Wilhelm xứ Baden | |||||
---|---|---|---|---|---|
Thông tin chung | |||||
Sinh | Karlsruhe, Đại Công quốc Baden | 18 tháng 12 năm 1829||||
Mất | 27 tháng 4 năm 1897 Karlsruhe, Đại Công quốc Baden | (67 tuổi)||||
An táng | Nhà nguyện Hầm mộ Đại Công quốc, Fasanengarten, Karlsruhe, Baden-Württemberg | ||||
Phu nhân |
| ||||
Hậu duệ |
| ||||
| |||||
Gia tộc | Nhà Zähringen | ||||
Thân phụ | Leopold, Đại công tước xứ Baden | ||||
Thân mẫu | Sofia Wilhelmina của Thụy Điển | ||||
Tôn giáo | Kháng Cách |
Ludwig Wilhelm August von Baden[1][2][3] (18 tháng 12 năm 1829[1][2][3]– 27 tháng 4 năm 1897[1][2][3]) là một tướng lĩnh và chính trị gia Phổ.[3] Ông đã tham gia trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (1870 – 1871), đánh chiếm Dijon từ tay quân Pháp trong một trận đánh quyết liệt và tham gia chỉ huy quân đội Phổ trong trận đánh ác liệt ở Nuits Saint Georges, nơi quân Pháp bị đánh bại.[4].[5] Ông là cha của Maximilian xứ Baden, vị Thủ tướng cuối cùng của Vương quốc Phổ đồng thời của Đế quốc Đức. Wilhelm cũng là một Hoàng thân xứ Baden và là một thành viên nhà Zähringen.[1][2]
Wilhelm đã chào đời tại Karlsruhe, Đại Công quốc Baden, vào ngày 18 tháng 12 năm 1829, là con thứ năm và người con trai còn sống thứ ba của Leopold, Đại công tước xứ Baden, và người vợ của ông này là Sofia Wilhelmina của Thụy Điển.[1][2][3] Thông qua cha mình, Wilhelm là cháu trai của Karl Friedrich, Đại Công tước xứ Baden và vợ ông này là Nữ Nam tước Louise Caroline Geyer xứ Geyersberg; và thông qua mẹ mình, ông là cháu của vua Gustav IV Adolf của Thụy Điển và Vương hậu Frederica xứ Baden.[1][2]
Wilhelm là người anh em của Alexandrine, Công tước phu nhân xứ Sachsen-Coburg-Gotha, Ludwig II, Đại công tước xứ Baden, Friedrich I, Đại công tước xứ Baden, Hoàng thân Karl xứ Baden, Marie, Công nương Ernest xứ Leiningen, và Đại Công nương Olga Feodorovna của Nga.[1][2]
Trong thời gian phục vụ ngắn ngủi của mình trong Đạo quân Liên minh Baden (tiếng Đức: Baden Bundescontingente), Wilhelm được phong quân hàm Thiếu úy năm 1847 và Trung úy năm 1849.[3] Từ năm 1849 cho đến năm 1850, ông phục vụ với cấp bậc Trung úy trong Trung đoàn Bộ binh Cận vệ số 1 (tiếng Đức: 1. Garde-Regiment zu Fuß), một trung đoàn bộ binh của Quân đội Hoàng gia Phổ.[3][6] Wilhelm được nhận nền giáo dục chính thức của mình trong lực lượng quân đội Phổ.[7] Từ năm 1856, Wilhelm phục vụ trong Trung đoàn Pháo binh Cận vệ (tiếng Đức: Gardeartillerie) với quân hàm Thiếu tá, rồi trở thành Thiếu tướng và Tư lệnh cuối cùng của Trung đoàn Pháo binh Cận vệ (tiếng Đức: Gardeartilleriebrigade).[3] Wilhelm rời khỏi quân ngũ Phổ vào năm 1863 với quân hàm Trung tướng, không lâu trước khi ông thành hôn với Công nương Maria xứ Leuchtenberg.[3][7]
Vào năm 1866, trong cuộc Chiến tranh Bảy tuần giữa Vương quốc Phổ và Đế quốc Áo, Wilhelm được giao quyền chỉ huy Sư đoàn Baden của Quân đoàn Liên minh VIII (tiếng Đức: 8. Bundeskorps) đứng về phía Liên minh các quốc gia Đức do Áo lãnh đạo.[3][6][8][9] Quân đoàn Liên minh VIII bắt đầu tan rã vào ngày 30 tháng 7 năm 1866 khi Wilhelm gửi một lá cờ đình chiến kèm theo một bức thư đến tổng hành dinh của quân đội Phổ tại Marktheidenfeld.[10] Bức thư này cho biết rằng thân phụ của Wilhelm, Đại Công tước Leopold xứ Baden, đã tiến hành đàm phán trực tiếp với Quốc vương Wilhelm I của Phổ và Wilhelm I cho phép các lực lượng Baden được trở về quê nhà.[10]
Ngay sau khi cuộc Chiến tranh Bảy tuần chấm dứt, Wilhelm cải cách quân đội Baden dựa trên khuôn mẫu của Phổ.[7] Wilhelm và Hoàng thân August xứ Württemberg là hai vương hầu miền Nam Đức đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành một liên minh giữa các quốc gia miền Bắc và Nam Đức.[7][8] Vào ngày 22 tháng 9 năm 1868, Wilhelm tuyên bố từ chức chỉ huy các lực lượng của Công quốc Baden và được thay thế bởi tướng Beza.[11]
Trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (1870 – 1871), Wilhelm nắm quyền chỉ huy Lữ đoàn Baden số một trong quân đoàn của tướng Phổ Karl August von Werder.[3][6] Vào ngày 27 tháng 10 năm 1870, ông đánh cho một đạo quân Pháp đại bại trong trận Gray, mang lại nhiều thiệt hại cho quân Pháp. Vào ngày 30 tháng 10 năm 1870, ông và tướng Phổ Gustav Friedrich von Beyer phát động cuộc tấn công Dijon.[5][12] Người Pháp đã vận chuyển 1 vạn quân đến Dijon bằng đường sắt và các công dân Dijon, trong đó có cả phụ nữ, đã tham gia phòng ngự thành phố trước đợt tấn công của quân đội Đức.[5] Trước sự kháng cự quyết liệt của quân Pháp, quân Đức chịu thương vong cao, tuy nhiên, theo ghi nhận của nhà sử học Gustave Louis Maurice Strauss, đội quân do Wilhelm chỉ huy đã đánh chiếm cao điểm St. Apollinari một cách dũng mãnh, và chiếm đóng vùng phụ cận. Từ đây, người Đức cuối cùng đã mở được lối vào thị trấn, "nơi những cuộc giao chiến khốc liệt diễn ra từ chiến lũy này đến chiến lũy khác và từ ngôi nhà này đến ngôi nhà khác cho đến nửa đêm." Vào buổi sáng ngày 31 tháng 10 năm 1870, thủ phủ cũ của xứ Bourgogne đã chính thức đầu hàng quân đội Đức, và đây là một đòn giáng vào tinh thần quân Pháp.[5]
Quân đội Đức chiếm giữa Dijon cho đến giữa tháng 12, khi tướng Werder trở nên lo sợ về một cuộc tập kết của quân đội Pháp ở phía trước ông, và ông quyết định thám sát. Trước tình hình đó, vào ngày 18 tháng 12 năm 1870, các lữ đoàn Baden số 1 và số 2 của Đức dưới quyền tướng Adolf von Glümer và Vương công Wilhelm đã tiến về Beaune, và tại thị trấn Nuits Saint Georges, họ lâm chiến với một lực lượng hùng mạnh của Pháp do tướng Camille Cremer chỉ huy. Sau một cuộc giao tranh khốc liệt kéo dài 5 tiếng đồng hồ, quân Đức đã đột chiếm được vị trí phòng ngự của quân Pháp ở Nuits, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Quân Đức cũng bị tổn thất lớn, trong đó Hoàng thân Wilhelm bị thương ở má.[3][6][13][14][15][16]
Vào năm 1895, Kaiser Wilhelm II phong ông làm à la suite của Trung đoàn Phóng lựu (tiếng Đức: Leibgrenadierregimentes), nhân dịp kỷ niệm 25 năm Trận Nuits-Saint-Georges.[3] Đồng thời, Wilhelm II cũng tặng thưởng cho ông Huân chương Quân công (Pour le Mérite), huân chương quân sự cao quý nhất của Vương quốc Phổ.[3]
Cấp bậc cuối cùng của Wilhelm trong quân đội Phổ là Thượng tướng Bộ binh.[3]
Từ khi còn trẻ, Wilhelm đã giữ một ghế trong Viện thứ nhất của Nghị viện Đại Công quốc Baden.[3] Từ năm 1871 cho đến năm 1873, Wilhelm là đại biểu của Baden trong Quốc hội Đế quốc Đức, trong đó ông là một thành viên của Đảng Đế quốc Đức (tiếng Đức: Deutsche Reichspartei) (còn được biết đến với tên gọi là Đảng Bảo thủ Tự do).[3]
Wilhelm đã kết hôn với Công nương Maria Maximilianovna xứ Leuchtenberg, Công nương Romanovskaja, người con gái còn sống lớn nhất của Maximilian de Beauharnais, Công tước thứ 3 xứ Leuchtenberg và vợ của ông này là Đại Công nương Maria Nikolaevna của Nga, vào ngày 11 tháng 2 năm 1863 tại Sankt-Peterburg, kinh đô của Đế quốc Nga.[1][2][3][6] Sau khi hay tin về cuộc hôn nhân, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã gửi một bức điện đến người anh trai của Wilhelm là Friedrich I, Đại công tước xứ Baden, trong đó Lincoln tuyên bố: "Tôi bị lôi cuốn vào niềm mãn nguyện do sự kiện hạnh phúc này tạo ra và cầu xin Điện hạ chấp thuận những lời chúc chân thành nhất của tôi về dịp này cùng với những cam đoan về sự quan tâm cao quý nhất của tôi."[17] Trước cuộc hôn nhân, Wilhelm đã đến Anh như một người cầu hôn tiềm tàng của Vương nữ Mary Adelaide xứ Cambridge.[18][19]
Wilhelm và Maria có hai người con:[1][2]
Sau vụ phế truất vua Othon I của Hy Lạp và cuộc trưng cầu dân ý về nguyên thủ quốc gia Hy Lạp năm 1862, Wilhelm được vua Wilhelm I của Phổ và Thủ tướng Otto von Bismarck nhìn nhận là một ứng viên cho ngai vàng của Hy Lạp.[20][21][22] Vai trò ứng cử viên sáng giá nhất cho ngai vàng Hy Lạp của Đế quốc Nga hay thay đổi bất thường giữa Nicholas de Beauharnais, Công tước thứ tư của Leuchtenberg và Wilhelm, anh rể của ông này.[21] Là một ứng cử viên đầy tiềm năng, Wilhelm không đòi hỏi gia đình vua Otto tại Vương quốc Bayern phải từ bỏ những quyền lợi của họ đối với ngai vàng Hy Lạp. Theo thời báo New York Times, việc mua trái phiếu Hy Lạp tại Luân Đôn trong thời gian đó là hệ quả của một bản thông báo rằng Wilhelm đã chính thức được đề cử làm người kế thừa ngai vàng Hy Lạp.[22]
Wilhelm đã tham dự lễ khai mạc tượng đài Martin Luther tại Worms vào ngày 27 tháng 6 năm 1868.[23]
Sau khi người anh rể của ông là Công tước Ernst II xứ Sachsen-Coburg và Gotha từ trần, Wilhelm tới Lâu đài Reinhardsbrunn vào ngày 23 tháng 8 năm 1893 để viếng thăm người chị góa chồng của ông là Alexandrine và chào mừng người thừa kế của Công tước là Vương tử Alfred, Công tước xứ Edinburgh.[24] Ông đã tham dự lễ an táng và chôn cất Công tước Ernst II tại Coburg vào ngày 28 tháng 8 năm 1893.[25][26]
Wilhelm tạ thế tại Karlsruhe vào ngày 27 tháng 4 năm 1897, hưởng thọ 67 tuổi.[1][2][3] Ông được mai táng tại Nhà nguyện Hầm mộ Đại Công quốc (tiếng Đức: Großherzogliche Grabkapelle) ở Fasanengarten tại Karlsruhe.
|publisher=
(trợ giúp)