Nguyễn Hữu Thắng (cầu thủ bóng đá sinh 1972)

Nguyễn Hữu Thắng
Thông tin cá nhân
Tên khai sinh Nguyễn Hữu Thắng
Ngày sinh 2 tháng 12, 1971 (53 tuổi)
Nơi sinh Vinh, Nghệ An, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chiều cao 1,74 m
Vị trí Trung vệ
Thông tin đội
Đội hiện nay
Thành phố Hồ Chí Minh
(chủ tịch kiêm giám đốc điều hành)
Sự nghiệp cầu thủ trẻ
Năm Đội
Sông Lam Nghệ An
Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp*
Năm Đội ST (BT)
1993–1999 Sông Lam Nghệ An
Sự nghiệp đội tuyển quốc gia
Năm Đội ST (BT)
1995–1998 Việt Nam 14 (1)
Sự nghiệp quản lý
Năm Đội
2005 Sông Lam Nghệ An
2009 Hà Nội T&T
2009–2014 Sông Lam Nghệ An
2016–2017 Việt Nam
2016–2017 U-22 Việt Nam
2018– Thành phố Hồ Chí Minh (chủ tịch)
2020 Thành phố Hồ Chí Minh (tạm quyền)
2022 Thành phố Hồ Chí Minh (tạm quyền)
*Số trận ra sân và số bàn thắng ở câu lạc bộ tại giải quốc gia

Nguyễn Hữu Thắng (sinh ngày 2 tháng 12 năm 1971 hoặc tháng 7 năm 1972)[1][a][2] là một cựu cầu thủ bóng đá người Việt Nam. Thời còn thi đấu ông chơi ở vị trí hậu vệ cho câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Ông cũng từng là thành viên và đội trưởng Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam giai đoạn từ năm 1997 đến năm 1999.

Năm 2003, Nguyễn Hữu Thắng chuyển sang công tác huấn luyện, bắt đầu từ đội bóng Sông Lam Nghệ An. Ông từng có thời gian dẫn dắt đội bóng Hà Nội T&T trước khi quay lại câu lạc bộ cũ Sông Lam Nghệ An. Từ tháng 3 năm 2016 tới tháng 8 năm 2017, ông đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Namđội tuyển U-23 quốc gia Việt Nam.

Hiện tại, Nguyễn Hữu Thắng đang là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh.[3]

Thời thơ ấu

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Hữu Thắng sinh tại thành phố Vinh nhưng có nguyên quán tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông chuyển từ Đức Thọ sang định cư tại Vinh. Bố mẹ ông làm việc tại công ty in Nghệ An; về sau mẹ ông bị bệnh và qua đời.

Hữu Thắng tham gia lớp năng khiếu bóng đá của Sông Lam Nghệ An từ rất sớm (học cấp III, vào những năm 1980). Lúc đó, Sông Lam Nghệ An chưa nổi tiếng cho đến năm 1989, khi đội đoạt chức vô địch bảng B hạng A1 toàn quốc, được đặc cách lên hạng đội mạnh.[4]

Sự nghiệp cầu thủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Hậu vệ với lối chơi chắc chắn

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ một vận động viên năng khiếu, vào đội trẻ, Nguyễn Hữu Thắng được đôn lên đội một Sông Lam Nghệ An vào khoảng năm 1992. Cùng lứa với Hữu Thắng còn có Phan Thanh Tuấn, Ngô Quang Trường, Nguyễn Văn Tiến,... Vào thời điểm đó, vị trí trung vệ sở trường của Thắng do đàn anh Nguyễn Quang Hải án ngữ.

Năm 1993, Hữu Thắng được chọn vào đội hình chính thức, thi đấu ở vị trí trung vệ dập. Nhờ lối chơi mạnh mẽ, Nguyễn Hữu Thắng được ban huấn luyện và người hâm mộ xứ Nghệ để ý. Cùng năm đó, câu lạc bộ đoạt huy chương đồng giải vô địch quốc gia và tên tuổi của Thắng bắt đầu nổi tiếng. Hữu Thắng là một hậu vệ có lối chơi rắn của đội.

Năm 1996, khi câu lạc bộ Juventus sang Việt Nam đá giao hữu, những cầu thủ lừng danh từng từng tham chiến ở đấu trường đỉnh cao Serie A như Gianluca Vialli, Attilio Lombardo,... nhiều lần chùn chân lối đá băm bổ và rất "bốc" của Hữu Thắng. Đồng nghiệp cùng thời và là cầu thủ số một Việt Nam lúc bấy giờ, Lê Huỳnh Đức, đã nhận xét Nguyễn Hữu Thắng là hậu vệ mà anh ngại đối đầu nhất.

Cầu thủ, đội trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Hữu Thắng từng khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự các giải đấu khu vực như SEA Games 1995, Tiger Cup 1996, SEA Games 1997Tiger Cup 1998. Ông cũng cùng đội dự vòng loại các giải châu Á và thế giới (World Cup).

Tại SEA Games 18 năm 1995, Hữu Thắng đá trung vệ với đội trưởng Nguyễn Mạnh Cường đá thòng, Chí Bảo và Lê Đức Anh Tuấn đá hậu vệ biên. Tại Tiger Cup 1996, ông bị huấn luyện viên lúc đó Karl-Heinz Weigang nghi là "bán độ" sau màn trình diễn dưới sức của đội tuyển ở trận hòa 1–1 với tuyển Lào.[4] Mặc dù vậy, sau khi giải quyết một cách êm thấm, Thắng vẫn tiếp tục thi đấu và cùng đội đoạt huy chương đồng chung cuộc.

Từ năm 1997 đến năm 1999, Hữu Thắng được chọn là đội trưởng đội tuyển Việt Nam. Nguyễn Hữu Thắng chia tay đội tuyển Việt Nam năm 1999 (ông không tham dự SEA Games năm đó) vì lý do chấn thương.[cần dẫn nguồn]

Các cầu thủ từng đá trung vệ với Nguyễn Hữu Thắng ở đội tuyển Việt Nam có Nguyễn Mạnh Cường (Thể Công), Đỗ Khải (Hải Quan), Nguyễn Thiện Quang (Công an TP.HCM), Lê Hồng Hải (Lâm Đồng) và Đỗ Mạnh Dũng (Thể Công).

Sự nghiệp huấn luyện

[sửa | sửa mã nguồn]

Cấp câu lạc bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2002, khi mới 31 tuổi, Nguyễn Hữu Thắng đã được lãnh đạo câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An giao phó chức vụ huấn luyện viên trưởng thay thế cho Nguyễn Thành Vinh đã chuyển sang làm nhiệm vụ ở đội tuyển U-23 quốc gia. Tuy nhiên, ông đã từ chối với lý do đội bóng đang gặp nhiều khó khăn về lực lượng và cần một người có kinh nghiệm và uy tín để dẫn dắt, cũng như đang phải theo đuổi việc học tại Đại học Thể dục Thể thao.[5] Sau khi ông Nguyễn Hồng Thanh trở thành HLV trưởng của câu lạc bộ vào năm 2003, Hữu Thắng bắt đầu sự nghiệp huấn luyện và gặt hái thành công cùng Sông Lam Nghệ An với hai chức vô địch Cúp bóng đá Thủ đô và JVC Cup (giải đấu giao hữu trước thềm SEA Games).

Năm 2005, sau sóng gió mâu thuẫn nội bộ, Hữu Thắng được Sông Lam Nghệ An bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng (các HLV phó là Hà Thìn và Nguyễn Xuân Vinh).[6] Sau đó, do có liên quan tới một vụ tiêu cực, ông đã bị thay thế.

Đến nửa sau mùa giải 2009, đội bóng Hà Nội T&T mời Hữu Thắng về thay thế cho huấn luyện viên Triệu Quang Hà.[7] Ông đã giúp Hà Nội T&T từ vị trí áp chót bảng xếp hạng ở lượt đi đến vị trí thứ 4 khi kết thúc V-League 2009.[8] Tháng 9 cùng năm, ông trở lại huấn luyện đội bóng cũ Sông Lam Nghệ An.[9]

Mùa giải 2010, Nguyễn Hữu Thắng cùng Sông Lam Nghệ An đoạt Cúp Quốc gia sau khi đánh bại Hoàng Anh Gia Lai với tỷ số 1–0 trong trận chung kết.[10] Năm 2011, thêm một lần nữa đánh dấu sự nghiệp vinh quang của Nguyễn Hữu Thắng trong tư cách huấn luyện viên trưởng của Sông Lam Nghệ An với chức vô địch V-League.[11] Sau mùa giải V.League 2014, Hữu Thắng quyết định chia tay Sông Lam Nghệ An.[12]

Năm 2018, Hữu Thắng nhận lời làm chủ tịch câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh sau khi Lê Công Vinh từ chức.[13] Ông có thời gian kiêm nhiệm cả chức huấn luyện viên tạm quyền của đội bóng trước khi được Ailton dos Santos Silva thay thế.[14] Đầu tháng 8 năm 2022, Hữu Thắng một lần nữa quay trở lại làm huấn luyện viên tạm thời cho câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh thay cho ông Trần Minh Chiến trước khi Trương Việt Hoàng chính thức nắm đội vào cuối tháng 8.[15][16]

Ngày 29 tháng 9 năm 2022, Nguyễn Hữu Thắng xác nhận ông vừa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của đội bóng.

Đội tuyển quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 3 tháng 3 năm 2016, Nguyễn Hữu Thắng được chọn làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Việt Namđội U-23 quốc gia Việt Nam thay thế cho ông Toshiya Miura. Nhiệm vụ mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao cho Hữu Thắng là phải vào trận chung kết AFF Suzuki Cup 2016 và giành huy chương vàng SEA Games 29.[17]

Ngày 6 tháng 6, Hữu Thắng cùng đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch giải giao hữu AYA Bank Cup 2016 tại Myanmar sau khi thắng Singapore 3–0 trong trận chung kết của giải.[18] Ngày 7 tháng 12, sau khi đội tuyển quốc gia Việt Nam thất bại với tổng tỷ số 3–4 sau trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2016 gặp Indonesia,[19] Hữu Thắng đã bật khóc ngay trong phòng họp báo sau trận đấu; đây là lần đầu tiên một huấn luyện viên Việt Nam khóc trong phòng họp báo vì thất bại.[20]

Tháng 7 năm 2017, Hữu Thắng dẫn dắt đội tuyển U-23 Việt Nam vượt qua vòng loại U-23 châu Á 2018 sau khi giúp đội thắng U-23 Đông Timor 4–0,[21] U-23 Ma Cao 8–1,[22] và thua sát nút U-23 Hàn Quốc 1–2.[23]

Ngày 24 tháng 8 năm 2017, sau khi U-22 Việt Nam thua đậm U-22 Thái Lan với tỷ số 0–3 và bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29,[24] Nguyễn Hữu Thắng đã tuyên bố từ chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam.[25]

Cuộc sống cá nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Hữu Thắng kết hôn với vợ tên Trần Thị Thanh Thủy vào năm 2002, đến nay họ đã có hai người con trai.[26]

Thống kê sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]
Đội tuyển quốc gia Năm Trận Bàn
Việt Nam 1995 1 0
1996 1 1
1997 7 0
1998 5 0
Tổng cộng 14 1

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Năm sinh của Hữu Thắng hiện chưa xác định rõ ràng. Một số thông tin cho rằng Thắng sinh tháng 7 năm 1972, nhưng một số nguồn tin khác ghi nhận anh sinh tháng 12 năm 1971.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ sao, Ngôi. “Phi Hùng ra trình diện”. Ngoisao. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2022.
  2. ^ “Nguyễn Hữu Thắng: Từ cầu thủ "chém đinh chặt sắt". Tiền Phong. 16 tháng 1 năm 2006.
  3. ^ “CLB TP.HCM giao thêm trọng trách cho chủ tịch Hữu Thắng”. Báo điện tử VTC News. 29 tháng 9 năm 2022.
  4. ^ a b “Nguyễn Hữu Thắng: Từ cầu thủ "chém đinh chặt sắt". Tiền Phong. 16 tháng 1 năm 2006.
  5. ^ Thanh Niên (29 tháng 10 năm 2002). “Hữu Thắng xin không làm HLV trưởng SLNA”. VASC Orient. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2002. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2024.
  6. ^ Trường Vũ (ngày 29 tháng 9 năm 2005). “Cựu tuyển thủ Quốc gia Nguyễn Hữu Thắng được bổ nhiệm HLV trưởng Pjico SLNA”. Báo Tuổi Trẻ online. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2013.
  7. ^ “Triệu Quang Hà rời T&T Hà Nội”. Người Lao Động. 23 tháng 5 năm 2009.
  8. ^ “HLV Hữu Thắng bất ngờ rời T&T Hà Nội”. Dân Trí. 27 tháng 8 năm 2009.
  9. ^ “HLV Hữu Thắng - Chất "thép" tỏa sáng sau bĩ cực” (2011-05-08). Dân Việt.
  10. ^ “Sông Lam Nghệ An đoạt Cup quốc gia sau trận 'thủy chiến'. VnExpress. 28 tháng 8 năm 2010.
  11. ^ “SLNA vô địch V-League 2011”. Người Lao Động. 21 tháng 8 năm 2011.
  12. ^ Hoàng Hảo. “HLV Nguyễn Hữu Thắng bất ngờ chia tay SLNA”. Hà Nội Mới.
  13. ^ Đức Đồng (24 tháng 5 năm 2018). “Nguyễn Hữu Thắng làm Chủ tịch CLB TP HCM”. VnExpress.
  14. ^ “Vì sao Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng phải ngồi ghế HLV TP.HCM?”. Báo giao thông. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2022.
  15. ^ “Ông Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt CLB TP HCM”. VnExpress. 8 tháng 8 năm 2022.
  16. ^ “CLB TP.HCM đưa chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng làm HLV tạm quyền”. Tuổi Trẻ. 8 tháng 8 năm 2022.
  17. ^ “HLV Hữu Thắng: "Mourinho cũng bị sa thải, huống hồ tôi". Báo Tuổi trẻ. 3 tháng 3 năm 2016.
  18. ^ “Thắng Singapore 3-0, ĐT Việt Nam vô địch Aya Bank Cup 2016”. VFF. 7 tháng 6 năm 2016.
  19. ^ “Việt Nam 2-2 Indonesia: Nước mắt rơi ở Mỹ Đình”. Báo Thanh Niên. 7 tháng 12 năm 2016.
  20. ^ Lâm Thỏa (7 tháng 12 năm 2016). “HLV Hữu Thắng khóc trong phòng họp báo”. VnExpress.
  21. ^ “U23 Việt Nam - Timor Leste 4-0: Công Phượng tỏa sáng”. Người Lao Động. 19 tháng 7 năm 2017.
  22. ^ “Đè bẹp Macau 8-1, U23 Việt Nam chiếm ngôi đầu bảng”. Người Lao Động. 21 tháng 7 năm 2017.
  23. ^ “Việt Nam giành vé dự U23 châu Á dù thua Hàn Quốc”. VnExpress. 27 tháng 7 năm 2017.
  24. ^ “Thua Thái Lan 0-3, U22 Việt Nam dừng chân tại vòng bảng SEA Games 29”. VFF. 25 tháng 8 năm 2017.
  25. ^ “Hữu Thắng từ chức ngay sau trận thua Thái Lan”. VnExpress. 24 tháng 8 năm 2017.
  26. ^ 'Chiêu' làm hòa của HLV Nguyễn Hữu Thắng khi bị vợ giận”. Báo Nghệ An điện tử. 27 tháng 6 năm 2016.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]