Smells Like Teen Spirit

"Smells Like Teen Spirit"
Đĩa đơn của Nirvana
từ album Nevermind
Mặt B"Drain You"/"Even in His Youth"/"Aneurysm"
Phát hành10 tháng 9 năm 1991
Thu âmTháng 5 năm 1991 tại Sound City, Van Nuys, Los Angeles, California
Thể loại
Thời lượng
  • 5:01 (bản album)
  • 4:30 (bản đĩa đơn)
Hãng đĩaDGC
Sáng tác
Sản xuất
Thứ tự đĩa đơn của Nirvana
"Here She Comes Now / Venus in Furs"
(1991)
"Smells Like Teen Spirit"
(1991)
"On a Plain"
(1991)
Video âm nhạc
"Smells Like Teen Spirit" trên YouTube

"Smells Like Teen Spirit" là một bài hát của ban nhạc rock người Mỹ Nirvana. Đây là ca khúc mở đầu và cũng là đĩa đơn chính trích từ album phòng thu thứ hai của họ là Nevermind (1991), do hãng thu âm DGC Records phát hành. Bài hát đã thành công vượt ngoài mong đợi, đưa Nevermind vọt lên vị trí quán quân ở một số bảng xếp hạng album vào đầu năm 1992. Sự kiện đó còn là dấu mốc biến thể loại grunge trở thành dòng nhạc phổ thông.

"Smells Like Teen Spirit" là bài hit đình đám nhất của Nirvana ở nhiều quốc gia, đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng công nghiệp âm nhạc khắp thế giới vào năm 1991 và 1992, trong đó có thành tích đứng đầu bảng tại Bỉ, Pháp, New Zealand và Tây Ban Nha. Ca khúc đón nhận vô số lời tán dương từ giới phê bình và đứng ở vị trí số một trong cuộc bầu chọn Pazz & Jop do các cây viết của Village Voice tổ chức. Bài hát còn được ví như "bản nhạc hiệu dành cho những đứa trẻ bất cần" của thế hệ X, nhưng Nirvana thì tỏ ra khó chịu bởi hiệu ứng chú ý mà nó đem lại cho nhóm. Nhiều năm kể từ cái chết của Kurt Cobain, các thính giả và phê bình gia vẫn tiếp tục tôn vinh "Smells Like Teen Spirit" là một trong những ca khúc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc.

Video âm nhạc (MV) của "Smells Like Teen Spirit" dựa trên khái niệm về một buổi hòa nhạc học đường kết thúc trong tình trạng hỗn loạn và náo động, lấy cảm hứng từ phim Over the Edge của Jonathan Kaplan (1971) và bộ phim Rock 'n' Roll High School của Ramones. Ca khúc đã giành hai giải Video âm nhạc của MTV và lên sóng truyền hình với tần suất dày đặc. Nhiều năm sau, Amy Finnerty – người từng công tác tại bộ phận phát sóng của MTV cho biết MV "đã thay đổi toàn bộ diện mạo của MTV" bằng cách đem lại cho kênh này "một thế hệ hoàn toàn mới". Năm 2000, Sách Kỷ lục Guinness vinh danh "Smells Like Teen Spirit" là bài hát được phát nhiều nhất trên sóng kênh MTV ở châu Âu.

"Smells Like Teen Spirit" nằm trong danh sách "những ca khúc định hình nên rock and roll" của Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Năm 2001, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) đã liệt tên ca khúc ở vị trí số 80 trong danh sách Songs of the Century của tổ chức này. Năm 2002, NME liệt bài hát ở vị trí thứ hai trong danh sách "100 đĩa đơn hay nhất mọi thời" của ấn phẩm này, còn Kerrang! thì liệt tên ca khúc ở hạng nhất trong danh sách "100 đĩa đơn hay nhất mọi thời" của họ. Năm 2004, Rolling Stone xếp "Smells Like Teen Spirit" ở hạng chín trong danh sách 500 bài hát hay nhất mọi thời. Năm 2017, nhạc phẩm được ghi danh tại Đại sảnh Danh vọng Grammy.

Sáng tác và thu âm

[sửa | sửa mã nguồn]

"Smells Like Teen Spirit" là một trong nhiều bài hát được sáng tác sau những buổi thu ngẫu hứng của Nirvana với nhà sản xuất Butch Vig vào năm 1990.[1] Giọng ca chính kiêm nghệ sĩ guitar Kurt Cobain bắt đầu sáng tác bài ít tuần trước khi thu album thứ hai của Nirvana là Nevermind vào năm 1991. Kurt cho biết "Smells Like Teen Spirit" giống như một cách để anh thử sáng tác một ca khúc theo phong cách của Pixies – ban nhạc mà anh vô cùng hâm mộ:

Khi Cobain đem bài hát trình bày với các đồng đội trong ban nhạc, bài chỉ có vỏn vẹn khúc guitar riff chính và giai điệu hát điệp khúc.[3][4] Cobain cho biết đoạn riff của bài là "cliché", tương tự như đoạn riff của Boston hay ca khúc "Louie Louie" của Richard Berry.[2] Tay bass Krist Novoselic gạt đi vì cho là "lố bịch"; để đáp trả thái độ đó của Krist, Cobain bắt ban nhạc phải chơi đoạn riff kia trong một tiếng rưỡi.[2] Cuối cùng, Novoselic bắt đầu chơi đoạn riff chậm hơn, tạo cảm hứng để tay trống Dave Grohl tạo nhịp trống,[5] lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ disco như The Gap Band.[6] Do đó đây là ca khúc duy nhất trong album Nevermind ghi công cả ba thành viên trong ban làm tác giả.[7]

Cobain nghĩ ra tên bài hát khi cô bạn Kathleen Hanna – giọng ca chính của ban nhạc riot grrrl Bikini Kill – viết trên tường của anh dòng chữ "Kurt smells like Teen Spirit".[8] Ý Hanna là Kurt có mùi như lăn khử mùi Teen Spirit – thứ mà cô và Tobi Vail (bạn gái lúc đó của Cobain) phát hiện trong một lần tới hiệu thuốc.[9] Cobain nói rằng anh không hề hay biết lăn khử mùi kia lúc đặt tên bài hát, phải vài tháng sau khi phát hành đĩa đơn thì anh mới biết đến nó; trước đó anh còn tưởng cái tên đó ám chỉ đến cuộc trò chuyện của họ về chủ nghĩa vô chính phủpunk rock.[10]

Trước khi ghi album, Nirvana đã gửi cho Vig tệp đĩa demo ghi các bài hát, bao gồm cả "Teen Spirit". Khi âm thanh bị méo do ban nhạc chơi ở âm lượng lớn, Vig lại thấy bản nhạc thật hứa hẹn.[11] Vig và ban nhạc thu âm "Smells Like Teen Spirit" tại Sound City StudiosVan Nuys, California vào tháng 5 năm 1991.[12] Vig đề xuất thay đổi phần cải biên, trong đó chuyển phần guitar ứng tác sang điệp khúc và rút ngắn điệp khúc.[13] Ban nhạc ghi đĩa cơ bản trong ba lượt, cuối cùng chọn sử dụng lượt thứ hai.[4] Vig chỉnh một vài lỗi giữ nhịp do Cobain chuyển các phơ đạp hiệu ứng guitar của anh. Cobain chỉ thu giọng có ba lần; theo Vig kể: "Tôi thật may mắn khi Kurt thực hiện có bốn lần."[14]

Âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]

"Smells Like Teen Spirit" là một bài hát thuộc thể loại grunge[15]alternative rock.[16] Ca khúc được thu âm ở điệu tính Fa thứ gốc, theo sau là vòng hợp âm Mi thứSi giángLa giángRê giáng (Fm–B♭–A♭–D♭)[17] với câu guitar riff chính cấu thành từ bốn hợp âm năm chơi theo điệu gảy nốt móc kép đảo phách của Cobain.[18] Những hợp âm guitar này bị ghi đè nhằm tạo ra tiếng nhạc "nặng đô hơn".[19] Đôi khi các hợp âm trên bị biến âm sắc thành những hợp âm treo là do Cobain đánh bốn dây ở đáy đàn để làm âm thanh đanh tiếng hơn.[18] Câu riff của bài hát có nét tương đồng với bài hit "More Than a Feeling" của ban nhạc Boston,[3] dù cho thực chất chúng không giống ý hệt.[17] Trong các phiên khúc, Cobain sử dụng bàn đạp âm hiệu ứng Small Clone nhằm chế ra một hiệu ứng hợp âm.[20][21]

"Smell Like Teen Spirit" sử dụng "cấu trúc hình thức phổ thông" gồm các quãng bốn nhịp, tám nhịp và mười hai nhịp, cụ thể là một phiên khúc tám nhịp, một tiền điệp khúc tám nhịp và một điệp khúc mười hai nhịp.[22] Chuyên gia âm nhạc Graeme Downes – thủ lĩnh ban nhạc The Verlaines cho rằng "Smells Like Teen Spirit" là minh họa cho sự phát triển biến thể.[23] Những nhạc tố trong cấu trúc của bài hát được ghi dấu bằng những thay đổi trong âm lượng và cường độ, chuyển từ yên tĩnh sang ồn ào nhiều lần. Cấu trúc này gồm có "những câu phiên khúc yên ắng với tiếng guitar làm người nghe lắc lư theo điệp khúc, kế đến là các điệp khúc lớn và ồn ào lấy cảm hứng từ hardcore" – trở thành hình mẫu của một bài nhạc alternative rock.[24]

Trong các phiên khúc, ban nhạc duy trì chùm hợp âm giống điệp khúc. Cobain đánh câu guitar nốt đôi trên câu bass nốt móc đơn của Novoselic, làm đệm cho phần chùm hợp âm. Khi đến gần điệp khúc, Cobain bắt đầu chơi nốt đôi giống nhau ở mỗi nhịp của bài và hát lặp lại từ "Hello".[17] Sau các điệp khúc đầu và thứ hai, Cobain cùng lúc hát từ "Yay" và nhíu dây đàn.[25] Sau điệp khúc thứ hai, Cobain đánh đoạn guitar solo dài 16 quãng rồi bắt đầu hát từ phần phiên khúc đến tiền điệp khúc.[26] Ở điệp khúc kết bài, Cobain liên tục hát "A denial"; anh trở nên lạc giọng vì sức ép của tiếng hét.[19]

Ca từ và diễn giải

[sửa | sửa mã nguồn]

Ca từ "Smells Like Teen Spirit" thường khó hiểu đối với người nghe, không chỉ vì tính chất mơ hồ mà còn bởi giọng hát lè nhè, khàn đặc của Cobain. Vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn do các dòng ghi chú của Nevermind không ghi bất kỳ lời bài hát nào ngoại trừ một vài đoạn lời được chọn lọc. Chính sự khó hiểu này đã góp phần tạo nên sự phản đối ban đầu từ các đài phát thanh trong việc đưa ca khúc vào danh sách phát nhạc của họ; một nhân viên chiêu thị của hãng đĩa Geffen từng kể rằng những người đến từ đài phát thanh đã bảo cô: "Chúng tôi không thể phát bài này! Tôi chẳng hiểu cậu ta đang nói gì cả."[27] Đài MTV thì chấp nhận rủi ro và đi chuẩn bị một phiên bản MV ghi lời của ca khúc chạy qua ở dưới đáy màn hình rồi cho lên sóng MV sau khi đưa nó vào lịch chiếu dày đặc của kênh.[28] Ca từ trích từ album — và một số câu hát từ những phiên bản cũ hoặc thay thế của các bài hát — đều được phát hành sau với những dòng ghi chú cho đĩa đơn "Lithium" năm 1992. Phê bình gia nhạc rock người Mỹ Dave Marsh đã chú ý đến bình luận của các DJ cho rằng ca khúc là "'Louie Louie' của thập niên 1990", với lời bình: "Giống 'Louie' [nhưng] còn hơn thế, 'Teen Spirit' miễn cưỡng tiết lộ bí mật của [bài hát] để rồi thường bị thiếu mạch lạc."[29] Với mục tiêu cố giải mã lời của bài hát, Marsh thấy rằng sau khi đọc chính lời của bài hát từ bản phổ nhạc thì "những gì tôi tưởng tượng tốt hơn một chút (ít nhất là hài lòng hơn) so với những gì Nirvana thực sự đã hát." Ông nói thêm: "Điều tệ hơn tất thảy là tôi không chắc mình nắm rõ nhiều hơn về [ý nghĩa của] 'Smells Like Teen Spirit' bây giờ so với trước khi tôi ngồi xuống để nghe phiên bản chính thức của sự thực."[30]

Cuốn sách Teen Spirit: The Stories Behind Every Nirvana Song[a] miêu tả "Teen Spirit" là "một cuộc khám phá về sự ý nghĩa và vô nghĩa mang màu sắc u tối điển hình của Cobain".[31] Azerrad khai thác sự đối lập giữa những ca từ mâu thuẫn của Cobain (như "It's fun to lose and to pretend")[b] và nhận xét: "điểm nổi bật không chỉ là xung đột giữa hai ý tưởng đối lập, mà còn là sự bối rối và giận dữ mà xung đột ấy tạo ra ở người kể chuyện—anh ấy giận giữ mà lại bối rối nữa". Azerrad kết luận rằng ca khúc là "phản ứng mỉa mai luân phiên lên ý tưởng thật sự có một cuộc cách mạng, mà cũng bao hàm cả ý tưởng đó nữa". Ngoài ra, "cặp câu nổi tiếng gây khó hiểu"—"A mulatto, an albino / A mosquito, my libido"[c]—theo lời Azerrad: "chỉ là cặp câu đối ứng, cách nói hài hước rằng người kể chuyện đang rất hứng tình".[32] Trong cuốn tiểu sử của Charles R. Cross về Cobain mang tên Heavier Than Heaven, Cross nhận định rằng bài hát là chi tiết liên hệ đến mối quan hệ của Cobain với cô bạn gái cũ Tobi Vail. Cross trích lại câu "She's over-bored and self-assured"[d] và cho rằng ca khúc "chẳng thể nói về ai khác được nữa". Cross bổ sung nhận định của mình bằng phần lời bài từng xuất hiện ở các bản nháp trước, như "Who will be the King & Queen of the outcasted [sic] teens".[e][f][33]

"Teen Spirit" được nhiều người hiểu là một bài thánh ca cách mạng tuổi thiếu niên, và cách hiểu này được củng cố nhờ MV của bài.[34] Trong một buổi phỏng vấn được thực hiện vào ngày phát hành Nevermind, Cobain cho biết bài hát nói về đám bạn của mình; anh giải thích: "Chúng tôi vẫn thấy như mình là thiếu niên bởi vì chúng tôi không tuân theo những nguyên tắc mà người ta trông đợi ở bọn tôi khi làm người lớn ... Đây cũng là một bài chủ đề cách mạng tuổi thiếu niên."[35] Trong cuốn tiểu sử Come as You Are: The Story of Nirvana của Michael Azerrad, Cobain chia sẻ anh cảm thấy có trách nhiệm "phải miêu tả cảm nhận của tôi về môi trường xung quanh, thế hệ của tôi và những người cùng tuổi với tôi".[10] Anh còn nói: "Toàn bộ bài hát được dựng lên từ những ý tưởng mâu thuẫn ... Bài đó chỉ chế giễu suy nghĩ về việc có một cuộc cách mạng. Song đó lại là suy nghĩ hay đấy."[32] Khi Cobain làm nhiều phỏng vấn hơn, anh thay đổi cách giải thích về ca khúc và hiếm khi nói rõ về ý nghĩa của bài.[36] Grohl cho rằng anh chẳng tin ca khúc truyền tải bất cứ thông điệp gì: "Chỉ cần thấy Kurt viết lời bài hát năm phút trước khi anh ấy lần đầu hát chúng, bạn sẽ thấy khó mà tin là ca khúc truyền tải về điều gì đấy. Bạn cần âm tiết để lấp đầy chỗ này hoặc là cần chỗ có vần điệu."[37]

Phát hành và đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

"Smells Like Teen Spirit" có mặt trên sóng phát thanh vào ngày 27 tháng 8 năm 1991. Ngày 10 tháng 9, bài hát được chọn làm đĩa đơn chính để phát hành từ Nevermind – sản phẩm đầu tay của Nirvana với hãng đĩa lớn DGC Records. Mặc dù lúc đầu không lọt vào các bảng xếp hạng âm nhạc, ca khúc vẫn bán chạy tại một số khu vực ở Mỹ có sẵn nhóm người hâm mộ trung thành (fanbase) của Nirvana.[38] Ban nhạc dự định biến đĩa đơn thành một bản nhạc alternative rock nhằm xây dựng nhóm người hâm mộ mình chứ không hề kỳ vọng nó sẽ thành bài hit; đĩa đơn kế tiếp "Come as You Are" mới là bài mà Nirvana định dùng có thể gặt hái thành công trên thị trường nhạc quần chúng. Tuy nhiên, các trạm phát thanh nhạc rock đại họcmodern rock lại chọn "Smells Like Teen Spirit" để lên sóng với tần suất dày đặc. Danny Goldberg thuộc hãng quản lý Gold Mountain của Nirvana cho hay: "Chẳng ai trong chúng tôi thấy nó là một ca khúc hướng tới thị hiếu số đông, nhưng khán giả lại nghe và [yêu thích] bài hát ngay lập tức... Họ nghe ca khúc phát trên radio rồi đổ xô nhau như chuột Lemming để mua bằng được nó".[39]

Video âm nhạc (MV) của "Smells Like Teen Spirit" có màn ra mắt toàn thế giới trên chương trình phát nhạc alternative rock đêm muộn của MTV có tên 120 Minutes;[40] để rồi MV trở nên nổi tiếng đến mức nhà đài MTV bắt đầu cho phát ca khúc vào các khung giờ ban ngày.[28] MTV còn bổ sung MV vào chuyên mục "Buzz Bin" của kênh vào tháng 10 và giữ ca khúc tại chuyên mục này đến giữa tháng 12. Cuối năm đó, ca khúc, MV và cả album Nevermind đều trở thành những nhạc phẩm hit. "Smells Like Teen Spirit" – Nevermind trở thành hiện tượng hiếm hoi thành công trên nhiều nền tảng khi tiếp cận được tất cả các hình thức phát nhạc rock lớn như modern rock, hard rock, album rock và radio đại học (college radio).[41]

"Smells Like Teen Spirit" gặt hái thành công cả về mặt chuyên môn lẫn thương mại. Ca khúc đứng đầu cuộc bầu chọn "Pazz & Jop" của Village Voice và các cuộc bầu chọn cuối năm của Melody Maker, đồng thời giành vị trí số hai trong danh sách những đĩa đơn bán chạy nhất năm của Rolling Stone. Nhạc phẩm vươn lên hạng 6 (vị trí cao nhất) trên bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard Hot 100 ở cùng tuần mà Nevermind đoạt ngôi quán quân trên bảng xếp hạng album.[42] "Teen Spirit" chiếm ngôi đầu bảng xếp hạng Modern Rock Tracks và nhận được chứng chỉ bạch kim (tương đương cho một triệu bản được tiêu thụ) bởi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA).[43] Tuy nhiên, nhiều nhà đài Top 40 của Mỹ đã ngần ngại phát ca khúc này với mật độ dày đặc và chỉ phát hạn chế vào ban đêm.[44]

Đĩa đơn còn gặt hái thành công ở những quốc gia khác. Tại Liên hiệp Anh, "Smells Like Teen Spirit" đứng thứ bảy và trụ ở bảng xếp hạng trong 184 tuần.[45][46] Ca khúc nhận được hai đề cử giải Grammy: Trình diễn giọng hard rock xuất sắcBài hát rock hay nhất.[47] Về sau Entertainment Weekly liệt thất bại của Nirvana trước Eric Clapton ở hạng mục Bài hát rock hay nhất là một trong mười kết quả bất ngờ lớn nhất lịch sử Grammy.[48] Ngoài nước Mỹ, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng ở Bỉ, Pháp, New Zealand và Tây Ban Nha. Bài hát nằm trong top năm của nhiều bảng xếp hạng châu Âu và đạt hạng năm ở Úc. Bản nhạc xuất hiện trong nhiều bảng xếp hạng cuối năm, trong đó phải kể đến vị trí số mười tại New Zealand, số 17 tại Bỉ và Đức, và số 32 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 cuối năm.[49]

Thành công của "Smells Like Teen Spirit" đã đưa Nevermind vọt lên vị trí quán quân ở một số bảng xếp hạng album vào đầu năm 1992, trở thành dấu mốc biến thể loại grunge trở thành dòng nhạc phổ thông.[50] Nhờ thành công của Nirvana, Michael Azerrad viết lời bình trên một bài viết của Rolling Stone vào năm 1992: "'Smells Like Teen Spirit' là một bài thánh ca (hoặc chống lại?) của thế hệ 'Why Ask Why?'. Chỉ đừng gọi Cobain là người phát ngôn của thế hệ."[51] Mặc dù vậy, báo giới âm nhạc đã trao tặng ca khúc danh hiệu "thánh ca của một thế hệ", xếp Cobain là người phát ngôn miễn cưỡng của Thế hệ X.[52] The New York Times nhận định rằng "'Smells Like Teen Spirit' có thể là phiên bản của thế hệ như đĩa đơn 'Anarchy in the U.K.' (1976) của Sex Pistols, nếu không phải vì sự mỉa mai chua cay tràn ngập trong tựa bài hát... vì Nirvana biết quá rõ, tinh thần thanh thiếu niên thông thường bị đóng chai, gói gém lại và đem bán."[53]

Nirvana trở nên khó chịu với thành công của bài hát và thường loại "Teen Spirit" khỏi danh sách tiết mục trong các buổi hòa nhạc sau đó.[34] Trước khi trình làng album kế tiếp In Utero vào năm 1993, Novoselic chia sẻ: "Nếu không có 'Teen Spirit', tôi chẳng biết Nevermind sẽ ra sao... Không có 'Teen Spirits' trong In Utero đâu."[54] Cobain phát biểu vào năm 1994: "Tôi vẫn thích biểu diễn 'Teen Spirit', nhưng thật sự rất là ngại khi làm vậy... Mọi người chú ý tới bài hát ấy quá nhiều."[2]

Video âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]
Thông báo từ Nirvana cổ động khán giả đến tham gia thực hiện video âm nhạc của "Smells Like Teen Spirit".
Cây đàn guitar Fender Mustang mà Kurt Cobain chơi trong MV của bài "Smells Like Teen Spirit".

Video âm nhạc (MV) của "Smells Like Teen Spirit" là tác phẩm đầu tiên của đạo diễn Samuel Bayer. Bayer tin rằng ông được thuê chỉ đạo MV vì cuộn phim thử nghiệm của ông quá tệ, và ban nhạc đoán rằng sản phẩm của ông sẽ có chất "punk" và "không tiếp thị".[19] MV được xây dựng dựa trên khái niệm về một buổi hòa nhạc học đường kết thúc trong tình trạng hỗn loạn và náo động, lấy cảm hứng từ phim Over the Edge (1979) của Jonathan Kaplan và bộ phim Rock 'n' Roll High School của Ramones.[19] Kinh phí làm MV ước tính rơi vào khoảng 30.000–50.000 đô la Mỹ (USD).[55]

MV được ghi hình vào ngày 17 tháng 8 năm 1991,[56] tại Trường quay số sáu của GMT Studios ở Culver City. MV có sự tham gia của Nirvana biểu diễn tại hội trường cổ động (pep rally) trước đối tượng khán giả là những học sinh hờ hững trên khán đài, cùng các hoạt náo viên mặc váy đen in hình biểu tượng vô chính phủ Circle-A. MV có sự xuất hiện của Burton C. Bell (sau này nổi bật nhờ làm giọng ca chính của ban nhạc heavy metal Fear Factory).[57] Đôi khi góc máy chuyển sang cảnh một lao công vệ sinh (do Tony De La Rosa thể hiện) mặc áo liền quần màu xanh nước biển và nhảy bằng cách đẩy cán chổi. MV kết thúc với cảnh học sinh phá hủy trường quay và trang thiết bị của ban nhạc. Sự bất mãn của họ là có thật; những diễn viên quần chúng bị buộc phải ngồi một chỗ nghe bài hát bật lại nhiều lần trong suốt biểu chiều ghi hình. Cobain đã thuyết phục Bayer cho phép đám diễn viên quần chúng nhảy điên cuồng theo điệu nhạc (moshing), và trường quay thành một cảnh thực sự hỗn loạn. Cobain kể: "Khi đám bước ra ngoài, chúng chỉ nói 'đồ khốn', vì chúng quá mệt mỏi với trò nhảm nhí của Bayer suốt cả ngày".[58]

Cobain ghét bản dựng cuối cùng của Bayer nên giám sát khâu tái biên tập MV, từ đó cho ra phiên bản cuối cùng.[46] Một sự bổ sung chính của Cobain là góc máy áp chót, tức quay cận mặt anh sau khi nó bị che khuất trong phần lớn MV.[58] Một thay đổi lớn nữa liên quan đến hai cảnh gồm hiệu trưởng đứng kế bên loa phóng thanh và bị phun giấy vụn vào người, và một giáo viên mặc đồ như mọt sách, đội chiếc mũ "Dunce" nhảy theo bài hát rồi bị trói vào cột bóng rổ. Cobain đã nhờ biên tập viên xóa cảnh hiệu trưởng và phần lớn cảnh của giáo viên kia, trừ cảnh kết mà giáo viên ấy bị trói vào cột khi viên lao công quét sàn.[59] Bayer kể rằng không như những nghệ sĩ anh từng cộng tác sau này, Cobain không phải người phù phiếm và để tâm hơn đến "MV mang yếu tố nói lên bản chất thật sự của họ".[19]

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

MV của "Smells Like Teen Spirit" đã nhận được những đánh giá tích cực. Cây bút David Fricke của Rolling Stone miêu tả MV là "buổi diễn tuyệt vời nhất bạn có thể tưởng tượng ra."[19] Ngoài vị trí quán quân ở các hạng mục dành cho đĩa đơn, "Teen Spirit" còn chiếm ngôi đầu hạng mục MV trong cuộc bầu chọn "Pazz & Jop" (1991) của Village Voice.[60] MV giúp cho Nirvana giành chiến thắng các giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất và Nhóm nhạc alternative xuất sắc nhất tại lễ trao giải Video âm nhạc của MTV 1992;[61] năm 2000 Sách Kỷ lục Guinness vinh danh "Teen Spirit" là bài hát có MV được phát nhiều nhất trên sóng MTV châu Âu.[62] Nhiều năm sau, Amy Finnerty – cựu nhân viên thuộc bộ phận chương trình của MTV cho rằng MV "đã thay đổi toàn bộ diện mạo của MTV" bằng cách đem lại cho họ "một thế hệ hoàn toàn mới".[19]

Rolling Stone xếp MV của "Smells Like Teen Spirit" ở vị trí số hai trong danh sách "Top 100 video âm nhạc" của họ vào năm 1993.[63] MTV xếp MV của bài ở vị trí thứ ba trong danh sách "100 video âm nhạc vĩ đại nhất từng ra đời" vào năm 1999.[64] VH1 lần đầu chọn MV của "Teen Spirit" ở hạng 18 trong danh sách "100 khoảnh khắc rock and roll vĩ đại nhất trên truyền hình" (2000), lưu ý rằng tác phẩm đã biến alternative rock thành "một thế lực thương mại và văn hóa đại chúng".[65] Năm 2001, VH1 ghi danh MV là video âm nhạc vĩ đại thứ tư mọi thời.[66] MV được chế theo lối nhạc chế trong MV bài "Smells Like Nirvana" của "Weird Al" Yankovic[67] và được nhắc đến trong MV bài "Rock This Party (Everybody Dance Now)" (2006) của Bob Sinclar.[68] Tính đến 25 tháng 12 năm 2019, MV đã cán mốc một tỷ lượt xem trên YouTube.[69]

Trình diễn trực tiếp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 17 tháng 4 năm 1991, "Smells Like Teen Spirit" lần đầu được trình bày trực tiếp tại tụ điểm OK HotelSeattle, Washington.[70][71] Tiết mục có xuất hiện trong đĩa DVD của hộp đĩa (box set) With the Lights Out (2004), còn các clip ngắn hơn được đưa vào đĩa DVD Nevermind của Classic Albums, cũng như bộ phim tài liệu Hype!. Vì lời ca khúc chưa được sáng tác hoàn chỉnh, thế nên có sự khác biệt rõ rệt giữa phần lời đó và phiên bản cuối cùng. Ví dụ, tiết mục đầu tiên bắt đầu bằng câu "Come out and play, make up the rules"[g] thay vì câu mở đầu trong bản cuối là "Load up on guns, bring your friends".[h] Bản ghi một phiên bản trước đó có trong With the Lights Out và cả đĩa Sliver: The Best of the Box. Tiết mục tương tự trình bày bài hát lần đầu được ghi lại trong phim tài liệu 1991: The Year Punk Broke, phim được ghi hình trong tour mùa hè ở châu Âu với Sonic Youth.[72]

Tiết mục đầu tiên của "Smells Like Teen Spirit" trên truyền hình quốc tế diễn ra vào ngày 8 tháng 11 năm 1991, trên chương trình truyền hình của Anh là The Word.[73] Cobain mở đầu bằng tuyên bố: "Tôi muốn mọi người trong phòng này biết rằng Courtney Love, giọng ca chính của nhóm nhạc pop Hole, là bạn tình tuyệt nhất thế giới."[74] Một năm sau thì Cobain và Love kết hôn.[75]

Nirvana thường đổi lời và nhịp bài hát ở những lần diễn trực tiếp. Một vài tiết mục diễn bài hát trực tiếp có câu "our little group has always been"[i] bị đổi thành "our little tribe has always been"[j], có thể thấy trong album trực tiếp From the Muddy Banks of the Wishkah (1996). Rolling Stone nhận xét rằng phiên bản "Teen Spirit" trong Wishkah "[cho thấy] phần nhạc điệu guitar của Cobain nằm ngoài ranh giới giai điệu của bài hát và thổi luồng sinh khí mới vào bài hit tưởng như đã hết đặc biệt này".[76] Một tiết mục cải biên nổi bật khác của "Smells Like Teen Spirit" diễn ra ở chương trình Top of the Pops của BBC vào năm 1991. Trong chương trình, ban nhạc từ chối bắt chước theo những bản thu sẵn và Cobain cố tình hát toàn bộ ca khúc thấp xuống một quãng tám và thay đổi nhiều ca từ trong bài (ví dụ như "Load up on guns, bring your friends"[k] đổi thành "Load up on drugs, kill your friends"[l]). Sau đó Cobain kể rằng anh đang cố bắt chước âm thanh của Morrissey (cựu giọng ca The Smiths).[77] Khi Top of the Pops bị hủy chiếu vào năm 2006, The Observer liệt tiết mục "Smells Like Teen Spirit" của Nirvana và tiết mục xuất sắc thứ ba trong lịch sử chương trình.[78] Tiết mục này có thể được phát trong video tại gia Live! Tonight! Sold Out!! (1994).[79]

Không chỉ được mệnh danh là một "thánh ca của những đứa trẻ lãnh đạm" thuộc Thế hệ X,[80][81] nhiều năm sau vụ tự sát của Cobain vào năm 1994 dẫn tới Nirvana tan rã, "Smells Like Teen Spirit" tiếp tục nhận được lời khen từ giới phê bình và thường được xếp vào hãng ngũ những bài hát vĩ đại nhất mọi thời. Ca khúc đã được ghi tên vào danh sách "những bài hát định hình rock and roll" của Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll vào năm 1997.[82] Năm 2000, VH1 xếp ca khúc ở vị trí 41 trong danh sách "100 bài hát rock vĩ đại nhất",[83] còn MTV và Rolling Stone xếp bản nhạc đứng thứ bai trong các danh sách "100 bài hát pop vĩ đại nhất" của mỗi ấn phấm.[84] Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ liệt "Smells Like Teen Spirit" ở vị trí thứ 80 trong danh sách "Những bài hát của thế kỷ".[85] Năm 2002, NME trao cho bài hát hạng hai trong danh sách "100 đĩa đơn vĩ đại nhất mọi thời",[86] còn Kerrang! liệt "Teen Spirit" ở hạng nhất trong danh sách "100 đĩa đơn vĩ đại nhất mọi thời" của tạp chí ấy.[87] VH1 chọn "Smells Like Teen Spirit" đứng số một trong danh sách "100 bài hát vĩ đại nhất trong 25 năm qua" vào năm 2003,[88] cùng năm ấy, ca khúc đứng thứ ba trong cuộc bầu chọn "1001 bài hát hay nhất từ trước đến nay" của tạp chí Q.[89] Năm 2021, Rolling Stone liệt "Smells Like Teen Spirit" ở hạng năm trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời".[90] Nhạc phẩm đứng thứ sáu trong cuộc bầu chọn "Bài hát hay nhất toàn cầu từ trước đến nay" của NME vào năm 2005.[91]

Trong cuộc bầu chọn Ca từ yêu thích quốc dân của đài VH1 Anh, câu hát "I feel stupid and contagious / Here we are now, entertain us"[m] được bầu chọn cao thứ ba với 13.000 lá phiếu.[92] VH1 chọn "Smells Like Teen Spirit" đứng số một trong danh sách "100 bài hát vĩ đại nhất của thập niên 90" vào năm 2007,[93] trong khi Rolling Stone điền tên ca khúc ở hạng mười trong danh sách "100 bài hát soạn cho guitar vĩ đại nhất mọi thời".[94] Năm 2009, bài hát lại được bầu chọn ở hạng nhất lần thứ ba liên tiếp trong danh sách Triple J Hottest 100 of All Time tại Úc[95] (trước đó từng xếp thứ nhất vào các năm 1991[96] và 1998).[97] Cũng năm ấy, VH1 chọn ca khúc đứng thứ bảy trong danh sách "100 bài hát hard rock vĩ đại nhất".[98] Tuy trước đó từng đề xuất đưa Nevermind vào "100 album của mọi thời đại" và ghi rằng "'Smells Like Teen Spirit' ... có thể là bài hát dở nhất album,"[99] sau đó tạp chí Time lại đưa ca khúc vào danh sách "100 bài hát của mọi thời đại" vào năm 2011.[100] Cùng năm ấy, "Smells Like Teen Spirit" nằm giữ vị trí số chín trong danh sách cập nhật của Rolling Stone là "500 bài hát vĩ đại nhất",[101] còn vào năm 2019, ấn phẩm lại điền bài ở vị trí số một trong danh sách "50 bài hát hay nhất thập niên 90".[102] NME xếp ca khúc ở vị trí số hai trong danh sách "100 bài nhạc hay nhất thập niên 90" vào năm 2012,[103] và vị trí số 100 trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất" vào năm 2014.[104] Năm 2015, nhạc phẩm cũng được vinh danh là bài hát biểu tượng nhất theo nghiên cứu của đại học Goldsmith's College; nghiên cứu này phân tích nhiều bài hát có trong danh sách "những bài hát hay nhất lịch sử", sử dụng phần mềm phân tích để so sánh điệu tính, số nhịp/phút (BPM), tính đa dạng của hợp âm, nội dung ca từ, tính đa dạng của âm sắc và sự biến đổi về âm thanh – kết quả chỉ ra bài hát đã được tôn vinh với danh hiệu trên.[105] Năm 2017, ca khúc được đưa vào Đại sảnh Danh vọng Grammy.[106]

"Smells Like Teen Spirit" được phát hành dưới bản đĩa đơn vinyl 7-inch số lượng hạn chế vào tháng 12 năm 2011. Trong hành động nhằm bắt chước chiến dịch quảng bá thành công bài hát "Killing in the Name" của Rage Against the Machine trên Facebook, một chiến dịch trực tuyến đã được khởi động để quảng bá "Smells Like Teen Spirit" đoạt ngôi quán quân mùa Giáng Sinh 2011 trên UK Singles Chart nhằm phản đối vụ hợp tác của chương trình truyền hình The X Factor với tổ chức từ thiện Rhythmix.[107] Một chiến dịch tương tự cũng được khởi động ở Ireland để đưa tác phẩm lên ngôi quán quân mùa Giáng Sinh 2011 trên Irish Singles Chart.[108] Nhờ chiến dịch kể trên mà bài hát đạt được vị trí số mười một trên UK Singles Chart, bán được 30.000 bản.[109] Theo báo cáo cuối năm 2019 của Nielsen Music, "Smells Like Teen Spirit" là ca khúc được phát nhiều nhất thập niên trên đài phát thanh mainstream rock với 145.000 lượt. Toàn bộ những bài hát trong top mười đều từ thập niên 1990.[110] Tháng 6 năm 2021, "Smells Like Teen Spirit" trở thành bài hát thứ hai từ thập niên 1990 đạt một tỷ lượt nghe trực tuyến trên nền tảng Spotify.[111][112]

Cover và nhạc chế

[sửa | sửa mã nguồn]

Tori Amos đã thu ca khúc và phát hành trong đĩa đơn EP "Crucify" vào năm 1992. Dave Grohl bình luận về các bản cover Nirvana vào năm 1996: "Có ít ban nhạc ngoài kia dám cover nhạc của Nirvana và điều đó thật nực cười, đấy gần như là sự xúc phạm, đó là suy nghĩ của tôi. Bản cover (Smells Like Teen Spirit) của Tori Amos lại ổn. Ý tôi là bản đó khá buồn cười. Cô ấy có thể làm bất cứ chuyện gì mình muốn mà."[113] "Weird Al" Yankovic đã nhạc chế bài hát vào năm 1992 với "Smells Like Nirvana", một ca khúc nói về chính Nirvana. Cobain nhanh chóng đồng ý cho Yankovic nhạc chế, song anh hỏi: "Bài đó nói về đồ ăn phải không nhỉ?" Yankovic đáp: "Không đâu, bài đó nói về việc chẳng ai có thể hiểu được ca từ của anh ra sao." Sau khi nghe bản nhạc chế, Cobain và các đồng đội đã cười phá lên. Yankovic kể lại rằng Cobain đã nói với giọng ca sinh năm 1959 rằng anh nhận ra Nirvana "đã thành công" khi nghe bản nhạc chế này.[114] Năm 1995, ban nhạc queercore Pansy Division thu bản cover với phần lời đã được thay đổi, bài có tựa "Smells Like Queer Spirit" nằm trong album Pile Up. Tay guitar Jon Ginoli của Pansy Division quả quyết rằng bản cover bài hát của ban nhạc không phải nhạc chế mà là "một sự tri ân trìu mến".[23] Trong bộ phim Đại nhạc hội rối năm 2011 và nhạc của phim, một tiết mục của đoàn rối Muppet Telethon có sự tham gia của Rowlf the Dog, Link Hogthrob, Sam EagleBeaker đã trình bày bài hát với đội hình tứ tấu barbershop; ở cảnh này, một khách mời bất đắc dĩ là Jack Black cáo buộc họ "đã hủy hoại một trong những bài hát vĩ đại nhất mọi thời".[115] Bộ phim điện ảnh Pan (2015) có một bản cover của bài hát do Hugh Jackman (hóa thân thành cướp biển Râu Đen) và các diễn viên khác thể hiện trong cảnh nhạc kịch giới thiệu băng cướp biển của Râu Đen. Bài hát được lựa chọn ở cảnh phim này sau khi những bài hát cướp biển truyền thông khác "không ăn khớp" với các nhà làm phim trong những buổi tập dượt.[116] Một bản thu âm của nữ ca sĩ Malia J được dùng trong cảnh đề tên mở đầu của bộ phim Góa phụ đen (2021).[117]

Đội ngũ sản xuất

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách nhân sự được lấy từ các ghi chú lót của Nevermind[118]

Nirvana

Đội kỹ thuật

  • Butch Vig – nhà sản xuất, kỹ sư
  • Nirvana – nhà sản xuất, kỹ sư
  • Craig Montgomery – sản xuất và kỹ sư trong bài "Even in His Youth" và "Aneurysm"
  • Andy Wallace – trộn âm

dagger Ca khúc xuất hiện ở mọi định dạng phát hành, ngoại trừ bản 7" của Anh và một vài sản phẩm quảng bá.

‡ Chỉ kèm bài "Even in His Youth" trên CD và promo 12"; đồng thời tách riêng trong đĩa 12" (đĩa ảnh) của Anh.

Xếp hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Chứng nhận

[sửa | sửa mã nguồn]
Chứng nhận doanh số của "Smells Like Teen Spirit"
Quốc gia Chứng nhận Số đơn vị/doanh số chứng nhận
Úc (ARIA)[176] 12× Bạch kim 840.000
Brasil (Pro-Música Brasil)[177] 2× Bạch kim 120.000
Canada (Music Canada)[178] 8× Bạch kim 640.000
Đan Mạch (IFPI Đan Mạch)[179] 2× Bạch kim 180.000
Đức (BVMI)[180] Vàng 250.000
Ý (FIMI)[181]
Doanh số tính từ năm 2009
3× Bạch kim 300.000
New Zealand (RMNZ)[182] Vàng 5.000*
Bồ Đào Nha (AFP)[183] 3× Bạch kim 120.000
Tây Ban Nha (PROMUSICAE)[184] 2× Bạch kim 120.000
Thụy Điển (GLF)[185] Vàng 25.000^
Anh Quốc (BPI)[186]
Doanh số tính từ năm 2004
4× Bạch kim 2.400.000
Hoa Kỳ (RIAA)[187] Bạch kim 1.000.000^
Hoa Kỳ (RIAA)[187]
Doanh số nhạc số
Vàng 2.837.000[188]
Streaming
Đan Mạch (IFPI Đan Mạch)[189] Vàng 900.000dagger
Hy Lạp (IFPI Hy Lạp)[190] Bạch kim 2.000.000dagger

* Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ.
^ Chứng nhận dựa theo doanh số nhập hàng.
Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ và phát trực tuyến.
dagger Chứng nhận dựa theo doanh số phát trực tuyến.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tạm dịch: Teen Spirit: Những câu chuyện đằng sau từng bài hát của Nirvana
  2. ^ Tạm dịch: "Chút mất mát và giả tạo cũng vui đấy chứ"
  3. ^ Tạm dịch: "Một gã da màu, một tên bạch tạng / Một con muỗi và dục vọng trong tôi"
  4. ^ Tạm dịch: "Cô ta trở nên nhàm chán với cái kiểu tự tin của mình"
  5. ^ Tạm dịch: "Ai sẽ là Ông hoàng và Bà hoàng của đám thiếu niên bị ruồng bỏ đây".
  6. ^ Những bản thảo cũ ghi phần lời của "Smells Like Teen Spirit" được tái bản trong cuốn Journals (2002) của Kurt Cobain.
  7. ^ Tạm dịch: "Ra ngoài chơi nào, tạo dựng luật chơi thôi"
  8. ^ Tạm dịch: "Nạp đạn vào súng đi, đưa bạn bè tới đây"
  9. ^ Tạm dịch: "nhóm bọn tôi luôn bị khinh miệt"
  10. ^ Tạm dịch: "tộc của bọn tôi luôn bị khinh miệt"
  11. ^ Tạm dịch: "Nạp đạn vào súng đi, đưa bạn bè tới đây"
  12. ^ Tạm dịch: "Tích trữ ma túy, lấy mạng bạn bè đi"
  13. ^ Tạm dịch: "Dù có thấy ngu xuẩn và bệnh hoạn / Bọn tôi vẫn đến đây để được giải khuây"

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Azerrad 1994, tr. 175.
  2. ^ a b c d Fricke, David (27 tháng 1 năm 1994). “Kurt Cobain, The Rolling Stone Interview: Success Doesn't Suck” [Kurt Cobain ở phỏng vấn với Rolling Stone: Thành công không tệ lắm]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  3. ^ a b Azerrad 1994, tr. 176.
  4. ^ a b “100 Greatest Pop Songs” [100 bài hát nhạc pop vĩ đại nhất]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh) (855). 7 tháng 12 năm 2000. Nirvana – Smells Like Teen Spirit
  5. ^ Cross, Charles (tháng 10 năm 2001). “Requiem for a Dream” [Cầu siêu cho một ước mơ]. Guitar World (bằng tiếng Anh). ISSN 1045-6295.
  6. ^ Kaufman, Gil (7 tháng 1 năm 2021). “You Won't Believe Which Funky Drummers Dave Grohl Was 'Ripping Off' on Nirvana's 'Nevermind' [Bạn sẽ không tin nổi Dave Grohl đã sao chép những tay trống nhạc funk nào trong 'Nevermind' của Nirvana đâu]. Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ Berkenstadt & Cross 1998, tr. 66.
  8. ^ Karavoulias, Terry. “The Story Behind Smells Like Teen Spirit” [Câu chuyện đằng sau "Smells Like Teen Spirit"]. UpVenue (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  9. ^ “Kathleen Hanna on how she named 'Smells Like Teen Spirit' [Kathleen Hanna nói về việc cô đặt tên cho "Smells Like Teen Spirit" ra sao]. ABC.net (bằng tiếng Anh). 23 tháng 9 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  10. ^ a b Azerrad 1994, tr. 211–12.
  11. ^ Azerrad 1994, tr. 167.
  12. ^ Cross, Charles (24 tháng 11 năm 2002). “The Stories Behind the Songs” [Câu chuyện đằng sau các bài hát]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh) (910).
  13. ^ di Perna, Alan (1996). “The Making of Nevermind” [Sự ra đời của Nevermind]. Guitar World (bằng tiếng Anh).
  14. ^ Berkenstadt & Cross 1998, tr. 67.
  15. ^ Danaher, Michael (4 tháng 8 năm 2014). “The 50 Best Grunge Songs” [50 bài hát grunge hay nhất]. Paste (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  16. ^ Cosores, Philip (5 tháng 7 năm 2017). “Ranking: Every Alternative Rock No. 1 Hit from Worst to Best” [Xếp hạng: Mọi bài hit quán quân alternative rock từ dở nhất đến hay nhất]. Consequence (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  17. ^ a b c Rooksby 2001, tr. 133.
  18. ^ a b Chappell, Jon (tháng 6 năm 1993). “Nirvana's Music” [Nhạc của Nirvana]. Guitar (bằng tiếng Anh). ISBN 1-896-48429-8.
  19. ^ a b c d e f g Classic Albums—Nirvana: Nevermind [DVD]. Isis Productions, 2004.
  20. ^ Hunter, Dave (15 tháng 5 năm 2013). 365 Guitars, Amps & Effects You Must Play: The Most Sublime, Bizarre and Outrageous Gear Ever [365 cây guitar, âm ly và hiệu ứng bạn phải chơi: Phụ kiện xuất sắc, kỳ lạ và gây sốt nhất từ trước đến nay] (bằng tiếng Anh). Voyageur Press. ISBN 978-0-7603-4366-1.
  21. ^ The Life & Genius of Kurt Cobain [Cuộc đời và sự thiên tài của Kurt Cobain]. Guitar World (bằng tiếng Anh). Time Home Entertainment. 21 tháng 3 năm 2014. ISBN 978-1-61893-956-2.
  22. ^ Starr & Waterman 2003, tr. 434–435.
  23. ^ a b Lapriore, Elaine (2 tháng 9 năm 2001). 'Teen Spirit' at 10: An Unshakable Scent” ['Teen Spirit' tròn 10 tuổi: Mùi hương chẳng thể đổi thay]. The Washington Post (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  24. ^ di Perna, Alan (tháng 12 năm 1995). “Brave Noise—The History of Alternative Rock Guitar” [Tiếng ồn dũng cảm: Lịch sử của guitar nhạc alternative rock"]. Guitar World (bằng tiếng Anh).
  25. ^ Rooksby 2001, tr. 134.
  26. ^ Starr & Waterman 2003, tr. 434–35.
  27. ^ Cross 2001, tr. 204–05.
  28. ^ a b Azerrad 1994, tr. 199.
  29. ^ Marsh 1993, tr. 204.
  30. ^ Marsh 1993, tr. 206.
  31. ^ Crisafulli 1996, tr. 37.
  32. ^ a b Azerrad 1994, tr. 213.
  33. ^ Cross 2001, tr. 169.
  34. ^ a b Crisafulli 1996, tr. 38.
  35. ^ Berkenstadt & Cross 1998, tr. 65.
  36. ^ Thư Vĩ (17 tháng 3 năm 2019). 'Smells Like Teen Spirit' của Nirvana: Biểu tượng của vô nghĩa”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  37. ^ Azerrad 1994, tr. 214.
  38. ^ Berkenstadt & Cross 1998, tr. 111.
  39. ^ Azerrad 1994, tr. 227.
  40. ^ Grohl, Dave (2021). The Storyteller [Người kể chuyện] (bằng tiếng Anh). Simon and Schuster. tr. 151. ISBN 978-1-3985-0372-4.
  41. ^ Berkenstadt & Cross 1998, tr. 124–25.
  42. ^ “Nirvana Achieves Chart Perfection” [Nirvana đạt thành tích xếp hạng hoàn hảo]. Billboard (bằng tiếng Anh). 25 tháng 1 năm 1992. ISBN 1-486-02552-8. Nirvana pulls off an astonishing palace coup by dethroning King of Pop Michael Jackson from the top spot on the Billboard 200. The Seatle-area alternative band Nevermind surges from No.6 to No.1; Jackson Dangerous drops from No.1 to No.5.
  43. ^ Basham, David (20 tháng 12 năm 2001). “Got Charts? No Doubt's Christmas Gift; Nirvana Ain't No Beatles” [Có bảng xếp hạng chăng? Quà Giáng sinh của No Doubt; Nirvana chẳng phải Beatles]. MTV. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2009. Truy cập 19 tháng 10 năm 2016.
  44. ^ Ross, Sean (1 tháng 2 năm 1992). “Nirvana Receiving Less-Than-Spirited Airplay” [Nirvana nhận được tần suất phát thanh ít hơn 'Spirrit']. Billboard (bằng tiếng Anh).
  45. ^ “New Releases: Singles” [Những sản phẩm mới: Đĩa đơn]. Music Week (bằng tiếng Anh): 21. 16 tháng 11 năm 1991.
  46. ^ a b “Nirvana and The Story of Grunge” [Nirvana và câu chuyện của nhạc grunge]. Q (bằng tiếng Anh) (233): 54. tháng 12 năm 2005.
  47. ^ “The 35th Grammy Awards Nominations General Categories” [Các đề cử hạng mục chung của giải Grammy lần thứ 35]. The Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). 8 tháng 11 năm 1993. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2024.
  48. ^ Endelman, Michael (2007). “Grammy's 10 Biggest Upsets” [10 điều thất vọng nhất của Grammy]. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  49. ^ a b “Billboard Top 100 – 1992”. longboredsurfer.com. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
  50. ^ Erlewine, Stephen Thomas. “Nirvana – Biography” [Nirvana – Tiểu sử] (bằng tiếng Anh). AllMusic.com. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  51. ^ Azerrad, Michael (16 tháng 4 năm 1992). “Inside the Heart and Mind of Nirvana” [Bên trong trái tim và trí óc của Nirvana]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh) (628).
  52. ^ Garofalo, Reebee (1997). Rockin' Out: Popular Music in the USA [Hãy nghe rock nào: Nhạc quần chúng ở Hoa Kỳ] (bằng tiếng Anh). Allyn & Bacon. tr. 447. ISBN 0-205-13703-2.
  53. ^ Reynolds, Simon (24 tháng 11 năm 1991). “Boredom + Claustrophobia + Sex = Punk Nirvana” [Chán nản+Sợ cuồng nhiệt+Tình dục = Nhạc punk của Nirvana]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  54. ^ DeRogatis, Jim (2003). Milk It!: Collected Musings on the Alternative Music Explosion of the 90's [Vắt sữa!: Thu thập những suy ngẫm về sự bùng nổ của nhạc alternative ở thập niên 90] (bằng tiếng Anh). Cambridge: Da Capo. tr. 14. ISBN 0-306-81271-1.
  55. ^ Ganz, Caryn (10 tháng 9 năm 2010). 'Smells Like Teen Spirit' Smells Like It's 19 Today” [Hôm nay 'Smells Like Teen Spirit' có mùi như đã 19 tuổi] (bằng tiếng Anh). Yahoo.com. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2024.
  56. ^ Stampler, Laura (25 tháng 4 năm 2012). “Here's The Original Casting Call For Nirvana's 'Smells Like Teen Spirit' Video, From 1991”. Business Insider. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2020.
  57. ^ “Fear Factory Frontman: How I Ended Up Appearing In NIRVANA's 'Smells Like Teen Spirit' Video”. blabbermouth.net. 31 tháng 7 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2017.
  58. ^ a b Azerrad 1994, tr. 190–91.
  59. ^ “Nirvana – Smells Like Teen Spirit (Director's Cut)”. YouTube. Daniil Nefedov. 5 tháng 5 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  60. ^ Christgau, Robert (3 tháng 3 năm 1992). “The 1991 Pazz & Jop Critics Poll” [Cuộc bầu chọn phê bình của Pazz & Jop năm 1991] (bằng tiếng Anh). RobertChristgau.com. Lưu trữ bản gốc 7 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  61. ^ “Past Winners Database” [Cổng dữ liệu những người chiến thắng trong quá khứ]. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  62. ^ “Achieving Nirvana: Grunge Band's 'Teen Spirit' is Top Song of Past Two Decades” [Đạt đến tầm của Nirvana: 'Teen Spirit' của ban nhạc grunge là bài hát hay nhất trong hai thập kỷ qua] (bằng tiếng Anh). ABC News. 27 tháng 11 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  63. ^ “Rolling Stone: 'The 100 Top Music Videos' [Rolling Stone: 'Top 100 video âm nhạc'] (bằng tiếng Anh). Rock On The Net. tháng 10 năm 1993. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  64. ^ “MTV: '100 Greatest Music Videos Ever Made' [MTV: '100 video âm nhạc vĩ đại nhất từ trước đến nay'] (bằng tiếng Anh). Rock On The Net. 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  65. ^ “VH-1's 100 Greatest Rock & Roll Moments”. AmIAnnoying.com. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2013.
  66. ^ Susman, Gary (2 tháng 5 năm 2001). “News Summary: Model Patient”. EW.com. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2021.
  67. ^ Hansen, Barret (1994). Permanent Record: Al in the Box (liner). "Weird Al" Yankovic. California, Hoa Kỳ: Scotti Brothers Records.
  68. ^ Hill, Stephen (2008). “Rock This Party Popular Music Video”. plasticletters.org. AS Media Studies: The Essential Introduction. Routelege Media. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  69. ^ Thompson, Stephen (25 tháng 12 năm 2019). “Here We Are Now: On 'Smells Like Teen Spirit' Hitting A Billion Views On YouTube”. NPR. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2019.
  70. ^ With the Lights Out (tr. 23) [ghi chú lót CD]. Santa Monica: Geffen Records. 2004.
  71. ^ Irwin, Corey (10 tháng 9 năm 2021). “Nirvana's 'Smells Like Teen Spirit': From Graffiti to Grunge Hit” ['Smells Like Teen Spirit' của Nirvana: Từ graffiti đến bài hit nhạc grunge]. Ultimate Classic Rock (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  72. ^ 1991: The Year Punk Broke [1991: Năm mà nhạc punk bùng nổ] (DVD) (bằng tiếng Anh). DGC Records. 13 tháng 4 năm 1993.
  73. ^ “Live Nirvana TV Guide: 1991” (bằng tiếng Anh). livenirvana.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  74. ^ “Best of The Word” (bằng tiếng Anh). Channel 4. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  75. ^ Sinclair, Tom (19 tháng 2 năm 1999). “Encore: Kurt and Courtney's wedding” [Encore: Đám cưới của Kurt và Courtney]. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  76. ^ Ali, Lorraine (2 tháng 2 năm 1998). 'From the Muddy Banks of the Wishkah' (review)” [Bài đánh giá 'From the Muddy Banks of the Wishkah']. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  77. ^ Cross 2001, tr. 208.
  78. ^ 'Top of the Pops' shows” [Những show diễn của 'Top of the Pops']. The Guardian (bằng tiếng Anh). 16 tháng 7 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  79. ^ Prato, Greg. “Live Tonight Sold Out – Nirvana”. allmusic.com (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  80. ^ “Winners of 1991” [Những người chiến thắng năm 1991]. Time (bằng tiếng Anh). 1 tháng 6 năm 1992. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  81. ^ “Sold on Song Top 100: 'Smells Like Teen Spirit' (bằng tiếng Anh). BBC. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2004. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.
  82. ^ “The Songs That Shaped Rock and Roll” [Những bài hát định hình rock and roll] (bằng tiếng Anh). Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  83. ^ “VH1: '100 Greatest Rock Songs': 1-50” [VH1: '100 bài hát rock vĩ đại nhất': 1-50] (bằng tiếng Anh). Rock On The Net. 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  84. ^ Angulo, Sandra P. (17 tháng 11 năm 2000). “News Summary: Lord Jim” [Tin vắn: Chúa tể Jim]. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  85. ^ Allen, Jamie (ngày 7 tháng 3 năm 2001). “New song list puts 'Rainbow' way up high” [Danh sách ca khúc mới đưa 'Rainbow' lên thứ hạng cao] (bằng tiếng Anh). CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.
  86. ^ “NME's 100 Greatest Singles of All Time Unveiled” [100 đĩa đơn vĩ đại nhất mọi thời đại của NME được tiết lộ]. NME (bằng tiếng Anh). 24 tháng 4 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2006.
  87. ^ “100 Greatest Singles of All Time” [100 đĩa đơn vĩ đại nhất mọi thời đại]. Kerrang! (bằng tiếng Anh). Acclaimedmusic.net. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  88. ^ “VH1's 100 Greatest Songs” [100 bài hát vĩ đại nhất của VH1]. CBS News (bằng tiếng Anh). CBS. ngày 10 tháng 6 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 6 năm 2003. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  89. ^ “U2's One named 'greatest record' ['One' của U2 được vinh danh là 'bản nhạc vĩ đại nhất'] (bằng tiếng Anh). BBC. ngày 18 tháng 11 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2004. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  90. ^ “Rolling Stone: 500 Greatest Songs of All Time: 1-50” [Rolling Stone: 500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại: 1-50]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). 15 tháng 9 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  91. ^ “Queen win 'best song ever' poll” [Queen chiến thắng cuộc bầu chọn 'ca khúc hay nhất từ trước đến nay]. NME (bằng tiếng Anh). 29 tháng 9 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  92. ^ “U2's 'One' Tops Nation's Favourite Song Lyric Poll” [Bài 'One' của U2 đứng đầu cuộc bầu chọn phần lời bài hát yêu thích của quốc gia] (bằng tiếng Anh). itv.com. 17 tháng 4 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  93. ^ “VH1′s 100 Greatest Songs Of The '90s: Not Enough Pavement” [100 bài hát hay nhất thập niên 90 của VH1: Chưa đủ để lát đường] (bằng tiếng Anh). Stereogum. 12 tháng 12 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  94. ^ “The 100 Greatest Guitar Songs of All Time” [100 bài hát soạn cho guitar vĩ đại nhất]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2008.
  95. ^ “Hottest 100 Of All Time 2009” [100 bài hát hấp dẫn nhất mọi thời đại (2009)]. Triple J (bằng tiếng Anh). 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2024.
  96. ^ “Hottest 100 of All Time 1991” [100 bài hát hấp dẫn nhất (1991)]. Triple J (bằng tiếng Anh). 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  97. ^ “Hottest 100 of All Time 1998” [100 bài hát hấp dẫn nhất (1998)]. Triple J (bằng tiếng Anh). 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  98. ^ “VH1′s 100 Greatest Hard Rock Songs” [100 bài hát hard rock vĩ đại nhất của VH1] (bằng tiếng Anh). Stereogum. 5 tháng 1 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  99. ^ Tyrangiel, Josh (13 tháng 11 năm 2006). “All-TIME 100 Albums: 'Nevermind' [100 album hay nhất mọi thời đại: 'Nevermind]. Time (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  100. ^ Suddath, Claire (21 tháng 10 năm 2011). “All-TIME 100 Songs: 'Smells Like Teen Spirit' [100 bài hát của mọi thời đại: 'Smells Like Teen Spirit']. Time (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  101. ^ “500 Greatest Songs of All Time: Nirvana, 'Smells Like Teen Spirit' [500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời: Nirvana, 'Smells Like Teen Spirit']. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  102. ^ Sheffield, Rob (28 tháng 8 năm 2019). “50 Best Songs of the Nineties” [50 bài hát hay nhất thập niên 90]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  103. ^ “NME's 100 Best Tracks Of The '90s” [100 bài hát hay nhất thập niên 90 của NME] (bằng tiếng Anh). Stereogum. 16 tháng 5 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  104. ^ Barker, Emily (31 tháng 1 năm 2014). “The 500 Greatest Songs Of All Time: 'Smells Like Teen Spirit' [500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời: 'Smells Like Teen Spirit']. NME (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  105. ^ Loudermilk, Lauren (24 tháng 9 năm 2015). 'Smells Like Teen Spirit' Named the Most Iconic Song Ever by Science” ['Smells Like Teen Spirit' được giới khoa học vinh danh là bài hát biểu tượng nhất từ trước đến nay]. Paste (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  106. ^ “Nirvana”. Grammy.com (bằng tiếng Anh). Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia. 19 tháng 11 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  107. ^ Michaels, Sean (7 tháng 12 năm 2011). “Nirvana's Smells Like Teen Spirit to be re-released for Christmas” ['Smells Like Teen Spirit' của Nirvana dự kiến được tái phát hành vào dịp Giáng Sinh]. The Guardian (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  108. ^ Murphy, Lauren (ngày 9 tháng 12 năm 2011). “Push is on for Christmas No 1” [Đẩy mạnh bài lên ngôi quán quân mùa Giáng Sinh]. The Irish Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  109. ^ Sexton, Paul (27 tháng 12 năm 2011). “Michael Buble, Military Wives Top U.K. Charts” [Michael Buble, Military Wives đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc ở khối Liên hiệp Anh]. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  110. ^ a b Trapp, Philip (14 tháng 1 năm 2020). “Nirvana Were the Most-Played Band of the Decade on Rock Radio” [Nirvana là ban nhạc được phát nhiều nhất thập kỷ trên đài phát thanh nhạc rock]. Loudwire (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  111. ^ Schaffner, Lauryn (28 tháng 6 năm 2021). “Nirvana's Smells Like Teen Spirit Has Hit 1 Billion Streams On Spotify” ['Smells Like Teen Spirit' đã cán mốc một tỷ lượt stream trên Spotify]. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  112. ^ Rolli, Bryan (29 tháng 6 năm 2021). “Nirvana's 'Smells Like Teen Spirit' Surpasses 1 Billion Spotify Streams” ['Smells Like Teen Spirit' của Nirvana đã vượt mốc một tỷ lượt stream trên Spotify]. Forbes (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  113. ^ “Life without Kurt” [Cuộc sống thiếu vắng Kurt]. Canoe.com (bằng tiếng Anh). 5 tháng 4 năm 1996. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2001. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  114. ^ “Weird Al Yankovic Dishes On James Blunt, Discusses His Role As the Whitest, Nerdiest Rock Star Ever” [Weird Al Yankovic chê bai James Blunt, bàn luận về vai trò là ngôi sao nhạc rock da trắng nhất và ngớ ngẩn nhất từ trước đến giờ]. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). 19 tháng 9 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  115. ^ Gallo, Phil (10 tháng 10 năm 2011). 'Muppets' Movie Soundtrack Features Feist, Flight of the Conchords, Andrew Bird” [Soundtrack của phim điện ảnh 'Muppets' có sự góp mặt của Feist, Flight of the Conchords, Andrew Bird]. The Hollywood Reporter (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  116. ^ Funk, Allie (9 tháng 10 năm 2015). “So About That Nirvana Song In 'Pan'...” [Vậy về bài hát ấy của Nirvana trong 'Pan'...]. Bustle.com (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2024.
  117. ^ Carter, Emily (1 tháng 7 năm 2021). “Marvel's Black Widow Opens with "Dark, Dramatic" Cover of Nirvana's 'Smells Like Teen Spirit' [Phim 'Góa phụ đen' của Marvel mở đầu bằng bản cover "u tối và kịch tính" bài 'Smells Like Teen Spirit' của Nirvana]. Kerrang! (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2024.
  118. ^ Nevermind (CD liner notes). Nirvana. DGC. 1991.Quản lý CS1: khác (liên kết)
  119. ^ "Australian-charts.com – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Anh). ARIA Top 50 Singles. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  120. ^ “ARIA Top 20 Alternative Charts”. ARIA Report (105): 11. 26 tháng 1 năm 1992. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2021.
  121. ^ "Austriancharts.at – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Đức). Ö3 Austria Top 40. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  122. ^ “Top Ten Sales in Europe” (PDF). Music & Media: 18. 1 tháng 2 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2018.
  123. ^ "Ultratop.be – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop 50. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  124. ^ “Radio2 top 30: 25 January 1992” (bằng tiếng Hà Lan). Radio 2. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2023.
  125. ^ “Los mas populares discos en Latinoamerica”. El Siglo de Torreón. UPI. 13 tháng 3 năm 1992. tr. 57. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
  126. ^ “Los mas populares discos en Latinoamerica”. El Siglo de Torreón. UPI. 27 tháng 3 năm 1992. tr. 51. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
  127. ^ "Top RPM Singles: Tài liệu số 2060." RPM (bằng tiếng Anh). Library and Archives Canada. Truy cập 5 tháng 11 năm 2016.
  128. ^ “Contemporary Album Radio”. The Record: 7. 3 tháng 2 năm 1992. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2023.
  129. ^ “ANR-Hitlisten, artistside, Nirvana”. anrhitlisten.dk. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2019. Chart was then based on physical sales
  130. ^ “Hits of the World” (PDF). Billboard: 39. 7 tháng 3 năm 1992. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2018.
  131. ^ “Eurochart Hot 100 Singles” (PDF). Music & Media: 19. 22 tháng 2 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2018.
  132. ^ “M & M Charts Airplay EHR Top 40” (PDF). Music & Media: 39. 29 tháng 2 năm 1992. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2019.
  133. ^ “Top Ten Sales in Europe” (PDF). Music & Media: 26. 21 tháng 3 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2019.
  134. ^ “Top Ten Sales in Europe” (PDF). Music & Media: 22. 14 tháng 3 năm 1992. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2019.
  135. ^ Pennanen, Timo (2006). Sisältää hitin: levyt ja esittäjät Suomen musiikkilistoilla vuodesta 1972 Lưu trữ 2016-07-29 tại Wayback Machine. Otava Publishing Company Ltd. ISBN 951-1-21053-X.
  136. ^ "Lescharts.com – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Pháp). Les classement single. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  137. ^ "Musicline.de – Nirvana Single-Chartverfolgung" (bằng tiếng Đức). Media Control Charts. PhonoNet GmbH. Truy cập 13 tháng 2 năm 2019.
  138. ^ "The Irish Charts – Search Results – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Anh). Irish Singles Chart. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  139. ^ a b “Hits of the World” (PDF). Billboard: 59. 21 tháng 3 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021.
  140. ^ "Nederlandse Top 40 – Nirvana" (bằng tiếng Hà Lan). Dutch Top 40. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  141. ^ "Dutchcharts.nl – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Hà Lan). Single Top 100. Truy cập 23 tháng 10 năm 2015.
  142. ^ "Charts.nz – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Anh). Top 40 Singles. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  143. ^ "Norwegiancharts.com – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Anh). VG-lista. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  144. ^ “Top 10 Sales in Europe” (PDF). Music & Media: 18. 27 tháng 9 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2018.
  145. ^ "Swedishcharts.com – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Anh). Singles Top 100. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  146. ^ "Swisscharts.com – Nirvana – Smells Like Teen Spirit" (bằng tiếng Thụy Sĩ). Swiss Singles Chart. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  147. ^
  148. ^ *“Charts”. Melody Maker. MRIB. 7 tháng 12 năm 1991. tr. 26. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2022.
  149. ^ "Nirvana: Artist Chart History" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  150. ^ “Top 50 Airplay Chart” (PDF). Music Week. ERA (Entertainment Retailers Association). 14 tháng 12 năm 1991. tr. 16. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 20 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2023.
  151. ^ "Nirvana Chart History (Hot 100)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  152. ^ "Nirvana Chart History (Alternative Songs)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  153. ^ "Nirvana Chart History (Dance Club Songs)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  154. ^ "Nirvana Chart History (Mainstream Rock)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 21 tháng 2 năm 2021.
  155. ^ “Cash Box Charts – Top 100 Pop Singles” (PDF). Cashbox: 4. 15 tháng 2 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2019.
  156. ^ “CHR – Songs Reaching Top 15 in 1992” (PDF). Radio & Records. Radio & Records: 46. 11 tháng 12 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2019.
  157. ^ “AOR Tracks” (PDF). Radio & Records. Radio & Records: 64. 10 tháng 1 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2019.
  158. ^ “AOR Tracks – Songs Reaching Top 15 in 1992” (PDF). Radio & Records. Radio & Records: 50. 11 tháng 12 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2019.
  159. ^ "Nirvana Chart History (Global 200)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 3 tháng 12 năm 2021.
  160. ^ "Nirvana Chart History (Hot Rock Songs)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 5 tháng 10 năm 2021.
  161. ^ “ARIA Top 50 Singles for 1992”. The Australian Recording Industry Association. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
  162. ^ “Jaaroverzichten 1992” (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop 50. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
  163. ^ “The RPM Top 100 Hit Tracks of 1992” (PDF). RPM. 56 (25): 8. 19 tháng 12 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2019.
  164. ^ “1992 Year-End Sales Charts – Eurochart Hot 100 Singles 1992” (PDF). Music & Media: 17. 19 tháng 12 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2018.
  165. ^ “Top 100 Single–Jahrescharts 1992” (bằng tiếng Đức). Media Control Charts. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
  166. ^ “Top 100–Jaaroverzicht van 1992”. Dutch Top 40. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
  167. ^ “Jaaroverzichten – Single 1992”. Single Top 100. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2015.
  168. ^ “Top Selling Singles of 1992”. Recorded Music NZ. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
  169. ^ “AOR Tracks – The Top 92 of 1992” (PDF). Radio & Records. Radio & Records: 49. 11 tháng 12 năm 1992. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2019.
  170. ^ “UK Charts Plus – End of Year Charts: 2011” (PDF). ukchartsplus.co.uk. UKChartsPlus. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2018.
  171. ^ “Billboard Global 200 – Year-End 2021”. Billboard. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
  172. ^ “Top 1000 Singles + EPs Digitais: Semanas 01 a 52 de 2021” (PDF) (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Associação Fonográfica Portuguesa. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2022.
  173. ^ “Billboard Global 200 – Year-End 2022”. Billboard. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2022.
  174. ^ “Billboard Global 200 – Year-End 2023”. Billboard. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2023.
  175. ^ “Year-End Music Report Canada 2019” (PDF). 9 tháng 1 năm 2020. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2020.
  176. ^ “ARIA Charts – Accreditations – 2024 Singles” (PDF) (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2024.
  177. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Brasil – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Pro-Música Brasil. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2024.
  178. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Canada – Nirvana” (bằng tiếng Anh). Music Canada. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2022.
  179. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Đan Mạch – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (bằng tiếng Đan Mạch). IFPI Đan Mạch. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2021.
  180. ^ “Gold-/Platin-Datenbank (Nirvana; 'Smells Like Teen Spirit')” (bằng tiếng Đức). Bundesverband Musikindustrie. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2018.
  181. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Ý – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (bằng tiếng Ý). Federazione Industria Musicale Italiana. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2023.
  182. ^ “Chứng nhận đĩa đơn New Zealand – Nirvana – Smells Like Teen Spitit” (bằng tiếng Anh). Recorded Music NZ. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.[liên kết hỏng]
  183. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Bồ Đào Nha – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (PDF) (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Associação Fonográfica Portuguesa. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2022.
  184. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Tây Ban Nha – Nirvana – Smells Like Teen Spirit”. El portal de Música. Productores de Música de España. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  185. ^ “Swedish single certifications – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (bằng tiếng Thụy Điển). Swedish Recording Industry Association. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2015.
  186. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Anh Quốc – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (bằng tiếng Anh). British Phonographic Industry. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  187. ^ a b “Chứng nhận đĩa đơn Hoa Kỳ – Nirvana – Smells Like Teen Spirit” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ.
  188. ^ “Nielsen SoundScan charts – Digital Songs – Week Ending: 09/28/2017” (PDF). Nielsen SoundScan. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2017.
  189. ^ “Chứng nhận đĩa đơn Đan Mạch – Nirvana – Smells Like Teen Spirit (Streaming)” (bằng tiếng Đan Mạch). IFPI Đan Mạch. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2021.
  190. ^ “IFPI Charts – Digital Singles Chart (International) – Εβδομάδα: 15/2022” (bằng tiếng Hy Lạp). IFPI Hy Lạp. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2022.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Sơ lược lịch sử đầy chính trị của Phở
Sơ lược lịch sử đầy chính trị của Phở
Phở đã trở nên gần gũi với Văn hóa Việt Nam tới mức người ta đã dùng nó như một ẩn dụ trong các mối quan hệ tình cảm
Cung mệnh và chòm sao của Kaveh - Genshin Impact
Cung mệnh và chòm sao của Kaveh - Genshin Impact
Hiện tại thì cả tên cung mệnh lẫn tên banner của Kaveh đều có liên quan đến thiên đường/bầu trời, tên banner lão là 天穹の鏡 (Thiên Khung chi Kính), bản Việt là Lăng kính vòm trời, bản Anh là Empryean Reflection (Heavenly reflection
Mối liên hệ giữa Attack on Titan và Thần Thoại Bắc Âu
Mối liên hệ giữa Attack on Titan và Thần Thoại Bắc Âu
Hôm nay mình sẽ bàn về những mối liên hệ mật thiết giữa AoT và Thần Thoại Bắc Âu nhé, vì hình tượng các Titan cũng như thế giới của nó là cảm hứng lấy từ Thần Thoại Bắc Âu
Giới thiệu sách: Phi lý trí - Dan Ariely
Giới thiệu sách: Phi lý trí - Dan Ariely
Cuốn sách Phi Lý Trí - tác giả Dan Ariely là một cuốn sách mô tả những hành vi phi lý trí trong mỗi quyết định của con người