Sông Đốc
|
|||
---|---|---|---|
Thị trấn | |||
Thị trấn Sông Đốc | |||
Sông Ông Đốc đoạn chảy qua thị trấn Sông Đốc | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Tỉnh | Cà Mau | ||
Huyện | Trần Văn Thời | ||
Trụ sở UBND | Khóm 7 | ||
Thành lập | 1984[1] | ||
Loại đô thị | Loại IV | ||
Năm công nhận | 2012[2] | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 9°2′56″B 104°49′40″Đ / 9,04889°B 104,82778°Đ | |||
| |||
Diện tích | 28,90 km²[3] | ||
Dân số (31/12/2022) | |||
Tổng cộng | 35.311 người[4] | ||
Mật độ | 1.221 người/km² | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 32098[5] | ||
Website | songdoc | ||
Sông Đốc là một thị trấn thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Việt Nam.
Thị trấn Sông Đốc nằm ở phía tây huyện Trần Văn Thời, có vị trí địa lý:
Thị trấn Sông Đốc có diện tích 28,90 km²,[3] dân số năm 2022 là 35.311 người,[4] mật độ dân số đạt 1.221 người/km².
Ngoài phần diện tích trên đất liền, thị trấn còn quản lý hành chính hai hòn đảo nằm ngoài khơi là Hòn Chuối và Hòn Buông.[6]
Thị trấn Sông Đốc được chia thành 13 khóm: 1, 2, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 2 hòn đảo: Hòn Chuối, Hòn Buông.
Về tên gọi của thị trấn, có lưu truyền sự tích rằng: Sông này vốn có tên là Khoa Giang. Tương truyền ngày trước, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh đến đây. Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng đã xin Nguyễn Ánh được mặc hoàng bào để nghi binh cho Nguyễn Ánh trốn. Vị đô đốc này hy sinh; sau này được lập miếu thờ tại vùng này vào năm 1802. Từ đó, sông này được dân gian gọi là sông Ông Đốc.
Vào năm 1782, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chạy về vùng đất phương Nam này và dừng chân ở cửa sông Ông Đốc để cầu viện quân Xiêm giúp đỡ. Có một vị quan không rõ họ chỉ biết tên là Đốc đã dám đứng ra ngăn cản hành động không có lợi cho đất nước Việt Nam này của Nguyễn Ánh, cuối cùng bị sát hại. Để tôn vinh tinh thần yêu nước của vị quan này mà người dân đã gọi tên sông là Ông Đốc (sau rút gọn thành sông Đốc) và đó cũng là tên gọi của thị trấn này ngày nay.
Xưa kia, vùng đất trong vịnh Thái Lan này là vùng đất của Vương quốc Phù Nam, sau thuộc Chân Lạp và Đế chế Khmer. Từ giữa thế kỷ 17, những lưu dân người Việt và người Hoa đã đi thuyền dọc theo đường biển đến tận vùng này sinh sống.
Năm 1680, Mạc Cửu – một người Hoa từ Quảng Đông sang - lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Khu vực ông khai phá trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư hoặc nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.
Sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ phần đất này thần phục nhà Nguyễn, Mạc Thiên Tứ con của Mạc Cửu đã vâng lệnh triều đình chúa Nguyễn lập ra đạo Long Xuyên (ngày nay đạo Long Xuyên gồm toàn bộ địa bàn tỉnh Cà Mau).
Vào năm 1808, Thời Gia Long thứ 7, đổi tên đạo Long Xuyên thành huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên.
Năm 1825, Thời Minh Mạng thứ 6, nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.
Thời Pháp thuộc, Cà Mau là một quận của tỉnh Bạc Liêu. Vùng Sông Đốc lúc này thuộc vào tổng Quảng Xuyên của quận Cà Mau (sau tách ra thành quận Quảng Xuyên, xong đổi tên thành quận Cà Mau Nam rồi lại nhập trở lại vào quận Cà Mau).[7]
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lấy quận Cà Mau và 4 xã của quận Giá Rai là Định Thành, Hòa Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/VN để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Lúc này, tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên. Tỉnh An Xuyên khi đó gồm 6 quận: Quản Long, Thới Bình, Sông Ông Đốc, Cái Nước, Đầm Dơi và Năm Căn. Vùng đất Sông Đốc lúc này thuộc quận Sông Ông Đốc.
Dưới chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quận Sông Ông Đốc bị giải thể, thị trấn Sông Ông Đốc là một đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP.[8] Theo đó, thị trấn Sông Ông Đốc thuộc huyện Trần Thời có phân vạch địa giới như sau:
Ngày 17 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 168-HĐBT[1] về việc đổi tên thị trấn Sông Ông Đốc thành thị trấn Sông Đốc.
Ngày 2 tháng 2 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 51/QĐ-TCCP[9] về việc sáp nhập một phần diện tích và dân số của thị trấn Sông Đốc vào xã Phong Lạc.
Ngày 20 tháng 12 năm 2012, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1151/QĐ-BXD[2] về việc công nhận thị trấn Sông Đốc là đô thị loại IV.
Ngày 9 tháng 11 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc công nhận thị trấn Sông Đốc là thị trấn đảo thuộc tỉnh Cà Mau.[10]
Thị trấn Sông Đốc có diện tích tự nhiên là 2.914 ha với 35.669 nhân khẩu. Trong đó, có phần diện tích tự nhiên 61 ha là đảo Hòn Chuối và 12 ha là đảo Hòn Bươn nằm trên biển (phù hợp với quy định tại điều 19 Luật biển Việt Nam). Có 47 hộ với 146 nhân khẩu định cư và Đồn biên phòng Hòn Chuối, Trạm Hải quân 615 và Trạm Hải đăng Hòn Chuối.[11]
Thị trấn Sông Đốc cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội Nghinh Ông – còn gọi là lễ rước "Đại tướng quân Nam Hải", tổ chức vào tháng hai âm lịch hằng năm.[12]