Quạ | |
---|---|
Corvus ossifragus | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Aves |
Bộ (ordo) | Passeriformes |
Họ (familia) | Corvidae |
Chi (genus) | Corvus L., 1758 |
Loài điển hình | |
Corvus corax L., 1758 | |
Các loài | |
45-46 loài, xem bài. |
Quạ (danh pháp: Corvus) là một chi chim thuộc họ Quạ (Corvidae).[1] Chi này có khoảng 45-46 loài có kích thước khác nhau. Các loài chim dạng quạ lớn nhất là quạ thường (Corvus corax) và quạ mỏ dày (Corvus crassirostris), cả hai đều nặng trên 1.400 gam (3 lb) và dài trên 65 cm (26 inch).
Các loài trong chi này phân bố ở tất cả các lục địa ôn đới (trừ Nam Mỹ) và một số đại dương hải đảo (bao gồm cả Hawaii). Chi này chiếm 1/3 số loài trong Họ Quạ. Các thành viên của chi này dường như đã tiến hóa tại châu Á từ dòng dõi tại Australia.
Nhiều loài chim dạng quạ là những kẻ chiếm giữ lãnh thổ, chúng bảo vệ lãnh thổ trong suốt cả năm hoặc chỉ trong mùa sinh sản. Trong một số trường hợp, lãnh thổ chỉ được bảo vệ trong khoảng thời gian ban ngày, với cặp chim ra ngoài lãnh thổ để đậu và ngủ vào ban đêm. Một vài loài chim dạng quạ là những loài chim đậu ngủ thành cộng đồng. Một vài nhóm quạ đậu ngủ có thể rất lớn, với nơi đậu ngủ có thể tới 65.000 con quạ đen mũi trọc (Corvus frugilegus) như đã biết ở Scotland. Một số loài, như quạ đen mũi trọc, cũng là những loài chim làm tổ thành cộng đồng.
Một số loài trong chi này có trí thông minh cao. Cũng có các ví dụ về trí thông minh ở chim họ Quạ. Một con quạ mỏ nhỏ (Corvus corone) đã được ghi nhận là biết đập vỡ hạt bằng cách đặt nó trên lối đi bộ ngang qua đường, để cho ô tô đi qua làm vỡ vỏ, chờ cho đèn báo giao thông chuyển sang đỏ và sau đó thu lấy nhân hột một cách an toàn. Các thành viên của họ Quạ cũng biết theo dõi các loài chim khác, ghi nhớ nơi chúng cất giấu thức ăn và sau đó mò tới khi con chim kia rời khỏi nơi đó. Chim họ Quạ cũng di chuyển thức ăn của chính chúng giữa các nơi cất giấu để tránh bị ăn trộm, nhưng chỉ khi nếu chúng trước đó đã từng bị trộm cắp. Khả năng cất giấu thức ăn đòi hỏi trí nhớ về không gian rất chính xác.
Quạ New Caledonia (Corvus moneduloides) nổi tiếng vì khả năng chế tạo công cụ cao của chúng. Chúng tạo ra các công cụ để câu từ cành cây và lá được xén tỉa thành các móc câu. Sau đó chúng sử dụng các móc câu này để lôi ấu trùng của sâu bọ ra khỏi các lỗ trên thân cây. Các công cụ được chế tạo tùy theo công việc và dường như cũng do sự ưu tiên đã học được.
Cây phát sinh chủng loài nội bộ chi Corvus vẽ dưới đây dựa theo Jønsson et al. (2012)[3]. Nhánh I không thể hiện ở đây là Coloeus spp, các nhánh còn lại đánh số từ II tới VIII. Các nhánh này không bao gồm quạ Cape (Corvus capensis) và quạ Flores (Corvus florensis), do cả hai loài này đều có độ hỗ trợ yếu khi đặt vào cây phát sinh chủng loài. Quạ Flores tạo thành một nhóm với độ hỗ trợ mạnh với các nhánh VII và VIII, mặc dù vị trí chính xác của nó là hơi không chắc chắn. Đối với quạ Cape, nó là quạ không gần với Coloeus nhưng dường như là tương đối cơ sở trong Corvus.
Có một vài khu vực trong cây phát sinh này cần thêm nghiên cứu. Các chủng Cuba (C. palmarum minutus) và Hispaniola (C. palmarum palmarum) của quạ cọ (Corvus palmarum) dường như đã chia tách khoảng 1 triệu năm trước và điều này phù hợp với cả việc coi chúng là các loài tách biệt (như trong IOC) hoặc coi chúng chỉ là các chủng của cùng 1 loài (như trong AOU).
Quạ đen mũi trọc phương tây (C. frugilegus frugilegus) và quạ đen mũi trọc phương đông (C. frugilegus pastinator) là các họ hàng tương đối xa nhau và rất có thể đại diện cho các loài tách biệt.[3][4] Tuy nhiên, việc lấy mẫu rộng hơn là cần thiết để làm rõ ranh giới phân chia chính xác là như thế nào và liệu có loài thứ ba trung gian nào khác giữa chúng.
Trong nhánh VI, quạ mỏ nhỏ (Corvus corone) và quạ xám Đông Âu (Corvus cornix) là các họ hàng rất gần nhau, và tới nay điều chưa rõ ràng là chúng có thực sự là các loài tách biệt hay không. Ngoài ra, Haring et al. (2012)[4] cũng tìm thấy là một số cá thể phương đông thực sự là gộp nhóm cùng quạ khoang (Corvus torquatus hay C. pectoralis). Trong cùng nhánh này thì quạ Mỹ (Corvus brachyrhynchos) và quạ tây bắc Bắc Mỹ (Corvus caurinus) cũng là các họ hàng rất gần nhau và cũng có thể không phải là các loài tách biệt.
Có chứng cứ cho thấy quạ Chihuahua (Corvus cryptoleucus), và có thể cả quạ khoang châu Phi (Corvus albus) nằm trong tổ hợp quạ thường (Corvus corax complex, thuộc nhánh V). Ngoài ra, quạ Chihuahua dường như là gần với nhánh California của quạ thường (Corvus corax) hơn là với các nhánh khác của quạ thường.[5][6][7] Điều giải thích hợp lý nhất cho điều này là quần thể California đã trở thành tách biệt với các nhánh khác của quạ thường vào thời gian đó thì quạ Chihuahua đã tách ra khỏi quạ thường California. Các rào cản lai giống đã phát triển giữa chúng làm cho quạ Chihuahua trở thành loài tách biệt. Muộn hơn thì quạ thường California lại tiếp xúc với quạ thường phương bắc. Tuy nhiên chúng vẫn có thể lai giống và vẫn thực hiện điều này một cách tự do cho tới ngày nay[8], chỉ để lại dấu hiệu ti thể cho thấy tổ tiên đã rẽ nhánh của chúng.
Tổ hợp quạ mỏ to (Corvus macrorhynchos complex, thuộc nhánh VIII) là mâu thuẫn từ lâu.[9] Martens et al. (2000) đã cố gắng sử dụng chứng cứ âm thanh tiếng kêu để dung giải vấn đề này,[10] nhưng nó vẫn gây lộn xộn mặc cho chứng cứ phân tử mới. Jønsson et al. (2012a) không gộp các chủng danh định macrorhynchos hay culminatus trong phân tích của họ nhưng thấy rằng levaillantii và japonensis (gộp cả mandschuricus) là gần nhau hơn so với kubaryi, và cả ba là gần nhau hơn so với philippinus.[3] Haring et al. lấy mẫu 25 cá thể từ tổ hợp này. Họ tìm thấy chứng cứ cho thấy colonorum thuộc về nhóm japonensis chứ không cùng nhóm với levaillantii. Các kết quả của họ cũng hỗ trợ địa vị loài cho các chủng levaillantii, macrorhynchos và philippinus, nhưng không chia tách rõ ràng culminatus, japonensis hay các phân loài khác.
Corvus |
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Wikisource có văn bản gốc từ một bài viết của 1911 Encyclopædia Britannica về Quạ. |