Hồ Thị Hoa

Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu
佐天仁皇后
Nguyễn Thánh Tổ nguyên phối
Thông tin chung
Sinh30 tháng 11 năm 1791
Biên Hòa, Đại Việt
Mất29 tháng 6 năm 1807(1807-06-29) (15 tuổi)
Phú Xuân, Đại Nam
An tángHiếu Đông Lăng (孝東陵)
Phu quânNguyễn Thánh Tổ
Minh Mạng
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Hồ Thị Hoa (胡氏華)
Hồ Thị Thật (胡氏實)
Thụy hiệu
Thuận Đức chiêu nghi
(順德昭儀)
Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân hoàng hậu
(佐天儷聖端正恭和篤慶慈徽明賢順德仁皇后)
Tước hiệuChiêu nghi (昭儀)
(truy phong)
Thần phi (宸妃)
(truy phong)
Hoàng hậu (皇后)
(truy phong)
Hoàng tộcNhà Nguyễn
Thân phụHồ Văn Bôi
Thân mẫuHoàng Thị Lành

Tá Thiên Nhân hoàng hậu (chữ Hán: 佐天仁皇后, 1791 - 29 tháng 6 năm 1807), tên thật Hồ Thị Hoa (胡氏華) hoặc Hồ Thị Thật (胡氏實), là vợ đầu của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng, vị quân chủ thứ hai của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Bà sinh ra Hiến Tổ Thiệu Trị rồi qua đời sau đó 13 ngày.

Bà chưa từng làm Hoàng hậu khi còn sống, chỉ được truy phong thụy hiệu bởi con trai bà là Hiến Tổ Thiệu Trị. Bà là người đức tốt nhưng yểu mệnh, được cha chồng Gia Long rất thương mà ra lệnh kiêng kỵ chữ Hoa trong tên bà, trở thành một câu chuyện nổi tiếng, dẫn đến việc đổi tên hàng loạt của các địa danh trong nước, cho đến tận ngày nay.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tá Thiên Nhân Hoàng hậu xuất thân từ gia tộc họ HồBình An, tỉnh Biên Hòa, con gái của ông Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi, mẹ là Phúc Quốc phu nhân Hoàng Thị Lành. Đương thời nguyên danh của bà là Hoa (華).

Năm Bính Dần, Gia Long thứ 5 (1806), Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển con gái các quan đại thần để làm nguyên phối cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Đảm, bà được chọn làm chính thất, tiến vào hầu ở tiềm để.[1]

Bà là người trinh thuận, hiếu kính, được cha mẹ chồng hết mực yêu quý. Hoàng đế ban cho tên hay.[2] Hoàng đế cho rằng tên cũ của bà chỉ là hương thơm làm nghĩa, sao bằng chữ mới có nghĩa là gồm cả quả phúc, tức là Thật (實).

Một năm sau, vào ngày 16 tháng 6, bà sinh ra Hoàng tử trưởng là Nguyễn Phúc Miên Tông, rồi 13 ngày sau bị bệnh hậu sản mà mất, khi chỉ mới 17 tuổi. Lăng táng ở núi Cư Chính, huyện Hương Thủy.

Kiêng tên húy

[sửa | sửa mã nguồn]

Vua Minh Mạng lên ngôi ban hành lệ kiêng húy bà. Chính vì vậy: những từ có tên Hoa đều phải thay đổi. Tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = chợ Đông Ba (vua Đồng Khánh đổi), cầu Hoa = cầu Bông (cây cầu trên rạch Thị Nghè), làng Yên Hoa = làng Yên Phụ, hoặc đổi đọc là Huê như làng Hoa Cầu = Huê Cầu, hoa nhài = huê nhài...

Chữ Thật tên bà cũng đổi đọc là thực, như thật sự = thực sự, chân thật = chân thực...

Truy phong

[sửa | sửa mã nguồn]

Minh Mạng năm thứ 2 (1821), mùa hạ, tháng 6, sách tặng bà làm Thuận Đức Chiêu nghi (順德昭儀).

Năm thứ 7, truy tôn cha bà làm Nghiêm Vũ Tướng quân Thượng hộ quân Đô Thống, Hoàng phu nhân nhận tước Nhị phẩm phu nhân (二品夫人).

Năm thứ 17, tặng bà lên hàng Thần phi (宸妃). Sai Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự là Phan Hữu Tâm sung làm Chánh sứ; Thượng thư bộ Lễ là Phan Huy Thức sung làm Phó sứ, cầm tờ tiết, bưng sách vàng kính đến từ đường làm lễ truy phong.

Năm thứ 19, mùa đông tháng 10, lại cho xây đền ở xã Vạn Xuân, bờ bên tây sông Hữu hộ thành rồi cho rước linh cữu về đấy.

Năm đầu Thiệu Trị (1841), tháng 3 cùng năm, Hiến Tổ Thiệu Trị đã hỏi bà nội mình là Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu sách phong thêm cho Hoàng tỷ,[3] Thái hoàng thái hậu cho là phải. Lại dụ tờ ý như sau:

.

Tháng 4, ngày 16 là ngày Canh Tý, dâng tôn thụy là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân hoàng hậu (佐天儷聖端正恭和篤慶慈徽明賢順德仁皇后). Sau đưa thần chủ hợp táng ở Xương Lăng (昌陵), lăng bà gọi là Hiếu Đông lăng (孝東陵), thờ tại điện Sùng Ân cùng Thánh Tổ Nhân Hoàng đế.

Cha bà là Hồ Văn Bôi được truy phong Đặc Tiến Tráng Vũ tướng quân Tả quân đô thống phủ Đô Thống, chức Thái bảo, tước hiệu Phúc Quốc công (福國公), thụy là Trung Dũng (忠勇). Mẹ bà là Hoàng Thị Lành nhận tước Nhất phẩm Phúc Quốc phu nhân (一品福國夫人), thụy là Ý Thuận (懿順), dựng đền thờ riêng ở xã Xuân Hòa, Hương Trà, lại cho dựng từ đường riêng ở quê nhà, đều gọi là Hồ tộc từ đường (胡族祠堂).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tiềm để: phủ đệ của hoàng tử được định kế vị mà chưa lên ngôi
  2. ^ ông ban cho chữ trên là chữ Miên, dưới là chữ Quán nghĩa là chữ Thực, Thực là quả. Còn tên cũ của bà trên không có chữ, dưới là chữ Thập nghĩa là chữ Hoa.
  3. ^ tên gọi mẹ vua khi đã mất, khi còn sống gọi là mẫu
  4. ^ tức chữ Thực (實)
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan