Thời Lê Thái Tổ, hệ thống quan chế chưa hoàn thiện. Ông cho chia đất nước ra làm 5 đạo gồm Đông Đạo, Tây Đạo, Nam Đạo, Bắc Đạo và Hải Tây Đạo. Mỗi đạo đặt một vệ quân, mỗi Vệ đặt chức Tổng quản.
Bên trong, những quan chức đứng đầu gồm: Tả hữu tướng quốc, Kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, Đại tư đồ, Tư không, Đại tư mã, Tư khấu, Thái phó, Thái bảo, Thái úy, Thiếu phó, Thiếu bảo, Thiếu úy, Tả hữu bộc xạ, Hữu bật, Thượng thư lệnh, Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti[1]. Là những chức hàng đầu, tham dự triều chính, ban cho bề tôi có công.
Dưới nữa là Lỗ bộc ty, Trúc mộc ty, đều có các chức Đô giám, Đồng giám. Các cục, thự gồm Biểu tập cục, Trân mỹ cục, Đồng văn thự, Thái quan thự, đều có các chức Chánh chưởng, Phó chưởng.
Tổng quản, Đô đốc, Đồng tổng quản, Đồng tổng binh, Quản lãnh, Tả hữ ban Đô tri, Ngũ đạo tư mã.
Điện tiền đô kiểm điểm, Điện tiền đô áp nha, Điện tiền đô chỉ huy sứ.
Điện tiền chỉ huy sứ, Điện tiền chỉ huy phó sứ, Tứ sương chỉ huy sứ, Tứ sương chỉ huy phó sứ, Tổng hạt, Phụng tuyên sứ.
Quan ngoài các lộ: Tổng quản, Đồng tổng quản, Đồng tổng tri, Đồng tri, Quản lãnh, Trấn phủ sứ, Tuyên úy đại sứ, Tuyên úy sứ.
Quan ngoài các châu: Phòng ngự sứ, Chiêu thảo sứ, giúp quản lý dân chúng.
Tri châu, Đại tri châu: để phong cho các tù trưởng phiên thuộc.
Ở các nơi lộ, châu, hiểm yếu, có các chức: Lộ đặt Tri phủ, Chưởng ấn, Trấn phủ sứ, An phủ sứ, Tuyên phủ sứ; Huyện đặt Tuần án, Chưởng ấn, Chuyển vận sứ, Chuyển vận phó sứ.
Phẩm trật các chức vụ vốn đã có đầy đủ, nhưng tài liệu đã mất nhiều nên chỉ còn tên gọi các chức và cao thấp cơ bản, không rõ cao thấp cụ thể chi tiết hơn. Đời Thiên Hưng Đế, bắt đầu đặt định đầy đủ Lục bộ, Lục khoa, đặt định các quan ở châu huyện.
Đến đời Lê Thánh Tông, hệ thống quan chế đã đạt tới độ hoàn thiện nhất thời Lê sơ, và đi vào ổn định, các đời sau của thời kỳ Lê sơ đều áp dụng mà ít thay đổi. Cùng với việc cải cách hành chính: chia đất nước thành các thừa tuyên với từng bộ máy hành chính địa phương; hệ thống quan chế thời Lê Thánh Tông còn được sử dụng về cơ bản trong cả các triều đại Việt Nam về sau.
Thời kỳ Lê trung hưng, các hoàng đế nhà Lê chỉ đóng vai trò nghi thức, mọi thực quyền đều tập trung trong tay chúa Trịnh. Phủ chúa Trịnh là nơi điều hành đất nước.