Trang Chính | →Bản đồ← |
Cổng thông tin Chiến tranh thế giới thứ haiChiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc bắt đầu từ năm 1937 hoặc 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa các lực lượng Đồng Minh và Trục (phát-xít). Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng của cuộc chiến này, ngoại trừ châu Nam Cực. Nó là cuộc chiến rộng lớn và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại. Các chiến sự đã xảy ra tại Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và phần lớn của Đông Á và Đông Nam Á. Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5, 1945 nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Sau cuộc chiến, châu Âu bị chia ra làm hai phái: một phía chịu ảnh hưởng phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, còn phía kia chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Các nước chịu sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ được phục hồi kinh tế sau khi nhận được viện trợ từ Kế hoạch Marshall trong khi các nước kia trở thành các nước cộng sản phụ thuộc Liên Xô. Tây Âu liên kết đồng minh trong Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương, trong khi các nước Đông Âu liên kết đồng minh theo Hiệp ước Warszawa. Các liên minh này đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh sau này. Tại châu Á, sự chiếm đóng Nhật Bản của quân đội Hoa Kỳ đã Tây hóa nước này, trong khi Trung Quốc bị chia ra thành hai nước: nước cộng sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan. [ Đọc tiếp ] Bài viết chọn lọcChiến tranh Xô-Đức là cuộc chiến giữa Liên Xô và Đức Quốc Xã thời Thế chiến thứ hai. Ở Liên Xô trước đây hoặc nước Nga ngày nay cuộc chiến này còn được gọi là Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tên gọi này lấy theo tên trong lời hiệu triệu của Stalin trên radio gửi đến nhân dân Xô Viết vào ngày 3 tháng 7 năm 1941, hoặc nó còn được gọi là cuộc Chiến tranh thần thánh. Tại Đức hoặc Phương Tây cuộc chiến tranh này thường được gọi là Chiến tranh Xô–Đức hay đơn giản là Mặt trận phía đông vì thực chất đây là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc chiến ở mặt trận phía đông châu Âu trong Thế chiến thứ hai. Đây là cuộc chiến giữa Đức Quốc Xã cùng các đồng minh chính là Romania, Hungary, Ý, Phần Lan chống lại Liên bang Xô Viết, về sau Liên Xô cho thành lập quân đội các nước Ba Lan, Tiệp Khắc bên phía mình để chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia này và làm nòng cốt xây dựng quân đội các quốc gia này sau chiến thắng. Vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, khi quân đội Xô Viết tiến vào Romania, Hungary, các nước này đã quay sang chống lại Đức Quốc Xã và gia nhập Liên minh chống Phát xít. Cuộc chiến này bắt đầu từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 khi Wehrmacht (Quân đội Đức Quốc Xã) theo lệnh Adolf Hitler xoá bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Liên Xô-Đức, 1939 và tấn công bất ngờ Liên bang Xô Viết, và cuộc chiến này kết thúc ngày 9 tháng 5 năm 1945 khi đại diện Đức Quốc Xã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện Quân đội Xô Viết và các lực lượng của Liên minh chống Phát xít sau khi Quân đội Xô Viết đánh chiếm thủ đô Đức Berlin. Sau chiến tranh Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường thế giới, toàn bộ Đông Âu rơi vào khu vực kiểm soát của nước này và nước Đức bị phân đôi thành Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức. Khí tài quân sự
North American P-51 Mustang là một kiểu máy bay tiêm kích Hoa Kỳ một chỗ ngồi tầm xa được đưa vào sử dụng trong không lực các nước Đồng Minh vào các năm giữa của Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiếc P-51 trở nên một trong những kiểu máy bay nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh.
Được thiết kế, chế tạo và bay thử chỉ trong vòng 117 ngày, P-51 thoạt tiên phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh như một máy bay tiêm kích-ném bom và trinh sát, trước khi chuyển sang vai trò máy bay tiêm kích hộ tống ném bom bên trên lãnh thổ Đức, giúp duy trì ưu thế trên không của phe Đồng Minh từ đầu năm 1944. Nó cũng tham gia ở mức độ hạn chế chống lại Đế quốc Nhật Bản trên Mặt trận Thái Bình Dương. Mustang bắt đầu tham gia Chiến tranh Triều Tiên như là máy bay tiêm kích chủ yếu của lực lượng Liên Hợp Quốc, nhưng nhanh chóng được bố trí lại trong vai trò tấn công mặt đất sau khi bị vượt qua bởi những máy bay tiêm kích phản lực đời đầu. Tuy vậy, nó vẫn được giữ lại phục vụ trong một số lực lượng không quân cho đến đầu những năm 1980. Cho dù là một máy bay có giá thành chế tạo thấp, Mustang lại là một kiểu máy bay nhanh, được chế tạo tốt và rất bền bỉ. Phiên bản cuối cùng P-51D của chiếc tiêm kích một chỗ ngồi này được trang bị động cơ 12 xy-lanh Packard V-1650-3, có siêu tăng áp hai tầng hai tốc độ, một phiên bản do Packard chế tạo của kiểu động cơ Rolls-Royce Merlin huyền thoại, và trang bị sáu súng máy M2 Browning 12,7 mm (0,50 in). Sau Thế Chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, nhiều chiếc Mustang được chuyển sang sử dụng dân sự, đặc biệt là trong các cuộc đua hàng không. Danh tiếng Mustang đạt đến mức mà, vào giữa những năm 1960, nhà thiết kế John Najjar của hãng xe Ford đã đề nghị cái tên máy bay tiêm kích đó cho mẫu xe thể thao Ford Mustang. Bài viết tiêu biểu
Haruna (tiếng Nhật: 榛名), tên được đặt theo đỉnh núi Haruna, là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản hoạt động trong cả Thế Chiến I và Thế Chiến II. Nó là chiếc thứ tư và là chiếc cuối cùng của lớp Kongō. Được thiết kế bởi kỹ sư hàng hải người Anh George Thurston như một tàu chiến-tuần dương, nó được cải tạo hai lần trong suốt quá trình phục vụ: lần thứ nhất thành một thiết giáp hạm vào năm 1926, và lần thứ hai thành một thiết giáp hạm nhanh vào năm 1933.
Vào ngày 18 tháng 1 năm 1942, Lực lượng Chủ lực của Đô đốc Kondo đến Palau cùng với hai tàu sân bay nhanh với ý định yểm trợ cho cuộc chiếm đóng Borneo và Đông Ấn thuộc Hà Lan. Vào ngày 29 tháng 5 năm 1942, Haruna hợp cùng chiếc tàu chị em với nó Kirishima tham gia lực lượng tàu sân bay của Phó Đô đốc Chūichi Nagumo trong trận Midway. Vào ngày 4 tháng 6, Haruna chịu đựng nhiều đợt tấn công của máy bay ném ngư lôi Mỹ, nhưng nó thoát ra mà không bị đánh trúng cú nào trong khi bắn rơi được năm máy bay đối phương. Sang ngày 5 tháng 6, Haruna vớt những người sống sót trên bốn chiếc tàu sân bay bị đánh chìm trước khi quay trở về Nhật Bản. Nó ở lại vùng biển Nhật Bản cho đến tháng 9 năm 1942, trải qua một số cải tiến nhỏ trong tháng 8 năm đó. Vào ngày 6 tháng 9 năm 1942, Haruna cùng với phần còn lại của Hải đội Thiết giáp hạm 3 được chuyển đến Truk, và đến ngày 10 tháng 9 năm 1942 con tàu khởi hành trong đội hình của Hạm đội 2 dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Kondo hướng về quần đảo Solomon. Vào ngày 20 tháng 9 năm 1942, hạm đội được lệnh quay trở về Truk. Hai ngày sau trận chiến mũi Esperance, 13 tháng 10 năm 1942, Haruna và Kongō tham gia vào cuộc bắn phá sân bay Henderson, đã nả 918 quả đạn pháo 356 mm (14 inch), gây hư hỏng nặng cho sân bay cùng phá hủy 48 máy bay. Từ ngày 24 tháng 7 năm 1945, Lực lượng Đặc nhiệm TF38 của Hải quân Mỹ bắt đầu một loạt các cuộc không kích xuống căn cứ hải quân Kure với ý định tiêu diệt hoàn toàn phần còn lại của Hải quân Nhật. Trong ngày 24 tháng 7 năm 1945, thiết giáp hạm Hyūga bị đánh chìm, và Haruna bị đánh trúng một quả bom gây hư hại nhẹ. Ngày 28 tháng 7 năm 1945, Haruna chịu đựng một cuộc không kích nặng nề bởi máy bay của Lực lượng Đặc nhiệm TF38, bị đánh trúng chín quả bom trước khi bị chìm tại nơi neo đậu lúc 16 giờ 15 phút. Trong hai ngày bị tấn công, 65 sĩ quan và thủy thủ của chiếc Haruna đã bị thiệt mạng. Đến năm 1946, phần còn lại của chiếc Haruna được trục vớt lên khỏi mặt nước, và trong hai năm sau đó nó được tháo dỡ.
Hình ảnh chọn lọcZuikaku (tiếng Nhật: 瑞鶴; phiên âm Hán-Việt: Thụy hạc, có nghĩa là "chim hạc may mắn") là một tàu sân bay thuộc lớp tàu Shōkaku của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Nhân vật lịch sử
Annelies Marie "Anne" Frank (12 tháng 6, 1929 - 12 tháng 3, 1945) là một cô bé người Đức gốc Do Thái, tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng Nhật ký Anne Frank. Cuốn nhật ký được viết khi Anne cùng gia đình và bốn người nữa ẩn náu tại Amsterdam trong thời gian chiếm đóng của quân Đức thời Thế chiến thứ 2.
Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1 năm 1933, gia đình Anne Frank rời khỏi Frankfurt am Main đi Amsterdam cuối năm 1933 để thoát khỏi sự truy đuổi của Đức quốc xã. Từ tháng 7 năm 1942, họ sống trốn tránh trong những căn phòng được ngụy trang, khi đó Anne 13 tuổi. Sau hai năm, do bị phản bội, gia đình Anne bị phát hiện và bị đưa tới trại tập trung của Đức quốc xã. Bảy tháng sau đó, Anne chết tại trại Bergen-Belsen, vài ngày sau cái chết của Margot, chị của Anne. Ông Otto, bố Anne, người duy nhất trong nhóm sống sót trở về Amsterdam sau chiến tranh và tìm thấy nhật ký của con gái. Ông đã quyết định cho xuất bản cuốn nhật ký với tên Het Achterhuis: Dagboekbrieven van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944. Cuốn nhật ký Anne được tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 13, đã ghi lại cái nhìn của cô về những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian từ 12 tháng 6 năm 1942 tới 1 tháng 8 năm 1944. Từ tiếng Hà Lan, cuốn nhật ký đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, trở thành một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới. Nhiều bộ phim, vở kịch, opéra được dựng dựa theo tác phẩm này. Bạn có biết...
Thể loạiKhông có thể loại con Diễn biến chiến sự
Danh mụcTham giaChủ đề Chiến tranh thế giới thứ hai đang được xây dựng nên rất cần sự giúp đỡ, đóng góp của các bạn về nội dung lẫn giao diện. Các bạn có thể:
Chủ đề liên quanCổng thông tin Wikipedia
|