Thái thượng hoàng hậu (chữ Hán: 太上皇后) là chức danh để gọi vị Hoàng hậu của Thái thượng hoàng. Nghĩa của danh vị này, theo lý thuyết là "vị Hoàng hậu bề trên" trong triều đình phong kiến.
Theo lẽ thông thường, khi Hoàng đế qua đời, vị quân vương mới, người có quan hệ dòng dõi với vị quân vương tiền nhiệm, sau khi lên ngôi sẽ tôn vị Hoàng hậu của Hoàng đế tiền nhiệm là Hoàng thái hậu. Nếu vị Hoàng hậu có vị trí là chị dâu, Hoàng đế kế nhiệm sẽ tôn thêm phong hiệu để phân biệt, như trường hợp Khai Bảo hoàng hậu.
Theo lý thuyết, khi Hoàng đế chưa mất mà chỉ thiện nhượng cho người khác rồi về làm Thái thượng hoàng, thì Hoàng hậu được gọi là [Thái thượng hoàng hậu]. Khi Thái thượng hoàng mất, thì Thái thượng hoàng hậu mới thành Hoàng thái hậu.
Danh vị này có từ thời kỳ rất sớm, tận thời Tây Hán. Theo Hán thư ghi lại, Lưu Thái Công khi là Thái thượng hoàng, có một chính phối không rõ họ, đấy là vị Thái thượng hoàng hậu đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ ghi nhận chính thức có 8 vị Thái thượng hoàng hậu:
Tuy nhiên, quy tắc tôn phong [Thái thượng hoàng hậu] không phải lúc nào cũng tuyệt đối. Như Thành Túc Hoàng hậu Tạ thị, Hoàng hậu thứ hai của Tống Hiếu Tông, khi Hiếu Tông thiện vị cho Tống Quang Tông, bà được tôn hiệu [Thọ Thành Hoàng hậu; 壽成皇后], mà không phải Thái thượng hoàng hậu. Sau đó là Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu Tiền thị của Minh Anh Tông, trong thời gian Anh Tông làm Thái thượng hoàng, không hề ghi chép Tiền hậu được tôn địa vị [Thái thượng hoàng hậu].
Tại Việt Nam, quốc gia theo mô hình phong kiến của Trung Hoa, danh vị Thái thượng hoàng hậu có được đề cập. Tuy nhiên không có sự thống nhất, vì phần lớn các Thái thượng hoàng đế sau khi thiện nhượng, các vị Hoàng hậu vẫn trở thành Hoàng thái hậu.
Thái thượng hoàng đầu tiên của Việt Nam là Sùng Hiền hầu, do có con là Lý Dương Hoán được Lý Nhân Tông chỉ định làm người kế vị, tức Lý Thần Tông. Tuy nhiên, mẹ của Lý Thần Tông là Đỗ phu nhân được ghi là tôn làm Hoàng thái hậu, ở Động Nhân cung[1]. Khi Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng về làm Thái thượng hoàng, thì vợ ông là Thuận Trinh hoàng hậu đáng lý sẽ trở thành Thái thượng hoàng hậu của triều Lý. Tuy nhiên, không có ghi chép chứng minh việc này.
Các Hoàng đế nhà Trần nhường ngôi về làm Thái thượng hoàng, thì các Hoàng hậu theo lý cũng sẽ đều thành Thái thượng hoàng hậu. Tuy nhiên việc này lại có mâu thuẫn ngay trong ghi chép nhà Trần, ví dụ như:
Vào thời Lê trung hưng, Lê Thần Tông nhượng vị cho Lê Chân Tông, ĐVSKTT ghi chép thể lệ tôn vị như sau:
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, khi Thành Thái bị buộc thoái vị, người Pháp đã từng tham khảo thông lệ thoái vị. Khi ấy, triều đình chỉ ra theo lệ xưa, Hoàng đế thoái vị gọi là Thái thượng hoàng, còn Hoàng đích mẫu gọi là Hoàng thái hậu, Hoàng sinh mẫu gọi Hoàng thái phi. Cuối cùng, Thành Thái được tôn gọi là [Hoàng Phụ Hoàng đế; 皇父皇帝], Hoàng quý phi Nguyễn Thị Vân Anh được tôn gọi là [Hoàng đích mẫu; 皇嫡母], mẹ đẻ Vua Duy Tân là Nguyễn Thị Định được tôn gọi là [Hoàng sinh mẫu; 皇生母].
Cũng theo văn hóa Đông Á như Việt Nam, nhưng lịch sử Nhật Bản chưa từng xuất hiện danh vị Thái thượng hoàng hậu. Trong lịch sử, các Thiên hoàng sau khi trở thành Thái thượng Thiên hoàng, thì Hoàng hậu (hay Trung cung) đều trở thành Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi, Hoàng thái phu nhân, nhưng đại đa phần cũng là xuất gia để lấy hiệu Nữ viện.
Năm 2019, ngày 30 tháng 4, Thiên hoàng Akihito chính thức thoái vị, trở thành Thái thượng Thiên hoàng sau hơn 200 năm chưa từng xuất hiện trong lịch sử Nhật Bản. Hoàng hậu Michiko được định tôn xưng danh vị 「Thượng hoàng hậu; 上皇后」, tương đương với Thái thượng hoàng hậu.