Vào ngày 9 tháng 2 năm 1929, trùm mộ phu người Pháp Alfred François Bazin bị hai đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng sát hại. Sự kiện này được xem như là một thông điệp chính trị của Việt Nam Quốc dân Đảng gửi đến chính quyền bảo hộ của người Pháp ở Đông Dương để cảnh cáo chính sách bất công thuộc địa.
Người Pháp vào đầu thế kỷ 20 đã dần dần củng cố quyền lực trên năm xứ Đông Dương. Triều đình Huế sau cuộc truất phế vua Duy Tân (1916) phải chấp nhận địa vị phụ thuộc vào chính quyền Bảo hộ. Hai nhà chí sĩ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu thì một vị mất năm 1926. Vị kia bị nhà chức trách đem quản thúc tại gia năm 1925. Hoạt động của Việt Nam Quang phục Hội thì đi đến bế tắc còn cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917) đã gặp thất bại.
Cũng vào thời điểm này xuất hiện nhiều đảng phái ở Đông Dương như Đảng Lập hiến Đông Dương (1923), Đảng Phục Việt (1925), Đảng Thanh niên (1926) tham gia đấu tranh ôn hòa. Riêng Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1927[1] theo đuổi tư tưởng dân chủ và chủ nghĩa quốc gia với chủ ý đánh đuổi người Pháp, khôi phục độc lập cho Việt Nam và xây dựng một quốc gia dân chủ, bằng cả võ lực nếu cần. Chủ trương hoạt động của Quốc dân Đảng đề ra có hai phần: "Giai đoạn phá hoại" và "Giai đoạn kiến thiết". Việc ám sát Bazin thuộc giai đoạn đầu.
Alfred François Bazin[2] là một người Pháp sang Đông Dương làm cai mộ phu ở Bắc Kỳ để gửi người đi làm thuê ở các đồn điền cây công nghiệp của người Pháp (thường dưới dạng đồn điền cao su) ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, hoặc có khi được đưa sang Tân Đảo, Vanuatu (đảo Tân Thế giới) và Tahiti làm việc. Đời sống dân phu đầy kham khổ nên con số tử vong có nơi lên đến 40%.[3] Làm trung gian giữa các xí nghiệp và dân lao động, người mộ phu được trả từ 10-20 đồng bạc Đông Dương cho mỗi người phu ghi danh.[4] Bazin ở địa vị giám đốc Tổng nha nhân lực Đông Dương (Office générale de main d'oeuvre indochinoise) là người then chốt trong việc tuyển dụng. Ông ta được cho là thường dùng mánh khóe lừa lọc, và nếu người phu muốn rút ra, hủy bỏ giao kèo thì bị hăm dọa, đánh đập, có khi bị bắt cóc đem xuống tàu nên nhiều người oán hận, nhất là trong giới thợ thuyền. Trong khi đó, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cũng rải truyền đơn tố cáo hành vi của Bazin nhưng nhà chức trách bảo hộ lại không giải quyết vì cho rằng việc làm của Bazin là do một cá nhân chứ không phải là do chính quyền khiến dư luận thêm phẫn nộ.[5][6][7][8][9]
Dựa lúc khí thế dân chúng bị khuấy động, Ủy viên Thành bộ Hà Nội của Việt Nam Quốc dân Đảng là Nguyễn Văn Viên đưa ra kế giết Bazin để gây thanh thế cho Đảng. Lãnh tụ Đảng là Nguyễn Thái Học không đồng tình nên Nguyễn Văn Viên cùng hai chiến hữu khác, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Đức Lung (Ký Cao) tự ý ra tay. Vào đêm giao thừa Tết Kỷ Tỵ (tức ngày 9/2/1929), ba người này chờ sẵn ở trước nhà số 110 Phố Huế (rue Hue) của Germaine Carcelle (tình nhân của Bazin). Khi ông ta bước ra, Nguyễn Đức Lung tiến tới giao cho Bazin một phong thư, trong chứa bản án tử hình. Tiếp theo, Nguyễn Văn Lâm bắn hai phát súng vào Bazin, khiến ông này chết ngay tại chỗ.
Cái chết của Bazin quả gây tiếng vang khiến Sở Liêm phóng Đông Dương của chính quyền Bảo hộ phản ứng mạnh mẽ, mở cuộc càn quét gắt gao. Họ bắt được Léon Sanh (còn ghi là Léon Văn Sanh) cựu sinh viên Trường Bưởi đem tra khảo, tuy không có bằng chứng nhưng kết án Sanh là thủ phạm giết người và đem giam ở Hỏa Lò. Lục soát quần áo của Sanh họ tìm thấy danh sách đảng viên VNQDĐ cùng một số ấn phẩm cách mạng nên các cơ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng bị kết tội.[2] Hơn 200 người bị bắt đưa ra Hội đồng đề hình (tiếng Pháp: Commission criminelle), một cơ quan lập ra để riêng xét vụ án này. Ngày 3 tháng 7, Hội đồng tuyên án 78 người bị tù từ 2 đến 15 năm, lại thêm 5 năm biệt xứ. Tổ chức và nhân sự của Việt Nam Quốc dân Đảng bị thiệt hại nặng vì cuộc thanh trừng của nhà nước Bảo hộ nhưng Đảng vẫn xúc tiến tổ chức tổng khởi nghĩa năm sau ở Yên Bái. Riêng Sanh sau sáu tháng bị giam thì được thả.[10]
Vụ ám sát Bazin đã làm rung động dư luận Việt Nam thời bấy giờ, đồng thời khiến danh xưng Việt Nam Quốc dân Đảng bắt đầu được dân chúng biết đến.