Phúc Âm thư Miroslav | |
---|---|
Bảo tàng quốc gia, Beograd, Serbia | |
Trang đầu tiên Phúc Âm thư Miroslav | |
Dạng | Sách Phúc Âm |
Niên đại | Thế kỷ 12 |
Xuất xứ | Raška |
Ngôn ngữ | Ngôn ngữ Serbo-Slavic cùng hệ chính tả Raška |
Người viết bản thảo | Không rõ, do nhầm lẫn mà gọi là Varsamelon |
Người trang trí | Gligorije Môn đồ |
Người bảo trợ | Hoàng thân Miroslav xứ Hum |
Chất liệu | Giấy da; viết tay bằng mực nâu và đen, tiêu đề màu đỏ, hình vẽ dùng bút lông mực đỏ, lục, vàng và trắng; trang trí bằng vàng |
Kích thước | 41,8 cm × 28,4 cm; 181 tờ (362 trang) |
Định dạng | Mỗi trang 2 cột |
Tình trạng | Thiếu tờ 166 (hiện đang lưu giữ tại Thư viện quốc gia Nga ở Sankt-Peterburg với tiêu đề đăng ký "Danh mục từ Phúc âm Miroslav F.P.I số 83" |
Chữ viết | Chữ Kirin |
Nội dung | Sách phụng vụ đọc trong một năm |
Minh họa | Chủ yếu là chữ cái đầu và các bức tiểu họa. Tiểu họa không minh họa nội dung mà chỉ để trang trí |
Lấy mẫu từ | Bản dịch các sách Phúc âm Constantinopolis của nhà thờ Hagia Sophia |
Được lưu giữ | Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô ở Bijelo Polje Tu viện Hilandar |
Được tìm thấy | Mùa đông 1845/1846 |
Phúc Âm thư Miroslav (tiếng Serbia: Мирослављево јеванђеље - Miroslavljevo jevanđelje) là một codex, một thủ bản trong những di sản viết bằng chữ Kirin quan trọng nhất của người Serb và Nam Slav, là văn bản chữ viết Serbo-Slavic từ thế kỷ 12. Phúc Âm thư Miroslav thuộc loại Sách Phúc Âm, là một sách phụng vụ để nhà thờ dùng đọc trong năm. Sách được viết cho hoàng thân Miroslav xứ Hum, anh trai đại hoàng thân Stefan Nemanja, theo yêu cầu của Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô bên sông Lim, nơi thị trấn Bijelo Polje về sau được dựng lên xung quanh với niên đại cuối thế kỷ 12, khoảng những năm 1180-1191.[1][2] Thủ bản Miroslav là minh chứng cho quá trình phát triển chữ viết của dân tộc Serb.[3] Về hình thức, nội dung bản thảo bao gồm đầy đủ các sách Phúc Âm, gọi là aprakos chứa các bài kinh thường nhật sau Lễ Phục sinh, sau Lễ Ngũ tuần, sau Lễ Tân hạ cũng như vào kỳ lễ trọng.[2] Aprakos này khác biệt với các phiên bản aprakos của Nam Slav và Đông Slav (tiếng Nga cổ), tạo nên điểm độc đáo cho sách, đặc trưng cho những văn bản được xếp vào loại Mstislavl-Vukanov.[2] Sách là một trong những bản thảo tiếng Slav cổ nhất, đặc trưng bởi độ chính xác, trung thực với nguyên bản, chữ viết rõ ràng.[2] Sách gồm 181 tờ giấy da trắng mỏng, mỗi trang chia làm hai cột, viết bằng chữ cái Kirin. Cả sách được trang trí với khoảng ba trăm tiểu hoạ cách điệu cũng như các chữ đầu chương tô màu phủ vàng. Người ta tin rằng cùng với Phúc Âm thư Vukan, sách được chuyển tới núi Athos vào thời điểm thành lập Tu viện Hilandar (khoảng năm 1198). Sách Vukan ở đó cho đến giữa thế kỷ 19 còn sách Miroslav cũng được chuyển đi vào cuối thế kỷ 19.[4] Phúc Âm thư Miroslav (ra đời khoảng 1180-1191) và Phúc Âm thư Vukan (ra đời khoảng 1196-1202) là những sách chữ Kirin cổ nhất của người Serb còn tồn tại, nếu không tính đến Codex Marianus từ thế kỷ 11 nhưng viết bằng chữ Glagolitic nằm chung trong ngôn ngữ Shtokavia.
Bản thảo Phúc Âm thư Miroslav được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Beograd, ngoại trừ một tờ đang nằm tại Thư viện Quốc gia Nga ở Sankt-Peterburg.[5][6] Bản thảo bị hư hại nhiều do chiến tranh và các biến động trong thế kỷ 20 cũng như thời kỳ nằm tại tu viện trước đây, riêng tờ lưu tại Sankt-Peterburg được coi là bảo quản tốt nhất trong cả thủ bản. Người ta cho rằng bản thảo bị hư hại nặng nhất khi được trưng bày trong tủ kính dưới ánh sáng đèn ở Bảo tàng Quốc gia trước năm 1966, khiến cho giấy da bị "khô" rất nhanh. Năm 1979, tình trạng bản thảo trở nên đáng báo động đối với một di sản văn hóa đặc biệt quan trọng, dẫn tới việc thành lập quỹ đặc biệt để bảo tồn và khôi phục. Tháng 6 năm 2005, Phúc âm thư Miroslav được UNESCO đưa vào danh sách Ký ức thế giới lúc ấy chỉ có 120 tài liệu đặc biệt quan trọng và phổ quát.[7] Đây là sự xác nhận tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của Phúc Âm thư Miroslav, đồng thời khẳng định nghĩa vụ bảo tồn vì lợi ích nhân loại.[8][9] Năm 2009, Phúc Âm thư Miroslav được đưa vào Thư viện kỹ thuật số Thế giới của UNESCO.[10]
Sau khi chuyển từ Hilandar đến Beograd năm 1896, Phúc Âm thư Miroslav sống sót qua một thế kỷ 20 đầy biến động lịch sử với dân tộc Serb.[11]
Cái tên Miroslavljevo jevanđelje - Phúc Âm Miroslav được Quản lý Thư viện Quốc gia Beograd là Stojan Novaković đặt ra vào cuối thế kỷ 19.[12] Nội dung là bản dịch của các Sách Phúc Âm đặt tại Nhà thờ Thánh Sophia ở Constantinopolis.[6] Hình mẫu được sao chép từ nguyên mẫu bản thảo Phúc Âm thư chữ Glagolitic ở Macedonia.[13]
Phúc Âm thư Miroslav cho thấy một hệ thống trang trí sách phát triển, dựa trên nghệ thuật Trung cổ và Byzantine. Hình vẽ về cơ bản theo kiểu nghệ thuật La Mã chịu ảnh hưởng của Byzantine. Các tiểu họa mang phong cách La Mã theo kiểu Insular hoặc nghệ thuật tiền Carolingian, các chữ cái đầu đơn giản hơn thì có nguồn gốc Byzantine.[5] Tác phẩm này thực sự là một trong những minh chứng quan trọng nhất đại diện cho sự ảnh hưởng nghệ thuật phương Tây đến phương Đông và ngược lại.[8]
Phúc Âm Miroslav được thư lại Serbia viết bằng ngôn ngữ Slav Giáo hội cổ với hệ chính tả Raška.[5] Dựa trên lối viết, đây là bản sao đầu tiên và duy nhất của trường phái Zeta-Hum, đồng thời cung cấp bằng chứng về sự phát triển thư lại hoặc thư pháp truyền thống tại Zahumlje, cũng như nguồn gốc nền văn học chữ Kirin nói chung.[13]
Mỗi trang bản thảo được viết chia thành hai cột. Chất liệu giấy da[6] mỏng, trắng có kích thước 41,8 cm × 28,4 cm. Toàn bộ là 181 tờ hoặc 362 trang.[13] Chữ viết tay mực nâu và đen, còn hầu hết các tiêu đề có màu đỏ. Sách có 296 tiểu họa được vẽ nét rồi dùng cọ tô màu đỏ, lục, vàng và trắng. Chữ cái đầu hình cờ, được trang trí bằng vàng.[5]
Bản thảo được đóng bìa gỗ bọc da. Nguyên bản thì không được đóng bìa, bìa được thêm vào thế kỷ 14 (hoặc thế kỷ 15-16 theo các nguồn tư liệu khác nhau). Dựa trên kích thước, đặc điểm và phong cách bìa, nẹp có thể cho rằng chúng được lấy từ một bản thảo khác. Bìa được trang trí bằng các chữ lồng, hoa và các vòng tròn đồng tâm tại các giao điểm của các đường. Các chữ lồng nhau dẫn đến suy đoán có thể bìa này lấy từ một trong những tu viện trên núi Athos.[5][9][13]
Trên tờ cuối cùng thứ 181 có chép rằng sách được viết theo yêu cầu của hoàng thân Miroslav xứ Hum, anh trai đại hoàng thân Stefan Nemanja. Sách có thể được dùng cho Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô ở Bijelo Polje bên sông Lim nên nhiều ý kiến cho rằng sách được viết và vẽ minh họa ngay tại đó.[5]
Vẫn chưa có đồng thuận về người viết ra Phúc Âm Miroslav. Cuối sách có ghi chú: "Lời xưng tụng của Gligorije" và tiếp theo là những lời sau:
“ | Tôi, Gligorije Môn đồ tội lỗi, không xứng đáng được gọi là môn đồ, dâng sách Phúc Âm này cho kim thân Miroslav, con trai của Zavidin quang vinh, và thưa Ngài, xin đừng quên tôi, một tội nhân, nhưng hãy cứu và dùng chính tôi...
Nguyên văn Ја грешни Глигорије дијак недостојан да се назовем дијаком заставих ово Јеванђеље златом кнезу великославному Мирославу сину Завидину а мене господине не заборави грешнога но ме сачувај себи... |
” |
Bên dưới đoạn về Gligorije này chỉ còn một chữ là Варсамелон - Varsamelon.
Theo đó, Gligorije chính là người đã viết các tiêu đề bằng mực đỏ, còn một thư ký chính sẽ chép toàn bộ các nội dung bằng mực đen. Trong ghi chép cũng nói rằng Gligorije zastavio zlatom (phủ vàng) nghĩa là trang trí sách (tiếng Slav cổ: заставити - trang trí). Giới khoa học Serbia tin rằng phần lớn Phúc Âm Miroslav được một thư ký chính khuyết danh viết ra, vốn bị nhầm tên thành Varsameleon. Varsameleon là từ Slav hóa nguyên gốc Hy Lạp βάλσαμελαιον nghĩa là dầu (thơm) balsam. Từ này do thư ký chính viết ra đã bị hiểu sai thành tên riêng.[13]
Hình vẽ và trang trí sách Phúc Âm Miroslav là một trong những trang trí sách Serbia trung cổ đẹp nhất. Cách trang trí theo phong cách phương Tây của La Mã, đặc biệt là trong họa tiết và vận dụng màu sắc. Trang trí phổ biến nhất là chữ cái đầu, sau đó là tiểu họa. Hình vẽ chủ yếu để trang trí chứ hiếm chỗ là để minh họa cho nội dung.
Chữ cái đầu đoạn vẽ to chiếm vài dòng chữ thường. Giữa hai cột cũng có vẽ trang trí. Tiểu họa và chữ cái đầu có phủ kim loại vàng. Có dải ruy băng xoắn lại với nhau hay đường viền chữ cái đầu đan xen cây lá. Một số chữ cái đầu khác được trang trí bằng động vật, mặt nạ, cũng như hình người. Các hình vẽ đầu sách vẽ đơn giản bằng bút ngoại trừ hình đầu tiên mô tả Gioan, Mác và Luca dưới mái vòm. Các tiểu họa xen lẫn với chữ cái đầu thú vị nhất có thể kể đến như chữ В (V) mô tả Thánh Mác, Alexander Đại đế hay Mary Magdalen. Chữ П (P) đầu tiên trang trí hai con chim đã được sử dụng cho biểu tượng của Bảo tàng Quốc gia. Trong số các tiểu họa đẹp nhất phải kể đến "Tại trường án" và "Giữa bầy sư tử".[9][13]
Hình vẽ trong Phúc Âm Miroslav được biểu đạt cơ bản qua đường nét và màu sắc. Bảng màu dùng gam nhạt và các màu có quan hệ với nhau. Hình dáng nhân vật được thể hiện chủ yếu bằng cách vẽ. Trên đó tô màu hồng nhạt hoặc chính là màu giấy da để làm nổi bật các điểm trên khuôn mặt. Tỷ lệ cơ thể là lùn mập theo các đường cong uốn lượn nhấn mạnh nét đặc trưng của cơ thể.[5]
Nơi cất giữ Phúc Âm thư trước kia là Bijelo Polje, cách Beograd đang bảo tồn sách ngày nay 332 km. Trải qua bảy thế kỷ rưỡi đến được Beograd, cuốn sách phải trải qua chặng đường hơn 15.000 km. Nhờ hành trình kéo dài hàng thế kỷ này, giống như một nhân chứng thầm lặng của lịch sử Serbia, Phúc Âm thư Miroslav thoát khỏi số phận của nhiều cuốn sách khác đã bị đánh cắp hoặc bị thiêu hủy.[6]
Không rõ vào thời điểm nào, sách được chuyển từ Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô đến Tu viện Hilandar trên núi Athos. Có ý kiến cho rằng lúc ấy là thế kỷ 17, cùng thời với Bản điều lệ thành lập tu viện.[13]
Các nhà nghiên cứu Serbia biết đến Phúc Âm Miroslav tương đối muộn màng, khoảng nửa sau thế kỷ 19. Năm 1891, Ljubomir Stojanović, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và văn học Slav cổ, đến thăm Tu viện Hilandar với mục đích nghiên cứu cuốn sách này. Bất chấp sự cản trở của các tu sĩ Bulgaria, giáo sư Stojanović tiếp cận được với cuốn sách, nghiên cứu một phần và có bài viết đầu tiên về Phúc Âm Miroslav.[6]
Khoảng mùa đông 1845-1846, tổng giám mục Porfiry Uspensky đến thăm Hilandar. Ông bí mật cắt trộm một tờ ra khỏi sách (tờ số 166; số trang 330-331) và chuyển nó đến Nga, nơi lưu giữ tờ giấy đó cho đến nay.[14]
Trong suốt 28 năm sau đó, một số bài phê bình viết về "trang sách Phúc Âm của Serbia thế kỷ 12", trong đó dùng những lời tán dương về giá trị và vẻ đẹp của trang sách. Năm 1874, trang sách lần đầu tiên ra mắt công chúng với cái tên "tờ bản thảo Petrogradski" trong triển lãm khảo cổ học ở Kiev. Tại đó, Stojan Novaković, Quản lý Thư viện Quốc gia Beograd lúc bấy giờ, đã chụp ảnh lại trang sách cũng như đặt tên cho cả bản thảo là Miroslavljevo jevanđelje - Phúc Âm Miroslav.[12]
Tờ giấy có nội dung čtenija (bài đọc) thứ 7 (20) Tháng Giêng, dịp lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, được trang trí bằng hình ảnh Đại dâm phụ Babylon - ẩn dụ cho Herodias, vợ vua Herodes, kẻ đòi lấy đầu Thánh Gioan. Đó cũng là hình ảnh nữ khỏa thân duy nhất trong toàn bộ bản thảo.[6]
Từ đó đến nay, trang sách này chỉ quay lại Serbia một lần. Mùa xuân năm 2015, nó được trưng bày tại Bảo tàng Vuk và Dositej ở Beograd.[15][16] Tháng 10 năm 2019, một phong trào vận động để Serbia lấy lại tờ bản thảo này.[14] Đổi lại, Serbia sẽ trao cho Nga bảy bức tranh của Nikolai Konstantinovich Roerich đang thuộc sở hữu Bảo tàng Quốc gia Serbia. Điều này dấy lên rất nhiều tranh cãi.[17]
Năm 1896, trước những nỗ lực không mệt mỏi của các giáo sĩ và nhà khoa học Serbia, vị vua trẻ tuổi Aleksandar Obrenović đến thăm Tu viện Hilandar nhân dịp lễ Phục sinh. Vua đã dâng tặng khoản tiền lớn giúp đỡ tình hình tài chính đang khó khăn của tu viện. Đổi lại, Hilandar tặng cho vua những báu vật của họ: Phúc Âm thư Miroslav và Bản điều lệ thành lập Tu viện Hilandar do Stefan Nemanja (Thánh Simeon) ban hành (văn bản này nay đã thất lạc). Đích thân tu sĩ uyên bác nhất tu viện bấy giờ là Sava Hilandarac trao cho nhà vua. Vua cùng đoàn hộ tống đã giám sát các bản thảo quý giá này về Beograd.
Hai ngày sau khi vua Aleksandar rời Hilandar, một người đàn ông bí ẩn từ Sankt-Peterburg đến tu viện với ý định mua Phúc Âm Miroslav bằng bất cứ giá nào.[6][12]
Xảy ra chính biến vào đêm 28-29 tháng 5 năm 1903, vua Aleksander và hoàng hậu Draga bị hạ sát. Đêm đó, Phúc Âm Miroslav biến mất khỏi két sắt của thư khố và không có tin tức gì suốt 11 năm sau đó. Báo chí Serbia loan truyền để thông tin và truy tìm bảo vật này.[6]
Năm 1914, trước ngày chiến tranh bùng nổ, Kho bạc Ngân hàng Quốc gia Serbia được sơ tán từ Beograd đến Kruševac. Thủ thư hoàng gia từ Topola trong khi đóng gói sách và tài liệu của vua Petar chuẩn bị di tản, đã tìm thấy cuốn Phúc Âm Miroslav trong một chiếc rương. Biết rõ bảo vật này, ông giao lại nó cho Nhiếp chính Aleksander. Không rõ cuốn sách rơi vào tay vua Petar như thế nào và vào lúc nào.
Cùng với những vật giá trị khác, Phúc Âm Miroslav được đóng gói cẩn thận và chuyển đến Kruševac. Theo tình hình chiến sự, chính phủ Serbia phải di tản liên tục, cuốn sách được Kho bạc di chuyển từ Kruševac đến Niš, Kraljevo và Raška. Đến năm 1915, sách cũng chạy theo quân đội Serbia rút lui qua Peja, Podgorica, Shkodër và Shëngjin đến Corfu. Tháng 10 năm 1915, các bộ trưởng Ljuba Davidović và Voja Marinković mang sách đến Raška và giao cho Kế toán trưởng nhà nước A. Lević. Lević lại lệnh cho thủ quỹ kho bạc M. Stevčić đích thân cất giữ.[18]
Sách được cất giữ ở Corfu một thời gian, trong két của Kho bạc Nhà nước, sau đó được giao cho chính phủ Serbia đại diện là Tổng thống Nikola Pasic và Bộ trưởng Stojan Protić. Năm 1918, sau khi chiến tranh kết thúc, chính phủ đưa bảo vật an toàn trở về Beograd.[6][12]
Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Phúc Âm Miroslav vẫn thuộc quyền sở hữu của gia tộc Karađorđević, bất chấp quyết định năm 1903 của Bộ Giáo dục yêu cầu bàn giao để lưu giữ an toàn trong Thư viện Quốc gia Serbia. Năm 1935, hoàng thân Pavle Karađorđević hiến nó vào bảo tàng cá nhân của mình. Chính nhờ vậy mà bản thảo thoát khỏi số phận hủy diệt do vụ đánh bom ngày 6 tháng 4 năm 1941. Khi ấy, Thư viện Quốc gia ở Kosančićev Venac bị san bằng cùng với hàng trăm bản thảo giấy tờ thời trung cổ, gần 50.000 bộ tạp chí, báo và khoảng 350.000 cuốn sách bị đốt cháy.
Ngay khi tiến vào Beograd, quân Đức bắt đầu tìm kiếm Phúc Âm Miroslav và các di vật giá trị khác. Năm 1940, sách được giao cho Ngân hàng Quốc gia Serbia để bảo quản an toàn. Vào đầu chiến tranh, sách được chuyển đến một chi nhánh ở Užice. Vì sợ quân Đức phát hiện, bản thảo được đưa đến Tu viện Rača gần đó và giấu dưới bệ thờ. Tu viện Rača bị cướp phá và đốt cháy nhiều lần từ năm 1941 đến năm 1943, nhưng Phúc Âm Miroslav không bị phát hiện và cũng không bị hư hại. Lo sợ rằng cuốn sách sẽ bị lấy cắp, tu viện trưởng đã trả lại nó cho Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tại Užice. Năm 1943, giám đốc chi nhánh bí mật chuyển Phúc Âm Miroslav về tòa nhà Ngân hàng Quốc gia tại Beograd. Một câu chuyện lưu truyền rằng, sách được đặt lẫn với các sổ sách kế toán khác trong hầm và đã qua mặt được lính Đức lục soát mà không quan tâm động đến.[6][12]
Sau khi giải phóng Beograd, Phúc Âm Miroslav được giao cho Bộ Giáo dục đứng đầu là Vladislav S. Ribnikar. Năm 1945, một ủy ban được thành lập để xác định tình trạng bản thảo cũng như bàn giao về Bảo tàng Nghệ thuật tức Bảo tàng Quốc gia Beograd ngày nay, với số danh mục đăng ký là 1536. Phúc Âm Miroslav được trưng bày ở đó trong điều kiện không phù hợp. Đến năm 1966, sách mới được đưa vào lưu giữ trong kho Bảo tàng Quốc gia. Từ năm 1985, thỉnh thoảng sách mới được đem ra triển lãm.
Năm 1998, việc bảo tồn sách chính thức được thực hiện. Ngày nay, Phúc Âm Miroslav được lưu giữ trong một căn phòng đặc biệt tại Bảo tàng Quốc gia Beograd.[6]
Tháng 4 năm 2008, Thư viện Quốc gia Serbia ký thỏa thuận với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ tham gia dự án Thư viện kỹ thuật số Thế giới. Dự án này tham vọng trở thành kho kỹ thuật số về di sản văn hóa thế giới. Phúc Âm Miroslav và tạp chí Zenit là những di sản đầu tiên của Serbia được số hóa vào thư viện này.[19]
Tháng 11 năm 2012, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Croatia tổ chức hội thảo khoa học "Di sản chữ Kirin của Croatia", trong đó có tham luận chứng minh Phúc Âm Miroslav là tác phẩm được viết bằng chữ Kirin của Croatia.[20]
Năm 1896, theo lệnh vua Aleksandar, giáo sư Ljubomir Stojanović mang Phúc Âm Miroslav đến Viên để chụp lại thành ấn bản. Sách được gỡ ra, chụp lại và in trong Nhà in Hoàng gia. Chi phí in ấn do vua Aleksandar I Obrenović trả. Năm 1897, Ljubomir Stojanović trở lại Beograd và giao bản gốc cũng như bản sao chụp của Phúc Âm thư Miroslav cho nhà vua. Bản sao có chất lượng rất tốt, tương xứng với khả năng và chi phí nhà vua đã bỏ ra vào thời điểm đó. Ấn bản được in với số lượng 300 cuốn, gồm 40 trang màu và kích cỡ giống với bản gốc, 320 trang còn lại in hai màu (đen và đỏ) với kích cỡ giảm một nửa để có thể in hai trang gốc lên một trang mới.[6][12]
Năm 1998, một trăm năm lần in bản chụp lại đầu tiên đó, một ấn bản ảnh chụp Phúc Âm Miroslav được xuất bản. Việc in ấn xuất bản hoàn thành vào lễ Vidovdan, 28 tháng 6 tại Johannesburg, Nam Phi. Đây là kết quả bảy năm làm việc của một nhóm chuyên gia quốc tế độc đáo gồm: biên tập viên, sử gia, nhà nghiên cứu Đông La Mã, nhân viên bảo tàng, chuyên viên công nghệ, bậc thầy in ấn và đồ họa, nghệ sĩ và thợ thủ công. Ngay sau khi ra mắt, nhiều thư viện quốc gia và đại học trên thế giới đã mua về như: Thư viện Quốc hội Hòa Kỳ, Thư viện Anh, Học viện Nghệ thuật Berlin-Brandenburg; Viện Goethe ở Munich, Đại học Johann Wolfgang Goethe Frankfurt, Thư viện Quốc gia Áo, Thư viện Alexandria, Thư viện Đại học Harvard, Princeton, Yale; Dumberton Oaks; Oxford, rồi đến các tu viện Hilandar, Ostrog, Rača trên Drina, Savina, Nhà thờ Thánh Sava ở Luân Đôn, Nhà thờ Thánh Nicholas ở Kotor, Nhà thờ Serbia ở San Francisco...
Ngày 29 tháng 2 năm 2000 diễn ra buổi cổ động lớn cho ấn bản này tại phòng nghi lễ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia, Beograd.[22]
Năm 2007, đạo diễn Boško Savković thực hiện phim tài liệu về Phúc Âm Miroslav với nhan đề U početku beše reč (Ban đầu có Ngôi Lời). Bộ phim thuật lại lịch sử cuốn sách từ khi ra đời cho đến ngày nay. U početku beše reč được quay tại các địa điểm diễn ra câu chuyện - từ Johannesburg đến Sankt-Peterburg, Hilandar, Dubrovnik, Trebinje, Viên, Budapest... Sau đó, tác phẩm đã giành được chín giải thưởng quốc tế.[23][24]