Tiểu bang Hawaii State of Hawaii Mokuʻāina o Hawaiʻi | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
| |||||||
Biệt danh: The Aloha State (Tiểu bang Aloha) | |||||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Hawaii và tiếng Anh (thổ ngữ Hawaii) | ||||||
Địa lý | |||||||
Quốc gia | Hoa Kỳ | ||||||
Thủ phủ | Honolulu | ||||||
Thành phố lớn nhất | Honolulu | ||||||
Diện tích | 28.337 km² (hạng 43) | ||||||
• Phần đất | 16.634 km² | ||||||
• Phần nước | 11.672 km² (41,2 %) | ||||||
Chiều dài | 2.450 km² | ||||||
Kinh độ | 154°40′W – 162°W | ||||||
Vĩ độ | 18°55′N – 29°N | ||||||
Dân số (2018) | 1.420.491 (hạng 42) | ||||||
• Mật độ | 42,75 (hạng 13) | ||||||
• Trung bình | 925 m | ||||||
• Cao nhất | 4.207 m | ||||||
• Thấp nhất | 0 m | ||||||
Hành chính | |||||||
Ngày gia nhập | 21 tháng 8 năm 1959 (thứ 50) | ||||||
Thống đốc | Josh Green (Dân chủ) | ||||||
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ | Brian Schatz (DC) Mazie Hirono (DC) | ||||||
Múi giờ | HST (UTC−10) | ||||||
• Giờ mùa hè | Không áp dụng | ||||||
Viết tắt | HI Hi. US-HI | ||||||
Trang web | https://portal.ehawaii.gov/ |
Hawaii (tiếng Hawaii: Hawaiʻi) là tiểu bang Hoa Kỳ nằm hoàn toàn trên quần đảo Hawaiʻi (ngày xưa được gọi quần đảo Sandwich bởi những người Châu Âu), nằm trong Thái Bình Dương cách lục địa khoảng 3.700 kilômét (2.300 dặm). Khi bang được gia nhập Liên bang ngày 21 tháng 8 năm 1959, Hawaiʻi được trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Tên của tiểu bang trong tiếng Hawaiʻi có dấu ʻokina (ʻ), cho nên tiếng Anh chuẩn của Hawaiʻi (thổ ngữ Hawaiʻi) cũng phải được viết với dấu này. Đây là tiểu bang có tỷ lệ cư dân gốc Á cao nhất tại Hoa Kỳ.
Đây là nơi sinh của cựu tổng thống Barack Obama (tại Honolulu).
Hawaiʻi là tiểu bang duy nhất của Hoa Kỳ có nước xung quanh. Vì không thuộc lục địa Hoa Kỳ, nó là một trong hai tiểu bang không giáp với tiểu bang khác (Alaska là tiểu bang còn lại). Nó cũng là cực Nam của Hoa Kỳ và là tiểu bang duy nhất nằm hoàn toàn trong miền nhiệt đới cũng như không thuộc về châu lục nào. Hawaiʻi cũng là tiểu bang duy nhất đang tiếp tục được nâng lên bởi các dòng dung nham đang chảy, nhất là từ núi lửa Kīlauea.
Quần đảo Hawaiʻi bao gồm 19 đảo và 1 đảo san hô kéo dài 2.400 km (1.500 dặm). Các đảo chính là tám đảo cao nhất về phía đông nam của dãy đảo. Các đảo này, theo vị trí từ phía tây bắc tới phía đông nam, có những tên: Niʻihau, Kauaʻi, Oʻahu, Molokaʻi, Lānaʻi, Kahoʻolawe, Maui, và đảo Hawaiʻi.
Các đảo Hawaiʻi được tạo ra do núi lửa nổi lên từ đáy biển qua một lỗ thông được gọi là nhiệt điểm (hotspot) trong thuyết địa chất. Lý thuyết này xác nhận rằng trong khi mảng kiến tạo dưới phần lớn của Thái Bình Dương tiến về hướng tây bắc, các nhiệt điểm này đứng yên, từ từ tạo ra các núi lửa mới. Đây là lý do chỉ những núi lửa vào phần nam của Đảo Hawaiʻi đang hoạt động.
Núi lửa phun ở ngoài Đảo Hawaiʻi lần cuối tại Haleakalā trên đảo Maui vào cuối thế kỷ 18. Núi lửa mọc lên gần đây nhất là Lōʻihi, dưới mặt biển cách bờ phía nam của đảo Hawaiʻi.
Bởi vì quần đảo Hawaiʻi bị cô lập ở giữa Thái Bình Dương, và nhiều loại môi trường tồn tại ở các đảo cao nằm trong hay gần vùng nhiệt đới, cho nên tiểu bang này có đủ loại thứ loài thực vật và động vật đặc hữu. Những hoạt động của núi lửa và xói mòn sau đó tạo ra nhiều địa mạo đẹp hay. Thời tiết ở đây làm cho núi Waiʻaleʻale thành nơi ẩm ướt thứ ba trên thế giới; mỗi năm mưa trung bình 11,7 m (460 inch).
Các khu vực dưới quyền của Dịch vụ Vườn Quốc gia (NPS) bao gồm:
Những nơi đông người ở vị trí ngày nay do hoàng gia Hawaiʻi mới đầu di chuyển từ đảo Hawaiʻi tới Maui rồi tới Hawaiʻi. Thành phố lớn nhất và thủ phủ của tiểu bang, Honolulu, là thành phố mà Quốc vương Kamehameha III lựa chọn thành kinh đô của quốc vương ngày xưa, do có cảng tự nhiên ở đấy, đó là cảng Honolulu ngày nay.
Honolulu nằm ven bờ biển phía đông nam của đảo Oʻahu. Các thành phố đông người kia có: Hilo, Kāneʻohe, Kailua, Thành phố Pearl, Kahului, Kailua-Kona, và Līhuʻe.
Các nhà nhân chủng học cho rằng những người Polynesia của quần đảo Marquises và quần đảo Société bắt đầu tới quần đảo Hawaiʻi vào khoảng 300 CN, sau đó dân Tahiti tới vào khoảng 1300 CN, họ xâm chiếm và giết hết mọi dân cư đầu tiên ở quần đảo. Những người Tahiti này giữ kỷ niệm của sự di trú bằng lời nói dùng chuyện phả hệ và truyện dân gian, như các chuyện Hawaiʻiloa và Paʻao. Họ chỉ có quan hệ với nhóm người Polynesia khác lâu vào đầu thời di trú, và Hawaiʻi phát triển từ những làng nhỏ thành xã hội phức tạp gần một mình.
Họ tự nhiên ngừng đi lại giữa Hawaiʻi và vùng Nam Thái Bình Dương, không biết lý do vài thế kỷ trước khi người Âu Châu đến. Các thủ lĩnh địa phương, được gọi aliʻi, cai trị làng của họ và chiến đấu để mở rộng thế lực và chống lại các làng khác. Chiến tranh xảy ra rất nhiều. Xã hội này hướng về cương vị lớn hơn và bắt đầu bao gồm cả hòn đảo.
Các bản báo cáo mập mờ của những nhà thám hiểm Âu Châu cho biết rằng Hawaiʻi đã được người Âu Châu thăm viêng từ lâu trước hạm trưởng người Anh James Cook năm 1778. Các sử gia ghi công ông Cook về sự khám phá này, tại vì ông là người đầu tiên vẽ bản đồ và xuất bản tọa độ của quần đảo Hawaiʻi. Cook đặt tên là quần đảo Sandwich để thể hiện lòng tôn trọng của ông đối với một trong những nhà tài trợ cho chuyến đi là John Montagu, bá tước đời thứ tư Sandwich.
Sau một loạt trận đánh kết thúc năm 1795 và đảo Kauaʻi ly khai hòa bình năm 1810, quần đảo Hawaiʻi được liên hiệp lần đầu tiên dưới quyền Vua Kamehameha Đại đế. Ông thành lập Nhà Kamehameha, triều đại mà cai trị vương quốc tới năm 1872. Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đó là việc cấm Giáo hội Công giáo Hawaiʻi.
Sự kiện đó dẫn đến Chỉ dụ Khoan dung (Edict of Toleration), lập nên tình trạng tự do tôn giáo ở quần đảo Hawaiʻi. Cái chết của Vua Kamehameha V – ông chưa vợ, nhưng không chọn người nối ngôi – dẫn đến Vua Lunalilo được bầu. Sau ông qua đời, Nhà Kalākaua được quyền cai trị.
Năm 1887, với lý do sự cai trị yếu kém, những thương gia Mỹ và Âu Châu mà đã tham gia vào chính phủ Hawaiʻi gí súng vào đầu Vua Kalākaua và bắt ông phải ký tên vào Hiến pháp Lưỡi lê, nó không chỉ tước đoạt quyền lực của quốc vương mà cũng bãi bỏ quyền đi bầu của người châu Á và đặt điều kiện thu nhập và tài sản tối thiểu của các cử tri người Mỹ, Âu Châu, và thổ dân Hawaiʻi, nói chung là nó khiến cho chỉ có những người Mỹ, Âu Châu, và thổ dân giàu có thể bỏ phiếu. Vua Kalākaua thống trị đến khi qua đời năm 1891.
Chị của Kalākaua, Liliʻuokalani, nối ngôi và cai trị đến khi bị truất ngôi năm 1893. Các thương gia Mỹ và Âu Châu đảo chính do bà loan tin là sẽ bãi bỏ hiến pháp. Tuy bà chùn lại đến phút cuối cùng, nhưng các thành viên của cộng đồng ngoại quốc thành lập Ủy ban An toàn mà thực hiện đảo chính gần không đổ máu và thành lập chính phủ lâm thời. Ngày 30 tháng 5 năm 1894, hội nghị hiến pháp dự thảo hiến pháp mới cho Cộng hòa Hawaii. Cộng hòa tuyên bố chủ quyền ngày 4 tháng 7 năm 1894, cùng ngày với quốc khánh Hoa Kỳ.
Sự lật đổ chế độ quân chủ là sự kiện quan trọng trong lịch sử Hawaiʻi và vẫn còn gây ra tranh luận. Trong thời Vương quốc và chế độ cộng hòa sau đó, Lâu đài ʻIolani – nhà hoàng gia chính thức duy nhất tại Hoa Kỳ ngày nay – được sử dụng như trụ sở thủ phủ.
Khi William McKinley thắng cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1896, vấn đề sáp nhập Hawaii vào Hoa Kỳ được nổi lên lần nữa. Tổng thống tiền nhiệm, Grover Cleveland, là bạn của Nữ hoàng Liliʻuokalani. Ông phản đối việc phụ thuộc Hawaii vào Hoa Kỳ đến cuối nhiệm kỳ ông, nhưng rồi McKinley bị thuyết phục bởi những người theo chủ nghĩa bành trướng và những người muốn sáp nhập đến từ Hawaii. Ông tán thành cuộc gặp với một Ủy ban người ủng hộ việc sáp nhập đến từ Hawaii, có Lorrin Thurston, Francis Hatch, và William Kinney. Sau khi đàm phán với họ, vào tháng 6 năm 1897, ông McKinley ký hiệp ước sáp nhập với các đại biểu này của Cộng hòa Hawaii. Tổng thống sau đó gửi hiệp ước cho Quốc hội Hoa Kỳ để họ phê chuẩn.
Vụ sáp nhập Hawaii vào Hoa Kỳ bị nhiều người phản đối. Hui Aloha ʻAina và Hui Kalaiʻaina tổ chức hai vận động kiến nghị, một vận động lấy gần 22.000 tên ký phản đối sáp nhập, trong khi vận động kia lấy vào khoảng 17.000 tên xin phục hồi chế độ quân chủ. Chỉ có kiến nghị 22.000 tên phản đối sáp nhập được gửi cho chính phủ Hoa Kỳ, trong khi 17.000 tên kia chưa được tìm lại. Hồi đó Lorrin Thurston chỉ trích kiến nghị được gửi do điều tra của ông chỉ ra nhiều gian lận.[1]
Dù những người đó phản đối ở quần đảo, Nghị quyết Newlands ("nghị quyết các đất mới") được thông qua Hạ Nghị viện ngày 15 tháng 6 năm 1898 với kết quả 209 người thuận và 91 người chống, và được thông qua Thượng Nghị viện ngày 6 tháng 7 năm 1898 với kết quả 42–21, sáp nhập Hawaii thành một lãnh thổ chính thức của Hoa Kỳ, mặc dù những đại biểu phản đối trong Quốc hội.[2][3][4] Tuy một số người nghi ngờ sự hợp pháp của vụ sáp nhập này vì nghị quyết được thông qua thay vì hiệp ước, hai viện Quốc hội ủng hộ đạo luật này với đa số hai phần ba, trong khi một hiệp ước chỉ cần hai phần ba của Thượng Nghị viện thuận (Điều II, Đoạn 2, Hiến pháp Hoa Kỳ).
Năm 1900, Hawaii được tự trị và giữ Lâu đài ʻIolani là trụ sở của thủ phủ lãnh thổ. Tuy có người thử dành cấp tiểu bang vài lần, Hawaii vẫn còn là lãnh thổ kéo dài 60 năm. Các người chủ đồn điền, như là nhóm được gọi Big Five, thấy cấp lãnh thổ rất tiện, để họ tiếp tục nhập khẩu nhân công rẻ từ ngoại quốc; chính phủ liên bang cấm nhập cư như vậy ở các tiểu bang kia.
Quyền của các người chủ đồn điền cuối cùng bị vỡ do những người hoạt động chính trị mà cháu của nhân công nhập cư đầu tiên. Do họ được sinh tại lãnh thổ nước Mỹ, họ tự động là công dân Hoa Kỳ. Mong được quyền bầu cử đầy đủ, họ vận động cho cấp tiểu bang tại quần đảo Hawaiʻi.
Tháng 3 năm 1959, hai viện Quốc hội thông qua Đạo luật Nhận, và Tổng thống Dwight D. Eisenhower tán thành nó. (Đạo luật này không kể đảo san hô Palmyra, ngày xưa là phần của Vương quốc và Lãnh thổ Hawaiʻi, khi định nghĩa tiểu bang.) Ngày 27 tháng 6 năm đó, lãnh thổ này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để dân Hawaii biểu quyết về đạo luật đưa cấp tiểu bang. Hawaii chấp nhận nó với kết quả mỗi người chống có 17 người thuận. Ngày 21 tháng 8, các nhà thờ khắp thành phố Honolulu kêu chuông khi Hawaiʻi được tuyên bố là tiểu bang thứ 50 của Liên bang.
Sau khi giành được cấp tiểu bang, Hawaiʻi vội trở thành tiểu bang hiện đại, ngành xây dựng và kinh tế mở mang rất nhanh. Đảng Cộng hòa Hawaiʻi bị đuổi ra khỏi chính phủ trong cuộc bầu cử, đảng được ủng hộ rất mạnh bởi các người chủ đồn điền. Thay cho đảng này, Đảng Dân chủ Hawaiʻi thống trị chính trị tiểu bang kéo dài 40 năm. Tiểu bang này cũng cố gắng xây lại văn hóa của thổ dân Hawaiʻi. Hội nghị Hiến pháp Tiểu bang Hawaiʻi năm 1978 dẫn đến thời kì mà có người gọi là "phục hưng Hawaiʻi". Các đại biểu của tiểu bang tạo ra những chương trình mang lại ngôn ngữ và văn hóa của thổ dân Hawaiʻi. Ngoài ra, họ cố gắng ủng hộ quyền lực thổ dân về vấn đề tiểu bang bằng cách thành lập Văn phòng Hawaiʻi vụ (Office of Hawaiian Affairs).
Lịch sử dân số | |||
---|---|---|---|
Điều tra dân số |
Số dân | %± | |
1900 | 154.001 | — | |
1910 | 191.874 | 246% | |
1920 | 255.881 | 334% | |
1930 | 368.300 | 439% | |
1940 | 422.770 | 148% | |
1950 | 499.794 | 182% | |
1960 | 632.772 | 266% | |
1970 | 769.913 | 217% | |
1980 | 964.691 | 253% | |
1990 | 1.108.229 | 149% | |
2000 | 1.211.537 | 93% | |
2010 | 1.360.301 | 123% | |
Nguồn: 1910-2010[5] |
Năm 2005, dân số Hawaii ước tính là 1.275.194 người, tăng 13.070 người hay 1,0% so với năm trước và tăng 63.657 người hay 5,3% so với năm 2000. Số dân tăng tự nhiên là 48.111 người (96.028 sinh trừ 47.917 chết) và con số tăng do nhập cư là 16.956 người. Nhập cư từ bên ngoài Hoa Kỳ tới tiểu bang là 30.068 người trong khi có 13.112 người di cư tới các bang khác trong nước. Trung tâm dân cư của Hawaii nằm ở giữa hai đảo O'ahu và Moloka'i
Hawaii trên thực tế có dân số trên 1,3 triệu người do có một số lượng lớn quân nhân cũng như khách du lịch. O'ahu là hòn đảo đông dân nhất và cũng có mật độ dân số cao nhất, tổng dân cư của đảo là khoảng gần 1 triệu người trên một diện tích 1546 km² (597 mi²). Tuổi thọ trung bình ở Hawaii năm 2000 là 79,8 năm (77,1 với nam và 82,5 với nữ), cao hơn bất kỳ tiểu bang nào tại Hoa Kỳ[6]
Theo điều tra của Cục thống kê Hoa Kỳ năm 2008, người Mỹ da trắng chiếm 27,1% dân số Hawaii, trong đó 24,8% là người da trắng nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha (Hispanic). Người da đen hay người Mỹ gốc Phi chiếm 2,4% dân số (trong đó 2,3% không phải là Hispanic). Người đa đỏ chiếm 0,2% (trong đó 0,1% không phải là Hispanic). Người Mỹ gốc Á chiếm 38,5% (trong đó 37,6% không phải là Hispanic). Người Mỹ gốc các đảo Thái Bình Dương chiếm 9% (trong đó 8,6% không phải là Hispanic). Các chủng tộc là 1,4% (trong đó 1,0% không phải là Hispanic). Người Mỹ đa chủng tộc chiếm 21,4% (trong đó 17,8% không phải là Hispanic). Người nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha (Hispanic) chiếm 8,7%[7]
Hawaii có tỷ lệ người Mỹ gốc Á cao nhất cả nước, trong đó có 175.000 người Mỹ gốc Philippines và 161.000 người Mỹ gốc Nhật. Ngoài ra còn có 53.000 người Mỹ gốc Hoa và 40.000 người Mỹ gốc Hàn. Người Hawaii bản địa có 77.000 người (chiếm 5,5%). Trên 110.000 nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha (Hispanic) coi Hawaii là quê hương của mình, trong đó người Mexico là 37.000, người Puerto Rico là 35.000. Ngoài ra, Hawaii cũng có tỷ lệ người đa chủng tộc cao nhất tại Hoa Kỳ, trong đó chủ yếu là người lai Âu-Á với gần 61.000 người [7].
Năm sắc dân gốc Âu lớn nhất tại Hawaii là người gốc Đức, gốc Ireland, gốc Anh, gốc Bồ Đào Nha và gốc Ý. Xấp xỉ 82,2% dân cư Hawaii sinh ra tại Hoa Kỳ và 15% người sinh ra ở nước ngoài là từ châu Á[7]. Hawaii là một trong hai tiểu bang mà người da trắng phi Hispanic không chiếm đa số, tiểu bang còn lại là New Mexico.
Tổ tiên | Tỷ lệ | Bài chính: |
---|---|---|
Người Philippines | 13,6% | Xem thêm Người Mỹ gốc Philippines |
Người Nhật | 12,6% | Xem thêm Người Mỹ gốc Nhật |
Người Polynesia | 9,0% | Xem thêm Người Hawaii bản địa |
Người Việt | 8,12% | Xem thêm Người Mỹ gốc Việt |
Người Đức | 7,4% | Xem thêm Người Mỹ gốc Đức |
Người Ireland | 5,2% | Xem thêm Người Mỹ gốc Ireland |
Người Anh | 4,6% | Xem thêm Người Mỹ gốc Anh |
Người Bồ Đào Nha | 4,3% | Xem thêm Người Mỹ gốc Bồ Đào Nha |
Người Hoa | 4,1% | Xem thêm Người Mỹ gốc Hoa |
Người Hàn | 3,1% | Xem thêm Người Mỹ gốc Hàn |
Người México | 2,9% | Xem thêm Người Mỹ gốc Mexico |
Người Puerto Rico | 2,8% | Xem thêm Người Mỹ gốc Puerto Rico |
Người Ý | 2,7% | Xem thêm Người Mỹ gốc Ý |
Người Phi | 2,4% | Xem thêm Người Mỹ gốc Phi |
Người Pháp | 1,7% | Xem thêm Người Mỹ gốc Pháp |
Người Scotland | 1,2% | Xem thêm Người Mỹ gốc Scotland |
Ba nhóm người ngoại quốc đầu tiên đến Hawaii là người Polynesia, người Âu và người Hoa, người Hoa đến trên những thuyền buôn từ năm 1789. Năm 1820, những nhà truyền giáo Hoa Kỳ đầu tiên đã tới truyền đạo Thiên Chúa và truyền bá văn minh phương Tây đến Hawaii. Họ đã thuyết phục các tù trưởng người Hawaii bản địa từ bỏ phong tục lấy người làm vật hiến tế.
Một phần lớn dân số Hawaii hiện nay có tổ tiên châu Á (đặc biệt là người Philippines, người Nhật, người Hoa). Nhiều người là hậu duệ của những người nhập cư được đưa đến để làm việc trong các đồn điền trồng mía đường vào những năm 1850 và sau này. 153 người Nhật đầu tiên nhập cư vào Hawaii vào ngày 19 tháng 6 năm 1868. Họ là những người nhập cư không "hợp pháp" theo chính quyền Nhật Bản bởi thỏa thuận được ký giữa những người lái buôn và Mạc Phủ Tokugawa, sau đó bị thay thế bởi chế độ của Minh Trị Thiên Hoàng. Người nhập cư Nhật Bản được phê chuẩn đầu tiên đến vào ngày 9 tháng 2 năm 1885 sau khi có đơn thỉnh cầu của Vua Kalākaua với Nhật Hoàng Minh Trị khi ông đến thăm Nhật Bản năm 1881.
Theo thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010 thì Hawaii có 9.779 người gốc Việt (0,7%). Nếu kể bất cứ ai mang ít nhiều dòng máu Việt thì có 13.266 người, chiếm 1% dân số tiểu bang, trong số đó 11.985 người tập trung trên đảo Oahu. Thứ nhì là đảo Maui có 641 người và thứ ba là đảo lớn Hawaii, có 496 người. Đảo Molokai chỉ có bốn người gốc Việt.[9]
Theo thống kê năm 2000, 73,44% cư dân Hawaii từ 5 tuổi trở lên dùng tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất ở nhà[10]. Đến năm 2008 theo thống kê của cuộc Điều tra Cộng đồng Hoa Kỳ thì con số này tăng lên thành 74,6%.[7]
Tiếng Tây Ban Nha được 2,6% cư dân Hawaii sử dụng, 1,6% thuộc về những ngôn ngữ khác thuộc Ngữ hệ Ấn-Âu; 21% nói các ngôn ngữ châu Á và 0,% nói các ngôn ngữ khác tại nhà
Sau tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến thứ hai là tiếng Tagalog (là ngôn ngữ chính thức tại Philippines) (5,37%), tiếng Nhật (4,96%) và tiếng Ilokano (ngôn ngữ mẹ đẻ của phần lớn người Mỹ gốc Philippines) (4,05%), tiếng Trung Quốc (1,92%), tiếng Hawaii (1,68%), tiếng Hàn (1,61%), tiếng Samoa (1,01%)[10]
Có một bất đồng gây chia rẽ về mặt chính trị đã nảy sinh khi Hiến pháp của Tiểu Bang Hawaii đưa tiếng Hawaii là ngôn ngữ chính thức thứ hai của tiểu bang là: cách viết chính xác tên của tiểu bang. Trong Đạo luật Công cộng Hawaii, Chính phủ liên bang công nhận Hawaii là tên chính thức của tiểu bang. Các văn bản, tiêu đề chính thức của chính quyền đều sử dụng cách viết này và không có ký hiệu của âm tắc hầu hay nguyên âm dài. Tương phản, vài thực thể tư nhân như báo chí địa phương, sử dụng ký hiệu này
Tiêu đề hiến pháp tiểu bang là "Hiến pháp của Tiểu bang Hawaii". Trong điều XV, mục 1 dùng "Bang Hawaii" và mục 5 chỉ rõ khẩu hiệu của tiểu bang là "Ua mau ke ea o ka aina i ka pono". Các dấu 'okina và kahakō trong chính tả tiếng Hawaii không được sử dụng. Cuộc tranh luận tỏ ra ít được những người nói tiếng Anh bên ngoài Hawaii quan tâm.
Tôn giáo tại Hawaii, só liệu dựa theo năm 2000 như sau [11][12][13]
Giáo phái lớn nhất về số lượng tín đồ là Giáo hội Công giáo với 240.813 năm 2000[14]. "Tôn giáo khác" là các tôn giáo không phải là Kitô giáo, Phật giáo hay Do Thái giáo, gồm có tôn giáo Bahai, Khổng giáo, Đạo giáo, các tôn giáo truyền thống của Hawaii, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Thần đạo, Hỏa giáo và một số tôn giáo khác.
"Không tham gia tổ chức tôn giáo" đề cập tới những người không thuộc về một giáo phái nào, nhóm này gồm những người theo thuyết bất khả tri, vô thần, chủ nghĩa nhân văn hay không tín ngưỡng.
Lịch sử Hawaii có các ngành kinh tế chủ yếu: gỗ đàn hương (sandalwood)[15], săn cá voi[16], sản xuất đường, dứa, quân đội, du lịch và giáo dục. Từ khi có quy chế tiểu bang năm 1959, du lịch đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất, đống góp 24,3% Tổng sản phẩm Bang (GSP). Vào năm 1997, mặc dù vậy bang đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Tổng thu nhập toàn tiểu bang năm 2003 là 47 tỷ đôla Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 30.441 đôla.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hawaii là thực phẩm và quần áo. Các ngành công nghiệp này có vai trò không đáng kể trong kinh tế Hawaii, tuy nhiên, khoảng cách xa xôi đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi thế cạnh tranh của tiểu bang. Các mặt hàng thực phẩm chính của tiểu bang gồm cà phê, quả hạch, dứa, thú nuôi và đường. Giá trị ngành nông nghiệp năm 2002 theo Sở Thống kê Nông nghiệp Hawaii là 370,9 triệu đô la Mỹ, sản xuất dứa là 100,6 triệu đô la và sản xuất đường là 64,3 triệu đô la.
Hawaii có mức thuế khá cao. Năm 2003, cư dân Hawaii có mức thuế đầu người là 2.838 đô la Mỹ. Điều này một phần vì giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội đều được tiểu bang cung ứng, một điều không có ở các bang khác. Năm 2010, tỷ lệ triệu phú của tiểu bang cao thứ một trong cả nước.
Hàng triệu du khách mang đến thu nhập cho tiểu bang khi trả thuế thông thường khi mua sắm cũng như thuế phòng khách sạn. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thuế của tiểu bang quá cao, góp phần làm cho giá cả cao hơn và môi trường kinh doanh không thuận lợi[17]. Hawaii là một trong số ít các tiểu bang kiểm soát giá xăng dầu. Kể từ khi lợi nhuận của công ty dầu tại Hawaii được so sánh với Hoa Kỳ lục địa được khảo sát, luật trói buộc giá xăng dầu địa phương ngang bằng với lục địa. Vào tháng 1 năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp toàn bang là 6,9%[18].
Văn hóa bản địa Hawaii là của người Polynesia. Hawaii được coi là cực bắc của tam giác Polynesia ở phía nam và trung tâm Thái Bình Dương. Trong khi văn hóa bản địa Hawaii chỉ còn là vết tích trong xã hội Hawaii hiện đại, nhiều nghi lễ và phong tục truyền thống diễn ra khắp trên quần đảo. Một số thậm chí tác động trên toàn Hoa Kỳ như sự phổ biến của luau (bữa tiệc kiểu Hawaii) và vũ điệu hula.
Hawaii có nhiều sự kiện mang tính văn hóa. Lễ hội Quốc vương Merrie là một cuộc cạnh tranh ngôi vị quán quân điệu nhảy Hula quốc tế [19]. Bang cũng là nơi tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hawaii, liên hoan phim hàng đầu của khu vực vành đai Thái Bình Dương[20].
Năm 2009, 92% cư dân Hawaii có bảo hiểm y tế. Dưới tác dụng của các kế hoạch tiểu bang, các doanh nghiệp phải cung cấp bảo hiểm cho người lao động làm việc trên 20 tiếng mỗi tuần. Quy định này khiến cho lương của người lao động bị giảm xuống. Do được tiêm phòng bệnh nhiều, người Hawaii ít khi phải tới bệnh viện hơn các bang khác của Hoa Kỳ trong khi viện phí về căn bản là thấp hơn. Với thành tích này, những đề xuất về một hệ thống bảo hiểm y tế phổ quát tại nhiều nơi của Hoa Kỳ nhiều khi sử dụng Hawaii như một hình mẫu để đề nghị các kế hoạch chăm sóc sức khỏe liên bang cũng như tiểu bang. Tuy nhiên những người chỉ trích cho rằng sự thành công của Hawaii có phần đóng góp của khí hậu yên bình và tình trạng biệt lập nên có ít dịch bệnh, nền kinh tế Hawaii phụ thuộc vào du lịch và các doanh nghiệp cũng không hài lòng với việc chi trả bảo hiểm hiện nay tại tiểu bang[21]
Những người tốt nghiệp phổ thông ở Hawaii thường lập tức tham gia vào thị trường lao động, một số chuyển đến các trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ lục địa, phần còn lại theo học tại các cơ sở giáo dục bậc cao hơn tại Hawaii.
Lớn nhất là hệ thống của Đại học Hawaii, bao gồm các cơ sở tại Manoa và 2 khu trường sở tại Hilo và Tây Oahu; ngoài ra còn có 7 đại học tại tiểu bang. Các đại học tư nhân bao gồm Brigham Young University–Hawaii, Chaminade University of Honolulu, Hawaii Pacific University, hay University of the Nations.
Một hệ thống xa lộ tiểu bang được xây dựng quanh các đảo chính. Chỉ có Oahu là có quốc lộ liên bang, và là khu vực duy nhất bên ngoài 48 tiểu bang liền kề nhau có ký hiệu của đường quốc lộ giữa các tiểu bang. Việc đi lại có thể chậm chạp vì các con đường thường quanh co và hẹp, còn đường ở các thành phố khá đông đúc. Mỗi đảo có một hệ thống xe bus công cộng riêng.
Các chuyến bay thương mại phục vụ việc đi lại tới lục địa cũng như giữa các đảo với nhau. Hawaiian Airlines, Mokulele Airlines và go! Sử dụng các máy bay phản lực ở các sân bay lớn tại Honolulu, Lihue, Kahului, Kona và Hilo, trong khi Island Air và Pacific Wings dùng các máy bay nhỏ hơn. Các hãng hàng không này cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa các đảo.
Norwegian Cruise Lines cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuyền giữa các đảo. Hawaii Superferry có kế hoạch kết nối giữa Oahu và các đảo khác.