Đông Sơn
|
||
---|---|---|
Xã | ||
Xã Đông Sơn | ||
Hành chính | ||
Quốc gia | Việt Nam | |
Vùng | Đồng bằng sông Hồng | |
Tỉnh | Ninh Bình | |
Thành phố | Tam Điệp | |
Trụ sở UBND | Thôn 6 | |
Thành lập | 17/12/1982[1] | |
Địa lý | ||
Tọa độ: 20°7′27″B 106°55′59″Đ / 20,12417°B 106,93306°Đ | ||
| ||
Diện tích | 20,68 km² | |
Dân số (2019) | ||
Tổng cộng | 8.118 người[2] | |
Mật độ | 393 người/km² | |
Khác | ||
Mã hành chính | 14380[3] | |
Website | dongson | |
Đông Sơn là một xã thuộc thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Xã Đông Sơn cách trung tâm thành phố Ninh Bình 19 km, có vị trí địa lý:
Xã Đông Sơn có diện tích là 20,68 km², dân số năm 2019 là 8.118 người[2], mật độ dân số đạt 393 người/km².
Xã Đông Sơn được chia thành 12 thôn: 1, 2, 3, 4A, 4B, 4C, 5, 6, 7, 8, 9, 12.[4]
Ngày 17 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 200-HĐBT[1] về việc thành lập xã Đông Sơn thuộc thị xã Tam Điệp mới thành lập trên cơ tách một phần diện tích và nhân khẩu của thị trấn Tam Điệp và hai xã Yên Bình, Yên Sơn thuộc huyện Tam Điệp.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết[5] về việc tái lập tỉnh Ninh Bình từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ và xã Đông Sơn thuộc thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Ngày 10 tháng 4 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 904/NQ-UBTVQH13[6][7] về việc thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và xã Đông Sơn trực thuộc thành phố Tam Điệp.
Chợ Đông Sơn nằm ở thôn 5 là chợ trong danh sách các chợ loại 1, 2, 3 ở Ninh Bình.
Đất đồi Đông Sơn phù hợp với việc trồng dứa cung cấp cho Nông trường Đồng Giao, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nằm tại địa bàn thành phố Tam Điệp.
Dứa Đồng Giao là thương hiệu nông sản của vùng đất Tam Điệp, Ninh Bình. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình.
Đông Sơn cũng là địa bàn phát triển mạnh giống đào Tam Điệp, là loài cây cảnh tương truyền có từ thời Vua Quang Trung mở hội khao quân trong dịp tết trước khi tiến ra giải phóng Thăng Long. Đào phai Tam Điệp là loại hoa ghép nhiều tầng cánh như đào bích nhưng màu nhạt hơn, phơn phớt má hồng, được cho là màu mà nhiều người thiếu nữ, đượm vẻ thanh tao, kín đáo, kiêu kì.
Đông Sơn là một vùng trồng đào nổi tiếng của Ninh Bình, toàn xã có 12 thôn thì có 7 thôn trồng đào được công nhận làng nghề truyền thống, ước tính có khoảng 1.000 hộ trồng đào với diện tích trên dưới 130 ha.[8]
Từ năm 2013, Câu lạc bộ thơ xã Đông Sơn đã xuất bản các tập thơ “Đây xứ hoa đào” và “ Sắc đào Đông Sơn” để quảng bá thương hiệu đào Đông Sơn, hình ảnh đất và người Đông Sơn nói riêng và Tam Điệp nói chung.[9]
Trên địa bàn xã Đông Sơn có khu B của quần thể di tích Phòng tuyến Tam Điệp là nơi ghi dấu cuộc chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Thanh.
Năm 1788, 29 vạn quân Thanh kéo sang Việt Nam, với lý do diệt Tây Sơn dựng lại nhà Hậu Lê. Ngô Thì Nhậm chọn đèo Tam Điệp là nơi ngăn cản quân Thanh. Đây là vị trí khá hiểm trở, núi non hùng vĩ như bức tường thành án ngữ giữa hai miền. Đồi núi thung lũng liên hoàn tạo thành khối vững chắc án ngữ Bắc-Nam, giúp Nguyễn Huệ công thủ, tiến thoái cất lương, giấu quân để mùa xuân kỷ dậu (1789) tiến ra kinh thành Thăng Long quét sạch 20 vạn quân Thanh viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Quần thể di tích lịch sử phòng tuyến Tam Điệp tại thành phố Tam Điệp được công nhận và xếp hạng gồm 2 khu, trong đó toàn bộ khu B thuộc địa phận xã Đông Sơn gồm: luỹ Quèn Thờ, luỹ Quang Trung, đền Quèn Thờ gắn với danh thắng động Trà Tu, hồ Yên Thắng, hồ Mừng, hồ Đoòng Đèn.