Cá hồng bốn sọc sống tập trung gần các rạn san hô, được quan sát ở độ sâu khoảng 3–265 m (thường thấy trong khoảng 30–150 m); cá con sống trong các thảm cỏ biển.[12]
Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở cá hồng bốn sọc là 40 cm, thường thấy với chiều dài trung bình khoảng 25 cm.[12] Loài này có màu vàng tươi, chuyển dần sang màu trắng ở bụng và dưới đầu. Hai bên thân có 4 sọc xanh lam óng với nhiều sọc xám nhạt ở phần thân dưới cùng. Các vây màu vàng.
Số gai ở vây lưng: 10; Số tia vây ở vây lưng: 13–15; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 8; Số tia vây ở vây ngực: 16–17.[13]
Cá hồng bốn sọc sinh sản quanh năm, đỉnh điểm là vào tháng 11 và tháng 12 ở biển Andaman.[13] Tuổi cao nhất được ghi nhận ở cá hồng bốn sọc là 10 năm.[15]
Ở Hawaii, người ta phát hiện một loài khuẩn Chlamydiae mới trong các cơ quan nội tạng của cá hồng bốn sọc, được đặt danh pháp là Candidatus Renichlamydia lutjani.[16]
Là một loài du nhập ở Hawaii, cá hồng bốn sọc có khả năng gây ra sự cạnh tranh với những loài bản địa, như cá phèn Mulloidichthys vanicolensis. Cả hai loài chủ yếu được tìm thấy ở gần đáy biển, nhưng khi có sự xuất hiện của cá hồng bốn sọc, M. vanicolensis bơi lên cao hơn, nhưng ngược lại, cá hồng lại không như vậy với M. vanicolensis. Điều này cho thấy, cá hồng bốn sọc có xu hướng đẩy M. vanicolensis ra xa hơn khỏi sự bảo vệ của rạn san hô, làm tăng nguy cơ cá phèn bị săn mồi hay đánh bắt.[17] Cá hồng bốn sọc cũng có thể cạnh tranh môi trường sống với cá bướm Heniochus diphreutes và cá sơn đá Myripristis amaena.[18]
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy sự phong phú của cá hồng bốn sọc làm suy giảm quần thể các loài bản địa ở Hawaii qua việc cạnh tranh nguồn thức ăn hay săn mồi những loài khác. Hơn nữa, những loài quan trọng đối với nghề cá bản địa được xác định là không phải con mồi của cá hồng bốn sọc. Do đó, lo ngại rằng loài cá hồng bốn sọc có những ảnh hưởng bất lợi đối với các loài bản địa quan trọng về mặt thương mại ở Hawaii là không có cơ sở.[19]
^R. Fricke; W. N. Eschmeyer; R. van der Laan biên tập (2023). “Sciaena kasmira”. Catalog of Fishes. Viện Hàn lâm Khoa học California. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2023.
^ abcRanier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Lutjanus kasmira trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2024.
^ abWilliam D. Anderson & Gerald R. Allen (2001). “Lutjanidae”(PDF). Trong Kent E. Carpenter & Volker H. Niem (biên tập). The living marine resources of the Western Central Pacific. Vol. 5. Bony fishes part 3. Roma: FAO. tr. 2879. ISBN92-5-104302-7.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
^Schumacher, B. D.; Parrish, J. D. (2005). “Spatial Relationships Between an Introduced Snapper and Native Goatfishes on Hawaiian Reefs”. Biological Invasions. 7 (6): 925–933. doi:10.1007/s10530-004-2983-6. ISSN1573-1464.