Quốc kỳ Đan Mạch

Đan Mạch
TênDannebrog
Sử dụngCờ dân sựcờ hiệu
Tỉ lệ28:34 (14:17) đến 28:37
Ngày phê chuẩn1748 (cờ thương gia)
1842 (cờ quân sự)
1854 (sử dụng riêng trên đất liền)
Những tiền nhân thời Trung cổ (thế kỷ thứ 13/14) Các kiểu được sử dụng ít nhất từ năm 1400;[1] thiết kế chính thức cho cờ dân sự được chấp thuận năm 1748 (chiều dài hơi lớn hơn được cho phép từ năm 1893); việc sử dụng riêng tư trên đất liền được phê chuẩn năm 1854.
Thiết kếTông nền màu đỏ có hình chữ thập Bắc Âu màu trắng kéo dài đến các mép cờ; phần thẳng đứng của hình chữ thập được dịch chuyển sang phía kéo lên. Kích thước: chiều rộng 3:1:3 / chiều dài 3:1:4,5 đến 3:1:5,25.
Biến thể của Quốc kỳ Đan Mạch Đan Mạch
TênRigets flag — Lá cờ Vương quốc Đan Mạch
cũng được biết đến là Splitflaget
Sử dụngCờ nhà nướccờ hiệu
Tỉ lệ56:107

Quốc kỳ Đan Mạch (tiếng Đan Mạch: Dannebrog; phát âm [ˈtænəˌpʁoˀ]) là một lá cờ màu đỏ, có hình thập tự màu trắng kéo dài tới các cạnh. Thiết kế hình thánh giá trên cờ thể hiện cho Kitô giáo,[2][3][4] sau đó đã được các nước Bắc Âu áp dụng trên quốc kỳ của họ; quốc kỳ Thụy Điển, quốc kỳ Na Uy, quốc kỳ Phần Lan, quốc kỳ Iceland, cờ quần đảo Åland, cờ quần đảo Faroe cũng như cờ của các quần đảo Shetlandquần đảo Orkney thuộc Scotland. Trong thời kỳ liên minh cá nhân giữa Đan MạchNa Uy, quốc kỳ Đan Mạch cũng là quốc kỳ của Na Uy và tiếp tục như vậy, với một chút sửa đổi, cho tới năm 1821 khi Na Uy đưa ra Quốc kỳ Na Uy hiện nay.

Do nguồn gốc huyền thoại của lá cờ này bắt nguồn từ thế kỷ thứ XIII, quốc kỳ Đan Mạch được xem là quốc kỳ lâu đời nhất được liên tục sử dụng cho đến nay.[5][6] Sách kỷ lục Guinness (năm 2010) đã ghi nhận Dannebrog là "quốc kỳ lâu đời nhất thế giới" hiện vẫn còn được sử dụng, khi tính từ lần đầu tiên được chính thức sử dụng năm 1625.[7][8] Theo huyền thoại thì Đan Mạch có được lá cờ này trong Trận Lyndanisse năm 1219. Các người Đan Mạch gặp khó khăn trong cuộc Thập tự chinh ở Estonia, nhưng sau khi cầu xin Chúa thì có một lá cờ từ trời rơi xuống. Sau khi nhận được lá cờ, vua Valdemar II của Đan Mạch đã đánh bại các người Estonia. Các việc sử dụng lá cờ này được ghi chép lần đầu vài thế kỷ sau đó.[9]

Nguồn gốc huyền thoại

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyền thoại cho biết nguồn gốc lá cờ này xuất xứ từ Trận Lyndanisse, cũng gọi là Trận chiến của Valdemar (tiếng Đan Mạch: "Volmerslaget"), gần Lyndanisse (Tallinn) ở Estonia,ngày 15.6.1219.[10]

Cuộc chiến đã diễn ra tồi tệ với người Đan Mạch, và thất bại dường như sắp xảy ra. Tuy nhiên, một linh mục Đan Mạch trên một ngọn đồi nhìn ra trận chiến đã cầu xin Thiên Chúa, và càng cầu nguyện thì người Đan Mạch càng tiến gần tới chiến thắng. Trong một phút giây mệt mỏi ông không nâng được các cánh tay lên cao để cầu nguyện, thì người Đan Mạch bị thất thế và sắp bị thua trận. Vị linh mục cần 2 người lính nâng giùm 2 cánh tay ông lên để cầu nguyện, và người Đan Mạch lại tiến công, rồi khi gần chiến thắng thì (lá cờ) 'Dannebrog' từ trên trời rơi xuống. Nhà vua cầm lấy lá cờ giơ cao cho toán quân, lòng họ liền hăng say dũng cảm chiến đấu và cuối cùng người Đan Mạch đã thắng trận.

Theo huyền thoại thì lá cờ Dannebrog do chính Chúa ban cho người Đan Mạch, và từ ngày đó trở đi nó trở thành lá cờ của các nhà vua và nước Đan Mạch.

Dannebrog từ trời rơi xuống trong Trận Lyndanisse, 15.6.1219. Họa sĩ Christian August Lorentzen vẽ năm 1809. Bức tranh treo trong Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Đan Mạch

Không có ghi chép lịch sử nào minh chứng cho huyền thoại trên. Sau khi trận chiến nói trên xảy ra hơn 300 năm thì huyền thoại này mới được ghi chép lần đầu, và ghi chép liên kết huyền thoại này với một trận chiến nhỏ hơn nhiều, tuy cũng xảy ra tại Estonia trước đó: Trận Fellin (Viljandi) năm 1208. Tuy không có tư liệu lịch sử nào về chuyện lá cờ ở trận Fellin, nhưng cũng dễ hiểu là vì sao một trận chiến bé nhỏ ở một nơi vô danh đã được thay thế bằng trận chiến Reval (Tallinn) lớn hơn trong chiến dịch của vua Valdemar II ở Estonia.

Chuyện này xuất xứ từ 2 nguồn tài liệu được viết từ đầu thế kỷ thứ XVI.

Nguồn thứ nhất là quyển "Danske Krønike" (Lịch sử biên niên Đan Mạch) của Christiern Pedersen, một quyển tiếp theo quyển Gesta Danorum của Saxo Grammaticus, viết năm 1520 – 1523. Nguồn này không nêu sự liên quan của lá cờ với chiến dịch của vua Valdemar II ở Estonia, nhưng liên quan tới một chiến dịch ở Nga. Ông ta cũng cho rằng lá cờ rơi từ trời xuống trong chiến dịch của vua Valdemar II ở Nga, thì cũng là lá cờ mà vua Eric của Pomerania đem theo mình khi rời khỏi nước vì bị truất phế năm 1440.

Nguồn thứ hai là bài viết của tu sĩ dòng Phanxicô Petrus Olai (Peder Olsen) ở Roskilde năm 1527. Ghi chép này mô tả một trận chiến vào năm 1208 gần một nơi gọi là "Felin" trong chiến dịch của vua Valdemar II ở Estonia. Người Đan Mạch sắp bị đánh bại thì một lá cờ bằng da cừu mô tả một thập giá màu trắng từ trời rơi xuống và đã dẫn người Đan Mạch tới chiến thắng một cách kỳ lạ. Trong một ghi chép khác của Petrus Olai có tên "Danmarks Tolv Herligheder" (12 sự huy hoàng của Đan Mạch), thì sự huy hoàng thứ 9 là chuyện được thuật lại (về lá cờ) hầu như nguyên văn; tuy nhiên có một chương đưa vào được sửa thành năm 1219.

Hiện nay vẫn chưa xác định được: Liệu các ghi chép trên có thực sự mô tả một chuyện truyền khẩu lâu đời tồn tại vào thời điểm đó, hay chỉ là một chuyện bịa ra trong thế kỷ thứ XVI mà thôi.

Người ta tin rằng tên thủ đô Tallinn của Estonia có từ sau trận chiến nói trên. Tallinn phái sinh từ chữ "Taani linn", có nghĩa là "thành phố Đan Mạch" ở Estonia.

Tiếp tục huyền thoại lãng mạn

[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyện về lá cờ nguyên thủy có một đoạn tiếp theo:

Theo truyền thuyết, lá cờ nguyên thủy từ Trận Lyndanisse đã được sử dụng trong một chiến dịch nhỏ vào năm 1500 khi vua Hans tìm cách chinh phục vùng Dithmarschen (phía tây Holstein ở bắc Đức). Lá cờ đã bị mất trong cuộc bại trận tán loạn ở Trận Hemmingstedt ngày 17.2.1500. Năm 1559, vua Frederik II đã đoạt lại lá cờ trong chiến dịch Dithmarschen của mình. Trong điều kiện đầu hàng (của vùng Dithmarschen) có nói rõ là mọi lá cờ Đan Mạch bị mất trong trận chiến năm 1500 phải được trả lại Đan Mạch.

Truyền thuyết này có 2 nguồn: Lịch sử vua Hans của Hans Svaning từ 1668-1559 và Lịch sử về cuộc chiến tranh Dithmarschen sau cùng của Johan Rantzau năm 1569. Cả hai nguồn đều cho rằng cờ này là cờ nguyên thủy, và do đó cả hai tác giả đều biết huyền thoại về lá cờ từ trời rơi xuống. Năm 1576, Henrik Rantzau, con của Johan Rantzau, cũng viết về cuộc chiến tranh này và số phận của lá cờ. Ông ta ghi chú rằng khi được trả lại thì lá cờ ở trong tình trạng tồi tệ.

Các nguồn từ Dithmarschen, được viết ngay sau trận chiến năm 1500, cũng đề cập tới các lá cờ - trong đó có cờ hoàng gia - chiếm được của người Đan Mạch, nhưng không đề cập tới cờ Dannebrog hoặc lá cờ "nguyên thủy". Có vẻ hoàn toàn hợp lý khi cho rằng lá cờ riêng của nhà vua cũng như lá cờ dẫn đầu đoàn quân đều bị mất, vì chính nhà vua đã chỉ huy trận này (và bị thua). Tuy nhiên, liệu nhà vua có đem theo lá cờ "nguyên thủy" trong trận này hay không thì chưa biết rõ.

Trong lá thư gửi Oluf Stigsøn đề ngày 22.2.1500, vua Hans mô tả trận đánh, nhưng không nói gì tới việc mất một lá cờ quan trọng. Nói tóm lại, toàn bộ lá thư cho ta một ấn tượng là việc thất trận chỉ là một "việc rủi ro đáng tiếc".

Một dấu chỉ cho thấy chúng ta phải đề cập tới nhiều lá cờ, là các bài viết năm 1570 của Niels Hemmingsøn về một trận chiến đẫm máu năm 1520 giữa người Đan Mạch và người Thụy Điển gần thành phố Uppsala của Thụy Điển. Ông ta viết rằng "lá cờ dẫn đầu toán quân Đan Mạch" ("Danmarckis Hoffuitbanner") đã sắp bị quân Thụy Điển cướp được, may nhờ các nỗ lực phối hợp của người cầm cờ Mogens Gyldenstierne, đã bị nhiều vết thương, cùng với một chàng trai đến cứu anh ta, mới giữ được lá cờ. Chàng trai trẻ này là Peder Skram.

Tuy nhiên câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Một linh mục kiêm sử gia từ vùng DithmarschenNeocorus, đã viết trong năm 1598 rằng lá cờ Đan Mạch bị cướp trong trận chiến năm 1500, đã được đem về treo trong nhà thờ ở Wöhrden trong 59 năm, cho tới khi nó được trả lại cho người Đan Mạch như một phần của hòa ước năm 1559. Trong bài viết năm 1576, Henrik Rantzau nói rằng lá cờ được mang tới thành phố Schleswig và được đặt trong Nhà thờ chính tòa, sau khi cờ được trả lại cho người Đan Mạch.

Một sử gia ở Slesvig, Ulrik Petersen (1656–1735), viết vào cuối thế kỷ thứ XVII rằng lá cờ đó được treo ở nhà thờ chính tòa Slesvig cho tới khoảng năm 1660 nó bị mục nát, do đó chấm dứt câu chuyện kéo dài trên 400 năm của nó.

Dĩ nhiên, về mặt lịch sử, không thể chứng minh hoặc bác bỏ là những ghi chép trên đều đề cập tới cùng một lá cờ, hoặc lá cờ năm 1208 hay lá cờ năm 1219 có thực sự tồn tại hay không. Dường như nhiều huyền thoại trên đều dựa trên các huyền thoại ban đầu.

Sử dụng lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Cờ Đan Mạch trên trang đầu quyển Gesta Danorum của Saxo Grammaticus, theo phiên bản của Christiern Pedersen, 1514. Toàn trang đầu có thể xem ở đây.

Caspar Paludan-Müller

[sửa | sửa mã nguồn]

Sử gia Đan Mạch Caspar Paludan-Müller trong quyển "Sagnet om den himmelfaldne Danebrogsfane" (Huyền thoại về lá cờ Danebrog từ trời rơi xuống) (1873) đưa ra thuyết cho rằng đó là lá cờ do vị Giáo hoàng gửi tới vua Đan Mạch để dùng trong các cuộc Thập tự chinh ở Các nước Baltic. Các vua và các lãnh chúa khác chắc cũng nhận được những lá cờ như vậy.

Tuy nhiên, người ta có thể hình dung rằng nếu câu chuyện trên có thực, thì chắc chắn phải có vài ghi chép về sự việc này và có lẽ các sử gia Đan Mạch không thể bỏ sót mà không nêu ra theo cách nào đó. Được nhận một lá cờ từ Giáo hoàng là một vinh dự lớn, tuy nhiên mặc dù có rất nhiều thư của giáo hoàng liên quan tới các cuộc Thập tự chinh, nhưng không có thư nào đề cập tới việc trao cờ cho vua Đan Mạch. Hoặc cũng có thể là lá thư liên quan tới việc trao cờ đã bị thất lạc.

Johan Støckel

[sửa | sửa mã nguồn]

Một thuyết tương tự do thuyền trưởng kiêm nhà thám hiểm, nhà phiêu lưu người Đan Mạch Johan Støckel nêu ra hồi đầu thế kỷ XX. Ông cho rằng đó không phải là cờ của giáo hoàng trao cho nhà vua, nhưng trao cho vị khâm sứ Tòa thánh ở Bắc Âu, có thể là tổng Giám mục Andreas Sunesøn, rồi ông này – ngoài sự hay biết của nhà vua – đã mang theo lá cờ tham gia cuộc Thập tự chinh của nhà vua ở các nước vùng Baltic, trong một nỗ lực làm cho quân đội nhận một biểu tượng Kitô giáo (thay vì biểu tượng của nhà vua) và do đó tăng cường sức mạnh của giáo hội.

Không chắc là vị tổng Giám mục rất ngay thẳng và trung thành này đã làm một việc như vậy sau lưng nhà vua. Ngoài ra khó lòng có chuyện giáo hoàng gửi một lá cờ như vậy vì họ đã có sẵn một lá cờ, đó là cờ của dòng Hiệp sĩ Cứu tế (tiếng Đan Mạch: "Johanitterne").

Adolf Ditlev Jørgensen

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1875, sử gia Đan Mạch Adolf Ditlev Jørgensen trong quyển "Danebroges Oprindelse" (nguồn gốc quốc kỳ Đan Mạch) đưa ra một thuyết cho rằng cờ của Đan Mạch là lá cờ của Hiệp sĩ Cứu tế. Ông cho biết dòng Hiệp sĩ Cứu tế đến Đan Mạch vào hậu bán thế kỷ thứ XII, rồi trong những thế kỷ sau dòng này đã lan rộng tới các thành phố lớn như Odense, Viborg, Horsens, Ribe và trụ sở chính đặt ở Slagelse, nên vào thời Thập tự chinh ở các nước vùng Baltic, thì lá cờ biểu tượng của Hiệp sĩ Cứu tế đã là một biểu tượng nổi tiếng ở Đan Mạch. Hơn nữa ông ta cho rằng Theoderich, Giám mục vùng Livonia[11], từng là người đồng sáng lập dòng "Anh em mang kiếm vùng Livonia"[12], đã có ý định bắt đầu lập một dòng tương tự ở Estonia; và ông ta là người chủ trương lôi kéo từ Giám mục Albert của Buxhoeveden tới vua Valdemar II trong năm 1218, để Đan Mạch tham gia hoàn toàn vào cuộc Thập tự chinh ở các nước vùng Baltic.

Trong bài viết của giáo sĩ Henry của Livonia từ Riga có nói rằng Giám mục Theoderich bị giết trong trận đánh năm 1219, khi quân thù tấn công lều của ông vì họ cho rằng đó là lều của nhà vua. Adolf Ditlev Jørgensen giải thích rằng vì Giám mục Theoderich là người đã giữ lá cờ và cắm cờ đó bên ngoài lều của mình, bởi đó là biểu tượng quen thuộc của dòng "Hiệp sĩ Cứu tế" ở Livonia, và quân thù cho rằng đó là biểu tượng của nhà vua, do đó đã tấn công lầm vào lều của Giám mục Theoderich. Ditlev Jørgensen cho rằng nguồn gốc của huyền thoại về lá cờ từ trời rơi xuống xuất xứ từ sự lầm lộn trong trận chiến này.

L. P. Fabricius

[sửa | sửa mã nguồn]

Sử gia giáo hội Đan Mạch L. P. Fabricius đưa ra một thuyết khác để giải thích, trong nghiên cứu năm 1934 có nhan đề "Sagnet om Dannebrog og de ældste Forbindelser med Estland" (Huyền thoại về cờ Danebrog và những quan hệ với Estonia lâu đời nhất). Ông quy huyền thoại này có nguồn gốc từ Trận Fellin năm 1208, chứ không phải Trận Lyndanisse năm 1219, dựa trên nguồn lâu đời nhất về chuyện này.

Trong thuyết này, ông cho rằng đó chắc phải là lá cờ giáo sĩ của cá nhân tổng Giám mục Andreas Sunesøn hoặc có thể là cờ của tổng Giám mục Absalon, căn cứ vào những nỗ lực không mệt mỏi của ông nhằm mở rộng Kitô giáo sang các nước vùng Baltic. Do sáng kiến của ông và sự giám sát nhiều cuộc Thập tự chinh nhỏ hơn vốn đã diễn ra ở Estonia, lá cờ này đã quen thuộc ở Estonia. Fabricius nhắc lại chuyện lá cờ cắm trước lều của Giám mục Theodorik, khiến quân thù tưởng lầm là lều của nhà vua nên tấn công vào.

Mọi thuyết nêu trên đều tập trung vào 2 trận đánh ở Estonia, trận Fellin (1208) hoặc trận Lyndanisse (1219), và do đó đều tìm cách giải thích nguồn gốc lá cờ trong tương quan với huyền thoại xuất hiện sau đó hơn 300 năm.

Fabricius và Helga Bruhn

[sửa | sửa mã nguồn]

Một thuyết rất khác biệt được Fabricius đưa ra và được Helga Bruhn thảo luận chi tiết hơn trong quyển "Dannebrog" năm 1949 của bà. Bà cho rằng lá cờ cũng như trận đánh chẳng phải là cốt lõi của huyền thoại, mà chính là hình thập giá ở trên trời. Những chuyện tương tự về những xuất hiện ở trên trời vào các thời điểm quyết định - nhất là sự xuất hiện của thập giá – có thể tìm thấy trên khắp châu Âu.

Bruhn đề cập tới một trận chiến (mà Fabricius cũng nói tới) xảy ra ngày 10.9.1217 giữa các hiệp sĩ Kitô giáo và các chiến binh Moor trên bán đảo Iberia gần lâu đài Alcazar, nơi được nói là một thánh giá màu vàng trên nền trắng đã xuất hiện trên trời, đem lại chiến thắng cho các Kitô hữu. Cũng thế, một chuyện rất tương tự của Thụy Điển từ thế kỷ XVIII về một thánh giá màu vàng trên nền xanh dương xuất hiện năm 1157 trong trận chiến của Thụy Điển tại Phần Lan. Dường như đó là một chuyện bịa ra sau này để phản lại nguồn gốc huyền thoại của quốc kỳ Đan Mạch, nhưng tuy thế mà cũng cùng tính chất như nhau. Quốc kỳ Anh, trên có thập tự thánh George cũng được cho là đã xuất hiện từ trời trong một trận chiến quyết định, lần này tại Jerusalem trong các cuộc Thập tự chinh.

Các sự giống nhau giữa các huyền thoại là rõ ràng. Tại Tây Ban Nha, cờ của giáo hoàng xuất hiện trên bầu trời, tại Phần Lan là cờ của Thụy Điển. Tại Estonia là cờ Đan Mạch, và ở Jerusalem là cờ Anh. Về cơ bản, các thoại trên đều là biến thể của cùng một huyền thoại.

Ghi chép lâu đời nhất về việc sử dụng cờ

[sửa | sửa mã nguồn]
Triện của Eric của Pomerania là vua của Liên minh Kalmar, 1398. Hãy chú ý tới lá cờ Dannebrog nhỏ xíu ở góc trên cùng bên trái

Văn học Đan Mạch ở thế kỷ XIII và XIV chưa nói gì về quốc kỳ, cho mãi tới đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên, có tồn tại nhiều tiền kim loại, dấu triện và hình ảnh, cả ở trong nước và nước ngoài từ thế kỷ thứ XIII tới XV, và thậm chí còn sớm hơn, cho thấy các lá cờ tương tự như cờ Dannebrog. Trong thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX, các hình ảnh này được nhiều sử gia Đan Mạch sử dụng, với khuynh hướng về chủ nghĩa dân tộc, tìm cách đưa nguồn gốc của lá cờ xuất xứ từ năm 1219. Tuy nhiên, nếu ta nghiên cứu vài nguồn ít ỏi của nước ngoài về Đan Mạch từ thế kỷ XIII tới thế kỷ XV, thì chí ít theo quan điểm của nước ngoài, rõ ràng là biểu tượng của Đan Mạch không phải là lá cờ màu đỏ và (thập tự) trắng, nhưng là huy hiệu hình cái khiên của nhà vua (3 con sư tử màu xanh dương trên cái khiên màu vàng). Huy hiệu hình khiên này vẫn còn sử dụng tới ngày nay.

Một nơi rõ ràng để tìm tài liệu là thành phố Tallinn của Estonia, nơi xảy ra trận chiến huyền thoại. Ở Tallinn, huy hiệu hình khiên giống như lá cờ được tìm thấy trên nhiều tòa nhà từ giữa thế kỷ thứ XV, như huy hiệu hình khiên của "Die Grosse Gilde" (Hội nhà buôn sỉ), một loại consortium nhà buôn đã ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của thành phố. Biểu tượng này sau đó trở thành huy hiệu hình khiên của thành phố. Tuy nhiên, những nỗ lực để truy lùng dấu vết từ Estonia trở lại Đan Mạch đã thất bại.

Quốc huy hình khiên của Estonia gồm ba con sư tử màu xanh dương trên nền khiên màu vàng, hầu như rất giống Quốc huy hình khiên của Đan Mạch, và nguồn gốc của nó bắt nguồn trực tiếp từ vua Valdemar II và sự cai trị của Đan Mạch trên Estonia từ 1219-1346..

Liên kết lâu đời nhất không thể tranh cãi

[sửa | sửa mã nguồn]
Mặt sau trang 55 trong Tập huy hiệu Gelrel của Hà Lan. Có một hình màu của lá cờ nền đỏ với thập tự màu trắng thuộc vua Đan Mạch được biết đến lâu đời nhất không thể tranh cãi

Nguồn lâu đời nhất không thể tranh cãi liên kết lá cờ nền đỏ có một thập tự màu trắng với nhà vua Đan Mạch, và với chính vương quốc, được tìm thấy ở Tập huy hiệu của Hà Lan, đó là "Tập huy hiệu Gelre" (tiếng Hà Lan: Wapenboek Gelre)[13], được viết từ khoảng năm 1340 tới năm 1370 (vài nguồn khác cho là năm1378 hoặc 1386). Đa số các sử gia đều cho rằng tập sách này do Geldre Claes Heinen viết. Sách này trình bày khoảng 1.700 huy hiệu hình khiên tô màu của mọi nước châu Âu. Sách này hiện nằm trong Thư viện hoàng gia Bruxelles ("Bibliothèque royale Albert Ier").

Trên mặt sau trang 55 có hình Huy hiệu hình khiên của Đan Mạch trên đó có một mũ bảo vệ đầu với ermine[14] có 2 sừng bò bison (bò xạ)(tiếng Đan Mạch: vesselhorn). Đằng sau chiếc sừng hung dữ là mũi nhọn của ngọn dáo với lá cờ có thập tự trắng trên nền đỏ. Câu văn bên trái của huy hiệu hình khiên này ghi "die coninc van denmarke" (vua Đan Mạch)[15]. Đây là màu sắc của lá cờ Danebrog được biết đến lâu đời nhất không thể tranh cãi.

Hình này đã được dùng để xác nhận một thuyết từng gây tranh cãi trước đây cho rằng hình thập tự trên quốc huy hình khiên của vua Valdemar Atterdag ở (dấu) triện Danælog của ông ta (Rettertingsseglet) từ năm 1356 quả đúng là thập tự trên quốc kỳ Đan Mạch.

Hình này trong Tập huy hiệu Gelre rất giống với một hình trong sách huy hiệu ở thế kỷ XV, nay lưu trữ trong "Viện văn khố quốc gia Thụy Điển" (Riksarkivet)

Từ thời vua Eric của Pomerania cũng có một trường hợp liên kết cờ Danebrog với Đan Mạch không thể tranh cãi. Dấu triện của ông từ năm 1398 với cương vị là vua của Liên minh Kalmar có thể hiện quốc huy Đan Mạch với ba con sư tử ở phần chính. Trong phiên bản này, vác sư tử mang lá cờ Danebrog. Thập tự chia huy hiệu hình khiên thành 4 phần cũng giống hệt thập tự của cờ Dannebrog, nhưng nhận xét này bị tranh cãi. Vì dấu triện đại diện cho cả ba vương quốc trong Liên minh, nên dường như thập tự này là thập tự trên cờ của Liên minh mà vua Eric tìm cách đưa vào: thập tự màu đỏ trên nền màu vàng.

Việc sử dụng cờ hiện nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Như một cờ hiệu dân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Kích thước và hình dáng của cờ hiệu dân sự ("Koffardiflaget") dùng cho thương thuyền được ấn định trong quy định ngày 11.6.1748 như sau: Cờ màu đỏ với một hình thập tự màu trắng và đuôi cờ không xẻ chéo. Thập tự màu trắng phải bằng 1/7 chiều cao của cờ. Hai ô đầu tiên của cờ phải là hình vuông và 2 ô dưới phải là 6/4 chiều dài của các ô trên.

Các tỷ lệ là: 3:1:3 theo chiều dọc và 3:1:4.5 theo chiều ngang. Quy định này là những tỷ lệ tuyệt đối cho quốc kỳ Đan Mạch tới ngày nay, dùng cho cả phiên bản cờ dân sự ("Stutflaget"), cũng như cờ thương mại ("Handelsflaget"). Cả hai cờ đều giống nhau.

Năm 1758 có một quy định hơi kỳ lạ liên quan tới các tàu của Đan Mạch chạy trong Địa Trung Hải. Các tàu này phải mang logo "chữ kết tên hoàng gia" (royal cipher) ở giữa lá cờ, để phân biệt với các tàu của Malta, vì có sự giống nhau về cờ của "Dòng thánh Gioan" (cũng gọi là dòng Hiệp sĩ Cứu tế). Theo như được biết thì sự điều chỉnh này chưa bị hủy bỏ, tuy nhiên dường như nó không còn được áp dụng.

Theo quy định ngày 11.6.1748 thì cờ có màu đỏ đơn thuần, màu mà ngày nay thường được gọi là "màu đỏ cờ Dannebrog" ("Dannebrog rød"). Thuốc nhuộm màu đỏ duy nhất có được ở năm 1748 được làm bằng rễ cây Rubia (thuộc họ Thiến thảo), có thể xử lý để sản xuất ra thuốc nhuộm màu đỏ tươi. Theo quy định số 359 năm 2005 của Dansk Standard (Cơ quan định chuẩn Đan Mạch), thì màu đỏ của cờ là màu của hãng Pantone[16] 186c. Không có định nghĩa sắc thái chính thức nào về "màu đỏ Dannebrog".

Trong thời gian khoảng gần 150 năm, không ai - kể cả chính phủ - đã để ý tôn trọng hoàn toàn các tỷ lệ của cờ được đưa ra trong quy định năm1748.

Các biến thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Cờ xẻ đuôi và cờ Hải quân

[sửa | sửa mã nguồn]

Cờ xẻ đuôi (splitflag) và Cờ Hải quân (Orlogsflag) có cùng một hình dạng như nhau, nhưng khác nhau về kích thước và độ đậm của màu đỏ. Về mặt pháp lý, đó là 2 lá cờ khác nhau. Cờ xẻ đuôi là lá cờ Đan Mạch mà đuôi cờ xẻ chéo như đuôi chim én, có màu đỏ Dannebrog và được sử dụng trên đất liền. Cờ Hải quâncờ xẻ đuôi dài hơn, có màu đỏ đậm hơn và chỉ sử dụng trên biển cho Hải quân Hoàng gia Đan Mạch.

Orlogsflag - Cờ của Hải quân Đan Mạch. Proportions: 7:17[17]

Quy định đầu tiên liên quan tới Cờ xẻ đuôi được ban hành ngày 27.3.1630, trong đó vua Christian IV ra lệnh cho các tàu buôn có võ trang (Defensionskibe) của Na Uy chỉ được dùng Cờ xẻ đuôi khi phục vụ chiến tranh của Đan Mạch. Năm 1685 có một lệnh cho một số thành phố vùng Slesvig, nói rằng mọi tàu thủy phai mang cờ Đan Mạch, và năm 1690 cấm mọi tàu buôn sử dụng Cờ xẻ đuôi, ngoại trừ các tàu chạy trong vùng Đông Ấn, vùng Caribe và dọc theo bờ biển châu Phi. Năm 1741 có xác nhận là quy định năm 1690 vẫn còn hiệu lực, do đó các tàu buôn không được sử dụng Cờ xẻ đuôi. Đồng thời Công ty Đông Ấn của Đan Mạch được phép treo Cờ xẻ đuôi khi vượt qua xích đạo.

Cờ xẻ đuôi được kéo lên trong lễ khai mạc Câu lạc bộ chèo thuyền DSR

Văn hóa Đan Mạch cho rằng quốc kỳ Dannebrog không được để rơi xuống đất, vì cờ này từ trời rơi xuống; và cũng không được kéo cờ lên vào ban đêm, vì như vậy được coi là để chào Quỷ.

Các cờ khác của Vương quốc Đan Mạch

[sửa | sửa mã nguồn]

Đảo GreenlandQuần đảo Faroe là 2 nước tự trị trong Vương quốc Đan Mạch. Các nước này có cờ chính thức riêng của họ.

Cờ của các vùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số Vùng của Đan Mạch có cờ không chính thức. Cờ vùng Bornholm và đảo Ærø đang được sử dụng. Cờ vùng Vendsyssel (Vendelbrog) và cờ vùng Jutland ("Den jyske fane") ít được biết đến, vì không được nhìn nhận là hợp pháp.[18] Đan Mạch giữ việc công nhận chính thức cho các cờ chính thức và các cờ của vùng (områdeflag) thì thuộc các quyền tài phán khác.

Flag Date Use Mô tả
Thập niên 1970 tới nay Hiệu kỳ bán chính thức của đảo Bornholm Cờ thập tự Bắc Âu màu đỏ, lụctrắng, cũng được biết đến với phiên bản màu đỏ và lục.
1633 —tới nay Cờ không chính thức của đảo Ærø Ba màu vàng, xanh lá cây và đỏ
Rất giống Quốc kỳ Litva
1975 —tới nay Cờ không chính thức của bán đảo Jutland Cờ thập tự Bắc Âu gồm màu xanh dương, xanh lá cây và đỏ, do Per Kramer thiết kế năm 1975.[19]

Cờ của Volyn Oblast, Ukraina rất giống cờ Dannebrog của Đan Mạch.


Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Inge Adriansen, Nationale symboler, Museum Tusculanum Press, 2003, p. 129: "Fra begyndelsen af 1400-tallet kan Dannebrog med sikkerhed dokumenteres som rigsflag, det vil sige statsmagtens og kongens flag" (Từ đầu thế kỷ XV "Cờ Dannebrog có thể chứng minh một cách chắc chắn là cờ của vương quốc, tức là cờ của chính quyền quốc gia và của nhà vua)
  2. ^ Jeroen Temperman. State Religion Relationships and Human Rights Law. Martinus Nijhoff Publishers. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2007. Many predominantly Christian states show a cross, symbolising Christianity, on their national flag. Scandinavian crosses or Nordic crosses on the flags of the Nordic countries–Denmark, Finland, Iceland, Norway and Sweden–also represent Christianity.
  3. ^ Carol A. Foley. The Australian Flag: Colonial Relic or Contemporary Icon. William Gaunt & Sons. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2007. The Christian cross, for instance, is one of the oldest and most widely used symbols in the world, and many European countries, such as the United Kingdom, Norway, Sweden, Finland, Denmark, Iceland, Greece and Switzerland, adopted and currently retain the Christian cross on their national flags.
  4. ^ Andrew Evans. Iceland. Bradt. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2007. Legend states that a red cloth with the white cross simply fell from the sky in the middle of the 13th-century Battle of Valdemar, after which the Danes were victorious. As a badge of divine right, Denmark flew its cross in the other Scandinavian countries it ruled and as each nation gained independence, they incorporated the Christian symbol.
  5. ^ Thomas Hylland Eriksen, Richard Jenkins biên tập (2007). Flag, Nation and Symbolism in Europe and America. Routledge. tr. 117.
  6. ^ Guntram H. Herb, David H. Kaplan biên tập (2008). Nations and Nationalism: A Global Historical Overview: A Global Historical Overview. ABC-CLIO. tr. 116.
  7. ^ Glenday, Craig (2009r). Guinness World Records 2010: The Book of the Decade. Jim Pattison Group. tr. 119.
  8. ^ “Oldest Continuously Used Flag”. Guinness World Records. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2013.
  9. ^ "Dannebrog" by Hans Christian Bjerg, p.12, ISBN 87-7739-906-4.
  10. ^ Evans, Andrew (2008). Iceland. Bradt Travel Guides. tr. 27.
  11. ^ một vùng lịch sử dọc bờ phía đông biển Baltic, nay thuộc Estonia và Latvia
  12. ^ tiếng Anh = Livonian Brothers of the Sword, tiếng Latin: Fratres militiæ Christi Livoniae= anh em quân sự của chúa Kitô ở Livonia
  13. ^ Gelre =vùng đất lịch sử thuộc công tước Gelre, nay thuộc Hà Lan
  14. ^ Ermine trong Huy hiệu học là hình da long màu trắng với các chấm đen
  15. ^ Volker Preuß. “National Flagge des Königreich Dänemark”. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2005. (tiếng Đức)
  16. ^ hãng sản xuất mực in màu ở Carlstadt, New Jersey, Hoa Kỳ
  17. ^ Store Danske Encyklopædi - entry "Danmark -nationalflag"
  18. ^ [1] harteg.dk Bornholms områdeflag afvist
  19. ^ [2] Lưu trữ 2013-05-30 tại Wayback Machine klauber-flag.dk
  • Danmarks-Samfundet Lưu trữ 2007-09-28 tại Wayback Machine - several rules and customs about the use of Dannebrog
  • Dannebrog, Helga Bruhn, Forlaget Jespersen og Pios, Copenhagen 1949
  • Danebrog - Danmarks Palladium, E. D. Lund, Forlaget H. Hagerups, Copenhagen 1919
  • Dannebrog - Vort Flag, Lieutenant Colonel Thaulow, Forlaget Codan, Copenhagen 1943
  • DS 359:2005 'Flagdug', Dansk Standard, 2005

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
4 chữ C cần nhớ khi mua kim cương
4 chữ C cần nhớ khi mua kim cương
Lưu ngay bài viết này lại để sau này đi mua kim cương cho đỡ bỡ ngỡ nha các bạn!
Những điều khiến Sukuna trở nên quyến rũ và thành kẻ đứng đầu
Những điều khiến Sukuna trở nên quyến rũ và thành kẻ đứng đầu
Dáng vẻ bốn tay của anh ấy cộng thêm hai cái miệng điều đó với người giống như dị tật bẩm sinh nhưng với một chú thuật sư như Sukuna lại là điều khiến anh ấy trở thành chú thuật sư mạnh nhất
Gaming – Lối chơi, hướng build và đội hình
Gaming – Lối chơi, hướng build và đội hình
Là một nhân vật cận chiến, nên base HP và def của cậu khá cao, kết hợp thêm các cơ chế hồi máu và lối chơi cơ động sẽ giúp cậu không gặp nhiều vấn đề về sinh tồn
Giới thiệu Pandora’s Actor - Over lord
Giới thiệu Pandora’s Actor - Over lord
Con Ruột Của Ainz: Pandora’s Actor