Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ | |
---|---|
Hoạt động | 1943–Hiện tại |
Quốc gia | Hoa Kỳ |
Quân chủng | Hải quân Hoa Kỳ |
Phân loại | Hạm đội |
Bộ phận của | Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ |
Bộ chỉ huy | United States Fleet Activities Yokosuka |
Tên khác | 'Câu Lạc bộ Du thuyền Vịnh Bắc Bộ' (Chiến tranh Việt Nam) |
Các tư lệnh | |
Chỉ huy hiện tại | Phó Đô đốc Robert L. Thomas |
Chỉ huy nổi tiếng | Đô đốc Thomas C. Kinkaid |
Hạm đội 7 hay Đệ thất Hạm đội (tiếng Anh: United States Seventh Fleet) là một Hạm đội trực thuộc Hải quân Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản và dưới quyền chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương. Hiện nay, đây là Hạm đội lớn nhất trong tất cả các Hạm đội tiền phương của Hoa Kỳ, với 50-60 Chiến hạm, 350 Chiến đấu cơ và hơn 60.000 Quân nhân Hải quân, Nhân viên Quân sự cũng như Thủy quân Lục chiến. Nhiệm vụ chính của Đệ thất Hạm đội là tiến hành các đợt tuần tra trên biển, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải khu vực, bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan trong những trường hợp khẩn cấp.
Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ được thành lập vào ngày 15 tháng 03 năm 1943 tại Brisbane, Úc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó phục vụ trong vùng Tây Nam Thái Bình Dương (South West Pacific Area, hay SWPA) dưới quyền của Thống tướng Douglas MacArthur, và Tư lệnh của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ cũng phục vụ như Tư lệnh của các Lực lượng Hải quân Đồng Minh tại SWPA.
Đa số các Chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Úc cũng là một phần của Hạm đội trong suốt thời gian từ năm 1943–1945. Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ hình thành một phần lớn lực lượng Đồng Minh tại Trận vịnh Leyte trong tháng 10 năm 1944. Trận đó được xem là trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ dời về Nhật Bản.
Đệ thất Hạm đội cũng tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam, và sau đó tiến hành hoạt động gần miền Bắc Việt Nam. Tiếp theo sau đó, hành động tác chiến chính kế tiếp là trong Chiến tranh vịnh Ba Tư nơi mà nó được đặt dưới quyền lực tư lệnh của Tổng Lực lượng Hải quân, Bộ Tư lệnh miền Trung (Naval Forces, U.S. Central Command). Sau khi chiến tranh kết thúc, nó được trở về Hạm đội Thái Bình Dương.
Tiếp theo sau sự kết thúc Chiến tranh Lạnh, hai kịch bản quân sự chính mà Đệ thất Hạm đội sẽ được sử dụng đó là trong trường hợp xảy ra xung đột tại bán đảo Triều Tiên hoặc một cuộc xung đột giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại eo biển Đài Loan.
Trong số 50–60 Chiến hạm tiêu biểu ủy nhiệm cho Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ, 18 chiếc hoạt động từ các căn cứ phương tiện của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và Guam. Các đơn vị triển khai tiền phương này đại diện trung tâm của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ. 18 Chiến hạm triển khai tiền phương thường trực của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ là các phần tử chính yếu của sự hiện diện tiền phương của Hoa Kỳ tại châu Á. Các Chiến hạm này gần các vị trí ở châu Á hơn các đồng nhiệm của mình có căn cứ ở địa lục Hoa Kỳ đến 17 ngày chạy tàu. Hoa Kỳ phải dùng từ 3 đến 5 lần số chiến hạm thay phiên từ Hoa Kỳ để cân bằng sự hiện diện tương tự và khả năng phản khủng hoảng mà 18 chiến hạm triển khai tiền phương có thể làm được. Trong bất cứ một ngày nào, có khoảng 50% lực lượng của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ được triển khai trên khắp vùng biển trách nhiệm. Soái hạm của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ là USS Blue Ridge (LCC-19) được triển khai tiền phương đến Yokosuka, Nhật Bản. Năm 2004, Blue Ridge được đưa vào sửa chữa và trách nhiệm chỉ huy được tạm thời chuyển sang USS Coronado (AGF-11). Blue Ridge trở lại nhiệm vụ vào ngày 27 tháng 09 năm 2004.
Với mục đích điều hành và hoạt động, Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ, như các Hạm đội mang số khác, được tổ chức thành các Lực lượng Đặc nhiệm Chuyên môn.