Sự biến Thổ Mộc bảo | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến tranh Minh-Mông Cổ | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Bộ tộc Liên minh Oirat Mông Cổ | Nhà Minh | ||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Dã Tiên Thoát Thoát Bất Hoa |
Minh Anh Tông Vương Chấn Trương Phụ Trần Doanh Vương Tá Khoáng Dã Tào Nại Đình Tư Vương Vĩnh Hòa Đặng Khởi. | ||||||
Lực lượng | |||||||
20.000 | 500.000[1][2][3][4] | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
Không rõ |
Minh Anh Tông bị bắt trên 50 tướng bị giết Mấy chục vạn lính thương vong[5] Mất 20 vạn con ngựa, hàng trăm pháo, hàng vạn súng cầm tay. |
Sự biến Thổ Mộc Bảo (bính âm: 土木堡之變; Hán Việt: Thổ Mộc bảo chi biến) hay Sự biến Thổ Mộc (bính âm: 土木之变; Thổ Mộc chi biến) là cuộc chiến trong lịch sử Trung Quốc xảy ra vào ngày Nhâm Tuất (15) tháng 8 năm Kỉ Tị (1 tháng 9 năm 1449) giữa quân đội nhà Minh và lực lượng của bộ tộc Ngõa Lạt (Oirat) Mông Cổ. Trong trận chiến này, lực lượng nhà Minh vốn đông đảo hơn đã thất bại hoàn toàn trước đội quân của Ngoã Lạt do Esen Taishi (Dã Tiên Đài Cát) chỉ huy, toàn bộ chỉ huy của quân Minh bị tiêu diệt hoặc bắt sống trong đó có Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, đương kim hoàng đế nhà Minh. Sự biến Thổ Mộc bảo được coi là thất bại quân sự lớn nhất trong lịch sử nhà Minh, đánh dấu sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực ở biên giới phía Bắc Trung Quốc giữa triều đình Trung Hoa và các bộ tộc gốc Mông Cổ.
Người Mông Cổ bị Minh Thái Tổ đánh đuổi về thảo nguyên phía bắc (1368) nhưng vẫn là lực lượng hùng mạnh, luôn quấy nhiễu biên cương nhà Minh trong những năm sau đó. Dưới thời Vĩnh Lạc, hoàng đế Minh Thành Tổ đã từng 5 lần thân chinh bắc phạt, làm suy yếu quân Mông Cổ. Nhưng đến thời Minh Anh Tông tương quan lực lượng đã thay đổi.
Chiến sự liên miên trong nước cùng sự tham nhũng tràn lan của quan lại khiến quân đội nhà Minh càng suy yếu. Đồn điền vốn của quân sĩ tự cày cấy nuôi nhau bị các võ quan cao cấp và các địa chủ lớn tại địa phương chiếm làm của riêng, thu nhập của đồn điền không đủ nuôi binh sĩ[6].
Quân sĩ đào ngũ rất nhiều, tính đến năm 1448, bộ Binh báo cáo lên triều đình, tổng số quân sĩ bỏ trốn phải xóa tên lên tới 66 vạn người, điển hình tại một Bách hộ ở Sơn Đông, trong tổng số 120 quân lính bỏ trốn gần hết chỉ còn lại 1 người. Ngoài ra, vũ khí quân dụng cho quân đội nhà Minh vừa thiếu thốn, vừa kém chất lượng, lại bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng[6].
Tộc Ngõa Lạt là một chi của Mông Cổ, trước kia sinh sống du mục ở phía tây nam hồ Baikan. Khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, Ngõa Lạt quy phục Mông Cổ rồi di chuyển dần về phía thượng lưu sông Enisei, phát triển về phía nam, mở rộng thế lực tới Sông Zavkhan và vùng Dzungaria (Chuẩn Cát Nhĩ). Đến đầu thời Minh, bộ tộc Ngõa Lạt lớn mạnh hơn so với các bộ tộc Mông Cổ khác.
Trong lúc nhà Minh có dấu hiệu suy yếu thì các bộ tộc Mông Cổ lại mạnh lên. Các bộ tộc Ngõa Lạt và Thát Đát được thống nhất. Từ năm 1439, Dã Tiên của tộc Ngõa Lạt lên nắm quyền trong chính quyền Mông Cổ của khả hãn Thoát Thoát. Nhân sự suy nhược của nhà Minh, Dã Tiên dần nảy sinh ý định đánh xuống trung nguyên để khôi phục uy quyền nhà Nguyên trước đây[7].
Để vỗ về Dã Tiên, Minh Anh Tông cho phép Dã Tiên vượt rào quy định. Từ năm 1442, đoàn sứ Mông Cổ vào triều cống ở Bắc Kinh được phép có tới hàng ngàn người và có thể đi tìm kiếm những vật quý hiếm của Trung Quốc.
Nhân lúc quân Minh sa lầy vào cuộc chiến ở phía tây nam (Vân Nam), năm 1442 Dã Tiên mang quân tiến về phía tây, xây dựng quan hệ thông gia với các vệ Sa châu và Xích Cân Mông Cổ, khiến những nơi này càng ngày càng xa rời nhà Minh. Sang năm 1445, Dã Tiên lôi kéo những nơi này tham chiến đánh Cáp Mật vệ (nay là Hami, Tân Cương). Thủ lĩnh Hami tên Hán là Đảo Ngõa Tháp Thất Lý cầu cứu nhà Minh nhưng không được cứu viện, buộc phải thần phục Dã Tiên, Dã Tiên dần mở rộng lãnh thổ, phía đông tới Triều Tiên, phía tây tới Tân Cương.
Năm 1448, Dã Tiên cử đoàn sứ bộ gồm 2524 người đến Bắc Kinh, nói thăng lên 3598 người để lĩnh thêm đồ thưởng của nhà Minh. Hoạn quan Vương Chấn cầm quyền trong triều ra lệnh điều tra số lượng sứ bộ, lại thấy ngựa mang cống của Dã Tiên nhỏ gầy, bèn hạ giá ngựa đi, rồi giảm đồ ban thưởng xuống chỉ còn 1/5[8]. Thêm vào đó, Dã Tiên từng có hứa hẹn thông gia với nhà Minh, nhưng bị khất nhiều lần, bèn lấy cớ đó để khởi binh.
Mùa hè năm Kỉ Tị (1449), Dã Tiên tập kết binh mã các nơi chuẩn bị tiến xuống phía nam. Tin truyền đến Bắc Kinh, Minh Anh Tông cử sứ đến các Tuyên Phủ, Đại Đồng chỉnh đốn quân bị để đối phó. Tuy nhiên trong triều vẫn có người lén lút mang vũ khí đổi lấy ngựa tốt của Dã Tiên[9].
Tháng 7 năm đó, Dã Tiên khởi đại quân chia làm 4 đường nam chinh tiến vào Đại Minh:
Ngày Kỉ Sửu (11) tháng 7 (30/7), quân Ngõa Lạt của Dã Tiên ồ ạt tấn công Đại Đồng. Tướng Ngô Hạo nhà Minh đụng độ Dã Tiên ở Miêu Nhi Trang bị đại bại và tử trận cùng 3 vạn quân sĩ. Minh Anh Tông điều Tỉnh Nguyên mang 4 vạn quân ra cứu viện cũng bị tiêu diệt hoàn toàn[9].
Tình thế nguy cấp, hoạn quan Vương Chấn ra sức cổ vũ Anh Tông thân chinh, noi theo gương các vua đời trước đánh Mông Cổ như Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ. Minh Anh Tông quen hưởng lạc, chưa có kinh nghiệm gian khổ trận mạc nên nghĩ việc quân sự khá đơn giản và nghe theo lời Vương Chấn[10].
Các đại thần như Thượng thư bộ Binh là Khoáng Dã, Hữu Thị lang bộ Binh là Vu Khiêm, Thượng thư bộ Lại là Vương Trực,... thấy Anh Tông định thân chinh, vội vã dâng sớ can ngăn, nhưng Anh Tông nhất định không nghe. Ngày rằm tháng 7 năm đó, ông ban chiếu thân chinh, để em là Thành vương Chu Kỳ Ngọc trấn thủ kinh thành, Phò mã đô úy Tiêu Kính phụ chính[11].
Tình hình ngoài mặt trận càng ngày càng bất lợi cho quân Minh. Tại Tuyên Phủ, quân Ngõa Lạt bao vây quân Minh nhiều ngày, tuyệt nguồn nước. Tại Đại Đồng, các tướng trấn thủ là Tống Anh, Chu Miện, Thạch Hanh ra đánh đều thua nặng. Tống Anh và Chu Miện tử trận cùng nhiều quân sĩ, chỉ còn Thạch Hanh chạy trốn thoát thân.
Ngày Giáp Ngọ (16) tháng 7 (4.8), Anh Tông lên đường ra mặt trận, mang theo 50 vạn tướng sĩ[1][2], đêm hôm đó đại quân đóng ở Ma Gia Lĩnh. Ngày Ất Mùi (17) tức 5.8, Minh Anh Tông đóng ở Long Hổ Đài, ngay trong đêm đó quân Minh đã cướp đoạt đồ của nhau, thành ra hỗn loạn.
Ngày Đinh Dậu (19) tức 7.8, Minh Anh Tông ra khỏi Cư Dung quan, ngày 20 ÂL đến Du Lâm, ngày 21 đến Hoài Lại, ngày 22 đến Lôi Gia Phạm, ngày Tân Sửu (23) tức 11.8 đến Tuyên Phủ. Những ngày hành quân liên tiếp có mưa gió, mọi người lo lắng, lương thảo không đủ, quân lĩnh đều mệt mỏi. Các quan xin Anh Tông ngừng hành quân vì quân sĩ kém hăng hái. Nhưng Anh Tông giao hết quyền cho Vương Chấn. Vương Chấn một mực muốn đánh, hạ lệnh ba quân bày trận[12].
Ngày 24 tháng 7 Âm Lịch, Anh Tông đến núi Kê Minh, ngày 25 tới hẻm núi Vạn Toàn, ngày 26 tới phía tây thành Hoài An, ngày 27 đến phía tây thành Thiên Thành, ngày Bính Ngọ (28) tức 16.8 tới phía nam thành Dương Hòa. Quân sĩ trông thấy xác chết của quân nhà trong trận đánh trước đó với quân Ngoã Lạt, đều hoảng sợ.
Ngày 29 tháng 7 Âm Lịch, Anh Tông tới trạm dịch Tu Lạc. Ngày Mậu Thân (1) tháng 8 tức 18.8 thì đại quân đến Đại Đồng. Lúc này Dã Tiên sau trận thắng đã chủ động rút về phía bắc chờ thời cơ. Vương Chấn muốn phát lệnh bắc tiến, thái giám thân tín là Quách Kính vội báo với Vương Chấn về tình hình bi đát ngoài mặt trận của quân Minh. Vương Chấn biết tin thật, bắt đầu lo lắng, bèn quyết định tuyên bố "chiến thắng" và vội vàng rút quân trở về[13].
Ngày 2 tháng 8 Âm Lịch, đại quân bắt đầu rút về phía đông. Ban đầu, Vương Chấn định đi theo đường Tử Kinh quan là đường ngắn để về nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là đường qua Úy châu[14] – quê Vương Chấn. Đi được 40 dặm, Vương Chấn chợt thay đổi ý định, sợ số quân lớn 50 vạn người sẽ giẫm nát lúa màu của trang trại nhà mình, do đó quyết định đổi hướng hành quân từ đường đông nam lên đường đông bắc, đi theo đường cũ từ Tuyên Phủ[15] về kinh. Việc thay đổi lộ trình vừa kéo dài thời gian, vừa gây ra nghi hoặc lớn trong các tướng sĩ[13].
Ngày 3 tháng 8 Âm Lịch, Anh Tông tới Trích Trích Thủy, ngày 4 đến Phương Thành, Hồng châu, ngày 5 đến Bạch Đăng, ngày 6 đến phía tây thành Hoài An, ngày 7 đến Tuyên Phủ.
Dã Tiên phát hiện quân Minh đi đường vòng mất thời gian, bèn dẫn quân từ phía bắc đón đường vây đánh. Thượng thư bộ Binh là Khoáng Dã đề nghị cử tinh binh đi sau cùng chặn hậu, còn xa giá phải nhanh chóng chạy vào cửa ải, nhưng Vương Chấn ra sức phản đối.
Ngày Đinh Tị (10) tháng 8 tức 27.8, Minh Anh Tông đến đông nam Tuyên Phủ, ngày 11 ÂL đến trạm Lôi Gia, ngày 12 sắp khởi hành thì nhận được tin báo quân Esen đã đuổi tới gần. Ngày Canh Thân (13) tháng 8 tức 30.8, Anh Tông bèn hạ lệnh đóng quân dựng trại một chỗ, cử anh em Ngô Khắc Trung và Ngô Khắc Cần ra chặn hậu. Esen đánh tới, giết chết anh em họ Ngô cùng toàn bộ quân Minh. Chập tối, Anh Tông nghe tin anh em họ Ngô tử trận, bèn cử Chu Dũng, Tiết Phụ mang 4 vạn quân ra đánh, nhưng gặp phục binh ở hẻm núi Diều Nhi, toàn quân bị diệt.
Anh Tông cùng đại quân tới pháo đài Thổ Mộc – Thổ Mộc bảo[16], phía đông cách thành Hoài Lai 20 dặm. Quần thần kiến nghị kéo đến bảo vệ Hoài Lai, nhưng Vương Chấn cho rằng còn hơn 1000 xe quân dụng chưa tới, hạ lệnh toàn quân đóng lại Thổ Mộc bảo để chờ. Quân Minh chọn chỗ cao đóng trại, nhưng không tìm được nguồn nước.
Dã Tiên nắm được điểm yếu trong việc đóng quân của nhà Minh, Dã Tiên nhanh chóng cho quân Ngoã Lạt cắt đứt đường tiếp tế nước của quân Minh với con sông nằm ở phía nam Thổ Mộc bảo. Kỵ binh Ngoã Lạt đuổi đến nơi, vây chặt quân Minh, cắt đường nước suối phía nam cách đó 15 dặm. Quân Minh đào đất sâu hơn 2 trượng vẫn không tìm được mạch nước. Quân Minh bị đói khát, phải kịch chiến suốt đêm ở phụ cận Ma Cốc khẩu. Quân Minh không tìm được đường ra, Vương Chấn cũng hoảng hốt không dám hạ lệnh khởi hành.
Ngày Nhâm Tuất (15) tháng 8 tức 1.9, đang lúc nguy cấp, có sứ giả của Dã Tiên tới xin nghị hòa, làm ra vẻ muốn rút quân. Anh Tông và Vương Chấn không biết là dối trá, bèn cho học sĩ Tào Nại thảo chiếu nghị hòa, rồi sai sứ sang gặp Dã Tiên. Vương Chấn cho rằng vòng vây đã được mở, vội hạ lệnh cho quân đi đến chỗ có gần nước. Trong lúc quân Minh tranh nhau đi lấy nước mất hàng lối thì quân Dã Tiên đột ngột tấn công. Mấy chục vạn quân Minh không kịp trở tay, không có đường chạy trốn nên tử trận, thây nằm ngổn ngang[5][17].
Trong lúc hỗn loạn, Vương Chấn bị hộ vệ tướng quân Phàn Trung nổi giận cầm gậy đánh chết. Sau đó Phàn Trung ra trận nhưng không chống nổi quân Ngõa Lạt và tử trận. Cùng bị giết với mấy chục vạn quân Minh có trên 50 quan văn võ là: Trương Phụ, Trần Doanh, Vương Tá (Thượng thư bộ Hộ), Khoáng Dã (Thượng thư bộ Binh), Tào Nại, Đình Tư, Vương Vĩnh Hòa, Đặng Khởi[5].
Minh Anh Tông biết không còn khả năng trốn chạy, bèn xuống ngựa chọn chỗ ngồi nhìn về hướng nam, chỉ còn 1 viên hoạn quan bên cạnh. Một kị binh Ngoã Lạt đuổi đến, muốn lấy bộ áo giáp quý giá trên người ông, nhưng ông cự tuyệt. Người lính Ngoã Lạt định giết ông thì anh người đó phi ngựa tới ngăn lại vì trông thấy phong cách bất thường của ông. Hai anh em người lính dẫn Minh Anh Tông đến gặp em Dã Tiên là Trại San vương[18].
Vừa gặp Trại San vương, Anh Tông cất tiếng hỏi thân thế. Trại San vương nghe khẩu khí ông rất kinh ngạc, vội báo cho Dã Tiên. Dã Tiên bèn sai hai thủ hạ là Cáp Ba quốc sư và Cáp Giả Lý Bình Chương từng đi sứ nhà Minh đến nhận mặt. Sau khi xác định rõ là vua nhà Minh, Dã Tiên rất mừng, cho rằng đã có cơ hội tiến vào trung nguyên như các vua nhà Nguyên trước đây[7].
Dã Tiên muốn lấy Anh Tông làm con tin, bèn mang ông tới giao cho doanh trại của Bá Nhan Thiếp Mục Nhi (Bayan Temur), dặn phải bảo vệ.
Quân Minh thất bại nặng nề, tổn thất nhân sự rất lớn trong sự biến Thổ Mộc bảo. Minh Anh Tông chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chỉ huy sáng suốt. Bản thân Dã Tiên cũng không ngờ rằng ông có thể giành được một thắng lợi lớn tới vậy trên chiến trường chỉ bằng chưa đầy 5.000 kỵ binh trong số 20.000 quân Ngoã Lạt tiến qua biên giới Trung Quốc.
Sự biến Thổ Mộc bảo biến vua Minh Anh Tông trở thành tù binh trong tay người Ngõa Lạt trong 1 năm[19]. Nhà Minh trải qua cuộc khủng hoảng nặng nề[20]. Dã Tiên bắt được Minh Anh Tông, muốn dùng làm con tin để đánh chiếm các thành trì đất đai của nhà Minh.
Được tin Anh Tông bị bắt, Bắc Kinh rơi vào tình trạng hỗn loạn vì trong thành chỉ còn khoảng 10 vạn quân và ngựa già yếu[21]. Triều đình nhà Minh từng có ý kiến định dời đô về phía nam, nhưng Thượng thư bộ Binh mới là Vu Khiêm cương quyết tử thủ tại kinh thành. Tôn thái hậu gấp gáp đối phó, lập em Anh Tông là Thành vương Chu Kỳ Ngọc lên làm vua mới, tức là Minh Đại Tông, lấy niên hiệu là Cảnh Thái và vọng tôn Anh Tông làm thái thượng hoàng[22].
Ngày 13 tháng 10 ÂL, quân Ngoã Lạt đánh thành Bắc Kinh. Quân Minh dưới sự chỉ huy của Vu Khiêm đã kháng cự mãnh liệt. Vu Khiêm đã bất chấp sự đe dọa của Dã Tiên và tiếp tục giữ vững Bắc Kinh. Dã Tiên cố sức đánh mấy tháng liền, đến mùa xuân năm sau nhưng không phá nổi thành. Nhờ có Anh Tông làm con tin, nên khi quân Minh hội quân có lại ưu thế không dám phản công, chỉ thủ không đánh. Sau nhiều tháng hao tổn lực lượng lại sợ viện binh quân Minh các nơi kéo đến chặn đường về, nên ngày 15 tháng 1 hạ lệnh nhổ trại lui về phía bắc.
Phía Ngõa Lạt, ý định dùng Minh Anh Tông để mở rộng thế lực sau đó bất thành nên sang năm sau đành trả lại Anh Tông. Sự kiện Anh Tông bị bắt và đổi ngôi vua mới Đại Tông được triều đình nhà Minh gửi chiếu thư báo đến nhiều quốc gia Đông Á, như nước Đại Việt vào ngày 21 tháng 6 ÂL tức 19 tháng 7 năm 1451 (triều vua Lê Nhân Tông)[23]. Các sử gia xác nhận Đại Việt là nước chư hầu duy nhất ở Đông Nam Á mà nhà Minh thông báo chính thức sự kiện này[24].
Dã Tiên bị chỉ trích kịch liệt vì đã không tận dụng được cơ hội lớn này để bành trướng lãnh thổ của Ngõa Lạt và cuối cùng bị ám sát năm 1455, 6 năm sau chiến thắng vang dội ở Thổ Mộc bảo. Sự biến Thổ Mộc bảo là bước ngoặt của vương triều Minh chuyển từ sơ kỳ sang trung kỳ[5]. Sau khi hồi kinh và trở thành, Nhà Minh tiếp tục trải qua cuộc tranh giành quyền lực giữa Thái thượng Hoàng Minh Anh Tông và tân đế Minh Đại Tông trong vòng 7 năm (1450 - 1457) và kết thúc bằng sự kiện Đoạt môn chi biến, đưa Minh Anh Tông trở lại ngai vàng.