Tàu tấn công đổ bộ USS Valley Forge (LPH-8), khoảng năm 1963
| |
Lịch sử | |
---|---|
Hoa Kỳ | |
Tên gọi | USS Valley Forge |
Đặt tên theo | Valley Forge |
Xưởng đóng tàu | Xưởng hải quân Philadelphia |
Đặt lườn | 14 tháng 9 năm 1943 |
Hạ thủy | 8 tháng 7 năm 1945 |
Người đỡ đầu | bà Alexander A. Vandegrift |
Nhập biên chế | 3 tháng 11 năm 1946 |
Xuất biên chế | 15 tháng 1 năm 1970 |
Xếp lớp lại |
|
Xóa đăng bạ | 15 tháng 1 năm 1970 |
Danh hiệu và phong tặng | |
Số phận | Bán để tháo dỡ, 29 tháng 10 năm 1971 |
Đặc điểm khái quát | |
Lớp tàu | Lớp tàu sân bay Essex |
Trọng tải choán nước |
|
Chiều dài |
|
Sườn ngang |
|
Mớn nước |
|
Động cơ đẩy |
|
Tốc độ | 61 km/h (33 knot) |
Tầm xa |
|
Thủy thủ đoàn tối đa | 2.600 |
Vũ khí |
|
Bọc giáp |
|
Máy bay mang theo | 90–100 máy bay |
Hệ thống phóng máy bay |
|
USS Valley Forge (CV/CVA/CVS-45, LPH-8) là một trong số 24 tàu sân bay thuộc lớp Essex được chế tạo cho Hải quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và là chiếc tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này để kỷ niệm Valley Forge, điểm trú quân mùa Đông năm 1777–1778 của Quân đội Lục địa dưới quyền Tướng George Washington trong cuộc Chiến tranh Độc lập Hoa Kỳ.[1][2] Valley Forge được đưa ra hoạt động vào tháng 11 năm 1946, quá trễ để có thể phục vụ cho Thế Chiến II, nhưng đã phục vụ tích cực trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Vào đầu những năm 1950 nó được xếp lại lớp như một tàu sân bay tấn công CVA, rồi thành một tàu sân bay chống tàu ngầm CVS, và cuối cùng như một tàu tấn công đổ bộ LPH chở theo máy bay trực thăng và lực lượng thủy quân lục chiến. Nó đã phục vụ tại Đại Tây Dương và vùng biển Caribbe trong vai trò tàu sân bay chống tàu ngầm, và là tàu thu hồi chính cho một chuyến bay vũ trụ không người lái thuộc Chương trình Mercury. Sau khi được cải biến thành tàu tấn công đổ bộ, nó đã phục vụ rộng rãi tại Việt Nam. Valley Forge được tặng thưởng tám Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên, và thêm chín ngôi sao khác tại Việt Nam cùng ba danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân.
Không giống như những con tàu chị em khác cùng lớp, Valley Forge không nhận được sự nâng cấp lớn đáng kể nào, nên trong suốt quãng đời hoạt động của mình vẫn giữ lại dáng dấp cổ điển của một tàu sân bay lớp Essex thời Thế Chiến II. Nó được cho ngừng hoạt động vào năm 1970, và bị bán để tháo dỡ vào năm 1971.
Chi phí cho việc chế tạo Valley Forge có phần đóng góp qua sự quyên góp của cư dân thành phố Philadelphia, Pennsylvania, qua một cuộc vận động trái phiếu chiến tranh đặc biệt. Con tàu là một tàu sân bay dạng thân dài thuộc phân lớp Ticonderoga trong lớp Essex, được đặt lườn vào ngày 14 tháng 9 năm 1943 tại Xưởng hải quân Philadelphia. Nó được hạ thủy vào ngày 8 tháng 7 năm 1945; được đỡ đầu bởi bà Alexander A. Vandegrift, phu nhân Đại tướng Alexander Vandegrift, Tư lệnh Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ; và được đưa ra hoạt động vào ngày 3 tháng 11 năm 1946 dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng, Đại tá Hải quân John W. Harris.[1][2]
Sau khi hoàn tất việc trang bị, chiếc tàu sân bay mới lên đường vào ngày 24 tháng 1 năm 1947 cho chuyến đi huấn luyện chạy thử máy vốn đã đưa nó đi ngang qua Norfolk đến vịnh Guantánamo, Cuba và Vùng kênh đào Panama. Valley Forge hoàn tất chuyến đi vào ngày 18 tháng 3 và quay trở về Philadelphia cho việc sửa chữa hiệu chỉnh sau thử máy. Con tàu rời Philadelphia vào ngày 14 tháng 7, hướng về phía Nam, đi qua kênh đào Panama vào ngày 5 tháng 8. Nó đi đến cảng nhà mới là San Diego vào ngày 14 tháng 8 và gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương. Sau khi nhận lên tàu Liên đội Không lực 11 và tiến hành những cuộc huấn luyện không lực và tác xạ khẩn trương tại vùng biển gần bờ, chiếc tàu sân bay mang cờ hiệu của Chuẩn Đô đốc Harold L. Martin, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm 38, và lên đường đi Hawaii vào ngày 9 tháng 10. Lực lượng đặc nhiệm dành ra gần ba tháng cho các hoạt động huấn luyện ngoài khơi Trân Châu Cảng trước khi lên đường đi Australia vào ngày 16 tháng 1 năm 1948. Sau một chuyến viếng thăm Sydney, các tàu chiến Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tập trận cùng các đơn vị của Hải quân Hoàng gia Australia trước khi lên đường đi Hong Kong.[1]
Đang khi di chuyển từ thuộc địa của Đế chế Anh đến Thanh Đảo, Trung Quốc, lực lượng đặc nhiệm của nó nhận được chỉ thị quay trở về nhà qua ngã Đại Tây Dương. Cùng các tàu khu trục tháp tùng, con tàu tiếp tục chuyến đi vòng quanh thế giới, ghé qua Hong Kong; Manila; Singapore; Trincomalee, Ceylon và Ras Tanura, Ả Rập Xê Út. Sau khi hoạt động một thời gian tại vùng vịnh Ba Tư, nó trở thành chiếc tàu sân bay lớn nhất từng băng qua kênh đào Suez. Cuối cùng con tàu cũng về đến San Diego sau khi đi ngang qua Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và kênh đào Panama.[1]
Valley Forge rời khu vực Bờ Tây Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 5 năm 1950 cho một lượt bố trí đến Viễn Đông. Đang khi thả neo tại cảng Hong Kong vào ngày 25 tháng 6, chiếc tàu sân bay nhận được tin tức về việc lực lượng Bắc Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 tấn công vào lãnh thổ Nam Triều Tiên. Rời Hong Kong vào ngày hôm sau, nó di chuyển về phía Nam đến vịnh Subic, nơi nó được tiếp tế và tiếp nhiên liệu, rồi lên đường hướng sang Triều Tiên.[1]
Cuộc không kích từ tàu sân bay đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên được Valley Forge tiến hành vào ngày 3 tháng 7 năm 1950. Bị áp đảo về người và vũ khí, lực lượng Nam Triều Tiên chiến đấu một cách chật vật chống lại lực lượng Cộng sản. Xuất phát từ chiếc tàu sân bay, những chiếc Douglas AD Skyraider và Vought F4U Corsair đã tấn công sân bay Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, trong khi những chiếc Grumman F9F-2 Panther bay yểm trợ. Hàng tấn bom đã trút xuống các vị trí kho chứa máy bay, dự trữ nhiên liệu, máy bay do Liên Xô chế tạo cùng các đầu mối đường sắt. Cùng lúc đó, những chiếc Panther hộ tống đã bắn rơi hai chiếc Yak-9 và làm hư hại một chiếc khác.[1]
Cho dù lực lượng Liên Hợp Quốc dồn mọi nỗ lực nhằm can thiệp vào dòng bộ binh và thiết giáp liên tục của đối phương, lực lượng Bắc Triều Tiên liên tục đẩy lùi lực lượng Nam Triều Tiên phòng ngự cho đến tận vòng phòng thủ chung quanh Pusan. Vào ngày 18 tháng 9 năm 1950, lực lượng Hoa Kỳ đổ bộ lên Inchon bọc sườn lực lượng cộng sản trong khi lực lượng Liên Hợp Quốc đột phá ra ngoại vi về phía Nam. Trong giai đoạn chiến đấu căng thẳng này, Liên đội Không lực 5 của Valley Forge thực hiện nhiều cuộc không kích ban ngày vào các mục tiêu Bắc Triều Tiên: các địa điểm tập trung quân, vị trí phòng ngự, tuyến đường liên lạc và tiếp tế liên tục trở thành mục tiêu cho bom ném từ những chiếc Skyraider cũng như rocket và hỏa lực pháo của những chiếc Panther và Corsair. Trong thời gian từ ngày 3 tháng 7 đến ngày 19 tháng 11 năm 1950, khoảng 5.000 phi vụ chiến đấu đã được Valley Forge tung ra, ném khoảng 2.000 tấn Anh (2.000 t) bom và rocket.[1]
Được lệnh quay trở về San Diego để đại tu, Valley Forge về đến vùng bờ Tây vào ngày 1 tháng 12, nhưng lại được lệnh khẩn cấp quay trở lại Triều Tiên. Trong thời gian đó, lực lượng Cộng sản Trung Quốc đã can thiệp, tung ra một cuộc tấn công mạnh mẽ đẩy lùi lực lượng Liên Hợp Quốc về phía Nam. Vì vậy, Valley Forge phải vội vã tiếp nhận một liên đội không lực mới, được tiếp liệu, rồi lại lên đường vào ngày 6 tháng 12 đi sang Viễn Đông. Gặp gỡ Lực lượng Đặc nhiệm 77 ba ngày trước lễ Giáng sinh năm 1950, Valley Forge tung ra các đợt không kích vào ngày 23 tháng 12, khởi sự một chiến dịch không kích tập trung kéo dài ba tháng xuống lực lượng Cộng sản đang tiến quân. Trong lượt bố trí thứ hai, chiếc tàu sân bay đã tung ra 2.580 phi vụ và đã ném khoảng 1.500 tấn Anh (1.500 t) bom.[1]
Vào ngày 11 tháng 12 năm 1951, Valley Forge tung ra đợt không kích đầu tiên can thiệp vào hệ thống đường sắt đối phương. Bom, rocket và hỏa lực pháo từ liên đội không quân phối thuộc của nó, cũng như của các tàu sân bay chị em, đã nhắm vào các mục tiêu đường sắt Bắc Triều Tiên: các tuyến đường, đầu mối, nhà ga và kho chứa – mọi công trình tham gia vào việc chuyển quân bằng đường sắt của đối phương – đều trở thành mục tiêu. Cho đến tháng 6, máy bay của Valley Forge đã tấn công ít nhất 5.346 địa điểm như thế.[1]
Valley Forge quay trở về Hoa Kỳ vào mùa Hè năm 1952, nhưng rồi lại được bố trí đến Viễn Đông vào cuối năm đó. Vào tháng 10 năm 1952, nó được tái xếp lớp như một tàu sân bay tấn công với ký hiệu lườn mới CVA-45. Ngày 2 tháng 1 năm 1953, nó bắt đầu năm mới bằng các cuộc không kích xuống các kho tiếp liệu và khu vực tập trung lực lượng đối phương phía sau phòng tuyến đang bế tắc. Trong khi những chiếc máy bay cánh quạt Skyraider và Corsair ném hàng tấn bom xuống mục tiêu, những chiếc máy bay phản lực Panther làm nhiệm vụ trấn áp hỏa lực phòng không đối phương bằng hỏa lực kết hợp rocket và pháo. Sự phối hợp nhịp nhàng các kiểu máy bay cũ và mới này giúp tiến hành đều đặn các đợt không kích dọc theo bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, cũng như các phi vụ hỗ trợ gần cho lực lượng Thủy quân Lục chiến và Lục quân trên các phòng tuyến bị tranh chấp quyết liệt. Các liên đội không lực của Valley Forge đã ném khoảng 3.700 tấn Anh (3.800 t) bom xuống đối phương trước khi chiếc tàu chiến rời vùng biển Triều Tiên quay trở về San Diego vào ngày 25 tháng 6 năm 1953.[1]
Sau một đợt đại tu tại vùng bờ Tây, Valley Forge được chuyển sang Hạm đội Đại Tây Dương và được xếp lại lớp với ký hiệu lườn mới CVS-45 trong vai trò tàu sân bay hỗ trợ cho nhiệm vụ chống tàu ngầm. Nó được tái trang bị để phù hợp với nhiệm vụ mới tại Xưởng hải quân Norfolk, rồi gia nhập trở lại hạm đội vào tháng 1 năm 1954. Chiếc tàu sân bay được nâng cấp lên đường không lâu sau đó tiến hành các cuộc thực tập nhằm phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật và khả năng cần thiết để đảm trách vai trò mới. Thực hiện các chuyến viếng cảng tại chỗ và thực hành chống tàu ngầm, Valley Forge hoạt động ngoài khơi bờ Đông Hoa Kỳ cho đến cuối năm 1956, bao gồm một chuyến viếng thăm Anh Quốc và khu vực Đông Đại Tây Dương để tập trận vào cuối năm 1954. Các hoạt động của nó trong giai đoạn này còn bao gồm các chuyến đi huấn luyện học viên mới và quân nhân dự bị cùng các chuyến viếng thăm tại vùng biển Carribe.[1]
Tiến hành các hoạt động huấn luyện ngoài khơi vịnh Guantánamo trong năm 1957, Valley Forge vào tháng 10 tiến hành một hoạt động đổ quân bằng máy bay trực thăng lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ, khi nó nhận lên tàu các đơn vị quân đổ bộ và những chiếc HR2S-1 Mojave hai động cơ. Tiến hành thử nghiệm khái niệm mới "bao vây thẳng đứng", vốn do Hải quân Hoàng gia Anh và Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh đi tiên phong vào năm 1956 tại Suez, máy bay trực thăng của Valley Forge đã không vận đơn vị đến bãi đổ bộ rồi đưa họ quay trở lại tàu trong một cuộc thực tập tấn công từ trên không xuất phát từ tàu lần đầu tiên của Hải quân. Vào ngày 1 tháng 4 năm 1958, Chuẩn đô đốc John S. Thach đặt cờ hiệu của mình trên chiếc tàu sân bay khi nó trở thành soái hạm của Đội đặc nhiệm Alpha, vốn xây dựng chung quanh Valley Forge và còn bao gồm tám tàu khu trục, hai tàu ngầm, một liên đội máy bay cánh cố định và một liên đội máy bay trực thăng, cùng một chiếc Lockheed P2V Neptune đặt căn cứ trên bờ. Một sự phát triển đáng kể chiến thuật hải quân, Đội đặc nhiệm Alpha tập trung thuần túy vào việc phát triển và hoàn thiện các thiết bị và kỹ thuật mới đối phó với mối đe dọa tiềm tàng của tàu ngầm đối phương trong thời đại chúng vận hành bằng năng lượng nguyên tử và dùng kỹ thuật lặn sâu.[1]
Valley Forge tiếp tục tham gia các hoạt động của Đội đặc nhiệm Alpha cho đến đầu mùa Thu năm 1959, khi nó đi vào Xưởng hải quân New York để sửa chữa. Nó trở ra khơi vào ngày 21 tháng 1 năm 1960 để cơ động huấn luyện tại vùng biển Caribe; và trong những hoạt động tiếp theo, chiếc tàu sân bay đã được sử dụng như là bệ phóng trong Chiến dịch Skyhook. Hoạt động nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi này bao gồm việc thả ba khinh khí cầu thám không to nhất từng được chế tạo, mang theo những thiết bị để đo và ghi lại sự phát xạ các tia vũ trụ cơ bản ở độ cao 18–22 dặm (29–35 km) trên bề mặt trái đất. Sau một đợt bố trí đến khu vực Tây Địa Trung Hải, nơi nó ghé thăm các cảng tại Tây Ban Nha, Ý và Pháp, Valley Forge quay trở lại Norfork vào ngày 30 tháng 8 cho các hoạt động tại chỗ, tiếp tục thực tập chống tàu ngầm như là soái hạm của Đội đặc nhiệm Alpha cho đến mùa Thu năm 1960.[1]
Vào ngày 19 tháng 12, Valley Forge đã hoạt động như tàu thu hồi chính trong hoạt động phóng thử nghiệm tàu không gian không người lái Mercury-Redstone 1A, chuyến bay đầu tiên trong khuôn khổ Chương trình Mercury. Máy bay trực thăng của tàu sân bay đã thu hồi tàu không gian phóng lên từ mũi Canaveral, sau chuyến bay thành công dài 15 phút và đáp xuống biển.[3] Hai ngày sau ngoài khơi mũi Hatteras, đáp lại một tín hiệu cầu cứu SOS, Valley Forge đã nhanh chóng đi đến cứu giúp tàu chở dầu SS Pine Ridge, vốn bị vỡ làm đôi sau một cơn bão. Trong khi những người còn sống sót trên con tàu bị đánh hỏng bám chặt vào nữa sau của chiếc tàu chở dầu, máy bay trực thăng của tàu sân bay đã đi lại con thoi để vớt những người gặp tai nạn. Không lâu sau, tất cả 28 người sống sót đều được an toàn trên chiếc Valley Forge.[1]
Đi vào Xưởng hải quân Norfolk vào ngày 6 tháng 3, 1961 để đại tu đồng thời để cải biến thành một tàu tấn công đổ bộ, Valley Forge được xếp lại lớp thành LPH-8 vào ngày 1 tháng 7, và bắt đầu tiến hành huấn luyện ôn tập tại vùng biển Caribe không lâu sau đó. Nó quay trở lại Hampton Roads vào tháng 9 và tiếp tục huấn luyện tại khu vực Virginia Capes cùng những máy bay trực thăng chở quân mới nhận lên tàu. Sang tháng 10, trong thành phần lực lượng sẵn sàng đổ bộ Hạm đội Đại Tây Dương, nó đi xuống phía Nam đến vùng biển ngoài khơi Hispaniola, và đã thường trực từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 10 và từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 11, sẵn sàng cho việc di tản công dân Hoa Kỳ khỏi Cộng hòa Dominica khi cần thiết. Sau khi xảy ra vụ ám sát nhà độc tài Rafael Trujillo, quốc gia này đang trải qua một giai đoạn căng thẳng và bạo động do sự tranh giành quyền lực.[1]
Sau khi quay trở về nhà, Valley Forge khởi hành từ Norfolk vào ngày 6 tháng 1 năm 1962 để đi sang Long Beach, California, và nhận nhiệm vụ cùng Hạm đội Thái Bình Dương. Sau một đợt huấn luyện káo dài ba tháng dọc theo vùng bờ Tây, con tàu đã lên đường đi sang khu vực Tây Thái Bình Dương để hoạt động cùng Đệ Thất hạm đội. Phục vụ như là soái hạm của Tư lệnh Đội đặc nhiệm Đổ bộ thuộc Đệ Thất hạm đội, nó tiếp cận bờ biển Đông Dương, sẵn sàng để cho đổ bộ phân đội Thủy quân Lục chiến được phối thuộc trong bối cảnh phức tạp đang diễn ra tại Lào. Lực lượng Pathet Lào gây sức ép quân sự đáng kể lên lực lượng phe Hoàng Gia và lực lượng cánh hữu, buộc những nhóm này phải thỉnh cầu Tổng thống John F. Kennedy cho đổ bộ lực lượng hỗ trợ nhằm ngăn ngừa phe cộng sản có thể xâm chiếm toàn bộ đất nước. Chiếc tàu tấn công đổ bộ đã cho không vận lính Thủy quân Lục chiến đến Lào vào ngày 17 tháng 5; và sau khi tình hình được cải thiện, lực lượng được rút đi vào tháng 7. Trong thời gian còn lại của năm 1962, nó tiếp tục hoạt động tại khu vực Viễn Đông, rồi quay trở về Hoa Kỳ và trải qua nữa đầu năm 1963 thực hành huấn luyện đổ bộ ngoài khơi bờ biển California và tại vùng biển quần đảo Hawaii.[1]
Valley Forge đi vào Xưởng hải quân Long Beach vào ngày 1 tháng 7 năm 1963, nơi nó được nâng cấp trong khuôn khổ Chương trình Hồi sinh và Hiện đại hóa Hạm đội (FRAM: Fleet Rehabilitation and Modernization). Những cải tiến bao gồm các thiết bị điện tử mới và những phương tiện để vận chuyển binh lính và máy bay trực thăng. Hoàn tất việc nâng cấp vào ngày 27 tháng 1, 1964, con tàu gia nhập trở lại hạm đội và tiến hành các hoạt động huấn luyện tại chỗ, cho đến khi khởi hành từ Long Beach cho một lượt biệt phái khác sang khu vực Tây Thái Bình Dương. Nó đi ngang qua Trân Châu Cảng và Okinawa trước khi đi đến Hong Kong, rồi tiếp tục hành trình sang Đài Loan. Sang tháng 6, nó tham gia cùng tàu chiến thuộc hải quân các nước khối SEATO trong các cuộc tập trận đổ bộ, rồi viếng thăm Philippines vào tháng 7.[1]
Sau Sự kiện vịnh Bắc Bộ, khi Hoa Kỳ lấy cớ tàu phóng lôi Bắc Việt Nam tấn công tàu khu trục Maddox (DD-731) vào các ngày 2 và 4 tháng 8, 1964 để leo thang sự can thiệp trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, Valley Forge trải qua 57 ngày liên tục hiện diện ngoài khơi bờ biển Việt Nam, sẵn sàng cho đổ bộ lính Thủy quân Lục chiến nếu cần thiết. Nó lên đường quay trở về nhà, đi ngang qua vịnh Subic, Philippines, Okinawa và đảo san hô Midway trước khi về đến Long Beach vào ngày 5 tháng 11. Trong mùa Thu năm 1965, nó thực hiện hai chuyến đi khứ hồi vận chuyển lực lượng Thủy quân Lục chiến đến Okinawa, trước khi được phái đến Viễn Đông và hoạt động tại khu vực biển Đông. Với một phân đội Thủy quân Lục chiến thường trực trên tàu và mang cờ hiệu của Tư lệnh Hải đội Đổ bộ 3, nó hoạt động huấn luyện tại vùng biển Philippines, chuẩn bị sẵn sàng để được phái sang Việt Nam.[1]
Vào giữa tháng 11, Valley Forge được huy động trong thành phần dự bị cho Chiến dịch Blue Marlin để đổ bộ gần Tam Kỳ, và sau đó đã không vận lính Thủy quân Lục chiến đổ bộ trong Chiến dịch Dagger Thrust tại Bình Định và Chiến dịch Harvest Moon tại Quảng Nam trước khi quay trở về Okinawa cho kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh. Đón lên tàu một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến cùng một phi đội máy bay trực thăng vận tải hạng trung, nó khởi hành đi sang Việt Nam vào ngày 3 tháng 1 năm 1966, và sau chặng dừng tại vịnh Subic, nó đi đến ngoài khơi bờ biển Việt Nam vào ngày 27 tháng 1, và cho đổ bộ lực lượng hai ngày sau đó để tham gia Chiến dịch Double Eagle tại Quảng Ngãi. Nó tiếp tục thường trực ngoài khơi bờ biển khu vực chiến sự, cung cấp tiếp liệu và hỗ trợ y tế bằng máy bay trực thăng đồng thời vận chuyển thương binh trở lại tàu để cứu chữa. Nó đón trở lại tàu lực lượng đổ bộ vào ngày 17 tháng 2, rồi hướng lên phía Bắc tiếp tục giai đoạn 2 của chiến dịch tại khu vực Quảng Trị hai ngày sau đó, nơi binh lính Thủy quân Lục chiến được không vận lên bờ tấn công các vị trí tập trung quân đối phương.[1]
Khi chiến dịch kết thúc vào ngày 26 tháng 2, Valley Forge đón trở lại tàu lực lượng đổ bộ và đưa trở lại vịnh Subic. Sau một chuyến đi khứ hồi đến Đà Nẵng, nó lên đường quay trở về vùng bờ Tây để đại tu, rồi hoạt động huấn luyện tại chỗ dọc theo bờ biển California trước khi lại được phái sang khu vực Tây Thái Bình Dương. Con tàu tham gia các chiến dịch tại khu vực Đà Nẵng trước khi quay trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1966.[1]
Sau khi trải qua một đợt đại tu và huấn luyện ngoài khơi vùng bờ Tây, Valley Forge lên đường quay trở lại khu vực Viễn Đông vào tháng 11, 1967, và tham gia Chiến dịch Fortress Ridge tại Gio Linh, Quảng Trị từ ngày 21 tháng 12. Nó cho không vận đổ bộ lực lượng đến một vị trí ngay phía Nam Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (DMZ), rồi tiếp tục hỗ trợ tiếp liệu và di tản thương binh cho chiến dịch "tìm và diệt" lực lượng đối phương, vốn chỉ kết thúc vào ngày 24 tháng 12. Chiếc tàu tấn công đổ bộ lại tiếp tục tham gia Chiến dịch Badger Tooth gần Quảng Trị và Thừa Thiên, rồi được bảo trì tại Đà Nẵng trước khi được phái đến vùng biển ngoài khơi Đồng Hới để hoạt động hỗ trợ tiếp liệu.[1]
Valley Forge lại tham gia Chiến dịch Badger Catch tại khu vực bờ Nam sông Cửa Việt, Quảng Trị, kéo dài từ ngày 23 tháng 1 đến ngày 18 tháng 2, 1968 rồi lên đường đi vịnh Subic để bảo trì. Quay trở lại vùng biển Việt Nam để tham gia Chiến dịch Badger Catch II từ ngày 6 tháng 3 đến ngày 14 tháng 4, con tàu đã tiếp nhận những máy bay trực thăng của thủy quân lục chiến vào giai đoạn căn cứ trên bộ của họ bị đối phương xâm nhập. Chiếc tàu tấn công đổ bộ có một lượt bảo trì tại vịnh Subic trước khi tiếp tục tham gia Chiến dịch Badger Catch III từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 3 tháng 6, rồi di chuyển đến Đà Nẵng để tham gia Chiến dịch Swift Saber từ ngày 7 đến ngày 14 tháng 6. Sang đầu tháng 7, con tàu tham gia cuộc Tập trận Hilltop XX, rồi cho chuyển máy bay trực thăng và binh lính Thủy quân Lục chiến phối thuộc sang chiếc tàu tấn công đổ bộ Tripoli (LPH-10) trước khi lên đường quay trở về Hoa Kỳ. Đi ngang qua Hong Kong, Okinawa và Trân Châu Cảng, nó về đến Long Beach vào ngày 3 tháng 8, và ở lại vùng bờ Tây trong 5 tháng để đại tu và hoạt động tại chỗ.[1]
Valley Forge khởi hành từ Long Beach vào ngày 30 tháng 1 năm 1969 cho lượt phục vụ cuối cùng tại Viễn Đông. Nó ghé qua San Diego để nhận lên tàu máy bay trực thăng CH-53 Sea Stallion, nhằm chuyển giao cho những phi đội vận tải hoạt động tại Việt Nam. Con tàu ghé qua Trân Châu Cảng, và tạm dừng tại Guam nơi máy bay trực thăng của nó chuyển lên bờ một thủy thủ cần phẫu thuật cấp cứu. Đi đến vịnh Subic, nó đón lên tàu những thiết bị đổ bộ chuyên dụng, một phi đội máy bay trực thăng Thủy quân Lục chiến CH-46 Sea Knight cùng Tư lệnh Lực lượng Đổ bộ Đặc biệt Bravo trước khi hướng sang Việt Nam. Từ ngày 10 tháng 3, nó hoạt động hỗ trợ cho Chiến dịch Defiant Measure ngoài khơi Đà Nẵng, khi máy bay trực thăng của nó thực hiện những phi vụ hỗ trợ cho đến khi chiến dịch kết thúc vào ngày 18 tháng 3. Những máy bay trực thăng rời tàu trước khi nó đi đến vịnh Subic để bảo trì.[1]
Quay trở lại Đà Nẵng vào ngày 3 tháng 5, Valley Forge nhận trở lại những máy bay trực thăng phối thuộc cùng một phần của tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến phối thuộc vốn đã tham gia tác chiến trên bộ. Nó tiếp tục hoạt động tại khu vực Đà Nẵng trong những tuần lễ tiếp theo sau, nơi máy bay trực thăng của nó thực hiện những phi vụ hỗ trợ và binh lính Thủy quân Lục chiến chuẩn bị cho những hoạt động sắp đến. Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, con tàu tiếp đón các chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Hải quân John Chafee và của Phó đô đốc William F. Bringle, Tư lệnh Đệ Thất Ham đội.[1]
Valley Forge cho phân đội Thủy quân Lục chiến phối thuộc rời tàu tại Đà Nẵng vào ngày 10 tháng 6, dành chỗ cho một tiểu đoàn đổ bộ và vận chuyển đơn vị này đi Okinawa, đến nơi vào ngày 16 tháng 6. Đơn vị này tập trận đổ bộ cùng chiếc tàu tấn công đổ bộ trong 11 ngày, rồi lên tàu cho một chuyến đi đến vịnh Subic, nơi họ tiếp tục thực tập huấn luyện. Con tàu quay trở lại khu vực Đà Nẵng vào ngày 8 tháng 7, nơi máy bay trực thăng của nó hoạt động hỗ trợ cho những hoạt động tác chiến ở phía Bắc khu vực trách nhiệm của Quân đoàn 1. Con tàu phải động để né tránh một cơn bão và chuẩn bị cho những chiến dịch đổ bộ tiếp theo.[1]
Valley Forge tham gia Chiến dịch Brave Armada mở màn vào ngày 24 tháng 7 với hoạt động tấn công với quân đổ bộ bằng trực thăng xuống các mục tiêu đối phương tại Quảng Ngãi. Con tàu tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động tác chiến tại khu vực Quảng Ngãi-Chu Lai cho đến khi chiến dịch kết thúc vào ngày 7 tháng 8. Nó đi đến Đà Nẵng để cho lực lượng Thủy quân Lục chiến rời tàu; và Tư lệnh lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Đại tướng Leonard F. Chapman, Jr., đã viếng thăm con tàu cùng ngày hôm đó. Nó khởi hành vào ngày 13 tháng 8 để đi Okinawa, đến nơi bốn ngày sau đó và chất dỡ liên đội máy bay trực thăng khỏi tàu, trước khi phải di chuyển để né tránh một cơn bão. Nó đi đến Hong Kong vào ngày 22 tháng 8, và nhận được tin tức sẽ được cho ngừng hoạt động. Con tàu quay trở lại Đà Nẵng vào ngày 3 tháng 9 để nhận hàng hóa sẽ chuyên chở về Hoa Kỳ, rồi lên đường ngay chiều tối hôm đó để đi Yokosuka. Nó được bảo trì trong ba ngày trước khi thực hiện hành trình rời Viễn Đông.[1]
Rời Yokosuka vào ngày 11 tháng 9, Valley Forge về đến Long Beach vào ngày 22 tháng 9. Sau khi được nghỉ phép và bảo rtì, nó chất dỡ đạn dược và thiết bị tại Seal Beach và San Diego. Nó quay trở lại Long Beach vào ngày 31 tháng 10 để chuẩn bị ngừng hoạt động, một công việc kéo dài sang tận đầu năm sau. Cuối cùng được cho xuất biên chế vào ngày 15 tháng 1, 1970, đồng thời tên nó cũng được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân cùng ngày hôm đó.[1]
Thất bại trong những nỗ lực gây quỹ nhằm giữ lại con tàu như một tàu bảo tàng, nó bị bán cho hãng Nicolai Joffre Corporation tại Beverly Hills, California vào ngày 29 tháng 10, 1971 để tháo dỡ.[1]
Valley Forge được tặng thưởng tám Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên, và thêm chín ngôi sao khác trong cuộc Chiến tranh Việt Nam cùng ba danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân.[1][2]
Đơn vị Tuyên Dương Hải quân | |||
Đơn vị Tuyên dương Anh dũng | Huân chương Phục vụ Trung Hoa | Huân chương Chiến thắng Thế Chiến II | |
Huân chương Phục vụ Chiếm đóng Hải quân | Huân chương Phục vụ Phòng vệ Quốc gia với 1 Ngôi sao Chiến trận |
Huân chương Phục vụ Triều Tiên với 8 Ngôi sao Chiến trận | |
Huân chương Viễn chinh Lực lượng Vũ trang | Huân chương Phục vụ Việt Nam với 9 Ngôi sao Chiến trận |
Huân chương Anh Dũng Bội Tinh (Việt Nam Cộng Hòa) | |
Huân chương Liên Hợp Quốc Phục vụ Triều Tiên | Huân chương Dân vụ Bội tinh (Việt Nam Cộng Hòa) |
Huân chương Phục vụ Chiến tranh Triều Tiên (Hàn Quốc) |