Minh Vương | |
---|---|
Biệt danh | Khôi nguyên vọng cổ |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Nguyễn Văn Vưng |
Ngày sinh | 1 tháng 6, 1950 |
Nơi sinh | Cần Giuộc, Long An, Quốc gia Việt Nam |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Nghề nghiệp | Diễn viên sân khấu |
Gia đình | |
Hôn nhân | Đỗ Thị Hồng (cưới 1990) |
Lĩnh vực | Cải lương |
Danh hiệu | Nghệ sĩ Ưu tú (2007) Nghệ sĩ Nhân dân (2019) |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Dòng nhạc | Tân cổ, vọng cổ |
Hãng đĩa | Dĩa Hát Việt Nam |
Hợp tác với | Mỹ Châu Lệ Thủy Phượng Liên Bạch Tuyết Thanh Kim Huệ |
Sự nghiệp sân khấu | |
Năm hoạt động | 1964 – nay |
Giải thưởng | |
Khôi nguyên vọng cổ 1964 | |
Giải Mai Vàng 2008 Nam diễn viên sân khấu | |
Minh Vương, tên thật Nguyễn Văn Vưng (sinh ngày 1 tháng 6 năm 1950) là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người Việt Nam, thành danh từ trước năm 1975. Ông kết hợp cùng với Nghệ sĩ Lệ Thủy tạo thành cặp đào kép ăn ý qua nhiều vở cải lương nổi tiếng.[1] Ông được giới mộ điệu cải lương đặt cho danh xưng "Ông hoàng cải lương".
Năm 2019, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm đợt 9 – 2019 cùng với các nghệ sĩ cải lương gạo cội: Thanh Tuấn, Giang Châu, Thoại Miêu, Thanh Nam, Thanh Ngân,...
Ông tên khai sinh là Nguyễn Văn Vưng, được cho là sinh ngày 1 tháng 6 (sau cuộc phẫu thuật ghép thận thành công vào ngày 1 tháng 6 năm 2012, ông quyết định chọn ngày này làm ngày sinh chính thức) năm 1950 tại Cần Giuộc, Long An. Gia đình ông có 7 anh em, đều sinh ra và lớn lên tại Long An.
Năm 10 tuổi, ông theo cha mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Tuy theo học trung học, nhưng ông lại mê hát cải lương, nên tìm đến thầy Bảy Trạch để học hát. Ông cũng từng đi làm em nuôi của những đào kép chính, phải khuân vác, xách đồ khi đoàn di chuyển, biểu diễn ở nơi khác.
Bắt đầu đi hát năm 14 tuổi (1964) và sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, được bầu Long ở đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng. Đi hát chưa được 1 năm thì Minh Vương bị bệnh nên phải nghỉ ở nhà chữa bệnh. 1 năm sau, Minh Vương trở lại đoàn hát. Ông nhận bất cứ vai diễn nào với tâm niệm: "Có công mài sắt có ngày nên kim".
Nhờ vào sự miệt mài, học hỏi, luyện tập mà năm 1967, Minh Vương được hát kép chính, đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng. Trên sân khấu Kim Chung, ông hát cặp cùng Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền,... Từ đó, ông trở thành ngôi sao sáng chói của đại bang Kim Chung thời bấy giờ.
Năm 1970, tên tuổi của Minh Vương thực sự bắt đầu tỏa sáng khi được Hãng Dĩa Việt Nam chú ý đến và mời thu thanh. Các tác phẩm do ông thủ vai kép chánh được thu vào băng đĩa như: Người tình trên chiến trận, Đường gươm Nguyên Bá, Đêm lạnh chùa hoang, Tiêu Anh Phụng, Tái sanh duyên, Đời cô Hạnh,... cùng hàng loạt những bài tân cổ giao duyên nổi tiếng.
Năm 1971, Minh Vương được mời đóng phim Sám hối dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Minh Đức Hoài Trinh.
Đến năm 1972, Minh Vương cùng vợ thành lập "đoàn cải lương Việt Nam" lưu diễn khắp nơi cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Sau năm 1975, Minh Vương từng là diễn viên của Đoàn Sài Gòn, Đoàn Văn Công Thành phố. Ông cũng đã từng đi sang biểu diễn ở Tây Âu cùng với các nghệ sĩ tài danh khác (1984).
Trong suốt sự nghiệp, ông diễn chung với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Cảnh, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu, Út Bạch Lan,...
STT | Tiết mục | Thể hiện với | Chương trình | Năm |
---|---|---|---|---|
1 | Tân cổ: Tiếng Hò Miền Nam (Phạm Duy, Viễn Châu) | Hương Lan | Paris By Night 91 | 2008 |
Năm 2012, Nghệ sĩ Minh Vương phát bệnh suy thận khiến chân sưng, việc tiểu tiện càng trở nên khó khăn, những ngày ấy ông phải chạy thận lọc máu chu kỳ mỗi tuần 3 buổi để duy trì sự sống, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật. Trong lúc tưởng như tuyệt vọng thì ông được gia đình một thanh niên 36 tuổi hiến tặng cho một quả thận sau khi qua đời vì tai nạn giao thông, sau ca phẫu thuật gần một tuần, sức khỏe của nghệ sĩ Minh Vương đã dần dần bình phục, thế nhưng, phía gia đình của nam thanh niên yêu cầu bệnh viện giữ kín thông tin về người cho. Nhớ đến ơn nghĩa đó nên nam nghệ sĩ quyết sống một cuộc đời thật ý nghĩa, cho chính mình và cho cả ân nhân cứu mạng.[2]
Theo nghệ sĩ Minh Vương, ông may mắn khi người thanh niên bị tai nạn đã hiến nội tạng cho bệnh viện có cùng nhóm máu O với ông: "Phước đức lớn cho tôi là sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ báo người hiến nội tạng và tôi có cùng nhóm máu, ca phẫu thuật sau đó cũng diễn ra thuận lợi", nghệ sĩ Minh Vương nói. Ông cho biết từ sau khi thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, bản thân bắt đầu có nhiều tư tưởng mới, ông nhận ra rằng thước đo của thành công không phải là thời gian mà là cống hiến.[3] Sau khi ghép thận, cứ 2 tháng một lần, nghệ sĩ Minh Vương lại có mặt đều đặn ở khoa Tiết niệu, bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành làm các xét nghiệm và lấy thuốc, mỗi lần như vậy phải tự túc chi phí từ 2-3 triệu VND vì nhiều thứ thuốc không có trong danh mục bảo hiểm.[4]
Ngày 2/7/2016, nhân dịp tròn 4 năm ngày phẫu thuật ghép thận thành công, nghệ sĩ Minh Vương quyết định tổ chức buổi tiệc với tên gọi "sinh nhật tuổi 40" để tưởng nhớ ngày ân nhân mang đến cho ông cuộc đời mới, đến dự có rất nhiều đồng nghiệp là nghệ sĩ gạo cội của làng sân khấu ca kịch cải lương và bà con thân thích cùng hàng xóm láng giềng.[5] Trong buổi tiệc, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy là người bạn diễn thân thiết, gắn bó với Minh Vương gần 50 năm trong bộ môn nghệ thuật cải lương chia sẻ: "Từ ngày được ghép thận, tôi thấy anh Minh Vương khỏe hơn, anh yêu đời, vui vẻ và vẫn hát tốt, tôi cầu mong cho anh luôn giữ được sức khỏe để cả hai còn có dịp hội ngộ trên sân khấu".
Nghệ sĩ Minh Vương là con trai trưởng trong gia đình, dưới có nhiều em nhỏ, ba má ông sang Úc định cư ở thành phố Sydney với em trai ông. Năm 2024, ba má nghệ sĩ Minh Vương vẫn còn khỏe được em trai ông đưa về nước thăm quê, bấy giờ Minh Vương đã 74 tuổi, ba ông 93 tuổi còn má ông 90 tuổi.[6] Sau 2 tuần hồi hương, cha mẹ Minh Vương quay lại Úc Châu, khi ngồi xuống ghế, mẹ NSND Minh Vương có bảo: "Con ngồi ghế này đi", ông quyết không ngồi để nhường cho mẹ và nói: "Má cứ ngồi đi, con đứng cũng được". Sau đó, ông đứng khoanh tay, khép nép bên cha như một đứa trẻ.[7] Ngày xưa Lão Lai tử thời Xuân Thu bên Trung Hoa ngoài 70 tuổi vẫn còn cả cha lẫn mẹ, khi cha mẹ buồn lúc trời mưa còn mặc quần áo sặc sỡ ra ngoài sân nhảy múa cho cha mẹ vui được lưu danh trong Nhị thập tứ hiếu, ngày nay Việt Nam ta có nghệ sĩ Minh Vương cũng ngoài 70 tuổi mà vẫn còn cả cha lẫn mẹ, quả là hiếm có trên đời.
Ông hoàng cải lương |
---|
Út Trà Ôn | Minh Cảnh | Minh Phụng | Thanh Tòng | Minh Vương | Thanh Tuấn | Chí Tâm | Vũ Linh | Linh Tâm | Kim Tử Long |