F9F Panther | |
---|---|
Kiểu | Máy bay tiêm kích - ném bom |
Hãng sản xuất | Grumman |
Chuyến bay đầu tiên | 24 tháng 11 năm 1947 |
Khách hàng chính | Hải quân Hoa Kỳ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ Hải quân Argentine |
Số lượng sản xuất | 1.382 |
Chiếc Grumman F9F Panther là kiểu máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của hãng Grumman và là chiếc thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ. Panther là kiểu máy bay tiêm kích phản lực của Hải quân được sử dụng rộng rãi nhất trong Chiến tranh Triều Tiên. Nó đã thực hiện 78.000 phi vụ và ghi được chiến công không chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ trong cuộc chiến tranh này khi bắn rơi một chiếc máy bay tiêm kích Yakovlev Yak-9 của Bắc Triều Tiên. Tổng số máy bay F9F được sản xuất là 1.382 chiếc, với nhiều phiên bản được xuất khẩu sang Argentina.
Những nghiên cứu phát triển được tiến hành tại hãng Grumman được bắt đầu lúc gần kết thúc Thế Chiến II khi những động cơ phản lực đầu tiên xuất hiện. Chiếc nguyên mẫu Panther, do phi công thử nghiệm Corky Meyer điều khiển, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 24 tháng 11 năm 1947.[1] Động lực được cung cấp bởi một phiên bản của động cơ turbo phản lực Rolls-Royce Nene chế tạo theo giấy phép nhượng quyền bởi Pratt & Whitney dưới tên gọi J42. Vì không có đủ chỗ giữa cánh và thân để chứa đủ nhiên liệu cho kiểu động cơ phản lực khát nhiên liệu, các thùng nhiên liệu được thêm vào gắn cố định trên đầu chót cánh, lại tình cờ làm tăng tốc độ lộn vòng của chiếc máy bay.[2] Kiểu máy bay được chấp thuận cho hoạt động trên tàu sân bay từ tháng 9 năm 1949. Trong giai đoạn phát triển, Grumman quyết định thay đổi động cơ cho chiếc Panther, chọn kiểu động cơ Pratt & Whitney J48-P-2, một phiên bản chế tạo theo giấy phép nhượng quyền của kiểu Rolls-Royce Tay. Một động cơ khác cũng được thử nghiệm là kiểu Allison J33-A-16, một kiểu phát triển bắt nguồn từ động cơ Rolls-Royce Derwent.[3]
Từ năm 1946, một phiên bản cánh xuôi được xem xét đến, và sau khi có sự quan tâm về tính năng yếu kém của chiếc Panther so với các đối thủ MiG tại Triều Tiên, một phiên bản cải biến chiếc Panther (Thiết kế 93) đưa đến kết quả một biến thể cánh xuôi của chiếc Panther, chiếc Grumman F9F Cougar, vốn được giữ lại số hiệu thiết kế của chiếc Panther.[4]
F9F-2, F9F-3 và F9F-5 phục vụ khá nổi bật tại Chiến tranh Triều Tiên, bắn rơi hai máy bay Yakolev Yak-9 và năm máy bay Mikoyan-Gurevich MiG-15 trong khi bị thiệt hại một chiếc F9F. Ngày 3 tháng năm 1950, Trung úy Leonard H. Plog thuộc Phi đoàn Tiêm kích VF-51 lái chiếc F9F-3 đã ghi chiến công đầu tiên khi bắn rơi một máy bay Yak-9. Chiếc MiG-15 đầu tiên bị bắn rơi vào ngày 9 tháng 11 năm 1950 do Thiếu tá William (Bill) Amen thuộc Phi đoàn Tiêm kích VF-111 "Sundowners" lái một chiếc F9F-2B. Hai chiếc nữa bị bắn rơi ngày 18 tháng 11 năm 1950, còn hai chiếc nữa bị bắn rơi ngày 18 tháng 11 năm 1952.[5] Panther là kiểu máy bay tiêm kích phản lực và tiêm kích-ném bom chủ yếu của Hải quân trong cuộc xung đột Triều Tiên.
Panther được rút khỏi phục vụ ngoài tiền tuyến vào năm 1956, nhưng được giữ lại trong vai trò huấn luyện và với các đơn vị trừ bị cho đến năm 1958, một số lượng nhỏ phục vụ cho đến những năm 1960.[6]
Khách hàng nước ngoài duy nhất từng mua chiếc Panther là Hải quân Argentine, đã mua lại 24 chiếc máy bay cũ của Hải quân Mỹ vào năm. Những máy phóng trên chiếc tàu sân bay duy nhất của Argentine lúc đó, chiếc ARA Independencia (V-1), được xem là không đủ mạnh để phóng được F9F, nên những chiếc máy bay được đặt căn cứ trên đất liền.
Những chiếc Panther của Argentine tham gia vào đợt tổng động viên trong sự kiện xung đột biên giới giữa Argentina với Chile năm 1965 nhưng đã không có xung đột quân sự. Chúng được đưa ra khỏi phục vụ vào năm 1969 do thiếu linh kiện phụ tùng và được thay thế bằng chiếc A-4Q Skyhawk.[7]