Học thêm (tiếng Trung: 补课; bính âm: bǔ kè; tại Việt Nam thường được nhắc đến dưới thuật ngữ dạy thêm, học thêm) là một hiện tượng xã hội, trong đó việc dạy và học thêm xuất phát từ nhu cầu của giáo viên, học sinh và phụ huynh, diễn ra ngoài giờ học chính khóa và kế hoạch giáo dục của các nhà trường. Học thêm xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng phổ biến nhất là tại châu Á, điển hình là một số nước Á Đông như Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.
Việc dạy thêm và học thêm được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như hagwon, lò luyện thi, học phụ đạo, dạy thêm tại nhà. Học sinh tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải bỏ ra nhiều thời gian để đi học thêm, tỷ lệ học sinh tham gia các lớp học thêm nằm ở mức cao; trong khi nhiều giáo viên cũng tham gia hoạt động dạy thêm. Nhiều gia đình phải chi trả số tiền không nhỏ để đầu tư cho con cái theo học tại các lớp học thêm. Mục đích của việc học thêm, phần lớn xuất phát từ tâm lý bằng cấp, áp lực nâng cao thành tích, muốn có được kết quả cao trong các kỳ thi chuyển cấp, hoặc các bài kiểm tra trên lớp, ngoài ra có một phần xuất phát từ nguyện vọng muốn gia tăng thu nhập cho giáo viên và một số lý do khác.
Chính quyền một số quốc gia đã ban hành nhiều quy định nhằm điều chỉnh, điều tiết, hạn chế hoặc cấm đoán đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Việc dạy thêm, học thêm ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá, cả về những mặt tích cực và tiêu cực mà nó để lại đến học sinh, đến giáo dục cũng như xã hội.
Tại Hàn Quốc, vấn đề học thêm bắt nguồn từ việc vào năm 1885, một nhà truyền giáo người Mỹ tên Henry Appenzeller thành lập trường Paichai (배재대학교) nhằm mục đích che giấu công việc truyền giáo của mình, do lúc đó, việc truyền bá các tôn giáo khác là bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Mặc dù mục tiêu chính của ông là truyền bá đức tin của mình, nhưng những người Hàn vẫn sử dụng nó để học tiếng Anh.[1][2] Vào những năm 1970 và 1980, hagwons được coi là lựa chọn để học bổ sung.[3] Tại Trung Quốc, việc dạy thêm và học thêm bắt đầu nở rộ tại quốc gia này từ những năm 1990.[4] Tại Việt Nam, việc học thêm có khởi điểm là việc các gia đình mời thầy đồ về dạy các trai tráng nhằm vượt qua các kỳ khoa cử trong thời phong kiến, và dưới thời Pháp thuộc là việc các học sinh, sinh viên lớp lớn kèm những bạn nhỏ hơn trong việc học tập.[5]
Tại Trung Quốc, việc học thêm có thể bao gồm một số dạng thức. Chẳng hạn như các lớp học bắt buộc bổ sung, các trường trung học phổ thông sắp xếp các lớp học như vậy cho học sinh vào các ngày cuối tuần và ngày lễ, có thể tuân theo lịch trình thông thường; hoặc ở một số khu vực, học sinh sẽ được yêu cầu học thêm ở trường trong nhiều giờ;[6] có trường hợp học sinh sẽ có ba giờ rảnh vào chiều chủ nhật hàng tuần.[7] Còn theo Yu (2012), việc học thêm dưới hình thức kèm riêng chủ yếu bao gồm ba hình thức như học kèm riêng một kèm một, nhóm nhỏ học sinh với một gia sư và học thêm trong lớp học đông người.[8] Tại Hàn Quốc, hình thức Hagwon, với danh nghĩa là các tổ chức giáo dục tư nhân, thường được so sánh với các trường luyện thi ở phương Tây.[9] Trong khi hầu hết các hagwon tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu giáo dục, nhiều hagwon cũng tồn tại cho nhiều môn học không mang tính học thuật, bao gồm âm nhạc, nghệ thuật, bơi lội và Taekwondo.[10] Một số hagwon dành cho người lớn cũng được tổ chức, trong đó có những hagwon tham gia vào việc đào tạo tiếp viên hàng không.[11] Tại Nhật Bản, "juku" là một hình thức trung tâm dạy thêm phổ biến ở nước này, cung cấp chương trình giảng dạy năm môn bắt buộc: toán, tiếng Nhật, khoa học, tiếng Anh và khoa học xã hội.[12][13] Ở một số quốc gia khác, hình thức "cram school",[a] tạm dịch là "trung tâm dạy bổ trợ", cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Âu chẳng hạn như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.[14][15][16]
Tại Việt Nam, hoạt động dạy thêm, học thêm được định nghĩa "là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành".[17] Theo Thông tư 17/2012/TT–BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, hai hình thức của dạy thêm, học thêm tại Việt Nam là dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.[18][19] Các hình thức dạy thêm này có thể được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau như học phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao, dạy tích hợp, dạy tại nhà, dạy tự phát, gia sư và nhiều dạng khác.[20][21][22][23]
Tại Hàn Quốc, tính đến năm 2020, Hàn Quốc có 73.865 hagwon.[24] Phụ huynh Hàn Quốc chi nhiều tiền nhất cho các hagwon dạy tiếng Anh, toán học và tiếng Hàn đứng thứ hai và thứ ba, khoa học và nhân văn ít phổ biến hơn.[25] Một báo cáo năm 2017 chỉ ra phần lớn trẻ em Hàn Quốc bắt đầu theo học hagwon khi lên năm tuổi với tỷ lệ 83% trẻ em năm tuổi đã tham dự ít nhất một trường; và một số ít học sinh bắt đầu học từ năm hai tuổi.[10] Năm 2022, theo báo cáo, 78,3% học sinh từ lớp một đến lớp mười hai ở Hàn Quốc đã tham dự ít nhất một hagwon và dành trung bình 7,2 giờ ở hagwon mỗi tuần; với học sinh tiểu học và trung học cơ sở có tỷ lệ theo học cũng như thời gian dự các lớp hagwon cao hơn.[25][26] Một số trường hợp học sinh học đến tận đêm khuya; một số hagwon cung cấp dịch vụ xe buýt hoặc xe đưa đón riêng để đưa các học sinh về nhà.[27] Một khảo sát tại Hàn Quốc cho thấy vào năm 2022, người Hàn Quốc chi đến hơn 20 tỷ USD mỗi năm cho việc học thêm của con mình.[28]
Tại Trung Quốc, theo một báo cáo năm 2019, trung bình trẻ em Trung Quốc dành từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày ở trường và có trường hợp lên đến 12 tiếng.[29] Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2012 cho thấy khoảng 95% học sinh trung học phổ thông ở Hồng Kông phải đi học thêm.[30] Nhiều cơ sở dạy thêm "chui" vẫn mở ra tại Trung Quốc dù có lệnh cấm đoán của chính quyền.[31] Theo một báo cáo của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, phụ huynh Trung Quốc chi trung bình 120 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 16,5 nghìn USD), thậm chí có gia đình bỏ ra gần 300 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 41 nghìn USD) và 80% người Trung Quốc đã gửi con đến các lớp học thêm sau giờ học.[32] Việc học thêm ở Trung Quốc còn diễn ra ngay trong kỳ nghỉ hè của học sinh nước này.[33] Theo một nghiên cứu của Oliver Wyman, thị trường dạy thêm và học thêm ở các bậc học phổ thông (đến lớp 12) của Trung Quốc lên đến 800 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 110 tỷ USD) vào năm 2019.[34]
Trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam cũng như sau khi Việt Nam thống nhất đến trước Đổi Mới, việc dạy thêm và học thêm tại Việt Nam hầu như không nhiều, nếu có các lớp học kèm thêm, bồi dưỡng thêm thì hầu như giáo viên không thu tiền của học sinh.[35][36][37] Trong những năm gần đây, việc dạy thêm và học thêm ở Việt Nam phát triển mạnh, diễn ra tại nhiều nơi cả trong và ngoài trường học.[38] Một nghiên cứu năm 1998 cho thấy 76,7% học sinh trung học phổ thông Việt Nam đi học thêm,[39] trong khi một khảo sát khác vào năm 2020 cho thấy 54,2% học sinh lớp 9 trên cả nước đi học thêm môn toán.[35] Thống kê vào năm 2007 cho thấy 46–54% học sinh ở tất cả các cấp phổ thông Việt Nam có học thêm.[22] Một khảo sát vào năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 88,4% học sinh trung học phổ thông trả lời là có đi học thêm với đa số là môn toán.[40] Một báo cáo của Viện Phát triển Chính sách, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2024 cho biết cứ 10 giáo viên thì có 4 người tham gia hoạt động dạy thêm, và việc dạy thêm chủ yếu đối với các môn học bắt buộc chung như ngữ văn, toán, tiếng Anh hay các môn khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học.[41]
Một khảo sát vào năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số ngày đi học thêm trung bình mỗi tuần là 4,09 ngày và thời gian trung bình mỗi ngày học thêm là 2,06 giờ, trong đó có 10,3% học sinh cho biết các em đi học thêm đến 7 ngày/tuần.[42] Một khảo sát từ PISA năm 2014 cho thấy học sinh Việt Nam đứng thứ 5/68 quốc gia được khảo sát về chỉ tiêu đầu tư thời gian cho học thêm.[43] Một nghiên cứu năm 2022 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông, với tỷ lệ của các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 32%, 42% và 43%.[44]
Phản ánh từ truyền thông Việt Nam cho thấy một số trường hợp học sinh Việt Nam đi học thêm đến tối và đêm khuya, sau giờ học chính khóa là học thêm, dẫn đến tâm trạng mệt mỏi, lo lắng.[45][46][47] Một vài nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm dưới hình thức các câu lạc bộ học tập, hoặc liên kết với các trung tâm bên ngoài.[48][49] Một số trường hợp phản ánh giáo viên có tình trạng cắt giảm chương trình dạy học trên lớp hoặc dạy không hết bài để đưa vào các lớp học thêm, thậm chí đã được chỉ ra trong một phiên họp của Quốc hội Việt Nam.[50][51] Nhiều trường hợp giáo viên thậm chí lách lệnh cấm, tổ chức các lớp học thêm không giấy phép (dạy "chui"), giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp.[52][53] Một số giáo viên còn chữa trước các dạng bài trong các đề kiểm tra, đánh giá cho học sinh tại các lớp học thêm ("gà" bài), học sinh nào đi học thêm thì sẽ đạt điểm cao trong khi không học thêm thì bị điểm thấp.[54][55] Một số địa phương còn ghi nhận hiện tượng đề thi của trường được giáo viên tiết lộ, hoặc cho luyện trước ở các lớp học thêm.[56][57][58] Trong kỳ nghỉ hè của học sinh Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn đăng ký cho con mình tham gia các lớp học thêm.[59][60]
Học thêm cũng diễn ra ở nhiều nước thuộc châu Á khác như Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia...[61] Tại Nhật Bản, một khảo sát năm 2005 cho thấy 90% phụ huynh của học sinh lớp 6 cho biết họ có cho con tham gia các lớp học thêm, và 65% cho biết họ cho trẻ học ít nhất 4 ngày một tuần.[62] Vào năm 2022, một báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết các gia đình có con học tiểu học công lập đã trả trung bình 81.158 yên (613 USD) hàng năm cho các lớp học thêm trong năm tài chính liền kề trước, tăng 52% so với cuộc khảo sát vào năm 2018.[63] Một thống kê của Statista cho thấy trong năm học 2021–2022, Nhật Bản có 6.000 juku, thu hút 14,5 triệu học sinh và tạo ra doanh thu 1,1 triệu tỷ yên.[64] Tại Singapore, một khảo sát cho thấy 97% học sinh quốc đảo này đi học thêm,[65] và mức chi của các phụ huynh nước này cho con cái học thêm tăng từ 1,1 tỷ đô la Singapore năm 2013 lên 1,8 tỷ đô la Singapore năm 2023.[66] Tại Thái Lan, một nghiên cứu cho thấy những gia đình có thu nhập cao hoặc trung bình ở Thái Lan chi khoảng 22,6 nghìn baht một năm cho tiền học thêm của con mình, các học sinh trung bình dành gần 3 giờ mỗi ngày tại các trung tâm gia sư và học thêm đến bảy môn học.[67]
Tại Trung Quốc, hệ thống giáo dục nước này có các kỳ thi quan trọng, trong đó có Cao khảo được coi là kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, là tiêu chuẩn để xét tuyển vào các trường đại học ở nước này;[68] việc đỗ vào một trường đại học hàng đầu được coi là thành công cuối cùng đối với học sinh, ít nhất là theo quan điểm của giáo viên và phụ huynh.[69][70] Một khảo sát ở Trung Quốc năm 2019 cho thấy 40% số người được hỏi nhận định việc cạnh tranh trong hệ thống giáo dục nước này quá khốc liệt dẫn đến việc phải cho con đi học thêm.[71] Trong khi đó, tại một số quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, cạnh tranh tại các kỳ thi chuyển cấp vào các trường đại học hoặc trung học có chất lượng cao dẫn đến những áp lực học tập và thành tích của học sinh và các bậc phụ huynh.[72][73]
Tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm và học thêm, xuất phát cả từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, cả từ phía người dạy và người học. Một số ý kiến cho rằng việc học thêm có một phần nguyên nhân từ việc chương trình học phổ thông của nước này bị đánh giá là nặng và khó, mặc dù đã triển khai chương trình giáo dục mới từ năm 2018.[74][75][76] Về phía người học, tâm lý chuộng bằng cấp,[77] lo lắng, ganh đua trong học sinh và phụ huynh dẫn đến việc phải đi học thêm,[35] đặc biệt trong các kỳ thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông,[78] thậm chí còn có những trường hợp tâm lý lo ngại không đi học thêm sẽ không có kết quả học tập tốt trên lớp đối với một hoặc một số môn học.[79][80] Một số học sinh đi học thêm chỉ vì không muốn lạc lõng với bạn bè, áy náy với thầy cô;[77] một số giáo viên cho biết học sinh phải đi học thêm vì khả năng tự học của các em còn kém.[81] Về phía người dạy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc dạy thêm là do thu nhập của giáo viên còn thấp, họ muốn nâng cao thu nhập cho bản thân.[52][82] Một số giáo viên chịu áp lực của việc xếp loại, đánh giá giáo viên dựa trên kết quả các kỳ thi nên tổ chức dạy thêm, học thêm.[83] Ngoài ra, cũng có những trường hợp giáo viên "ép" học sinh đi học thêm bằng nhiều hình thức khác nhau, thậm chí "trù dập" học sinh.[84][85][86]
Tại Hàn Quốc, vào năm 1980, tổng thống Hàn Quốc khi đó là Chun Doo-hwan ra sắc lệnh cấm việc dạy thêm, học thêm (kwa-oe, 과외), vì cho rằng lợi thế của các trường tư đã tạo gánh nặng không hợp lý cho người dân nghèo và vì thế gây ra bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên sau đó lệnh cấm dần được nới lỏng với việc cho phép các cá nhân và cơ sở giáo dục tư tổ chức dạy thêm[87] cho tới khi việc cấm bị hoàn toàn bãi bỏ vào thập niên 1990.[88] Vào năm 2008, chính phủ Hàn Quốc cấm giảng viên các trường học không được ra câu hỏi kiểm tra cho các hagwon sau khi một số giáo viên bị phát hiện đã để lộ các bài kiểm tra và câu hỏi cho các hagwon, giúp cho những học sinh đã học ở đây có được lợi thế khi làm bài kiểm tra ở trường chính khóa ngay sau đó.[89] Ngoài ra, một đạo luật cũng đã được nước này ban hành, theo đó học sinh được phép học thêm đến 11 giờ tối và giáo viên công lập bị cấm dạy thêm ngoài giờ.[90]
Tại Trung Quốc, vào tháng 7 năm 2021, Chính phủ nước này ban hành một lệnh cấm các hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận, theo đó các tổ chức giáo dục tư nhân sẽ không được phép dạy thêm thu lợi nhuận với những môn học được dạy trong nhà trường.[91] Ngoài ra, Trung Quốc cũng cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài giờ, vi phạm quy định có thể dẫn đến các hình thức kỷ luật, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép giảng dạy.[90] Vào năm 2023, Trung Quốc quy định việc tự ý mở các cơ sở đào tạo, dạy thêm trái phép ở Trung Quốc cũng có thể bị phạt lên đến 100 nghìn Nhân dân tệ.[92][93]
Tại Nhật Bản, việc học thêm và dạy thêm không bị cấm,[94] giáo viên được phép dạy thêm nhưng phải được sự phê duyệt từ nhà trường.[95] Nước này, cũng như Singapore, quy định việc dạy thêm của các tổ chức phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các giáo viên Singapore được phép dạy thêm ngoài giờ học, nhưng giới hạn thời gian không quá sáu giờ/tuần và không cần phải xin phép.[96] Một số nước như Cuba, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm.[4]
Tại Việt Nam, từ năm 1993, Chính phủ nước này đã ra văn bản cấm dạy thêm bắt buộc, học thêm đại trà trong trường cũng như quy định mức thu tiền học thêm.[35] Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ra Thông tư 17/2012/TT–BGDĐT, trong đó quy định không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và không dạy thêm đối với học sinh tiểu học.[18][35] Một nghị định của Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2013 quy định việc dạy thêm chưa được cấp phép có thể bị phạt tiền lên đến 12 triệu đồng.[97][98] Vào ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đưa ra Thông tư 29/2024/TT–BGDĐT; tiếp tục giữ quy định không tổ chức dạy học thêm đối với học sinh tiểu học, ngoài ra giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của trường cũng như không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, việc dạy thêm và học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh; trong khi giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng, khi dạy thêm thu tiền phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế theo quy định của pháp luật nước này.[17][99][100]
Tại Trung Quốc, trong khi một số phụ huynh, học sinh và nhà giáo dục ủng hộ hình thức dạy thêm, học thêm vì có cơ hội duy trì việc học trong kỳ nghỉ và giải quyết các vấn đề khó khăn mà không có thời gian trong các lớp học bình thường,[101][102] một bộ phận khác phản đối vì nó gây ra áp lực về thành tích học tập và làm gia tăng sự căng thẳng cho học sinh.[102][103] Tại Hàn Quốc, vào năm 2022, một người mẹ vì quá lo lắng về việc con trai mình không có đủ thời gian học, bà đã đăng quảng cáo tìm người ngồi cùng con trai tại một quán cà phê và đánh thức cậu bé bất cứ khi nào cậu bé ngủ quên khi đang học.[104] Văn hóa hagwon ở nước này bị giới quan sát cả trong và ngoài nước coi là cực đoan, nhất là những tác động đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với những người trẻ.[26][10] Ở Hàn Quốc, một số ý kiến cho rằng có những bất lợi cho các gia đình có thu nhập thấp vì nhiều người trong số họ không đủ khả năng chi trả cho các lớp hagwon, góp phần gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục.[105] Vấn đề bất bình đẳng xã hội trong giáo dục cũng là lý do một số người Nhật không đồng ý với các lớp juku, mặc dù cũng có những ý kiến cho rằng hình thức học thêm này bù đắp cho những thiếu sót của hệ thống giáo dục công Nhật Bản, cung cấp các dịch vụ mang tính cá nhân hóa và "khuyến khích sự tò mò".[13][106]
"Giờ thương trẻ con, nhìn học khổ sở [...] Học sinh giờ gần như không có hè, học thêm quá nhiều, không có tuổi thơ vui chơi”.
Nhiều phương tiện truyền thông của Việt Nam đánh giá vấn đề dạy thêm, học thêm là "quốc nạn" tại nước này,[108][109][110][111] mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn xem giáo dục là "quốc sách" hàng đầu.[112][113][114] Một nghiên cứu cho biết việc dạy thêm, học thêm ở Việt Nam tạo ra những mặt trái với người học như lấy đi quỹ thời gian của học sinh, thui chột khả năng tự học và mất hứng thú học, ảo tưởng về sức học của bản thân.[115] Một số phụ huynh Việt Nam cho biết họ cho con đi học thêm để "mua sự yên tâm".[116][117] Một số trường hợp được phản ánh trên báo chí Việt Nam cho thấy học sinh Việt Nam đã mắc chứng thiếu ngủ, hoặc không có thời gian vui chơi hay những mong muốn nhỏ như được ăn bữa cơm chung với gia đình, hoặc thiếu những hiểu biết về thế giới xung quanh do phải học thêm quá nhiều.[118][119][120][121] Thậm chí, theo các tờ báo Thanh Niên và Công An Nhân Dân, có học sinh đã tự tử hoặc viết trong nhật ký rằng bản thân muốn tự tử do áp lực từ việc học thêm.[122][123] Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào năm 2018 là Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã bày tỏ cảm xúc "thương trẻ con" trước thực trạng dạy thêm, học thêm ở Việt Nam trong một phiên họp.[107] Truyền thông Việt Nam cũng chỉ ra một số trường hợp học sinh đạt thủ khoa hoặc kết quả tốt trong các kỳ thi ở nước này nhưng không đi học thêm.[124][125][126] Đối với người dạy, một số ý kiến chỉ ra hình ảnh người thầy bị ảnh hưởng cũng như hệ thống giáo dục bị mất niềm tin.[115][127] Có những ý kiến chỉ ra giáo viên dạy thêm vì lợi ích kinh tế, lợi ích cá nhân và không công tâm trong việc dạy học trên lớp chính khóa.[128][129] Không ít ý kiến cho rằng dạy thêm, học thêm là một vấn đề phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục.[130][131][132][133]
"Giáo viên giỏi có quyền dạy thêm để có thêm thu nhập, học sinh thiếu hụt về kiến thức hoặc muốn học giỏi hơn nên cần học thêm; nhưng phải tránh xảy ra những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội”.
— Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội Việt Nam, phát biểu năm 2025[134]
Bên cạnh những đánh giá tiêu cực, cũng có những ý kiến chỉ ra mặt tích cực của việc dạy thêm và học thêm ở Việt Nam. Luồng ý kiến này cho rằng bản chất của việc dạy thêm và học thêm là tốt, góp phần củng cố, trang bị và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh, góp phần phụ đạo học sinh yếu kém, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi; ngoài ra việc tổ chức dạy thêm, học thêm góp phần giúp cha mẹ các em có thể yên tâm trong việc quản lý con cái; nhiều học sinh học tiến bộ nhờ đi học thêm.[135][136][137][116] Về phía người dạy, việc dạy thêm góp phần cải thiện thu nhập cho giáo viên, giúp họ trang trải cuộc sống, tạo điều kiện để giáo viên củng cố và nâng cao kiến thức chuyên môn.[138][139] Bên cạnh đó, có quan điểm cũng cho biết dạy thêm, học thêm giúp giáo viên có thể nắm bắt rõ hơn năng lực học sinh, nhằm có thể điều chỉnh các phương pháp giảng dạy phù hợp.[115] Một số đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng dạy thêm, học thêm là một nhu cầu thực tế của giáo viên, học sinh Việt Nam, có những mặt tích cực và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nước này là Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm không cấm việc dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm nếu người dạy vi phạm đạo đức nghề nghiệp.[140][141][142] Trong phiên họp vào đầu tháng 2 năm 2025, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thanh Hải cho biết dạy thêm và học thêm là nhu cầu chính đáng song yêu cầu dù là tự nguyện cũng không được thu tiền.[134][143]
Đầu năm 2025, khi Thông tư 29/2024/TT–BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 2, nhiều giáo viên và trường học ở Việt Nam dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm sau Tết Nguyên đán.[77][144] Một công điện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 7 tháng 2 yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp sai quy định về dạy thêm, học thêm.[145][146] Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh có tâm lý lo lắng do việc ngừng dạy thêm và đồng thời xuất hiện những phản ứng trái chiều, trong đó giáo viên có người muốn "lách luật", phụ huynh và cả học sinh có người đôn đáo tìm địa chỉ để các em được học thêm.[147][148][149]
^ Từ này bắt nguồn là tiếng lóng của các từ "cramming", "cram" trong tiếng Anh, ám chỉ việc "nhồi sọ", học nhồi nhét, tức là học một lượng lớn kiến thức chỉ trong một thời gian ngắn.[150]
^Wolff, Heinrich (tháng 2 năm 2012). “Bar Examinations And Cram Schools In Germany”(PDF). Trường Đại học Luật, Đại học Wisconsin-Madison. Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2025.
Hồ Thị Hồng Vân; Thạch Thị Lan Anh; Nguyễn Thị Thanh Nga; Trần Thị Bích Ngân; Phùng Thị Thu Trang; Nguyễn Thị Kiều Anh (2023), Cơ sở thực tiễn về dạy thêm, học thêm ở Việt Nam và trên thế giới(PDF), Hà Nội: Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, tập 19, số S1 năm 2023, Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2024