Cuộc nổi dậy Nông Văn Vân | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Quân nổi dậy Nông Văn Vân | Nhà Nguyễn | ||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Nông Văn Vân Bế Văn Đản Bế Văn Cẩn Nông Văn Sĩ Nông Văn Hoành Ma Sĩ Vinh Nông Tĩnh Hòa (POW) Bế Văn Huyền |
Lê Văn Đức Nguyễn Công Trứ Nguyễn Đình Phổ Tạ Quang Cự Phạm Văn Điển Nguyễn Tiến Lâm Hồ Hữu |
Cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân là một cuộc đấu tranh chống nhà Nguyễn của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc (Việt Nam) do Nông Văn Vân làm thủ lĩnh, xảy ra từ đầu tháng 7 (âm lịch) năm Quý Tỵ 1833 đến khoảng giữa tháng 3 (âm lịch) năm Ất Mùi (1835) thì bị triều đình dập tắt. Cuộc nổi dậy kết thúc khi quân nhà Nguyễn phóng hỏa đốt rừng Thẩm Pát (hay Thẩm Bát) ở Tuyên Quang và tuyên bố đã tìm thấy thủ lĩnh Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong đó. Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là cuộc đấu tranh rộng lớn và tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số ở nửa đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam[1].
Vào đời Minh Mạng, ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng,... nhà vua đặt chức lưu quan do người Kinh nắm giữ ở bên cạnh các quan đứng đầu là người dân tộc các quan lại do triều đình cử đến.[2] Theo sử liệu thì họ thường có thói ức hiếp, tham nhũng, nên các thổ quan (trong đó có Nông Văn Vân) và người dân Bảo Lạc rất bất mãn, chỉ chờ dịp nổi lên đánh đuổi.[3]
Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi (em vợ Nông Văn Vân) vì bất mãn đã khởi binh chiếm lấy thành Phiên An ở Gia Định. Vua Minh Mạng lập tức cử quân đi đánh dẹp, đồng thời lệnh cho quan lại ở Cao Bằng truy nã vợ con và họ hàng Lê Văn Khôi đang cư ngụ ở đó. Theo sử liệu, thì viên án sát Cao Bằng là Phạm Đình Trạc liền ra lệnh bắt lấy hai con, 1 người em ruột và 14 người thân thuộc của Lê Văn Khôi. Đình Trạc lại sai đào mả ông nội (Bế Văn Sĩ) và cha đẻ (Bế Văn Kiện hay Viên) của Lê Văn Khôi rồi đốt hài cốt ra tro. Nông Văn Vân lúc bấy giờ đang làm Tri châu Bảo Lạc cũng bị truy nã vì là anh vợ Khôi.[4]
Trong tình thế ấy, Nông Văn Vân liền phát động cuộc nổi dậy. Việc làm đầu tiên của ông, là thích bốn chữ "Tỉnh quan thiên hối" (quan tỉnh thiên vị, ăn hối lộ)[5] vào mặt phái viên do tỉnh phái đến rồi đuổi về.
Ngày 2 tháng 7 (âm lịch) năm Quý Tỵ (1833),[6] Nông Văn Vân tự xưng là "Tiết chế Thượng tướng quân," lập đại bản doanh ở Vân Trung (thị trấn Bảo Lạc ngày nay)[7] thuộc châu Bảo Lạc, tập họp các thổ mục,[8], một số họ hàng của Lê Văn Khôi,[9] một số thợ mỏ người Hoa,[10] và nhân dân bị áp bức, được khoảng sáu ngàn người[11] cùng đứng lên chống Nguyễn.
Khi Nông Văn Vân phất cờ chống nhà Nguyễn thì ở miền Bắc đang có cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương và ở miền Nam đang có cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi.
Trong cục diện ấy, Nông Văn Vân chia quân đi đánh phá các tỉnh miền ngược. Các quan sở tại chống không nổi, phải xin quân cứu viện. Tháng 8 (âm lịch) năm 1833, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Văn Đức làm Tổng đốc Tam Tuyên quân vụ, Thự tổng đốc Hải An là Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, cùng đến mặt trận Tuyên Quang. Lại sai Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ đem binh tượng tới mặt trận Thái Nguyên. Sau thấy hai thành tỉnh là Cao Bằng và Lạng Sơn bị vây ngặt quá, tháng 10 (âm lịch) nhà vua lại sai An Tĩnh tổng đốc là Tạ Quang Cự làm Tổng thống Đại thần lên đánh ở hai mạn đó.
Tháng Chạp năm Quý Tỵ (1833) đạo quân của Tạ Quang Cự giải vây được tỉnh Lạng Sơn và lấy lại thành Cao Bằng. Đạo quân của Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ vào đến Vân Trung ở Bảo Lạc là đại bản doanh của quân nổi dậy, khiến Nông Văn Vân phải chạy trốn sang Trung Quốc. Nhưng khi quân triều vừa rút đi, thì Nông Văn Vân lại về rủ đồ đảng đánh phá như cũ. Nhà vua lại sai các đạo quân tiến lên phòng giữ các tỉnh mạn ngược. Đến tháng 9 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1834), Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển đi từ Sơn Tây lên Tuyên Quang; Tạ Quang Cự, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hữu đi từ Cao Bằng; Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ đi từ Thái Nguyên; ba mặt quân cùng tiến lên hội tiễu.
Tháng Chạp năm ấy, cả ba đạo cùng đến hội ở Vân Trung, rồi sai người đưa thư sang nhờ quan nhà Thanh (Trung Quốc) ngăn không cho quân nổi dậy chạy sang bên ấy. Nên khi Nông Văn Vân chạy sang Trung Quốc thì bị quân nhà Thanh đuổi bắt, phải trở về Tuyên Quang.
Tháng 3 (âm lịch) năm Ất Mùi (1835), biết chỗ Nông Văn Vân ở, quan quân nhà Nguyễn liền lần theo truy đuổi khiến ông Vân phải chạy ẩn vào trong rừng Thẩm Pát ở Thái Nguyên, rồi bị thiêu chết khi quân triều phóng hỏa đốt rừng. Cuộc nổi dậy do ông và các đồng đội đã dày công gầy dựng đến đây là kết thúc.
Cuộc nổi dậy do Nông Văn Vân làm thủ lĩnh là một cuộc đấu tranh "rộng lớn". Sách Bắc Kỳ tiễu phỉ (Quyển 47), chép:
Sách Đại Nam thực lục (Quyển 18), chép:
Sau đây là một số sự kiện nổi bật:
Để thông đường tới thành tỉnh Tuyên Quang (gọi tắt là thành Tuyên), Nông Văn Vân cho quân đánh chiếm đồn Ninh Biên (sau đổi tên là An Biên, nay thuộc thị xã Hà Giang) và đồn Phúc Nghi (nằm bên hữu ngạn sông Gâm).
Sau khi cho người đưa thư dụ hàng viên trưởng đồn Ninh Biên là Hoàng Kim Thuận không được, Nông Văn Vân liền đem quân lẻn theo đường núi thuộc châu Vị Xuyên (nay là một huyện của tỉnh Hà Giang) đến đánh đồn Ninh Biên. Cùng lúc ấy, làm theo lệnh của thủ lĩnh Vân, Ma Sĩ Vinh dẫn quân đi đánh đồn Phúc Nghi. Sách Việt Nam thế kỷ XIX kể:
Hay được tin, Bố chính Phạm Phổ cùng Thành thủ úy Trương Phúc Nguyên kéo quân đi ngăn lại. Đầu tháng 8 (âm lịch) năm Ất Tỵ (1833), một trận kịch chiến sau đó nổ ra tại sông Tiểu Miện. Quân triều đình đánh thua, Hoàng Kim Thuận bị giết tại trận. Quân nổi dậy bèn vây kín đồn Ninh Biên. Do thiếu quân và thiếu lương ăn, Phạm Phổ tự vẫn, Trương Phúc Nguyên cùng hơn 400 biền binh trong đồn đều bị bắt sống.[14]
Lấy được hai đồn trên, Nông Văn Vân liền chia quân thủy bộ ra làm ba cánh đi tấn công thành Tuyên. Theo kế hoạch thì cánh thứ nhất đi tới địa đầu phủ Đoan Hùng, ngăn không cho viện binh ở Sơn Tây kéo lên. Cánh thứ hai (có quân của Nguyễn Đình Liêm từ Thái Nguyên qua phối hợp) tới đánh mặt trước thành. Cánh thứ ba từ châu Ninh Biên theo sông Tiểu Miện tới đánh mặt sau thành. Tuy nhiên vì cánh quân thứ ba không đến kịp và vì tướng Lê Văn Đức kịp thời đưa quân tới cứu nên việc đánh chiếm thất bại.
Sách Việt Nam thế kỷ XIX, kể:
Ngoài ra, để quân triều không ứng cứu lẫn nhau, Lưu Trọng Chương và Hoàng Trinh Tuyên dẫn 2.000 quân nổi dậy đi đánh đồn Đại Đồng thuộc châu Thu (Thái Nguyên). Tướng Lê Văn Đức bèn phái Lãnh binh Nguyễn Văn Quyền, Quản cơ Nguyễn Hữu Du và Tri phủ Đoan Hùng là Nguyễn Đức Hoành đem hơn ngàn quân cùng hai thớt voi chia đường đi cứu. Hai bên giáp chiến tại địa phận rừng Hoàng Loan; cuối cùng quân nổi dậy bị đẩy lui. Theo Quốc triều sử toát yếu thì khi ấy Nông Văn Vân "đã thua" ở trận thành Tuyên nhưng vì "đồng đảng nó chưa biết nên tới đó khuấy nhiễu".[16]
Tháng 10 (âm lịch) năm 1833, tướng Lê Văn Đức và tướng Nguyễn Công Trứ cùng đưa quân vào đánh phá đại bản doanh Vân Trung và Ngọc Mạo (Đồng Mu ngày nay)[17] định tìm bắt Nông Văn Vân.
Mặc dù quân nổi dậy ở đồn Phúc Nghi, đồn Ninh Biên, Đèo Ve (Kẻm Ve), Đèo Hoạch (Kẻm Kiếng), Tòng Bá, đồn Bắc Cái (thuộc xã Bạch Đích), Pắc Phấn, v.v. dựa vào chỗ hiểm phục binh đón đánh, và được lực lượng ở Thái Nguyên "chia lửa"[18] nhưng vì quân triều đình mạnh quá nên đều phải rút chạy.
Dù vào được Vân Trung và Ngọc Mạo nhưng quân triều không bắt được Nông Văn Vân vì lúc này (tháng Chạp năm 1833) ông đã lánh sang Trung Quốc. Do không hợp thủy thổ và thường bị phục kích, cuối tháng Chạp năm 1833 Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ cho quân rút về Tuyên Quang. Theo tài liệu, trên đường đi và về, quân triều phải chịu nhiều khó nhọc và tổn thất.
Sách Việt Nam thế kỷ XIX kể:
Việc "thắng lợi nhưng lắm hao tổn" này đã bị nhà vua kết tội. Sử nhà Nguyễn chép:
Tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834), Nông Văn Vân trở về nước. Sau đó ông sai Nông Văn Sĩ dẫn hơn ngàn quân đi đánh nhau với quân triều ở Cao Bằng. Tham tán Võ Văn Từ đem việc báo lên. Vua Minh Mạng nổi giận sai Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ lập tức đem đại binh từ Tuyên Quang vào lại Vân Trung và Ngọc Mạo để "đạp bằng sào huyệt giặc, làm sao bắt chém được thằng Vân (Nông Văn Vân), thằng Đản (Bế Văn Đản), thằng Cẩn (Bế Văn Cẩn)... mới cho đem quân về." [21]
Theo lời tâu của tướng Lê Văn Đức và tướng Nguyễn Công Trứ thì việc tiến quân vào Vân Trung lần thứ hai cũng hết sức khó khăn vì phải luôn đánh nhau mà lại thường hay thiếu lương do địa hình hiểm trở khó vận chuyển.[22] Do vậy mãi đến cuối năm 1834 ba đạo quân do các tướng là: Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển đi từ Sơn Tây; Tạ Quang Cự, Phạm Tiến Lâm và Hồ Hữu đi từ Cao Bằng; Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ đi từ Thái Nguyên; mới vào được đại bản doanh Vân Trung.
Tháng 8 (âm lịch) năm 1833, khi đội quân chủ lực đang bận ở mặt trận thành Tuyên, thì Nông Văn Sĩ nhận lệnh của Nông Văn Vân, đem một đội quân khác đi đánh châu Bạch Thông thuộc tỉnh Thái Nguyên. Bố chính Thái Nguyên là Nguyễn Đôn Tố liền phái Suất đội Trần Đình Dự, Dương Đình Ất cùng viên thủ bảo Chợ Rã (nay đổi tên là huyện Ba Bể) là Bế Văn Đức đem quân đi cản phá. Từ đất Bằng Thành thuộc Chợ Rã quân nổi dậy chia ba mũi xông vào đánh giáp lá cà. Đình Dự và Đình Ất thua chạy; Văn Đức đầu hàng. Chiếm cứ được Chợ Rã, "thổ dân theo vào đảng (giặc) đến hơn nghìn người."[23]
Lúc ấy Quang Toản đang đóng quân ở đồn Na Miêu cũng bị hơn 2.000 quân nổi dậy tấn công nhưng vì quân ít hơn, phải lui về giữ đất Na Cù. Lãnh binh Bắc Ninh là Trần Văn Duy đánh thua ở đồn Chợ Mới (nay là một huyện của tỉnh Bắc Kạn), khiến tướng Nguyễn Đình Phổ (lúc này đã mặt ở Thái Nguyên) phải xin nhận tội.[24]
Đồng thời từ đất Bằng Lũng hơn nghìn quân nổi dậy xông tới uy hiếp đồn Bắc Kạn (nay viết là Bắc Kạn) ở châu Bạch Thông. Yếu thế hơn, Bố chính tỉnh Thái Nguyên là Nguyễn Đôn Tố cho quân lui về Chợ Mới, rồi sai Lãnh binh Nguyễn Văn Cát dẫn quân tới đồn Bắc Cạn, phái Quang Toản và Đinh Quang Tiến dẫn quân tới Tượng Đầu làm rào cản. Sau đó đôi bên đụng độ ác liệt ở đồn Bắc Kạn. Lãnh binh Cát bị trúng đạn pháo chết tại trận; quân triều bị đánh tan. Đang hăng, quân nổi dậy liền kéo đi đánh phá Tượng Đầu, giết chết Suất đội Nguyễn Đình Du, bắt sống Quang Toản và Đinh Quang Tiến. Quang Tiến chịu hàng,[25] còn Quang Toản, vì không chịu nên bị giết chết. Nghe tin thất trận, Bố chính Nguyễn Đôn Tố liền đem quân voi đến cứu nhưng vừa đến Tông Hóa thì bị quân nổi dậy cản lại, không tiến được.
Tháng 10 (âm lịch) năm đó (1833) hơn 1.000 quân nổi dậy lại kéo tới vây đánh thành tỉnh Thái Nguyên khiến Nguyễn Đình Phổ vừa cầu cứu, vừa đánh. Tháng sau quân nổi dậy lại tổ chức tấn công lần nữa nhưng cả hai lần đều bị Tổng đốc Phổ đốc quân đánh đuổi.[26]
Sang tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1834) quân nổi dậy lại tràn xuống phố Bắc Nẫm. Án sát đạo Thái Nguyên lúc bấy giờ là Nguyễn Mưu và Phó lãnh binh Nguyễn Văn Ưng ra sức ngăn lại nhưng thua. Quản cơ Nguyễn Văn An, Chính đội Nguyễn Đình Cát và Vệ úy Võ Văn Sơn đều tử trận; Án sát Nguyễn Mưu bị bắt sống. Thừa thắng, quân nổi dậy tiến đánh đồn Chợ Rã (nay là một thị trấn thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và Chợ Mới. Không chống nổi, Lãnh binh Nguyễn Văn Ưng cho quân lui về đồn Chợ Đô. Tướng Tạ Quang Cự đem việc báo lên, nhà vua liền sai tỉnh thần Hà Nội và Nam Định đưa thêm lính và voi lên tiếp sức.[27] Tháng 7 (âm lịch) năm đó (1834) Nồng Văn Sĩ và Nồng Văn Hoành lại nhóm quân ở hạt Cẩm Hóa thuộc Thái Nguyên đến hơn 1.000 người, chia làm 3 đạo: một đạo đi đánh đồn Bắc Cạn ở châu Bạch Thông, một đạo đinh đánh đồn Gia Bằng ở Cao Bằng, một đạo tới núi Tiêm Lĩnh (ở địa giới tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) để cướp lương. Các quan ở Cao Bằng và Thái Nguyên đều phái binh chống cự và đem việc tâu lên.[28]
Sau trận đánh mở đầu ở Nước Hai (châu lỵ Thạch Lâm, nay là thị trấn huyện Hòa An) ngày 1 tháng 9 (âm lịch) năm 1833, hơn nghìn quân nổi dậy kéo đến bao vây thành tỉnh Cao Bằng (lần thứ nhất) vào ngày hôm sau.[29] Nhận được tin cầu cứu của Bố chính Bùi Tăng Huy, vua Minh Mạng liền ra lệnh cho Tuần Phủ Lạng Bình (Lạng Sơn và Cao Bằng) là Hoàng Văn Quyền đang đóng quân ở Lạng Sơn cấp tốc đem quân sang cứu viện.
Trên đường đi, ông Quyền cho dừng quân ở đồn Na Lãnh rồi sai Cai đội Dương Văn Phong đem quân đánh đồn Tiêm Lĩnh vừa bị đối phương chiếm giữ. Quân nổi dậy tạm lui nhưng ngay đêm đó lại lén đến vây kín rồi dùng pháo lớn bắn vào loạn xạ. Quân triều nhiều người bị thương vong. Sau đó quân nổi dậy kéo đi tấn công đồn Na Lãnh. Tuần phủ Quyền đánh thua phải cho quân lui về trạm Lạng Chung ở châu Thất Tuyền (Lạng Sơn).[30]
Quân triều chạy về trạm Lạng Chung, theo sách Bắc Kỳ tiễu phỉ thì:
Lúc bấy giờ thành tỉnh Cao Bằng thiếu đạn, thiếu lương vì bị vây cả tháng mà viện binh thì vừa bị đánh tan. Biết không chống cự nổi, ba ông quan đầu tỉnh là Bố chính Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc, Lãnh binh Phạm Văn Lựu đều tự tử.
Cuối tháng 11 (âm lịch) năm 1833, tướng Tạ Quang Cự đưa quân lên cứu thành tỉnh Cao Bằng. Xét mình yếu thế hơn, Nông Văn Vân gom quân chạy sang Trung Quốc để bảo toàn lực lượng. Ngày 27 tháng 11 (âm lịch) tướng Quang Cự lấy lại thành mà không cần phải đánh, sau đó gửi về bản tâu, trích:
Tháng Giêng (âm lịch) năm Giáp Ngọ(1834), Nông Văn Vân trở về nhóm quân ở miền thượng du Cao Bằng. Sau đó ông sai Nông Văn Sĩ đem hơn ngàn quân từ làng Thông Sơn tới đánh nhau với quân triều ở đồn Trung Thảng. Tức giận, vua Minh Mạng cử Lê Văn Đức làm Tổng đốc đạo Tuyên Quang, Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, cùng đem đại binh từ Tuyên Quang vào lại Vân Trung.
Tháng 2 (âm lịch), quân đạo Cao Bằng đánh nhau với quân nổi dậy ở Đinh Lãm bị thua, hai tướng là Tạ Quang Cự và Võ Văn Từ đều bị cách tước.[33] Nhưng sau đó hai ông lén đánh phá tại núi Công Lãnh, gây cho quân nổi dậy một số thiệt hại.
Khoảng giữa tháng 6 (âm lịch), Nông Văn Vân, Bế Văn Cận (hay Cẩn), Bế Văn Huyền (em vợ Văn Vân), đem khoảng 6.000 quân đi đánh chiếm thành tỉnh Cao Bằng (lần thứ hai). Đôi bên giao chiến với nhau nhiều trận, đều bị thiệt hại nhưng nhờ có viện binh nên quân nổi dậy đánh thắng. Thừa thắng, Nông Văn Vân cho quân tràn tới đốt phá châu Thạch Liêm, rồi tiến chiếm thành tỉnh Cao Bằng.
Hay được tin, tướng Nguyễn Tiến Lâm và Phó vệ úy Nguyễn Tình Lộc mang tượng binh định tiến lên lấy lại nhưng mới tới sơn ải Lạng Chỉ thì bị đối phương chặn đánh, Tình Lộc chết tại trận, Tiến Lâm lui về đồn Lạc Dương ở Cao Bằng. Tạ Quang Cự và Nguyễn Công Trứ kéo quân lên chi viện. Bắt được tin, quân nổi dậy lên núi giữ chỗ hiểm chia đặt hơn 20 trại quyết đối đầu với quân triều. Tướng Quang Cự bèn thân đốc biền binh từ xã Hoa Sơn (nay đổi là Cẩm Sơn) tiến lên Lạc Dương (Cao Bằng), đi đến đâu quân nổi dậy bị đánh tan đến đấy. Liệu không thể giữ được thành tỉnh Cao Bằng, Nông Văn Vân cho quân rút đi. Quản cơ ở Cao Bằng là Nguyễn Hựu Đĩnh (hay Đình) liền đem quân vào lấy lại thành mà không phải đánh. Biết Bế Văn Cận đang ở Lạc Dương định lui quân, Quản cơ Đĩnh liền cho phục binh ở phía sau đồn Ninh Lạc. Quả nhiên Bế Văn Cận lọt vào vòng vây, bị Chính đội trưởng Trình Văn Châu giương súng bắn trúng; thổ dũng Hà Đình Bảo sấn vào chém được đầu tướng Cận.[34]
Tháng 10 (âm lịch) năm 1833 hai tướng của Nông Văn Vân là Nguyễn Khắc Hòa và Bế Văn Đản đem hơn 10.000 quân vây thành tỉnh Lạng Sơn. Án sát Trần Huy Phác vội chạy giấy tới quân thứ và các tỉnh lân cận cầu cứu. Vua Minh Mạng liền sai Tổng đốc Tạ Quang Cự và Tham tán Võ Văn Từ đem quân lên đó. Phó lãnh binh Hà Nội là Hồ Văn Vân khi ấy cũng nhận lệnh đem binh lên cứu Lạng Sơn nhưng vừa tới trạm Lạng Nhơn thì bị quân nổi dậy chặn đánh, trúng phải đạn chết tại trận.
Tháng 11 (âm lịch) năm đó (1833) tướng Tạ Quang Cự đánh phá quân nổi dậy ở đồn Quang Lang thuộc Lạng Sơn rồi tiến lên đánh phá ở phía Đơn Sa, An Bài, và giải vây được thành tỉnh Lạng Sơn. Sau đó ông nhận lệnh đến Cao Bằng và thâu phục lại được thành tỉnh này.[35]
Tháng Chạp năm Giáp Ngọ (1834) cả ba đạo quân xuất phát từ Tuyên Quang, Cao Bằng và Thái Nguyên cùng đến hội ở Vân Trung thuộc châu Bảo Lạc. Sách Việt Nam thế kỷ XIX đã kể lại một phần cục diện lúc bấy giờ như sau:
Đồng thời với việc cho quan quân tiến vào đánh phá Vân Trung, vua Minh Mạng còn sai bộ Lễ gửi công văn nhờ các quan nhà Thanh hỗ trợ phòng khi Nông Văn Vân chạy sang Trung Quốc lần nữa. Ngoài hai việc ấy, nhà vua còn cho đổi châu Bảo Lạc thành huyện Để Định, lựa hai thổ ty đắc lực đặt làm Tri huyện và Huyện thừa cốt để triệt phá hậu phương lớn của thủ lĩnh Vân.[37] Quả nhiên cũng như lần trước, Nông Văn Vân chạy sang Trung Quốc, bị quân nhà Thanh đuổi bắt, lại phải trở về Bảo Lạc, định củng cố lại lực lượng. Quân triều lại tập trung đánh vào nơi ấy khiến Vân phải rút vào rừng. Bị cả ba đạo quân triều truy lùng ráo riết, nhiều chỉ huy của quân nổi dậy bị bắt hoặc ra hàng. Trong số ra hàng có viên Chính quản lữ là Nông Tịnh Hòa. Vì lời khai của Tịnh Hòa mà quân triều biết được chỗ trú ẩn của Nông Văn Vân.
Được tin Nông Văn Vân đang ẩn ở xã Ân Quang, quan quân nhà Nguyễn liền đi truy bắt nhưng ông đã chạy thoát vào rừng Thẩm Pát (ở gần căn cứ Ngọc Mạo).[38] Sau khi cho quân vây kín, ngày 11 tháng 3 (âm lịch) năm 1835, viên chỉ huy quân triều ra lệnh phóng hỏa đốt rừng và tâu về là đã tìm thấy Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong đó. Vua Minh Mạng được tin, mừng rỡ "truyền mở tiệc rượu mua vui, lại sai cung tần khoác tay nhau làm kiệu ngồi mà múa hát, hô lên liền mấy tiếng: "Cao Bằng yên rồi! Cao Bằng yên rồi!"[39]
Kể lại đoạn thủ lĩnh Vân bị diệt, sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép:
Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì cuộc nổi dậy Nông Văn Vân đến đây (tháng 3 âm lịch năm 1835) là kết thúc.
Mặc dù cuộc nổi dậy kéo dài không lâu (non 2 năm), nhưng theo một số nhà nghiên cứu, thì Nông Văn Vân quả là một thủ lĩnh có tài bởi ông đã lôi kéo được đông đảo các tù trưởng và nhân dân các dân tộc thiểu số cùng theo, khéo lợi dụng địa thế rừng núi hiểm trở trong tấn công và phòng ngự như lời của sử gia Trần Trọng Kim: Nông Văn Vân nhân được chỗ mường mán lắm núi rừng, bèn chia quân đi tản ra mọi nơi, tìm chỗ hiểm yếu trong núi rừng mà ẩn nấp. Hễ có quan quân đến, đánh được thì tiến, không đánh được thì lui, cứ ra vào, lui tới không nhất định. Quan quân đi đánh thật là khó nhọc và lại hao binh tổn tướng rất nhiều.[41]
Đề cập đến cuộc nổi dậy, sách Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập I) có đoạn:
Đầu năm 1834, từ Trung Quốc trở về, để tăng sức mạnh và cũng để phân tán lực lượng của quân triều, Nông Văn Vân ngầm liên kết với hai thủ lĩnh cuộc nổi dậy ở Sơn Tây là Lê Văn Bột (Tiền Bột) và Nguyễn Văn Nhàn (Ba Nhàn). Sự kiện này được sử nhà Nguyễn là Quốc triều sử toát yếu chép như sau:
Theo sách Bắc Kỳ tiễu phỉ (Quyển 50), thì Ba Nhàn và Tiền Bột định đưa quân lên Tuyên Quang cả thảy 2 lần để hiệp đồng với Nông Văn Vân nhưng đều không thực hiện được.[44]
Nông Văn Vân là anh vợ của Lê Văn Khôi. Khi cuộc binh biến ở thành Phiên An nổ ra, vua Minh Mạng liền ban mật dụ cho các quan tỉnh Cao Bằng là phải tìm bắt cho được vợ con và thân thích của Lê Văn Khôi. Cuộc truy nã kéo dài ngót ba tháng, hàng trăm người lần lượt đã bị bắt giữ. Ngoài ra nhà vua cũng ra lệnh đón chặn các đường biển và đường núi, không cho quân nổi dậy cùng vũ khí từ Gia Định kéo ra Bắc và ngược lại...[45]
Sau khi nghiên cứu Tộc phả Bế-Nguyễn và một số tư liệu khác, bước đầu GS. Nguyễn Phan Quang đã đưa ra một ý kiến như sau: