Một phim nghệ thuật thường là một bộ phim độc lập nghiêm túc nhằm vào một thị trường thích hợp hơn là nhằm vào số đông khán giả đại chúng.[1] Một bộ phim nghệ thuật "dự định là một tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, thường mang tính thực nghiệm và không được thiết kế để thu hút khán giả đại chúng";[2] chúng được "làm ra chủ yếu vì lý do thẩm mỹ chứ không phải để tìm kiếm lợi nhuận thương mại",[3] và chúng chứa "nội dung độc đáo hoặc mang tính tượng trưng cao".[4]
Các nhà phê bình phim và các nhà nghiên cứu phim thường định nghĩa một bộ phim nghệ thuật như là "những phẩm chất chính thức khiến chúng khác biệt với những bộ phim Hollywood khác",[5] có thể bao gồm một cảm giác về hiện thực xã hội; nhấn mạnh đến sự biểu hiện đặc trưng của đạo diễn; và tập trung vào những suy nghĩ, ước mơ, hoặc động cơ của các nhân vật, trái ngược với việc tạo ra một câu chuyện rõ ràng và có định hướng mục tiêu. Học giả điện ảnh David Bordwell mô tả phim nghệ thuật là một thể loại phim, với các luật lệ của riêng nó".[6]
Các nhà sản xuất phim nghệ thuật thường trình chiếu các bộ phim của họ tại các rạp chiếu phim chuyên biệt (rạp chiếu phim khép kín, hoặc ở Mỹ "rạp chiếu phim nghệ thuật") và tại các liên hoan phim. Thuật ngữ art film được sử dụng rộng rãi hơn ở Hoa Kỳ, Anh và Úc so với ở châu Âu, nơi thuật ngữ này gắn liền với phim "auteur" và "điện ảnh quốc gia" (ví dụ như điện ảnh quốc gia của Đức). Bởi vì dòng phim này nhắm vào các đối tượng thị trường nhỏ, nên hiếm khi chúng có được sự hỗ trợ tài chính cho phép ngân sách sản xuất lớn, các hiệu ứng đặc biệt đắt tiền, các diễn viên nổi tiếng tốn kém hoặc các chiến dịch quảng cáo khổng lồ như được sử dụng trong các bộ phim bom tấn chính thống phổ biến rộng rãi. Các đạo diễn phim nghệ thuật giải quyết những khó khăn này bằng cách tạo ra một loại phim khác, thường sử dụng các diễn viên điện ảnh ít được biết đến hơn (hoặc thậm chí các diễn viên nghiệp dư) và sử dụng những phim trường khiêm tốn để làm phim tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các ý tưởng hoặc khám phá các kỹ thuật thoại hoặc kỹ thuật làm phim mới.
Khán giả cần phải có một kinh nghiệm và kiến thức nhất định để hiểu đầy đủ hoặc đánh giá cao những bộ phim như vậy. Một bộ phim nghệ thuật giữa năm 1990 được gọi là "một cuộc trải nghiệm của não" mà được người xem ưa thích "vì những gì bạn hiểu biết về phim ảnh".[7] Điều này trái ngược với các bộ phim "bom tấn", vốn được tạo ra giúp người xem tạm thời thoát khỏi cuộc sống và mang tính giải trí đơn thuần. Để quảng bá phim, các bộ phim nghệ thuật dựa vào các nhà phê bình phim, các cuộc thảo luận về bộ phim đó do các nhà bình luận nghệ thuật, bình luận trên báo và các blogger thực hiện, và thông tin truyền miệng của những người xem. Vì các bộ phim nghệ thuật có chi phí đầu tư ban đầu thấp nên để cân bằng tài chính các phim này chỉ cần thu hút một lượng nhỏ các khán giả là đủ.
Nhà nghiên cứu phim David Bordwell đã trình bày định nghĩa học thuật của "phim nghệ thuật" trong một bài viết năm 1979 có tiêu đề "Điện ảnh nghệ thuật như một phong cách làm phim", trong đó so sánh phim nghệ thuật với những bộ phim thịnh hành của điện ảnh Hollywood cổ điển. Các bộ phim kiểu Hollywood sử dụng hình thức kể chuyện rõ ràng để tổ chức phim thành một loạt "sự kiện có mối quan hệ nhân quả diễn ra trong không gian và thời gian", mỗi cảnh đều hướng đến một mục tiêu. Cốt truyện của các bộ phim chủ đạo được thúc đẩy bởi một nhân vật chính được miêu tả rõ ràng, với những nhân vật được xây dựng cụ thể và được củng cố bằng "tư duy hỏi và đáp, quy trình giải quyết vấn đề, [và] cấu trúc cốt truyện với thời gian chặt chẽ". Bộ phim được liên kết bởi nhịp độ nhanh, nhạc nền để gợi cảm xúc thích hợp cho khán giả và cách chỉnh sửa chặt chẽ, liền mạch [8].
Ngược lại, Bordwell khẳng định rằng "phim nghệ thuật thúc đẩy cốt truyện của mình dựa trên hai nguyên tắc: tính chân thực và sự biểu đạt của tác giả". Các bộ phim nghệ thuật sai biệt các tiêu chuẩn làm phim "cổ điển" trong việc chú trọng đến cấu trúc cốt truyện theo dạng từng phần, đan xen với việc "nới lỏng chuỗi nguyên nhân kết quả".
Phim nghệ thuật, khác với các bộ phim chính thống, quan tâm hơn đến việc khám phá sự phức tạp trong tình cảm con người và những khó xử về mặt đạo đức mà không nhất thiết cung cấp giải pháp hay câu trả lời dễ dàng [9].
Cốt truyện trong phim nghệ thuật thường có vai trò phụ so với việc phát triển nhân vật và khám phá ý tưởng thông qua các đoạn hội thoại. Nếu một bộ phim nghệ thuật có cốt truyện, thì đó thường là một chuỗi các sự kiện không rõ ràng hoặc mập mờ. Có thể có những khoảng trống không được giải thích trong phim, những đoạn phim mơ hồ một cách cố ý hoặc không liên quan đến các cảnh trước đó, khiến người xem phải tự suy tưởng và hiểu theo cách riêng của họ về thông điệp của bộ phim. Phim nghệ thuật thường có một phong cách hình ảnh đặc biệt và cách tiếp cận riêng của đạo diễn. Các phim này thường từ chối cung cấp các "kết luận dễ trả lời", thay vào đó tạo cho khán giả nhiệm vụ suy nghĩ về "cách câu chuyện được kể? Tại sao kể câu chuyện bằng cách này?"[10].
Bordwell khẳng định rằng "phim nghệ thuật chính là một thể loại phim, với những quy ước riêng của nó"[11]. Nhà lý luận phim Robert Stam cũng lập luận rằng "phim nghệ thuật" là một thể loại phim. Ông cho rằng một bộ phim được coi là nghệ thuật dựa trên địa vị nghệ thuật, giống như các thể loại phim có thể dựa trên các khía cạnh của phim như ngân sách (phim bom tấn hoặc phim hạng B) hoặc các diễn viên chủ chốt (phim của Adam Sandler)[12].