Anabantoidei | |
---|---|
Thời điểm hóa thạch: Rupel-nay | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Nhánh | Craniata |
Phân ngành (subphylum) | Vertebrata |
Phân thứ ngành (infraphylum) | Gnathostomata |
Liên lớp (superclass) | Osteichthyes |
Lớp (class) | Actinopterygii |
Nhánh | Actinopteri |
Phân lớp (subclass) | Neopterygii |
Phân thứ lớp (infraclass) | Teleostei |
Nhánh | Osteoglossocephalai |
Nhánh | Clupeocephala |
Nhánh | Euteleosteomorpha |
Nhánh | Neoteleostei |
Nhánh | Eurypterygia |
Nhánh | Ctenosquamata |
Nhánh | Acanthomorphata |
Nhánh | Euacanthomorphacea |
Nhánh | Percomorphaceae |
Nhánh | Anabantaria |
Bộ (ordo) | Anabantiformes |
Phân bộ (subordo) | Anabantoidei Berg, 1940[1] |
Các họ[2][3] | |
|
Anabantoidei hay cá có mê lộ là một phân bộ của bộ cá vây tia nước ngọt Anabantiformes, nguyên cũng là một phân bộ trong bộ Perciformes nghĩa cũ. Các loài cá trong phân bộ này được phân biệt bằng đặc điểm là sở hữu một cơ quan có chức năng gần giống như phổi, cho phép chúng hấp thụ oxy trực tiếp từ không khí. Các loài cá trong phân bộ Anabantoidei thường được gọi với một số tên gọi thông thường như cá rô, cá tai tượng, cá thia, cá chọi, cá cờ, cá sặc. Một số loài là cá thực phẩm quan trọng, trong khi một số loài khác như cá chọi (Betta splendens) và cá cờ (Macropodus opercularis), là các loài cá cảnh phổ biến.
Mê lộ hay cơ quan đường rối là một đặc trưng xác định phân bộ Anabantoidei. Đây là một cơ quan hô hấp phụ trợ thượng mang gập nhiều nếp hình thành từ sự mở rộng mạch hóa của xương trên mang của cung mang cá thứ nhất và được sử dụng để hô hấp trong không khí.[4]
Cơ quan này cho phép cá lấy oxy trực tiếp từ không khí thay vì lọc nó từ trong nước nơi chúng sinh sống thông qua sử dụng mang. Mê lộ giúp cho oxy đã hít vào được hấp thụ vào hệ tuần hoàn. Kết quả là cá có mê lộ có thể sống được một khoảng thời gian ngắn bên ngoài nước, do chúng có thể hít thở trực tiếp không khí xung quanh, miễn là vẫn duy trì được độ ẩm ướt.
Cá có mê lộ không phải ngay khi sinh ra đã có các cơ quan đường rối chức năng. Sự phát triển của cơ quan này là dần dần và phần lớn cá có mê lộ hít thở hoàn toàn bằng mang của chúng và chỉ phát triển cơ quan này khi chúng già đi.[4]
Cá có mê lộ là đặc hữu nước ngọt ở châu Á và châu Phi. Tại châu Á, chúng được tìm thấy tại Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt nhưng không chỉ hạn chế trong các vùng nước ấm chảy chậm và thiếu oxy. Tại châu Phi, một lượng nhỏ hơn đáng kể các loài cá có mê lộ có thể tìm thấy tại nửa phía nam của châu lục này, với sự tập trung trong các vùng nước của rừng mưa.[4]
Đặc trưng của môi trường sống của cá là các chỉ số liên quan tới kích thước và độ phức tạp của cơ quan đường rối, do kích thước cơ quan này có tương quan ngược với mức oxy trong nước. Các loài sinh sống trong vùng nước chảy chậm và thấp oxy nhiều khả năng có mê lộ to và phức tạp hơn so với các loài sinh sống trong vùng nước chảy nhanh và cao oxy.[4]
Nhìn chung thì cá có mê lộ là động vật ăn thịt với thức ăn là các sinh vật thủy sinh nhỏ và xác chết thối. Một số loài cũng ăn tảo và thực vật thủy sinh. Phần lớn các loài hoạt động ban ngày, nhưng một vài loài châu Phi kiếm ăn vào lúc chạng vạng hay ban đêm. Các loài trong chi Trichogaster có thể phun nước vào côn trùng để đánh rơi chúng xuống mặt nước, tương tự như tập tính ở cá mang rổ (Toxotidae).[4]
Cá có mê lộ được biết đến vì tập tính làm tổ bọt của chúng, mặc dù một số loài không làm tổ bọt mà sử dụng các phương pháp ấp trứng khác. Đối với các loài làm tổ bọt thì cá đực thiết lập lãnh thổ xây tổ và bảo vệ các lãnh thổ rất hung hãn. Như tên gọi tổ bọt gợi ý, các tổ bọt là các lớp bọt nổi được bao phủ bằng chất nhầy ở miệng của cá đực, có chức năng làm chỗ bám và cung cấp oxy cho trứng và cá con khi chúng nở. Thông thường những con cá đực làm tổ bọt bơi lảng vảng xung quanh tổ để bảo vệ và thường xuyên thu gom trứng rơi vãi hay cá con mới nở bị rơi ra khỏi tổ. Tuy nhiên, một số loài Betta sinh sống trong vùng nước chảy nhanh lại ấp trứng bằng miệng mà không xây tổ bọt.[5] Ở các loài này thì cá đực giữ trứng và cá con mới nở trong miệng và chỉ giải phóng cá con bơi lội tự do khoảng 3-10 ngày sau khi nở.[6]
Phát sinh chủng loài của các họ và chi trong Anabatoidei dựa theo trình tự ADN ti thể:[7]
Anabantoidei |
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Một vài loài cá có mê lộ là cá thực phẩm quan trọng tại các quốc gia bản địa của chúng. Cụ thể, cá tai tượng là loại cá thực phẩm được đánh giá cao do kích thước lớn, thịt mềm, ít xương.[8] Loài này được chăn nuôi rộng khắp tại Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác cũng như được du nhập có chủ đích vào các vùng nước nhiệt đới và cận nhiệt đới khác trên khắp thế giới. Trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã cố gắng du nhập loài cá này vào nhiều lãnh thổ thuộc địa cũng như mẫu quốc. Mặc dù cố gắng du nhập một quần thể vào miền nam Pháp đã thất bại, nhưng cá tai tượng đã du nhập thành công vào nhiều thuộc địa khác của Pháp.[4] Vào cuối thập niên 1880, cố gắng du nhập cá tai tượng vào California làm cá thực phẩm đã thất bại. Trog thập niên 1950, một quần thể cá tai tượng được thiết lập tại Hawaii.[9]
Các loài cá có mê lộ nhỏ hơn khác, như cá rô đồng (Anabas testudineus), cá hường (Helostoma temminckii), cá sặc rằn (Trichopodus pectoralis) và các loài khác của chi Trichopodus cũng là cá thực phẩm địa phương tại Đông Nam Á.[4][10]
Cá chọi có lẽ là loài cá có mê lộ phổ biến nhất trong mua bán cá cảnh. Cá cờ cũng có lịch sử cá cảnh lâu đời và là một trong số những loài cá cảnh đầu tiên được du nhập vào phương Tây dưới tên gọi "Paradise fish" (cá thiên đường).[4] Nhiều loài thuộc họ Cá tai tượng, như Trichopodus trichopterus và Trichogaster lalius được nhân giống ở quy mô thương mại để mua bán. Do khả năng sử dụng oxy trong không khí của chúng nên nói chung các loài cá này không quá phụ thuộc vào sự thông khí trong bể cảnh, vì chúng có thể nổi lên trên bề mặt nước và hít thở không khí. Nhiều loài cá có mê lộ là loài lành tính và sống khá hòa thuận trong các bể thủy sinh nhiều loài. Tuy nhiên, các con đực, đặc biệt là ở cá chọi và cá cờ, là những kẻ có tính chiếm giữ lãnh thổ. Các con cá chọi đực thường sẽ không thể nuôi nhốt cùng nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào, do chúng đã được nhân giống để có tính hung hãn và sẽ đánh nhau đến chết. Trong nhiều cặp đôi sinh sản, cá đực và cá cái không thể được nhốt cùng nhau trong thời gian dài. Cá đực thậm chí còn nhận nhầm những con đực của loài khác như là địch thủ nếu như chúng cũng có các vây dài tươi màu và sẽ tấn công chúng. Đối với các loài anabantoid khác, một bể cảnh lớn với chỉ một con đực mỗi bể là lý tưởng để ngăn chặn tính hung hãn của chúng.