Hoàng Hữu Xứng

Hoàng Hữu Xứng
黃有秤
Thông tin cá nhân
Sinh1831
Mất1905
Giới tínhnam
Gia quyến
Hậu duệ
Hoàng Bính, Hoàng Hoàn
Nghề nghiệpchính khách

Hoàng Hữu Xứng (黃有秤; 1831-1905) là danh thần nhà Nguyễn ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Việt Nam. Là vị quan trải qua các triều đại đầy sóng gió thời Nguyễn, bắt đầu từ năm Tự Đức 5 (năm 1852) đến khi hưu trí năm Thành Thái 12 (năm 1900), Hoàng Hữu Xứng được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, thăng dần đến chức Hiệp biện đại học sĩ sung Quốc sử quán Phó Tổng tài kiêm Kinh diên giảng quan.[1][2]

Trong sử Việt, Hoàng Hữu Xứng được biết đến là vị quan uyên thâm Nho học, là một trong các quan điều hành phụ trách việc biên soạn bộ quốc sử Đại Nam Thực Lục và là quan phụ trách việc biên soạn bộ sách địa lý Đại Nam Quốc Cương Giới Vực Biên. Trong cuộc đời quan lộ của ông, Hoàng Hữu Xứng còn được biết đến là một trong các quan đầu tỉnh Hà nội bị triều đình cách chức qua sự kiện thất thủ thành Hà Nội năm 1882, sau được khôi phục lại chức và thăng dần cho đến khi hưu trí vào năm 1900.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng Hữu Xứng sinh năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, tại làng Bích Khê, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Con ông là Hoàng Hữu Bính (sau đổi là Tiếp), đỗ Hoàng giáp năm 1889. Em ông là Hoàng Hữu Bỉnh, đỗ Cử nhân năm 1891, từng làm quan trải đến chức chức Tham tri gia hàm Thượng thư sung Toản tu Sử quán, giảng quan tòa Kinh diên [3]

Năm Nhâm Tý (1852), Hoàng Hữu Xứng thi đỗ cử nhân, được bổ làm quan. Hoạn lộ ban đầu của ông tài liệu không ghi rõ, chỉ biết vào tháng 10 năm Tân Dậu (1861), khi ông đang làm Huấn đạo quyền Tri huyện Tuy Viễn (Bình Định), nhờ có công "bắt đạo Gia Tô và giặc cướp", nên ông được đặc cách làm Tri huyện Hà Đông (Quảng Nam) hồi đầu năm 1863. Và đến tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1869), ông đã về triều làm Biện lý bộ Binh [4].

Năm 1873, ông được cử làm Bố chính Thanh Hóa. Năm 1877, ông lại được triệu về triều làm Tả thị lang bộ Lại. Năm 1880, thăng ông làm Thự Tuần phủ Hà Nội.

Rạng sáng ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (25 tháng 4 năm 1882), Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, đưa tối hậu thơ đòi giải giới và giao nộp thành. Vị quan giữ thành khi ấy là Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu liền tiếp thư, nhưng phía Pháp không đợi trả lời, mà nổ súng tấn công. Quan quân trong thành lập tức kháng cự, nhưng không thể cản ngăn được. Hoảng sợ, Bố chính Nguyễn Văn Tuyển, Đề đốc Lê Văn Trinh đều bỏ chạy thoát thân, còn Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng thì ẩn trốn trong hành cung.

Đến khi Tổng đốc Hoàng Diệu đã thắt cổ tuẫn tiết, Hoàng Hữu Xứng cũng định tuyệt thực quyên sinh, nhưng nghe theo lời Tôn Thất Bá nên thôi. Hai tháng sau, triều đình nhà Nguyễn nghị tội, Bố chính Tuyển bị đuổi về làm dân, còn Án sát Bá và ông đều bị cách chức nhưng cho lập công chuộc tội.

Năm 1883, sau khi vua Tự Đức mất, ông được phục chức làm việc tại triều. Năm 1885, Đồng Khánh kế vị, Hoàng Hữu Xứng được thăng làm Quang Lộc tự khanh lãnh Lại bộ thị lang kiêm quản viện Đô sát.

Tháng 9 năm Bính Tuất (1886), xét thấy ông "là người trầm tĩnh, học cũng hơi rộng" nên sung làm Đổng lý, cấp ấn "khâm phái quan phòng", cho đến ở phòng Nội các, để lo việc biên chép cương vực nước Việt Nam [5].

Tháng 3 năm Đinh Hợi (1887), sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên (7 quyển) làm xong, ông dâng lên, được vua Đồng Khánh khen và ban cho thực thụ hàm Lại bộ thị lang, Thự Tả tham tri, sung Quốc sử quán toản tu (coi như Phó viện) [6].

Đời vua Thành Thái (nối ngôi năm 1889), Hoàng Hữu Xứng lần lượt trải các thêm các chức khác, như: Thượng thư bộ Lễ, Chủ khảo các kỳ thi Hương, thi Hội,...

Hoàng Hữu Xứng mất năm Ất Tỵ (1905), thọ 74 tuổi.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm của ông có:

  • Đại Nam quốc cương giới vựng biên: 7 quyển và một tập bản đồ (gồm bản đồ phủ Thừa Thiên và bản đồ các tỉnh), do ông cùng với Nguyễn Hữu Độ, Phan Bình Đình, Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Thường biên soạn năm Đồng Khánh thứ 2 (1866). Sách chép tay, chữ Hán, 590 trang, khổ 28,7 x 21 cm, chưa được khắc in.
  • Cung kỳ luân âm (cùng viết với Nguyễn Thuật)

Chê trách và khen ngợi

[sửa | sửa mã nguồn]

Hành động thiếu dũng cảm của Hoàng Hữu Xứng khi thành Hà Nội thất thủ năm 1882, nhanh chóng trở thành đề tài cho sĩ phu thời bấy giờ châm biếm. Tương truyền, thơ nói về ông có hai bài, nhưng chỉ mới sưu tầm được một, nguyên văn như sau:

Thành hạ quan triều phải buổi se[7],
Sân rồng phục vị chỉ ngồi nghe.
Quyên sinh lại nghĩ thân còn vướng,
Nhất quyết nhiều khi mắt đỏ hoe.
Ba bữa không cơm đành uống giận,
Mấy phen ép cháo cũng ăn dè![8]
Giảng hòa nghe tiếng chừng mê mẩn
Một đỉnh đình đinh chuyện bé nhè[9].

Tuy nhiên, nhờ có công tổ chức biên soạn bộ sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên, nên ông vẫn được kể là "người con rất xứng đáng của Việt Nam trên đất Bích Khê"[10]. Ngoài ra, ông có công có công quy tập hài cốt của nghĩa quân Tây Sơn vì quốc vong thân, mang về an táng tại đất làng Thạch Hãn, cạnh thành cổ Quảng Trị. Nơi ấy gọi là Nghĩa Trũng đàn [11].

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn học, 2002.
  • Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
  • Nguyễn Đình Đầu, Hoàng Hữu Xứng - Đỗng lý biên tập sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên in trong Nguyễn Đình Đầu - Hành trình của một tri thức dấn thân. Nhà xuất bản. Thời Đại và tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2010.
  • Vũ Ngọc Khánh, Quan lại trong lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, bản dịch Cao Tự Thanh, trang 159 đoạn "1356. Hiệp biện đại học sĩ sung Phó Tổng tài Quốc sử quán, Kinh diên giảng quan hưu trí Hoàng Hữu Xứng chết. Hữu Xứng là cựu thần có danh vọng, coi sử quán, hầu Kinh diên, văn chương phẩm hạnh vốn rất rõ rệt, năm trước theo lệ (70 tuổi) dâng sớ xin hưu trí. Đến lúc ấy chết, có để lại di biểu. Vua rất thương tiếc, chuẩn phái quân binh hộ tống và ưu cấp tiền tuất. Lại sai quan tỉnh (Án sát Quảng Trị Tôn Thất Dịch trạm***) truyền chỉ ban tế để tỏ rõ ý ưu đãi thể thiếp."
  2. ^ Theo Quan chế nhà Nguyễn thời Minh Mạng, hàm Hiệp biện Đại học sĩ (thời Đồng Khánh vì kỵ húy đổi tên thành Hiệp tá Đại học sĩ) có trật Tòng nhất phẩm, và được ban thụy hàm và thụy hiệu là Cáo thụ Vinh Lộc đại phu, thụy Văn Ý
  3. ^ Theo Quốc triều Hương khoa lục. Dẫn lại theo Nguyễn Đình Đầu, bài đã dẫn ở mục sách tham khảo, tr. 79.
  4. ^ Theo Nguyễn Đình Đầu, bài đã dẫn ở mục sách tham khảo, tr. 79.
  5. ^ Theo Đại Nam thực lục. Dẫn lại theo Nguyễn Đình Đầu, tr. 80.
  6. ^ Theo Đại Nam thực lục. Dẫn lại theo Nguyễn Đình Đầu, tr. 83.
  7. ^ Buổi se: lúc ốm.
  8. ^ Hoàng Hữu Xứng nhịn đói ba hôm, nhưng con ông bí mật đưa cháo vào vẫn ăn (Ghi chú của Vũ Ngọc Khánh, tr. 408).
  9. ^ Tương truyền bài thơ này do Nguyễn Văn Giai (tức Ba Giai) làm, lần đầu được chép trong sách Hà thành thất thủ án. Ở đây chép theo sách Quan lại trong lịch sử Việt Nam, trang 408.
  10. ^ Nguyễn Đình Đầu giải thích: "vì vấn đề cương vực quốc gia bao giờ cũng là vấn đề trọng đại và thời sự" (bài viết đã dẫn, tr. 84).
  11. ^ Theo Nguyễn Đình Đầu, bài viết đã dẫn, tr. 84.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Danh sách địa điểm du lịch Tết cực hấp dẫn tại Châu Á
Danh sách địa điểm du lịch Tết cực hấp dẫn tại Châu Á
Bạn muốn du lịch nước ngoài trong dịp tết này cùng gia đình hay bạn bè? Sẽ có nhiều lựa chọn với những vùng đất đẹp như mơ trong mùa xuân này. Dưới đây là những địa điểm du lịch tại Châu Á mà bạn phải đến trong dịp Tết này.
Bốn kẻ đổ bộ và liên đới tứ kỵ sĩ khải huyền
Bốn kẻ đổ bộ và liên đới tứ kỵ sĩ khải huyền
Tứ Kỵ Sĩ Khải Huyền xuất hiện trong Sách Khải Huyền – cuốn sách được xem là văn bản cuối cùng thuộc Tân Ước Cơ Đốc Giáo
Nhân vật Suzune Horikita - Classroom of the Elite
Nhân vật Suzune Horikita - Classroom of the Elite
Nếu mình không thể làm gì, thì cứ đà này mình sẽ kéo cả lớp D liên lụy mất... Những kẻ mà mình xem là không cùng đẳng cấp và vô giá trị... Đến khi có chuyện thì mình không chỉ vô dụng mà lại còn dùng bạo lực ra giải quyết. Thật là ngớ ngẩn...