Trần Nguyên Đán 陳元旦 | |
---|---|
Chương Túc quốc thượng hầu | |
Tên hiệu | Băng Hồ |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 1325 |
Mất | 1390 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Trần Văn Bích |
Hậu duệ | Trần Mộng Dữ Trần Thúc Dao Trần Thúc Quỳnh |
Chức quan | Tư đồ |
Tước hiệu | Chương Túc quốc thượng hầu (章肅國上侯) |
Quốc gia | Đại Việt |
Quốc tịch | Đại Việt |
Thời kỳ | Nhà Trần |
Tác phẩm | Băng Hồ ngọc hác tập Bách thế thông kỉ thư |
Trần Nguyên Đán (chữ Hán: 陳元旦, 1325[1] hay 1326? - 1390) hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu. Nguyên Đán là người hiền từ, nho nhã, có phong cách của bậc quân tử thời xưa[2].
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:
“ | ...Quang Khải ham học hay thơ, có Lạc đạo tập lưu hành ở đời. Con ông là Văn Túc vương Đạo Tái cũng nổi tiếng về văn học thời đó, được Thượng hoàng ưu ái hơn các em thúc bá khác...cháu Quang Khải là Uy Túc công Văn Bích làm Thái bảo thời Minh Tông, chắt là Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán là Tư đồ đời Nghệ Tông cũng có danh tiếng...[3] | ” |
Hay theo như Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì:
“ | Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn. Khi mất, hưởng thọ 54 tuổi, có sáng tác tập thơ Lạc đạo lưu hành ở đời. Con cháu Văn Túc vương Đạo Tái cũng có tiếng là người văn hay, cháu là Uy Túc hầu Văn Bích từng làm quan đến Thái bảo; chắt là Chương Túc hầu Nguyên Đán danh vọng cũng lừng lẫy[4] | ” |
Website của Ban quản lý Côn Sơn-Kiếp Bạc viết rằng ông là con của Nhập nội Thái bảo Uy Túc hầu Trần Văn Bích, cháu đời thứ tư của Trần Quang Khải[1] nhưng có lẽ ông là chắt đời thứ năm của Trần Quang Khải vì cũng trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng:
“ | ...Canh Tuất, Đại Định năm thứ 2 [Dương Nhật Lễ]... vua [Nghệ Tông] vì có con gái làm hoàng hậu (của Nhật Lễ), sợ vạ lây đến mình, tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân...[5] | ” |
Như thế, đoạn này khẳng định ông là em họ của Nghệ Tông, trong khi Quang Khải là em ruột của Trần Thánh Tông nên Đạo Tái là em họ của Trần Nhân Tông, Văn Bích là em họ của Trần Anh Tông và phải còn một người nữa ngang hàng với Trần Minh Tông thì ông mới là em họ của Nghệ Tông. Còn nếu ông là chắt đời thứ tư của Quang Khải thì về mặt gia đình, Trần Nghệ Tông phải gọi ông bằng chú, xưng cháu mới là đúng.
Đời vua Trần Dụ Tông (1341 -1369), ông được bổ nhiệm chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián[1].
Tháng 10 âm lịch năm 1370, ông cùng Cung Định vương Trần Phủ (tức Trần Nghệ Tông sau này), Cung Tuyên vương Trần Kính (tức Trần Duệ Tông sau này), Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân chống Dương Nhật Lễ[5][6].
Tháng 2 âm lịch năm 1371, sau khi lật đổ Dương Nhật Lễ, ông được Trần Nghệ Tông phong làm tư đồ[5][6].
Tháng 10 âm lịch năm 1375, vua Trần Duệ Tông sai ông coi việc quân trấn Quảng Oai[7].
Tháng 7 âm lịch năm 1385 thời Trần Phế Đế, tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Nguyên Đán trí sĩ lui về Côn Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở ẩn, gửi cho các bạn làm quan bài thơ, có câu rằng: Kim cổ hưng vong chân khả giám, Chư công hà nhẫn gián thư hy? (nghĩa: Còn mất xưa nay gương đã rõ, Các ông sao nỡ vắng thư can?)[8]. Thượng hoàng Nghệ Tông thường ngự đến nhà riêng của ông để thăm bệnh và hỏi việc sau này. Nhưng Nguyên Đán đều không nói gì, chỉ thưa: "Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nước nhà vô sự. Tôi dầu chết cũng được bất hủ"[2][9].
Ông mất ngày 14 tháng 11 âm lịch năm 1390 thời Trần Thuận Tông[2]. Thượng hoàng Nghệ Tông có làm bài thơ đề trên mộ ông.
Nguyên Đán có tập thơ tên là Băng Hồ, vài quyển (Theo Nghệ văn chi của Lê Quý Đôn thì Trần Nguyên Đán soạn Băng Hồ ngọc hác tập, 10 quyển), truyền ở đời, là cảm thời thế mà làm ra[2]. Hiện nay còn 51 bài chép trong "Toàn Việt thi lục". Phần lớn là thơ tâm sự, chán nản, lo đời, thật ra là lo cho dòng họ, chỉ hi vọng vào các bậc "anh tài" ở lớp hậu sinh như Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh). Có một số bài phản ánh xã hội và đời sống nhân dân cuối đời Trần: "Nhâm Dần lục nguyệt tác", "Dạ quy chu trung tác" ("Thơ làm trên thuyền trong đêm trở về"), "Bất mị".
Cùng với Đặng Lộ, ông là một trong những người đặt nền móng sơ khai cho ngành Thiên văn học ở Việt Nam. Ông đã soạn ra cuốn "Bách thế thông kỉ thư" trong đó ghi chép các nhật nguyệt thực và chuyển động của 5 hành tinh (Thủy, Kim, Hỏa, Mộc, Thổ) từ thời Hồng Bàng đến thời Lý, Trần. Tiếc rằng cuốn sách quý này đã bị giặc Minh đốt phá vào đầu thế kỉ XV.[cần dẫn nguồn]
Ông có 11 con trai và con gái[10], nhưng chỉ có năm người còn được biết đến do có tên trong chính sử:
“ | Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được.[2] | ” |
“ | ...đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy...[9] | ” |
“ | Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tông được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng: Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm. [11][12] | ” |
— Việt sử tiêu án. |