Kh-31 (tên ký hiệu của NATO: AS-17 'Krypton') | |
---|---|
Loại | Tên lửa không đối đất tầm trung |
Nơi chế tạo | Liên Xô |
Lược sử hoạt động | |
Phục vụ | 1988- nay |
Sử dụng bởi | Nga, Trung Quốc, Ấn Độ |
Lược sử chế tạo | |
Nhà sản xuất | Tập đoàn Tên lủa Chiến thuật (Zvezda-Strela trước 2002) |
Giá thành | 300 - 500 ngàn USD/quả (tùy phiên bản) |
Giai đoạn sản xuất | 1982 |
Thông số | |
Khối lượng | Kh-31A:610 kg (1,340 lb)[1] Kh-31P:600 kg (1,320 lb)[1] |
Chiều dài | Mod 1: 4.700 m (15 ft 5.0 in)[2] Mod 2 (AD/PD): 5.232 m (17 ft 2.0 in)[3] |
Đường kính | 360 mm (14 in)[1] |
Đầu nổ | HE[1] Kh-31A:94 kg (207 lb)[1] Kh-31P:87 kg (192 lb)[1] |
Động cơ | Động cơ tên lửa nhiên liệu rắn ở giai đoạn đầu, động cơ ramjet trong giai đoạn đường đạn ổn định |
Sải cánh | 914 mm (36.0 in)[1] |
Tầm hoạt động | Kh-31A: 25 km–50 km (13.5–27 hải lý; 15.5–31 dặm)[1] Kh-31P: lên tới 110 km (60 hải lý; 70 dặm)[1] |
Tốc độ | Kh-31A/P: 2,160-2,520 km/h (1,340–1,570 mph)[1] MA-31:Mach 2.7 (thấp), Mach 3.5 (cao)[2] |
Hệ thống chỉ đạo | Kh-31A: hệ thống radar chủ động với quán tính[1] Kh-31P: hệ thống radar bị động với quán tính |
Nền phóng | Su-30MK, Su-32, Su-35, MiG-29SMT, MiG-29K Kh-31A chỉ trang bị cho: MiG-27M, MiG-29M Thêm: Su-17M4, Su-24M[3] |
Kh-31 (tiếng Nga: Х-31; AS-17 'Krypton')[4] là một loại tên lửa không đối đất của Nga được trang bị cho các máy bay như MiG-29 Fulcrum hay Su-27 Flanker. Đây là một loại tên lửa hành trình chống tàu mặt nước với tầm bắn 110 kilomet (60 hải lý; 70 dặm) hay hơn và có khả năng đạt vận tốc Mach 3.5, đây cũng là tên lửa chống hạm siêu âm đầu tiên được trang bị cho máy bay chiến thuật.[3]
Kh-31 có vài biên thể, một biến thể được coi như tốt nhất được biết đến là tên lửa chống radar (ARM) nhưng cũng có biến thể chống hạm và làm mục tiêu bay không người lái. Hiện nay Kh-31 cũng được xem xét phát triển một biển thể không đối không tầm xa, nhằm trở thành "kẻ tiêu diệt AWACS".[4]
Với sự gia tăng của các tên lửa đất đối không (SAM) đã khiến nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương trở thành một ưu tiên đối với bất kỳ lực lượng không quân hiện đại nào khi dự định thực hiện một hành động tấn công. Việc loại bỏ các trạm radar tìm kiếm, theo dõi mục tiêu trên không và radar điều khiển hỏa lực khỏi vòng chiến đấu là một phần thiết yếu trong nhiệm vụ này. Các tên lửa chống radar (ARM) phải có tầm bay đủ để tránh khỏi tầm bắn của SAM, tốc độ cao để giảm khả năng bị bắn hạ và một đầu dò có khả năng tìm kiếm mọi loại radar, nhưng những tên lửa này không cần một đầu đạn quá lớn.
Các tên lửa ARM đầu tiên của Liên Xô được phát triển bởi nhóm các kỹ sư thuộc phòng thiết kế Raduga OKB chịu trách nhiệm thiết kế chế tạo các tên lửa cho các máy bay ném bom hạng nặng của Liên Xô. Kh-22P được phát triển từ loại tên lửa nặng 6 tấn là Raduga Kh-22 (AS-4 'Kitchen'). Bằng kinh nghiệm của mình, năm 1971 Raduga đã thiết kế chế tạo ra loại tên lửa Kh-28 (AS-9 'Kyle') trang bị cho máy bay chiến thuật như Su-7B, Su-17 và Su-24. Kh-28 có khả năng đạt vận tốc Mach 3 và có tầm bắn 120 km (60 hải lý), lớn hơn nhiều so với loại tên lửa AGM-78 Standard ARM cùng thời của Mỹ. Tiếp sau Kh-28 là Kh-58 được thiết kế chế tạo năm 1978, Kh-58 có cùng tốc độ và tầm bắn nhưng đã thay động cơ tên lửa dùng hai loại nhiên liệu lỏng bằng một động cơ đẩy dùng nhiên liệu rắn an toàn hơn.
Việc phát triển hơn nữa các tên lửa SAM tinh vi hiện đại như MIM-104 Patriot và Hệ thống Chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ đã đặt áp lực lên các kỹ sư nhằm phát triển các tên lửa ARM tốt hơn nũa.[5][6] Zvezda đã tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác so với Raduga, họ bắt đầu từ tên lửa không đối không hạng nhẹ. Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1970 họ đã phát triển thành công dòng tên lửa Kh-25 (AS-10 'Karen') không đối đất tầm ngắn, bao gồm Kh-25MP (AS-12 'Kegler') sử dụng cho nhiệm vụ diệt radar. Zvezda bắt đầu công việc từ một ARM tầm xa vào năm 1977, và lần phóng thử đầu tiên của Kh-31 diễn ra vào năm 1982.[3] Nó được đưa vào trang bị năm 1988 và được triển lãm công khai vào ăm 1991, Kh-31P tại Dubai và Kh-31A tại Minsk.[3]
Vào tháng 12-1997, có một báo cáo cho biết một số lượng nhỏ Kh-31 đã được chuyển giao cho Trung Quốc, và "việc sản xuất có thể bắt đầu".[7] Điều này xoay quanh việc Nga bán máy bay chiến đấu Su-30MKK 'Flanker-G' cho Trung Quốc vào thời điểm đó. Đây được xem như là đợt chuyển giao đầu của mẫu tên lửa gốc của Nga có tên mã là X-31, điều này cho phép thử nghiệm trong khi mẫu KR-1 đang được phát triển để sản xuất theo giấy phép.[8] Công việc tại Trung Quốc đã bắt đầu vào tháng 7-2005.[9]
Công việc phát triển tên lửa tại Nga đã được tăng tốc sau khi Zvezda sáp nhập vào Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật vào năm 2002, với thông báo về mẫu tên lửa mở rộng tầm bắn 'D' và mẫu nâng cấp để gia hạn tuổi thọ sử dụng của tên lửa 'M'.
Trong nhiều khía cạnh kỹ thuật Kh-31 là một phiên bản thu nhỏ của P-270 Moskit (SS-N-22 'Sunburn') và được thiết kế bởi cùng một người.[3] Tên lửa có hình dáng thường, với các cánh dạng chữ thập và cánh điều khiển làm bằng titan.[2] Tên lửa có 2 tầng đẩy. Khi phóng, một tên lửa phụ nhiên liệu rắn trong cánh sẽ giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 1.8[3] và các động cơ tách ra khỏi thân tên lửa. Sau đó, 4 khe hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng sẽ trở thành buồng đốt của một động cơ ramjet sử dụng nhiên liệu dầu lửa, động cơ này sẽ khiến tên lửa vượt vận tốc Mach 4.[4]
Đầu dò L-111E của phiên bản chống radar có duy nhất một anten, một mạng giao thoa của 6 tấm anten dạng xoắn trên một đế có thể điều khiển được.[4] Đầu dò chuyển cho phía Trung Quốc vào năm 2001-2002 có chiều dài 106,5 cm (41,9 in), đường kính 36 cm (14 in), và nặng 23 kg (51 lb).[9]
ARM Kh-31P bắt đầu đưa vào phục vụ trong Quân đội Nga vào năm 1988 và phiên bản chống tàu Kh-31A là vào năm 1989. Không giống như những loại tên lửa trước, nó có thể được trang bị cho hầu hết các loại máy bay chiến thuật của Nga, từ Su-17 'Fitter' cho đến MiG-31 'Foxhound'.
Như đề cập ở trên, vài quả tên lửa Kh-31P/KR-1 đã được giao cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng đây rõ ràng chỉ là số tên lửa dùng để thử nghiệm và dùng cho công việc phát triển. Trung Quốc đặt mua tên lửa của Nga vào cuối năm 2002 đầu năm 2003, tính đến năm 2005 trong kho của Trung Quốc đã có tới 200 quả KR-1;[3] người Trung Quốc thông báo vào tháng 7-2005 rằng những chiếc Su-30MKK thuộc Sư đoàn không quân số 3 đã được trang bị những tên lửa này.[9] Vào năm 2001, Ấn Độ đã mua Kh-31 cho Su-30MKI Flanker-H; với hợp đồng mua 60 tên lửa chống hạm Kh-31A và 90 tên lửa chống radar Kh-31P.[3]
Hải quân Mỹ đã mua 18 bia bay MA-31[10] trong đó có 13 chiếc được sử dụng trong giai đoạn 1996-2003.[2] Một hợp đồng 18,468 triệu USD đã được ký nhằm mua 34 chiếc MA-31 vào năm 1999,[11] nhưng hợp đồng này đã bị Nga hủy bỏ[10] và số bia bay còn lại đã sử dụng hết vào tháng 12 năm 2007.[12] MA-31 được phóng đi từ một chiếc F-4 Phantom, và trên F-16.[2]
Phiên bản không đối không chủ động/bị động nhằm tiêu diệt các máy bay AWACS bay chậm được gọi là "kẻ tiêu diệt AWACS", được công bố tại triển lãm hàng không Moscow với tầm bay 200 km (110 hải lý; 120 dặm).[3] Tầm bay này ít hơn so với 300–400 km (160-220 nmi; 190-250 dặm) của Vympel R-37 (AA-13 'Arrow') và Novator KS-172, nhưng phiên bản của Kh-31 có thể trang bị đại trà cho nhiều loại máy bay. Tuy nhiên điều này có thể chỉ là hình thức tuyên truyền; năm 2004 Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật của Nga "phủ nhận dứt khoát" việc họ đang phát triển phiên bản không đối không của Kh-31.[8] Năm 2005 những tin đồn về việc phát triển "kẻ tiêu diệt AWACS" dựa trên mẫu chống hạm vẫn xuất hiện, và Trung Quốc đã sửa lại YJ-91, bắt nguồn từ Kh-31P nhằm sử dụng cho mục đích tương tự.[4]
|accessdate=
(trợ giúp)
|Title=
(gợi ý |title=
) (trợ giúp); |title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp)