Thành hoàng

Đình Bình Thủy, Cần Thơ.

Thành hoàng hay Thần hoàng, Thần Thành hoàng, là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam. Thần Thành hoàng có thể mang nhiều cái tên khác nhau tùy theo làng. Dù là ai thì vị thần này cũng là người cai quản cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) tại địa phương.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]
Sưu tập các sắc phong thần Thành hoàng thời Tây Sơn, hiện trưng bày trong Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định)

Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành 城 là cái thành hay tòa thành, hoàng 隍 là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành.[1] Thành hoàng là 城隍, Thần hoàng là 神 隍, Thần Thành hoàng là 神城隍.[cần dẫn nguồn] Có thể hiểu vị Thần Thành Hoàng là vị chủ thần trông coi, quản lý cái tòa thành đó, ví như một vị Thành Chủ, hay Quận Vương thời xưa.

Nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Ông thần ở đình làng gọi là thần Thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng (cả) nơi thôn xóm, (vì) vẫn có điếm canh bố trí bao quanh...

Cũng theo Sơn Nam, thần Thành hoàng, theo thông lệ, thờ thần đàn ông, vì khí Dương đem sức mạnh cho muôn loài, muôn vật.[2] Và gọi ông Thần hoàng là sai nghĩa, vì cái tên này chỉ là thứ nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến; và tục này ở trong Nam Bộ không có[3].

Bởi vậy, khi trích lại đoạn viết về tục "thờ thần" ở trong sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, nhà văn Sơn Nam đã sửa từ "Thần hoàng" ra "Thành hoàng"[4] cốt để người đọc không còn lầm lẫn giữa hai thứ. Tuy nhiên, xét trong sách Việt Nam phong tục, lễ Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục trong gia tộc; còn việc thờ phụng Thành hoàng được xếp vào mục Phong tục hương đảng, thì rõ là tác giả sách đã chỉ ra đó là hai thứ khác nhau.

Điểm đáng chú ý khác nữa, vì là vùng đất mới, nên ở Nam Bộ nhiều đình làng, thần chỉ có tên là Bản cảnh Thành hoàng hay Thành hoàng Bản cảnh (神隍本境). Theo sách Minh Mạng chính yếu, quyển thứ 12, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), thì nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh. Đây là chức vụ mới, lúc trước không phổ biến. Lê Phục Thiện, người dịch sách trên chú giải: Thành hoàng là vị thần coi một khu vực nào. Bản cảnh là cõi đất nơi mình được thờ. Nhà văn Sơn Nam cho biết bởi đây là dạng viên chức được vua ủy quyền trừu tượng, trong rất nhiều trường hợp, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ "thần" (神) và thường cũng chỉ có mỹ hiệu chung chung là "Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng" (tức rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ)[5].

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Bên trong đình Mỹ Phước.

Sách Việt Nam phong tục chép:

Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành hoàng) này từ trước đời Tam Quốc (Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.
Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi.
Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình... Dân ta tin rằng: "Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân", vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...[6]

Còn ở trong văn học Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh[7]:

Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) tên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó... Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng... Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng... (Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay...[8]

Các thứ hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Cũng theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.

Phúc Thần có ba hạng:

  • Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Tản viên Sơn thánh, Cao sơn, Quý Minh Đổng thiên vương[9], Sóc thiên vương, Chử đồng tử[10], Liễu Hạnh công chúa... Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Triệu Quang Phục, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo... Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần. Cũng có vị là nhân thần nhưng lại không được nhắc tới nhiều trong chính sử mà được nhắc tới nhiều trong dã sử và truyền thuyết như Đức thánh Tam Giang.
  • Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần. Có những trung đẳng thần được thờ rất phổ biến như anh em Cao Lịch, Cao Khiển là tướng nhà Đinh, thuộc tướng của Đinh Điền. Ở các đền thờ vùng Ninh Bình thì Cao Lịch được sắc phong Lịch Lộ Đại vương trung đẳng thần, Cao Khiển được phong Hành Khiển Đại vương trung đẳng thần.
  • Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.

Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy bạ, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rết, ... Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì...[11] Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Sơn Nam thì các hạng tà thần tuyệt nhiên không có, họa chăng chỉ là vài am miếu dựng lên nơi có người chết oan ức vì tai nạn xe cộ, đắm thuyền, hùm tha sấu bắt; cúng sơ sài, không tế lễ.

Các vị thần phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Nơi thờ phụng

[sửa | sửa mã nguồn]
Bàn thờ thần Thành hoàng (Nguyễn Hữu Cảnh) ở đình Mỹ Phước, Long Xuyên.

Theo nhà học giả Nguyễn Văn Tố, thì khởi đầu đình chỉ là cơ ngơi để dân làng hội họp, là nơi dành để treo những sắc lệnh và huấn dụ của nhà vua. Để thờ phụng Thần hoàng, nhiều làng lập miếu thờ. Rồi theo lệ ngày sóc (mùng 1) và ngày vọng (ngày rằm) dân làng đến miếu để làm lễ Vấn (theo nghĩa kính viếng). Miếu này còn gọi là "nghè", nơi gìn giữ sắc thần. Ngày tế lễ, dân làng rước sắc thần từ miếu đến đình để cử hành việc tế lễ, sau đó đưa trở về miếu. Để đơn giản hóa, sau nhiều làng chỉ xây một cái đình lớn, phía ngoài làm nơi hội họp (đình), phía trong là miếu...[12]

Vai trò và ý nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số tác giả cho rằng, trong quá trình phát triển văn hóa thì các vị vua Hùng chính là các vị thành hoàng được thần thánh hóa theo mệnh lệnh của triều đình và hình thành một cách bình dân bắt nguồn từ phong tục thờ cúng tổ tiên lâu đời[13]. Thần Thành hoàng dù có hay không có họ tên, lai lịch và dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ thể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tý dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó. Vai trò trên của thần còn có ý nghĩa hơn nữa, nhất là đối với những cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất hoang Nam Bộ, vì lẽ họ đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa, do thú dữ hoành hành. Điều đó có nghĩa, thần Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh; bởi theo họ, chỉ có thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cho cuộc sống của họ ngày một thêm ổn định, thịnh vượng.

Hiểu được nhu cầu tâm linh của người dân, cộng thêm ý muốn tạo lập một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng chính thống của vương triều, để nhằm xóa bỏ dần tầm ảnh hưởng của các triều đại trước; nên dưới thời các vua đầu nhà Nguyễn, cứ ba năm xét ban sắc phong thần một lần. Chỉ riêng năm 1852, có lẽ đoán trước thời nguy khốn của đất nước trước thực dân Pháp, cho nên vua Tự Đức đã sai cấp đồng loạt 13.069 sắc phong cho cả nước (nhiều nhất là ở Nam Bộ), cùng với việc "Quốc điển hóa" sự thờ phụng; cũng chính là để nhanh chóng đạt được mục đích trên.[14]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo Thờ Thần hoàng - biểu tượng tâm linh của nông dân An Giang, tr. 46.
  2. ^ Theo Sơn Nam, Nói về miền Nam [1] Lưu trữ 2009-09-02 tại Wayback Machine.
  3. ^ Sơn Nam, Đình miếu & lễ hội dân gian (tr. 19). Đào Duy Anh gọi tục này là Phần hoàng (Việt Nam văn hóa sử cương. Nhà xuất bản Bốn Phương, Sài Gòn, 1961, tr. 201).
  4. ^ Xem Sơn Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam(tr. 317).
  5. ^ Theo Đình miếu & lễ hội dân gian (tr. 21, 47, 49, 75) và Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch (tr. 354.) Thần Thành hoàng ở các tỉnh phía Nam, đa phần không có tượng thờ, trừ một vài đình như Đình Tân LânBiên Hòa có tượng Đô đốc Trần Thượng Xuyên, Đình Châu PhúChâu Đốc có tượng Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh...
  6. ^ Việt Nam phong tục, sách đã dẫn, tr.78-79. Những chữ trong ngoặc do người soạn chua thêm.
  7. ^ Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng tác giả của Việt điện u linhLý Tế Xuyên, người đời nhà Trần. Ông soạn sách này vào năm 1329 (Việt điện u linh, tr. 6. và Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1994.
  8. ^ Việt điện u linh, tr. 104-105.
  9. ^ Đông Thiên vương là Trì quốc thiên (持國天, sa. dhṛtarāṣṭra) có thân trắng, tay cầm đàn, tiếng đàn sẽ làm tâm thức con người trở nên thanh tịnh.
  10. ^ Chưa tra được. Không biết Phan Kế Bính có phải muốn nói đến Chử Đồng Tử hay không.
  11. ^ Việt Nam phong tục, tr. 75-75.
  12. ^ Tạp chí Tri Tân số 137 ra ngày 6 tháng 4 năm 1944. Dẫn lại theo Sơn Nam, Đình miếu & lễ hội dân gian, tr. 18.
  13. ^ Nguyen, Dieu Thi. "A mythographical journey to modernity: The textual and symbolic transformations of the Hùng Kings founding myths." Journal of Vietnamese Studies, Vol. 7, No. 2 (Summer 2012): 87-130, trang 326
  14. ^ Lược theo Văn hóa & tín ngưỡng Nam Bộ trong sách Hành hương đất phương Nam, tr. 27.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Sơn Nam, Đình miếu & lễ hội dân gian, Nhà xuất bản TP. HCM, 1992.
  • Sơn Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam (sách in chung), Nhà xuất bản Trẻ, 2005.
  • Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản TP. HCM in lại năm 1990.
  • Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch (giáo trình cho ngành du lịch, sách do nhiều người soạn), Nhà xuất bản TP. HCM, 1995.
  • Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh Nam Bộ, Nhà xuất bản Hà Nội, 1997.
  • Hành hương đất phương Nam, Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, Nhà xuất bản TP. HCM, 2002.
  • Võ Thành Phương, Thờ Thần Hoàng - biểu tượng tâm linh của nông dân An Giang, tạp chí Thất Sơn số 57, 2000.
  • Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Ngọc Hồ dịch, Nhà xuất bản Cửu Long, 1992.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan