Hồ Tịnh Tâm | |
---|---|
Vị trí | trong kinh thành Huế |
Xây dựng | 1822 |
Đời vua | Minh Mạng |
Tình trạng | còn nguyên vẹn |
Chức năng | nơi vui chơi giải trí |
Diện tích | 107.553 m2 |
Tọa độ | 16°28′41″B 107°34′36″Đ / 16,477931°B 107,576775°Đ |
Hồ Tịnh Tâm là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh.
Trước đây, hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm.
Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m, trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch. Bốn mặt có bốn cửa gồm cửa Hạ Huân ở phía nam, cửa Đông Hy ở phía bắc, cửa Xuân Quang ở phía đông và cửa Thu Nguyệt ở phía tây. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen trắng.
Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ, hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19.
Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Nổi bật nhất là bài Tịnh hồ hạ hứng, nằm trong chùm thơ Thần Kinh nhị thập cảnh của vua Thiệu Trị. Bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh Tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.