Ngọc Hà, Ba Đình

Ngọc Hà
Phường
Phường Ngọc Hà
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
QuậnBa Đình
Thành lập2005
Địa lý
Tọa độ: 21°2′16″B 105°49′47″Đ / 21,03778°B 105,82972°Đ / 21.03778; 105.82972
Ngọc Hà trên bản đồ Hà Nội
Ngọc Hà
Ngọc Hà
Vị trí phường Ngọc Hà trên bản đồ Hà Nội
Ngọc Hà trên bản đồ Việt Nam
Ngọc Hà
Ngọc Hà
Vị trí phường Ngọc Hà trên bản đồ Việt Nam
Diện tích0,8 km²[1]
Dân số (2022)
Tổng cộng19.479 người[2]
Mật độ24.348 người/km²
Dân tộcHầu hết là Kinh
Khác
Mã hành chính00016[3]

Ngọc Hà là một phường thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Phường Ngọc Hà có diện tích 0,8 km², dân số năm 2022 là 19.479 người,[1][2] mật độ dân số đạt 24.348 người/km².

Địa giới hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa giới hành chính phường Ngọc Hà như sau:

Đường phố

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đội Cấn
  • Hoàng Hoa Thám
  • Hùng Vương
  • La Pho
  • Ngọc Hà

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Xưa kia, nơi đây là phần đất của thập tam trại- mười ba làng bao quanh hồ Tây, chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành Thăng Long trước kia: Ngọc Hà, Thụy Khuê,... Địa bàn của phường Ngọc Hà ngày nay tương ứng với các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, nổi tiếng với nghề trồng hoa và làm thuốc nam. Trong đợt khai quật hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích một con sông cổ chảy ngang qua kinh thành theo hướng Đông - Tây, về phía làng Ngọc Hà xưa, và họ cho rằng đây là con sông mang tên sông ngọc (Ngọc Hà), làm nên tên làng Ngọc Hà.

Cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân Pháp chiếm một phần đất của làng Ngọc Hà để xây dựng Phủ Toàn quyền và Vườn hoa Bách Thảo[4]. Do ở gần Phủ Toàn quyền nên ở đầu phố Ngọc Hà có một đồn lính khố xanh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng ven của Phủ[4].

Năm 1981, làng Ngọc Hà trở thành phường thuộc quận Ba Đình[5].

Năm 2005, 19,90 ha diện tích tự nhiên và 5.226 nhân khẩu của phường Ngọc Hà được điều chỉnh về phường Liễu Giai mới thành lập[6].

Di tích lịch sử, văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngọc Hà có ngôi đình ở phía Đông Bắc làng, chính giữa một hồ nước, rộng trên một bán đảo, cách Vườn Bách Thảo một con đường cái. Đình thờ Huyền Thiên Hắc Đế - một nhân vật truyền thuyết đã âm phù vua nhà Lý đánh thắng giặc ngoại xâm. Đình đã bị huỷ hoại trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô cuối năm 1946, đầu năm 1947. Đến năm 1952 dân làng dựng lại đình[4].

Hội làng

[sửa | sửa mã nguồn]

Hội làng Ngọc Hà được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng, chung với làng Hữu Tiệp. Hai làng rước bài vị của thần đến Núi Sưa (trong vườn Bách Thảo hiện nay) để tế chung[4].

Làng Hữu Tiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Hữu Tiệp nằm sát đường Hoàng Hoa Thám, ở phía Bắc làng Ngọc Hà.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu thế kỷ XIX là một trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức; đầu thế kỷ XX là một xã thuộc phủ Hoài Đức, mặc dầu vậy, đây là một làng nhỏ, chỉ có hơn 30 mẫu đất, dân số (năm 1926) chỉ có 445 nhân khẩu[7].

Làng Hữu Tiệp có ba xóm: xóm Bảo Vân ở sát Đường Thành (đường Hoàng Hoa Thám), xóm Đình và xóm Thượng. Cư dân trong làng thuộc các họ gốc là: họ Tống, họ Lê và họ Trịnh. Ba họ này đều từ Tống Sơn (Thanh Hóa) và Hoa Lư (Ninh Bình) chuyển cư ra vào khoảng thế kỷ XI - XV. Về sau có thêm các họ: Phan, Phạm, Nguyễn, Dương, An.

Nhắc đến Hữu tiệp, người ta không thể quên được sự kiện đáng ghi nhớ. Đó là ngày 28 - 12 - 1972, một máy bay B. 52 của giặc Mỹ đã bị quân và dân Thủ đô bắn rơi xuống khu vực xóm Thượng của làng. Xác chiếc máy bay này hiện vẫn được bảo tồn, như là minh chứng cho cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12 - 1972.

Làng nghề

[sửa | sửa mã nguồn]

Giống như làng Ngọc Hà, làng Hữu Tiệp chỉ có đất để trồng hoa, không có ruộng đất để cấy lúa. Nhà và vườn trồng hoa đan xen nhau. Hai làng lại ở sát nhau, nên không có địa giới tự nhiên rành rọt. Do những đặc điểm chung này mà người Hà Nội trước đây gọi chung hai làng Hữu Tiệp - Ngọc Hà bằng một tên chung: Trại Hàng Hoa[7].

Nghề chính của làng Hữu Tiệp là trồng hoa, lúc đầu trồng các loại hoa nội, từ đầu thế kỷ XX bắt đầu trồng các loại hoa ngoại mà những người học được đầu tiên là các ông Phạm Văn Tỉnh và Trịnh Văn Quang. Người Hữu Tiệp còn biết kết hoa cho các xe tay, xe ô tô để dùng trong các dịp lễ tết, hội hay cưới xin, tang ma. Nghề trồng hoa làm cho cuộc sống của dân làng dễ chịu hơn so với các làng trồng lúa trong khu "Thập tam trại". Nhà cửa trong làng xưa kia phần lớn là nhà gạch hoặc nhà ngói. Ngoài trồng hoa, phụ nữ trong làng còn buôn bán hoa, nam giới đi làm thợ nề, thợ mộc, làm cai hoặc làm công nhân, số người đi học để làm công chức rất ít[7].

Di tích lịch sử, văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Làng có ngôi đình thờ Huyền Thiên Hắc Đế - một nhân vật truyền thuyết đã âm phù vua nhà Lý đánh thắng giặc ngoại xâm, giống như làng Ngọc Hà. Làng có chùa Bát Mẫu quy mô khá lớn. Làng có hai ngôi đền: đền Cát Triệu thờ mẹ thành hoàng, đền Trường Dược thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, tục truyền là bà chúa giữ kho thuốc súng, về sau thờ cả Mẫu Liễu Hạnh và Thủy Tinh (Mẫu Thoải). Hội làng được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng, chung với làng Ngọc Hà. Hai làng rước bài vị của thần đến Núi Sưa (trong vườn Bách Thảo hiên nay) để tế chung.

Làng Đại Yên

[sửa | sửa mã nguồn]

Đại Yên cũng là một làng nằm trong khu vực Thập tam trại. Làng tiếp giáp đường Hoàng Hoa Thám (Đường Thành cũ) về phía Bắc, làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp về phía Đông, làng Vĩnh Phúc về phía Tây và đường Quần Ngựa (hay Đường Mới, tức phố Đội Cấn) về phía Nam.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Hồi cuối Lê, đầu Nguyễn, làng là một trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, đến năm 1915 nâng lên thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi làm Đại lý đặc biệt Hà Nội). Năm 1926, làng có 376 nhân khẩu. Trong làng có các họ lớn là Hoàng (gốc làng Lệ Mật), Trần, Ngô, Trưng, Nguyễn, trước đây đều có nhà thờ họ. Nhà thờ họ Hoàng được đặt nơi tổ họ này từ Lệ Mật sang sinh cư lập nghiệp đầu tiên tại Đại Yên[8].

Làng nghề

[sửa | sửa mã nguồn]

Dân làng Đại Yên xưa kia sống bằng nghề trồng lúa, một bộ phận lớn dân làng có nghề trồng, khai cây thuốc Nam và chế biến các bài thuốc Nam. Nhiều gia đình chuyên bán thuốc Nam trong các chợ lớn ở thành phố. Để có được các gói thuốc Nam, người làng phi đi khắp các vùng quê, nhiều khi phi lên tận các vùng rừng núi để hái, có khi đánh cây về thuần dưỡng. Về sau, khi người Pháp vào, phố phường Hà Nội được mở rộng, người làng học thêm nghề trồng hoa. Hiện nay, do đất đai thu hẹp, nghề trồng hoa không còn, nghề trồng thuốc, làm thuốc Nam cũng đang mai một dần. Trước đây, một bộ phận nam giới trong làng rất thạo nghề xây dựng[8].

Di tích lịch sử, văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong địa phận làng Đại Yên xưa có gò đất cao rộng, gọi là núi Voi, tương truyền là nơi nuôi voi của triều đình xưa. Trên núi trước đây có một ngôi chùa. Vào năm 1892, tư sản Pháp Hômen đã câu kết với Chánh tổng tổng Nội để mua đứt quả núi này, đặt chỗ làm nhà máy rượu bia (nay là Công ty bia Hà Nội trên đường Hoàng Hoa Thám). Dân làng phản đối không được. Hôm Hômen chỉ huy lính khố xanh đến dỡ chùa, cụ Thủ từ và các bô lão trong làng ra cản nhưng không có kết quả[8].

Làng Đại Yên có ngôi đình ở giữa làng, nhìn hướng Tây về phía núi Cung và núi Cột Cờ, thờ vị thành hoàng là Công chúa Ngọc Hoa thờ Lý, có công đánh giặc phương Nam[8].

Cuối làng Đại Yên, ngay sát phố Đội Cấn có một ngôi chùa lớn là chùa Bát Tháp. Tương truyền, khu đất có ngôi chùa này chính là núi Vạn Bảo được ghi trong sử sách. Chùa Bát Tháp mới được đại tu năm Bính Thìn niên hiệu Khi Định (1916) vốn do ba chùa: Vạn Bo, Chéo Vang, và chùa Voi trên núi Voi nhập thành. Dựa vào ghi chép trong sách Thiền uyển tập anh, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chùa Vạn Bo chính là chùa Chân Giáo - một ngôi chùa lớn của Kinh thành Thăng Long được xây năm Bính Tý (năm 1024) để Vua Lý Thái Tổ đến nghe tụng kinh và là nơi Vua Lý Huệ Tông tự vẫn vào năm Bính Tuất (1226) mà sử cũ đã ghi. Ngày nay, làng Đại Yên đã trở thành phố phường đông đúc[8].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012.
  2. ^ a b “Thông báo 24/TB-UBND Hà Nội 2022 đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 cập nhật 09h00 ngày 07/01/2022”. LuatVietnam. 7 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ a b c d Làng Ngọc Hà. TS Bùi Xuân Đính[liên kết hỏng]
  5. ^ Quyết định số 3-CP ngày 03/01/1981 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất gọi tên các đơn vị hành chính ở nội thành nội thị
  6. ^ “Nghị định 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập phường thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy và thành lập thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội”.
  7. ^ a b c Làng Hữu Tiệp. TS Bùi Xuân Đính
  8. ^ a b c d e Làng Đại Yên. TS Bùi Xuân Đính[liên kết hỏng]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan