Nguyễn Thị Kim Ngân | |
---|---|
Chức vụ | |
Nhiệm kỳ | 31 tháng 3 năm 2016 – 31 tháng 3 năm 2021 5 năm, 0 ngày |
Phó Chủ tịch |
|
Tiền nhiệm | Nguyễn Sinh Hùng |
Kế nhiệm | Vương Đình Huệ |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | 23 tháng 7 năm 2011 – 31 tháng 3 năm 2016 4 năm, 252 ngày |
Tiền nhiệm | Nguyễn Đức Kiên |
Kế nhiệm | Phùng Quốc Hiển |
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII | |
Nhiệm kỳ | 11 tháng 5 năm 2013 – 31 tháng 1 năm 2021 7 năm, 265 ngày |
Nhiệm kỳ | 19 tháng 1 năm 2011 – 11 tháng 5 năm 2013 2 năm, 112 ngày |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | |
Nhiệm kỳ | 2 tháng 8 năm 2007 – 23 tháng 7 năm 2011 3 năm, 355 ngày |
Tiền nhiệm | Nguyễn Thị Hằng |
Kế nhiệm | Phạm Thị Hải Chuyền |
Vị trí | Việt Nam |
Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV | |
Nhiệm kỳ | 2007 – 2021 |
Vị trí | Việt Nam |
Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại | |
Nhiệm kỳ | tháng 3 năm 2006 – tháng 8 năm 2007 |
Vị trí | Việt Nam |
Thứ trưởng Bộ Tài chính | |
Nhiệm kỳ | tháng 2 năm 2006 – tháng 3 năm 2006 |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | tháng 9 năm 2002 – tháng 2 năm 2006 |
Tiền nhiệm | Nguyễn Văn Chiền |
Kế nhiệm | Bùi Thanh Quyến |
Thứ trưởng Bộ Tài chính | |
Nhiệm kỳ | tháng 4 năm 1995 – tháng 9 năm 2002 |
Vị trí | Việt Nam |
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre | |
Nhiệm kỳ | tháng 10 năm 1991 – tháng 4 năm 1995 |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 12 tháng 4, 1954 Châu Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre, Quốc gia Việt Nam, Liên hiệp Pháp |
Dân tộc | Kinh |
Tôn giáo | không |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Mẹ | Nguyễn Thị Sang (m. 2006) |
Học vấn | Thạc sĩ kinh tế Cử nhân Chính trị |
Tặng thưởng | 2 Huân chương Mặt trời mọc hạng nhất Đại thập tự (2023)[1], (2024)[2] |
Nguồn: Quốc hội Việt Nam[3] |
Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh ngày 12 tháng 4 năm 1954) là nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và là nữ chính trị gia người Việt Nam. Bà nguyên là Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Bà là nữ chính khách đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giữ các chức vụ Chủ tịch Quốc hội. Bà còn là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu quốc hội thành phố Cần Thơ. Bà nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội (2011-2016), nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2007-2011), nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại (sau này là Bộ Công Thương), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương (2002-2006), Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre (1991-1998). Trong Đảng, bà nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII.
Bà sinh ngày 12 tháng 4 năm 1954, quê quán tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Mẹ của bà tên là Nguyễn Thị Sang (mất năm 2006), tên thường gọi là Má Sáu, là cơ sở bí mật của cách mạng tỉnh Bến Tre.[4] Trước năm 1975, song thân của bà đều hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Do cha bà thoát ly hoạt động, bà do mẹ nuôi dưỡng và cho ăn học trong vùng kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bà hiện cư trú ở Nhà A3, Ngõ 130 Đốc Ngữ, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.[5]
Năm 1973, bà lên Sài Gòn, theo học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, tuy nhiên việc học của bà bị gián đoạn khi chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam kiểm soát toàn bộ miền Nam.
Bà cũng theo học tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), đạt đến học vị Thạc sĩ kinh tế chuyên ngành tài chính tín dụng.
Ngày 5 tháng 12 năm 2018, bà tới thăm và được trường Đại học Quốc gia Pukyung, Hàn Quốc trao bằng tiến sĩ danh dự ngành chính trị học.[6]
Tháng 8 năm 1975, bà vào làm nhân viên Văn phòng Ban Kinh tài Khu 8.
Sau khi Việt Nam thống nhất, bà được chuyển sang làm tại Văn phòng Ty Tài chính Bến Tre (sau là Sở Tài chính Bến Tre), bắt đầu sự nghiệp hoạt động trong ngành tài chính. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9 tháng 12 năm 1981 và trở thành Đảng viên chính thức một năm sau đó.[7]
Bà thăng dần từ các bậc Chuyên viên, Phó phòng, Trưởng phòng, Phó giám đốc, quyền Giám đốc và chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre vào tháng 10 năm 1991.
Đến tháng 4 năm 1995, bà được điều về Trung ương và được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 2 năm 2006, bà được điều chuyển trở lại làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, tuy nhiên chỉ 1 tháng sau lại được điều sang làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại.
Tháng 5 năm 2007, bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XII.[8] Tháng 8 năm 2007, bà được đề cử và được phê chuẩn vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và giữ chức vụ này cho đến tháng 7 năm 2011.[9]
Một trong những sự kiện bà Kim Ngân để lại dấu ấn khi làm tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cuộc giải cứu các lao động Việt Nam tại Libya vào năm 2011.[10]
Tháng 5 năm 2011, bà tái đắc cử vị trí Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ngày 23 tháng 7 năm 2011, bà được Chủ tịch Quốc hội đề cử làm Phó Chủ tịch Quốc hội
Tháng 5 năm 2011, bà tái đắc cử vị trí Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ngày 23 tháng 7 năm 2011, bà được Chủ tịch Quốc hội đề cử làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 31 tháng 3 năm 2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, bà được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam, bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ các cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức[11] theo quy định của Hiến pháp 2013.
Tháng 4 năm 2001, bà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2001-2006). Đến tháng 9 năm 2002, bà được điều chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Bà Kim Ngân là phụ nữ duy nhất trong cả nước vào thời điểm đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, và cũng là người phụ nữ duy nhất nắm quyền điều hành cao nhất của tỉnh Hải Dương kể từ trước đến nay.[12]
Tháng 4 năm 2006, bà tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (2006-2011).
Tháng 1 năm 2011, bà một lần nữa tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 5 năm 2013 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XI, bà được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.[13][14]
Ngày 22 tháng 5 năm 2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016-2021 tại đơn vị bầu cử số 1 thành phố Cần Thơ gồm quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền với tỉ lệ 91,46% phiếu thuận cao nhất thành phố này.[15][16]
Ngày 4 tháng 5 năm 2018, bà có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và phường An Bình (quận Ninh Kiều) để lấy ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.[17]
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, bà tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tại kỳ đại hội này, bà cũng được đề cử vào vị trí Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 31 tháng 3 năm 2016, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội[18] khóa XIII (2011-2016) thay ông Nguyễn Sinh Hùng.
Sáng ngày 22 tháng 7 năm 2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được các đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 bầu làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa 14 với tỉ lệ 483/489 phiếu thuận (tổng 490 phiếu, 1 phiếu không hợp lệ).[19]
Trong nhiệm kì của bà, Quốc hội Việt Nam có điểm mới về hình thức hoạt động là chuyển từ tham luận sang tranh luận.[17] Bà có một trợ lý là Lê Minh Thông, phó giáo sư, tiến sĩ luật, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13.[20][21][22]
Dưới thời bà làm Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội Việt Nam dự thảo 2 luật quan trọng là Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế[23] và Luật An ninh mạng[24] vào năm 2018. Tuy nhiên, trước làn sóng biểu tình phản đối Luật Đặc khu, ngày 11 tháng 6 bà kêu gọi "người dân bình tĩnh, tin vào quyết định của Nhà nước".[25] Cùng ngày hôm đó Quốc hội đã biểu quyết đồng ý hoãn thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 với tỉ lệ tán thành đạt 85,63%.[26] Cuối cùng, chỉ có Luật An ninh mạng là được thông qua.
Trong năm 2018, vụ việc 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc bằng chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm của bà Ngân theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đã gây chấn động trong nước.[27] Về sau 9 người này được xác định là đội lốt doanh nhân, đi cùng đoàn với bà Ngân để trốn lại Hàn Quốc.[28]
Sáng ngày 11 tháng 6 năm 2020, tại kì họp thứ 9 Quốc hội Việt Nam khóa 14 đã bỏ phiếu kín bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia (462/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành).[29]
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bà không tái cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Chiều 15 giờ 50 phút ngày 30 tháng 3 năm 2022, Quốc hội đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội đối với bà bằng hình thức bỏ phiếu kín với 429/449 phiếu tán thành (chiếm 89,38%), sau đó bà được nghỉ hưu theo chế độ.[30] Sang ngày 31 tháng 3 năm 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (2016-2021) thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà kết thúc nhiệm kỳ 5 năm với tư cách là Chủ tịch Quốc hội.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội bà nghỉ hưu.
Ngày 22 tháng 11 năm 2021, bà nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.[31]
“ | Không lẽ giờ "ông" Thanh tra Chính phủ lại đi kiện "ông" Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng truyền thống văn hoá Việt Nam lắm | ” |
— Nguyễn Thị Kim Ngân[35] |
“ | Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật | ” |
— Nguyễn Thị Kim Ngân[36] |
“ | Ở Việt Nam có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm. | ” |
— Nguyễn Thị Kim Ngân[37] |
“ | "Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện với các nước trong khu vực mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về nước an toàn." | ” |
— Nguyễn Thị Kim Ngân[38] |