Edmund A. Walsh School of Foreign Service | |
Biểu trưng của trường Dịch vụ Đối Ngoại Edmund A. Walsh tại Viện Đại học Georgetown. | |
Khẩu hiệu | Utraque Unum (From both, one) |
---|---|
Loại hình | Đại học tư thục, Đại học giáo dục khai phóng |
Thành lập | 1919[1] |
Tổ chức mẹ | Viện Đại học Georgetown. |
Liên kết | Công giáo La mã (Jesuit) |
Giám đốc | Joel Hellman |
Giảng viên | 134 tại Washington, D.C. 52 tại Doha, Qatar[2] |
Sinh viên | 2,273[1] |
Sinh viên đại học | 1,423[1] |
Sinh viên sau đại học | 850[1] |
Địa chỉ | 38°54′32″B 77°4′25″T / 38,90889°B 77,07361°T |
Khuôn viên | Thành thị |
Liên kết | APSIA |
Trường Dịch vụ Đối ngoại Edmund A. Walsh[a] (viết tắt là SFS; một số nguồn tiếng Việt cũng dịch là Trường Ngoại giao[3][4][5] hoặc Trường Ngoại vụ Georgetown[6][7][8]) là một trường quan hệ quốc tế thuộc Viện Đại học Georgetown nằm tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ. Đây được xem là một trong những trường giảng dạy các vấn đề quốc tế hàng đầu thế giới.[9] Trường cấp bằng ở cả bậc cử nhân và cao học. Các cựu sinh viên đáng chú ý bao gồm cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, cựu Giám đốc CIA George Tenet và Quốc vương Felipe VI của Tây Ban Nha, cũng như nguyên thủ của hàng chục quốc gia. Giảng viên của trường cũng bao gồm nhiều nhân vật xuất sắc trong chính trị và kinh tế quốc tế, như cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel, và cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwaśniewski.[10]
Chương trình cao học của trường (MSFS) được xếp hạng 1 toàn cầu trên Bảng xếp hạng đại học quan hệ quốc tế của Foreign Policy, trong khi chương trình cử nhân (BSFS) được xếp hạng thứ 4.[11] Trường cũng được Niche xếp hạng thứ 1 về chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Hoa Kỳ.[12]
Được thành lập vào năm 1919, Trường Dịch vụ Đối ngoại tồn tại trước cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến sáu năm và được biết đến với số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp làm việc trong ngành ngoại giao và chính trị của Hoa Kỳ và thế giới. Georgetown SFS cũng là một trường hàng đầu trong các lĩnh vực tư vấn, tài chính và ngân hàng đầu tư ở Phố Wall.[13]
Ngày nay, trường có khoảng 2250 sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia mỗi năm. Trường cũng có cơ sở giảng dạy tại Florence (Italia) và Doha (Qatar).
Chương trình cử nhân của trường dựa trên mô hình giáo dục khai phóng và tập trung vào các vấn đề quốc tế. Các sinh viên có thể học một trong tám chuyên ngành: Kinh tế Quốc tế (IECO), Chính trị Quốc tế (IPOL), Lịch sử Quốc tế (IHIS), Văn hóa và Chính trị (CULP), Kinh tế Chính trị (IPEC), Nghiên cứu Khu vực (RCST), Kinh doanh Toàn cầu (GBUS), và Khoa học, Công nghệ và các vấn đề Quốc tế (STIA). SFS là trường đầu tiên cung cấp chương trình STIA và sau này thì có thêm Đại học Harvard và Viện Công nghệ Georgia.
Sinh viên cao học có thể theo đuổi một trong tám chương trình sau đại học, bao gồm năm chương trình nghiên cứu khu vực cũng như các văn bằng Thạc sĩ Khoa học về Dịch vụ Đối ngoại (MSFS) theo chuyên ngành Kinh doanh - Tài chính Quốc tế và Xã hội học Toàn cầu (GBFS), An ninh và Chính trị Quốc tế (GPS), Phát triển Quốc tế (IDEV), và Khoa học, Công nghệ và các vấn đề Quốc tế (STIA).[14] Trường cũng có các chương trình Thạc sĩ Phát triển Con người Toàn cầu (GHD) và Thạc sĩ Nghệ thuật về An ninh (SSP).
Các chương trình của Georgetown về quan hệ quốc tế đã liên tục được xếp hạng trong số những chương trình tốt nhất trên thế giới trong các cuộc khảo sát được xuất bản hai năm một lần kể từ năm 2005 bởi tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại).[15] Năm 2014, và một lần nữa vào năm 2018, Foreign Policy đã xếp các chương trình cao học của SFS ở vị trí số một thế giới và các chương trình cử nhân ở vị trí thứ tư.[11] Vào năm 2021, Niche cũng xếp hạng Georgetown ở vị trí số một trong số các trường quan hệ quốc tế tốt nhất Hoa Kỳ.[16] Trong một cuộc khảo sát riêng của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ năm 2011, Georgetown SFS đứng thứ hai về tổng thể, chỉ sau Harvard, về chất lượng chuẩn bị cho sự nghiệp bất kể bằng cấp nào tại Mỹ.[17]
Các giảng viên đáng chú ý tại trường bao gồm cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ và người đoạt giải Nobel Henry Kissinger, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Douglas Feith, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski, cựu Cố vân An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Anthony Lake, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Donald McHenry, cựu Giám đốc CIA George Tenet, cựu Phó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới Callisto Madavo, cựu Giám đốc USAID Andrew Natsios, Đại sứ Israel tại Hoa Kỳ Michael Oren, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose María Aznar, cựu Tổng thống Colombia Álvaro Uribe Vélez, và cựu Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Trung Đông Dennis Ross.
Các sinh viên tốt nghiệp tại trường hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công chúng, tư nhân, phi lợi nhuận cũng như giáo dục đại học. Cựu sinh viên của SFS bao gồm đương kim nguyên thủ quốc gia của các nước như Jordan, Litva, Tây Ban Nha và Bosnia và cựu nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ và Philippines.[18]