Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài, thường gọi tắt là Xuất khẩu lao động Việt Nam, là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước Xã hội chủ nghĩa, trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả đã đem lại nhiều thuận lợi cho đất nước. Từ khi cơ chế thay đổi năm 1991, hoạt động xuất khẩu lao động phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bước sang thế kỷ XXI, có sự tăng đột biến lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài, nhiều nhất tại ba thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân [1], tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó diễn ra song song những vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách, quản lý từ cả hai phía trong và ngoài nước, những hạn chế về trình độ và ý thức người lao động, tình trạng lưu trú bất hợp pháp [2]. Ngoài ra, người lao động còn có thể đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi.
Có 5 hình thức xuất khẩu lao động sang nước ngoài:
Cục Quản lý lao Động Ngoài nước (có tên giao dịch quốc tế là Department of Overseas Labour, viết tắt là DOLAB) trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các nhiệm vụ chính như thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm, dự án, đề án về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nghiên cứu định hướng phát triển về khai thác thị trường lao động ngoài nước; tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động; thu, quản lý và sử dụng các nguồn thu từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...[3] Tại mỗi quốc gia có người lao động Việt Nam còn có các Ban Quản lý Lao động tại địa phương.
Các doanh nghiệp này ngoài những quốc gia phát triển, phần lớn là những quốc gia đang phát triển, có nhu cầu tuyển dụng lao động cao. Họ có thể tư vấn, tuyển dụng lao động trực tiếp tại địa phương, hiệp định ký kết giữa các chính phủ hoặc thông qua công ty môi giới.
Danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện đưa thực tập sinh sang Nhật Bản được cập nhật đến 15/07/2020 có 376 doanh nghiệp. trong đó có khoảng 60% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc cổ phần có vốn Nhà nước chi phối.[4] Công ty làm nhiệm vụ giới thiệu, đào tạo, thủ tục đi nước ngoài, lo nơi định cư, giấy tờ, hợp đồng lao động,... cho người lao động. Đổi lại, lao động chi trả cho công ty khoản phí gọi là phí môi giới không quá 3600 đô la.
Người đi lao động xuất khẩu gồm lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Người xuất khẩu theo dạng lao động phổ thông thường là những nông dân hay là người các tỉnh nghèo, người dân tộc, vì muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình. Người đi lao động thường phải chịu chi phí cao trước khi xuất hành, có thể rơi vào điều kiện làm việc kham khổ, và đôi khi là nạn nhân của lừa đảo, bóc lột, buôn người.
Theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố được giám sát, tỷ lệ lao động có tay nghề khoảng 20-30%, chủ yếu làm lao động làm các công việc giản đơn, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp. 70-80% người lao động không được tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua môi giới.[4]
Cuối những năm thập niên 70 và đầu 80, kinh tế Việt Nam trong tình cảnh gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp trì trệ, mô hình hợp tác xã không tạo ra cạnh tranh nên không kích thích được sản xuất. Thêm vào đó là các khoản nợ sau chiến tranh cần phải trả và hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Do đó, chính quyền chủ trương đưa lao động ra làm việc tại các nước Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.[6]
Năm 1980, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với hình thức chủ yếu là hợp tác sử dụng lao động thông qua các Hiệp định Chính phủ trực tiếp ký kết. Trong giai đoạn này, gần 245.000 lao động và chuyên gia đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong nước được đưa đến 4 nước Xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc và Bungari).[5] Bên cạnh đưa người đi lao động, Việt Nam cũng đã ký kết về hợp tác chuyên gia trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp với một số quốc gia châu Phi[6] (Libya, Angeri, Angola, Mozambique, Congo, Madagascar) với con số người đưa sang là 7.200 người; Trung Đông (Iraq) khoảng 18.000 người. Bên cạnh đó, gần 24.000 thực tập sinh và học sinh học nghề tại các nước Đông Âu đã chuyển sang lao động trong những năm thập niên 80. Tổng số lao động được đưa đi trong thời kì này gần 300.000 người.[5]
Theo thống kê của cơ quan chuyên trách, từ năm 1980 đến 1989, ngân sách nhà nước đã thu được khoảng 800 tỷ đồng và hơn 300 triệu USD, một khoản tiền lớn tại thời điểm lúc đó. Ngoài giảm bớt số người thất nghiệp trong nước; người lao động được tiếp cận với công nghệ mới và gửi về nước một khối lượng hàng hóa tiêu dùng khá lớn, giúp cải thiện cuộc sống gia đình tại Việt Nam trong thời kỳ khó khăn.
Năm 1989, có nhiều biến động chính trị lớn xảy ra tại các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và khủng hoảng kinh tế, chính trị tại nhiều nước châu Phi, dẫn đến phần lớn các nước này không còn nhu cầu nhận lao động từ Việt Nam. Sau khi nước Đức tái thống nhất vào năm 1990, những công nhân chưa hết hợp đồng được đền bù để trở về nước.[6]
Tình hình và nhu cầu thực tiễn cùng với việc cơ chế quản lý kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới dẫn đến những thay đổi về cơ chế hoạt động xuất khẩu lao động từ phía chính quyền. Ngày ngày 9 tháng 11 năm 1991, Nghị định về đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài ra đời.[6] Cụ thể, các tổ chức doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động thông qua hợp đồng ký với nước ngoài. Cơ chế này đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu. Số lao động đưa đi nước ngoài tăng đều mỗi năm. Tổng lao động xuất khẩu trong giai đoạn này gần 160.000 người.[5]
Có sự thay đổi về thị trường trong giai đoạn này. Ban đầu, Việt Nam xuất khẩu công nhân xây dựng sang một số nước Trung Đông (chủ yếu là Iraq), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait. Năm 1992, Việt Nam ký các hợp đồng xuất khẩu thuyền viên với Đài Loan, Hàn Quốc.[6]
Số liệu nhân công Việt Nam ra nước ngoài[8] | ||
---|---|---|
Năm | Số người | Số quốc gia nhận |
2012 | 80.320 | 33 |
2013 | 88.155 | 38 |
2014 | 106.840 | 29 |
2015 | 119.530 | 22 |
2016 | 126.296 | 28 |
2017 | 134.751[9] | - |
2018 | 142.860[10] | - |
2019 | 152.530[11] | - |
Từ năm 2006 đến 2008, trung bình mỗi năm có hơn 83.000 lao động xuất khẩu sang nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong cả nước. Đến năm 2009 đã có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.[13]
Vào thời điểm năm 2011, xét về lượng tiếp nhận thì lao động Việt Nam nhiều nhất tại Đài Loan, sau đó là Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Lào, Campuchia,...[12] Trong số đó lao động nữ chiếm gần 50%, chủ yếu làm trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội và công nghiệp.[14]
Một số thị trường khác như Brunei, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang được mở rộng. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Úc, Mỹ, Canada, Phần Lan và Ý cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến.[13]
Năm 2008, Hàn Quốc nhận thêm 12.000 lao động Việt Nam mới và tái tuyển dụng 6.000 lao động, tăng số lao động Việt Nam tại quốc gia này lên gần 50.000 lao động.[13] Đến năm 2011, Việt Nam có khoảng 60.000 lao động tại Hàn Quốc[15] và 85.650 tại Đài Loan - giữ vị trí thứ 2 về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan.[16]
Không giống với Đài Loan và Malaysia được xem là thị trường truyền thống ít đòi hỏi, Nhật Bản được đánh giá là thị trường có nhiều đòi hỏi cao. Tuy nhiên, theo những chính sách và chương trình hợp tác tạo nhiều thuận lợi, lượng tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật làm việc ngày càng tăng.[17] Với con số 35.000 tu nghiệp sinh theo thống kê năm 2011, Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số 14 nước có tu nghiệp sinh làm việc tại Nhật Bản (sau Trung Quốc).[18]
Năm 2011, tổng số lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài theo số liệu từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước là 81.475 người.[12] Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, con số này là 88.298 người.[19] Riêng số lao động Việt Nam đang có mặt tại bốn thị trường lớn nhất là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là hơn 200.000 người (40% tổng số lao động Việt Nam tại nước ngoài).[20]
Năm 2013, số người Việt lao động ở ngoại quốc tăng lên hơn 88.000. Trong đó, hơn 50% là ở Đài Loan. Nhật Bản và Malaysia là hai quốc gia lần lượt đứng thứ nhì và thứ ba về số lao động người Việt.[21]
Năm 2019, tổng số lao động Việt Nam xuất khẩu là 152.530 người, trong đó hơn 50% là ở Nhật Bản.[11]
Ngày ngày 9 tháng 11 năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370-HĐBT về quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động xuất khẩu lao động.[22]
Năm 1995, Nghị định 370 được thay thế bằng các văn bản sau:
Năm 2006, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chính thức được Quốc hội Việt Nam khóa XI thông qua (Số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006), ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.[23]
Năm 2007, nhiều Nghị định liên quan làm rõ và hướng dẫn điều Luật trên ra đời, bao gồm:
Ngoài ra còn một số Quyết định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước;[25] ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;[26] quy định về tổ chức bộ máy chuyên trách xuất khẩu và bồi dưỡng kiến thức lao động sang nước ngoài;[27] ban hành chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.[28]
Ở cấp độ thấp hơn là các Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều Luật và Nghị định;[29] các Thông tư liên tịch quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ;[30] quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động xuất khẩu;[30] hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh;[31] hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật liên quan.[32]
Năm 2020, Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 [33], Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động thì phải tuân thủ theo đúng luật của nước ngoài và đúng luật trong nước.[34] Quyền lợi của người lao động Việt Nam tại nước ngoài tuỳ thuộc chủ yếu vào loại đối tượng, hình thức xuất khẩu lao động và chính sách đối đãi người lao động ở nước sở tại và sự quan tâm của chính quyền trong nước.
Lao động Việt Nam khi đi tu nghiệp tại Nhật được nhận chế độ đối xử như lao động bản địa[35] dưới dạng "tu nghiệp sinh". Đây là một hình thức sang nước ngoài để học việc, tu nghiệp trong thời gian cho phép khoảng 3 năm.[36]
Tại Đài Loan, khi suy thoái kinh tế diễn ra, nhiều nhân công nước ngoài bị cắt giảm. Theo luật lao động, dù không có việc làm, nhưng nếu công nhân vẫn tiếp tục ở công ty thì họ phải được hưởng lương căn bản hàng tháng. Nhưng hầu hết các công ty không áp dụng điều này đối với lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền vẫn tiếp tục cho lao động nước ngoài nhập cảnh, dẫn đến nhiều lao động sang chưa lâu phải sớm trở về nước.[37]
Tại Malaysia, việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động ở Malaysia còn nhiều hạn chế. Một số điều trái với luật lao động của Malaysia và trái với tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) như việc chính phủ nước này ủy quyền cho các doanh nghiệp tự kiểm soát dịch chuyển công việc của lao động nhập cư. Mặt khác, theo luật pháp Malaysia, khi người lao động gặp rủi ro, các doanh nghiệp sử dụng lao động và doanh nghiệp môi giới sẽ đền bù cho gia đình người tử nạn. Tuy nhiên, nhiều gia đình trong trường hợp này nói rằng họ chưa hề biết đến số tiền đó.[38]
Năm 2011, Malaysia tìm kiếm nguồn lao động giúp việc gia đình từ các nước, bao gồm Việt Nam trong tình trạng các chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động giúp việc gia đình còn chưa đầy đủ. Do đó, người lao động nước ngoài làm giúp việc tại Malaysia dễ gặp rủi ro và ít được bảo vệ. Phương tiện báo chí đã nêu lên một số điển hình về tình trạng giữ tiền lương, hành hạ hoặc lạm dụng người lao động giúp việc.[39]
Nhiều ngân hàng tại Việt Nam có hình thức cho vay xuất khẩu lao động, bao gồm không thế chấp tài sản với một số đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cung ứng vốn. Đại diện các ngân hàng cho rằng tỉ lệ nợ xấu, quá hạn tăng cao khiến các ngân hàng lo ngại. Năm 2010, một số tỉnh có số người xuất khẩu lao động vay nợ quá hạn cao từ 10 đến 15%. Lý do chủ yếu là do lao động phải về nước trước thời hạn (50%) hoặc không chịu trả nợ (20%). Các thị trường có tỉ lệ nợ xấu lớn là Malaysia (29%), Đài Loan (7,4%), Hàn Quốc (6,45)...[40] Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong ngành, nguồn vốn để cho vay còn hạn chế, mức cho vay còn thấp, thủ tục vẫn quá phức tạp. Đại diện phía ngân hàng, phó tổng giám đốc Agribank, cho biết hiện chưa có quy chế quản lý thu nhập của người lao động đã vay vốn nên việc thu hồi khoản cho vay khi đến hạn vô cùng khó khăn.[41] Việc chỉ một số đối tượng ưu tiên mới được vay không thế chấp đồng nghĩa với những đối tượng có mức sống cao hơn chuẩn nghèo rất khó có điều kiện vay, đặc biệt là những thị trường yêu cầu chi phí cao.
Các lao động Việt Nam về nước đúng hạn hợp đồng chiếm tỉ lệ cao. Năm 2008, Việt Nam có gần 41.000 lao động về nước, 74% về nước đúng hạn. Năm 2009, các con số này tăng lên, có hơn 51.000 lao động về nước, trong đó hơn 80% về nước đúng hạn hợp đồng.[42]
Ngoài ra, một số lao động Việt Nam bị lừa và lao động vất vả đã tìm được cách xoay xở tiền lương để về nước trước hạn (nếu không bị giữ giấy tờ tuỳ thân).[43] Nhiều lao động tại 12 nước thuộc Liên minh châu Âu mất việc làm hoặc bị cắt hợp đồng bởi nhiều lý do, một số cố gắng ở lại tìm kiếm cơ hội mới nhưng phần lớn phải về nước tìm việc làm kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội cần giải quyết.[44]
Số khác là do lao động vi phạm nội quy khi làm việc ở nước ngoài bị trả về. Năm 2011, huyện Đăk Rong có 109/197 người phải xuất cảnh về lại địa phương.[45]
Các địa phương chưa có đầy đủ giải pháp giải quyết những vấn đề rủi ro cho lao động sau khi về nước, chưa tạo được sự kết nối giới thiệu việc làm cho lao động về nước trước hạn hay hết hạn.
Nhằm giải quyết những mặt khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu lao động, tháng 9 năm 1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 41/CT-TƯ về xuất khẩu lao động và chuyên gia. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không bắt người lao động phải ký quỹ quá nhiều. Năm 2008, Chính phủ phê duyệt dự án "Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015", kết hợp các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động diện chính sách về phí đào tạo, ăn ở, đi lại, thủ tục làm việc ở nước ngoài cùng các chính sách tín dụng ưu đãi.[6]
Năm 2009, Chính phủ tiếp tục thông qua dự án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020", triển khai tại 62 huyện nghèo trong nước.[46]
Năm 2010, tổng số lao động được vay vốn xuất khẩu lao động là gần 82.000 người với tổng số vốn cho vay đạt gần 1.700 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến 2010, cơ quan chuyên ngành đã tiếp nhận, xử lý 1.184 khiếu nại của người lao động; thanh tra và xử lý vi phạm hành chính 119 lượt doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp.[4]
Chính quyền Hoa Kỳ có một số trợ giúp đối với người lao động xuất khẩu Việt Nam bị lừa đảo.
Năm 2001, tại đảo Samoa, thuộc địa của Hoa Kỳ, dưới sự kêu gọi của số tổ chức cộng đồng người Việt hải ngoại, chính quyền Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra một công ty Hàn Quốc[47] và tuyên án chủ tịch công ty 40 năm tù về tội buôn người.[48] Số lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc cho công ty này thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi, bỏ đói và không được trả lương[49] vào khoảng 250 người, đồng thời những công nhân ở lại được giúp đỡ định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Ngày 2 tháng 12 năm 2004, chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ 155.000 USD cho Tổ chức Quốc tế về Di dân (IOM) nhằm giúp công tác chống nạn buôn người và hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân Việt Nam còn ở lại.[47] Những người trở về nước được đền bù số tiền rất thấp.[50]
Năm 2011, hai công ty quốc doanh Việt Nam gồm Interserco và Vinamotors, có trụ sở tại Hà Nội, cùng hai công ty Mỹ bị người lao động xuất khẩu khởi kiện lên tòa án tại Texas, Hoa Kỳ vì tội buôn người và cưỡng ép lao động. Tờ báo The Houston Chronicle cho biết, tòa án quận Harris bang Texas đã ra phán quyết yêu cầu hai bên công ty mội giới bồi thường tổng cộng là 60 triệu đôla cùng một số điều khoản đi kèm khác cho các nạn nhân.[51][52]
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở châu Á (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia - CAMSA) là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở châu Á và khắp nơi trên thế giới, cũng đã giúp nhiều công nhân Việt Nam tại Mã Lai.[53]
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng thành lập Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan ở thành phố Đào Viên vào năm 2004 để trợ giúp người Việt sống và làm việc tại Đài Loan, ông đã là người chỉ trích sự bóc lột và nhục mạ người lao động và cô dâu nước ngoài, từ năm 2004 đến 2006 đã giúp đỡ hơn 2000 người Việt thoát lao động đày ải và lạm dụng tình dục, khiến cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Đài Loan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm về nạn buôn người, và ông được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận là "anh hùng đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại",[54] cũng nhờ thế Đài Loan đã phần nào thay đổi chinh sách đối với người nước ngoài.
Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, phần lớn người Việt Nam vẫn trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, trình độ giáo dục chưa cao. Mong muốn cải thiện đời sống là nguyên nhân chính thúc đẩy người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.[55][56]
Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có 46,7 triệu lao động, chiếm hơn 50% dân số, trong đó 90% hoạt động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi năm có thêm hơn 1 triệu người đến tuổi lao động.[13] Thêm vào đó, mức độ gia tăng của lực lượng lao động trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và tỷ lệ thời gian nhàn rỗi ở nông thôn tương đối cao đặt ra những vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, xuất khẩu lao động được xem một giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam.[57]
Lao động xuất khẩu qua đào tạo ngày càng tăng. Năm 2007, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước lượng kiều hối từ 1,6 tỷ USD.[58] Trung bình mỗi năm gửi về từ 1,6 tỷ đến 2 tỷ USD. Trong đó từ Hàn Quốc trên 700 triệu USD, Nhật Bản hơn 300 triệu USD.[13][17] Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất,[59] là một trong 10 quốc gia có thu nhập lớn từ xuất khẩu lao động.[6] Tính đến năm 2015 thì khối lượng tiền lao động gửi về chiếm 13,2% Tổng sản lượng quốc nội của Việt Nam.[60]
Xuất khẩu lao động cũng tạo điều kiện thay đổi đời sống của người dân. Tại một số làng xã tỉ lệ xuất khẩu lao động cao, nhiều người từ nghèo trở nên giàu có, ước tính trung bình số tiền gửi về hằng năm có thể đạt từ 40 đến 100 tỷ đồng.[46] Thêm vào đó, nhiều người trở về nước đã trở thành các nhà đầu tư, gây dựng doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương.[6]
Một lợi ích khác là xuất khẩu lao động giúp một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ và tay nghề. Do đó, xuất khẩu lao động được coi là ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội.[6]
Tại những huyện nghèo vùng núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số, đa số thanh niên đều có nhu cầu lao động và công việc lao động ở quê nhà thường được cho là vất vả hơn so với đi xuất khẩu lao động.[46]
Mặc dù tỷ lệ lao động được đào tạo tăng gần 35% nhưng trình độ và kỹ năng của nhiều lao động Việt Nam chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, dẫn đến chất lượng lao động chưa cao. Một số lao động ở nước ngoài thiếu ý thức, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không tốt đối với lao động Việt Nam tại nước ngoài.[13][44]
Một vấn đề khác là việc lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc[62] (40%), Nhật Bản (30%) và Đài Loan (10-15%). Mục đích các lao động phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm là để có thu nhập cao hơn, cư trú bất hợp pháp để có thể ở lại làm việc lâu hơn, như tu nghiệp sinh tại Nhật Bản có mức lương trung bình khoảng 500 – 700 USD/tháng, nhưng nếu trốn ra làm việc ở ngoài có thể được mức lương gấp 3 lần.[36] Tại châu Âu cũng có tình trạng nhiều lao động Việt Nam tự ý phá vỡ hợp đồng và lưu trú bất hợp pháp.[44]
Tại Hàn Quốc, Hiệp hội Nông - Ngư nghiệp, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những đánh giá không tích cực về lao động Việt Nam trong việc chuyển đổi nơi làm việc cũng như tình trạng lưu trú bất hợp pháp. Điều này dẫn đến xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam có dấu hiệu giảm dần tại một số công ty. Thống kê năm 2011 của Hàn Quốc cho biết Việt Nam đứng đầu về số lượng lao động cư trú bất hợp pháp (8.780 trong hơn 60.000 lao động) và đứng đầu về yêu cầu đòi chuyển đổi nơi làm việc với các lý do không chính đáng (32%) so với các quốc gia khác.[15][63]
Bên cạnh đó còn hiện tượng người dân tự ý hoặc được môi giới đưa sang nước ngoài làm việc và lưu trú bất hợp pháp không qua hợp đồng lao động bằng những con đường như như đi du lịch, thăm người thân hoặc kết hôn giả.[64]
Ứng phó với tình trạng này, Nhật Bản tuyên bố sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát người lao động nước ngoài, nếu bỏ trốn khi bắt được sẽ trục xuất ngay về nước.[17] Về phía Hàn Quốc, chính quyền đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam, đồng thời thực hiện các giải pháp truy quét tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Kết quả con số này giảm xuống đáng kể. Nhận định từ giới chức Việt Nam cho biết, việc lao động "cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng đã tác động xấu đến ổn định xã hội và góp phần làm phát sinh tội phạm liên quan đến người nước ngoài".[15]
Quy định và thủ tục pháp lý không rõ ràng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng lách luật để cuối cùng bắt người lao động phải chịu những chi phí cao một cách bất hợp lý.[65] Theo khuyến nghị của các nước khác, Việt Nam nên tập trung vào các đầu mối ở cấp tỉnh để đưa người lao động đi nước ngoài để quản lý chặt chẽ hơn.[34]
Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp Việt Nam với các hình thức như không thẩm định hợp đồng, không đào tạo trước khi đi, không báo cáo danh sách lao động, thu tiền quá quy định… Các tổ chức, cá nhân không có chức năng thực hiện xuất khẩu lao động lừa đảo đưa người lao động sang các quốc gia khác lao động bất hợp pháp, điển hình như tại Malaysia[39] và Đài Loan.
Nhiều lao động Việt Nam qua đời ở nước ngoài, tuy nhiên những con số này chưa được công bố rộng rãi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội cho biết những trường hợp chết đã làm thủ tục thông báo về gia đình, còn đăng lên báo thì không có lợi trong dư luận xã hội vì nhiều vấn đề chưa được rõ ràng. Một số trường hợp do khâu kiểm tra sức khỏe không được kỹ nên ra nước ngoài gặp điều kiện lao động căng thẳng, cộng thêm có lao động không giữ mình nên đã uống rượu, dẫn đến đột tử.[34] Có thông tin về trường hợp người lao động mất do tai nạn nhưng hai tháng sau gia đình tại Việt Nam mới được báo tin.[66]
Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Việt Nam, từ tháng 4 năm 2002 đến đầu năm 2008 đã có hơn 300 trường hợp người lao động Việt Nam chết tại Malaysia.[38] Riêng năm 2007, Phóng viên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thống kê có ít nhất 100 lao động Việt Nam chết tại Malaysia. Con số này nhiều hơn hẳn các thị trường lao động khác, trong đó 1/3 thống kê do "đột tử". Có nhiều nghi vấn chưa giải đáp quanh vấn đề này vì nhiều nhân chứng tại Malaysia và gia đình các nạn nhân khẳng định những người bị chết đều khỏe mạnh, trước đó không có biểu hiện bệnh tật.[67] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết việc khám sức khỏe không cẩn thận là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động bị đột tử phổ biến tại quốc gia này.[68]
Tháng 12 năm 2011, ba lao động tại Nga thiệt mạng vì bị ngạt khí gas. Do xuất khẩu lao động theo đường dây bất hợp pháp nên khi chết, họ không được chôn cất mà chỉ được quấn vải rồi lấp đất lên.[69][70]
Công ty môi giới có trách nhiệm giúp người lao động làm thủ tục cư trú và giấy tờ thuế đồng thời tìm công việc thích hợp, sau đó nhận được một khoản cố định từ lương hàng tháng của người lao động.[71]
Mặc dù theo luật định, mức trần tiền môi giới cho các thị trường cứ mỗi năm của hợp đồng không vượt quá một tháng lương của người lao động, tuy nhiên trong thực tế, nhiều công ty xuất khẩu đòi hỏi người lao động phải đóng phí môi giới cao hơn. Ngoài ra còn tiền dịch vụ (mức trần khoảng 10% của lương tháng, đóng trước 18 tháng) trả cho công ty xuất khẩu, chi phí đặt cọc "chống trốn", chi phí dạy nghề và ngoại ngữ trước khi xuất hành, vé máy bay lượt đi,... Nhiều lao động đã phải thế chấp đất và nhà cửa hay vay mượn để có đủ tiền lo chi phí.
Theo sự tính toán của báo Lao động: "Mức lương tối thiểu người lao động được hưởng là 15.840 Đài tệ/tháng. Bị trừ thuế tại Đài Loan: 3.168 đài tệ; phí cho công ty Việt Nam tuyển dụng lao động là 12%/tháng lương: 2.000 đài tệ; bảo hiểm tại Đài Loan: 46 đài tệ; phí môi giới 5.750 đài tệ. Mỗi tháng người lao động được ứng 2.000 đài tệ để sinh hoạt. Như vậy với mức lương 15.840 đài tệ/tháng, sau khi trừ các chi phí, người lao động chỉ tiết kiệm mỗi tháng khoảng 2.876 đài tệ. Số tiền này chỉ bằng 1/2 số tiền chi cho môi giới. Nếu với việc quy đổi khoảng 33 đài tệ = 1 USD thì họ chỉ còn giữ lại để gửi về nhà khoảng 87 USD/tháng. Như vậy có thể nói người lao động làm việc quần quật trong 1 tháng chủ yếu chỉ để trả cho các loại phí và chủ yếu là phí môi giới."[65] Cứ mỗi người lao động thì công ty môi giới có thể hưởng lợi gấp ba lần số tiền mà mỗi người làm công có thể để dư được (phí môi giới gần gấp 2, và phí dịch vụ gần bằng) và gần phân nửa số lương tháng của họ, dù không phải trực tiếp lao động.
Theo luật của Đài Loan, mức phí môi giới lao động phải trả hàng tháng là từ 47 đến 56 USD, tuỳ thuộc thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết có nhiều trường hợp bên môi giới lấy số tiền nhiều hơn mức cho phép và không quan tâm đến quyền lợi của người lao động.[71]
Đã có nhiều hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động từ cá nhân tự phát đến có tổ chức tại Việt Nam. Điều này xuất phát một phần từ nhu cầu muốn được xuất khẩu lao động từ phía người dân trong nước. Như năm 2011, kỳ thi tiếng Hàn đạt kỷ lục về lượng thí sinh tham dự với gần 67.000 người, gấp hơn 2 lần so với năm 2010 và hơn 8 lần so với năm 2009, trong khi số lượng hồ sơ phía Hàn Quốc đăng ký lựa chọn là 15.000 và chỉ nhận tuyển khoảng 13.000 người.[72]
Theo số liệu của công an Thành phố Hà Nội, riêng khoảng thời gian từ đầu năm 2006 đến giữa 2007, tại Hà Nội có hơn 2.000 nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Đài Loan và Hàn Quốc, tổng lợi nhuận chiếm đoạt là hơn 52 tỷ đồng.[73] Tại Hà Nội còn có hiện tượng giả danh cán bộ quản lý, lừa đảo xuất khẩu lao động hoặc lừa đưa người đi xuất khẩu lao động bằng con đường du học.[74] Mặc dù một số công ty vi phạm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị xử phạt hành chính với mức phạt chỉ từ 1500 USD trở xuống.[12]
Nhiều lao động Việt Nam tại Malaysia bị lừa đảo hợp đồng lao động và bị ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, tìm kiếm sự can thiệp để về Việt Nam.[75]
Đối với việc xuất khẩu lao động sang Nga, người lao động rất dễ bị lừa và không thể kiếm được chỗ làm hợp pháp nếu không qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã được cấp phép. Có hàng nghìn người Việt Nam bị rơi vào cảnh "nô lệ lao động" tại thị trường này. Họ bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài và lao động vất vả tại những xí nghiệp may phi pháp, bị bóc lột thậm tệ, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính trở về Việt Nam.[76] Đầu năm 2012, một số lao động xuất khẩu bất hợp pháp tại Nga gọi điện cho báo giới Việt Nam cầu cứu về tình hình lao động mà không được trả lương cả năm, trốn ra ngoài thì bị báo cảnh sát bắt và phạt tiền.[69]
Có tình trạng nhiều đối tượng, công ty lừa đảo người lao động Việt Nam chiếm đoạt tài sản hoặc đưa người lao động sang châu Âu bất hợp pháp. Ngoài ra còn có dấu hiệu hình thành các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang châu Âu, bán vào các ổ mại dâm.[44]
Từ 2004 đến 2008, khoảng 5.400 người đã chấp nhận vay mượn tiền để xuất ngoại đi lao động tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Úc nhưng không đi được vì bị lừa.[77]
Việc vi phạm hợp đồng có thể diễn ra từ nhiều phía: nhà môi giới, nhà tuyển dụng hoặc lao động.
Các lao động Maylaysia bị nhà mội giới xuất khẩu bỏ mặc ngay sau khi sang nước ngoài, nhận được việc làm không theo nội dung như trong hợp đồng. Một số rơi vào tình trạng việc làm lúc có lúc không, bị quỵt lương, bị chuyển nơi làm việc nặng liên tục như bốc vác, hàn xì, đổ bê tông,...[43] Đây là thị trường được xem la có thu nhập thấp, rủi ro cao. Thu nhập bình quân của các lao động này ở Malaysia là khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.[38] Người lao động có thể phải làm việc 12 giờ mỗi ngày tại những công trường công việc nặng nhọc trong điều kiện lao động nguy hiểm mà công nhân địa phương không chịu làm và nhiều tháng liền không được trả lương đồng thời bị ngược đãi. Phản đối điều này, năm 2005, một nhóm lao động Việt Nam đã biểu tình trước tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.[78] Tương tự, tại Đài Loan, công việc chính của người lao động xuất khẩu là làm trong các ngành mà người dân địa phương không đoái hoài hoặc chê vì lương quá thấp.[71]
Tại Qatar, số lao động Việt Nam có tỷ lệ vi phạm hợp đồng cao do các yếu tố như 95% tham gia công việc xây dựng nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, thu nhập trên 200 USD/tháng, khác biệt lớn về văn hoá, các vấn đề về pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp cùng một số yếu tố kinh doanh, cờ bạc, trộm cắp phát sinh từ phía lao động Việt Nam.[79]
Tại Cộng hòa Séc, người lao động Việt Nam gặp phải tình trạng bóc lột, bỏ đói và nhiều vấn đề phức tạp khác. Giới truyền thông đại chúng Séc sử dụng rộng rãi cụm từ "nô lệ thời đại mới" để nói về những công nhân ngoại quốc.[80]
Năm 2010, 120 người lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức biểu tình để phản đối điều kiện làm việc.[81]
Tình hình bất ổn chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng ảnh hưởng đến lao động xuất khẩu. Năm 2011, do cuộc khủng hoảng chính trị tại Lybia, Việt Nam đã phải sơ tán khẩn cấp hơn 10.000 lao động về nước.[19] Những lao động này khi trở về phải đối mặt với các khoản nợ không nhỏ đã vay trước khi đi xuất khẩu. Trước đó, năm 1991, Việt Nam đã sơ tán khoảng 18.000 lao động làm việc tại Iraq do chiến tranh Vùng Vịnh.[82] Một số khó khăn khác có thể kể đến như: ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu và sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động như Trung Quốc, Indonesia,...[20][45]
|ngày tháng=
(trợ giúp)
|ngày tháng=
(trợ giúp)
|title=
(trợ giúp)
|ngày tháng=
(trợ giúp)
Wikisource tiếng Việt có toàn văn tác phẩm về: |