CHDCND Triều Tiên |
Việt Nam |
---|
Quan hệ Việt Nam – Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, vốn là đồng minh theo chủ nghĩa cộng sản, cùng chung chế độ Xã hội chủ nghĩa. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là ngày 31 tháng 1 năm 1950. CHDCND Triều Tiên là nước thứ 3 mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao, sau Trung Quốc (18/1/1950) và Liên Xô (30/1/1950).
Năm 1910, Nhật Bản ép Triều Tiên ký Điều ước Sáp nhập Hàn-Nhật. Năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền. Liên bang Xô viết chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về nam. Ngày 9 tháng 9 năm 1948, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố thành lập.
Ngày 31 tháng 1 năm 1950, CHDCND Triều Tiên là nước thứ 3 mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã can thiệp vào chiến trường. Ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội đang bị thiếu không quân và vũ khí chiến đấu, Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Nhật Thành đã gửi khoảng 200 quân của mình vào chiến trường Việt Nam nhằm giúp Việt Nam hỗ trợ không quân và chống lại đồng minh hàng đầu của Mỹ là Hàn Quốc, mãi cho đến nay, cộng đồng quốc tế và Hoa Kỳ đang tỏ ra nghi ngờ "Liệu Triều Tiên đã từng tham chiến giúp quân đội Bắc Việt hay chăng", câu trả lời chính xác vẫn chưa giải đáp khi quan hệ giữa Triều - Việt vẫn còn là mờ ám.
Tuy nhiên, vào năm 1968, CHDCND Triều Tiên đã tỏ ra vô cùng bất mãn khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia vào Hội nghị Paris về đàm phán hòa bình với người Mỹ trong cuộc xung đột ở Việt Nam. Triều Tiên coi thỏa thuận Paris năm 1973 là "phi pháp" và ủng hộ Trung Quốc về vấn đề thành lập một liên minh các quốc gia Cộng sản châu Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia), nhưng lại không được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ do nó không có Liên Xô, bấy giờ là đồng minh của VNDCCH, và cũng ngăn cản tham vọng mở rộng ảnh hưởng Việt Nam về sau ở khu vực và châu lục[1].
Chính những vết nứt này mà về sau năm 1979, khi xảy ra Chiến tranh biên giới Tây Nam chống Khmer Đỏ, Triều Tiên là quốc gia đã phản đối kịch liệt Việt Nam và từ chối công nhận Cộng hòa Nhân dân Campuchia, đồng thời cho Norodom Sihanouk tị nạn tại nước này. Theo ghi chép của sử gia người Hungary, Balazs Szalontai, các nhà ngoại giao Mỹ, Nga cũng như các nước khác ngầm thuật lại rằng Việt Nam "đã cảm thấy được sự bội bạc và tráo trở" của nhà nước từng được coi là "anh em xã hội chủ nghĩa" CHDCND Triều Tiên[2]. Có lẽ chính điều này là nguyên do buộc Việt Nam phải Đổi mới và từ bỏ CHDCND Triều Tiên và các nước thuộc khối cộng sản cũ, đồng thời chấp nhận để gia nhập hệ thống chính trị phương Tây, và nó khiến hai nước căm thù nhau nhiều hơn là bạn[3].
Việc Triều Tiên dung túng cho hành động của Khmer Đỏ trong những năm 1980 cũng đã ít nhiều hủy hoại quan hệ hai nước. Trong những năm 1980, Triều Tiên là một trong những quốc gia phản đối Việt Nam và công khai ủng hộ các phong trào chống Việt Nam trong khu vực.[4] Vì điều đó, trong suốt những năm 1990, quan hệ giữa hai nước đã vô cùng lạnh nhạt, và không có thêm những hợp tác nào giữa hai nước cho tới những năm 2000.
Triều Tiên cũng cố gắng có mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, là một quốc gia cũng theo chính thể xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Triều Tiên và Việt Nam cũng thăng trầm giống như quan hệ ngoại giao dù hai bên đều thuộc hệ thống Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam không mấy mặn mà với chủ nghĩa tôn sùng lãnh tụ của Triều Tiên, cũng như mô hình kinh tế của nước này. Ngày 9 tháng 7 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang Triều Tiên, thăm Kim Nhật Thành và thăm phòng triển lãm công nghiệp, nông nghiệp nước này.[5] CHDCND Triều Tiên cùng cung cấp nhiều trợ giúp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1965‐73). Năm 1989, hai nước mới thành lập Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật, tuy vậy Ủy ban này cũng chỉ họp thường niên được ba năm đầu, sau đó ngừng gần chục năm do Bình Nhưỡng không đồng tình với việc Việt Nam quan hệ với Hàn Quốc.[6]
Thương mại giữa hai bên cũng chưa bao giờ vượt quá ngưỡng 30 triệu đôla/năm. Trong những năm 1990, tình hình thiếu đói ở Triều Tiên đã cho Việt Nam cơ hội trao đổi hàng hóa với Triều Tiên. Năm 1996, Triều Tiên mua 2 vạn tấn gạo của Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán, cả gốc và lãi tính đến năm 2007 là 18,046 triệu USD.[7]. Hai nước từng đổi gạo lấy vũ khí và Việt Nam có trong tay các hỏa tiễn phòng không lưu động Igla (SA‐16 Gimlet), hai tàu ngầm mini Yugoclass và một số ít tên lửa đạn đạo Scud C.
Sau Đổi mới, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao và bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc (kẻ thù quân sự của Triều Tiên) về kinh tế cũng như văn hóa, điều này làm chính quyền Triều Tiên không hài lòng. Về kinh tế, từ năm 1996 Việt Nam và Triều Tiên hầu như không có giao dịch thương mại do Việt Nam từng bán gạo cho Triều Tiên nhưng năm 1997 hai bên đã có bất đồng về giá cả. Quan hệ từng có lúc xấu tới nỗi Triều Tiên từ chối nhận hàng viện trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số đánh giá, có thể các thỏa thuận trao đổi hàng sẽ được thực hiện. Trong những năm tiếp theo, nền kinh tế yếu kém cũng như vị thế bị hắt hủi của CHDCND Triều Tiên trong cộng đồng quốc tế đã mang cơ hội lại cho Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhiều lần hỗ trợ Triều Tiên hàng ngàn tấn gạo.[7] Hà Nội ủng hộ việc CHDCND Triều Tiên trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực Asean (ARF) và cũng từng chủ trì đàm phán hòa giải giữa Nhật Bản và Triều Tiên, ông Kim Jong Il từng được trông đợi sẽ thăm Việt Nam. Khi có cơ hội, Việt Nam đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực khuyến khích Triều Tiên thoát ra khỏi tình trạng tự cô lập và Việt Nam còn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho Triều Tiên trong phát triển kinh tế. Đã có một số phái đoàn từ Triều Tiên tới Việt Nam tham quan và học tập.
Năm 2010, CHDCND Triều Tiên đã cử Đoàn cán bộ do Thứ trưởng Bộ Thương mại làm trưởng đoàn đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam với mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu gen, tế bào gốc, nuôi cấy mô, năng lượng, xây dựng nhà máy thủy điện và đường dây tải điện, sản xuất vật liệu cách điện, xi măng, khai khoáng, tuyển quặng vàng, công nghệ sản xuất dây lưỡng kim, sợi tơ tằm, phim hoạt hình 3D.[8] Năm 2012, Đoàn đại biểu Triều Tiên do ông Kim Yong-il dẫn đầu có chuyến thăm Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm xây dựng Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Trong đó mối quan tâm hàng đầu của Triều Tiên là sản xuất nông nghiệp và các mô hình nông thôn mới của Việt Nam. Triều Tiên thừa nhận Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về sản xuất lương thực và nông nghiệp nói chung nên muốn học hỏi kinh nghiệm và đã có những cuộc trao đổi về chính sách quản lý nông nghiệp cũng như các vấn đề kỹ thuật trong sản xuất. Đoàn Triều Tiên cũng đã đến thăm tỉnh Thái Bình để tìm hiểu về chương trình Nông thôn mới.[9]
Ngày 31 tháng 1 năm 2023, CHDCND Triều Tiên và Việt Nam đã kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam tại đây đã đặt lẵng hoa trước tượng đài của Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.[10]
Nhà Trắng đã xác nhận về hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 11 tháng 9 năm 2018. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng Triều Tiên và Hoa Kỳ đang 'làm việc siêng năng' để đảm bảo điều kiện phù hợp cho hội nghị thượng đỉnh.
Donald Trump đã công bố nước chủ nhà đăng cai sẽ là Việt Nam và hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào các ngày 27 và 28 Tháng 2 trong Bài diễn văn Liên bang thứ hai vào ngày 5 tháng 2 năm 2019. Vào ngày 8 tháng 2 năm 2019, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Hà Nội, Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh.
Kim Jong-un đã đến Việt Nam vào ngày 26 tháng 2 trên chuyến tàu kéo dài 60 giờ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Ông được các quan chức Việt Nam rất hoan nghênh và đến thăm Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội. Vào ngày 1 và 2 tháng 3, Kim Jong-un đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, 60 năm sau chuyến thăm đầu tiên của ông nội tới đất nước này. Ông đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cả hai nước đều nhất trí thắt chặt quan hệ ngoại giao và kinh tế, vốn bị tổn hại bởi sự hỗ trợ của Triều Tiên trước đây đối với Khmer Đỏ.
Tại Việt Nam:
Tại Triều Tiên:
Bản mẫu:Quan hệ ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên