Trường Dục Thanh

Cổng trường Dục Thanh

Dục Thanh Học hiệu (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý CápHuỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.

Đây cũng là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn trong chuyến xuất ngoại.

Thành lập và hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]
Trường Dục Thanh

Đầu thế kỷ 20, Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước, ban đầu do phong trào tị địa ở miền Nam,[1] sau đó do sự sách nhiễu của các quan lại phong kiến ở các tỉnh miền Trung, nên vào năm 1905, khi Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ghé qua Bình Thuận trong một chuyến Nam du, thì hạt giống Duy Tân mọc rễ ở đây.[2]

Với sự giới thiệu của Trương Gia Mô,[3] ba cụ đã gặp các ông Nguyễn Trọng Lội (hay Lợi), Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Hồ Tá Bang và truyền bá tư tưởng Duy Tân của mình. Với sự góp mặt thêm của các ông Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, sáu ông đứng ra sáng lập ra 3 tổ chức với các nhiệm vụ chính trị - văn hoá - kinh tế gắn liền nhau, tương ứng với cương lĩnh hành động 3 điểm "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh" của phong trào Duy Tân hồi bấy giờ:

  • Dục Thanh Học Hiệu: mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ, được thành lập năm 1907.
  • Liên Thành Thư Xã: truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước, được thành lập năm 1905.
  • Liên Thành Thương Quán: làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân, được thành lập năm 1906.

Liên Thành Thương Quán hoạt động có hiệu quả, bí mật đóng góp một phần tài chính cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu[4] và các phong trào giải phóng dân tộc về sau. Liên Thành thư xã do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mời nhiều diễn giả đến diễn thuyết, trong đó có Phan Châu Trinh, gây được tiếng vang sôi nổi. Đặc biệt Dục Thanh học hiệu đã đào tạo được một lớp trẻ học tập theo sách vở và tinh thần mới.

Sáu sáng lập viên của trường Dục Thanh: Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội (hay Lợi), Nguyễn Quý Anh (hàng trên), Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng (hàng dưới).

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) ngay trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết). Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ - Ngoạ Du Sào - là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.

Kinh phí hoạt động của trường nhờ vào 2 nguồn: huê lợi từ 10 mẫu nhất đẳng điền do ông Huỳnh Văn Đẩu - một phú gia có lòng ái quốc ở địa phương - hiến cho[5] và tài trợ của Liên Thành Thương Quán. Nhờ đó học sinh ăn học không phải trả tiền, thầy giáo chỉ nhận trợ cấp mà không hưởng lương.[6]

Trường do ông Nguyễn Quý Anh làm Giám Hiệu, với hai giảng viên chính là Nguyễn Hiệt Chi và Trần Đình Phiên.[7] Trường có 4 lớp học, số học sinh lúc cao nhất vào khoảng 100 học sinh, từ Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng, Hội An vào, và nhiều nơi khác ở Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ, do nhiều bà con của các thân sỹ gửi gắm trọ học.[6] Chương trình dạy của trường do Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải, được gửi vào Phan Thiết qua ông Đình nguyên hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, bạn thân giao của Trần Lệ Chất.[6]

Trường có nội quy rất nghiêm cho tất cả học sinh. Buổi sáng hàng ngày từ lúc 6 giờ sáng, chiều lúc 17 giờ, sau khi tập thể dục xong, học sinh xếp hàng thật ngay ngắn đi vào lớp. Vào lớp rồi, tất cả học sinh xếp tay vòng trước ngực hát bài ca ái quốc, dựa theo Bài thơ "Quốc Hồn Ca" do Phan Chu Trinh viết vào năm 1907, được chọn làm bài học thuộc lòng cho mỗi môn sinh.[6]

Trường Dục Thanh và Nguyễn Tất Thành

[sửa | sửa mã nguồn]
Phòng học

Tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông nghè Trương Gia Mô - vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc - giới thiệu với Hồ Tá Bang đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Một trong những học sinh của trường là Nguyễn Kinh Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau là Bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa I - IV, là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn, ngoài ra, còn kiêm nhiệm dạy môn thể dục.[8] Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa.

Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn[9] với giấy thông hành tên Văn Ba do Trần Lệ Chất và Hồ Tá Bang lo giúp.[6][10]

Ngọa Du Sào trong khuôn trường do Nguyễn Thông xây dựng để có nơi làm thơ, đọc sách. Khi Nguyễn Tất Thành đến dạy học, cũng từng đọc sách tại đây.

Cuối năm 1911, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn đảm trách Đổng lý phân cuộc Liên Thành ở Chợ Lớn, không còn ai giám hiệu và vì nhiều lý do khách quan khác nên trường đóng cửa vào năm 1912. Liên Thành Thư xã cũng đóng cửa ít lâu trước đó, chỉ còn công ty Liên Thành thì vẫn hoạt động mãi đến hiện tại. Hiện di tích Trường Dục Thanh thành phố Phan Thiết đã được tỉnh Bình Thuận phục dựng theo mô tả của các học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy, là một địa điểm văn hóa du lịch của cả nước.[11] Phần di tích cũ còn lại nguyên vẹn gồm có cây khế mà Nguyễn Tất Thành đã chăm sóc và giếng nước mà Nguyễn Tất Thành mỗi ngày lấy nước tưới cây.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Sau khi thực dân Pháp chiếm miền Nam, các sĩ phu ở đây chạy ra Bình Thuận, vẫn còn thuộc đất của Triều đình Huế.
  2. ^ Liên Thành Thông Sử - Chương 1: Nguyên do sự tạo lập công ty Liên Thành và trường Dục Thanh.
  3. ^ Có ý kiến cho rằng Trương Gia Mô cũng là người sáng lập, nhưng sau khi bị bắt ở Khánh Hoà chính ông tự xoá tên để tránh liên luỵ cho các tổ chức này. Tuy nhiên, theo LTTS của Hồ Tá Khanh thì Trương Gia Mô không có tên trong danh sách sáng lập viên.
  4. ^ TS Thông Thanh Khánh (ngày 2 tháng 6 năm 2006). “Hành trình 100 năm nước mắm Liên Thành”. báo Sài Gòn Tiếp thị. Chú thích có tham số trống không rõ: |accessmonthday= (trợ giúp)[liên kết hỏng]
  5. ^ Về sau khi trường đóng cửa, các vị sáng lập xin trả lại 10 mẫu ruộng thì ông Đẩu không chịu nhận lại, viện cớ chờ khi trường mở cửa lại có để dùng. Các vị sáng lập không dám nhận lời vì không biết ngày mai cơ sự làm sao, khi đó ông Đẩu mới chịu nhận lại - Hồ Tá Khanh, trg. 34
  6. ^ a b c d e Phạm Bá Nhiễu, 23/03/2009.
  7. ^ Trần Đình Phiên là con của cụ Đốc học Trần Đình Phong, là bậc "nhân sư" nổi tiếng có đến 4 trò đỗ đại khoa là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Sinh Sắc - LTTS trg 17, Trang Web ĐCS VN[liên kết hỏng].
  8. ^ Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp giáo dục, Viện nghiên cứu giáo dục phía Nam - Bộ Giáo dục, Xí nghiệp in số 7, thành phố Hồ Chí Minh, năm 1990, trang 57
  9. ^ Thời điểm Nguyễn Tất Thành đến và rời trường vẫn đang còn tranh luận, tuy nhiên theo bài thuyết minh của Bảo tàng HCM Chi nhánh Bình thuận là "Nguyễn Tất Thành đến Dục Thanh vào khoảng trước Tết Trung thu 1910 và rời trường sau Tết Nguyên đán 1911".
  10. ^ Lúc này Trần Lệ Chất đang là Bí thư của Công sứ Pháp tại Bình Thuận Claude Leon Lucien Garnier - Trịnh Văn Thảo (8 tháng 5 năm 2007). “Công ty Liên Thành (1906-1975): Từ hội Duy Tân đến doanh nghiệp hiện đại”. Tạp chí Tia Sáng. Chú thích có tham số trống không rõ: |accessmonthday= (trợ giúp)[liên kết hỏng]
  11. ^ Trường Dục Thanh hiện tại được phục dựng vào năm 1978, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh tỉnh Bình Thuận

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên Thành Thông Sử - Achevé d'imprimer le 25 janvier 1984. Imprimerie Funam a Gennevilliers pour Dr. Hô-Ta-Khanh

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Bá Nhiễu (23/03/2009). “Trường Dục Thanh xưa - Nơi đây in dấu chân người...”. Thể thao Văn Hoá. Chú thích có tham số trống không rõ: |accessmonthday= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày tháng= (trợ giúp)

10°55′42″B 108°05′45″Đ / 10,92833°B 108,09583°Đ / 10.92833; 108.09583

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Các vị thần bảo hộ 12 cung Hoàng Đạo theo quan niệm của người Hi Lạp - La Mã
Các vị thần bảo hộ 12 cung Hoàng Đạo theo quan niệm của người Hi Lạp - La Mã
Từ xa xưa, người Hi Lạp đã thờ cúng các vị thần tối cao và gán cho họ vai trò cai quản các tháng trong năm
Đấng tối cao Bellriver - Overlord
Đấng tối cao Bellriver - Overlord
Bellriver một trong những quân sư chiến lược gia trong hàng ngũ 41 Đấng Tối Cao của Đại Lăng Nazarick
Sự kiện
Sự kiện "Di Lặc giáng thế" - ánh sáng giữa Tam Giới suy đồi
Trong Black Myth: Wukong, phân đoạn Thiên Mệnh Hầu cùng Trư Bát Giới yết kiến Di Lặc ở chân núi Cực Lạc là một tình tiết rất thú vị và ẩn chứa nhiều tầng nghĩa.
Vị trí chuông để mở MAP ẩn ở Hắc Toàn Phong - Black Myth: Wukong
Vị trí chuông để mở MAP ẩn ở Hắc Toàn Phong - Black Myth: Wukong
Một trong những câu đố đầu tiên bọn m sẽ gặp phải liên quan đến việc tìm ba chiếc chuông nằm rải rác xung quanh Hắc Toàn Phong.