Loại hình | Công ty cổ phần Nhà nước nắm 95,4% vốn điều lệ |
---|---|
Ngành nghề | Hàng không |
Lĩnh vực hoạt động | Cảng hàng không |
Thành lập | 2012 |
Người sáng lập | Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải |
Trụ sở chính | 58 Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh |
Thành viên chủ chốt | Lại Xuân Thanh (chủ tịch) Vũ Thế Phiệt (tổng giám đốc) |
Dịch vụ | Hàng không |
Chi nhánh | 22 cảng hàng không |
Công ty con | NAFSC |
Website | Trang mạng chính thức |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Anh: Airports Corporation of Vietnam - JSC, viết tắt: ACV) là một công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là công ty cổ phần với 95,4% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Nhà nước.[1]
Các chi nhánh do ACV quản lý gồm có 10 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ, Phú Bài, Vinh, Cát Bi và 12 cảng hàng không quốc nội: Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Tuy Hòa, Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Thọ Xuân.[1]
Ngoài ra, ACV còn là chủ đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.[2]
Tháng 2 năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã ra quyết định hợp nhất ba doanh nghiệp gồm Tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam thành Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam,[3] viết tắt là ACV.
Tháng 10 năm 2015, phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tháng 12 năm 2015, ACV tổ chức phiên bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Từ tháng 4 năm 2016, ACV chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, đổi tên thành Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP.[4]
ACV được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con với 01 công ty con, 11 công ty liên kết[5] và 22 chi nhánh cảng hàng không ở Việt Nam, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không quốc nội.