Naka (tàu tuần dương Nhật)

Tàu tuần dương hạng nhẹ Naka vào năm 1925 tại Yokohama trước khi đưa vào hoạt động
Lịch sử
Nhật Bản
Đặt tên theo sông Naka, tỉnh TochigiIbaraki
Đặt hàng 1920
Xưởng đóng tàu Xưởng đóng tàu Mitsubishi tại Yokohama
Đặt lườn 10 tháng 6 năm 1922
Hạ thủy 24 tháng 3 năm 1925
Hoạt động 30 tháng 11 năm 1925[1]
Xóa đăng bạ 31 tháng 3 năm 1944
Số phận Bị máy bay Mỹ đánh chìm ngày 18 tháng 2 năm 1944 gần Truk ở tọa độ 07°15′B 151°15′Đ / 7,25°B 151,25°Đ / 7.250; 151.250
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu tuần dương Sendai
Trọng tải choán nước
  • 5.195 tấn (tiêu chuẩn);
  • 5.595 tấn (đầy tải)
Chiều dài
  • 158,53 m (520 ft 1 in) (mực nước)
  • 162,15 m (532 ft) (chung)
Sườn ngang 14,17 m (46 ft 6 in)
Mớn nước 4,80 m (15 ft 9 in)
Động cơ đẩy
  • 4 × Turbine Parsons
  • 8 × nồi hơi Kampon đốt dầu và 4 × nồi hơi Kampon đốt than
  • từ năm 1934: 10 × nồi hơi Kampon đốt dầu
  • 4 × trục
  • công suất 90.000 mã lực (67 MW)
Tốc độ 65,3 km/h (35,25 knot)
Tầm xa
  • 9.260 km ở tốc độ 25,9 km/h
  • (5.000 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 452
Vũ khí
  • thiết kế: 7 × pháo 140 mm (5,5 inch) (7×1)
  • 2 × pháo phòng không 76,2 mm (3 inch) (2×1)
  • 8 × ống phóng ngư lôi 610 mm (24 inch) (4×2);
  • 16 × ngư lôi Kiểu 93
  • 56 × thủy lôi
  • 1943: 6 × pháo 140 mm (5,5 inch) (6×1)
  • 2 × pháo phòng không 127 mm (5 inch) (1×2)
  • 10 × pháo phòng không 25 mm (2×2;2×3)
  • 2 × súng phòng không 13 mm (1×2)
  • 8 × ống phóng ngư lôi 610 mm (24 inch) (4×2); 16 × ngư lôi
  • thủy lôi
Bọc giáp
  • đai giáp 64 mm (2,5 inch)
  • sàn tàu 29 mm (1,15 inch)
Máy bay mang theo 1 × thủy phi cơ
Hệ thống phóng máy bay 1 × máy phóng

Naka (tiếng Nhật: 那珂) là một tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải quân Đế quốc Nhật Bản thuộc lớp Sendai. Tên của nó được đặt theo sông Naka tại tỉnh TochigiIbaraki ở phía Đông Nhật Bản. Naka từng được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Thế giới thứ hai trước khi bị máy bay Mỹ đánh chìm ngày 18 tháng 2 năm 1944 gần Truk ở tọa độ 07°15′B 151°15′Đ / 7,25°B 151,25°Đ / 7.250; 151.250.

Thiết kế và chế tạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Naka là chiếc thứ ba cũng là chiếc cuối cùng được hoàn tất trong lớp tàu tuần dương hạng nhẹ Sendai, và giống như những chiếc cùng lớp, nó được dự định sử dụng như là soái hạm của hải đội tàu khu trục.

Naka được đặt lườn vào ngày 10 tháng 6 năm 1922; tuy nhiên lườn của chiếc Naka bị cháy trong trận động đất Kantō năm 1923, nên được tháo dỡ và đặt lườn lại vào ngày 24 tháng 5 năm 1924. Nó được hạ thủy vào ngày 24 tháng 3 năm 1925 và hoàn tất tại xưởng tàu của Mitsubishi tại Yokohama vào ngày 30 tháng 11 năm 1925.

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn mở đầu Chiến tranh Thái Bình Dương

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 26 tháng 11 năm 1941, Naka trở thành soái hạm của Hải đội Khu trục 4 thuộc quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Shōji Nishimura. Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Naka tham gia cuộc chiếm đóng miền Nam Philippines trong thành phần của Hạm đội 3 dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Ibo Takahashi, hộ tống các tàu vận tải vận chuyển các đơn vị của Sư đoàn 48 Lục quân. Naka bị hư hại nhẹ do các cuộc tấn công của năm máy bay ném bom Boeing B-17 Flying Fortress và các máy bay tiêm kích Seversky P-35 GuardsmanCurtiss P-40 Kittyhawk thuộc Không lực Viễn Đông Không lực Lục quân Hoa Kỳ.

Đông Ấn thuộc Hà Lan

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào tháng 1 năm 1942, Naka được phân công tham gia cuộc chiếm đóng Đông Ấn thuộc Hà Lan, vận chuyển Lực lượng Đổ bộ Đặc biệt Hải quân Kure Số 2 đến TarakanBalikpapan thuộc Borneo. Vào ngày 24 tháng 1 năm 1942 trong khi đang đổ quân tại Balikpapan, tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Hà Lan K-XVIII, đang hoạt động trên mặt ước do thời tiết xấu, đã bắn bốn quả ngư lôi nhắm vào Naka, nhưng tất cả đều bị trượt. Trong khi Đô đốc Nishimura ra lệnh cho Naka và các tàu khu trục của nó truy đuổi chiếc tàu ngầm nhưng không thành công, Lực lượng Đặc nhiệm 5 Hải quân Mỹ bao gồm các tàu khu trục Parrott, Pope, John D. FordPaul Jones đã tấn công các tàu vận tải Nhật mà giờ đây không được bảo vệ, và đã đánh chìm nhiều tàu vận tải.

Vào cuối tháng 2 năm 1942, Naka hộ tống các tàu vận tải cùng với Sư đoàn 48 Lục quân đến Makassar, Celebes và Đông Java, có tàu tuần dương hạng nhẹ Jintsū đi kèm. Do đó Naka ở vào vị trí tâm điểm của Trận chiến biển Java vào ngày 27 tháng 2 năm 1942.

Lúc 15 giờ 47 phút, các tàu tuần dương Nhật Haguro, JintsuNachi cùng các tàu khu trục Inazuma, Yukikaze, Tokitsukaze, Amatsukaze, Hatsukaze, Ushio, Sazanami, YamakazeKawakaze đã giáp chiến cùng lực lượng của Chuẩn Đô đốc Hà Lan Karel W. F. M. Doorman bao gồm các tàu tuần dương HMS ExeterUSS Houston, các tàu tuần dương hạng nhẹ HNLMS De Ruyter HMAS PerthHNMS Java, các tàu khu trục HMS Electra, HMS Encounter, HMS Jupiter, HNLMS KortenaerHNMS Witte de With cùng các tàu khu trục cũ USS Alden, USS John D. Edwards, USS John D. Ford và USS Paul Jones.

Lúc 16 giờ 03 phút, Naka cùng hải đội khu trục của nó bao gồm Asagumo, Minegumo, Murasame, Harukaze, SamidareYudachi đã phóng 43 quả ngư lôi Kiểu 93 Long Lance vào lực lượng Đồng Minh từ khoảng cách 15 km (16.400 yard), đánh chìm được Kortenaer. Các tàu khu trục còn phóng thêm 56 quả ngư lôi ngoài 8 quả từ Naka, nhưng lạ lùng đã không trúng bất cứ mục tiêu nào. Sau đó Asagumo tiếp cận HMS Electra và đánh chìm nó trong một trận đấu pháo; trong khi Jupiter trúng phải một quả thủy lôi do Hà Lan cài và bị chìm. Đến nữa đêm, De RuyterJava trúng phải ngư lôi và nổ tung. Trận đánh này được tiếp nối bởi Trận chiến eo biển Sunda vào ngày hôm sau 28 tháng 2 năm 1942, nơi mà Naka không có mặt.

Sang tháng 3, Naka được giao nhiệm vụ tuần tra tại khu vực giữa Java và Celebes. Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 3 năm 1942, Naka nhận được chỉ thị trở thành soái hạm của lực lượng chiếm đóng đảo Christmas. Lực lượng này bao gồm Naka, NagaraNatori thuộc Hải đội Tuần dương 16, MinegumoNatsugumo thuộc Hải đội Khu trục 9, AmatsukazeHatsukaze thuộc Hải đội Khu trục 16, Satsuki, Minazuki, FumizukiNagatsuki thuộc Hải đội Khu trục 22, tàu chở dầu Akebono Maru và các tàu vận tải Kimishima MaruKumagawa Maru. Việc đổ bộ được tiến hành suôn sẽ không bị ngăn trở vào ngày 31 tháng 3 năm 1942, cho dù tàu ngầm Mỹ Seawolf đã bắn bốn quả ngư lôi nhắm vào Naka, nhưng tất cả đều bị trượt. Seawolf lại cố gắng thêm một lần nữa với hai quả ngư lôi vào ngày hôm sau 1 tháng 4 năm 1942, và lần này một quả đã đánh trúng Naka bên mạn phải gần phòng nồi hơi số 1. Natori phải kéo chiếc Naka hư hỏng nặng về vịnh Bantam thuộc Java để được sửa chữa tạm thời, để nó có thể quay về Singapore bằng chính động lực của mình. Tuy nhiên những hư hỏng của nó đáng kể đến mức nó được gửi về Nhật Bản để sửa chữa lớn trong tháng 6. Naka ở lại Nhật Bản trong thành phần dự bị cho đến tháng 4 năm 1943.

Nam Thái Bình Dương

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 1 tháng 4 năm 1943, Naka được phân về Hải đội Tuần dương 14 vừa mới được thành lập dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Kenzo Ito, bao gồm tàu tuần dương Isuzu và đi đến Truk vào ngày 30 tháng 4 năm 1943. Trong nhiều tháng tiếp theo sau, Naka thực hiện nhiều chuyến đi vận chuyển Tốc hành Tokyo chung quanh khu vực quần đảo MarshallNauru.

Ngày 21 tháng 10 năm 1943, NakaIsuzu nhận lên tàu binh lính Lục quân tại Thượng Hải để chuyển ra mặt trận. Đoàn tàu vận tải bị tàu ngầm Shad đánh chặn tại Biển Đông Trung Quốc vào ngày 23 tháng 10 năm 1943, đã bắn tổng cộng mười quả ngư lôi nhưng đã không thể trúng đích phát nào.

Ngày 3 tháng 11 năm 1943, đoàn tàu lại bị tấn công cách 110 km (60 hải lý) về phía Bắc Kavieng bởi máy bay ném bom của Không lực 13 B-24 Liberator. Naka bị hư hại nhẹ do một quả bom ném suýt trúng, và về đến Rabaul vào ngày 5 tháng 11 năm 1943, đúng vào lúc diễn ra cuộc ném bom Rabaul bởi các tàu sân bay Mỹ. Naka lại bị hư hại nhẹ do những quả bom ném suýt trúng từ máy bay ném bom bổ nhào xuất phát từ các tàu sân bay SaratogaPrinceton.

Ngày 23 tháng 11 năm 1943, Naka rời Ponape cùng lực lượng binh lính tăng cường cho việc phòng thủ Tarawa, nhưng đảo này rơi vào tay lực lượng Mỹ trước khi lực lượng tăng viện đến nơi.

Trong các ngày 17 - 18 tháng 2 năm 1944, Naka trợ giúp cho tàu tuần dương hạng nhẹ Agano khi chiếc này trúng phải ngư lôi một ngày trước đó bởi tàu ngầm Skate. Ngay sau khi Naka lên đường rời Truk, hải cảng này bị Lực lượng Đặc nhiệm 58 tấn công trong Chiến dịch Hailstone. Lực lượng Mỹ đã đánh chìm 31 tàu vận tải và 10 tàu hải quân (hai tàu tuần dương, bốn tàu khu trục cùng bốn tàu phụ trợ), tiêu diệt gần 200 máy bay và làm hư hại nặng khoảng 100 chiếc, loại bỏ Truk như là một căn cứ chủ lực của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Naka bị tấn công ở cách 65 km (35 hải lý) về phía Tây Truk bởi ba đợt máy bay ném bom bổ nhào SB2C Helldiver và máy bay ném bom-ngư lôi TBF Avenger từ tàu sân bay Bunker Hill và những chiếc TBF của Phi đội VT-25 cất cánh từ Cowpens. Hai đợt không kích đầu tiên không mang lại kết quả, nhưng Naka trúng một ngư lôi và một bom trong đợt thứ ba, bị vỡ làm đôi và chìm ở tọa độ 07°15′B 151°15′Đ / 7,25°B 151,25°Đ / 7.250; 151.250. Có khoảng 240 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng, nhưng các tàu tuần tra đã vớt được 210 người sống sót kể cả Thuyền trưởng Sutezawa.

Naka được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 31 tháng 3 năm 1944.

Danh sách thuyền trưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Lacroix, Japanese Cruisers, p. 794

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Brown, David (1990). Warship Losses of World War Two. Naval Institute Press. ISBN 1-55750-914-X.
  • D'Albas, Andrieu (1965). Death of a Navy: Japanese Naval Action in World War II. Devin-Adair Pub. ISBN 0-8159-5302-X.
  • Dull, Paul S. (1978). A Battle History of the Imperial Japanese Navy, 1941-1945. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-097-1.
  • Evans, David (1979). Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy, 1887-1941. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-192-7.
  • Hara, Tameichi (1961). Japanese Destroyer Captain. New York & Toronto: Ballantine Books. ISBN 0-345-27894-1.- First-hand account of the torpedoing of Naka at Christmas Island by the captain of the Japanese destroyer Amatsukaze
  • Howarth, Stephen (1983). The Fighting Ships of the Rising Sun: The drama of the Imperial Japanese Navy, 1895-1945. Atheneum. ISBN 0-68911-402-8.
  • Jentsura, Hansgeorg (1976). Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869-1945. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-893-X.
  • Lacroix, Eric (1997). Japanese Cruisers of the Pacific War. Linton Wells. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-311-3.
  • Whitley, M.J. (1995). Cruisers of World War Two: An International Encyclopedia. Naval Institute Press. ISBN 1-55750-141-6.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan