Sao Thổ

Sao Thổ ♄
Hành tinh Sao Thổ
Ảnh màu thực tế của Sao Thổ, chụp bởi tàu Cassini
Đặc trưng quỹ đạo[4][5]
Kỷ nguyên J2000.0
Điểm viễn nhật
  • 1.513.325.783 km
  • 10,115 958 04 AU
Điểm cận nhật
  • 1.353.572.956 km
  • 9,048 076 35 AU
  • 1 433 449 370 km
  • 9,582 017 20 AU
Độ lệch tâm0,055 723 219
378,09 ngày[2]
9,69 km/s[2]
320,346750°
Độ nghiêng quỹ đạo
113,642811°
336,013862°
Vệ tinh đã biết~ 200 vệ tinh đã được quan sát (82 với quỹ đạo đã biết bao gồm 53 được đặt tên)
Đặc trưng vật lý
Bán kính xích đạo
  • 60.268 ± 4 km[6][7]
  • 9,4492 Trái Đất
Bán kính cực
  • 54364 ± 10 km[6][7]
  • 8,5521 Trái Đất
Độ dẹt0,09796 ± 0,00018
  • 4,27×1010 km²[7][8]
  • 83,703 Trái Đất
Thể tích
  • 8,2713×1014 km³[2][7]
  • 763,59 Trái Đất
Khối lượng
  • 5,6846×1026 kg[2]
  • 95,152 Trái Đất
Mật độ trung bình
0,687 g/cm³[2][7]
(nhỏ hơn nước)
35,5 km/s[2][7]
10,56 giờ[9]
(10 giờ 33 phút 38 giây) [10][11]
Vận tốc quay tại xích đạo
  • 9,87 km/s[7]
  • 35.500 km/h
26,73°[2]
Xích kinh cực Bắc
  • 2h 42m 21s
  • 40,589°[6]
Xích vĩ cực Bắc
83,537°[6]
Suất phản chiếu
Nhiệt độ bề mặt cực tiểu trung bình cực đại
Mức 1 bar 134 K[2]
0,1 bar 84 K[2]
+1,47 tới −0,24[12]
14,5"–20,1"[2]
(bao gồm cả vành đai)
Khí quyển[2]
59,5 km [13]
Thành phần khí quyển
~96% Hiđrô (H2)
~3% Heli
~0.4% Mêtan
~0.01%Amonia
~0.01%Hydrogen deuteride (HD)
0.0007%Êtan
Băng:
Amonia
Nước
Amoni hydrosulfide (NH4SH)

Sao Thổ (tiếng Anh: Saturn), hay Thổ Tinh (土星) là hành tinh thứ sáu tính theo khoảng cách trung bình từ Mặt Trời và là hành tinh lớn thứ hai về đường kính cũng như khối lượng, sau Sao Mộc trong hệ Mặt Trời. Tên tiếng Anh của hành tinh mang tên thần Saturn trong thần thoại La Mã, ký hiệu thiên văn của hành tinh là (♄) thể hiện cái liềm của thần. Sao Thổ là hành tinh khí khổng lồ với bán kính trung bình bằng 9 lần của Trái Đất.[14][15] Tuy khối lượng của hành tinh cao gấp 95 lần khối lượng của Trái Đất nhưng với thể tích lớn hơn 763 lần, khối lượng riêng trung bình của Sao Thổ chỉ bằng một phần tám so với của Trái Đất.[16][17][18]

Cấu trúc bên trong của Sao Thổ có lẽ bao gồm một lõi sắt, nikelđá (hợp chất silic và oxy), bao quanh bởi một lớp dày hiđrô kim loại, một lớp trung gian giữa hiđrô lỏng với heli lỏng và bầu khí quyển bên trên cùng.[19] Hình ảnh hành tinh có màu sắc vàng nhạt là do sự có mặt của các tinh thể amonia trong tầng thượng quyển. Dòng điện bên trong lớp hiđrô kim loại là nguyên nhân Sao Thổ có một từ trường hành tinh với cường độ hơi yếu hơn so với từ trường của Trái Đất và bằng một phần mười hai so với cường độ từ trường của Sao Mộc.[20] Lớp khí quyển bên trên cùng hành tinh có những màu đồng nhất và hiện lên dường như yên ả so với bầu khí quyển hỗn loạn của Sao Mộc, mặc dù nó cũng có những cơn bão mạnh. Tốc độ gió trên Sao Thổ có thể đạt tới 1.800 km/h, nhanh hơn trên Sao Mộc, nhưng không nhanh bằng tốc độ gió trên Sao Hải Vương.[21][22]

Sao Thổ có một hệ thống vành đai bao gồm chín vành chính liên tục và ba cung đứt đoạn, chúng chứa chủ yếu hạt băng với lượng nhỏ bụi và đá. Sao Thổ có 82 vệ tinh tự nhiên đã biết[23]; trong đó 53 vệ tinh đã được đặt tên. Số lượng vệ tinh này không bao gồm hàng trăm tiểu vệ tinh ("moonlet") bên trong vành đai. Titan là vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ và là vệ tinh lớn thứ hai trong hệ Mặt Trời, nó cũng lớn hơn cả Sao Thủy và là vệ tinh tự nhiên duy nhất trong hệ Mặt Trời có bầu khí quyển dày đặc.[24]

Đặc trưng

[sửa | sửa mã nguồn]
So sánh kích thước Sao Thổ và Trái Đất.

Sao Thổ được phân loại là hành tinh khí khổng lồ bởi vì nó chứa chủ yếu khí và không có một bề mặt xác định, mặc dù có thể có một lõi cứng ở trong.[25] Tốc độ tự quay nhanh của hành tinh khiến nó có hình phỏng cầu dẹt; tại xích đạo của Sao Thổ phình ra và hai cực dẹt đi. Khoảng cách giữa hai cực so với đường kính tại xích đạo chênh nhau tới 10%— lần lượt là 54.364 km và 60.268 km.[2] Sao Mộc, Sao Thiên VươngSao Hải Vương cũng là những hành tinh khí khổng lồ nhưng chúng ít dẹt hơn. Sự kết hợp giữa tốc độ khi phồng và tốc độ tự quay có nghĩa làgia tốc bề mặt tác động dọc theo đường xích đạo, nằm cỡ 8,96 m/s2, bằng 74% gia tốc ở hai cực và thấp hơn so với của Trái Đất. Tuy nhiên, vận tốc thoát ly tại xích đạo Sao Thổ là khoảng 36 km/s, cao hơn nhiều so với của Trái Đất.

Sao Thổ là hành tinh duy nhất trong hệ Mặt Trời có khối lượng riêng trung bình nhỏ hơn khối lượng riêng của nước; ít hơn khoảng 30% và do đó, là hành tinh có khối lượng riêng nhỏ nhất.[26] Mặc dù lõi của Sao Thổ có mật độ lớn hơn của nước, nhưng mật độ/khối lượng riêng trung bình của nó bằng 0,69 g/cm³ do bầu khí quyển khổng lồ của nó chiếm đa số về thể tích hành tinh. Sao Mộc có khối lượng cao gấp 318 lần khối lượng Trái Đất[27] trong khi khối lượng của Sao Thổ chỉ cao hơn 95 lần của Trái Đất.[2] Cộng lại, Sao Mộc và Sao Thổ chiếm 92% tổng khối lượng của các hành tinh trong hệ Mặt Trời.[28]

Cấu trúc bên trong

[sửa | sửa mã nguồn]
Cấu trúc lõi Sao Thổ:
1. Lõi trong gồm lớp đá màu nâu
2. Lõi giữa gồm hiđrô kim loại có màu xanh xám
3. Lõi ngoài gồm các phân tử heli và hiđrô bão hòa có màu ghi

Thành phần chủ yếu của hành tinh là hiđrô, chúng trở thành chất lỏng không lý tưởng khi mật độ cao trên 0,01 g/cm³. Mật độ này đạt được ở bán kính nơi chứa 99,9% khối lượng của Sao Thổ. Nhiệt độ, áp suất và mật độ bên trong tăng dần dần về phía lõi, và tại những lớp sâu hơn trong hành tinh, hiđrô chuyển sang pha kim loại.[28]

Những mô hình chuẩn về cấu trúc hành tinh cho rằng bên trong Sao Thổ có cấu trúc tương tự như của Sao Mộc, với một lõi đá cứng bao quanh bởi hiđrôheli với một lượng nhỏ những hợp chất dễ bay hơi trong khí quyển.[29] Các nhà khoa học nghĩ rằng lõi này có thành phần tương tự như của Trái Đất nhưng có mật độ lớn hơn. Bằng kiểm tra mô men hấp dẫn của hành tinh, và kết hợp với mô hình vật lý về cấu trúc bên trong của hành tinh, đã cho phép các nhà thiên văn Didier SaumonTristan Guillot đưa ra giá trị giới hạn cho khối lượng phần lõi Sao Thổ. Năm 2004, họ tính ra được khối lượng của lõi bằng 9–22 lần khối lượng của Trái Đất,[30][31] và đường kính bằng 25.000 km.[32] Lõi này được bao quanh bởi lớp hiđrô kim loại lỏng dày hơn, tiếp đến là lớp lỏng gồm heli và phân tử hiđrô bão hòa mà dần dần theo độ cao chúng chuyển sang pha khí. Lớp ngoài cùng dày khoảng 1000 km và chứa bầu khí quyển Sao Thổ.[33][34][35]

Phần bên trong của Sao Thổ rất nóng, đạt tới nhiệt độ 11.700 °C tại lõi, và hành tinh bức xạ nhiệt vào vũ trụ cao gấp 2,5 lần so với năng lượng bức xạ nó nhận được từ Mặt Trời. Đa số lượng năng lượng phát ra tuân theo cơ chế Kelvin–Helmholtz của quá trình hành tinh tự nén hấp dẫn chậm, nhưng nếu chỉ có duy nhất quá trình này thì không đủ giải thích lượng nhiệt Sao Thổ phát ra. Một cơ chế phụ khác có thể đó là Sao Thổ sinh ra nhiệt thông qua "sự mưa" của những giọt heli xuống sâu bên trong hành tinh. Khi những giọt này rơi qua lớp hiđrô mật độ thấp hơn giọt heli, quá trình này phát ra nhiệt lượng do sự ma sát giữa giọt và môi trường và quá trình này khiến cho tầng khí quyển Sao Thổ suy giảm lượng heli theo thời gian.[36][37] Những giọt heli rơi xuống sâu có thể tích tụ lại thành một lớp vỏ heli bao quanh cấu trúc bên trong hành tinh.[29] Giống với Sao Mộc, Sao Thiên VươngSao Hải Vương, các nhà khoa học đoán rằng trên Sao Thổ cũng xảy ra hiện tượng mưa kim cương.[38][39]

Khí quyển

[sửa | sửa mã nguồn]

Lớp khí quyển bên ngoài của Sao Thổ chứa 96,3% phân tử hiđrô và 3,25% heli.[40] Tỉ lệ heli giảm đáng kể so với sự có mặt của nguyên tố này trong Mặt Trời.[29] Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác lượng các nguyên tố nặng hơn heli trong khí quyển hành tinh, nhưng họ giả sử rằng tỉ lệ những nguyên tố này bằng với tỷ lệ nguyên thủy của chúng từ lúc hình thành hệ Mặt Trời. Tổng khối lượng của những nguyên tố nặng này vào khoảng 19–31 lần khối lượng Trái Đất, mà chúng tập trung chủ yếu tại vùng lõi Sao Thổ.[41]

Dấu vết có mặt của các phân tử amonia, acetylen, êtan, prôpan, phốtphinmêtan đã được phát hiện ra trong khí quyển của Sao Thổ.[42][43][44] Các đám mây trên cao chứa tinh thể amonia, trong khi những đám mây thấp hơn hoặc là chứa amonium hydrosulfide (NH4SH) hoặc nước.[45] Bức xạ tử ngoại từ Mặt Trời làm cho mêtan bị quang ly trong tầng thượng quyển, dẫn đến một chuỗi các phản ứng hóa học hydrocarbon và các sản phẩm rơi xuống dưới sâu bởi những luồng cuộn xoáy và sự khuếch tán trong khí quyển. Chu trình quang hóa này bị chi phối bởi chu kỳ mùa trên Sao Thổ.[44]

Các tầng mây

[sửa | sửa mã nguồn]
Một cơn bão toàn cầu di chuyển vòng quanh hành tinh năm 2011. Phần đầu của cơn bão (vùng sáng) đã vượt qua phần đuôi của nó (hình ảnh mờ) ở ngay phía dưới.

Khí quyển Sao Thổ hiện lên với những dải màu sắc giống như của Sao Mộc, nhưng những dải màu của Sao Thổ mờ hơn và rộng hơn tại xích đạo hành tinh. Các nhà khoa học sử dụng cách gọi tên cho những dải này tương tự như đối với của Sao Mộc. Những dải mây mờ của Sao Thổ không được phát hiện ra cho đến khi tàu Voyager bay qua hành tinh trong thập niên 1980. Từ đó đến nay, các nhà thiên văn sử dụng những kính thiên văn trên mặt đất cũng như trên quỹ đạo đã quan sát được chi tiết hơn hình ảnh bầu khí quyển hành tinh này.[46]

Thành phần vật chất của những đám mây thay đổi theo độ cao cũng như sự tăng áp suất. Trong những tầng mây trên cao, với nhiệt độ trong khoảng 100–160 K và áp suất trong phạm vi 0,5–2 bar, những tầng mây này chứa băng amonia. Những đám mây băng nước bắt đầu tồn tại ở độ cao có áp suất khí quyển bằng khoảng 2,5 bar và xuống sâu tới áp suất 9,5 bar, nơi nhiệt độ trong phạm vi 185–270 K. Pha trộn trong lớp này đó là dải băng amonium hydrosulfide, nằm trong phạm vi áp suất 3–6 bar với nhiệt độ trong khoảng 290–235 K. Cuối cùng, những tầng mây thấp nhất, nơi áp suất khí quyển đạt 10–20 bar và nhiệt độ trong phạm vi 270–330 K, là vùng chứa những giọt nước với amonia trong dạng dung dịch lỏng.[47]

Tuy bề ngoài khí quyển nhạt nhẽo của Sao Thổ trông yên lặng nhưng thực tế nó có những cơn bão hình oval tồn tại lâu và có những đặc điểm khác thường thấy trên Sao Mộc. Năm 1990, kính thiên văn không gian Hubble chụp được một đám mây trắng khổng lồ gần xích đạo của Sao Thổ mà không xuất hiện khi tàu Voyager bay qua hành tinh vào năm 1994, các nhà thiên văn còn phát hiện ra một cơn bão nhỏ hơn khác. Cơn bão năm 1990 là một ví dụ của Vết Trắng Lớn, một hiện tượng khí quyển tồn tại ngắn nhưng duy nhất và chỉ xuất hiện một lần trong mỗi năm Sao Thổ, gần bằng 30 năm Trái Đất, trong khoảng thời gian hạ chí của bán cầu bắc.[48] Những Vết Trắng Lớn trước đó đã được quan sát vào các năm 1876, 1903, 1933 và 1960, với cơn bão năm 1933 là nổi tiếng nhất. Nếu hiện tượng này có tính chu kỳ ổn định, cơn bão khác sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2020.[49]

Những cơn gió trong khí quyển Sao Thổ mạnh thứ hai so với những cơn gió thổi trên các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Dữ liệu từ tàu Voyager cho thấy vận tốc lớn nhất của những cơn gió thổi về hướng đông hành tinh đạt tới 500 m/s (1.800 km/h).[50] Trong những bức ảnh thu được từ tàu Cassini năm 2007, bán cầu bắc Sao Thổ hiện lên với màu xanh lam sáng, giống như màu của Sao Thiên Vương. Các nhà khoa học cho rằng những màu này chủ yếu là do hiện tượng tán xạ Rayleigh.[51] Ảnh hồng ngoại tiết lộ ra tại vùng cực nam Sao Thổ có một xoáy ấm vùng cực khí quyển (warm polar vortex), một hiện tượng duy nhất xảy ra trong hệ Mặt Trời.[52] Trong khi nhiệt độ trung bình trong khí quyển Sao Thổ khoảng −185 °C, nhiệt độ tại xoáy khí quyển này cao đạt đến −122 °C, và các nhà khoa học tin rằng nó là điểm ấm nhất trên Sao Thổ.[52]

Các đám mây xếp thành hình lục giác ở cực bắc

[sửa | sửa mã nguồn]
Ảnh chụp gần hơn tâm của xoáy khí quyển tại trung tâm hình lục giác.
Hình lục giác trong khí quyển Sao Thổ, do tàu Voyager 1 phát hiện và xác nhận bởi tàu Cassini năm 2006.

Có một cấu trúc trong khí quyển hình lục giác bao quanh xoáy khí quyển gần cực bắc Sao Thổ, cấu trúc này nằm ở vĩ độ khoảng 78°B do tàu Voyager lần đầu tiên chụp được.[53][54]

Cạnh thẳng của lục giác vùng cực bắc dài xấp xỉ 13.800 km, lớn hơn cả đường kính của Trái Đất.[55] Toàn bộ cấu trúc này quanh quay cực bắc với chu kỳ 10h 39m 24s (bằng với chu kỳ bức xạ vô tuyến của hành tinh) và các nhà khoa học giả thuyết rằng chu kỳ này bằng với chu kỳ tự quay của phần bên trong Sao Thổ.[56] Cấu trúc khí quyển lục giác không dịch chuyển dọc theo kinh độ giống như những đám mây khác trong khí quyển.[57]

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được tại sao lại hình thành cấu trúc này. Đa số các nhà thiên văn nghĩ rằng nó hình thành từ những phần sóng đứng trong khí quyển. Những dạng hình đa giác đều cũng đã được quan sát trong các thí nghiệm với sự quay vi sai của chất lỏng.[58][59]

Hình ảnh một cơn bão cực nam với một mắt bão.

Các bức ảnh do kính thiên văn Hubble chụp vùng cực nam cho thấy sự có mặt của một dòng khí tốc độ cao (jet stream), nhưng không hình thành nên xoáy khí quyển mạnh hay cấu trúc lục giác như ở cực bắc.[60] NASA công bố vào tháng 11 năm 2006 rằng tàu Cassini đã quan sát thấy một cơn bão dạng "xoáy thuận nhiệt đới" gần như đứng im ở cực nam Sao Thổ và xác định ra rõ ràng một mắt bão.[61][62] Quan sát này rất nổi bật vì đám mây với mắt bão không xuất hiện trước đó trên bất kỳ hành tinh nào trừ Trái Đất. Ví dụ, hình ảnh từ tàu Galileo đã không quan sát thấy mắt bão trong Vết Đỏ Lớn của Sao Mộc.[63] Cơn bão cực nam này có kích cỡ tương đương với Trái Đất, và những cơn gió ở đây có tốc độ lên đến 550 km/h.[64]

Những đặc điểm khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2006, tàu không gian Cassini đã quan sát thấy một dải mây với tên gọi "Chuỗi Ngọc trai" dài 60.000 km ở bắc bán cầu. Những đặc điểm này chính là những vùng quang mây và cho phép con tàu này có thể chụp được những tầng mây ở sâu bên dưới.[65]

Từ quyển

[sửa | sửa mã nguồn]
Cực quang và từ quyển của Sao Thổ
Ảnh bước sóng tử ngoại của Sao Thổ chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble khi nó gần điểm phân cho thấy cực quang ở hai vùng cực.
Ảnh tử ngoại từ thiết bị STIS và ánh sáng khả kiến từ thiết bị ACS chụp cực quang ở bán cầu nam Sao Thổ.
Cấu trúc từ quyển Sao Thổ:
  • Hình xuyến nội plasma (Inner Plasma Torus);
  • Mảng Plasma mở rộng (Extended Plasma Sheet);
  • Vùng từ quyển phía ngoài có nhiệt độ cao (Hot Outer Magnetosphere).

Sao Thổ có từ trường đơn giản hình dáng giống lưỡng cực từ. Cường độ của nó tại xích đạo bằng - 0,21 gauss (21 µT)[66] - xấp xỉ bằng một phần mười hai cường độ từ trường bao quanh Sao Mộc và hơi yếu hơn so với từ trường của Trái Đất.[20] Và do vậy Sao Thổ có từ quyển nhỏ hơn nhiều so với của Sao Mộc.[67] Khi tàu Voyager 2 đi vào từ quyển Sao Thổ, nó đo được áp suất gió Mặt Trời cao và từ quyển mở rộng ra vùng không gian chỉ bằng 19 lần bán kính Sao Thổ, hay 1,1 triệu km,[68] mặc dù con tàu thu được ảnh hưởng của gió Mặt Trời trong vòng vài giờ, nó vẫn còn phát hiện được gió Mặt Trời trong khoảng 3 ngày.[69] Đa số các nhà khoa học nghĩ rằng, cơ chế phát ra từ trường của hành tinh tương tự như của Sao Mộc—bởi những dòng điện trong lớp hiđrô kim loại-lỏng gọi là cơ chế dynamo hiđrô kim loại.[67] Từ quyển này làm lệch gió Mặt Trời, nhưng nó không lớn cho nên quỹ đạo của vệ tinh Titan nằm ở bên ngoài từ quyển này, dẫn đến gió Mặt Trời tương tác với bầu khí quyển Titan và xuất hiện những hạt ion hóa bên ngoài khí quyển của nó.[20] Từ quyển của Sao Thổ, giống như của Trái Đất, làm sinh ra hiện tượng cực quang.[70]

Quỹ đạo và sự tự quay

[sửa | sửa mã nguồn]
Mô phỏng Sao Thổ trong chu kỳ xấp xỉ 29 năm của nó. Do trục Sao Thổ nghiêng 26,73° cho nên mỗi lần nó ở vị trí xung đối với Trái Đất chúng ta sẽ thấy hình ảnh Sao Thổ vành đai hiện ra dưới những góc khác nhau.

Khoảng cách trung bình giữa Sao Thổ và Mặt Trời là trên 1,4 tỷ kilômét (9 AU). Với tốc độ quỹ đạo trung bình bằng 9,69 km/s,[2] Sao Thổ mất 10.759 ngày Trái Đất (hay khoảng 29,5 năm)[71], để đi hết một vòng quanh Mặt Trời.[2] Quỹ đạo elip của Sao Thổ nghiêng khoảng 2,48° tương đối so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất.[2] Bởi vì độ lệch tâm quỹ đạo bằng 0,056, khoảng cách giữa Sao Thổ và Mặt Trời thay đổi xấp xỉ 155 triệu kilômét giữa cận điểm quỹ đạoviễn điểm quỹ đạo,[2] tương ứng những điểm gần nhất và xa nhất của hành tinh đến Mặt Trời.

Do các vùng trong bầu khí quyển Sao Thổ tự quay với tốc độ khác nhau theo vĩ độ do đó các nhà khoa học đã phân ra nhiều chu kỳ quay khác nhau cho những vùng khác nhau (giống như của Sao Mộc): Hệ I có chu kỳ 10 h 14 min 00 s (844,3°/ngày) đối với phạm vi Vùng xích đạo, kéo dài từ cạnh bắc của Vành đai xích đạo Nam tới cạnh nam của Vành đai xích đạo Bắc. Những vùng có vĩ độ khác có giá trị chu kỳ tự quay 10 h 38 min 25,4 s (810,76°/ngày), tương ứng với Hệ II. Đối với Hệ III, các nhà khoa học đo được giá trị vùng này dựa trên bức xạ radio phát ra từ hành tinh trong thời gian tàu Voyager bay qua, với chu kỳ 10 h 39 min 22,4 s (810,8°/ngày); và có giá trị gần bằng đối với của Hệ II, cho nên các nhà khoa học thường coi hai vùng này có tốc độ quay bằng nhau.[72]

Giá trị chính xác cho chu kỳ quay của phần bên dưới khí quyển vẫn còn chưa xác định được. Trong khi tiếp cận Sao Thổ năm 2004, tàu Cassini phát hiện thấy chu kỳ quay của tín hiệu vô tuyến tăng lên đáng kể, xấp xỉ bằng 10 h 45 m 45 s (± 36 s).[73][74] Tháng 3 năm 2007, các nhà thiên văn thấy rằng sự biến đổi trong bức xạ vô tuyến từ hành tinh không phù hợp để sử dụng làm giá trị tốc độ tự quay của Sao Thổ. Sự biến đổi này có thể là do hoạt động từ những giếng phun phát ra từ vệ tinh Enceladus của Sao Thổ. Hơi nước phát ra bao quanh Sao Thổ từ những giếng này bị ion hóa và tạo ra sự kéo trong từ trường Sao Thổ, làm chậm sự quay tương đối của hành tinh thông qua tín hiệu vô tuyến.[75][76][77] Vào tháng 9 năm 2007, ước lượng ban đầu về tốc độ tự quay hành tinh dựa trên nhiều số liệu quan trắc từ các tàu Cassini, VoyagerPioneer là 10 h 32 m 35 s.[78] Ngày 17 tháng 1 năm 2019, những nghiên cứu dựa theo sự chuyển động của vành đai để liên hệ với bên trong Sao Thổ, cuối cùng các nhà khoa học tính ra chu kỳ tự quay chính thức của hành tinh với con số mới nhất: 10 h 33 m 38 s.[10][11]

Vành đai hành tinh

[sửa | sửa mã nguồn]
Vành đai Sao Thổ (chụp bởi tàu quỹ đạo Cassini năm 2007) là vành đai hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời.[34]
Ảnh màu giả tia UV chụp vành A và B; Ranh giới Cassini và Khoảng hở Enke có màu đỏ.

Vành đai sao Thổ là vành đai mở rộng nhất trong 8 hành tinh thuộc hệ Mặt Trời. Có lẽ được biết đến nhiều nhất với hệ thống vành đai hành tinh khiến nó có hình ảnh nổi bật nhất.[34] Galileo Galilei được cho là người đầu tiên quan sát thấy vành đai này năm 1610 nhưng không thể nhận rõ nó.[79] Hơn 40 năm sau, Christiaan Huygens là người đầu tiên mô tả rằng vật thể này là vành đai.[80] Vành này mở rộng từ 6.630 km đến 120.700 km bên trên xích đạo của Sao Thổ, với độ dày trung bình bằng 20 mét và chứa tới 93% băng nước, một ít tholin và 7% cacbon vô định hình.[81] Những hạt trong vành đai có kích thước từ những hạt bụi nhỏ cho tới những tảng băng lớn 10 m.[82] Những hành tinh khí khổng lồ khác cũng có hệ thống vành đai, hệ thống của Sao Thổ là lớn nhất và nhìn rõ nhất. Có hai giả thuyết chính về nguồn gốc của vành đai này. Một là những phần còn lại của một vệ tinh tự nhiên của Sao Thổ đã bị phá hủy. Giả thuyết thứ hai đó là những vật liệu còn lại từ tinh vân lúc hình thành hệ Mặt Trời còn sót lại khi Sao Thổ hình thành. Một số băng nước trong vành đai xuất phát từ những mạch phun của vệ tinh Enceladus.[83] Trong quá khứ, các nhà thiên văn nghĩ rằng những vành đai này hình thành cùng với hành tinh hàng tỷ năm trước.[84] Thay vì vậy, gần đây người ta đã xác định được tuổi của những vành đai này chỉ khoảng vài trăm triệu năm tuổi.[85]

Xa bên ngoài vành đai ở khoảng cách 12 triệu km tính từ hành tinh đó là vành đai Phoebe, nghiêng một góc 27° so với vành đai lớn, và giống như vệ tinh Phoebe, vành đai này quay nghịch hành trên quỹ đạo.[86] Một số vệ tinh của Sao Thổ, bao gồm PandoraPrometheus, hoạt động như những vệ tinh chăn dắt điều khiển sự phân bố của các hạt băng nước trong vành đai và tạo nên những khoảng trống giữa các vành đai.[87] PanAtlas gây ra những sóng mật độ tuyến tính yếu trong vành đai Sao Thổ, cho phép các nhà khoa học tính toán ra được khối lượng của hai vệ tinh nhỏ này.[88]

Vệ tinh tự nhiên

[sửa | sửa mã nguồn]
Ảnh chụp (2009) của kính viễn vọng Hubble với bốn vệ tinh đi qua đĩa Sao Thổ, từ trái sang phải: Enceladus, Dione, Titan và Mimas. Những điểm tối là bóng của các vệ tinh trên khí quyển Sao Thổ.

Cho tới nay Sao Thổ có ít nhất 145 vệ tinh (kể từ ngày 12/5/2024), bao gồm 121 mặt trăng dị thường (những vật thể chịu ảnh hưởng lực hấp dẫn của một hành tinh và quay quanh hành tinh đó theo quỹ đạo lớn, phẳng hoặc hình elip nghiêng hơn so với quỹ đạo của các mặt trăng thông thường) và 24 mặt trăng thông thường.[89] Titan (vệ tinh được phát hiện đầu tiên của Sao Thổ, năm 1655) là vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ (thậm chí nó còn có kích thước to hơn hành tinh nhỏ nhất của hệ Mặt Trời là Sao Thủy 5,6%), chiếm hơn 90% tổng khối lượng của mọi vật thể quay quanh Sao Thổ bao gồm cả vành đai;[90] là vệ tinh duy nhất trong hệ Mặt Trời có bầu khí quyển dày[91][92] trên đó đã phát hiện ra tồn tại những hợp chất hữu cơ. Nó cũng là vệ tinh duy nhất được biết có những hồ hydrocarbon.[93][94] Vệ tinh lớn thứ hai của Sao Thổ, Rhea, có thể cũng có một vành đai mờ quay quanh chính nó,[95] cùng với một khí quyển mỏng.[96][97][98][99] Nhiều vệ tinh còn lại có kích cỡ rất nhỏ: (nhiều hơn) 49 vệ tinh có đường kính nhỏ hơn 50 km và 13 vệ tinh lớn hơn 50 km.[100][101][102] Thông thường, đa số các vệ tinh của Sao Thổ được đặt tên theo các vị thần Titan trong thần thoại Hy Lạp.[102]

Enceladus cũng được các nhà khoa học đặt ra giả thuyết khả năng có tồn tại những dạng sống vi sinh trên vệ tinh này.[103][104][105][106] Manh mối cho điều này gồm những hạt giàu muối với thành phần giống như "trong đại dương" mà những hạt băng này bị đẩy ra từ sự bốc hơi của nước muối lỏng phóng ra từ những mạch phun.[107][108][109] Năm 2015, thông qua dòng hải lưu trên Enceladus, tàu Cassini đã phát hiện thấy hầu hết các thành phần để duy trì các dạng sống trên vệ tinh nhờ quá trình sản sinh metan.[110]

Lịch sử thám hiểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Đã có ba giai đoạn chính trong quan sát và thăm dò Sao Thổ. Kỷ nguyên đầu tiên đó là quan sát từ thời cổ đại (như bằng mắt thường), trước khi phát minh ra kính thiên văn. Bắt đầu từ thế kỷ XVII với sự phát triển của kính thiên văn đã thúc đẩy thiên văn quan sát từ mặt đất. Kỷ nguyên thứ ba đó là những chuyến thăm dò của tàu không gian, hoặc quay trên quỹ đạo hoặc bay qua. Trong thế kỷ XXI quá trình nghiên cứu tiếp tục với những quan sát từ Trái Đất (hoặc từ các vệ tinh quay quanh quỹ đạo Trái Đất) và tàu Cassini quay quanh Sao Thổ.

Quan sát từ thời cổ đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Sao Thổ đã được biết đến từ thời cổ đại.[111] Trong thời kỳ này, nó là thiên thể xa nhất trong số năm hành tinh đã biết trong hệ Mặt Trời (ngoại trừ Trái Đất) và cũng được gán cho nhiều nhân vật trong thần thoại các nền văn minh khác nhau. Các nhà thiên văn Babylon đã quan sát một cách có hệ thống và ghi chép lại chuyển động của Sao Thổ.[112] Trong thần thoại La Mã cổ đại, thần Saturnus, mà hành tinh có tên, là vị thần của nông nghiệp.[113] Người La Mã coi thần Saturnus tương đương với vị thần của người Hy Lạp Cronus.[113] Người Hy Lạp đã gọi hành tinh xa nhất theo Cronus,[114] và người La Mã đã áp dụng theo cách đặt tên này. (Thời hiện đại trong tiếng Hy Lạp, hành tinh này vẫn có tên là Cronus (Κρόνος: Kronos).)[115]

Ptolemy, một nhà triết học Hy Lạp sống ở Alexandria,[116] đã quan sát thời điểm xung đối của Sao Thổ, và lấy cơ sở cho phép xác định các yếu tố quỹ đạo của hành tinh.[117] Trong chiêm tinh học của người Hindu, có chín đối tượng chiêm tinh, gọi là Navagraha. Sao Thổ, một trong số chúng, được gọi là "Shani", người phán quyết cho mọi người dựa trên những hành động tốt hay xấu của họ trong đời sống.[113] Nền văn minh Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam cổ đại gọi hành tinh này là Thổ Tinh (土星), đặt tên dựa theo nguyên tố thổ của Ngũ Hành.[118]

Người Hebrew cổ đại gọi Sao Thổ là 'Shabbathai'.[119] Trong tiếng Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Urdutiếng Mã Lai, hành tinh có tên gọi 'Zuhal', viết từ chữ Ả Rập زحل.

Quan sát ở châu Âu (thế kỷ XVII–XIX)

[sửa | sửa mã nguồn]
Quan sát của Christiaan Huygens (1659): hình trên là giải thích của ông về sự thay đổi của vành Sao Thổ khi hành tinh quay quanh Mặt Trời, hình dưới là vành đai khi Sao Thổ ở vị trí nghiêng nhất khi nhìn từ Trái Đất.

Để quan sát thấy vành đai Sao Thổ từ mặt đất cần một kính thiên văn có đường kính ít nhất 15 mm[120] và do đó vành đai Sao Thổ không được phát hiện cho đến khi Galileo lần đầu tiên nhìn thấy nó vào năm 1610.[121][122] Ông nghĩ rằng đây là hai vệ tinh của Sao Thổ ở hai phía hành tinh.[123][124] Cho đến khi Christian Huygens sử dụng một kính thiên văn với độ phóng đại lớn hơn thì ông đã phát hiện ra đây là vành đai chứ không phải vệ tinh như Galileo từng nghĩ. Huygens còn phát hiện ra vệ tinh lớn nhất Titan; Giovanni Cassini sau đó phát hiện thêm bốn vệ tinh nữa: Iapetus, Rhea, TethysDione. Năm 1675, Cassini phát hiện ra một khoảng trống giữa vành đai và ngày nay các nhà thiên văn đặt tên là Ranh giới Cassini.[125]

Không có thêm phát hiện lớn nào cho đến năm 1789 khi nhà thiên văn William Herschel phát hiện tiếp hai vệ tinh, MimasEnceladus. Vệ tinh dị hình Hyperion, có quỹ đạo cộng hưởng với Titan, được một đội các nhà thiên văn Anh phát hiện năm 1848.[126]

Năm 1899, William Henry Pickering phát hiện ra vệ tinh Phoebe, một vệ tinh dị hình không quay đồng bộ với Sao Thổ như các vệ tinh lớn khác.[126] Phoebe là lớp vệ tinh đầu tiên có những tính chất này được phát hiện và nó có chu kỳ quỹ đạo hơn một năm quanh Sao Thổ trên quỹ đạo nghịch hành. Trong đầu thế kỷ XX, những nghiên cứu về Titan dẫn đến xác nhận về tồn tại một bầu khí quyển dày trên vệ tinh vào năm 1944—một đặc điểm chỉ có duy nhất trên một vệ tinh trong hệ Mặt Trời.[127]

Các tàu thăm dò của NASA

[sửa | sửa mã nguồn]

Pioneer 11 bay qua

[sửa | sửa mã nguồn]
Ảnh của tàu Pioneer 11 chụp Sao Thổ và vệ tinh Titan (góc trên, bên trái) ngày 26/8/1979 từ khoảng cách 2.846.000 km

Pioneer 11 là con tàu đầu tiên bay qua Sao Thổ vào tháng 9 năm 1979, khi đó nó cách hành tinh 20.000 km từ đỉnh mây khí quyển. Các bức ảnh gửi về gồm hành tinh và một số vệ tinh của nó, tuy vậy độ phân giải quá thấp để nhìn rõ các chi tiết bề mặt. Con tàu cũng nghiên cứu vành đai Sao Thổ, phát hiện ra vành đai mỏng F và những khoảng tối trong vành lại sáng lên khi nhìn dưới góc pha nghiêng lớn hướng về Mặt Trời, hay những khoảng trống tối này chứa những hạt bụi nhỏ tán xạ ánh sáng. Thêm vào đó, Pioneer 11 đã đo được nhiệt độ của Titan và cho thấy vệ tinh này quá lạnh để tồn tại sự sống.[128]

Voyager bay qua

[sửa | sửa mã nguồn]
Ảnh chụp khí quyển Titan của tàu không gian Voyager 1.

Tháng 11 năm 1980, con tàu không gian Voyager 1 đến hệ thống Sao Thổ. Nó đã gửi về những bức ảnh phân giải cao của hành tinh, các vành đai và vệ tinh của nó. Chi tiết bề mặt của nhiều vệ tinh đã được quan sát lần đầu tiên. Voyager 1 cũng đã bay qua vệ tinh Titan, gửi thêm nhiều dữ liệu và tăng độ hiểu biết của các nhà thiên văn về khí quyển vệ tinh này. Nó chứng minh rằng không thể quan sát bề mặt Titan qua bước sóng khả kiến; do vậy các nhà khoa học đã không có một bức ảnh nào về bề mặt vệ tinh này. Chuyến bay qua có mục đích làm thay đổi quỹ đạo Voyager 1 để quỹ đạo của nó rời khỏi mặt phẳng quỹ đạo của hệ Mặt Trời.[129]

Khoảng một năm sau, vào tháng 8 năm 1981, Voyager 2 tiếp tục bay qua và nghiên cứu hệ thống hành tinh này. Thêm nhiều bức ảnh chụp gần các vệ tinh Sao Thổ gửi về Trái Đất, cũng như thêm những dữ liệu về sự thay đổi trong khí quyển vành đai hành tinh. Thật không may, trong giai đoạn bay qua, camera đã không điều chỉnh được góc chụp trong hai ngày và do vậy một số kế hoạch chụp ảnh đã bị hủy. Trường hấp dẫn của Sao Thổ đã được lợi dụng để đẩy con tàu đến Sao Thiên Vương.[129]

Hai tàu cũng đã phát hiện và xác nhận thêm vài vệ tinh nữa bay gần hoặc bên trong vành đai Sao Thổ, cũng như phát hiện ra Khoảng trống Maxwell (khoảng trống nằm giữa Vành C và Khoảng trống Keeler (một khoảng rộng 42 km trong Vành A).

Tàu Cassini–Huygens

[sửa | sửa mã nguồn]
Sao Thổ trong giai đoạn điểm phân chụp bởi tàu quỹ đạo Cassini, trong hình có 6 vệ tinh với Titan ở góc dưới bên trái.
Sao Thổ che khuất Mặt Trời, nhìn từ tàu Cassini.
Sao Thổ nhìn từ trên xuống, được chụp bởi tàu Cassini.

Ngày 1 tháng 7 năm 2004, tàu không gian Cassini–Huygens thực hiện các bước điều chỉnh tham số đường bay và đi vào quỹ đạo Sao Thổ. Trước khi đi vào quỹ đạo, Cassini đã thực hiện các nghiên cứu về hệ thống hành tinh này. Tháng 6 năm 2004, nó đã thực hiện bay qua gần vệ tinh Phoebe, gửi về trung tâm điều khiển dữ liệu và hình ảnh phân giải cao vệ tinh này.

Cassini đã nhiều lần bay qua vệ tinh lớn nhất, Titan, thực hiện chụp ảnh ra đa và nó đã phát hiện ra các hồ hiđrô cacbon, với nhiều đảo và núi tồn tại trên bề mặt vệ tinh này. Con tàu hoàn tất hai lần bay qua Titan trước khi thả thiết bị thăm dò Huygens ngày 25 tháng 12 năm 2004 xuống. Huygens đã đi vào khí quyển Titan ngày 14 tháng 1 năm 2005, gửi về dữ liệu suốt quá trình rơi trong khí quyển cũng như hình ảnh sau khi đáp mặt đất vệ tinh này.[130] Cassini cũng đã thực hiện nhiều lần bay qua những vệ tinh khác của Sao Thổ.

Từ đầu năm 2005, các nhà khoa học đã bắt đầu theo dõi hiện tượng sét trong khí quyển Sao Thổ. Năng lượng của những tia sét này mạnh gấp gần 1.000 lần so với tia sét trên Trái Đất.[131]

Năm 2006, cơ quan NASA thông báo tàu Cassini đã phát hiện ra dấu vết của nước lỏng phóng ra từ những mạch nước phun trên vệ tinh Enceladus. Trong các bức ảnh chụp đã hiện ra những tia chứa hạt băng đang được phun vào quỹ đạo quanh Sao Thổ từ những mạch phun ở vùng cực nam vệ tinh này. Theo nhà khoa học hành tinh Andrew Ingersoll, Viện Công nghệ California, "Những vệ tinh khác trong hệ Mặt Trời có những đại dương nước lỏng bao phủ bởi lớp băng dày hàng kilômét. Điều khác biệt ở đây đó là nước lỏng có thể ở sâu 10 m ngay dưới bề mặt."[132] Tháng 5 năm 2011, các nhà khoa học NASA tại hội nghị về mặt trăng Enceladus thông báo Enceladus "có thể là một nơi sống được bên ngoài Trái Đất trong hệ Mặt Trời khi chúng ta biết về nó".[133][134]

Các bức ảnh của tàu Cassini cũng mang lại những khám phá mới khác. Nó đã khám phá thêm một số vành đai hành tinh mới, bên ngoài vành đai sáng chính cũng như bên trong các vành G và E. Nguồn gốc của những vành này là hệ quả của vụ va chạm giữa những thiên thạch với hai vệ tinh của Sao Thổ.[135] Tháng 6 năm 2006, Cassini phát hiện ra những hồ hiđrôcabon gần cực bắc của Titan, và được xác nhận vào tháng 1 năm 2007. Tháng 3 năm 2007, thêm những bức ảnh gần cực bắc Titan tiết lộ ra những "biển" hydrocarbon, với cái rộng nhất có diện tích bằng biển Caspi.[136] Tháng 10 năm 2006, con tàu phát hiện ra một cơn bão đường kính 8.000 km với một mắt bão ở cực nam của Sao Thổ.[137]

Từ năm 2004 đến 2009, con tàu đã phát hiện và xác nhận thêm 8 vệ tinh mới. Nhiệm vụ cơ bản của nó kết thúc vào năm 2008 khi hoàn thành 74 vòng quỹ đạo quanh Sao Thổ. Vào tháng 4 năm 2013, Cassini gửi về các bức ảnh chụp một cơn bão tại cực bắc Sao Thổ, lớn hơn cơn bão đã được tìm thấy trên Trái Đất 20 lần với những cơn gió thổi với tốc độ nhanh hơn 530 km/h.[138] Ngày 15 tháng 9 năm 2017, tàu vũ trụ Cassini-Huygens thực hiện "phần cuối cùng" của nhiệm vụ: một số lần tàu vũ trụ bay qua các khoảng trống giữa Sao Thổ và vành đai phía trong của Sao Thổ.[139][140] Sự thâm nhập khí quyển của tàu Cassini đã kết thúc nhiệm vụ của nó.

Các chương trình trong tương lai

[sửa | sửa mã nguồn]
Tàu thăm dò trong chương trình TSSM

Cơ quan Hàng không & Vũ trụ MỹCơ quan vũ trụ châu Âu từng hợp tác xây dựng chương trình thám hiểm hệ thống Sao Thổ và vệ tinh Titan có tên gọi Titan Saturn System Mission (TSSM), dự kiến chi phí 2,5 tỷ USD khởi hành năm 2020 (sau dự án nghiên cứu Sao Mộc và vệ tinh của nó Europa: EJSM/Laplace), mượn quán tính Trái Đất và sức hút hấp dẫn của Sao Kim để đến gần Sao Thổ vào khoảng năm 2029. TSSM dự kiến đi vòng quanh Sao Thổ trong 2 năm, lấy mẫu Titan trong 2 tháng và bay vòng quanh vệ tinh này trong 20 tháng.[141] Năm 2009 cơ quan ESA đã rút khỏi dự án này,[142] hiện tại dự án TSSM không được chính phủ Mỹ phê duyệt ngân sách cho NASA triển khai dự án này, và nó mới chỉ trên khái niệm nghiên cứu, chưa có ngày phóng cụ thể hoặc những bước thực hiện chế tạo tàu.[143]

Ảnh chụp từ kính thiên văn nghiệp dư.

Sao Thổ là hành tinh xa nhất trong số năm hành tinh có thể quan sát bằng mắt thường, những hành tinh khác bao gồm Sao Thủy, Sao Kim, Sao HỏaSao Mộc (Sao Thiên Vương4 Vesta có thể nhìn bằng mắt thường nhưng trong trời rất tối và không có ánh sáng nhân tạo). Vào đêm tối trời, Sao Thổ hiện ra như một điểm sáng, màu vàng với cấp sao biểu kiến thường từ +1 và 0. Nó mất xấp xỉ 29½ năm để đi hết một vòng đường Hoàng Đạo trong nền trời của các chòm sao Hoàng Đạo. Đa số những người muốn quan sát hành tinh này phải sử dụng kính thiên văn (hoặc ống nhòm lớn) phóng đại ít nhất 20 lần mới có thể nhìn thấy được vành đai của nó.[34][120]

Trong khi hành tinh vẫn có thể là mục tiêu quan sát trong mọi thời điểm trên bầu trời, có thể quan sát tốt nhất Sao Thổ và các vành đai khi nó ở vị trí xung đối (khi góc ly giác của hành tinh bằng 180° và do vậy xuất hiện ở phía đối diện với Mặt Trời trên bầu trời) hoặc gần đó. Hàng năm Sao Thổ xung đối cứ khoảng 378 ngày trong một lần, và hành tinh này xuất hiện ở thời điểm nó sáng nhất. Cả Sao Thổ và Trái Đất đều quay trên quỹ đạo lệch tâm quanh Mặt Trời (nghĩa là khoảng cách giữa chúng và Mặt Trời dần thay đổi theo thời gian), do đó khoảng cách giữa hai hành tinh cũng thay đổi. Vì vậy, độ sáng của Sao Thổ thay đổi từ đợt xung đối này sang đợt xung đối tiếp theo, và Sao Thổ sẽ sáng hơn khi vành đai của hành tinh nằm nghiêng đến mức có thể quan sát luôn vành đai. Trong giai đoạn xung đối ngày 17 tháng 12 năm 2002, Sao Thổ hiện lên với độ sáng lớn nhất và hướng vành đai của nó về phía Trái Đất,[144] cho dù Sao Thổ gần Trái Đất hơn vào cuối năm 2003.[144]

Trong văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]
Thần Saturnus

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Lovett, L.; Horvath, J.; Cuzzi, J. (2006). Saturn: A New View. New York: Harry N. Abrams, Inc. ISBN 978-0-8109-3090-2.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Karttunen, H.; Kröger, P. (2007). Fundamental Astronomy. New York: Springer, 5th edition. ISBN 978-3-540-34143-7.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Seligman, Courtney. “Rotation Period and Day Length”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2009.
  2. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s Williams, David R. (ngày 7 tháng 9 năm 2006). “Saturn Fact Sheet”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2007.
  3. ^ “The MeanPlane (Invariable plane) of the Solar System passing through the barycenter”. 3 tháng 4 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2009. (produced with Solex 10 Lưu trữ 2015-05-24 tại Wayback Machine written by Aldo Vitagliano; xem thêm mặt phẳng bất biến)
  4. ^ Yeomans, Donald K. (ngày 13 tháng 7 năm 2006). “HORIZONS Web-Interface for Saturn Barycenter (Major Body=6)”. JPL Horizons On-Line Ephemeris System. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2007.—At the site, go to the "web interface" then select "Ephemeris Type: ELEMENTS", "Target Body: Saturn Barycenter" and "Center: Sun".
  5. ^ Các yếu tố quỹ đạo tính theo khối tâm của hệ Sao Thổ và những giá trị mật tiếp tại kỷ nguyên chính xác J2000. Các đại lượng khối tâm được thể hiện bởi vì, tương phản với trung tâm hành tinh, chúng không trải qua một sự thay đổi trên cơ sở ngày qua ngày từ chuyển động của các vệ tinh.
  6. ^ a b c d doi: 10.1007/s10569-007-9072-y
    Hoàn thành chú thích này
  7. ^ a b c d e f g h Tính tại mức áp suất khí quyển bằng 1 bar
  8. ^ “NASA: Solar System Exploration: Planets: Saturn: Facts & Figures”. Solarsystem.nasa.gov. 22 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2011.
  9. ^ “Astronews (New Spin For Saturn)”. Astronomy. tháng 11 năm 2009: 23. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  10. ^ a b McCartney, Gretchen; Wendel, JoAnna (ngày 18 tháng 1 năm 2019). “Scientists Finally Know What Time It Is on Saturn”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2019.
  11. ^ a b Mankovich, Christopher; và đồng nghiệp (ngày 17 tháng 1 năm 2019). “Cassini Ring Seismology as a Probe of Saturn's Interior. I. Rigid Rotation”. The Astrophysical Journal. 871 (1): 1. arXiv:1805.10286. Bibcode:2019ApJ...871....1M. doi:10.3847/1538-4357/aaf798. ISSN 0004-637X. S2CID 67840660.
  12. ^ Schmude, Richard W. Junior (2001). “Wideband photoelectric magnitude measurements of Saturn in 2000”. Georgia Journal of Science. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2007.
  13. ^ Walter, Elizabeth (ngày 21 tháng 4 năm 2003). Cambridge Advanced Learner's Dictionary . Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-53106-1.
  14. ^ Brainerd, Jerome James (ngày 24 tháng 11 năm 2004). “Characteristics of Saturn”. The Astrophysics Spectator. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2010. Chú thích có tham số trống không rõ: |10= (trợ giúp)
  15. ^ “General Information About Saturn”. Scienceray. ngày 28 tháng 7 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2011. Chú thích có tham số trống không rõ: |8= (trợ giúp)
  16. ^ Brainerd, Jerome James (ngày 6 tháng 10 năm 2004). “Solar System Planets Compared to Earth”. The Astrophysics Spectator. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2010. Chú thích có tham số trống không rõ: |10= (trợ giúp)
  17. ^ Dunbar, Brian (ngày 29 tháng 11 năm 2007). “NASA – Saturn”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2011. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp); Chú thích có tham số trống không rõ: |10= (trợ giúp)
  18. ^ Cain, Fraser (ngày 3 tháng 7 năm 2008). “Mass of Saturn”. Universe Today. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2011.
  19. ^ Brainerd, Jerome James (ngày 27 tháng 10 năm 2004). “Giant Gaseous Planets”. The Astrophysics Spectator. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2010.
  20. ^ a b c Russell, C. T.; Luhmann, J. G. (1997). “Saturn: Magnetic Field and Magnetosphere”. UCLA – IGPP Space Physics Center. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2007.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  21. ^ “The Planets ('Giants')”. Science Channel. ngày 8 tháng 6 năm 2004.
  22. ^ V. E. Suomi; Limaye, S. S.; Johnson, D. R. (1991). “High Winds of Neptune: A possible mechanism”. Science. 251 (4996): 929–932. Bibcode:1991Sci...251..929S. doi:10.1126/science.251.4996.929. PMID 17847386.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  23. ^ “Saturn becomes planet with most moons”. BBC News. Truy cập 9 tháng 10 năm 2019.
  24. ^ Munsell, Kirk (ngày 6 tháng 4 năm 2005). “The Story of Saturn”. NASA Jet Propulsion Laboratory; California Institute of Technology. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2007. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp)
  25. ^ Melosh, H. Jay (2011). Planetary Surface Processes. Cambridge Planetary Science. 13. Cambridge University Press. tr. 5. ISBN 0-521-51418-5.
  26. ^ “Saturn – The Most Beautiful Planet of our solar system”. Preserve Articles. ngày 23 tháng 1 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2011.
  27. ^ Williams, David R. (ngày 16 tháng 11 năm 2004). “Jupiter Fact Sheet”. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2007. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  28. ^ a b Fortney, Jonathan J.; Nettelmann, Nadine (2010). “The Interior Structure, Composition, and Evolution of Giant Planets”. Space Science Reviews. 152 (1–4): 423–447. arXiv:0912.0533. Bibcode:2010SSRv..152..423F. doi:10.1007/s11214-009-9582-x.
  29. ^ a b c Guillot, Tristan; và đồng nghiệp (2009). “Saturn's Exploration Beyond Cassini-Huygens”. Trong Dougherty, Michele K.; Esposito, Larry W.; Krimigis, Stamatios M. (biên tập). Saturn from Cassini-Huygens. Springer Science+Business Media B.V. tr. 745. arXiv:0912.2020. Bibcode:2009sfch.book..745G. doi:10.1007/978-1-4020-9217-6_23. ISBN 978-1-4020-9216-9.
  30. ^ Fortney, Jonathan J. (2004). “Looking into the Giant Planets”. Science. 305 (5689): 1414–1415. doi:10.1126/science.1101352. PMID 15353790.
  31. ^ Saumon, D.; Guillot, T. (2004). “Shock Compression of Deuterium and the Interiors of Jupiter and Saturn”. The Astrophysical Journal. 609 (2): 1170–1180. arXiv:astro-ph/0403393. Bibcode:2004ApJ...609.1170S. doi:10.1086/421257.
  32. ^ “Saturn”. BBC. 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Chú thích có tham số trống không rõ: |8= (trợ giúp)
  33. ^ Faure, Gunter; Mensing, Teresa M. (2007). Introduction to planetary science: the geological perspective. Springer. tr. 337. ISBN 1-4020-5233-2.
  34. ^ a b c d “Saturn”. National Maritime Museum. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2007.
  35. ^ “Structure of Saturn's Interior”. Windows to the Universe. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Chú thích có tham số trống không rõ: |7= (trợ giúp)
  36. ^ de Pater, Imke; Lissauer, Jack J. (2010). Planetary Sciences (ấn bản thứ 2). Cambridge University Press. tr. 254–255. ISBN 0-521-85371-0.
  37. ^ “NASA – Saturn”. NASA. 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2007.
  38. ^ Kramer, Miriam (ngày 9 tháng 10 năm 2013). “Diamond Rain May Fill Skies of Jupiter and Saturn”. Space.com. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2017.
  39. ^ Kaplan, Sarah (ngày 25 tháng 8 năm 2017). “It rains solid diamonds on Uranus and Neptune”. The Washington Post. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2017.
  40. ^ “Saturn”. Universe Guide. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  41. ^ Guillot, Tristan (1999). “Interiors of Giant Planets Inside and Outside the Solar System”. Science. 286 (5437): 72–77. Bibcode:1999Sci...286...72G. doi:10.1126/science.286.5437.72. PMID 10506563.
  42. ^ Courtin, R.; và đồng nghiệp (1967). “The Composition of Saturn's Atmosphere at Temperate Northern Latitudes from Voyager IRIS spectra”. Bulletin of the American Astronomical Society. 15: 831. Bibcode:1983BAAS...15..831C.
  43. ^ Cain, Fraser (ngày 22 tháng 1 năm 2009). “Atmosphere of Saturn”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2011.
  44. ^ a b Guerlet, S.; Fouchet, T.; Bézard, B. (2008). Charbonnel, C.; Combes, F.; Samadi, R. (biên tập). “SF2A-2008: Proceedings of the Annual meeting of the French Society of Astronomy and Astrophysics”. "SF2A-2008: Proceedings of the Annual meeting of the French Society of Astronomy and Astrophysics Eds.: C. Charbonnel: 405. Bibcode:2008sf2a.conf..405G. |contribution= bị bỏ qua (trợ giúp)
  45. ^ Martinez, Carolina (ngày 5 tháng 9 năm 2005). “Cassini Discovers Saturn's Dynamic Clouds Run Deep”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2007.
  46. ^ Orton, Glenn S. (2009). “Ground-Based Observational Support for Spacecraft Exploration of the Outer Planets”. Earth, Moon, and Planets. 105 (2–4): 143–152. Bibcode:2009EM&P..105..143O. doi:10.1007/s11038-009-9295-x.
  47. ^ Dougherty, Krimigis; Esposito, Esposito; Krimigis, Stamatios M. (2009). Dougherty, Stamatios M.; Esposito, Larry W; Krimigis, Stamatios M (biên tập). “Saturn from Cassini-Huygens”. Saturn from Cassini-Huygens. Edited by M.K. Dougherty. Springer: 162. Bibcode:2009sfch.book.....D. doi:10.1007/978-1-4020-9217-6. ISBN 1-4020-9216-4.
  48. ^ Pérez-Hoyos, S.; Sánchez-Laveg, A.; French, R. G.; J. F., Rojas (2005). “Saturn's cloud structure and temporal evolution from ten years of Hubble Space Telescope images (1994–2003)”. Icarus. 176 (1): 155–174. Bibcode:2005Icar..176..155P. doi:10.1016/j.icarus.2005.01.014.
  49. ^ Patrick Moore, ed., 1993 Yearbook of Astronomy, (Luân Đôn: W.W. Norton & Company, 1992), Mark Kidger, "The 1990 Great White Spot of Saturn", pp. 176–215.
  50. ^ Hamilton, Calvin J. (1997). “Voyager Saturn Science Summary”. Solarviews. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2007.
  51. ^ Watanabe, Susan (ngày 27 tháng 3 năm 2007). “Saturn's Strange Hexagon”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2007.
  52. ^ a b “Warm Polar Vortex on Saturn”. Merrillville Community Planetarium. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2007.
  53. ^ Godfrey, D. A. (1988). “A hexagonal feature around Saturn's North Pole”. Icarus. 76 (2): 335. Bibcode:1988Icar...76..335G. doi:10.1016/0019-1035(88)90075-9.
  54. ^ Sanchez-Lavega, A.; Lecacheux, J.; Colas, F.; Laques, P. (1993). “Ground-based observations of Saturn's north polar SPOT and hexagon”. Science. 260 (5106): 329–32. Bibcode:1993Sci...260..329S. doi:10.1126/science.260.5106.329. PMID 17838249.
  55. ^ “New images show Saturn's weird hexagon cloud”. MSNBC. ngày 12 tháng 12 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  56. ^ Godfrey, D. A. (ngày 9 tháng 3 năm 1990). “The Rotation Period of Saturn's Polar Hexagon”. Science. 247 (4947): 1206–1208. Bibcode:1990Sci...247.1206G. doi:10.1126/science.247.4947.1206. PMID 17809277.
  57. ^ Baines, Kevin H.; và đồng nghiệp (2009). “Saturn's north polar cyclone and hexagon at depth revealed by Cassini/VIMS”. Planetary and Space Science. 57 (14–15): 1671–1681. Bibcode:2009P&SS...57.1671B. doi:10.1016/j.pss.2009.06.026.
  58. ^ Ball, Philip (ngày 19 tháng 5 năm 2006). “Geometric whirlpools revealed”. Nature. doi:10.1038/news060515-17. Những hình dạng hình học kỳ lạ xuất hiện tại trung tâm trong xoáy cuộn trên khí quyển các hành tinh có thể được giải thích bằng thí nghiệm đơn giản với một xô nước nhưng sự liên hệ với cấu trúc lục giác của Sao Thổ thì vẫn chưa giải thích được.
  59. ^ Aguiar, Ana C. Barbosa; Read, Peter L.; Wordsworth, Robin D; Salter, Tara; Hiro Yamazaki, Y. (2010). “A laboratory model of Saturn's North Polar Hexagon”. Icarus. 206: 755–763. doi:10.1016/j.icarus.2009.10.022. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2013. Thí nghiệm trong phòng thí nghiệm với những đĩa quay trong một dung dịch lỏng tạo ra những xoáy nước xung quanh một hình lục giác ổn định tương tự như trên Sao Thổ.
  60. ^ “Hubble Space Telescope Observations of the Atmospheric Dynamics in Saturn's South Pole from 1997 to 2002”. The American Astronomical Society. ngày 8 tháng 10 năm 2002. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  61. ^ “NASA catalog page for image PIA09187”. NASA Planetary Photojournal. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2007.
  62. ^ “Huge 'hurricane' rages on Saturn”. BBC News. ngày 10 tháng 11 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  63. ^ “NASA Sees into the Eye of a Monster Storm on Saturn”. NASA. ngày 9 tháng 11 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2006.
  64. ^ Nemiroff, R.; Bonnell, J. biên tập (ngày 13 tháng 11 năm 2006). “A Hurricane Over the South Pole of Saturn”. Astronomy Picture of the Day. NASA. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  65. ^ “Cassini Image Shows Saturn Draped in a String of Pearls” (Thông cáo báo chí). Carolina Martinez, NASA. ngày 10 tháng 11 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2013.
  66. ^ E.S. Belenkaya; Alexeev, I.I.; Kalagaev, V.V.; Blohhina, M.S. (2006). “Definition of Saturn's magnetospheric model parameters for the Pioneer 11 flyby” (pdf). Annales Geophysicae. 24 (3): 1145–56. Bibcode:2006AnGeo..24.1145B. doi:10.5194/angeo-24-1145-2006.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  67. ^ a b McDermott, Matthew (2000). “Saturn: Atmosphere and Magnetosphere”. Thinkquest Internet Challenge. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2007.
  68. ^ “Voyager – Saturn's Magnetosphere”. NASA Jet Propulsion Laboratory. ngày 18 tháng 10 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  69. ^ Atkinson, Nancy (ngày 14 tháng 12 năm 2010). “Hot Plasma Explosions Inflate Saturn's Magnetic Field”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  70. ^ Russell, Randy (ngày 3 tháng 6 năm 2003). “Saturn Magnetosphere Overview”. Windows to the Universe. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  71. ^ Cain, Fraser (ngày 26 tháng 1 năm 2009). “Orbit of Saturn”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  72. ^ Benton, Julius (2006). Saturn and how to observe it. Astronomers' observing guides (ấn bản thứ 11). Springer Science & Business. tr. 136. ISBN 1-85233-887-3.
  73. ^ “Scientists Find That Saturn's Rotation Period is a Puzzle”. NASA. ngày 28 tháng 6 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2007.
  74. ^ Cain, Fraser. (ngày 30 tháng 6 năm 2008). “Saturn”. Universe Today. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2011.
  75. ^ “Enceladus Geysers Mask the Length of Saturn's Day” (Thông cáo báo chí). NASA Jet Propulsion Laboratory. ngày 22 tháng 3 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp) Hình ảnh minh họa Lưu trữ 2014-09-02 tại Wayback Machine “Cassini Spacecraft Captures Images and Sounds of Big Saturn Storm”. ngày 5 tháng 10 năm 2011.[liên kết hỏng]
  76. ^ Gurnett, D. A.; và đồng nghiệp (2007). “The Variable Rotation Period of the Inner Region of Saturn's Plasma Disc”. Science. 316 (5823): 442–5. Bibcode:2007Sci...316..442G. doi:10.1126/science.1138562. PMID 17379775.
  77. ^ Vì sao không đo được ngày Sao Thổ? T. An VnExpress 28/3/2007, 07:00 GMT+7 (theo Space)
  78. ^ Anderson, J. D.; Schubert, G. (2007). “Saturn's gravitational field, internal rotation and interior structure”. Science. 317 (5843): 1384–1387. Bibcode:2007Sci...317.1384A. doi:10.1126/science.1144835. PMID 17823351.
  79. ^ Cassini Solstice Mission: About Saturn & Its Moons. Rings - History NASA bản lưu 24/3/2009
  80. ^ Saturn: History of Discoveries Huygens Probe GCMS, NASA
  81. ^ Poulet F.; Cuzzi J.N. (2002). “The Composition of Saturn's Rings”. Icarus. 160 (2): 350. Bibcode:2002Icar..160..350P. doi:10.1006/icar.2002.6967.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  82. ^ Shafiq, Muhammad (2005). “Dusty Plasma Response to a Moving Test Change” (PDF). Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2007.
  83. ^ Spahn, F.; và đồng nghiệp (2006). “Cassini Dust Measurements at Enceladus and Implications for the Origin of the E Ring”. Science. 311 (5766): 1416–1418. Bibcode:2006Sci...311.1416S. doi:10.1126/science.1121375. PMID 16527969.
  84. ^ “The Real Lord of the Rings”. Science@NASA. ngày 12 tháng 2 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2011. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp)
  85. ^ “Age and Fate of Saturn's Rings” (PDF). Creation Concepts. Bản gốc (PD) lưu trữ ngày 28 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2011.
  86. ^ Cowen, Rob (ngày 7 tháng 11 năm 2009). “Largest known planetary ring discovered”. Science News. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  87. ^ Russell, Randy (ngày 7 tháng 6 năm 2004). “Saturn Moons and Rings”. Windows to the Universe. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  88. ^ NASA Jet Propulsion Laboratory (ngày 3 tháng 3 năm 2005). “NASA's Cassini Spacecraft Continues Making New Discoveries”. ScienceDaily. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  89. ^ Wall, Mike (ngày 21 tháng 6 năm 2011). “Saturn's 'Ice Queen' Moon Helene Shimmers in New Photo”. Space.com. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  90. ^ Brunier, Serge (2005). Solar System Voyage. Cambridge University Press. tr. 164. ISBN 978-0-521-80724-1.
  91. ^ “Cassini Finds Hydrocarbon Rains May Fill Titan Lakes”. ScienceDaily. ngày 30 tháng 1 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  92. ^ “Voyager – Titan”. NASA Jet Propulsion Laboratory. ngày 18 tháng 10 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  93. ^ “Evidence of hydrocarbon lakes on Titan”. MSNBC. Associated Press. ngày 25 tháng 7 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  94. ^ “Hydrocarbon lake finally confirmed on Titan”. Cosmos Magazine. ngày 31 tháng 7 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  95. ^ Jones, G. H.; và đồng nghiệp (ngày 7 tháng 3 năm 2008). “The Dust Halo of Saturn's Largest Icy Moon, Rhea”. Science. 319 (5868): 1380–1384. Bibcode:2008Sci...319.1380J. doi:10.1126/science.1151524. PMID 18323452.
  96. ^ Atkinson, Nancy (ngày 26 tháng 11 năm 2010). “Tenuous Oxygen Atmosphere Found Around Saturn's Moon Rhea”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  97. ^ NASA (ngày 30 tháng 10 năm 2010). “Thin air: Oxygen atmosphere found on Saturn's moon Rhea”. ScienceDaily. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  98. ^ “Oxygen found on Saturn moon: NASA spacecraft discovers Rhea has thin atmosphere rich in O2”. Daily Mail. ngày 26 tháng 11 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  99. ^ Ryan, Clare (ngày 26 tháng 11 năm 2010). “Cassini reveals oxygen atmosphere of Saturn′s moon Rhea”. UCL Mullard Space Science Laboratory. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  100. ^ “Solar System Exploration Planets Saturn: Moons: S/2009 S1”. NASA. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016. Xem thêm Vệ tinh tự nhiên của Sao Thổ#Bảng thống kê.
  101. ^ “Saturnian Satellite Fact Sheet”. NASA. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  102. ^ a b “Planetary Satellite Physical Parameters”. NASA. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  103. ^ NASA (ngày 21 tháng 4 năm 2008). “Could There Be Life On Saturn's Moon Enceladus?”. ScienceDaily. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  104. ^ Madrigal, Alexis (ngày 24 tháng 6 năm 2009). “Hunt for Life on Saturnian Moon Heats Up”. Wired Science. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  105. ^ Spotts, Peter N. (ngày 28 tháng 9 năm 2005). “Life beyond Earth? Potential solar system sites pop up”. USA Today. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  106. ^ Pili, Unofre (ngày 9 tháng 9 năm 2009). “Enceladus: Saturn′s Moon, Has Liquid Ocean of Water”. Scienceray. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2011.
  107. ^ “Strongest evidence yet indicates Enceladus hiding saltwater ocean”. Physorg. ngày 22 tháng 6 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  108. ^ Kaufman, Marc (ngày 22 tháng 6 năm 2011). “Saturn′s moon Enceladus shows evidence of an ocean beneath its surface”. Washington Post. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  109. ^ Greicius, Tony; Dunbar, Brian (ngày 22 tháng 6 năm 2011). “Cassini Captures Ocean-Like Spray at Saturn Moon”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  110. ^ Chou, Felicia; Dyches, Preston; Weaver, Donna; Villard, Ray (ngày 13 tháng 4 năm 2017). “NASA Missions Provide New Insights into 'Ocean Worlds' in Our Solar System”. NASA. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2017.
  111. ^ “Saturn > Observing Saturn”. National Maritime Museum. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2007.
  112. ^ Sachs, A. (ngày 2 tháng 5 năm 1974). “Babylonian Observational Astronomy”. Philosophical Transactions of the Royal Society of London. Hội Hoàng gia Luân Đôn. 276 (1257): 43–50 [45 & 48–9]. Bibcode:1974RSPTA.276...43S. doi:10.1098/rsta.1974.0008. JSTOR 74273.
  113. ^ a b c “Starry Night Times”. Imaginova Corp. 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2007.
  114. ^ Evans, James (1998). The History and Practice of Ancient Astronomy. Oxford University Press. tr. 296–7. ISBN 978-0-19-509539-5.
  115. ^ “Greek Names of the Planets”. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2012. Tên Hy Lạp của Sao Thổ là Kronos. Titan Cronus là cha của thần Zeus, trong khi Saturnus đối với người La Mã là thần nông nghiệp. Xem thêm wikipedia tiếng Hy Lạp về hành tinh.
  116. ^ Harland, David Michael (2007). Cassini at Saturn: Huygens results. tr. 1. ISBN 978-0-387-26129-4.
  117. ^ Staff (Popular Miscellany) (1893). “Superstitions about Saturn”. The Popular Science Monthly.
  118. ^ Trung Quốc: De Groot, Jan Jakob Maria (1912). Religion in China: universism. a key to the study of Taoism and Confucianism. American lectures on the history of religions. 10. G. P. Putnam's Sons. tr. 300. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2010.
    Nhật Bản: Crump, Thomas (1992). The Japanese numbers game: the use and understanding of numbers in modern Japan. Nissan Institute/Routledge Japanese studies series. Routledge. tr. 39–40. ISBN 0415056098.
    Hàn Quốc: Hulbert, Homer Bezaleel (1909). The passing of Korea. Doubleday, Page & company. tr. 426. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2010.
  119. ^ Cessna, Abby (ngày 15 tháng 11 năm 2009). “When Was Saturn Discovered?”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2011.
  120. ^ a b Eastman, Jack (1998). “Saturn in Binoculars”. The Denver Astronomical Society. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2008.
  121. ^ Chan, Gary (2000). “Saturn: History Timeline”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2007. "1655 Saturn’s rings seen by Galileo, who thinks them twin moons" Tuy nhiên thực tế Galileo Galilei chỉ sống đến năm 1942. Ông đã quan sát thấy vành đai năm 1610; năm 1655 hay 1659 có lẽ là thời điểm Christiaan Huygens (1629-1695) mô tả vành đai này
  122. ^ Cain, Fraser (3 tháng 7 năm 2008). “History of Saturn”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2011.
  123. ^ Cain, Fraser (ngày 7 tháng 7 năm 2008). “Interesting Facts About Saturn”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2011.
  124. ^ Cain, Fraser (27 tháng 11 năm 2009). “Who Discovered Saturn?”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2011.
  125. ^ Micek, Catherine. “Saturn: History of Discoveries”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2007.
  126. ^ a b Barton, Samuel G. (1946). “The names of the satellites”. Popular Astronomy. 54: 122–130. Bibcode:1946PA.....54..122B.
  127. ^ Kuiper, Gerard P. (1944). “Titan: a Satellite with an Atmosphere”. Astrophysical Journal. 100: 378–388. Bibcode:1944ApJ...100..378K. doi:10.1086/144679.
  128. ^ “The Pioneer Missions”. Mission Descriptions. ngày 26 tháng 3 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 1 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2008.
  129. ^ a b “Missions to Saturn”. The Planetary Society. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2007.
  130. ^ Lebreton, Jean-Pierre; và đồng nghiệp (2005). “An overview of the descent and landing of the Huygens probe on Titan”. Nature. 438 (7069): 758–764. Bibcode:2005Natur.438..758L. doi:10.1038/nature04347. PMID 16319826.
  131. ^ “Astronomers Find Giant Lightning Storm At Saturn”. ScienceDaily LLC. 2007. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2007.
  132. ^ Pence, Michael (ngày 9 tháng 3 năm 2006). “NASA's Cassini Discovers Potential Liquid Water on Enceladus”. NASA Jet Propulsion Laboratory. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2011.
  133. ^ Lovett, Richard A. (ngày 31 tháng 5 năm 2011). “Enceladus named sweetest spot for alien life”. Nature. Nature. doi:10.1038/news.2011.337. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2011.
  134. ^ Kazan, Casey (ngày 2 tháng 6 năm 2011). “Saturn's Enceladus Moves to Top of "Most-Likely-to-Have-Life" List”. The Daily Galaxy. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2011.
  135. ^ Shiga, David (ngày 20 tháng 9 năm 2007). “Faint new ring discovered around Saturn”. NewScientist.com. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2007.
  136. ^ Rincon, Paul (ngày 14 tháng 3 năm 2007). “Probe reveals seas on Saturn moon”. BBC. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2007. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  137. ^ Rincon, Paul (ngày 10 tháng 11 năm 2006). “Huge 'hurricane' rages on Saturn”. BBC. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2007. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  138. ^ “Massive storm at Saturn's north pole”. 3 News NZ. 30 tháng 4 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2013.
  139. ^ Brown, Dwayne; Cantillo, Laurie; Dyches, Preston (15 tháng 9 năm 2017). “NASA's Cassini Spacecraft Ends Its Historic Exploration of Saturn”. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2017.
  140. ^ Chang, Kenneth (14 tháng 9 năm 2017). “Cassini Vanishes Into Saturn, Its Mission Celebrated and Mourned”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2017.
  141. ^ “Titan Saturn System Mission: Resources” (Thông cáo báo chí). NASA. ngày 2 tháng 2 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  142. ^ “TSSM Mission summary”. ESA. ngày 6 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2016.
  143. ^ “Titan Saturn System Mission”. solarsystem.nasa.gov. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2029. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |access-date= (trợ giúp)
  144. ^ a b Schmude, Richard W Jr (2003). “Saturn in 2002–03”. Georgia Journal of Science. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2007. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  145. ^ Bilstein, Roger E. (1999). Stages to Saturn: A Technological History of the Apollo/Saturn Launch Vehicle. DIANE Publishing. tr. 37. ISBN 0-7881-8186-6.
  146. ^ Plotner, Tammy (ngày 22 tháng 2 năm 2008). “Time to Observe Saturn – Opposition Occurs February 23!”. Universe Today. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  147. ^ Reis, Ricardo Cardoso; Jones, Jane H. “Saturn: The Ringed Planet” (PDF). IAU. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2011.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Anh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Việt

[sửa | sửa mã nguồn]

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan