Quang Tự Đế 光緒帝 | |||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Hoàng đế Trung Hoa | |||||||||||||||||
Hoàng đế Đại Thanh | |||||||||||||||||
Trị vì | 1 tháng 6 năm 1875 – 14 tháng 11 năm 1908 (33 năm, 166 ngày) | ||||||||||||||||
Tiền nhiệm | Thanh Mục Tông | ||||||||||||||||
Kế nhiệm | Phổ Nghi | ||||||||||||||||
Thông tin chung | |||||||||||||||||
Sinh | Cung Vương Phủ, Bắc Kinh, Trung Quốc | 14 tháng 8 năm 1871||||||||||||||||
Mất | 14 tháng 11 năm 1908 Trung Nam Hải, Bắc Kinh, Trung Quốc | (37 tuổi)||||||||||||||||
An táng | Sùng Lăng (崇陵) | ||||||||||||||||
Phối ngẫu | Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu Ôn Tĩnh Hoàng quý phi Khác Thuận Hoàng quý phi | ||||||||||||||||
| |||||||||||||||||
Triều đại | Nhà Thanh | ||||||||||||||||
Thân phụ | Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn | ||||||||||||||||
Thân mẫu | Diệp Hách Na Lạp Uyển Trinh |
Thanh Đức Tông (chữ Hán: 清德宗; 14 tháng 8 năm 1871 – 14 tháng 11 năm 1908), Tây Tạng tôn vị Văn Thù Hoàng đế (文殊皇帝) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 1875 đến năm 1908 chỉ với một niên hiệu là Quang Tự nên thường được gọi là Quang Tự Đế (光緒帝).
Mặc dù thời kỳ cai trị của ông và người tiền nhiệm Đồng Trị Đế tiếp tục cho thấy sự suy vong của Đại Thanh, nhưng những cải cách trong thời kỳ ấy khiến cho nền kinh tế Trung Quốc được phục hồi và được mở rộng sang thị trường quốc tế nên sử sách gọi là Đồng Quang trung hưng (同光中興). Mặc dù sự trung hưng này không đủ để phục hồi vị thế nhà Thanh trở lại thịnh trị như thời Khang Hi - Càn Long, nhưng khiến cho triều đại tiếp tục cai trị Trung Quốc thêm 60 năm.
Quang Tự Đế tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Tải Điềm (愛新覺羅·載湉). Tải Điềm có quan hệ huyết thống gần với các Hoàng đế trong số các thành viên Hoàng tộc. Tổ phụ của ông là Đạo Quang Đế, tổ mẫu là Trang Thuận Hoàng quý phi Ô Nhã Thị. Thân phụ là Thuần Hiền Thân vương Ái Tân Giác La Dịch Hoàn, em cùng cha khác mẹ với Hàm Phong Đế. Thân mẫu là Diệp Hách Na Lạp Uyển Trinh, em gái của Từ Hi Thái hậu.
Xét vai vế gia tộc, Tải Điềm là cháu gọi Hàm Phong Đế bằng bác; gọi Từ Hi vừa bằng dì, vừa bằng bác dâu; và là đường đệ lẫn biểu đệ của Đồng Trị Đế. Điều này khiến ông trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tân đế sau khi Đồng Trị băng hà.
Tháng 6 năm Đồng Trị thứ 14 (1875), Đồng Trị Đế qua đời không con. Triều đình họp nghị chính để chọn ra người kế vị. Sau khi thống nhất, Từ An và Từ Hi Thái hậu hạ chỉ đưa Tải Điềm vào cung, chọn làm con nối nghiệp Hàm Phong Đế. Ngày 1 tháng 6, Tái Điềm lên ngôi, lấy hiệu Quang Tự (光緒), khi đó chỉ mới 4 tuổi.
Năm Quang Tự nguyên niên (1876), ngày 20 tháng 1, Quang Tự Đế chính thức đăng quang tại Thái Hòa điện, tế cáo Thiên địa, Tông miếu, Xã tắc. Sau đó đến Càn Thanh cung lạy trước ngự dung của Đồng Trị Đế, rồi Chung Túy cung lạy Từ An Thái hậu, Trường Xuân cung lạy Từ Hi Thái hậu, cuối cùng là đến Trữ Tú cung lạy Gia Thuận Hoàng hậu.
Theo Nguyễn Hiến Lê thì ngay từ khi vào cung, tiểu Hoàng đế đã bị Từ Hi ngược đãi, hơi chút là quát tháo, đánh đập, bắt quỳ vài canh giờ. Do vậy, Quang Tự sợ bà như cọp, bảo gì cũng nghe. Thậm chí từng có đồn đại rằng Thái giám Lý Liên Anh, vốn được Từ Hi sủng ái, cũng hùa theo ăn hiếp Quang Tự. Có thuyết cho rằng Quang Tự sủng ái Trân phi, khiến Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị ghen tị. Trong lúc xảy ra Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (năm 1900), dân gian đồn thổi Trân phi bị Lý Liên Anh xô xuống giếng chết[1].
Tuy vậy, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Từ Hi rất thương Quang Tự. Bản thân bà mô tả Quang Tự: "từ nhỏ ốm yếu, tì vị hư nhược[2], lúc vào Tử Cấm Thành để lĩnh chỉ nối ngôi cũng không thể tự đi, phải có người ẵm. Hàng ngày ngự thiện phòng chuẩn bị mấy chục món ăn song đều không hợp khẩu vị của tiểu Hoàng đế. Có vẻ thân phụ mẫu không để tâm đến chế độ dinh dưỡng''[3]. Điều này cho thấy bà từng rất quan tâm Quang Tự, nhưng tính lộng quyền đã khiến bà quản thúc chặt chẽ từ việc triều chính đến chuyện ở hậu cung.
Quang Tự làm Hoàng đế chỉ là hư vị, mọi quyền hành đều nằm trong tay Lưỡng cung Thái hậu vốn đang thùy liêm thính chính. Chỉ dụ của Lưỡng cung gọi là Ý chỉ (懿旨), còn của Hoàng đế gọi là Dụ chỉ (谕旨)[4]. Năm Quang Tự thứ 5 (1880), Từ Hi Thái hậu lâm bệnh nặng[5], kéo dài đến tận sang năm[6]. Khoảng thời gian này, triều chính do Từ An Thái hậu một mình xử lý. Tháng 3 năm Quang Tự thứ 6 (1881), Từ An Thái hậu băng, Từ Hi Thái hậu bắt đầu một mình nhiếp chính.
Giữa năm 1881 tới 1883, Từ Hi Thái hậu chủ yếu trao đổi với các đại thần qua văn bản[7], còn Quang Tự Đế buộc thiết triều vài lần mà không có Từ Hi ở sau thính chính. Năm sau (1884), Từ Hi Thái hậu nắm lại quyền hành, không ai dám ngăn cản bà chuyên quyền, kể cả chính Quang Tự Đế[8].
Chính biến Mậu Tuất (1898) xảy ra, Hoàng đế Quang Tự bị giam 10 năm ở Doanh Đài, trong một căn phòng bẩn thỉu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã cho đến khi chết (1908). Lược theo Sử Trung Quốc (Tập 2, tr. 251). Tác giả Phổ Nghi cho biết cái chết của Quang Tự là một nghi án. Theo lời kể của viên thái giám già Lý Tường An, thì Quang Tự mất vì bị Khánh Thân vương Dịch Khuông và Viên Thế Khải đầu độc. Cũng có lời đồn đãi cho rằng do Từ Hi giết chết vì "bà không cam tâm chết trước vua Quang Tự" (Nửa đời đã qua, tr. 29-30).
Hoàng đế Quang Tự qua đời ngày 14 tháng 11 năm 1908 (một ngày trước khi Thái hậu Từ Hi mất) ở tuổi 37 và ở ngôi được 33 năm. Ông được quần thần tôn hiệu là Đức Tông - Đồng Thiên Sùng Vận Đại Trung Chí Chính Kinh Văn Vĩ Vũ Nhân Hiếu Mẫn Trí Đoan Kiệm Khoan Cần Cảnh Hoàng đế, gọi tắt là Đức Tông Cảnh Hoàng đế (德宗-景皇帝).
Kế ngôi Quang Tự là Ái Tân Giác La Phổ Nghi, tức Tuyên Thống Đế. Đây là vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh (1644-1912).
Sau trận Chiến tranh Thanh-Nhật (tháng 7 năm 1894), bị một nước nhỏ là Nhật Bản đánh thua, nhiều kẻ sĩ Trung Quốc bỗng thức tỉnh. Họ nhận ra rằng cần mà phải thay đổi chế độ và duy tân mọi mặt mới chấn hưng được nước nhà. Trong số ấy, có Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (học trò ông Vi) là người hăng hái nhất.
Sau vài lần dâng thư lên Hoàng đế Quang Tự xin biến pháp duy tân (gọi vắn là biến pháp), bị các đình thần không đồng tình ém nhẹm, tháng 6 năm 1896, thầy trò Khang Hữu Vi lại dâng thư lần nữa. Lần này nhờ có Ông Đồng Hòa (đang làm Thượng thư bộ Hộ, tước Hiệp biện đại học sĩ, trước là thầy học của Quang Tự) tiến cử nên thành công.
Tuy nhiên, mãi đến ngày 11 tháng 6 năm Quang Tự thứ 28 (1898), công cuộc biến pháp mới chính thức khởi sự, vì lúc này Từ Hi đã lui về nghỉ ở Di Hòa viên, giao lại mọi quyền hành cho Hoàng đế (dĩ nhiên vẫn luôn theo dõi mọi hành động của Quang Tự).
Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, thì vấp phải sự chống đối của phái Hậu đảng, tức phe phái của Thái hậu Từ Hi. Đàm Tự Đồng, một thành viên của phái duy tân, thấy vậy bèn khuyên Quang Tự đoạt lấy chính quyền. Hoàng đế nghe lời bèn triệu Viên Thế Khải lúc đó đang thống lĩnh 7.000 quân về Bắc Kinh bàn việc, có ý dùng quân của Viên để bao vây Di Hòa Viên.
Chẳng may việc đó bị tiết lộ (chính Viên phản Hoàng đế Quang Tự, vì thấy Từ Hi và phe cánh của bà hãy còn mạnh). Sau đó, dựa vào lực lượng quân đội của Vinh Lộc (Tổng đốc Trực Lệ), bà ra lệnh bắt giam Hoàng đế Quang Tự và các thành viên đứng đầu phái Duy Tân, đồng thời cho bãi bỏ hết những cải cách mà Hoàng đế vừa ban ra. Sử gọi vụ đấy là Chính biến Mậu Tuất (1898), là Bách nhật duy tân (Cuộc cải cách trăm ngày).
Cuộc đời làm vua của Quang Tự gắn lền với công cuộc biến pháp năm Mậu Tuất (1898). Về sau khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc ở giai đoạn này, nhà sử học Will Durant đã tiếc rằng:
Nhưng cũng có ý kiến trái ngược về vua Quang Tự, nói rằng các cải cách ông ban ra nhằm phục hồi vị thế nhà Thanh thực hiện quá dồn dập trong một thời gian ngắn, không đạt kết quả như mong đợi và đã phản tác dụng, gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của nhân dân.
Sợ mất lộc vị, phái thủ cựu (Hậu đảng) mà người đứng đầu là Thái hậu Từ Hi, đã chống đối việc cải cách rất quyết liệt[10]. Thế nhưng, Hoàng đế Quang Tự cương quyết, bảo:
“ | Không cho ta biến pháp thì giết ta còn hơn[11] | ” |