Nếu (tiếng Anh: If) (tên bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Viết Thắng) – là bài thơ nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling sáng tác năm 1895 và in năm 1910 trong cuốn Phần thưởng và tiên (Rewards and Fairies), gồm truyện và thơ. Bài thơ này nằm trong truyện Chiến hữu giày vuông (Brother Square-Toes). Bài thơ được coi là một sự thể hiện đặc biệt thành công về chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh của thời đại Victoria (Victorian stoicism). Theo kết quả thăm dò dư luận của đài BBC năm 1995, bài thơ này được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại.
Trong tự truyện Something of Myself in sau khi nhà thơ mất, năm 1937, Kipling kể rằng bài thơ này lấy cảm xúc từ ngài Leander Starr Jameson, là người đã phát động chiến dịch Jameson Raid chống lại người Boer. Chiến dịch này bị thất bại và cuối cùng dẫn đến chiến tranh Boer, tuy nhiên báo chí Anh gọi Jameson là anh hùng, người đã thể hiện lòng dũng cảm trong những giờ phút hiểm nghèo và gọi thất bại của Jameson là một chiến thắng của nước Anh.
Bài thơ này được nhiều người dịch ra tiếng Việt dù mức độ thành công rất khác nhau. Hiện tại được biết có các bản dịch thơ của Nguyễn Viết Thắng, Tchya Đái Đức Tuấn, Nguyễn Phúc Giác Hải và bản dịch nghĩa bằng văn vần của Hồ Văn Hiền in trong cuốn Các nhà thơ giải Nobel, Hà Nội, 2006. Theo Hồ Văn Hiền thì bài thơ này đã từng được Nguyễn Hiến Lê dịch từ tiếng Pháp mấy chục năm nay nhưng hiện tại không ai còn tìm thấy bản dịch này, tuy nhiên các bản tiếng Pháp vốn đã dịch không sát với nguyên bản.
“Nếu" – được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Bài thơ này được Aung San Suu Kyi dịch ra tiếng Myanma, đất nước có thành phố Mandalay – cũng là một kiệt tác của Kipling. Aung San Suu Kyi là lãnh tụ phe đối lập ở Myanmar, người được trao giải Nobel hòa bình năm 1991. Nhà văn Nam Tư Ivo Andrić, người được giải Nobel Văn học năm 1961 đã dịch bài thơ này ra tiếng Croatia.
|
|
Nếu
Nếu con có thể vững lòng, khi tất cả Đánh đổi tự trọng và đổ lỗi cho con Nếu con có thể tin ở chính mình khi ai nấy đều nghi kỵ Luôn bình tâm trước hết thảy hoài nghi Nếu con có thể chờ đợi và không nản lòng Hoặc không trở thành kẻ dối gian dù có bị lừa lọc gian dối Và không ghét bỏ những người thù ghét con Dù vậy, đừng tỏ ra hoàn hảo và chớ nói lời quá khôn ngoan Nếu con mơ ước mà không để những mộng mơ chiếm lấy mình Nếu con có thể suy nghĩ nhưng không lấy sự nghĩ suy làm mục đích Nếu con có thể gặp cả Chiến Thắng và Chiến Bại Và vẫn đối diện với hai kẻ gian dối đó với chung một cách hành xử Nếu con có thể chống đỡ được sự thật con vừa thốt ra Bị kẻ gian xuyên tạc, giăng bẫy lừa lọc kẻ dại khờ Hay nhìn thấy cuộc đời con gầy dựng vụn vỡ Và cúi xuống xây lại với công cụ đã mòn Nếu con có thể đem mọi thành quả con có gộp lại Và đánh liều hết thảy vào một ván đỏ đen sấp ngửa Rồi mất hết và bắt đầu lại từ con số không Nhưng chẳng hé nửa lời thở than tiếc nuối Nếu con có thể đem trái tim, khối óc và tất cả sức lực Để theo đuổi một điều từ lâu, đã mất Và luôn giữ chặt dù con chẳng còn gì Ngoại trừ một ý chí luôn thúc giục: “Đừng từ bỏ” Nếu con có thể nói chuyện với đám đông mà vẫn giữ gìn được đức hạnh Hay sánh vai cùng vua chúa nhưng vẫn không xa rời thường dân Nếu con không để ai thương tổn được mình dù là kẻ thù hay người thân thiết Nếu con luôn đến bên mọi người khi cần nhưng không phải quá nhiều Nếu con sống tận dụng từng khoảnh khắc không do dự Với ý nghĩa của 60 giây trong cuộc chạy đường dài Và cả thế giới này cùng mọi điều trong đó, sẽ thuộc về con Hơn thế nữa, con đã trở thành một người đàn ông thực sự - con trai ta (Bản dịch của Ting Ting[1]) |
|
|
Trong số các bản dịch ở phần này thì bản của Tchya Đái Đức Tuấn và bản của Nguyễn Phúc Giác Hải gần giống nhau. Có ý kiến cho là Nguyễn Phúc Giác Hải chỉ nhuận sắc lại bản của Tchya Đái Đức Tuấn. Dù sao thì cả hai bản đều là phỏng dịch. Bản của Hồ Văn Hiền là bản dịch văn xuôi, vì rằng nguyên tác là một bài thơ có niêm luật chặt chẽ và cân xứng mọi phương diện, còn bản dịch nhại (một đặc trưng của Thi Viện) thì chỉ sửa lại bản dịch khác một vài chữ. Nhà thơ Đức, Moses Saphir viết: “Người vợ đẹp và chung thủy – đấy là của hiếm, giống như một bản dịch thơ thành công. Bản dịch thơ như thế thường không đẹp – nếu chung thủy, và không chung thủy – nếu đẹp”.
Phụ nữ là do trời sinh, nghĩa là con người không thể thay đổi (mà giá có thay đổi được thì nên chăng, bởi như thế thì sẽ phí của giời!), còn bản dịch thơ là do con người. Đông Tây kim cổ từng có những bản dịch (hoặc phỏng dịch, phóng tác, chuyển thể…) hay hơn cả nguyên tác, bởi nếu không có những bản này thì không mấy ai biết hoặc quan tâm đến nguyên tác (Romeo và Juliet của William Shakespeare, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam của Edward FitzGerald… là những ví dụ).