Thụy An (nhà văn)

Chân dung Thụy An, trong sách Nhà Văn hiện đại.

Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến (1916-1989), là một nhà văn Việt Nam. Đây là người phụ nữ duy nhất bị kết án tù do bị tố cáo là gián điệp, phản động trong vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm tại Việt Nam.[1].

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thụy An sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở làng Hòa Xá, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), là con ông Lưu Tiến Ích và bà Phùng Thị Tôn.

Có khiếu thơ văn từ nhỏ nên năm 13 tuổi, bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929) và 3 năm sau, lại nhận được giải thưởng văn chương của Triều đình nhà Nguyễn.

Chồng Lưu Thị Yến là nhà văn, nhà giáo Bùi Nhung[2] bút hiệu là Băng Dương, em ruột học giả Bùi Kỷ. Nhưng sau khi bà sinh được 6 người con[3], thì ly thân với chồng từ 1949.[4] Người tình của Lưu Thị Yến là ông Đỗ Đình Đạo, một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau ông Đỗ Đình Đạo chết vì một nguyên do còn nhiều nghi vấn[5].

Trong thời kỳ Nhân Văn–Giai Phẩm, nhà văn Phan Khôi nhận Lưu Thị Yến là con nuôi. sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958 và trong phiên tòa ngày 21 tháng 1 năm 1960 xét xử bà tại Hà Nội, nhiều nhân chứng đều cho rằng bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào này. Tuy nhiên, những người trong cuộc như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt [6] phủ nhận sự tham gia của bà trong nhóm.[7] Bà bị kết án cũng như Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù.[8].

Năm 1973, Lưu Thị Yến cùng với Nguyễn Hữu Đang, cũng bị tù vì vụ Nhân Văn–Giai Phẩm, được thả trong diện "Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris". Vào Thành phố Hồ Chí Minh, bà quy y ở Chùa Quảng Hương Già Lam năm 1987 và mất năm 1989, tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ[9].

Nghiệp văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Thụy An đã từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Đàn Bà (Hà Nội), đã từng là quyền giám đốc Việt Tấn Xã và phóng viên chiến trường.

Về mặt sáng tác, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho biết:

Tác giả Thụy An vốn là một nhà thơ. Tôi đã đọc thơ của Thụy An trong Phụ Nữ Tân Văn, trong Đàn bà mới và trong tuần báo Đàn bà.[10]

Đánh giá về tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An, Vũ Ngọc Phan cho rằng:

Một linh hồn chính là một tiểu thuyết tình cảm, tả những tính tình rất ngây thơ, rất trong sáng của Vân, một cô gái giàu lòng tín ngưỡng và giống như một bông sen, tuy "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"…
Nhưng đọc Một linh hồn, người ta nhận thấy điều này không được thiết thực: Hà Nội chưa có cái trình độ có một gái giang hồ sang trọng như Bảy Thanh, có lẽ tác giả đã đem cái khung cảnh Nam Kỳ, là nơi tác giả đã từng ở lâu năm, ra đất Bắc. Điều thứ hai nữa là đọc Một linh hồn, người ta vẫn chưa có cảm tưởng mình sống trong truyện cùng các nhân vật. Có lẽ Thụy An đã tả Bảy Thanh bằng những nét bút thô bạo quá và tả Vân bằng những nét mềm yếu quá chăng?"
Tuy vậy, Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn.[11]

Thụy An và vụ Nhân văn-Giai Phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Về vai trò của Lưu Thị Yến trong phong trào Nhân văn Giai phẩm, Bàng Sĩ Nguyên cho biết:

Thụy An là người phụ nữ duy nhất - ở trong hay ở ngoài phong trào - bị kết án là "gián điệp". Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang, bà không ở trong Nhân văn Giai phẩm, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong "hàng ngũ phản động" với nhãn hiệu "Con phù thủy xảo quyệt" và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: "Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân"
Vậy, vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị? Hay là một sự quy kết oan uổng?[12]

Nguyễn Hữu Đang nói nguyên văn như sau:

Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân văn Giai phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện.[13]

Nhà thơ Lê Đạt cũng có khẳng định:

Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân văn Giai phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân văn Giai phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân văn Giai phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân văn Giai phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân văn Giai phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn.
Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có đủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này. Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả.[14]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Theo web Hợp lưu”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2008.
  2. ^ Ông Bùi Nhung hai lần làm giám đốc đài phát thanh Hà Nội từ 1948-49, và 1951-52, rồi giám đốc đài phát thanh Hải Phòng năm 1954 (trong thời gian 180 ngày trước khi vỹ tuyến 17 đóng lại).
  3. ^ Sinh bảy con, một người mất sớm, còn lại là: An Dương (1934), Thụy Băng (1937), Thư Linh (1938), Dương Chi (1939), Ngọc Trinh (1943) và Châu Công (1945).
  4. ^ Không ly dị vì cả hai đều theo đạo công giáo.
  5. ^ Thụy An và Đỗ Đình Đạo chia tay năm 1952. Nhưng đến 1954, khi Đỗ Đình Đạo bị đầu độc chết, dư luận buộc tội bà giết chồng,
  6. ^ Năm 2004 Lê Đạt tuyên bố trên RFI phủ nhận bà ở trong Nhân văn Giai phẩm và tỏ rõ sự kính trọng và lòng tri ân đối với Thụy An
  7. ^ Theo báo Nhân dân (13-23 tháng 4 năm 1958 trích trong Shawn McHale, Journal of Asian Studies 61: 1, 2002, tr. 19), bà bị kết tội có quan hệ gần gũi với gia đình tướng De Lattre de Tassigny và Giám đốc Sở Mật vụ Pháp Marty, và là nhân tình của một nhân vật trong Việt Nam Quốc dân Đảng [1]
  8. ^ Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm – Chương 8: Thụy An
  9. ^ “Tiểu sử xem thêm”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2008.
  10. ^ Hiện chưa sưu tầm được bất kỳ bài thơ nào của Thụy An.
  11. ^ Nhà văn hiện đại, Nhà xuất bản Sống mới, Sài Gòn, 1960,tr.1202-1208
  12. ^ “Theo web”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2008.
  13. ^ RFA Những nhân vật trong nhóm Nhân văn Giai phẩm (phần 7) hoặc cache [2]
  14. ^ Lê Đạt nói về phong trào Nhân văn Giai phẩm, bài phỏng vấn nhà văn Lê Đạt do tác giả Thụy Khuê thực hiện trên đài RFI

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Review Phim:
Review Phim: "Gia Tài Của Ngoại" - Khi "Thời Gian" Hóa Thành "Vàng Bạc"
Chắc hẳn, dạo gần đây, "How to Make Millions Before Grandma Dies" hay "หลานม่า" (Lahn Mah) đã trở thành cơn sốt điện ảnh Đông Nam Á
Tất tần tật về Kazuha - Genshin Impact
Tất tần tật về Kazuha - Genshin Impact
Tất tần tật về Kazuha và những gì cần biết trước khi roll Kazuha
Bố cục chụp ảnh là gì?
Bố cục chụp ảnh là gì?
Bố cục chụp ảnh là cách chụp bố trí hợp lí các yếu tố/ đối tượng khác nhau trong một bức ảnh sao cho phù hợp với ý tưởng người chụp.
Thông tin nhân vật Dark King: Silvers Rayleigh
Thông tin nhân vật Dark King: Silvers Rayleigh
Silvers Rayleigh có biệt danh là '' Vua Bóng Tối '' . Ông là Thuyền Viên Đầu Tiên Của Vua Hải Tặc Roger