Tại Việt Nam, Giáo sư (tiếng Anh: Professor) là một học hàm, chức danh hoặc chức vụ khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được nhà nước Việt Nam phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động (lĩnh vực) đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phó Giáo sư (tiếng Anh: associate professor) là một chức danh khoa học dành cho người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng ở cấp thấp hơn giáo sư (professor). Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Phó Giáo sư còn được gọi là "Giáo sư cấp I". Nhưng thực tế thường bị "mất" đi cái đuôi "cấp I" nên để tránh nhầm lẫn với Giáo sư (professor), từ năm 1988 đã có quy định thống nhất chỉ dùng chức danh "Phó Giáo sư", mà không dùng "Giáo sư cấp I" nữa.
Từ năm 1976, ở Việt Nam đã chủ trương đào tạo trên đại học trong cả nước. Một số trường, cơ sở đào tạo lớn bắt đầu đào tạo phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ).
Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực bậc cao, Nhà nước Việt Nam chủ trương phong hàm Giáo sư (professor), Phó Giáo sư (associate professor) cho đội ngũ nhà giáo và các nhà khoa học. Tuy nhiên có nhiều ý kiến của các giáo sư cho là chức danh giáo sư cần được cải cách theo tiêu chuẩn quốc tế.[1]
Ngày 11 tháng 9 năm 1976, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 162/CP về việc phong hàm giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu đã được nhà nước tôn vinh phong hàm giáo sư đầu tiên của Việt Nam là:[2]
Sau đợt phong hàm giáo sư đầu tiên, Chính phủ đã tổ chức xét và công nhận học hàm Giáo sư, Phó giáo sư nhiều đợt vào các năm: 1980, 1984, 1986 (bổ sung khoa học quân sự), 1988, 1991 và 1996. Trong các đợt này, gần 4000 nhà giáo và nhà khoa học đã được phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư.
Ngày 17 tháng 5 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2001/NĐ-CP "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư". Theo nghị định này, việc xét và phong hàm giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo từng năm.
Năm 2016, 65 giáo sư, 638 phó giáo sư (Quyết định số 55/QĐ-HĐCDGSNN). Trong đó có 5 nữ giáo sư là: Vũ Thị Thu Hà (sinh năm 1970), ngành Hóa học, lúc được phong đang làm việc tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Nguyễn Khanh Vân (sinh năm 1953), ngành Khoa học Trái Đất, lúc được phong đã nghỉ hưu; Lê Thị Sơn (sinh năm 1955) ngành Luật học, lúc được phong làm việc tại Trường Đại học Luật Hà Nội; Lê Thị Chiều (sinh năm 1947), ngành Luyện kim, lúc được phong đã nghỉ hưu; Lê Thị Hoài Phương (sinh năm 1958), ngành Nghệ thuật, lúc được phong làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; và Bùi Thị Thu Hà (sinh năm 1967) ngành Y học, lúc được phong làm việc tại Trường Đại học Y tế công cộng. Giáo sư trẻ nhất là Trần Đình Thắng, sinh năm 1975, ngành Hóa học, lúc được phong làm việc tại Trường Đại học Vinh. Phó giáo sư trẻ nhất là Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, ngành y học, Trường Đại học Y Hà Nội.[7]
Năm 2018, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công bố đầu tháng 2-2018, 1.226 người được cho là đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Do dư luận phản ứng, Thủ tướng đã chỉ đạo Hội đồng chức danh rà soát lại danh sách này. Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, đã giao Thanh tra Bộ chủ trì xác minh làm rõ. Ngày 6-3, trong danh sách mới 74 người được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.057 người phó giáo sư. 95 người không còn tên trong danh sách mới có nhiều cán bộ quản lý như ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên GS Lê Quân - thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, ứng viên PGS Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, ứng viên PGS Hà Anh Đức - thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên PGS Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ứng viên PGS Lê Quang Minh - giám đốc Sở Y tế Hà Nam, ứng viên PGS Trịnh Thanh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và công nghệ...[8]
Tháng 12 năm 2019, có 73 tân giáo sư và 349 tân phó giáo sư được công nhận. Hai tân giáo sư trẻ nhất cùng 38 tuổi là bà Nguyễn Khánh Diệu Hồng, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội (ngành Hóa học) và ông Sĩ Đức Quang, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Toán học).[9]
Một người sẽ được xét chức danh Giáo sư khi đạt một số tiêu chuẩn về nghiên cứu, hướng dẫn, và giảng dạy. Người đó sẽ phải làm hồ sơ nộp lên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở. Sau đó hội đồng sẽ thẩm định hồ sơ, phỏng vấn các ứng viên và quyết định có phong hay không qua hình thức bỏ phiếu kín lấy đa số. Kết quả trình lên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước.
Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam là hội đồng quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam, là cơ quan có nhiệm vụ, vai trò như trọng tài đề cử, xem xét, và phong tặng chức danh giáo sư của Việt Nam.
Ứng viên chỉ được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sau khi có quyết định bổ nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học.
Chức danh giáo sư cần được cải cách theo tiêu chuẩn quốc tế.[1]