Jidai-geki (thời đại kịch) là một thể loại phim điện ảnh, phim truyền hình hay kịch nói với bối cảnh là các thời kỳ trước cuộc Duy Tân Meiji (Minh Trị), trước thời Edo hoặc các thời kỳ trước đó trong lịch sử Nhật Bản.[1] Từ "kịch" (geki) trong "thời đại kịch" không chỉ mang nghĩa là diễn kịch trên sâu khấu mà còn bao gồm cả phim điện ảnh và phim truyền hình. Thời đại kịch là một thể loại lớn trong phim điện ảnh, phim truyền hình hay kịch nói tại Nhật, đối lập với "hiện đại kịch" (Gendai-geki) với bối cảnh là xã hội đương đại.[2]
Thể loại này cùng với tiểu thuyết thời đại (Jidai-shōsetsu) còn được gọi chung là "Mage-mono" hay "Chonmage-mono", trong đó Mage hay Chonmage là kiểu tóc đặc trưng của tầng lớp Samurai trong thời đại cũ và cũng là hình ảnh tượng trưng cho tầng lớp này.
Trong Jidai-geki, có loại kịch nói, phim ảnh với những cảnh đấu kiếm cao trào còn được gọi là Chambara (Chanbara).[3] Danh xưng này bắt nguồn từ từ tượng thanh "chanchan barabara" mô tả tiếng đao kiếm va chạm nhau trong phim.[4] Như vậy, Chambara là một phân nhánh nhỏ của Jidai-geki, trong đó Jidai-geki có thể hiểu nôm na là phim, kịch "cổ trang" đặc thù của nước Nhật, còn Chambara là phim, kịch với những màn đấu kiếm là cao trào của bộ phim, vở kịch, hay có thể hiểu nôm na là phim, kịch "kiếm hiệp".
Jidai-geki, Chambara thường được dịch sang Anh ngữ là "Samurai drama". Nói theo nghĩa rộng thì các bộ phim Ninja cũng được xếp vào thể loại Jidai-geki, nhưng thường là được phân chia rạch ròi. Chỉ những bộ phim với đề tài là các Ninja nổi tiếng (không phân biệt hư cấu hay nhân vật lịch sử) trong thời Chiến quốc (Sengoku) và Edo mới được xếp vào hàng Jidai-geki.
Jidai-geki là một thể loại lớn trong ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản, hằng năm có rất nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình thuộc thể loại này được chế tác. Trong số đó, phổ biến là các tác phẩm với bối cảnh từ thời Heian cho đến thời Duy Tân Meiji, và đặc biệt là tập trung vào thời Edo.
Thời kỳ Edo là một dấu son trong lịch sử Nhật Bản với rất nhiều thành tựu về văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật cũng như võ nghệ, kiếm pháp với vô số kiếm sĩ lừng danh. Vì vậy nên thời kỳ Edo trở thành một đề tài khai thác lớn của Jidai-geki và có rất nhiều phim trường được dựng lên với để phục vụ mục đích quay những bộ phim với bối cảnh thuộc thời kỳ lịch sử này.
Tuy phim ảnh với bối cảnh lịch sử trước cuộc Duy Tân Meiji, các thời kỳ lịch sử trước đó đều được xếp vào thể loại Jidai-geki nhưng các bộ phim với bối cảnh thời cổ đại, thời Yayoi thì có y phục, đạo cụ và nội dung khác nhiều với các bộ phim Jidai-geki phổ biến (thời Edo). Ngoài ra còn có thể loại phim lịch sử (Rekishi-geki), nhưng phim lịch sử nước Nhật cũng được gọi chung là Jidai-geki còn phim lịch sử của các nước khác thì vẫn gọi là phim lịch sử. Trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh, người ta dùng từ "period piece" hay "period drama" để chỉ về thể loại phim lịch sử tương đương với Jidai-geki của Nhật. Còn phim Jidai-geki Nhật Bản với những màn đấu kiếm là trung tâm thì gọi là Jidaigeki.
Trong Jidai-geki thường xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử, các sự kiện từng xảy ra trong lịch sử nhưng tất cả đều được tiểu thuyết hóa, được gia công để đại chúng đương đại dễ dàng đón nhận. Các phim Jidai-geki thời kỳ đầu thường mô tả, phản ánh trung thực về sự phân biệt giai cấp, thân phận cũng như phân biệt nam nữ trong xã hội. Tuy nhiên, trong các phim Jidai-geki thời kỳ, người ta nghĩ đến việc làm khác đi để không gây cảm giác xa lạ trong xã hội hiện đại, do đó mới có việc các nhân vật nữ có nhiều chỗ đứng trong câu chuyện và góc nhìn của nhân vật chính cũng được thay đổi để phù hợp với giá trị quan hiện đại.
Trong số các hình thức diễn kịch sân khấu tại Nhật thì Kabuki là một trong các loại hình có lịch sử phát triển sớm nhất, và các vở kịch Kabuki với nội dung là các sự kiện xảy ra từ thời Edo trở về trước được gọi là Jidai-mono (thời đại vật). [5] Ngày nay, từ Jidai-mono được dùng để chỉ các loại tiểu thuyết, phim ảnh, diễn kịch nói chung với đề tài, bối cảnh từ thời Edo trở về trước.
Như đã nói trên, Jidai-geki (thời đại kịch) là một thể loại đặc chủng riêng của Nhật Bản, bao trùm ở các mặt kịch sân khấu, phim điện ảnh và phim truyền hình. Kịch sân khấu bắt đầu từ sau thời Duy Tân Meiji, còn lịch sử của Jidai-geki trong điện ảnh bắt đầu từ sau khi Makino Shōzō, người được mệnh danh là cha đẻ của điện ảnh Nhật Bản, dựng bộ phim Jidai-geki đầu tiên là "trận hợp chiến ở chùa Honnō" (Honnō-ji no kassen) vào năm 1908 (năm Meiji thứ 41), và lịch sử của phim truyền hình bắt đầu từ sau đệ nhị Thế chiến (sau 1945).
Vào thời Meiji, từ "tráng sĩ" (sōshi) còn được dùng để chỉ các nhà hoạt động tự do dân quyền. Năm 1888 (Meiji thứ 21) có "tráng sĩ" Sudō Sadanori thuộc đảng tự do khai sinh ra thể loại "kịch tráng sĩ" (Sōshi shibai) ở Ōsaka, sau thể loại này được Kawakami Otojirō phát triển thêm. Từ những năm Meiji 30 (1890) trở về sau, để phân biệt với kịch Kabuki truyền thống, báo giới Nhật Bản gọi Kabuki là "cựu phái kịch" (phái kịch cũ) còn "kịch tráng sĩ" là "tân phái kịch" (phái kịch mới)[6]. Đến năm 1906 lại có Hiệp hội văn hóa của Tsubouchi Shōyō và Shimamura Hōgetsu, năm 1909 có nhóm Osanai Kaoru, Ichikawa Danza đới thứ hai gọi hình thức diễn kịch chịu ảnh hưởng của kịch cận đại Âu châu của họ là "tân kịch" [7] nhằm phân biệt với cựu phái (Kabuki) và tân phái (kịch tráng sĩ).
Và như vậy, có thể thấy hình thức phân biệt Jidai-geki (thời đại kịch) và Gendai-geki (hiện đại kịch) khởi nguồn từ cách phân biệt từ kịch sân khấu thời Edo.
Về mảng điện ảnh, có thể nói trong thời kỳ đầu nó chịu khá nhiều ảnh hưởng từ cựu phái kịch (Kabuki). Thời Makino Shōzō còn làm việc cho hãng phim Yokota Shōkai ở Kyōto thì các vai nữ trong phim của ông đều do các diễn viên nam gọi là "onna-gata" đảm nhiệm. Mãi cho đến năm 1919 (Taishō thứ 8) thì đạo diễn Kaeriyama Norimasa mới áp dụng nhiều yếu tố của tân kịch vào điện ảnh với bộ phim "cô gái miền sơn cước" (miyama no otome) và khi Osanai Kaori được hãng Shōchiku Cinema mời về làm đạo diễn thì điện ảnh mới thoát khỏi tầm ảnh hững của cựu phái kịch. Miyama no otome là bộ phim Nhật đầu tiên có sự xuất hiện của diễn viên nữ đóng vai nữ.
Năm 1912 (Taishō thứ 11), hãng phim Yokota Shōkai hợp nhất với ba hãng khác, thành lập nên hãng Nikkatsu. Sau khi thành lập, hãng này vẫn tiếp tục sử dụng các diễn viên nam (onna-gata) cho các vai diễn nữ trong các bộ phim đề tài hiện đại (Gendai-geki) và mãi đến năm 1923, thời kỳ xảy ra vụ đại chấn Kantō thì Nikkatsu mới bắt đầu sản xuất Gendai-geki với các yếu tố tân kịch. Lúc đó, tên của hãng cũng phân làm hai, là "Nikkatsu kyū gekibu" (bộ phận cựu kịch Nikkatsu) chuyên làm phim Jidai-geki và "Nikkatsu shin gekibu" (bộ phận tân kịch Nikkatsu) chuyên sản xuất Gendai-geki.
Tại Tōkyō thì có hãng phim Kokusai Katsuei (gọi tắt là Kokkatsu) ở Sugamo cũng từng có thời kỳ chuyên sản xuất Jidai-geki, nhưng sau phá sản vì trào lưu tân kịch trong điện ảnh ngày càng được ưa chuộng nên nhân sự của họ bỏ về Kyōto. Đó là lý do vì sao các diễn viên, đạo diễn Jidai-geki phần lớn ở Kyōto còn những người làm Gendai-geki lại sống ở Tōkyō. Cũng cần nói thêm rằng ngôi sao Jidai-geki đầu tiên là Onoe Matsu-no-suke. Ông từng đóng vai chính qua hơn 1000 bộ phim như Mito Kōmon, Araki Mata-uemon, Chūshingura,...
Năm 1917, Sawada Shōjirō, vốn xuất thân từ tân kịch, đứng lên thành lập "Tân quốc kịch" (Shinkoku-geki) vốn là trung gian giữa cựu phái kịch, tân phái kịch và tân kịch, lại áp dụng những màn đấu kiếm trong Kabuki và hướng tới đại chúng.[8] Tân quốc kịch được đại chúng đón nhận nồng nhiệt, và hai tựa kịch ăn khách của họ thời đó là "Tsukigata Hampeita" và "Kunisada Chūji" rất được yêu thích và sau được dựng thành phim.
Khoảng thời gian này, đạo diễn Makino Shōzō tách rời khỏi hãng phim Nikkatsu để hoạt động độc lập, lập hãng riêng là "sở đào tạo chế tác phim ảnh Makino", sau đổi tên thành Makino Production và đào tạo ra các ngôi sao như Bantō Tsuma-saburō, Arashi Kanjūrō, Tsukigata Ryū-no-suke và Kataoka Chiezō. Những người này sau lại đứng ra thành lập Bantō Tsuma-saburō Production và đào tạo ra hàng loạt những ngôi sao Jidai-geki khác. Bantō Tsuma-saburō cũng là người đầu tiên lập khu quay phim ở Uzumasa-mura, khu ngoại ô ở Kyōto và ngày nay là khu quay phim của hãng Tōei.
Từ giữa thập niên 1930 trở đi, nhờ kỹ thuật Talkie (đồng bộ hình ảnh và âm thanh) mà các rạp chiếu Jidai-geki cũng không còn sử dụng người đứng lồng tiếng sống cho phim nữa mà bộ phim đã có được tích hợp sẵn tiếng nói của diễn viên cũng như âm nhạc. Thời kỳ này còn thấy có phim Jidai-geki âm nhạc của đạo diễn Makino Masahiro là "trận ca chiến giữa uyên và ương" (Oshidora uta kassen).
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một lượng đạo diễn, diễn viên và khách xem tâm huyết với Jidai-geki câm, năm 1935 (Shōwa thứ 10) hãng phim Gokutō-eiga được thành lập ở thành phố Nishi-miya tỉnh Hyōgo và hãng Ichikawa Uta-emon Production ra đời ở tỉnh Nara. Hai hãng phim này đã sản xuất ra rất nhiều phim Jidai-geki câm cho đến khi giải tán[9].
Kể từ sau chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật Bản đầu hàng và đất nước được đặt dưới sự kiểm soát của tổng bộ tư lệnh tối cao Liên hợp quốc (GHQ). Dưới chính sách của phe chiếm đóng, những bộ phim vung đao múa kiếm (Jidai-geki, Chambara) bị xem là mang nặng tinh thần chủ nghĩa quân phiệt, những bộ phim tán thán chuyện báo thù của các Samurai bị cho là yếu tố gây nên lòng căm hận với Hoa Kỳ nên thể loại này bị cấm sản xuất trong một thời gian. Vào thời kỳ, chỉ những loại tiểu thuyết và phim ảnh được gọi là "Torimono-chō" với đề tài là điều tra, bắt bớ tội phạm của các vị quan giữ trật tự trị an thời Edo là được phép chấp bút và công chiếu.
Năm 1953, truyền hình Nhật Bản bắt đầu phát sóng và cũng cùng lúc đó, Jidai-geki chiếu trên truyền hình cũng bắt đầu được sản xuất. Năm 1963, đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản là NHK bắt đầu phát sóng loạt phim Jidai-geki dài kỳ kéo dài cho đến hiện giờ là Taiga Drama. Kể từ đó, rất nhiều Jidai-geki được sản xuất cho đến ngày nay.
Trong bối cảnh các chương trình TV khác chuyển đổi sang dạng quay video thì Jidai-geki chiếu trên truyền hình vẫn chủ đạo với lối quay phim nhựa mãi cho đến nửa sau của thập niên 1990, và nó chiếm được một vị trí nhất định với nội dung mang hơi hướng của phim chiếu rạp nhiều hơn là phim truyền hình. Đây là một đặc điểm của Jidai-geki truyền hình và các loại phim thám tử, điều tra tội phạm và loạt phim Tokusatsu với các siêu nhân, người hùng.[10]
Đến những năm 1990 (thời Heisei) cùng với sự xuất hiện của thể loại phim truyền hình Trendy drama với đề tài chủ đạo là tình yêu nam nữ và những vấn đề trong xã hội đương đại thì Jidai-geki trở nên khó tiếp nhận hơn đối với tầng lớp xem đài trẻ tuổi. So với Gendai-geki thì việc dàn dựng Jidai-geki tốn kém hơn rất nhiều (khảo chứng lịch sử, kinh phí dẫn dụng tư liệu, tiền chế tác đạo cụ, phục trang, hóa trang...) và cảnh quan bị hủy hoại cùng với sự phát triển của xã hội nên rất khó bảo tồn các địa điểm quay phim cho đúng với bối cảnh các thời đại cũ. Ngoài ra việc thiếu vắng tầng lớp kế thừa trong đội ngũ sản xuất, đào tạo người không đủ và các tác phẩm đi vào lối mòn sáo rỗng nên Jidai-geki trên TV không còn được ưa chuộng, việc sản xuất và phát sóng thường bị lãng tránh. Tuy nhiên, nhu cầu về Jidai-geki chiếu rạp trong thời kỳ này lại khá cao nên các tác phẩm này cho đến giờ vẫn được các chương trình phát sóng lại có thu phí và mảng phân phối DVD, Video ưa chuộng.[11]
Khuynh hướng chế tác Jidai-geki dành cho TV vẫn ngày càng giảm. Ngày 19 tháng 12 năm 2011, loạt Jidai-geki chiếu vào 8h tối thứ hai hàng tuần trên đài TBS là Mito Kōmon đã công chiếu tập cuối, kết thúc một chặng đường dài 42 năm lịch sử. Đến năm 2010, Jidai-geki chiếu trên truyền hình đứt mạch hẳn với sự kết thúc của phim "Orin, kẻ đào tẩu 2" (Nogare-mono Orin 2) và phim "Ō-oku tanjō. Arikoto, Iemitsu hen". Trong bối cảnh Jidai-geki lâm nguy như vậy, đài phát sóng qua vệ tinh có thu phí là Sky Premium Service phối hợp với sở phát sóng phim ảnh Nhật Bản qua vệ tinh (Nihon Eiga Eisei Hōsō) bắt đầu phát sóng bộ Jidai-geki mới sản xuất là Onihei Gaiden Yōsagi no Kakuemon vào Tết năm 2011 và bộ phim đã được đón nhận nồng nhiệt, đến tháng 2 năm 2012 thì dự án này lại bắt đầu với bộ phim Onihei Gaiden Kumagorō no kao. Những người sản xuất cũng nói lên quan điểm của mình từ góc nhìn kỹ thuật chế tác, nguy cơ "tuyệt chủng" của văn hóa, kỹ thuật điện ảnh độc đáo của Nhật Bản nên liên đoàn nhân viên làm việc ở điểm quay phim hãng Tōei tại Kyōto đã đứng lên thành lập "hội ủy viên phục hưng Jidai-geki", các diễn viên Jidai-geki không mấy tiếng tăm cũng biểu diễn những pha đấu kiếm, hành động ở làng điện ảnh Uzumasa (Kyōto) nhằm thu hút công chúng cũng như tìm đường sống cho Jidai-geki.
Về phần Jidai-geki chiếu rạp thì từ khoảng giữa thập niên 2000 trở về sau tuy số lượng sản xuất có ít hơn trước đó nhưng có khuynh hướng tăng dần dù không đáng kể. Các tác phẩm Jidai-geki mới cũng chuyển dần địa bàn từ truyền hình sang chiếu rạp. Năm 2010, 5 hãng phim Nhật hợp tác với nhau để tiến hành "chiến dịch phim Samurai" (Samurai Cinema Campaign), đồng thời điểm đó cũng có 5 phim chiếu rạp được công chiếu để quảng bá cho Jidai-geki là "13 thích khách" (Jūsan-nin no shikaku), "biến cố ngoài cổng thành Sakurada" (Sakurada mongai no hen), Raiō, "sổ chi tiêu của Võ sĩ" (Bushi no kakei-bo) và "47 Samurai cuối cùng" (Saigo no Chūshingura).
Như vậy, các nhà làm phim cũng đang tỏ ra rất cố gắng để khơi dậy lòng ham thích của thế hệ trung niên vốn là những khán giả trung tâm của Jidai-geki và họ cũng đang ra sức bảo vệ Jidai-geki, một phần của văn hóa Nhật Bản ở mọi phương diện.
Về mặt khảo chứng thời đại thì thông thường, hầu hết các tác phẩm Jidai-geki đều có những nhà chuyên môn, cố vấn về mặt lịch sử nhưng càng về sau này, do nhiều lý do nên mảng khảo chứng ngày càng bị lược bỏ, số chi tiết sai biệt với thời đại ngày càng tăng và điều này cũng không phải ngoại lệ đối với các tác phẩm mang đậm tính văn học.
Từ trước năm 1960, các diễn viên Jidai-geki phần nhiều đều nhuộm răng đen và cạo lông mày theo đúng thẩm mỹ thời cổ, nhưng hai tục này đều đã bị cấm chỉ sau thời Meiji và cũng có nhiều ý kiến cho rằng gu thẩm mỹ này nhìn ghê rợn, không hợp với người hiện đại nên việc nhuộm răng đen và cạo lông mày chỉ thấy có ở một số vai diễn đặc thù trong Jidai-geki ngày nay mà thôi. Đồ lót của nam giới Nhật Bản thời cổ vốn là quấn khố nhưng nó đã trở thành một kiểu quần lửng gọi là Sarumata trong các bộ phim Jidai-geki sau này, và còn nhiều yếu tố tạp nhạp khác chẳng hạn như đầu tóc và trang phục của diễn viên là thời Bakumatsu trong khi bối cảnh của câu chuyện lại là thời Genroku. Ngoài ra, y phục của các nhân vật quan lại, người hầu cũng như nhà ở, kiến trúc cũng đang bị lược bỏ nhiều yếu tố khảo chứng thời đại.
Về phần đánh kiếm, kỹ thuật rút kiếm nhanh đặc thù của Nhật Bản (Battō) từ lúc rút ra khỏi vỏ, chém và thu kiếm đều không gây ra tiếng động nào, và lúc đầu người ta cũng không làm tiếng cho những cảnh này, nhưng từ năm 1960 trở đi, nhà sản xuất dần dần đưa thêm hiệu ứng âm thanh vào những cảnh rút kiếm cùng với sự xuất hiện của hai bộ phim Yōjimbō (vệ sĩ) và Sambiki no Samurai (3 tên Samurai).
Cảnh sai biệt nhất về mặt khảo chứng lịch sử thường thấy trong Jidai-geki là cảnh cưỡi ngựa. Thực tế, từ thời Edo trở về trước, Nhật Bản hầu như không có những giống ngựa lai tạo ở Tây Âu như Thoroughbred hay Quarter horse với chiều cao trên 160 cm, vốn là những dòng ngựa chủ đạo để cưỡi ngày nay. Nói một cách nghiêm ngặt về mặt khảo chứng thời đại thì ngựa thuần chủng Nhật Bản vốn chỉ cao chừng 130~135 cm, nhưng thể cách của người Nhật ngày càng to lớn nên diễn viên trông sẽ không hợp với con ngựa, và số lượng ngựa thuần chủng Nhật Bản cũng ít hơn ngựa để cưỡi thông thường. Chính vì lẽ đó mà ngay cả Kurosawa Akira, đạo diễn nổi tiếng nghiêm ngặt về mặt khảo chứng lịch sử vẫn phải sử dụng ngựa Tây Âu cho các cảnh quay của mình[12][13].
Các vật dụng hàng ngày như đồ gốm sứ, đồ sơn mài trong Jidai-geki là các đồ vật đương thời hoặc được các nghệ nhân hiện đại sản xuất bằng thủ pháp đương thời, nhưng để phục vụ mục đích quay phim mà phải sản xuất ra những đồ vật với thủ pháp đúng thời đại và với một số lượng hạn chế như vậy cũng gây khó khăn nhiều cho ngân sách. Vì vậy nên người ta vẫn tái hiện đạo cụ với thủ pháp thời Edo hoặc gần với thời đại này để phục vụ mục đích quay phim, điều này dẫn đến nhiều sai lệch so với bối cảnh thời đại của bộ phim với tính nghệ thuật, tinh xảo, biểu hiện của những đồ vật đó.
+ Kiếm kịch (Kengeki), tức phim đấu kiếm, Chambara Jidai-geki: chủ yếu xoay quanh các màn đấu kiếm (Nhật) và thể loại này chiếm đa số trong Jidai-geki, nặng về tính giải trí hơn là yếu tố văn học. Gendai-geki chiếu trên truyền hình có những cảnh dùng đao kiếm sát thương con người thì bị phê phán là bạo lực, làm gia tăng tính tội phạm trong người xem, nhưng những màn đấu kiếm trong Jidai-geki được thể hiện như những động tác mang tính hình thức, một kiểu hiểu ngầm giữa nhà sản xuất với người xem nên dù có những cảnh chém giết số đông trong một khoảng thời gian rất ngắn vẫn không bị liệt vào đối tượng chỉ trích. Trong thể loại này lại chia thành các mảng nhỏ sau
+ Loại văn nghệ: dựng từ tiểu thuyết, các tác phẩm văn học (trừ Kiếm kịch). Có thể kể ra các mảng chính trong thể loại Jidai-geki này gồm
+ Makino Jidaigeki: các phim của đạo diễn Makino Shōzō, hay có những cảnh đấu kiếm đẹp mắt, những cảnh diễn tuồng Kabuki và là những phim Jidai-geki đầu tiên của Nhật Bản.
+ Nonsense Jidaigeki: những phim Jidai-geki trước đệ nhị Thế chiến và đa phần mang tính ba dớ, rẻ tiền, vô căn cứ, không logic.
+ Tōei Jidai-geki: phim của hãng Tōei (Đông Ánh), từng làm mưa làm gió trong thể loại Jidai-geki sau đệ nhị Thế chiến, đa phần là phim với bối cảnh thời Edo.
+ Dai-ei Jidai-geki: phim của hãng Dai-ei (Đại Ánh): hãng này không chỉ sản xuất các phim đấu kiếm mà còn có nhiều phim văn nghệ cũng như phim với bối cảnh thời đại ngoài thời Edo. Đặc trưng của hãng này là nặng về tính khảo chứng lịch sử, diễn viên thường nhuộm răng đen và cạo lông mày cho phù hợp với bối cảnh thời đại.
+ Kurosawa Jidai-geki: các tác phẩm của đạo diễn Kurosawa Akira. Đặc trưng với những cảnh chiến đấu thực tế, câu chuyện giàu tính nhân văn.
+ Nikkatsu Jidai-geki: các phim của hãng Nikkatsu có đặc trưng là nhiều cảnh hành động, đâm chém máu me cũng như không ít cảnh miêu tả sắc tình trần trụi.
+ Tōhō Jidai-geki: phim của hãng Tōhō (Đông Bảo)
+ Shōchiku Jidai-geki: phim của hãng Shōchiku (Tùng Trúc) ít nhiều đều mang đậm tính nhân văn, ấm áp tình người.
Trên đây chỉ giới thiệu một số bộ Jidai-geki nổi tiếng, ngoài số này Nhật Bản còn sản xuất rất nhiều Jidai-geki khác nữa, nhiều không sao kể xiết...
Là loạt phim chiếu suốt một năm trên đài truyền hình NHK, mỗi năm là một tựa đề. Loạt phim này thường dựa trên kịch bản là các tác phẩm văn học dài kỳ với bối cảnh lịch sử, nhân vật là các nhân vật lịch sử Nhật Bản. Tùy vào tác phẩm mà cũng có khi nhân vật là hư cấu. Trái với thể loại Jidai-geki thông thường vốn nặng về tính sáng tác, NHK Taiga Drama nghiêng về tính sử thực và là một mảng không thể không nhắc tới khi đề cập đến Jidai-geki, phim cổ trang Nhật Bản.
NHK Taiga Drama bắt đầu từ năm 1963 và kéo dài đến tận ngày nay. Ban đầu, Taiga Drama chỉ được biết đến trong phạm vi nước Nhật, nhưng trong vài năm gần đây, bắt đầu thấy những bước chân đầu tiên của nó tiến ra hải ngoại, một phần lớn là do sự hâm mộ của giới trẻ trên Thế giới đối với các diễn viên trẻ mới nổi xuất hiện trong Taiga Drama. Dưới đây là danh sách những bộ Taiga Drama từng phát sóng.
Trong số các tác phẩm Manga (truyện tranh) và Anime (phim hoạt hình) với bối cảnh, đề tài lịch sử thì có nhiều tác phẩm trở thành nguyên tác cho Jidai-geki chiếu rạp và chiếu truyền như kể trên và nếu xét theo nghĩa rộng thì chúng được xếp vào thể loại Jidai-geki Manga, Jidai-geki Anime.
Dưới đây là danh sách các Studio Nhật Bản có thể đảm nhận quay Jidai-geki hiện nay.
Ngoài những Studio trên, trước đây còn tồn tại rất nhiều Studio khác nhưng theo thời gian, số lượng studio giảm dần vì sự đi xuống của Jidai-geki.