Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
"Hồn tử sĩ" | |
---|---|
Bài hát | |
Thể loại | Nhạc tiền chiến |
Soạn nhạc | Lưu Hữu Phước |
Viết lời | Hồng Lực Lưu Hữu Phước |
Thông tin bài hát ở Việt Nam | |
Tên khác | Hát Giang trường hận |
Năm sáng tác | khoảng 1942 - 1943 |
"Hồn tử sĩ" là một bài hát được dùng trong nghi thức lễ tang chính thức của nhà nước Việt Nam hiện nay. Trước năm 1975, bài hát này đã được cả hai miền sử dụng, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng trong lễ tang cấp nhà nước và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong nghi thức lễ tang quân đội.
Sau khi đỗ tú tài, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học trường Y - Dược, thuộc Viện Đại học Đông Dương (1940-1944). Thời ấy, do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Bình dân nên phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên Đông Dương rất mạnh mẽ. Lưu Hữu Phước nhanh chóng trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào, và có dịp tiếp xúc với một số thành viên của Việt Minh, từ đó bước vào con đường đấu tranh chính trị bằng khả năng của mình là âm nhạc.
Vào năm 1941, cùng với các sinh viên miền Nam có khả năng văn nghệ, mở rộng thêm một số các sinh khác địa phương khác đang học tại Hà Nội tham gia trong phong trào Tổng hội Sinh viên Đông Dương, ông thành lập nhóm nhạc Tổng hội Sinh viên, chú trọng đặc biệt đến việc dùng dòng nhạc hùng trong Tân nhạc, sử dụng trong việc đấu tranh chính trị chống Pháp và Nhật. Suốt trong giai đoạn 1941-1944, Lưu Hữu Phước cùng với nhóm sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là những học sinh, sinh viên. Những ca khúc đó thường lấy đề tài lịch sử ca ngợi những chiến công, những anh hùng dân tộc, đặc biệt phải kể đến những bản nhạc của Lưu Hữu Phước. Trong những đợt tổ chức các hoạt động về nguồn của sinh viên, Lưu Hữu Phước đã sáng tác được nhiều ca khúc nổi tiếng như "Tiếng gọi sinh viên" (sau sửa chữa và đổi tên thành "Tiếng gọi Thanh niên"), "Hát Giang trường hận" (sau sửa chữa và đổi tên thành "Hồn tử sĩ"), "Bạch Đằng giang", "Ải Chi Lăng", "Hội nghị Diên Hồng", "Hờn sông Gianh"... đã để lại dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, được xem là đỉnh cao của thể loại bài hát về đề tài lịch sử của Việt Nam, nhằm hun đúc tình thần dân tộc cho thanh niên Việt Nam.
Thời điểm sáng tác của bài hát vào khoảng 1942-1943, trong 1 đợt cắm trại do Tổng hội Sinh viên Đông Dương tổ chức tại Mê Linh. Trong dịp này, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài hát nguyên thủy với tên gọi "Hát Giang trường hận". Bài hát với nhịp điệu trầm hùng, gợi nhớ đến công ơn và sự hy sinh của Hai Bà Trưng kháng chiến chống ách đô hộ của nhà Hán.
HÁT GIANG TRƯỜNG HẬN
Năm 1944, Lưu Hữu Phước vào Nam Bộ theo yêu cầu của Mặt trận Việt Minh tham gia vận động cho phong trào "Xếp bút nghiên" của sinh viên 3 miền Nam - Trung - Bắc rủ nhau bỏ học để trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, khi tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, ông trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào. Tháng 8/1945, ông tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn. Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông giữ chức vụ Giám đốc phòng xuất bản Nam Bộ cho đến tận tháng 5/1946. Chính trong thời gian này, ông cùng với 1 đồng nghiệp có tên là Hồng Lực đã sửa chữa và đổi tên lại bài hát "Hát Giang trường hận" thành "Hồn tử sĩ" để tưởng nhớ và chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
HỒN TỬ SĨ
Trong kháng chiến chống Pháp, "Hồn tử sĩ" đã được sử dụng nhiều tại các buổi tang lễ Quốc gia tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau này, khúc nhạc đã được cả phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức sử dụng trong các lễ truy điệu.[1] Đây là 1 bài hát đặc biệt khi cả hai chế độ đối kháng nhau lại cùng sử dụng trong cùng giai đoạn.
Hiện tại, bài hát này được nhà nước Việt Nam sử dụng trong các lễ tang chính thức. Tại hải ngoại, bài hát vẫn được sử dụng như một thói quen trong các nghi lễ chiêu hồn tử sĩ.
Tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V.League 1, bài hát "Hồn tử sĩ" được đội kèn cổ động của CLB bóng đá Hải Phòng, CLB bóng đá Nam Định và một số CLB khác sử dụng mỗi khi cầu thủ của đối phương va chạm, gặp phải chấn thương và nằm trên sân chưa thể tiếp tục thi đấu, hoặc mỗi khi đội nhà thua trận.