Violetta Villas | |
---|---|
Violetta Villas năm 1967 | |
Sinh | Czesława Maria Cieślak 10 tháng 6, 1938 |
Mất | 5 tháng 12, 2011 Lewin Klodzki, Ba Lan | (73 tuổi)
Tên khác | mlle. Villas; VV |
Nghề nghiệp | ca sĩ, người sáng tác bài hát, nhà soạn nhạc, nữ diễn viên |
Năm hoạt động | 1960–2011 |
Violetta Villas (/[invalid input: 'icon']ˈvɪllæs/; tên khai sinh là Czesława Maria Cieślak, 10.6.1938 – 5.12.2011) là một nữ ca sĩ, người viết bài hát, nhà soạn nhạc kiêm nữ diễn viên Ba Lan sinh tại Bỉ.
Giọng của bà có nét đặc biệt là giọng nữ màu sắc (coloratura soprano). Bà có thể chơi được dương cầm, vĩ cầm và trombone.[1] Bà đã có biệt danh là "giọng ca thời đại nguyên tử",[2] "người hát được lục địa ca tụng" (the singing toast of the continent),[3] "một giọng ca như rượu champage Pháp" (a voice like French champagne),[4] "Yma Sumac của Ba Lan".
Villas là ngôi sao hàng đầu của Casino de Paris tại Dunes Hotel & Casino ở Dải Las Vegas từ năm 1966 tới 1971.[1]
Villas nổi tiếng về những cuộc trình diễn nổi bật, đáng chú ý, và vô số các bài hát thành công số một của bà. Trong sự nghiệp ở show business (ngành kinh doanh giải trí), Violetta Villas đã diễn xuất 6 phim, trình diễn vô số show nhạc, và thu âm hầu như 300 bài hát bằng 10 ngôn ngữ[5], trong đó có tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Latin, Tiếng Napoli, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha. Bà cũng là nhà bảo vệ quyền động vật.
Năm 2011 Villas được "Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Cộng hòa Ba Lan" trao Zasłużony Kulturze - Gloria Artis ("Huy chương Công trạng Văn hóa")[6][7][8].
Violetta Villas sinh ngày 10.6.1938 tại Liège, Bỉ, là con thứ 3 trong số 4 anh chị em. Bà sống thời niên thiếu ở Bỉ. Cha bà, Boleslaw Cieslak (4.12.1907 – 9.5.1960) là thợ mỏ và trưởng ban nhạc, còn mẹ bà, Jane (26.1.1914 – 17.2.1985) làm việc nội trợ. Năm 1948 bà cùng cha mẹ sang Ba Lan, định cư ở Lewin Kłodzki, nơi bà bắt đầu học âm nhạc, chủ yếu học chơi dương cầm và vĩ cầm.
Năm 1956 Villas bắt đầu học hát đơn ca ở "Trường Cao đẳng Âm nhạc quốc gia" tại Szczecin... Sau đó tiếp tục học nghệ thuật ở Wrocław với giáo sư Gisela Posh. Năm 1959 bà bắt đầu học thanh nhạc cổ điển với giáo sư Eugenia Falkowska ở Warszawa. Tầm giọng 5 quãng tám (octave) và khả năng âm sắc của bà rất đáng kể, xứng đáng có một sự nghiệp opera đầy hứa hẹn, nhưng bà quyết định theo đuổi các loại nhạc đương đại hơn, thích đi lưu diễn và trình diễn thanh nhạc trên sân khấu.
Năm 1960 Villas bắt đầu hát trên Polskie Radio (đài phát thanh Ba Lan) những bài ca của Wladislaw Szpilman, giám đốc phân ban âm nhạc của đài này[9]. Những ca khúc được truyền thanh đầu tiên của bà là Gdy zakwitną czereśnie và Ja nie mogę tamtej drugiej znieść. Bà thu âm album đầu tiên, "Rendez-vous with Violetta Villas" năm 1962. Bà nhận được giải thưởng đáng chú ý đầu tiên ở "Liên hoan Sopot" năm 1961 và 1962. Năm 1964, 1965 và 1966 bà trình diễn ở National Festival of Polish Song in Opole (Liên hoan quốc gia Ca khúc Ba Lan ở Opole).
Đầu thập niên 1960 Violetta Villas đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Nga, Tiệp Khắc, Bulgaria, România, cùng ở Hoa Kỳ, Canada và Israel.
Năm 1964 tại "Liên hoan quốc gia Ca khúc Ba Lan ở Opole" bà được Bruno Coquatrix tiếp xúc, mời bà sang Pháp trình diễn. Tại "Liên hoan quốc tế Tạp diễn và Music-Halls lần thứ 3 ở Rennes", Villas đã được trao "Giải thưởng lớn quốc tế về biểu diễn" (Grand Prix International d'Interpretation) (bà hát bài Ave Maria). Năm 1965 bà trình diễn ở Nhà hát Fontaine (show Roue de la Chance, đạo diễn - André Chanu). Năm 1966, theo yêu cầu cá nhân của Bruno Cocquatrix, Villas xuất hiện ở Grand Music Hall de Varsovie, chương trình kịch thời sự tại Olympia. Suất diễn ra mắt vào ngày 26.7.1966. Violetta Villas hát trong đó có bài "Ave Maria no Morro" và "Hiroshima Mon Amour". Tại Paris, Frederic Apcar đến tiếp xúc với bà, mời bà sang biểu diễn ở Las Vegas.
Tháng 12 năm 1966 Villas là ngôi sao của Casino de Paris ở Dunes Hotel & Casino, nơi bà hát các ca khúc, các operetta và các aria opera bằng 9 ngôn ngữ[10]. Trong chương trình đầu, bà hát các bài Under Paris Skies, Granada, O Sole Mio, Strangers in the Night và Libiamo ne' lieti calici. Violetta Villas đã hát song ca với Frank Sinatra, Paul Anka, Barbra Streisand, Charles Aznavour, Sammy Davis, Jr., Eartha Kitt, Dean Martin.[1]
Người tạo mẫu cá nhân cho bà là Patrick Valette, một người Pháp làm việc ở công ty thời trang Dior. Bà sống trong một biệt thự có hồ bơi riêng.[1] Trong cuối thập niên 1960 Villas đã ghi âm 20 ca khúc cho Truyền hình Hoa Kỳ và Capitol Records. Tháng 3 năm 1968 bà bắt đầu đóng phim thử cho hãng MGM, và sau đó đã ký một hợp đồng đóng phim. Bà đã diễn xuất ttrong các phim như: phim ca nhạc "Paint your wagon" với Lee Marvin và phim cao bồi miền Tây "Heaven with a gun" với Glenn Ford.
Villas được mời ký một hợp đồng 8 năm nhiều ưu đãi với hãng Paramount Pictures nhưng bà đành từ chối vì mẹ của bà bị bệnh muốn thấy bà trở về Ba Lan.[1] Sau đó vào thập niên 1970 Violetta Villas đã trở về Ba Lan thăm người mẹ sắp qua đời của mình. Nhà cầm quyền chế độ Cộng sản Ba Lan đã tịch thu hộ chiếu của bà, nên bà bị buộc phải ở lại Ba Lan hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, bà không hoàn toàn bị cấm xuất hiện trên phương tiện truyền thông, nên đã có thể theo đuổi sự nghiệp ca hát ở địa phương. Năm 1985, bà đã có cuộc tái ngộ lớn, chỉ vài năm sau khi tình trạng thiết quân luật chấm dứt. Vé xem các cuộc biểu diễn của bà đã bán hết ngay cả nhiều tuần lễ trước. Nhà cầm quyền trả lại hộ chiếu cho bà, và bà lại tiếp tục sự nghiệp quốc tế của mình. Sau đó bà đi lưu diễn ở Hoa Kỳ và Úc.
Năm 1987 bà làm tour lưu diễn "Violetta" ở Hoa Kỳ và Canada. Suất ra mắt diễn ra ngày 14 tháng 9 ở Carnegie Hall, nơi bà được các khán thính giả đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Tại thành phố New York buổi hòa nhạc của bà đã bán hết vé. Villas cũng đã biểu diễn ở Las Vegas, Denver, Miami, Texas, Montreal và Chicago.
Năm 1954, khi lên 16 tuổi, Villas đã kết hôn với trung úy Gospodarek nhưng chỉ 2 năm sau họ đã ly dị trong tháng 9 năm 1956. Cha mẹ bà đã ép buộc bà trong cuộc hôn nhân này, nhưng bà không thực sự yêu chồng.[11] Khi ly dị họ có một con, Krzysztof Gospodarek; sau đó bà đi học âm nhạc ở Szczecin.
Năm 1987 bà gặp một doanh nhân và nhà triệu phú người Mỹ gốc Ba Lan, Ted Kowalczyk, và kết hôn với ông ta ngày 6.1.1988 ở Chicago. Lễ cưới được tổ chức trong một phòng tiệc của tiệm ăn "Orbit".Năm 1988 họ ly dị. Ông chồng đã dành cho các phương tiện truyền thông nhiều cuộc phỏng vấn về cuộc hôn nhân của họ, nhưng bà nói trong một show truyền hình rằng "Tôi đã phạm một sai lầm, cái mà tôi tin rằng bền vững".[12]
Villas qua đời ngày 5.12.2011 ở Lewin Kłodzki[13] thọ 73 tuổi.
Violetta Villas là ca sĩ giọng nữ cao mà giọng có một âm vực đặc biệt và một tầm mức âm sắc rất lớn.[14] Giọng của bà bao trùm suốt 5 quãng 8 (octaves) từ giọng baritone (giọng nam trung) giữa E2 tới soprano (giọng nữ cao) E7. Mức giọng tốt nhất của Villas là từ C4 tới C6. Trong các bài hát, bà cho thấy một khả năng đáng kể về phong cách có sức đồng hóa tự nhiên và gợi ra vô số giọng khác nhau. Villas có thể hát giọng nam trung (baritone), giọng nam cao (tenor), giọng nữ trầm (alto), giọng nữ trung (mezzo-soprano) và giọng nữ cao (soprano), một thuộc tính đặc thù trong số các ca sĩ nam nữ trong cả lãnh vực nhạc cổ điển và nhạc bình dân.
Trước khi Villas bắt đầu sự nghiệp kịch nghệ ở Ba Lan, bà đã trình diễn trong các show kịch thời sự quốc tế ở Pháp và Hoa Kỳ. Năm 1978 bà diễn xuất tại Nhà hát lớn ở Łódź trong show nhạc kịch Kochajmy się. Trong thập niên 1970 và 1980 Villas là ngôi sao của Nhà hát Siren ở Warszawa. Trong sự nghiệp sân khấu, Villas đã đóng nhiều vai, trong đó có vai Lygia trong vở The third programme (Trzeci program, 1979) và vai chính trong kịch thời sự "Violetta" (1986–1988). Năm 1986 bà trở lại sân khấu, diễn xuất trong vở "Violetta", với một dàn nhạc và đội múa ballet.[1]. Sau năm 1988 bà không bao giờ trình diễn ở Nhà hát này.
Năm 1992, Villas diễn xuất trong vở nhạc kịch Hello, Dolly! ở Nhà hát Operetta Kraków. Trong thập niên 1990 bà diễn xuất ở Nhà hát Operetta Warszawa trong chương trình "The Violetta Villas Show" mà bà là tác giả.