăn, thời gian ngủ, và hạn chế sử dụng nhà vệ sinh;[223] lăng mạ theo nhóm; làm ngạt thở; đe dọa, tống tiền, chấm dứt việc làm và đuổi học sinh viên.[223]

Các trường hợp này có vẻ là có thể kiểm chứng, và tuyệt đại đa số đã xác định (1) cá nhân học viên, thường đi kèm với độ tuổi, nghề nghiệp, và nơi cư trú; (2) thời gian và địa điểm mà các cáo buộc lạm dụng diễn ra, xuống tới mức huyện, quận, thị trấn, làng, và thường là có địa danh trại tù cụ thể; và (3) tên và cấp bậc của các thủ phạm bị cáo buộc. Nhiều báo cáo này bao gồm danh sách các tên của các nhân chứng và mô tả thương tích, Tong nói.[223] Việc công bố "lạm dụng hành vi dai dẳng, thường tàn bạo của các cá nhân có tên với danh hiệu chính thức của họ, địa điểm, thời gian và tra tấn" cho thấy rằng không có một chút ý định ngừng và chấm dứt các hoạt động lạm dụng.[223]

Số lượng người chết

[sửa | sửa mã nguồn]

Do khó khăn trong việc kiểm chứng báo cáo các ca tử vong do tra tấn ở Trung Quốc, ước tính số lượng của các học viên Pháp Luân Công bị chết dưới sự đàn áp rất khác nhau. Trong năm 2009, tờ New York Times báo cáo rằng, theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Hoa Kỳ, vụ đàn áp đã lấy đi "ít nhất 2.000" sinh mạng.[9] Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết ít nhất 100 học viên Pháp Luân Công đã báo cáo đã chết trong năm dương lịch 2008, tại nơi bị giam giữ hoặc ngay sau khi được thả.[225] Các nguồn Pháp Luân Công thì ghi nhận hơn 3.700 trường hợp tử vong.[226] Nhà báo điều tra Ethan Gutmann tuyên bố 65.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng trong thời gian từ 2000 đến 2008 dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu rộng,[200][227] trong khi các nhà nghiên cứu David Kilgour và David Matas báo cáo "nguồn của 41.500 ca cấy ghép nội tạng trong giai đoạn sáu, năm từ 2000 đến 2005 là không giải thích được".[228][229]

Tuy nhiên, trong một báo cáo năm 2016, David Kilgour cho rằng số liệu ông đã đưa ra còn thấp. Trong báo cáo mới, ông ước tính số lượng nội tạng lấy từ cuộc trấn áp Pháp Luân Công bắt đầu là 150.000 đến 200.000.[230] Các phương tiện truyền thông phương Tây đã ngoại suy từ nghiên cứu này ra số người chết vào khoảng 150.000.[231][232] Ethan Gutmann ước tính từ cập nhật mới với thông tin có 60-110.000 cơ quan nội tạng được thu hoạch tại Trung Quốc hàng năm đã ghi nhận (diễn giải) nó là: "tuy khó khăn nhưng có thể thu hoạch 3 nội tạng từ một cơ thể duy nhất" và cũng gọi việc thu hoạch nội tạng này là "một hình thức diệt chủng mới bằng cách thu hoạch nội tạng của những hội viên Pháp Luân công."[233] Nếu điều này được áp dụng cho các con số thu hoạch nội tạng (60-110.000) thì đã có 20.000 đến 36.667 người bị giết mỗi năm để lấy nội tạng. Áp dụng cho thời gian đã diễn ra việc thu hoạch nội tạng (15-17 năm) thì đã có từ 300.000 đến 623.333 người đã bị giết để lấy nội tạng.

Chính quyền Trung Quốc không công bố số liệu về các học viên Pháp Luân Công bị chết trong khi giam giữ. Tuy nhiên, trong các trường hợp cá nhân, chính quyền đã phủ nhận việc học viên chết ở trong tù là do bị tra tấn.[234] Chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố các cáo buộc từ phương Tây rằng họ đã "giết học viên Pháp luân công để lấy nội tạng" là những lời vu khống vô căn cứ, chủ yếu được tung ra bởi những học viên Pháp luân công đang lưu vong và các tổ chức chống Trung Quốc ở phương Tây.

Cáo buộc thu hoạch nội tạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong năm 2006, các cáo buộc được đưa ra ở phương Tây, nội dung là một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã bị giết để cung cấp nội tạng cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc. Những cáo buộc này đã thúc đẩy một cuộc điều tra của cựu Bộ trưởng Ngoại giao David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas.

Báo cáo Kilgour-Matas[228][235][236] được công bố vào tháng năm 2006, và kết luận rằng "chính phủ Trung Quốc và các đại diện của nó trong nhiều vùng của đất nước, trong một số bệnh viện, trại giam và "Tòa án nhân dân" từ năm 1999 đã giết chết một số lượng lớn nhưng không rõ bao nhiêu các "tù nhân lương tâm" Pháp Luân Công". Báo cáo này chủ yếu dựa trên các bằng chứng gián tiếp, kêu gọi sự chú ý về thời gian chờ đợi cực ngắn để lấy nội tạng ở Trung Quốc - 1 đến 2 tuần cho một lá gan so với 32,5 tháng ở Canada - lưu ý rằng đây là dấu hiệu nội tạng được khai thác theo yêu cầu. Báo cáo này cũng theo dõi một sự gia tăng đáng kể số lượng các ca ghép tạng ở Trung Quốc hàng năm bắt đầu từ năm 1999, tương ứng với bắt đầu của cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Mặc dù số lượng hiến tạng tự nguyện mức độ rất thấp, Trung Quốc thực hiện số ca cấy ghép mỗi năm cao thứ hai thế giới. Kilgour và Matas cũng trình bày các tài liệu tự buộc tội từ các trang web chuyên về ghép tạng ở Trung Quốc[237] quảng cáo nội tạng sẵn có ngay lập tức từ những người cho đang sống, và bản chép lại của các cuộc phỏng vấn, trong đó bệnh viện nói với người khách hàng nhận nội tạng tiềm năng rằng họ có thể có được các nội tạng Pháp Luân Công.[228]

Ethan Gutmann (trái) với Edward McMillan-Scott tại cuộc họp báo Hiệp hội báo chí nước ngoài năm 2009

Trong tháng 5 năm 2008 hai báo cáo viên đặc biệt Liên Hợp Quốc nhắc lại yêu cầu cho các nhà chức trách Trung Quốc để trả lời những cáo buộc,[238] và để giải thích nguồn gốc các nội tạng đã được ghép khi có sự gia tăng đột biến số ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc kể từ năm 2000. Các quan chức Trung Quốc đã phản ứng bằng cách phủ nhận cáo buộc thu hoạch nội tạng, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới cấm bán các bộ phận cơ thể con người mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người cho. Phản ứng trước sự việc Nghị quyết Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt lạm dụng thực hành cấy ghép nội tạng đối với các cộng đồng thiểu số tôn giáo và dân tộc, một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc cho biết "Cái gọi là thu hoạch nội tạng từ các tử tù là một lời dối trá hoàn toàn bịa đặt của Pháp Luân Công."[239] Trong tháng 8 năm 2009, ông Manfred Nowak, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tra tấn, cho biết: "Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa sạch sẽ và minh bạch... Không biết như thế nào mà số ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng tại các bệnh viện Trung Quốc đã tăng ồ ạt từ năm 1999, trong khi không hề có nhiều người tình nguyện cho nội tạng."[240]

Trong năm 2014, nhà báo điều tra Ethan Gutmann công bố kết quả điều tra của ông.[241] Gutmann tiến hành phỏng vấn rộng rãi với các cựu tù nhân trong các trại lao động và nhà tù Trung Quốc, cũng như nhân viên an ninh và cựu chuyên gia y tế có kiến thức về thực hành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.[11][242] Ông thông báo rằng việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị có khả năng bắt đầu từ tỉnh Tân Cương trong những năm 1990, và sau đó lan rộng trên toàn quốc. Gutmann ước tính có khoảng 64.000 tù nhân Pháp Luân Công có thể đã bị giết để lấy nội tạng giữa những năm 2000 và 2008.[241][243]

Chiến dịch truyền thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến dịch chống lại Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc được tuyên truyền rộng rãi thông qua truyền hình, báo chí, đài phát thanh và internet.[111][194]

Trong tháng đầu tiên của cuộc trấn áp, 300-400 bài báo tấn công Pháp Luân Công xuất hiện trong mỗi bài báo chính của nhà nước, trong khi truyền hình giờ vàng phát lại những lời chỉ trích phong trào, mà không có những quan điểm khác được phát sóng trên phương tiện truyền thông.[244] Chiến dịch tuyên truyền tập trung vào cáo buộc rằng Pháp Luân Công đe doạ đến ổn định xã hội, có tính lừa đảo và nguy hiểm, phản khoa học và đe dọa sự tiến bộ, và lập luận rằng triết lý của Pháp Luân Công không tương thích với đạo đức xã hội Marxist.[26] Chính phủ Trung Quốc tuyên bố việc trấn áp Pháp luân công là do một số ít học viên của nó đã tham gia vào hoạt động tội phạm và gây nguy hiểm cho an toàn công cộng, ví dụ như đặt thuốc nổ ở nơi công cộng. Chính phủ đã làm việc để giáo dục phần lớn các học viên Pháp Luân Công, và hơn 98% trong số hơn 2 triệu học viên Pháp Luân Công đã từ bỏ quan hệ với Pháp luân công. Chính phủ Trung Quốc cho rằng phong trào này đã chịu trách nhiệm trực tiếp về 1.500 cái chết - nhiều hơn con số người bị giết bởi tà giáo "Mười Điều răn của Thiên Chúa". Trong khi đó, hơn 600 người đã bị bệnh tâm thần sau khi tập luyện Pháp Luân Công.[6]

Các học giả nghiên cứu Trung Quốc, Daniel Wright và Joseph Fewsmith khẳng định rằng trong nhiều tháng sau khi Pháp Luân Công bị cấm, các bản tin buổi tối của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc có ít bản tin nhưng lại thêm hàm ý chống lại Pháp Luân Công; hoạt động trấn áp của chính phủ là "một kế hoạch tiêu diệt toàn bộ và mọi mặt", họ đã viết.[245] Pháp Luân Công đã được so sánh với "một con chuột đang băng qua đường phố mà mọi người đều hét to và lao vào đập", tin trên Bắc Kinh Nhật báo;[246] các viên chức khác cho biết đây sẽ là một cuộc đấu tranh "dài hạn, phức tạp và nghiêm trọng" để "tiêu trừ" Pháp Luân Công.[247]

Tuyên truyền của nhà nước ban đầu đã sử dụng sự hấp dẫn của chủ nghĩa duy lý khoa học để tranh luận rằng thế giới quan của Pháp Luân Công "hoàn toàn chống lại khoa học" và chủ nghĩa cộng sản.[248] Ví dụ, tờ Nhân dân Nhật báo đã khẳng định vào ngày 27 tháng 7 năm 1999, rằng cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công "là một cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa thần học và chủ nghĩa vô thần, giữa mê tín và khoa học, giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa duy vật". Các bài xã luận khác tuyên bố rằng "chủ nghĩa lý tưởng và thần học" của Pháp Luân Công là "mâu thuẫn hoàn toàn với các lý thuyết và nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx" và các nguyên tắc "chân, thiện, nhẫn" mà Pháp Luân Công rao giảng là đi ngược lại đạo đức và quá trình phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu để đạt tới". Trấn áp Pháp Luân Công được trình bày như là một bước cần thiết để duy trì "vai trò tiên phong" của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[249]

Bất chấp những nỗ lực của Đảng, những cáo buộc ban đầu chống lại Pháp Luân Công đã không thuyết phục được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng đối với việc trấn áp phong trào này. Trong những tháng sau tháng 7 năm 1999, các cáo buộc của báo chí nhà nước đã tăng lên. bao gồm các cáo buộc Pháp Luân Công đã thông đồng với các lực lượng "chống Trung Quốc" của nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng Pháp luân công đã lợi dụng các tín đồ để thực hiện các mục đích chính trị, bao gồm việc tuyên truyền đòi ly khai Tây Tạng[6] Vào tháng 10 năm 1999, ba tháng sau khi cuộc trấn áp bắt đầu, tờ báo Nhân dân Nhật báo tuyên bố Pháp Luân Công là một tà giáo.[35][94][195] Trong các triều đình Trung Quốc, thuật ngữ "tà giáo" được sử dụng để chỉ các tôn giáo không phải là Nho giáo, mặc dù trong bối cảnh Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản, nó đã được sử dụng để chỉ các tổ chức tôn giáo không chấp nhận sự quản lý của Đảng Cộng sản.[250][251]

Ian Johnson lập luận rằng việc buộc tội là 'tà giáo' cho Pháp Luân Công một cách hiệu quả đã "che giấu cuộc trấn áp của chính phủ với tính chính đáng của phong trào chống lại tà giáo tại Tây Phương". Tuy nhiên, ông cho rằng Pháp Luân Công không thỏa mãn những định nghĩa chung của một tà giáo: "các thành viên của nó kết hôn với người ngoài giáo phái, có bạn bè bên ngoài, duy trì việc làm bình thường, không sống tách biệt khỏi xã hội, không tin rằng sự kết thúc của thế giới sắp xảy ra và không quyên góp một số tiền đáng kể cho tổ chức... nó không ủng hộ bạo lực, trọng tâm của Pháp Luân Công là một kỷ luật phi chính trị mang tính hướng nội, nhằm mục đích làm trong sạch tinh thần và nâng cao sức khoẻ con người."[69] David Ownby cũng đã viết rằng "toàn bộ vấn đề về tính cuồng giáo của Pháp Luân Công là một sự đánh lạc hướng ngay từ ban đầu, được nhà nước Trung Quốc khai thác khéo léo để ngăn chặn sự hấp dẫn của Pháp Luân Công".[26] Theo John Powers và Meg Y. M. Lee, bởi vì Pháp Luân Công được phân loại theo cách nhìn nhận phổ biến như là một "câu lạc bộ khí công phi chính trị", nó không phải là mối đe dọa đối với chính phủ. Chiến lược cực đoan nhất trong chiến dịch trấn áp Pháp Luân Công là thuyết phục mọi người phân loại lại Pháp Luân Công thành "một nhãn hiệu tôn giáo bị nhìn nhận là tiêu cực",[252] như "cuồng giáo" hay "mê tín". Các cuộc biểu tình im lặng của các học viên đã được phân loại như là làm "rối loạn xã hội". Trong quá trình gắn nhãn mới cho giáo phái này, chính phủ đã cố gắng để chạm tới một "kho chứa những cảm xúc tiêu cực liên quan đến vai trò lịch sử của các giáo phái nửa tôn giáo như là những lực lượng bất ổn trong lịch sử chính trị Trung Quốc".[252]

Một bước ngoặt trong chiến dịch tuyên truyền đã diễn ra vào đêm trước Tết Nguyên đán vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, khi có năm người cố gắng tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn. Cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, và các cơ quan truyền thông nhà nước khác đã khẳng định rằng những người tự thiêu là những học viên của giáo phái, mặc dù Trung tâm Thông tin Pháp Luân Công đã phủ nhận tin này,[253] với lý do rằng những lời dạy của Pháp Luân Công ngăn cấm việc tự tử và giết người[254], và cáo buộc thêm rằng sự kiện này là "một tác phẩm đóng thế độc ác (nhưng thông minh)".[255] Vụ việc đã nhận được sự quan tâm ở bình diện quốc tế, và đoạn phim ghi lại những vụ tự tử được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng sau đó ở Trung Quốc. Các chương trình phát sóng cho thấy hình ảnh của một cô gái 12 tuổi, Liu Siying, tự thiêu, và các cuộc phỏng vấn những người tự thiêu khác, trong đó họ khẳng định niềm tin rằng "tự thiêu sẽ dẫn họ đến thiên đường".[253][256] Nhưng một trong những nhà sản xuất truyền hình của CNN tại hiện trường không thấy một đứa trẻ nào ở đó.[257] Các nguồn tin của Pháp Luân Công và các nhà bình luận khác đã chỉ ra rằng nội dung thuật lại của người tham gia về vụ việc và các khía cạnh khác trong hành vi của những người tham gia là không phù hợp với những lời dạy của Pháp Luân Công.[258] Media Channel và Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) cho rằng vụ việc tự thiêu này đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra để "chứng minh" rằng Pháp Luân Công đã tẩy não các tín đồ của mình tự sát và do đó bị cấm như là một mối đe dọa đối với quốc gia này. Tuyên bố của IED tại phiên họp LHQ thứ 53 nói về hành động bạo lực của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công như là khủng bố cấp nhà nước và họ cho rằng việc tự thiêu "đã được chính phủ thực hiện."[257] Nhà báo Phillip Pan của Washington Post đã viết rằng hai người tự thiêu đã chết không phải là học viên Pháp Luân Công.[259] Vào ngày 21 tháng 3 năm 2001, Liu Siying đột nhiên qua đời sau khi tỏ ra rất hoạt bát và được coi là đã sẵn sàng để xuất viện trở về nhà.[257] Tạp chí Time báo cáo rằng trước khi xảy ra vụ tự thiêu, nhiều người Trung Quốc cảm thấy rằng Pháp Luân Công không gây ra mối đe dọa thực sự nào và cuộc trấn áp của nhà nước đã đi quá xa. Tuy nhiên, sau sự kiện tự thiêu, chiến dịch truyền thông của Trung Quốc đại lục chống lại Pháp Luân Công đã có được sự ủng hộ đáng kể[260]. Vì sự thông cảm của công chúng đối với Pháp Luân Công đã giảm đi, chính phủ đã bắt đầu "sử dụng bạo lực có hệ thống" chống lại phong trào này.[261]

Vào tháng 2 năm 2001, 1 tháng sau vụ việc tại Quảng trường Thiên An Môn, Giang Trạch Dân triệu tập một Hội nghị Trung ương hiếm hoi để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên tục trong chiến dịch chống Pháp Luân Công và đoàn kết các quan chức cấp cao đằng sau nỗ lực này.[177] Dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân, cuộc trấn áp Pháp Luân Công đã trở thành một phần của đạo đức chính trị của Trung Quốc về "giữ ổn định" - gần như giống hệt văn kiện của Đảng trong vụ Thiên An Môn năm 1989. Thông điệp của Giang được lặp lại tại Đại hội Nhân dân Quốc gia năm 2001, với việc xóa bỏ Pháp Luân Công được gắn liền với tiến bộ kinh tế của Trung Quốc.[177] Mặc dù ít nổi bật hơn trong chương trình nghị sự quốc gia, việc trấn áp Pháp Luân Công vẫn được tiếp tục sau khi Giang đã về hưu; các chiến dịch chống lại Pháp Luân Công được khởi xướng trong cả hai năm 2008 và 2009. Năm 2010, một chiến dịch kéo dài ba năm đã được đưa ra để gia hạn nỗ lực "cưỡng chế" các học viên Pháp Luân Công.[262]

Trong hệ thống giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Nỗ lực tuyên truyền chống Pháp Luân Công cũng đã có mặt trong khắp hệ thống giáo dục Trung Quốc. Sau khi Giang Trạch Dân bắt đầu cấm Pháp Luân Công vào năm 1999, thì nữ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chen Zhili đã khởi động một chiến dịch chủ động nhằm thúc đẩy đường lối của Đảng về Pháp Luân Công trong tất cả các cấp giáo dục, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trung học, tiểu học và trường mẫu giáo. Những nỗ lực của Chen bao gồm một "Cam kết tương tự thời Cách mạng Văn hoá" ở các trường học ở Trung Quốc yêu cầu các giảng viên, nhân viên và sinh viên phải công khai tố cáo Pháp Luân Công. Giáo viên nào tuyên truyền ủng hộ Pháp luân công sẽ bị đuổi việc hoặc giam giữ; các sinh viên thì bị trục xuất khỏi trường học, hoặc gửi đến các trại cải tạo nhằm thay đổi suy nghĩ của họ.[263] Chen cũng đã cố gắng truyền bá phong trào tuyên truyền chống Pháp Luân Công ở nước ngoài, sử dụng ngân quỹ giáo dục trong nước để viện trợ các tổ chức giáo dục nước ngoài, khuyến khích họ phản đối Pháp Luân Công.[263]

Phản ứng của Pháp Luân Công đối với cuộc trấn áp

[sửa | sửa mã nguồn]
Các học viên tọa thiền để phản đối cuộc trấn áp Pháp Luân Công tại một cuộc biểu tình ở Washington, DC.

Phản ứng của Pháp Luân Công đối với cuộc bức hại ở Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7 năm 1999 với việc kháng cáo đến các văn phòng kiến nghị cấp địa phương, cấp tỉnh, và cấp trung ương ở Bắc Kinh[264]. Việc kháng cáo này nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình lớn hơn, với hàng trăm học viên Pháp Luân Công hàng ngày tới Quảng trường Thiên An Môn để thực hiện các bài tập Pháp Luân Công hoặc đưa ra các biểu ngữ để bảo vệ giáo phái. Những cuộc biểu tình này thường bị các lực lượng an ninh giải tán, và các học viên tham gia đã bị bắt - đôi khi bị đánh - và giam giữ. Đến ngày 25 tháng 4 năm 2000, tổng cộng hơn 30.000 học viên đã bị bắt tại quảng trường trên;[265] 700 đệ tử Pháp Luân Công đã bị bắt trong một cuộc biểu tình tại quảng trường vào ngày 1 tháng 1 năm 2001.[266] Các cuộc biểu tình công khai tiếp tục diễn ra cho đến năm 2001. Trên Wall Street Journal, Ian Johnson đã viết rằng "các học viên Pháp Luân Công đã tạo ra được một phong trào đối kháng kiên trì nhất trong 50 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản."[267]

Đến cuối năm 2001, các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn đã trở nên ít thường xuyên hơn, và việc thực hành Pháp Luân Công đã đi vào bí mật. Khi các cuộc biểu tình công khai không còn được ưa chuộng, các học viên đã thiết lập các "kho tài liệu" âm thầm, với mục đích phát hành sách và DVD để chống lại cuộc tấn công Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông chính thức. Sau đó, các học viên phân phát những tài liệu này, thường là từ nhà này qua nhà khác.[268] Các nguồn tin Pháp Luân Công ước tính năm 2009 có hơn 200.000 địa điểm như vậy tồn tại trên khắp Trung Quốc ngày nay.[269] Việc sản xuất, sở hữu hoặc phân phối các tài liệu này thường là cơ sở để các nhân viên an ninh giam giữ hoặc kết án các học viên Pháp Luân Công.[270]

Vào năm 2002, các nhà hoạt động Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã khai thác các chương trình truyền hình, thay thế chương trình thường xuyên của nhà nước bằng nội dung của riêng họ. Một trong những trường hợp đáng chú ý hơn xảy ra vào tháng 3 năm 2002, khi các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân chặn 8 mạng truyền hình cáp ở tỉnh Cát Lâm, và gần một giờ, truyền hình phát một chương trình có tựa đề "Tự thiêu hoặc một hành động dàn dựng?". Tất cả sáu học viên Pháp Luân Công liên quan đã bị bắt trong vài tháng sau đó. Hai người đã bị giết ngay lập tức, trong khi bốn người kia đã chết vào năm 2010 vì thương tích trong khi bị cầm tù.[271][272]

Bên ngoài Trung Quốc, Pháp Luân Công đã thành lập các tổ chức truyền thông quốc tế để tuyên truyền rộng rãi hơn cho phong trào của họ và thách thức phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Chúng bao gồm báo Đại Kỷ Nguyên, Đài truyền hình Tân Đường Nhân, và đài phát thanh "Tiếng nói hy vọng".[26] Theo Zhao, thông qua Thời báo Đại Kỷ Nguyên, có thể thấy rõ Pháp Luân Công đang xây dựng một "liên minh truyền thông trên thực tế" với phong trào dân chủ của Trung Quốc lưu vong.[87] Vào năm 2004, Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã xuất bản một bộ sưu tập gồm chín bài xã luận (Cửu Bình) nhằm trình bày lịch sử của Đảng Cộng sản theo quan điểm của họ[73][273] Điều này xúc tác cho phong trào "Thoái đảng", khuyến khích công dân Trung Quốc từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả việc từ bỏ Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên. Thời báo Đại Kỷ Nguyên tuyên bố rằng hàng chục triệu người đã từ bỏ Đảng Cộng sản như một phần của phong trào, mặc dù những con số này chưa hề được xác minh độc lập.[274]

Năm 2006, các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ đã thành lập Đoàn nghệ thuật Thần Vận, một công ty âm nhạc và khiêu vũ thực hiện các buổi trình diễn quốc tế.[275]

Các nhà phát triển phần mềm Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ cũng đã tạo ra một số công cụ vượt thoát kiểm duyệt phổ biến được sử dụng bởi người dùng internet ở Trung Quốc.[276]

Các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc đã đệ đơn hàng chục vụ kiện chống lại Giang Trạch Dân, La Cán, Bạc Hy Lai, và các quan chức Trung Quốc khác về "tội diệt chủng" và "tội ác chống nhân loại".[277] Tât cả những đơn kiện này đều bị tòa án nước sở tại từ chối.

Pháp Luân Công trên thế giới

[sửa | sửa mã nguồn]
Học viên Pháp Luân Công ngồi thiền tại Manhattan, thành phố New York
Học viên Pháp luân công tổ chức sự kiện tại Los Angeles.

Lý Hồng Chí bắt đầu dạy Pháp Luân Công ra quốc tế từ tháng 3 năm 1995. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là ở Paris, nơi ông nhận lời mời của đại sứ Trung Quốc và đã tổ chức một cuộc hội thảo giảng bài tại Đại sứ quán Trung Quốc. Tiếp theo đó là các bài giảng ở Thụy Điển tháng năm 1995. Từ năm 1995 đến năm 1999, Lý đã đi giảng bài tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Đức, Thụy Sĩ, và Singapore.[26]

Sự tăng trưởng của Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc phần lớn tương ứng với sự di chuyển của sinh viên Trung Quốc đại lục đến phương Tây trong giai đoạn đầu và giữa những năm 1990. Các hiệp hội và câu lạc bộ Pháp Luân Công bắt đầu xuất hiện ở châu Âu, Bắc MỹÚc, với các hoạt động tập trung chủ yếu ở các trường đại học.[278] Các hướng dẫn viên tình nguyện Pháp Luân Công và các Hội Pháp Luân Công hiện nay đã có mặt tại 80 quốc gia bên ngoài Trung Quốc.[15]

Việc biên dịch các bài giảng của Pháp Luân Công bắt đầu được thực hiện vào cuối năm 1990. Khi Pháp Luân Công bắt đầu phát triển mạnh bên ngoài Trung Quốc, Lý Hồng Chí nhận được sự công nhận tại Hoa Kỳ và các nước khác trong thế giới phương Tây. Trong tháng 5 năm 1999, Lý đã được chào đón tại Toronto với chúc mừng của thị trưởng thành phố và Phó Thống đốc tỉnh. Hai tháng sau đó, ông cũng nhận được sự công nhận từ các thành phố ChicagoSan Jose.[279]

Mặc dù Pháp Luân Công đã bắt đầu thu hút một số học viên ở nước ngoài trong những năm 1990, nó vẫn còn tương đối chưa được biết đến bên ngoài Trung Quốc cho đến mùa xuân năm 1999, khi căng thẳng giữa Pháp Luân Công và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành một chủ đề của giới truyền thông quốc tế. Với sự quan tâm tăng lên, Pháp Luân Công đã được lượng học viên lớn hơn ở các nước ngoài Trung Quốc. Sau khi chiến dịch trấn áp của Đảng Cộng sản đối với Pháp Luân Công diễn ra, tổ chức Pháp Luân Công ở nước ngoài đã trở nên quan trọng đến sức đề kháng của Pháp Luân Công ở Trung Quốc và sự tồn tại tiếp tục của môn phái này.[26] Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài đã đáp lại các cuộc trấn áp ở Trung Quốc bằng các cuộc biểu tình và diễu hành thường xuyên, đưa tin thông qua các phương tiện truyền thông, tạo ấn tượng với các công ty biểu diễn nghệ thuật, và viết phần mềm tránh kiểm duyệt Internet với mục đích chủ yếu để tiếp cận dân chúng trong Trung Quốc đại lục.[276]

Các công trình nghiên cứu của giới học thuật về Pháp Luân Công đã được xuất bản kể từ khi nó được bắt đầu. Hầu hết các nghiên cứu này là của các nhà khoa học xã hội nhằm điều tra các điều kiện xã hội đã dẫn đến việc tạo ra Pháp Luân Công.[280]

Tại Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo BBC, tại Việt Nam, Pháp Luân Công chưa được hoạt động hợp pháp và nhiều buổi tụ tập của các học viên Pháp Luân Công tại đây những năm qua đều bị giải tán.[281]

Tính đến tháng 12 năm 2015, không có bất kỳ một văn bản chính thức hay luật định, hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương công khai nào nói về chủ trương đường lối của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề Pháp Luân Công.[282]

Trong một bài báo trên tạp chí Khoa học & Đời sống viết rằng Pháp Luân công "có khả năng đả thông các nguồn năng lượng bên trong cơ thể, hấp thu năng lượng vũ trụ để điều chỉnh, lưu thông khí huyết, giúp cơ thể khỏe mạnh."[283]

Ngày 11 tháng 10 năm 2011, hai học viên Pháp Luân Công Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành đã bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án ba và hai năm tù giam vì đã phát chương trình ‘Tiếng nói Hy vọng’ sang lãnh thổ Trung Quốc bằng làn sóng phát thanh ngắn hồi tháng 4 năm 2009.[284][285]

Ngày 3 tháng 2 năm 2014, bốn người Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiểm và Trinh Kim Khánh, đã có kế hoạch mang theo búa ra lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý định đập phá. Trước đó, ngày 4 tháng 1 năm 2014, nhóm này cũng đã dùng dây cáp nhằm kéo đổ tượng Lenin ở vườn hoa trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) nhưng không thành. Kế hoạch kéo đổ tượng Lenin và đập phá lăng Hồ Chủ tịch đều được nhóm này công bố công khai trên mạng xã hội trước khi tiến hành. Ngày 27 tháng 3 năm 2014, bốn người này đã bị tòa kết án 4-6 năm tù vì tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại công trình Nhà nước[281]. Theo BBC, cả bốn người bị kết án tự nhận theo Pháp Luân Công. Nhưng theo báo Đại Kỷ Nguyên (thuộc sở hữu của Pháp Luân Công) thì bốn người này không phải học viên Pháp Luân Công.[286]

Từ năm 2014 đến 2016, Công an các tỉnh Vĩnh Phúc[287], Gia Lai[288], Ninh Thuận[289], Kon Tum[290] đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ và ngăn chặn việc phát tài liệu Pháp Luân Công.

Vào tháng 10 năm 2019, trang web kiểm tra thực tế Snopes đã báo cáo rằng Đại Kỷ Nguyên (trang web của Pháp luân công) đã sử dụng một loạt các tài khoản giả mạo để điều hành các trang và nhóm Facebook có tên là The BL (Vẻ đẹp của cuộc sống) chuyên chia sẻ quan điểm ủng hộ Trump và các thuyết âm mưu như QAnon. BL đã chi ít nhất 510.698 đô la cho quảng cáo trên Facebook. Hàng trăm quảng cáo đã bị xóa do vi phạm các quy tắc quảng cáo của Facebook. BL được đăng ký tại Middletown, New York, tới một địa chỉ cũng được đăng ký với Mạng phát thanh Âm thanh Hy vọng của Pháp Luân Công, nhưng Snopes nhận thấy "toàn bộ các trang này thực sự là ngôn ngữ tiếng Anh ấn bản của trang Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt Nam."[55][291] Snopes phát hiện ra rằng The BL sử dụng hơn 300 tài khoản Facebook giả mạo có địa chỉ tại Việt Nam và một số quốc gia khác, sử dụng tên, ảnh cá nhân và ảnh người nổi tiếng trong hồ sơ của họ để mô phỏng người Mỹ, để quản lý hơn 150 nhóm Facebook ủng hộ Trump khuếch đại nội dung của nó.[55][292] BL tập trung vào chính trị Mỹ nhưng một phần hoặc chủ yếu được quản lý bởi các tài khoản từ Việt Nam. Facebook cho biết Tập đoàn truyền thông Đại Kỷ Nguyên đã chi 9,5 triệu đô la cho quảng cáo truyền bá nội dung thông qua các trang tin và nhóm, hiện đang bị cấm hoạt động trên Facebook. Đại Kỷ Nguyên và BL phủ nhận có liên quan đến nhau, nhưng Facebook cho hay: Mặc dù những người đứng sau mạng lưới này đã dùng các tài khoản giả mạo nhằm cố gắng che giấu danh tính và sự phối hợp của họ, điều tra của Facebook đã kết nối hoạt động này với Tập đoàn truyền thông Đại Kỷ Nguyên, một tổ chức truyền thông chuyên ủng hộ Pháp luân công tại Hoa Kỳ, và tập đoàn này đã thuê các cá nhân ở Việt Nam làm việc thay mặt họ.[293]

Tại Thái Lan

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2005, 3 người (Paitoon Suriyawongpaisan, Panida Wayumhasuwan và Chatchalai Sutthakanat) nộp đơn xin đăng ký "Hiệp hội Pháp Luân Công ở Thái Lan" nhưng đã bị Bộ Nội vụ Thái Lan từ chối. Ba người này đã đưa vụ việc lên Tòa án Hành chính Trung ương và tiến hành một cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm.[294]

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2006, Tòa án Hành chính Trung ương ra phán quyết ủng hộ quyết định của Bộ Nội vụ. Ba người sau đó đã kháng cáo lên Tòa án Hành chính Tối cao.[295]

Ngày 4 tháng 8 năm 2015, Tòa án Tối cao Thái Lan đã đảo ngược phán quyết từ chối cho Pháp Luân Công đăng ký của Tòa án Hành chính cấp thấp hơn và Bộ Nội vụ. Tòa án cho hay mối quan ngại về việc đăng ký Hiệp hội có thể ảnh hưởng lên mối quan hệ Thái Lan - Trung Quốc là quá sớm; Pháp Luân Công được coi là hợp pháp và được tự do tập luyện ở Thái Lan[296][297]

Tiếp nhận của quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1999, nhiều chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng lên án việc trấn áp Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc[298]. Từ năm 1999, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã tuyên bố công khai và đưa ra một số nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công[299]. Trong năm 2010, Nghị quyết của Hạ viện Mỹ 605 kêu gọi "chấm dứt ngay chiến dịch bức hại, đe doạ, giam cầm và tra tấn các học viên Pháp Luân Công", lên án các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc để phân phát "tuyên truyền giả" về môn phái này trên toàn thế giới, và bày tỏ sự thông cảm đối với việc bức hại các học viên Pháp Luân Công và gia đình họ[300][301].

Từ năm 1999 đến năm 2001, các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây về Pháp Luân Công - và đặc biệt là sự ngược đãi các học viên - là khá thường xuyên, nhưng thông tin không thống nhất[244]. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2001, khối lượng các báo cáo truyền thông đã giảm mạnh, và vào năm 2002, các báo lớn như New York TimesWashington Post gần như đã ngừng viết bài về Pháp Luân Công bên trong Trung Quốc[244]. Trong một nghiên cứu các cuộc thảo luận về Pháp Luân Công, nhà nghiên cứu Leeshai Lemish đã phát hiện ra rằng các tổ chức thông tấn phương Tây cũng trở nên ít cân bằng hơn và nhiều lúc trình bày một cách không phê phán các quan điểm của Đảng Cộng sản chứ không phải là của Pháp Luân Công hay các nhóm nhân quyền[244]. Adam Frank viết rằng trong việc báo cáo về Pháp Luân Công, truyền thống phương Tây coi Trung Quốc là "kỳ lạ" chiếm ưu thế, và mặc dù các con số và sự kiện nói chung là chính xác trong các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây, "việc đàn áp hàng triệu học viên Trung Quốc liên quan đến Pháp Luân Công đã trở nên hoàn toàn bình thường".[302] David Ownby lưu ý rằng bên cạnh các chiến thuật này, nhãn" tôn giáo" mà chính quyền Trung Quốc áp dụng cho Pháp Luân Công không bao giờ hoàn toàn biến mất trong tâm trí của một số người phương Tây, và sự kỳ thị vẫn giữ vai trò chính trong nhận thức thận trọng của công chúng phương Tây về Pháp Luân Công[303].

Để chống lại sự ủng hộ của Pháp Luân Công ở phương Tây, chính phủ Trung Quốc mở rộng các nỗ lực chống lại giáo phái này trên toàn thế giới. Điều này bao gồm các chuyến thăm của các nhà ngoại giao đến các tòa báo để "tuyên dương cái tốt của người Trung Quốc và những cái xấu của Pháp Luân Công",[304] đánh đồng việc ủng hộ Pháp Luân Công với "mối đe doạ thương mại" và gửi thư cho các chính trị gia địa phương yêu cầu họ rút lại sự ủng hộ Pháp Luân Công[304]. Theo Perry Link, áp lực đối với các thể chế phương Tây cũng có những hình thức tinh tế hơn, bao gồm tự kiểm duyệt học thuật, theo đó việc nghiên cứu về Pháp Luân Công có thể dẫn đến việc cấm thị thực cho công việc nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc; hoặc loại trừ và phân biệt đối xử từ các nhóm doanh nghiệp và cộng đồng có liên hệ với Trung Quốc hoặc thân Đảng Cộng sản[304][305].

Mặc dù việc trấn áp Pháp Luân Công bị kết án đáng kể ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng một số nhà quan sát nhận ra rằng Pháp Luân Công đã không thu hút được sự thông cảm và duy trì sự chú ý như đối với các nhóm bất đồng chính kiến khác của Trung Quốc.[306] Katrina Lantos Swett, phó chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, lưu ý rằng phần lớn người Mỹ đều biết về sự đàn áp đối với "Phật giáo Tây Tạng và các nhóm người Kitô hữu chưa đăng ký hoặc các nhà ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận như Lưu Hiểu BaNgải Vị Vị", nhưng họ "biết rất ít về cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công".[307]

Ethan Gutmann, một nhà báo báo cáo về Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990, đã cố gắng giải thích sự thiếu đồng cảm của công chúng với Pháp Luân Công như là một phần bắt nguồn từ những thiếu sót của Pháp Luân Công trong quan hệ công chúng. Không giống như các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc hay người Tây Tạng, vốn được phương Tây thông cảm, "Pháp Luân Công đã đồng hành theo một nhịp điệu đặc thù Trung Quốc", Gutmann viết. Hơn nữa, những nỗ lực truyền bá thông điệp của các học viên Pháp Luân Công đã sao chép hình thức tuyên truyền của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm xu hướng phóng đại, tưởng tượng ra "những hình thức tra tấn theo kiểu Cách mạng Văn hoá", hay "hô khẩu hiệu thay vì trình bày sự việc". Điều này đã xảy ra song hành với sự nghi ngờ nói chung của phương Tây về những người tị nạn bị đàn áp[308]. Gutmann cũng nhận ra rằng các tổ chức truyền thông và các nhóm nhân quyền cũng tự kiểm duyệt chủ đề này, vì thái độ gay gắt của chính phủ Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và những hậu quả tiềm ẩn có thể xảy ra khi đưa ra những tuyên bố ủng hộ công khai đối với Pháp Luân Công.[306]

Richard Madsen viết rằng Pháp Luân Công không được ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri Mỹ thường ủng hộ tự do tôn giáo. Ví dụ, tín ngưỡng bảo thủ của Pháp Luân Công đã làm mất đi một số người ủng hộ kiểu tự do ở phương Tây (ví dụ như những lời dạy của Pháp Luân Công chống lại tình dục ngoài hôn nhân, đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính).[69] Ngược lại, những người bảo thủ theo đạo Thiên Chúa giáo thì không chấp nhận Pháp Luân Công như những người Thiên Chúa giáo Trung Quốc bị bức hại.[309] Madsen kết luận rằng trung tâm của chính trị Hoa Kỳ không muốn đẩy mạnh vấn đề nhân quyền quá mạnh đến nỗi nó sẽ làm gián đoạn quan hệ thương mại và chính trị với Trung Quốc. Do đó, các học viên Pháp Luân Công phần lớn phải dựa vào nguồn lực của chính mình để đáp trả sự trấn áp của chính phủ Trung Quốc.[309]

Tháng 8 năm 2007 theo yêu cầu của Pháp Luân Công, Tòa án Sanhedrin mới được thành lập lại đã lên án việc chính phủ Trung Quốc trấn áp phong trào này.[310][311][312]

Can dự vào chính trị và truyền thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyên truyền thuyết âm mưu

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhóm nghệ thuật biểu diễn Thần Vận và tổ chức truyền thông Đại Kỷ Nguyên là những tổ chức tuyên truyền chính của Pháp Luân Công.[313] Cả hai đều quảng bá các giáo lý tinh thần và chính trị của Pháp Luân Công.[21][22][23] Họ và một loạt các tổ chức khác như Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) hoạt động như một phần mở rộng của Pháp Luân Công. Những phần mở rộng này thúc đẩy phong trào tôn giáo mới và giáo lý của nó. Trong trường hợp của Đại Kỷ Nguyên, họ cũng quảng bá các thuyết âm mưu và tư tưởng chính trị cực hữu ở cả Châu Âu và Hoa Kỳ. Đại Kỷ Nguyên được biết đến là đã tung ra hoàng loạt những thuyết âm mưu liên quan đến cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.[314] Đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, Đại Kỷ Nguyên đã tích cực quảng bá cho Donald Trump, các thuyết âm mưu và các quan điểm chính trị cực hữu của phe cánh hữu.[19]

Theo một báo cáo năm 2020 của Tạp chí Los Angeles:

Cả Thần VậnĐại Kỷ Nguyên (Epoch Times) đều được tài trợ và điều hành bởi các thành viên của Pháp Luân Công, một nhóm tâm linh gây tranh cãi đã bị chính phủ Trung Quốc cấm vào năm 1999. [...] Pháp Luân Công kết hợp các nguyên tắc Đạo giáo truyền thống với những tuyên bố đôi khi kỳ quái từ người sáng lập sinh ra ở Trung Quốc, ông Lý Hồng Chí. Trong số các tuyên bố khác, Lý đã tuyên bố rằng người ngoài hành tinh đã bắt đầu xâm nhập tâm trí con người vào đầu thế kỷ 20, dẫn đến sự tha hóa hàng loạt và sự phát minh ra máy tính. Ông ta cũng lên án chủ nghĩa nữ quyềnđồng tính luyến ái, và tuyên bố mình có thể đi xuyên tường và bay lên không trung. Nhưng nguyên lý trung tâm của hệ thống niềm tin của Pháp Luân Công chính là sự phản đối quyết liệt chủ nghĩa cộng sản.

Năm 2000, Lý thành lập Đại Kỷ Nguyên để phổ biến các luận điểm của Pháp Luân Công cho độc giả Mỹ. Sáu năm sau, ông ra mắt "Thần Vận" như một phương tiện khác để quảng bá giáo lý của mình cho khán giả phương Tây chính thống. Trong nhiều năm, cả Thần VậnĐại Kỷ Nguyên, trong khi trên danh nghĩa là các tổ chức riêng biệt, đã hoạt động song song trong chiến dịch quảng bá liên tục cho Pháp Luân Công chống lại chính phủ Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Lý.

Bất chấp chương trình nghị sự bảo thủ của mình, cho đến gần đây, Đại Kỷ Nguyên vẫn cố gắng tránh lấn sâu vào chính trị đảng phái của Hoa Kỳ. Tất cả đã thay đổi vào tháng 6 năm 2015 sau khi Donald Trump tuyên bố ứng cử tổng thống, tuyên bố rằng ông sẽ "đánh bại Trung Quốc vào mọi lúc". Ở Trump, Pháp Luân Công không chỉ thấy một đồng minh mà còn như một "vị cứu tinh". Như một cựu biên tập viên của Đại Kỷ Nguyên nói với NBC News, các nhà lãnh đạo của nhóm "tin rằng Trump đã được Trời phái đến để tiêu diệt Đảng cộng sản Trung Quốc."[22]

Quảng bá chính trị cánh hữu

[sửa | sửa mã nguồn]

Các chi nhánh mở rộng của Pháp Luân Công cũng đã hoạt động tích cực trong việc quảng bá cho cánh hữu ở châu Âu.[20] Họ tích cực viết bài ủng hộ và các nhóm chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm chính Pháp Luân Công, các nhà hoạt động chống chính phủ Trung Quốc và những người ủng hộ phong trào ly khai Tây Tạng[315] Các trang web tin tức và các kênh YouTube của họ cũng truyền bá các thuyết âm mưu như QAnontuyên truyền chống tiêm chủng.[17][66][140]

Ben Hurley, một cựu nhân viên của Đại Kỷ Nguyên cho đến năm 2013, nói với NBC News rằng các học viên Pháp Luân Công thù ghét chủ nghĩa cộng sản tới mức họ "nhìn thấy những người cộng sản ở khắp mọi nơi", kể cả những nhân vật theo chủ nghĩa quốc tế như Hillary ClintonKofi Annan. Kể từ năm 2016, theo NBC News, Đại Kỷ Nguyên đã quảng bá cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump, nó cũng nhấn mạnh "một thuyết âm mưu toàn cầu do Hillary Clinton và cựu Tổng thống Barack Obama dẫn đầu nhằm hạ bệ Trump."[316][317] Vào năm 2019, một báo cáo điều tra của NBC News cho rằng việc đưa tin chính trị của Đại Kỷ Nguyên bị ảnh hưởng bởi việc các tín đồ Pháp Luân Công luôn tin về một "ngày phán xét", khi đó những người cộng sản "sẽ bị đày xuống địa ngục" và các tín đồ của Pháp Luân Công sẽ được ban thưởng.[316][318]

Đưa tin giả

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2020, Facebook công bố đã xóa hơn 900 tài khoản, nhóm và trang nội dung của Đại Kỷ Nguyên trên FacebookInstagram, nguyên nhân là Đại Kỷ Nguyên đã sử dụng hàng loạt tài khoản giả để tạo ra các chiến dịch bóp méo thông tin ở quy mô lớn, bao gồm việc đăng các ảnh đại diện giả mạo được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Theo Facebook, các tài khoản bị xóa vì đã vi phạm các quy tắc của Facebook, theo đó cấm người dùng thực hiện những việc như thiết lập tài khoản giả nhằm đánh lừa thuật toán Facebook để quảng cáo nội dung của họ, bao gồm việc ủng hộ Tổng thống Trump, truyền bá tư tưởng bảo thủ về tôn giáo, chống chính phủ Trung Quốc.[319]

Các tổ chức của Pháp luân công đã gửi hàng loạt đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân về "tội diệt chủng" và "tội ác chống nhân loại" đến tòa án các nước, nhưng tất cả đơn kiện đều bị tòa án sở tại từ chối giải quyết. Tuy nhiên, Đại Kỷ Nguyên vẫn tích cực đưa tin về các đơn kiện này trong các bài viết chỉ trích chính phủ Trung Quốc (nhưng họ không đưa tin về việc đơn kiện bị từ chối giải quyết). Cuối năm 2020, khi Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, dường như Đại Kỷ Nguyên đã bắt đầu khởi xướng một chiến dịch truyền thông chống Nhà nước Trung Quốc mới, đó là bản kiến nghị gửi lên Nhà Trắng để yêu cầu "gọi loại corona virus mới xuất hiện là virus của Đảng Cộng sản Trung Quốc", dù rằng các nhà khoa học đã tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy virus là sản phẩm nhân tạo[320][321]

Đại Kỷ Nguyên được xác định là đã phát tán nhiều thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch COVID-19 trên báo in và qua các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm FacebookYouTube.[128][129] Nó đã thúc đẩy các luận điệu chống chính phủ Trung Quốc và các thuyết âm mưu vô căn cứ xung quanh sự bùng phát của virus COVID-19. Người theo dõi thông tin sai lệch NewsGuard gọi trang Đại Kỷ Nguyên là một trong những nguồn "siêu phát tán" thông tin sai lệch về COVID-19 trên Facebook, ông trích dẫn một bài báo vô căn cứ của Đại Kỷ Nguyên cho rằng virus này được tạo ra một cách nhân tạo.[130][131] Đại Kỷ Nguyên còn phát tán một ấn bản đặc biệt dài 8 trang có tên "Đảng Cộng sản Trung Quốc nguy hiểm cho thế giới như thế nào", được phát hành bất hợp pháp vào tháng 4 năm 2020 cho khách hàng ở các khu vực của Hoa Kỳ, Canada và Úc, trong đó vu cáo chính phủ Trung Quốc đã cố ý tạo ra virus và phát tán nó.[132][133]

Một bài báo trên tờ Đại Kỷ Nguyên vào ngày 17/2/2020, đã đăng tải một bản đồ sai sự thật về lượng khí sulfur dioxide thải ra từ các lò thiêu trong Đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhằm tuyên truyền rằng "14.000 người Trung Quốc đã chết vì dịch bệnh và lén lút bị hỏa thiêu".[134] Một kiểm tra thực tế của AFP đã khám phá ra rằng: bản đồ thực ra là một dự báo thời tiết của NASA đã bị Đại Kỷ Nguyên cắt dán khỏi ngữ cảnh ban đầu để thực hiện tung tin giả.[134]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Junker, Andrew. 2019. Becoming Activists in Global China: Social Movements in the Chinese Diaspora, pp. 23–24, 33, 119, 207. Cambridge University Press. ISBN 978-1108655897; Barker, Eileen. 2016. Revisionism and Diversification in New Religious Movements, cf. 142–43. Taylor & Francis. ISBN 978-1317063612; Oliver, Paul. 2012. New Religious Movements: A Guide for the Perplexed, pp. 81–84. Bloomsbury Academic. ISBN 9781441125538; Hexham, Irving. 2009. Pocket Dictionary of New Religious Movements, pp. 49, 71. InterVarsity Press. ISBN 978-0830876525; Clarke, Peter. 2004. Encyclopedia of New Religious Movements. Taylor & Francis. ISBN 978-1134499694; Partridge, Christopher. 2004. Encyclopedia of New Religions: New Religious Movements, Sects and Alternative Spiritualities, 265–66. Lion. ISBN 978-0745950730.
  2. ^ Ownby, David. 2005. "The Falun Gong: A New Religious Movement in Post-Mao China" in Lewis, James R. & Jesper Aagaard. Editors. Controversial New Religions, 195–96. Oxford University Press.
  3. ^ a b Zadronzy, Brandy & Ben Collins. 2019.
  4. ^ Van der Made, Jaan. 2019.
  5. ^ a b David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China." Quote: "... we may very roughly and tentatively estimate that the total number of practitioners was, at its peak, between 3 and 20 million. ... A mid-range estimate of 10 million would appear, to me, more reasonable."
  6. ^ a b c http://www.china-embassy.org/eng/zt/ppflg/t36584.htm
  7. ^ Freedom House, The Politburo's Predicament: Confronting the Limitations of Communist Party Repression, January 2015
  8. ^ a b c Congressional-Executive commission on China, Annual Report 2008
  9. ^ a b Andrew Jacobs.
  10. ^ Ethan Gutmann (ngày 10 tháng 3 năm 2011) "How many harvested?" revisited Lưu trữ 2011-12-20 tại Wayback Machine eastofethan.com
  11. ^ a b Jay Nordlinger (ngày 25 tháng 8 năm 2014) "Face The Slaughter: The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem, by Ethan Gutmann" Lưu trữ 2017-06-07 tại Wayback Machine, National Review
  12. ^ a b U.S. Department of State (ngày 26 tháng 10 năm 2009) 2009 International Religious Freedom Report: China (includes Tibet, Hong Kong, Macau)
  13. ^ Shanghai, By Malcolm Moore in. “Falun Gong 'growing' in China despite 10-year ban”. Telegraph.co.uk. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2016.
  14. ^ Noakes and Ford, "Managing Political Opposition Groups in China: Explaining the Continuing Anti-Falun Gong Campaign", China Quarterly (2015) pp 672-673
  15. ^ a b Falundafa.org, "Find your local contacts.
  16. ^ a b David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 126.
  17. ^ a b c d e f g Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 170. Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “:0” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  18. ^ a b Ellwood, Robert S.; Csikszentmihalyi, Mark A. (2007). “East Asian Religions”. Trong Jacob Neusner (biên tập). World Religions in America. Westminster John Knox Press. tr. 217. ISBN 9781611640472. ... the Epoch Times, an anticommunist newspaper connected with Falun Gong organization...
  19. ^ a b Roose, Kevin (ngày 5 tháng 2 năm 2020). “Epoch Times, Punished by Facebook, Gets a New Megaphone on YouTube”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2020.
  20. ^ a b Hettena, Seth. 2019.
  21. ^ a b Tolentino, Jia. 2019.
  22. ^ a b c Braslow, Samuel. 2020.
  23. ^ a b Andrew Junker (2019). Becoming Activists in Global China: Social Movements in the Chinese Diaspora. Cambridge University Press. tr. 99. ISBN 978-1-108-48299-8.
  24. ^ a b c d e f g h David Palmer (2007). Qigong Fever: Body, Science and Utopia in China. New York: Cambridge University Press. ISBN 0-231-14066-5.
  25. ^ David Ownby, "Falungong as a Cultural Revitalization Movement: An Historian Looks at Contemporary China", Talk Given at Rice University, ngày 20 tháng 10 năm 2000.
  26. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q David Ownby, Falun Gong and the Future of China, (Oxford University Press, 2008), ISBN 978-0-19-532905-6.
  27. ^ Benjamin Penny, "Qigong, Daoism and Science: some contexts for the qigong boom," in M. Lee and A.D. Syrokomla-Stefanowska (eds.), Modernisation of the Chinese Past (Sydney: Wild Peopy, 1993), pp 166–179
  28. ^ a b Richard Gunde,"Culture and Customs of China," (Westport, CT: Greenwood Publishing Group, 2002).
  29. ^ Nancy Chen. "Breathing spaces: qigong, psychiatry, and healing in China",(New York, NY: Columbia University Press, 2003)
  30. ^ Zhu Xiaoyang and Benjamin Penny, "The Qigong Boom," Chinese Sociology and Anthropology, Vol. 27, No. 1 (1994)
  31. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," (University of Chicago Press, 2012), ISBN 978-0-226-65501-7.
  32. ^ Li Hongzhi, 9-day Lectures in Guangzhou (audio), lecture 1 Lưu trữ 2012-05-26 tại Archive.today, 1994.
  33. ^ a b Ownby, David (2003). “A History for Falun Gong: Popular Religion and the Chinese State Since the Ming Dynasty”. Nova Religio. 6 (2). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2017.
  34. ^ a b c Lowe, Scott (2003). “Chinese and International Contexts for the Rise of Falun Gong”. Nova Religio. 6 (2). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2015.
  35. ^ a b Irons, Edward (2003). “Falun Gong and the Sectarian Religion Paradigm”. Nova Religio. 6 (2). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2015.
  36. ^ Li Hongzhi, Zhuan Falun, p 7. Quote: "The most fundamental characteristic of this universe, Zhen-Shan-Ren, is the highest manifestation of the Buddha Fa. It is the most fundamental Buddha Fa."
  37. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, pp 93, 102.
  38. ^ a b c d e f g h i j Li Hongzhi, Zhuan Falun Lưu trữ 2002-09-17 tại Library of Congress Web Archives, (New York, NY: The Universe Publishing Company, 1999).
  39. ^ Noah Porter, Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study, p 29
  40. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 93
  41. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 124."
  42. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 125.
  43. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 169.
  44. ^ Benjamin Penny, The Religion of Falun Gong, p 172. Quote: "Transforming karma into virtue is fundamental in the cultivation practice of Falun Gong"
  45. ^ a b David Ownby, ''Falun Gong and the Future of China,'' pp 110–112.
  46. ^ Li Hongzhi, "Zhuan Falun," pp&nbsp;27–35; 362 - 365
  47. ^ David Ownby, ''Falun Gong and the Future of China,'' p 93. Quote: "The goal of cultivation, and hence of life itself, is spiritual elevation, achieved through eliminating negative karma—the built-up sins of past and present lives—and accumulating virtue."
  48. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 135.
  49. ^ David Ownby, ''Falun Gong and the Future of China,'' pp 103–105.
  50. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 93.
  51. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 213.
  52. ^ Falun Gong's Challenge to China: Spiritual Practice of 'Evil Cult'? “Danny Schechter, [https://books.google.com/books?id=v20J18hL1MAC&printsec=frontcover&dq=Danny+Schechter,+Falun+Gong%27s+Challenge+to+China&lr=&client=firefox-a&cd=1#v=onepage&q=&f=false Falun Gong's Challenge to China: Spiritual Practice of 'Evil Cult'?], (New York, NY:[[Akashic Books]], 2000). Hardback ISBN 1-888451-13-0, paperback ISBN 1-888451-27-0” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); Tựa đề URL chứa liên kết wiki (trợ giúp)
  53. ^ Kai-Ti Chou, ''Contemporary Religious Movements in Taiwan: Rhetorics of Persuasion,'' (Lewiston, NY: Edwin Mellen Press, 2008). ISBN 0-7734-5241-9.
  54. ^ Zhao Yuezhi. Falun Gong, Identity, and the Struggle over Meaning Inside and Outside China “Identity, and the Struggle over Meaning Inside and Outside China” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). in "Contesting Media Power: Alternative Media in a Networked World,". Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2003. ISBN 978-0-7425-2385-2. |tên biên tập viên= thiếu |tên biên tập viên= (trợ giúp)Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
  55. ^ a b c d Li Hongzhi. Falun Gong “Falun Gong” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). 4th Translation Edition.
  56. ^ Li Hongzhi, Falun Gong (6th Translation Edition, 2014)
  57. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," pp&nbsp;163–168.
  58. ^ a b David Ownby, "Falun Gong in the New World", European Journal of East Asian Studies (2003), pp 313–314.
  59. ^ a b c “Noah Porter, "[http://etd.fcla.edu/SF/SFE0000113/FalunGongInTheUS-NoahPorter-Thesis.pdf Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study]". University of South Florida, 2003” (PDF). Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study Bản gốc Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp) lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2016. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  60. ^ 'Find your local volunteer contact person'.[liên kết hỏng]
  61. ^ [Genomic profiling of neutrophil transcripts in Asian Qigong practitioners: a pilot study “[http://www.researchgate.net/profile/Lili_Feng/publication/7984577_Genomic_profiling_of_neutrophil_transcripts_in_Asian_Qigong_practitioners_a_pilot_study_in_gene_regulation_by_mind-body_interaction/file/d912f50cfe3badd217.pdf Genomic profiling of neutrophil transcripts in Asian Qigong practitioners]: [http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15750361 a pilot study] in gene regulation by mind-body interaction. Li QZ, Li P, Garcia GE, Johnson RJ, Feng L. US National Library of Medicine, National Institutes of Health”] Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  62. ^ Penny (2012), p. 157-158; 202
  63. ^ Penny (2012), p. 158; 201
  64. ^ Falun Gong: What's Behind the Movements?
  65. ^ Noah Porter, Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study, p 205.
  66. ^ a b c d e Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," pp 102; 170-181. Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “:4” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  67. ^ a b c David Ownby, Falun Gong and the Future of China, pp 112–114.
  68. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 123.
  69. ^ a b c d e Ian Johnson Wild Grass: three portraits of change in modern China, (New York, NY: Pantheon Books, 2005).
  70. ^ Misconceptions: "Intolerant"? “Falun Dafa Information Center, [http://faluninfo.net/article/654/?cid=23 Misconceptions: "Intolerant"?], ngày 16 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2010. See also Robyn Lebron, "Searching for Spiritual Unity," p. 349” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  71. ^ [http://faluninfo.net/article/654/?cid=23 "FalunInfo.net - Misconceptions: 'Intolerant'?"]. faluninfo.net. 2011. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2011. practice</”. templatestyles stripmarker trong |tiêu đề= tại ký tự số 1 (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)[liên kết hỏng]
  72. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 48.
  73. ^ a b c Hu Ping, "The Falun Gong Phenomenon", in Challenging China: Struggle and Hope in an Era of Change, Sharon Hom and Stacy Mosher (ed) (New York: The New Press, 2007).
  74. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," pp&nbsp;93–94.
  75. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p. 97
  76. ^ List of languages “falunfafa.org, [http://www.falundafa.org List of languages], Accessed 11-09-2013” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  77. ^ "books" “See Falundafa.org, [http://www.falundafa.org/eng/books.html "books"]” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  78. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," pp&nbsp;100–103.
  79. ^ Lowe, Scott (2003). “Chinese and International Contexts for the Rise of Falun Gong”. Nova Religio. 6 (2). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2017.
  80. ^ Benjamin Penny, "Falun Gong, Buddhism, and Buddhist qigong," Asian Studies Review 29 (March 2009).
  81. ^ a b George Bruseker, "Falun Gong: A Modern Chinese Folk Buddhist Movement in Crisis," ngày 26 tháng 4 năm 2000.
  82. ^ a b c d e A Burgdoff, Craig (2003). “How Falun Gong Practice Undermines Li Hongzhi's Totalistic Rhetoric”. Nova Religio. 6 (2). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2017.
  83. ^ a b c d Susan Palmer and David Ownby, Field Notes: Falun Dafa Practitioners: A Preliminary Research Report, Nova Religio, 2000.4.1.133
  84. ^ a b Chang, Maria Hsia (2004) Falun Gong: The End of Days (New Haven, Connecticut: Yale University Press) ISBN 0-300-10227-5
  85. ^ a b Chris Bullock, Falun Gong: Cult or Culture?, National Radio, [1]. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2012.
  86. ^ Danny Schechter, "Falun Gong's Challenge to China, p 57.
  87. ^ a b c d e f Zhao Yuezhi, Falun Gong, Identity, and the Struggle over Meaning Inside and Outside China, in "Contesting Media Power: Alternative Media in a Networked World," Nick Couldry and James Curran
  88. ^ a b c Benjamin Penny, The Past, Present, and Future of Falun Gong Lưu trữ 2008-03-25 tại Wayback Machine, Lecture given at the National Library of Australia, 2001.
  89. ^ a b Richard Madsen, "Understanding Falun Gong," Current History (September 2000).
  90. ^ David Ownby, "Unofficial Religions in China: Beyond the Party's Rules" Lưu trữ 2008-03-26 tại Wayback Machine, Testimony for the Congressional-Executive Commission on China, ngày 23 tháng 5 năm 2005.
  91. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 226. Quote: "Falun Gong is a new form of Chinese religion, even if its adherents themselves may not recognize it as being religion at all."
  92. ^ a b c d e Danny Schechter, Falun Gong's Challenge to China: Spiritual Practice of 'Evil Cult'?, (New York, NY:Akashic Books, 2000). Hardback ISBN 1-888451-13-0, paperback ISBN 1-888451-27-0
  93. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 26
  94. ^ a b c Shun-ching Chan, Cheris (tháng 9 năm 2004). “The Falun Gong in China: A Sociological Perspective”. The China Quarterly. 179. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2017.
  95. ^ a b c d e f g h i Noah Porter, "Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study Lưu trữ 2006-09-09 tại Wayback Machine". University of South Florida, 2003
  96. ^ Is Falun Gong a cult?
  97. ^ a b David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 241–246
  98. ^ Noah Porter, "Professional Practitioners and Contact Persons Explicating Special Types of Falun Gong Practitioners", Nova Religio, November 2005, Vol. 9, No. 2, pp 62–83
  99. ^ a b c d e Tong, James (tháng 9 năm 2002). “An Organizational Analysis of the Falun Gong: Structure, Communications, Financing”. The China Quarterly. 171: 636–660. doi:10.1017/S0009443902000402.
  100. ^ Haar, Barendter. “Evaluation and Further References”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2009. One difference between the Falun Gong and traditional groups is the absence of rituals of daily worship or rites of passage
  101. ^ David Ownby, "Falungong and Canada's China Policy," International Journal, Spring 2001, p 193
  102. ^ Kai-Ti Chou, Contemporary Religious Movements in Taiwan: Rhetorics of Persuasion, (Lewiston, NY: Edwin Mellen Press, 2008). ISBN 0-7734-5241-9.
  103. ^ McDonald, Kevin (2006). Global movements: action and culture. Wiley-Blackwell. ISBN 978-1-4051-1613-8.
  104. ^ Falundafa.org, 'Local Contacts' Lưu trữ 2012-01-18 tại Wayback Machine.
  105. ^ Mark R. Bell, Taylor C. Boas, Falun Gong and the Internet: Evangelism, Community, and Struggle for Survival, Nova Religio, April 2003, Vol. 6, No. 2, pp 277–293
  106. ^ Craig Burgdoff, "How Falun Gong Practice Undermines Li Hongzhi's Totalistic Rhetoric," p 336.
  107. ^ a b David Ownby, "Falun Gong in the New World", European Journal of East Asian Studies (2003), pp 313–314.
  108. ^ Craig Burgdoff, "How Falun Gong Practice Undermines Li Hongzhi's Totalistic Rhetoric," p 338.
  109. ^ Kevin McDonald, Global Movements: Action and Culture, 'Healing Movements, embodied subjects', (Hoboken, NJ: Wiley-Blackwell, 2006), pp 142 – 164
  110. ^ James Tong, "An Organizational Analysis of the Falun Gong: Structure, Communications, Financing," p 641
  111. ^ a b c d e James Tong, "Revenge of the Forbidden City: The suppression of the Falungong in China, 1999–2005" (New York, NY: Oxford University Press, 2009), ISBN 0-19-537728-1
  112. ^ James Tong, "An Organizational Analysis of the Falun Gong: Structure, Communications, Financing," p 642.
  113. ^ Patricia Thornton, "Manufacturing Dissent in Transnational China", in Popular Protest in China, Kevin J. O'Brien (ed.), (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2008).
  114. ^ James Tong, "An Organizational Analysis of the Falun Gong: Structure, Communications, Financing," p 638.
  115. ^ James Tong, "An Organizational Analysis of the Falun Gong: Structure, Communications, Financing," p 657.
  116. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên COLLINS-2019
  117. ^ Junker (2019: 33, 101).
  118. ^ Hill, Michael (tháng 4 năm 2019). "Những người hàng xóm của khu phức hợp Pháp Luân Công Hoa Kỳ băn khoăn về kế hoạch mở rộng". Associated Press .
  119. ^ Junker 2019: 100-101.
  120. ^ a b Groot, Gerry; Stafford, Glen (2012). “China and South Australia”. Trong John Spoehr; Purnendra Jain (biên tập). The Engaging State: South Australia's Engagement with the Asia-Pacific Region. Wakefield Press. tr. 103. ISBN 9781743051573. In related vein, another paper with wide distribution but published elsewhere is Epoch Times (Dajiyuan shibao), the qigong meditation religious group Falun gong mouth-piece, which runs a strong anti-communist line.
  121. ^ Thornton, Patricia M. (2008). “Manufacturing Dissent in Transnational China”. Trong Kevin J. O'Brien (biên tập). Popular Protest in China. Harvard Contemporary China. 15. Harvard University Press. tr. 199–200. ISBN 9780674041585.
  122. ^ Tong, Clement (2015). “Western Apocalyptic Narratives in the International Arena”. Trong Jean-Guy A. Goulet; Liam D. Murphy; Anastasia Panagakos (biên tập). Religious Diversity Today: Experiencing Religion in the Contemporary World. 3. ABC-CLIO. tr. 71. ISBN 9781440833328.
  123. ^ James Jiann Hua To (2014). Qiaowu: Extra-Territorial Policies for the Overseas Chinese. Brill. tr. 97. ISBN 9789004272286.
  124. ^ Noakes, Stephen (tháng 6 năm 2010). “Falun Gong, Ten Years On”. Pacific Affairs. Pacific Affairs, a division of the University of British Columbia. 83 (2): 349–57. The Epoch Times newspaper also serves as a mouthpiece for Falun Gong internationally...
  125. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên thepost
  126. ^ Sun, Wanning (2009). Media and the Chinese Diaspora: Community, Communications and Commerce. Routledge. tr. xi. ISBN 9781134263592. ...the Epoch Times – a globally circulated pro-Falun Gong, anti-Communist Chinese-language newspaper...
  127. ^ Denton, Kirk A. (2011). “Yan'an as a Site of Memory”. Trong Marc Andre Matten (biên tập). Places of Memory in Modern China: History, Politics, and Identity. Leiden Series in Comparative Historiography. 5. Brill. tr. 268. ISBN 9789004219014. An article in the anti-Communist, Falun Gong Epoch Times claims, without citing any sources, that Zhang's death was the result of an accident involving opium use.
  128. ^ a b Manavis, Sarah. “How US conspiracy theorists are targeting local government in the UK”. New Statesman.
  129. ^ a b “Viral video promotes the unsupported hypothesis that SARS-CoV-2 is a bioengineered virus released from a Wuhan research laboratory”. Health Feedback. ngày 17 tháng 4 năm 2020.
  130. ^ a b Holroyd, Matthew (ngày 4 tháng 5 năm 2020). “Coronavirus: 'Super-spreaders' of COVID-19 misinformation on Facebook identified”. Euronews. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
  131. ^ a b “Facebook 'Super-spreaders': Europe – NewsGuard” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2020.
  132. ^ a b Bellemare, Andrea; Ho, Jason; Nicholson, Katie (ngày 29 tháng 4 năm 2020). “Some Canadians who received unsolicited copy of Epoch Times upset by claim that China was behind virus”. CBC. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2020.
  133. ^ a b “Anti-communist organisation descends on Wagga to spread publication”. www.msn.com. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2020.
  134. ^ a b c d “This map is a forecast based on past data, not real-time satellite readings”. AFP Fact Check (bằng tiếng Anh). ngày 20 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2020.
  135. ^ Brown, Hayes (ngày 23 tháng 10 năm 2018). “A Newspaper Banned In China Is Now One Of Trump's Biggest Defenders”. BuzzFeed News. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2019.
  136. ^ “A Letter to Our Readers Regarding BuzzFeed's Reporting About The Epoch Times”. The Epoch Times (bằng tiếng Anh). ngày 23 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2019.
  137. ^ “The Epoch of Social Media”. popular.info. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2019.
  138. ^ Allen-Ebrahimian, Bethany (ngày 23 tháng 9 năm 2017). “The German Edition of Falun Gong's 'Epoch Times' Aligns with the Far Right”. China File. Center on U.S.-China Relations at Asia Society. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2017.
  139. ^ Gilbert, Ben (ngày 21 tháng 8 năm 2019). “Aside from the Trump campaign itself, the biggest spender on pro-Trump Facebook ads is reportedly a secretive New York-based newspaper”. Business Insider. Insider Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2019.
  140. ^ a b Alba, Davey (ngày 23 tháng 8 năm 2019). “Facebook Bans Ads From The Epoch Times”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2019.
  141. ^ “Facebook Discovers Fakes That Show Evolution of Disinformation”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ngày 20 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2019.
  142. ^ “Facebook says a pro-Trump media outlet used artificial intelligence to create fake people and push conspiracies”. NBC News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2019.
  143. ^ Benjakob, Omer (ngày 9 tháng 1 năm 2020). “Why Wikipedia is Much More Effective Than Facebook at Fighting Fake News”. Haaretz.
  144. ^ a b Zong Hairen, "Zhu Rongji zai 1999" (Zhu Rongji in 1999) (Carle Place, N.Y.: Mirror Books, 2001).
  145. ^ Cheris Shun-ching (2004). "The Falun Gong in China: A Sociological Perspective". The China Quarterly, 179.
  146. ^ David Palmer, Qigong Fever: Body, Science and Utopia in China. Quote: "In 1997, Li Hongzhi claimed to have 100 million followers, including 20 million regular practitioners."
  147. ^ Seth Faison, Followers of Chinese Sect Defend Its Spiritual Goals, New York Times, ngày 30 tháng 7 năm 1999.
  148. ^ a b Seth Faison, "In Beijing: A Roar of Silent Protestors", New York Times, ngày 27 tháng 4 năm 1999.
  149. ^ a b Bay Fang, "An opiate of the masses?" U.S. News and World Report, ngày 22 tháng 2 năm 1999.
  150. ^ Joseph Kahn, "Notoriety Now for Movement's Leader", New York Times, ngày 27 tháng 4 năm 1999
  151. ^ Renee Schoff, "Growing group poses a dilemma for China", Associated Press, ngày 26 tháng 4 năm 1999
  152. ^ New York Times, "4 From Chinese Spiritual group Are Sentenced", ngày 13 tháng 11 năm 1999. pg. A.5. | Quote: "Before the crackdown the government estimated membership at 70 million — which would make it larger than the Chinese Communist Party, with 61 million members."
  153. ^ Malcolm Moore, "Falun Gong 'growing' in China despite 10-year ban," The Telegraph, ngày 24 tháng 4 năm 2009.
  154. ^ Noah Porter, "Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study," p 117.
  155. ^ Lincoln Kaye, "Travelers Tales," Far Eastern Economic Review, ngày 23 tháng 7 năm 1992.
  156. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 127.
  157. ^ a b David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 136.
  158. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, pp 132–134.
  159. ^ a b David Ownby, "The Falun Gong in the New World".
  160. ^ A Short Biography of Mr. Li Hongzhi Lưu trữ 2004-11-28 tại Wayback Machine, PRC law and Government v. 32 no. 6 (November/December 1999) p. 14–23 ISSN 0009-4609
  161. ^ Zeng, Jennifer.
  162. ^ Falun Dafa Information Center, "Falun Gong: Timeline" Lưu trữ 2008-12-27 tại Wayback Machine, ngày 18 tháng 5 năm 2008.
  163. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 86.
  164. ^ Dai Qing: Members of Falungong in an Autocratic Society.
  165. ^ Danny Schechter, "Falun Gong's Challenge to China: Spiritual Practice or Evil Cult?," p 66
  166. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 72.
  167. ^ David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 248.
  168. ^ David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 295.
  169. ^ a b c David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 249.
  170. ^ David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 263.
  171. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 168.
  172. ^ Sumner B. Twiss, "Religious Intolerance in Contemporary China, Including the Curious Case of Falun Gong," The World's Religions After 11 September, by Arvind Sharma
  173. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 53.
  174. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 170.
  175. ^ David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," pp 134 & pp 252–256
  176. ^ a b Østergaard, Clemens Stubbe (2003).
  177. ^ a b c d e f g h Human Right Watch; Mickey Spiegel (2001).
  178. ^ David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 265.
  179. ^ a b c David Palmer, "Qigong Fever:Body, Science and Utopia in China," p 267.
  180. ^ Benjamin Penny, "The Religion of Falun Gong," p 56.
  181. ^ Eugene V. Gallagher; W. Michael Ashcraft (2006).
  182. ^ Renee Schoff, "Growing group poses a dilemma for China", Associated Press, ngày 26 tháng 4 năm 1999.
  183. ^ a b c d Ethan Gutmann (ngày 20 tháng 7 năm 2009) "An Occurrence on Fuyou Street", National Review david-kilgour.com
  184. ^ He Zuoxiu (1999).
  185. ^ a b David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 171
  186. ^ Danny Schechter, "Falun Gong's Challenge to China," p 69.
  187. ^ a b James Tong, "Revenge of the Forbidden City: The suppression of the Falungong in China, 1999–2005," p 5.
  188. ^ Jiang Zemin, Letter to Party cadres on the evening of ngày 25 tháng 4 năm 1999.
  189. ^ Dean Peerman, China syndrome: the persecution of Falun Gong Lưu trữ 2009-02-15 tại Wayback Machine, Christian Century, ngày 10 tháng 8 năm 2004
  190. ^ Tony Saich, Governance and Politics in China, Palgrave Macmillan, 2nd edition (ngày 27 tháng 2 năm 2004)
  191. ^ Lam, Willy Wo-Lap.
  192. ^ Xinhua, China Bans Falun Gong, People's Daily, ngày 22 tháng 7 năm 1999
  193. ^ Human Rights Watch, "Dangerous Mediation", APPENDIX II: LAWS AND REGULATIONS USED TO CRACK DOWN ON FALUNGONG.
  194. ^ a b c Leung, Beatrice (2002) 'China and Falun Gong: Party and society relations in the modern era', Journal of Contemporary China, 11:33, 761 – 784
  195. ^ a b Amnesty International (ngày 23 tháng 3 năm 2000) The crackdown on Falun Gong and other so-called 'heretical organizations' Lưu trữ 2014-10-28 tại Wayback Machine
  196. ^ Sunny Y. Lu, MD, PhD, and Viviana B. Galli, MD "Psychiatric Abuse of Falun Gong Practitioners in China" Journal American Academy Psychiatry and the Law, 30:126–30, 2002
  197. ^ Robin J. Munro, "Judicial Psychiatry in China and its Political Abuses", Columbia Journal of Asian Law, Columbia University, Volume 14, Number 1, Fall 2000, p 114
  198. ^ U.S. Department of State, 2008 Country Report on Human Rights: China (includes Hong Kong and Macao), Oct 2008.
  199. ^ Congressional Executive Commission on China Annual Report 2008 ngày 31 tháng 10 năm 2008.
  200. ^ a b Ethan Gutmann, "How many harvested?", in State Organs: Transplant Abuse in China Lưu trữ 2015-02-24 tại Wayback Machine (Woodstock, ON: Seraphim editions, 2009), pages 49-67.
  201. ^ Human Rights Watch, "We Could Disappear at Any Time," ngày 7 tháng 12 năm 2005.
  202. ^ Chinese Human Rights Defenders, Re-education through Labor Abuses Continue Unabated: Overhaul Long Overdue Lưu trữ 2012-01-18 tại Wayback Machine, ngày 4 tháng 2 năm 2009.
  203. ^ Amnesty International (Dec 2013).
  204. ^ Morais, Richard C. "China's Fight With Falun Gong" Lưu trữ 2006-08-29 tại Wayback Machine, Forbes, ngày 9 tháng 2 năm 2006.
  205. ^ Xinhua Commentary on Political Nature of Falun Gong, People's Daily, ngày 2 tháng 8 năm 1999
  206. ^ Gayle M.B. Hanson, China Shaken by Mass Meditation – meditation movement Falun Gong Lưu trữ 2012-07-08 tại Archive.today, Insight on the News, ngày 23 tháng 8 năm 1999
  207. ^ Willy Wo-Lap Lam, "China's sect suppression carries a high price".
  208. ^ Reid, Graham (29 April-ngày 5 tháng 5 năm 2006) "Nothing left to lose" Lưu trữ 2007-09-30 tại Wayback Machine, New Zealand Listener.
  209. ^ Congressional Executive Commission on China (ngày 10 tháng 10 năm 2010) Annual Report 2010 p 19.
  210. ^ The Globe and Mail (ngày 26 tháng 1 năm 2001) Beijing v. falun gong Metro A14
  211. ^ Smith, Craig S. (ngày 30 tháng 4 năm 2000).
  212. ^ Julia Ching, "The Falun Gong: Religious and Political Implications", American Asian Review, Vol.
  213. ^ Twiss, Sumner B. "Religious Intolerance in Contemporary China, Including the Curious Case of Falun Gong" in The World's Religions After September 11.
  214. ^ Vivienne Shue, "Legitimacy Crisis in China?"
  215. ^ David Ownby (ngày 15 tháng 2 năm 2001) China's War Against Itself New York Times
  216. ^ Rahn, Patsy (2002) "The Chemistry of a Conflict: The Chinese Government and the Falun Gong" in Terrorism and Political Violence, Winter, 2002, Vol 14, No. 4 (London: Frank Cass Publishers) [2]
  217. ^ James Tong, "Revenge of the Forbidden City: The suppression of the Falungong in China, 1999–2005," p 105.
  218. ^ a b Robert Bejesky, "Falun Gong & reeducation through labor", Columbia Journal of Asian Law, 17:2, Spring 2004, pp. 147–189
  219. ^ Congressional Executive Commission on China Annual Report 2006, p. 59; note 224, p.201
  220. ^ James Tong, "Revenge of the Forbidden City: The suppression of the Falungong in China, 1999–2005," p 109.
  221. ^ James Tong, "Revenge of the Forbidden City: The suppression of the Falungong in China, 1999–2005," p 128.
  222. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2016.
  223. ^ a b c d e f g James Tong, "Revenge of the Forbidden City: The suppression of the Falungong in China, 1999–2005," pp 122–128.
  224. ^ Falun Dafa Information Center, Persecution FAQ Lưu trữ 2010-11-27 tại Wayback Machine.
  225. ^ Amnesty International, 'China - Amnesty International Report 2008'.
  226. ^ Falun Dafa Information Center, Individual Cases of Falun Gong Deaths Lưu trữ 2012-07-09 tại Archive.today, access ngày 30 tháng 12 năm 2014
  227. ^ Ethan Gutmann.
  228. ^ a b c David Kilgour, David Matas (ngày 6 tháng 7 năm 2006, revised ngày 31 tháng 1 năm 2007) An Independent Investigation into Allegations of Organ Harvesting of Falun Gong Practitioners in China (free in 22 languages) organharvestinvestigation.net
  229. ^ David Kilgour & David Matas, "Bloody Harvest: The killing of Falun Gong for their organs", Seraphim Editions (Oct 2009) 232 pages ISBN 978-0-9808879-7-6
  230. ^ Kilgour, David.
  231. ^ Samuels, Gabriel.
  232. ^ Robertson, Matthew.
  233. ^ "Bloody Harvest / The Slaughter — An Update".
  234. ^ Ian Johnson, 'Paper Chase', Wall Street Journal, ngày 2 tháng 10 năm 2000.
  235. ^ Reuters, AP (ngày 8 tháng 7 năm 2006) "Falun Gong organ claim supported", The Age, (Australia)
  236. ^ Endemann, Kirstin (ngày 6 tháng 7 năm 2006) CanWest News Service; Ottawa Citizen "Ottawa urged to stop Canadians travelling to China for transplants" Lưu trữ 2015-10-17 tại Wayback Machine
  237. ^ http://www.lnxsb.com Lưu trữ 2018-03-07 tại Wayback Machine Liaoning Thrombus Treatment Center of Integrated Chinese and Western Medicine (Le Figaro Reports on CCP's Forced Organ Harvesting 1999.7.20.
  238. ^ United Nations Human Rights Special Rapporteurs Reiterate Findings on China's Organ Harvesting from Falun Gong Practitioners Lưu trữ 2013-05-21 tại Wayback Machine, ngày 9 tháng 5 năm 2008.
  239. ^ Smith, Lydia (ngày 31 tháng 7 năm 2014).
  240. ^ Charlotte Cuthbertson, "Unsolved: Organ Harvesting in China Interview with Manfred Nowak" Lưu trữ 2015-02-22 tại Wayback Machine, Epoch Times, ngày 5 tháng 8 năm 2009.
  241. ^ a b Getlen, Larry (ngày 9 tháng 8 năm 2014).
  242. ^ Barbara Turnbull (ngày 21 tháng 10 năm 2014) "Q&A: Author and analyst Ethan Gutmann discusses China’s illegal organ trade", The Toronto Star
  243. ^ Gutmann, Ethan (August 2014).
  244. ^ a b c d Leeshai Lemish, "Media and New Religious Movements: The Case of Falun Gong", A paper presented at The 2009 CESNUR Conference, Salt Lake City, Utah, 11–ngày 13 tháng 6 năm 2009
  245. ^ Fewsmith, Joseph and Daniel B. Wright. "The promise of the Revolution: stories of fulfilment and struggle in China", 2003, Rowman and Littlefield. p. 156
  246. ^ Associated Press, "'Enemies of people' warned", ngày 23 tháng 1 năm 2001
  247. ^ Plafker, Ted. "Falun Gong Stays Locked In Struggle With Beijing," The Washington Post, ngày 26 tháng 4 năm 2000
  248. ^ Lu, Xing, Rhetoric of the Chinese Cultural Revolution: the impact on Chinese thought, culture, and communication, University of South Carolina Press (2004).
  249. ^ Chen, Chiung Hwang. "Framing Falun Gong: Xinhua News Agency's Coverage of the New Religious Movement in China", Asian Journal of Communication, Vol. 15 No. 1 (2005), pp. 16–36.
  250. ^ Maria Hsia Chang, "Falun Gong:The End of Days," (Yale University Press, 2004).
  251. ^ Freedom House, "Report Analyzing Seven Secret Chinese Government Documents" Lưu trữ 2012-04-02 tại Wayback Machine, ngày 11 tháng 2 năm 2002.
  252. ^ a b Powers, John and Meg Y. M. Lee. "Dueling Media: Symbolic Conflict in China's Falun Gong Suppression Campaign" in Chinese Conflict Management and Resolution, by Guo-Ming Chen and Ringo Ma (2001), Greenwood Publishing Group
  253. ^ a b “Press Statement”. Clearwisdom. ngày 23 tháng 1 năm 2001. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2007.
  254. ^ Li, Hongzhi. “The Issue of Killing”. Zhuan Falun. Falun Dafa.
  255. ^ Anne-Marie Brady, Marketing dictatorship: propaganda and thought work in contemporary China, Rowman & Littlefield, 2008
  256. ^ Pan, Philip P. (ngày 5 tháng 2 năm 2001). “One-Way Trip to the End in Beijing”. International Herald Tribune.
  257. ^ a b c “The Perfect Example of Political Propaganda: The Chinese Government's Persecution against Falun Gong”. Global Media Journal (Volume 4, Issue 7). Fall 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2014.
  258. ^ “New Evidence Confirms Alleged Falun Gong "Tiananmen Square Self-Immolation" Was a State Conspiracy”. World Organization to Investigate the Persecution of Falun Gong. tháng 8 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2013.
  259. ^ Pan, Philip P. (ngày 5 tháng 2 năm 2001). "One-Way Trip to the End in Beijing". International Herald Tribune.
  260. ^ Matthew Gornet, The Breaking Point Lưu trữ 2007-10-13 tại Wayback Machine, TIME, ngày 25 tháng 6 năm 2001
  261. ^ Philip Pan and John Pomfret, "Torture is Breaking Falun Gong". Washington Post, ngày 5 tháng 8 năm 2001
  262. ^ Congressional Executive Commission on China, "Communist Party Calls for Increased Efforts To "Transform" Falun Gong Practitioners as Part of Three-Year Campaign" Lưu trữ 2011-06-22 tại Wayback Machine, ngày 22 tháng 3 năm 2011.
  263. ^ a b "Chinese Ministry of Education Participating in Persecution of Falun Gong: Investigative Report". [3] Lưu trữ 2004-09-27 tại Wayback Machine ngày 16 tháng 3 năm 2004. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2011.
  264. ^ Elisabeth Rosenthal and Erik Eckholm, "Vast Numbers of Sect Members Keep Pressure on Beijing" New York Times, ngày 28 tháng 10 năm 1999.
  265. ^ Johnson, Ian (ngày 25 tháng 4 năm 2000). “Defiant Falun Dafa Members Converge on Tiananmen”. The Wall Street Journal. Pulitzer.org. tr. A21.
  266. ^ Selden, Elizabeth J.; Perry, Mark (2003). Chinese Society: Change, Conflict and Resistance. Routledge. ISBN 0-415-30170-X.
  267. ^ Ian Johnson, "A Deadly Exercise: Practicing Falun Gong was a right, Ms. Chen said, to her last day", Wall Street Journal, ngày 20 tháng 4 năm 2000
  268. ^ Liao Yiwu. "The Corpse Walker: Real Life Stories: China from the Bottom Up." p 230.
  269. ^ "2010 Annual Report: Falun Gong Beliefs and Demography of Practitioners" Lưu trữ 2015-01-03 tại Wayback Machine Falun Dafa Information Center, ngày 26 tháng 4 năm 2010
  270. ^ Congressional Executive Commission on China 2009 Annual Report
  271. ^ He Qinglian (2008). The Fog of Censorship: Media Control in China (PDF). Human Rights in China. tr. xii. ISBN 978-0-9717356-2-0. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 29 tháng 2 năm 2012.
  272. ^ Gutmann, Ethan (ngày 6 tháng 12 năm 2010). “Into Thin Airwaves”. The Weekly Standard. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2018.
  273. ^ Steel, Kevin. 'Revolution number nine', The Western Standard, ngày 11 tháng 7 năm 2005.
  274. ^ Gutmann, Ethan. The Chinese Internet: A dream deferred?. Testimony given at the National Endowment for Democracy panel discussion "Tiananmen 20 years on", ngày 2 tháng 6 năm 2009.
  275. ^ Hune-Brown, Nicholas (ngày 12 tháng 12 năm 2017). “The traditional Chinese dance troupe China doesn't want you to see”. The Guardian.
  276. ^ a b Beiser, Vince. "Digital Weapons Help Dissidents Punch Holes in China's Great Firewall," Wired, ngày 1 tháng 11 năm 2010.
  277. ^ Human Rights Law Foundation, Direct Litigation Lưu trữ 2011-11-11 tại Wayback Machine. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2011
  278. ^ Noah Porter (Master's Thesis for the University of South Florida). Falun Gong in the United States: An Ethnographic Study , 2003. p 38-39
  279. ^ Chan, Cheris Shun-ching (2004). "The Falun Gong in China: A Sociological Perspective". The China Quarterly, 179, pp 665–683
  280. ^ Sun, Yanfei. "The Religion of Falun Gong." Nova Religio 18.2 (2014): 110-12. Web. 2 Nov. 2015.
  281. ^ a b Lãnh án tù vì đòi phá lăng Hồ Chủ tịch
  282. ^ “Vấn đề Pháp Luân Công, chủ trương của Việt Nam là gì?”. Đại Kỷ Nguyên. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2016. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  283. ^ “Báo Khoa học & Đời sống: Luyện Pháp Luân Công, bác sĩ tim vượt "cửa tử" - Pháp Luân Công”. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  284. ^ “Phạt tù 2 kẻ đưa "lậu" thông tin lên mạng viễn thông”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  285. ^ “Học viên Pháp Luân Công Vũ Đức Trung bị ba năm tù giam”. Đài Á Châu Tự do. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  286. ^ “Người tự nhận là học viên Pháp Luân Công chết trong tù ở Việt Nam”. ĐẠI KỶ NGUYÊN thời báo. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2016. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  287. ^ “Cảnh giác với hoạt động của giáo phái Pháp luân công”. Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2016. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  288. ^ “Thu hồi tài liệu tuyên truyền tà đạo "pháp luân công". Báo Gia Lai. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  289. ^ congan.com.vn (24 tháng 6 năm 2016). “Xử phạt 2 đối tượng tuyên truyền trái phép tài liệu Pháp luân công”. Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  290. ^ “Cần cảnh giác, ngăn chặn tán phát tài liệu tuyên truyền trái phép trên địa bàn”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2016. Truy cập 22 tháng 11 năm 2016.
  291. ^ “EXCLUSIVE: Expanding Pro-Trump Outlet 'The BL' Is Closely Linked to The Epoch Times”. Snopes.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2019.
  292. ^ “How a Pro-Trump Network Is Building a Fake Empire on Facebook and Getting Away with It”. Snopes.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2019.
  293. ^ https://www.bbc.com/vietnamese/world-50876859
  294. ^ “Falun Gong moves to calm public fears” (bằng tiếng Anh). Thái Lan. ngày 9 tháng 8 năm 2015. "Ông Paitoon là một trong ba nguyên đơn, cùng với Panida Wayumhasuwan và Chatchalai Sutthakanat, những người đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài mười năm. Sau khi Bộ Nội vụ từ chối yêu cầu đăng ký hiệp hội "Học Pháp Luân Công ở Thái Lan" vào năm 2005, họ đã đưa vụ việc lên Toà án Hành chính Trung ương.")
  295. ^ “Falun Gong moves to calm public fears Beijing expresses concern over court ruling”. Bangkok Post. ngày 9 tháng 8 năm 2015. " Vào ngày 2/02/2006, Tòa án Hành chính Trung ương ra phán quyết ủng hộ Bộ Nội vụ. Ba người sau đó đã kháng cáo lên Tòa án Hành chính Tối cao.") line feed character trong |tiêu đề= tại ký tự số 38 (trợ giúp)
  296. ^ “Beijing irked by Thailand's decision on Falun Gong”. ngày 7 tháng 8 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2017. Tòa án cho hay mối quan ngại về việc đăng ký Hiệp hội có thể ảnh hưởng lên mối quan hệ Thái Lan - Trung Quốc là quá sớm)
  297. ^ “Court allows Falun Gong registration” (bằng tiếng Anh). Truy cập 10 tháng 2 năm 2017. After 10 years of legal battles and harsh words from China, the Supreme Administrative Court says Falun Gong is respectable and free to practice in Thailand. (Photo of 2012 march from Falun Dafa Facebook page) The Supreme Administrative Court on Tuesday reversed rulings by the lower administrative court and the Interior Ministry refusing to allow Falun Gong practitioners to register, saying the group is lawful and constitutional." (Dịch: "Sau những từ ngữ thô bạo từ Trung Quốc và cuộc chiến pháp lý 10 năm, Toà án Hành chính Tối cao nói rằng Pháp Luân Công là hợp pháp và được tự do tập luyện ở Thái Lan. (ảnh diễu hành năm 2012 của Trang facebook Falun Dafa) Tòa án Hành chính Tối cao hôm thứ Ba đã đảo ngược phán quyết từ chối cho phép các học viên Pháp Luân Công đăng ký của Tòa án Hành chính cấp thấp hơn và Bộ Nội vụ, nói rằng nhóm này là hợp hiến và hợp pháp. line feed character trong |trích dẫn= tại ký tự số 211 (trợ giúp)
  298. ^ David Ownby, Falun Gong and the Future of China, p 229
  299. ^ Thomas Lum (ngày 25 tháng 5 năm 2006). “CRS Report for Congress: China and Falun Gong” (PDF). Congressional Research Service.
  300. ^ United States House Resolution 605, United States Government Printing Office, ngày 17 tháng 3 năm 2010
  301. ^ Einhorn, Bruce, (ngày 17 tháng 3 năm 2010). "Congress Challenges China on Falun Gong & Yuan, Business Week
  302. ^ Frank 2004, p. 241
  303. ^ Ownby (2000), p. 248
  304. ^ a b c Turley-Ewart, John, "Falun Gong persecution spreads to Canada: Ottawa does little[liên kết hỏng]", National Post, ngày 20 tháng 3 năm 2004
  305. ^ Perry Link, The Anaconda in the Chandelier: Chinese censorship today Lưu trữ 2016-11-06 tại Wayback Machine, ngày 27 tháng 5 năm 2005.
  306. ^ a b Ethan Gutmann, "Carrying a Torch for China" Lưu trữ 2013-01-05 tại Archive.today, Weekly Standard, ngày 21 tháng 4 năm 2008
  307. ^ Katrina Lantos Swett and Mary Ann Glendon, 'U.S. should press China over Falun Gong' Lưu trữ 2016-09-12 tại Wayback Machine, CNN, ngày 23 tháng 7 năm 2013.
  308. ^ Gutmann, Ethan (ngày 24 tháng 11 năm 2008). “China's Gruesome Organ Harvest. The whole world isn't watching. Why not?”. Weekly Standard. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2017.
  309. ^ a b Richard Madsen, "Understanding Falun Gong," p 247.
  310. ^ YNet: Self-appointed Torah court takes on China
  311. ^ Israel National News: Sanhedrin May Hear Complaint against Chinese Torture
  312. ^ NFC: International Court of Justice, according to the laws of the torah
  313. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên ZADRONZY-COLLINS-2019
  314. ^ “The Chinese Press Battles For Hearts And Minds Abroad”. HuffPost Canada. ngày 13 tháng 2 năm 2014.
  315. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên sfgate2
  316. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên NBCNews9
  317. ^ Brown, Hayes (ngày 23 tháng 10 năm 2018). “A Newspaper Banned In China Is Now One Of Trump's Biggest Defenders”. BuzzFeed News. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2019.
  318. ^ Zadrozny, Brandy; Collins, Ben (ngày 23 tháng 8 năm 2019). “Facebook bans ads from The Epoch Times after huge pro-Trump buy”. CNBC. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2019.
  319. ^ https://www.nytimes.com/2019/12/20/business/facebook-ai-generated-profiles.html
  320. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :162
  321. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :152

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
5 Công cụ để tăng khả năng tập trung của bạn
5 Công cụ để tăng khả năng tập trung của bạn
Đây là bản dịch của bài viết "5 Tools to Improve Your Focus" của tác giả Sullivan Young trên blog Medium
Review chuyến tàu băng giá - Snowpiercer
Review chuyến tàu băng giá - Snowpiercer
Chuyến tàu băng giá (Snowpiercer) là một bộ phim hành động, khoa học viễn tưởng ra mắt năm 2013
Tuổi trẻ và những chiếc rìu
Tuổi trẻ và những chiếc rìu
Tuổi trẻ chúng ta thường hay mắc phải một sai lầm, đó là dành toàn bộ Thời Gian và Sức Khoẻ của mình để xông pha, tìm mọi cách, mọi cơ hội chỉ để kiếm thật nhiều tiền
Nhân vật Araragi Koyomi - Monogatari Series
Nhân vật Araragi Koyomi - Monogatari Series
Araragi Koyomi (阿良々木 暦, Araragi Koyomi) là nam chính của series Monogatari.