Sinh vật | |
---|---|
Nhóm | Thần thoại |
Tiểu nhóm | Yêu tinh nước |
Tài liệu | |
Thần thoại | Thần thoại thế giới |
Địa điểm nhìn thấy | Thế giới |
Môi trường sống | Biển, đại dương |
Nàng tiên cá (Anh: Mermaid) còn gọi là mỹ nhân ngư hoặc ngư nữ là sinh vật sống dưới nước có phần đầu và phần thân trên giống phụ nữ, còn phần dưới thì là đuôi cá trong văn hóa dân gian.[1] Nàng tiên cá xuất hiện trong văn hóa dân gian của nhiều nền văn hóa trên toàn thế giới, bao gồm châu Âu, châu Á và châu Phi. Phiên bản nam của nàng tiên cá là người cá (merman).
Trong văn hóa Assyria thời cổ đại, nữ thần Atargatis đã hóa thân thành nàng tiên cá vì cảm thấy hổ thẹn cho hành động vô tình giết chết người mình yêu. Nàng tiên cá đôi khi có mối liên hệ với những sự kiện nguy hiểm như lũ lụt, bão tố, đắm tàu và chết đuối. Trong một số truyền thuyết dân gian, nàng tiên cá có thể mang lòng nhân ái hoặc thương người, ban cho con người một vài ân huệ hoặc đem lòng yêu con người.
Quan niệm về nàng tiên cá ở phương Tây có thể chịu ảnh hưởng từ siren trong thần thoại Hy Lạp. Siren ban đầu là sinh vật có hình dạng nửa người nửa chim, nhưng về sau được hình dung là có hình dạng nửa người nửa cá trong thời kỳ Kitô giáo. Trong lịch sử có nhiều ghi chép về nàng tiên cá, chẳng hạn như qua những gì mà Cristoforo Colombo tường thuật lại trong chuyến thám hiểm vùng Caribe, cũng có thể là ông đã nhầm lẫn họ với lợn biển hoặc các loài động vật có vú dưới nước khác. Mặc dù ngoài văn hóa dân gian ra thì không còn bằng chứng nào chứng minh nàng tiên cá tồn tại, nhưng vẫn có những báo cáo về việc nhìn thấy nàng tiên cá tiếp diễn cho đến tận ngày nay.
Nàng tiên cá là một chủ đề phổ biến của văn chương và nghệ thuật trong nhiều thế kỷ gần đây, chẳng hạn như truyện cổ tích "Nàng tiên cá" (1836) của Hans Christian Andersen. Về sau, họ đã được khắc họa trong opera, tác phẩm hội họa, sách, truyện tranh, hoạt hình và phim người đóng.
Từ mermaid là từ ghép của từ mere (biển cả) và từ maid (cô gái hoặc người phụ nữ trẻ) trong tiếng Anh cổ. Thuật ngữ tương đương trong tiếng Anh cổ là merewif.[2] Nàng tiên cá được miêu tả theo quy ước là người đẹp với mái tóc bồng bềnh.[1]
Siren theo như mô tả trong thần thoại Hy Lạp (đặc biệt là sử thi Odyssey) là sinh vật nửa người nửa chim, từ đó dần dần thay đổi hình tượng thành người phụ nữ đuôi cá. Sự chuyển đổi này có thể khởi nguồn ngay từ thời kỳ Hy Lạp hóa.[4] Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất miêu tả "siren" giống như nàng tiên cá là từ các bestiary[a] trong thời kỳ Kitô giáo.[3][b]
Siren của Homer sở hữu một số thuộc tính như hay dụ dỗ đàn ông và có giọng hát đầy mê hoặc. Những thuộc tính này cũng trở nên gắn liền với nàng tiên cá.[3]
Ngoài ra cũng có những lý thuyết theo chủ nghĩa tự nhiên về nguồn gốc của nàng tiên cá. Những lý thuyết này cho rằng họ có thể bắt nguồn từ việc nhìn thấy lợn biển, cá cúi hoặc thậm chí là hải cẩu.[6][7]
Mô tả về những thực thể có đuôi cá, nhưng phần thân trên là của con người đã xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật Lưỡng Hà từ thời Đế chế Babylon Cổ trở đi.[8] Những hình tượng này thường là người cá nam (merman) nhưng đôi lúc cũng có sự hiện diện của nàng tiên cá.[8] Tên gọi của hình tượng nàng tiên cá có thể là kulitu, nghĩa là "phụ nữ người cá".[8] Những hình tượng như vậy đã được sử dụng như hình tượng hộ mệnh trong nghệ thuật Tân Assyria.[8] Họ cũng được thể hiện ở cả trên tượng đài điêu khắc cho đến những bức tượng hộ mệnh nhỏ.[8]
Câu chuyện về nàng tiên cá được biết đến lần đầu ở Assyria trong khoảng 1000 năm TCN. Mẹ của nữ hoàng Semiramis là nữ thần Atargatis đã đem lòng yêu một người phàm trần, người ấy là một người chăn cừu và bà đã vô tình giết chết anh ta. Cảm thấy hổ thẹn vì hành động này, bà gieo mình xuống hồ và biến hình thành cá, nhưng làn nước vẫn không che giấu được vẻ đẹp tuyệt trần của bà. Sau đó, bà hóa thân thành nàng tiên cá — phần người là từ thắt lưng trở lên, phần dưới là cá. Dù vậy, hình tượng đại diện sớm nhất của nữ thần Atargatis lại thể hiện bà là một con cá với phần đầu và phần tay của con người, tương tự như thần Enki trong văn hóa Babylonia.[9] Người Hy Lạp đã nhận diện Atargatis dưới cái tên Derketo.[10] Ở một thời điểm nào đó trước năm 546 TCN, nhà triết học trường phái Milet là Anaximandros mặc nhiên thừa nhận rằng xuất phát điểm của loài người là một loài động vật sống dưới nước. Ông tin rằng con người có xuất phát như vậy là vì họ quá dễ tổn thương và dựa dẫm khi còn là trẻ sơ sinh, nếu ban đầu không tồn tại kiểu đó thì không sống sót được lâu.[11][12]
Có một truyền thuyết về nàng tiên cá gắn liền với em gái của Alexandros Đại đế, nhưng truyền thuyết đó thực chất là một câu chuyện dàn dựng lên vào thời hiện đại.[13] Vào thế kỷ thứ 2, trong tác phẩm De dea Syria (Luận về nữ thần Syria), nhà văn người Syria Hy Lạp hóa là Lukianos xứ Samosata kể rằng ông đã nhìn thấy một mô tả của người Phoenicia về việc Derketo/Atargatis là một nàng tiên cá, dù vậy nữ thần này được đúc thành một hình tượng "hoàn toàn là phụ nữ" ở thành phố thánh.[c] Ông cũng đề cập đến việc ăn cá là điều kiêng kỵ ở một khu vực rộng lớn vì nơi đó tin rằng Derketo có thể là một dạng cá.[d][14]
Trong cuốn Naturalis Historia 9.4.9–11, Gaius Plinius Secundus mô tả về việc nhìn thấy nàng tiên cá rất nhiều lần ở ngoài khơi Gallia. Ông lưu ý rằng cơ thể của họ bao phủ bởi vảy và thi thể của họ thường xuyên dạt vào bờ. Ông bình luận rằng thống đốc ở Gallia thậm chí còn viết một lá thư gửi đến Hoàng đế Augustus để thông báo cho ngài.[15]
Nhà nguyện Norman xây dựng vào khoảng năm 1078 tại lâu đài Durham có thể là nơi mang tác phẩm nghệ thuật khắc họa nàng tiên cá sớm nhất còn sót lại ở Anh.[16] Nàng tiên cá có thể được nhìn thấy trên phần đỉnh hướng về phía nam của một trong những cột đá nguyên bản ở nhà nguyện Norman.[17]
Nàng tiên cá trong văn hóa dân gian Anh bị xem là điềm gở, sự xuất hiện của họ vừa báo trước một thiên tai có thể xảy ra, vừa có thể là nguyên nhân gây ra thảm họa.[18] Một số biến thể của bản ballad Sir Patrick Spens kể về nàng tiên cá nói chuyện với những chiếc tàu bị đắm. Trong một số phiên bản, cô nói với chúng rằng chúng sẽ không bao giờ cập bến nữa. Ở một số phiên bản khác, cô tuyên bố rằng chúng đang gần bờ, điều mà chúng đủ sáng suốt để hiểu rằng đó không khác gì là một điềm xấu. Nàng tiên cá cũng có thể là dấu hiệu của thời tiết xấu đang đến gần,[19] và một số được miêu tả là có kích thước lớn một cách bất thường, lên tới 2.000 foot (610 m).[18]
Nàng tiên cá cũng được mô tả là có thể bơi ngược sông để đến hồ nước ngọt. Có một câu chuyện kể về laird[e] xứ Lorntie định đến giải cứu người phụ nữ mà ông nghĩ rằng cô đang chết chìm ở hồ nước gần nhà. Một người hầu đã kéo ông ta lại và cảnh báo rằng đó là một nàng tiên cá. Nàng tiên cá hét lên với họ rằng cô có thể đã giết ông ta nếu như không có người hầu.[20] Nhưng nàng tiên cá đôi lúc cũng có lòng thương người, họ có thể dạy con người cách chữa một số loại bệnh.[21] Người cá nam (merman) được mô tả là hoang dã và xấu xí hơn nàng tiên cá, họ cũng ít quan tâm đến con người.[22]
Theo một truyền thuyết, nàng tiên cá đã đến làng Zennor ở Cornwall, tại nơi này cô thường nghe giọng ca của người hát hợp xướng tên là Matthew Trewhella. Hai người yêu nhau, và Matthew cùng với nàng tiên cá đến thăm nhà cô tại Pendour Cove. Trong những đêm hè có thể nghe thấy tiếng hát của đôi tình nhân. Tại Nhà thờ Saint Senara ở Zennor có một chiếc ghế nổi tiếng được trang trí bằng hình chạm khắc nàng tiên cá có tuổi đời khoảng 600 năm.[23]
Một vài câu chuyện đặt ra nghi vấn rằng liệu nàng tiên cá có linh hồn bất tử hay không, câu trả lời là không.[24]
Nàng tiên cá ở Ireland được gọi là merrow trong những câu chuyện như "Lady of Gollerus" xuất bản vào thế kỷ 19. Trong thần thoại Scotland, ceasg là nàng tiên cá sống ở vùng nước ngọt, dù vậy thuật ngữ này không được bảo tồn tốt trong văn hóa dân gian.[25]
Nàng tiên cá ở Đảo Man được gọi là ben-varrey, họ được coi là có thiện chí với loài người so với đồng loại họ ở vùng khác.[26] Họ thường giúp đỡ, ban ân huệ và đền ơn đối với con người. Truyện kể rằng có một ngư dân đã mang nàng tiên cá bị mắc cạn trở về biển cả và ông được trả ơn bằng việc cho biết vị trí của kho báu. Một câu chuyện khác kể về một bé gái tiên cá ăn trộm con búp bê từ cô bé loài người, mẹ bé tiên cá quở trách và đền cho cô bé loài người một món quà có vòng ngọc trai để tạ lỗi. Câu chuyện thứ 3 kể về một gia đình ngư dân thường xuyên gửi táo làm quà cho nàng tiên cá và được ban phát tài lộc.[26]
Melusine là sinh vật giống nàng tiên cá sống ở vùng nước ngọt trong văn hóa dân gian châu Âu. Đôi khi cô được mô tả là có 2 đuôi cá, hoặc có phần thân dưới của một con xà tinh.[27]
Chuyên luận Ex Libro de Nymphis, Sylvanis, Pygmaeis, Salamandris et Gigantibus, etc (Quyển sách về Nymph, Sylph, Pygmy, và Salamander, và những tinh linh khác) của nhà giả kim Paracelsus đề ra ý tưởng rằng tinh linh nước có thể đạt được linh hồn bất diệt nếu kết duyên với con người. Điều này dẫn đến sự ra đời của cuốn tiểu thuyết ngắn Undine của De la Motte Fouqué, và cuối cùng là tác phẩm văn học về nàng tiên cá nổi tiếng nhất của Hans Christian Andersen.[28]
Nàng tiên cá trong truyện cổ tích của Andersen đã trở thành nguồn cảm hứng cho bức tượng bằng đồng nổi tiếng thế giới khánh thành ở Copenhagen vào năm 1913. Bức tượng còn có bản sao ở 13 địa điểm khác trên thế giới – gần một nửa trong số đó nằm ở Bắc Mỹ.[29][30][31]
Trong thời kỳ Romanesque, nàng tiên cá thường gắn liền với sự dâm dục.[32][33]
Quan niệm về siren là sinh vật có phần giống nàng tiên cá và có phần giống chim vẫn tồn tại ở Hy Lạp Đông La Mã trong một thời gian.[34] Tác phẩm Physiologus khởi nguồn cho sự chuyển đổi minh họa của siren như là minh họa của nàng tiên cá, phiên bản từ thế kỷ 9 là ví dụ cho sự thay đổi này.[5] Trong khi từ điển tiếng Hy Lạp Đông La Mã tên là Suda (thế kỷ 10) vẫn thiên về mô tả siren như loài chim.[35]
Như đã đề cập ở trên, có một truyền thuyết Hy Lạp hiện đại kể rằng em gái của Alexandros Đại đế là Thessalonike tái sinh thành nàng tiên cá (tiếng Hy Lạp: γοργόνα) sau khi qua đời, cư ngụ ở biển Aegea. Mỗi lần bắt gặp bất kỳ con tàu nào trên biển, cô thường chỉ hỏi đoàn thủy thủ một câu: "Vua Alexandros còn sống không?" (tiếng Hy Lạp: "Ζει ο Βασιλεύς Αλέξανδρος;"), câu trả lời đúng là: "Ngài ấy còn sống, trị vì và chinh phục cả thế giới" (tiếng Hy Lạp: "Ζει και βασιλεύει και τον κόσμον κυριεύει").[13] Nếu trả lời như vậy thì cô sẽ hài lòng, theo đó cô sẽ làm phép xoa dịu vùng nước và chào tạm biệt con tàu. Bất kỳ câu trả lời nào khác sẽ khiến cô phẫn nộ, làm phép khuấy động một cơn bão khủng khiếp, nhấn chìm mọi con tàu và thủy thủ trên boong.[36] Truyền thuyết này bắt nguồn từ tác phẩm thuộc dòng lãng mạn Alexander có tựa đề là Phylláda tou Megaléxandrou (Φυλλάδα του Μεγαλέξανδρου) xuất hiện từ thời Hy Lạp Ottoman,[13] xuất bản lần đầu vào năm 1680.[37]
Rusalka là phiên bản Slav của siren và naiad trong văn hóa Hy Lạp.[38] Bản chất của rusalka có sự đa dạng trong số những truyền thuyết dân gian, nhưng theo nhà dân tộc học D.K. Zelenin thì họ đều có chung một yếu tố: những linh hồn ô uế không thể an nghỉ.[38] Họ thường là hồn ma của phụ nữ trẻ bị chết một cách tàn nhẫn hoặc yểu mệnh, có thể do án mạng hoặc tự sát, trước đám cưới của họ và đặc biệt là do chết đuối. Rusalka được cho là sống ở sông và hồ. Họ có diện mạo là những thiếu nữ xinh đẹp với mái tóc màu xanh lục nhạt và làn da trắng bệch. Điều này gợi mối liên hệ đến bèo dại và những ngày sống dưới nước thiếu ánh nắng mặt trời. Trời tối là thời điểm có thể nhìn thấy rusalka nhảy múa dưới ánh trăng, gọi tên những chàng trai trẻ để dụ xuống nước và sau đó dìm chết. Việc rusalka sở hữu các đặc điểm như khêu gợi và phụ bạc rất phổ biến ở Nga, Ukraina và Belarus, nhà văn Nga sống vào thế kỷ 19 cũng nhấn mạnh vào những chi tiết này.[39][40][41][42]
Trong sử thi của người Slav Đông có tựa là Sadko (tiếng Nga: Садко), nhân vật cùng tên với tiêu đề là một nhà thám hiểm, thương gia và nhạc sĩ gusli đến từ Novgorod. Ông có khoảng thời gian sống ở thủy cung của "Sa hoàng Biển cả" và kết hôn với con gái ngài là Chernava trước khi trở về quê nhà. Câu chuyện truyền cảm hứng cho những tác phẩm như bài thơ Sadko của Alexei Tolstoy,[43] vở opera Sadko do Nikolai Rimsky-Korsakov sáng tác, và bức tranh của Ilya Repin.
Người cá đã được đề cập trong hợp tuyển Sơn hải kinh viết về địa lý và thần thoại Trung Quốc, có niên đại từ thế kỷ 4 TCN.
Giao nhân (鮫 人) hay "người thuồng luồng"[44] được đề cập đến trong Bác vật chí (khoảng năm 290);[45][f] và một số văn tự khác,[46] bao gồm cả Thuật dị ký (nghĩa là "Ghi chép về những điều kỳ lạ") ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 6.[47]
Việt[g]Trung kiến văn (粤中见闻, 1730) có chứa 2 câu chuyện liên quan đến nàng tiên cá. Đầu tiên là câu chuyện kể về người đàn ông bắt được một hải nữ (海女) trên bờ hòn đảo Đại Tự Sơn. Cô nhìn giống con người ở mọi khía cạnh, ngoại trừ việc cơ thể được bao phủ bởi lớp lông mịn nhiều màu. Cô không thể nói chuyện nhưng người đó vẫn đưa cô về nhà và kết duyên với cô. Sau khi người đó qua đời, hải nữ trở về vùng biển nơi cô được tìm thấy. Câu chuyện thứ hai kể về người đàn ông nhìn thấy phụ nữ nằm trên bãi biển trong khi tàu của người ấy vẫn đang neo đậu ngoài khơi. Khi lại gần hơn để kiểm tra, bàn chân và bàn tay cô dường như có màng. Cô được mang thả xuống nước và bày tỏ lòng biết ơn với đoàn thủy thủ trước khi bơi đi.[48][49]
Hàn Quốc có 3 phía giáp với biển. Tại một số làng chài ven biển ở Hàn Quốc có lưu lại những câu chuyện kỳ bí về nàng tiên cá. Nàng tiên cá ở đây có đặc điểm như con người. Theo như Eou yadam ghi chép lại thì có một thị trưởng tên là Kim Dam Ryeong đã giải cứu bốn nàng tiên cá bị ngư dân bắt.[50] Ở đảo Dongbaek thuộc Busan lưu truyền một câu chuyện về nàng công chúa Hwang-ok đến từ vương quốc Naranda, một vương quốc hoang đường dưới đáy biển của những nàng tiên cá. Câu chuyện này dựa trên nhân vật lịch sử Heo Hwang-ok đến từ Ấn Độ.[51] Một câu chuyện khác kể về nàng tiên cá tên là Sinjike (tiếng Hàn: 신지 끼), cô thường cảnh báo ngư dân về cơn bão sắp đến bằng cách ca hát và ném đá xuống biển từ đảo Geomun. Cư dân đảo tin rằng cô là nữ thần biển cả và cô có thể dự báo thời tiết.[52]
Ningyo (人魚) trong tiếng Nhật được định nghĩa là sinh vật thường có một phần là của người phụ nữ, một phần là của cá. Nhưng từ điển Kōjien sửa đổi định nghĩa thành một phần là của con người, không phân định rõ giới tính.[53]
Trong một số mô tả nhất định, ningyo không nhất thiết phải là nửa thân hình phụ nữ, mà là có đầu phụ nữ nằm trên cơ thể giống cá.[54] Ningyo được cho là có cặp sừng vàng, bụng đỏ, ba mắt ở mỗi bên thân và đuôi cá chép.[54][55] Người cá này có số đo không chắc chắn là 3 jō 5 shaku hay nói cách khác là 10,6 mét (35 ft) và cần 450 phát súng trường để hạ gục.[55][56] Nơi bắt được sinh vật này là Yokata-ura, nay là vịnh Toyama.[54][55][h]
Ningyo có thể được tính là yōkai vì quyển sách tranh Gazu Hyakki Yagyō của Sekien Toriyama có đề cập dến nó.[58] Giới tính của ningyo không cụ thể vì nó chỉ được coi là thực thể "mặt người, thân cá". Sekien còn xem ningyo tương đương với đê nhân tộc (氐人族) trong hợp tuyển Sơn hải kinh.[58][59][60]
Có một truyền thuyết ningyo nổi tiếng liên hệ đến Yao Bikuni (八百 比丘尼), người được cho là có một phần thân xác của người cá, sống trường thọ trong nhiều thế kỷ. Không thể xác định phần da thịt có phải là của người cá nữ hay không, vì một cặp dịch giả gọi rằng nó là "da thịt của nàng tiên cá",[61] nhưng trong cuốn sách khác thì chỉ đơn thuần là "con cá lạ với khuôn mặt người".[62]
Suvannamaccha là con gái của Tosakanth xuất hiện trong phiên bản Thái và phiên bản Đông Nam Á khác của Ramayana.[63] Cô là công chúa tiên cá, ban đầu có ý định phá hỏng kế hoạch xây cầu đến Lanka của Hanuman nhưng cuối cùng lại phải lòng vị thần này.[64] Cô là hình tượng nổi tiếng trong văn hóa dân gian Thái Lan.[65]
Mami Wata là tinh linh nước được sùng bái ở vùng tây, trung, và nam châu Phi, ở cộng đồng người châu Phi vùng Caribe và một phần ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ. Họ thường là nữ nhưng đôi khi là nam. Họ được xem là những sinh vật hiểm ác, thường là femme fatale cám dỗ đàn ông đến chết.[66]
Năm 1493, khi dong buồm ngoài khơi bờ biển Hispaniola, nhà hàng hải Cristoforo Colombo phát hiện ra 3 siren hoặc nàng tiên cá (tiếng Tây Ban Nha: serena) mà ông cho rằng họ không đẹp như tưởng tượng vì khuôn mặt họ có vài nét nam tính. Tuy nhiên, rất có thể "nàng tiên cá" mà ông thấy chỉ là lợn biển.[67][68]
Trong chuyến hải trình thứ hai của Henry Hudson diễn ra vào ngày 15 tháng 6 năm 1608, đoàn thủy thủ của ông báo cáo rằng họ nhìn thấy một nàng tiên cá ở Bắc Băng Dương, cũng có thể là ở Biển Na Uy hoặc Biển Barents.[69] Ở Canada có hai báo cáo nhìn thấy nàng tiên cá từ Vancouver và Victoria, báo cáo thứ nhất nằm vào khoảng giữa 2 năm 1870 và 1890, báo cáo thứ hai là từ năm 1967.[70][71] Một ngư dân ở Pennsylvania báo cáo rằng ông đã 5 lần nhìn thấy nàng tiên cá ở sông Susquehanna gần Marietta vào tháng 6 năm 1881.[72]
Tháng 8 năm 2009, một số cư dân ở Kiryat Yam, Israel tin rằng thành phố này là chỗ ở của nàng tiên cá. Hội đồng thành phố sau đó hứa sẽ thưởng 1 triệu đô la Mỹ cho bất cứ ai chứng minh được nàng tiên cá có thật. Sự việc này thu hút nhiều người mang theo máy ảnh đổ xô đến bãi biển thị trấn lúc hoàng hôn, với hi vọng có thể nhìn thấy nàng tiên cá và chụp được tấm ảnh triệu đô.[73]
Ví dụ nổi tiếng nhất về trò lừa nàng tiên cá là nàng tiên cá Fiji triển lãm ở Luân Đôn vào năm 1822 và sau này ở Mỹ bởi P. T. Barnum vào năm 1842.[74] Trong vụ việc này, điều tra viên tuyên bố rằng họ đã truy ra nguồn gốc của sản phẩm là từ một ngư dân Nhật Bản.[75] Mặc dù triển lãm ghi là "nàng tiên cá" nhưng có một bài báo lại thẳng thừng đề rằng "người cá nam của Barnum".[76]
Một "nàng tiên cá" giả tương tự ở Bảo tàng Horniman đã được người phụ trách đọc lại là "người cá nam". Xét nghiệm DNA không đi đến kết luận gì về loài (và không tiết lộ được chút gì về giới tính). Mặc dù được xếp vào danh mục "cá khỉ Nhật Bản" nhưng một ký giả của The Guardian xác định rằng nó không chứa bộ phận của khỉ, mà chỉ có răng, vảy,... của cá.[77]
Nàng tiên cá giả sản xuất bằng bộ phận của cá và khỉ tại Trung Quốc và quần đảo Mã Lai được thương nhân Hà Lan xuất khẩu sang châu Âu từ giữa thế kỷ 16. Cơ sở sản xuất ra sản phẩm này được cho là đã tồn tại từ trước.[78] Ở châu Âu cũng có ngành công nghiệp tương tự là sản xuất Jenny Haniver từ cá đuối khô.[79]
Giữa thế kỷ 17, John Tradescant tạo ra một chiếc wunderkammer[i] mà trong đó, ông có trưng bày một "bàn tay của nàng tiên cá".[80]
Hội thảo về nàng tiên cá một cách nghiêm túc đã nảy sinh trong nhiều nghiên cứu khoa học, bao gồm cả đánh giá khoa học về tính không chắc chắn trong khả năng tiến hóa sinh học của nàng tiên cá trên trang web DeepSeaNews. Năm trong số những lý do chính khiến nàng tiên cá không phù hợp với thuyết tiến hóa theo cách hiểu hiện đại là:
Nàng tiên cá cũng được thảo luận nửa nghiêm túc, nửa đùa trong một bài viết khoa học của nhà hải dương học danh dự Karl Banse thuộc Đại học Washington.[82] Bài viết của ông mang tính chất giễu nhại[83] nhưng nhiều người hiểu lầm rằng đó là bài thuyết minh khoa học nghiêm túc vì nó được đăng lên một tạp chí khoa học.
Ví dụ nổi tiếng nhất về nàng tiên cá trong văn học có lẽ là truyện cổ tích "Nàng tiên cá" của Hans Christian Andersen, xuất bản lần đầu vào năm 1837.[28] Nhân vật cùng tên với tiêu đề là con gái út của vua thủy tề (trong một số bản dịch tiếng Việt). Khi một nàng tiên cá đủ 15 tuổi thì cô sẽ được phép ngoi lên mặt nước, ngồi lên mỏm đá, nhìn ngắm thế giới phía trên. Nàng tiên cá đem lòng yêu một hoàng tử,[j] và cô cũng khao khát có một linh hồn bất diệt như con người, dù tuổi thọ sẽ ngắn hơn. Hai khao khát đan xen vào nhau: chỉ khi chiếm được tình yêu đích thực của hoàng tử thì linh hồn cô mới có thể gắn kết với con người và trở nên bất diệt. Nhưng đuôi cá của nàng tiên cá là trở ngại khiến cô không thể kết nối với con người, vì vậy cô lên đường tìm gặp phù thủy biển và bà đưa cho cô một lọ thuốc để cô có được đôi chân người, với cái giá phải trả là mất đi cái lưỡi và giọng nói tuyệt vời. Nàng tiên cá phải chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng khi có đôi chân người, dù mất đi khả năng nói nhưng cô gần như đã thành công trong việc quyến rũ hoàng tử. Tuy nhiên, vì số phận trớ trêu[k] mà cuối cùng, nàng tiên cá bị từ chối. Cô sẽ chết trừ khi đâm hoàng tử bằng con dao thần trước khi anh kết hôn với công chúa nước láng giềng. Nhưng cô không nhẫn tâm đến mức có thể làm điều này nên đã gieo mình xuống nước và tan thành bọt biển. Dù vậy, đó vẫn chưa phải là kết thúc khi cô vẫn tiếp tục tồn tại dưới dạng người con gái không trung. Cô phải tiếp tục trải qua thử thách mới nếu muốn trở thành linh hồn bất diệt.[84]
Tác phẩm của Andersen được dịch sang hơn 100 ngôn ngữ.[85] Nàng tiên cá (theo quan niệm của Andersen) có sự tương đồng với undine, một nymph nước trong văn hóa dân gian Đức, sinh vật này chỉ có thể đạt được linh hồn bất diệt nếu kết hôn với con người.[86] Hình tượng nàng tiên cá của Andersen đã truyền cảm hứng cho công trình điêu khắc bằng đồng ở cảng Copenhagen và những tác phẩm văn học phương Tây như The Fisherman and His Soul của Oscar Wilde, và The Sea Lady của H.G. Wells.[87]
Công trình điêu khắc và tượng nàng tiên cá có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia và nền văn hóa, với hơn 130 bức tượng nghệ thuật công cộng trên thế giới. Các quốc gia có tác phẩm điêu khắc nghệ thuật công cộng bao gồm Nga, Phần Lan, Litva, Ba Lan, Romania, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Scotland, Ireland, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Áo, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam, Úc, New Zealand, Brasil, Ecuador, Colombia, Mexico, Quần đảo Cayman, Ả Rập Xê Út (Jeddah), Hoa Kỳ (bao gồm Hawaii và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ) và Canada.[88]
Từ năm 1895 đến năm 1905, John William Waterhouse vẽ nên bức họa có tầm ảnh hưởng đặt tên là A Mermaid. Tác phẩm này khi mới ra mắt đã nhận được nhiều sự hoan nghênh, giúp cho Waterhouse giữ vững vị trí thành viên của Học viện Hoàng gia. Tuy nhiên, bức tranh sau đó trở thành một phần của bộ sưu tập tư nhân và không thuộc sở hữu của Học viện Hoàng gia cho đến tận thập niên 1970. Hiện tại, nó vẫn đang nằm trong bộ sưu tập của Học viện Hoàng gia.[89] Nàng tiên cá cũng là chủ đề yêu thích của John Reinhard Weguelin, người cùng thời với Waterhouse. Ông dùng màu nước để vẽ bức tranh nàng tiên cá ở Zennor cũng như một số bức khác mô tả về nàng tiên cá.
Bộ phim mô tả về nàng tiên cá bao gồm Miranda (1948), Night Tide (1961), Splash (1984) và Aquamarine (2006). Nàng tiên cá cũng xuất hiện trong loạt phim truyền hình siêu nhiên nổi tiếng Charmed, đồng thời là cơ sở cho spin-off của loạt phim này với tựa đề là Mermaid. Bộ phim Cướp biển vùng Ca-ri-bê 4 thể hiện sự pha trộn giữa thần thoại mới và cũ của nàng tiên cá: hát dụ thủy thủ đến chết, mọc chân khi đi lên vùng đất cạn, và có thể ban cho nụ hôn ma thuật chữa bệnh.
Disney đã phát hành phim hoạt hình ca nhạc Nàng tiên cá vào năm 1989.[90][91] Phim có những thay đổi đáng kể so với phiên bản truyện cổ tích, bao gồm cả khía cạnh tôn giáo trong truyện và nhiệm vụ của nàng tiên cá để đạt được linh hồn bất diệt. Bản thân phù thủy biển cũng thế chỗ cho công chúa mà hoàng tử sẽ đính hôn, sử dụng giọng nói của nàng tiên cá để ngăn cô chiếm được trái tim hoàng tử. Tuy nhiên vào ngày cưới, âm mưu bị bại lộ và phù thủy biển bị đánh bại. Mô típ dao thần cũng không có trong phim, và bộ phim kết thúc bằng cảnh nàng tiên cá và hoàng tử kết hôn với nhau.[92]
Ponyo của Miyazaki Hayao là bộ anime về ningyo muốn trở thành con người với sự giúp đỡ của người bạn loài người Sousuke.
Logo của thương hiệu cà phê Starbucks là một con melusine.[93]
Mối quan tâm đến trang phục nàng tiên cá đã phát triển cùng với sự thịnh hành của việc cosplay nhân vật fantasy. Giá của monofin cũng không quá cao nên có thể sử dụng để chế tạo trang phục nàng tiên cá. Những bộ trang phục này thường thiết kế để sử dụng khi bơi lội, trong một hoạt động gọi là biểu diễn nàng tiên cá. Họp mặt của fandom nàng tiên cá cũng được tổ chức.[94][95]
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Nàng tiên cá. |
những 'con thú biển' này đã xuất hiện trong truyền thuyết dân gian từ nhiều thế kỷ nay. Nhiều nhà nghiên cứu dân gian và thần thoại cho rằng nguồn gốc của nàng tiên cá trong thần thoại là cá cúi. Điều này đặt ra giả thuyết rằng những câu chuyện thần thoại được tạo dựng nên từ việc các thủy thủ nhìn thấy cá cúi từ rất sớm.
Abundance of texts describe the shark people (chiao jen), who.. sell their soft unbleached (pongee) silk
氐人國在建木西,其為人人面而魚身,無足。