Bogertophis rosaliae là danh pháp hai phần của loài rắn chuột Baja, được đánh giá là một trong các loài đặc hữu của miền bắc Mêxicô và một số vùng thuộc miền tây nam Hoa Kỳ. Loài này thuộc nhóm rắn sa mạc (Desert Ratsnakes). Tên tiếng Việt "rắn chuột Baja" này dịch từ nguyên gốc tiếng Tây Ban Nha của người dân địa phương Mêxicô gọi tên loài này là "Culebra-ratonera de Baja".[3] Loài này không có nọc độc,[4] bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội 2n = 38.
Tên khoa học đầy đủ của rắn chuột Baja là Bogertophis rosaliae (Mocquard, 1899), trong đó:
- Tên chi "Bogertophis" lấy gốc từ Bogert, nhằm vinh danh Charles Mitchill Bogert là nhà nghiên cứu sinh học người Mỹ, phụ trách nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ.[5][6]
- Tên loài "rosaliae" là tên địa phương thu mẫu vật điển hình Santa Rosalia tại Baja California Sur ở Mêxicô.
- Mocquard mô tả khoa học đầu tiên loài này vào năm 1899.
- Đây là loài rắn khá lớn: con trưởng thành có thể dài tới trên 1,5 m (34 - 60 inch, theo Stebbins, 2003), trung bình trong khoảng 91 – 122 cm.
- Rắn trưởng thành có màu giống màu nâu nhạt của đất cát, có 33 - 34 hàng vảy trên cơ thể, không có vết sẫm màu. Cơ thể mảnh có đầu khá rộng bề ngang làm phần cổ trở nên thon. Đôi mắt to và hơi lồi, mống mắt có màu vàng-xanh, lưỡi có màu hồng (Ottley & Jacobsen, 1983).
- Rắn con màu nhợt hơn và có các vệt sáng trên lưng (Stebbins, 2003).[7]
- Rắn chuột Baja phân bố chủ yếu ở vùng đất khô như đất bụi, vách đá hoặc núi đá, sa mạc, cũng có khi xuất hiện ở đầm lầy.[1] Hoạt động chủ yếu về đêm, nhưng đôi khi cũng thấy hoạt động ban ngày. Mỗi năm thường hoạt động từ cuối tháng 2 đến tháng 10 (Grismer, 2002). Leo núi rất giỏi, thường chỉ tấn công dữ dội khi bị đe dọa. Con mồi chủ yếu là chuột và các thú nhỏ, nhưng cũng ăn cả dơi và thằn lằn.
- Con cái noãn thai sinh, mỗi lần đẻ khoảng 2 - 10 quả trứng (Stebbins, 2003) vào mùa xuân. Trứng thường nở từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 10 (Grismer, 2002)[3]